Tin Việt Nam – 02/09/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 02/09/2017

Tổng Trọng, Chủ Quang So Cựa

Vi Anh

Sau hơn một tháng tuyệt tích giang hồ, với qua nhiều đồn đoán, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang hôm 28/8 tái xuất hiện trên truyền thông Nhà Nước CSVN. Chủ Quang tiếp Đại sứ Cuba mãn nhiệm kỳ và tiếp lu bù nhiều quốc khách. Nhiều dấu chỉ cho thấy công cuộc dọn đường để độc diễn chức Tổng bí Thư của Tổng bí Thư Nguyễn phú Trọng kỳ này bị cái mô của Chủ Quang  nên gập ghềnh hơn khi dùng đại hội đảng ép Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng rút lui để Tổng Trọng độc diễn. Tổng Trọng – Chủ Quang bắt đầu so cựa.

Cả hơn một tháng nay trong chế độ CSVN ì xèo tin vắng mặt khó hiểu của Chủ Tịch Nước Trần đại Quang. Nào tin đồn đoán Chủ Tịch Quang đi Nhựt trị bịnh. Nào Phủ Chủ Tịch bất ngờ huỷ cuộc viếng thăm của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã lên lịch. Nào năm nay 2/9 của CSVN không có đặc xá theo truyền thống vì ai cũng biết nhưng Đảng Nhà Nước kẹt không nói ra vì Chủ Tịch Quang vắng chưa ký lịnh mà Bà Phó Đặng thị Ngọc Thịnh không dám ký vì sợ trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết uổng mạng. Nào web của chánh phủ loan tải một bài viết chống Internet, mang tên Chủ Tịch Quang mà  không có hình. Nhiều người nói bài ấy là bài cũ của Chủ Tịch Quang hồi năm ngoái. Vì thế trang mạng nói về Chủ Tịch Quang nhiều người vào khiến Chủ Tịch Quang trở thành cây đinh của thời sự. Một cây đinh mà Tổng Trọng quyết nhổ để Tổng Trọng độc diễn một lần nữa.

Và cũng rầm rộ tin mật vụ CSVN bắt cóc Trịnh xuân Thanh từ Đức về VN tạo căng thẳng ngoại giao với Đức, để chứng tỏ khả năng Tổng Trọng bài trừ tham nhũng. Thêm tin Tổng bí Thư Nguyễn phú Trọng công  du Nam Dương và Miến Điện, lấn quyền Chủ Tịch Nước được phân quyền như quốc trưởng đại diện ngoại giao cho VNCS trong tam đầu chế CSVN.

Không khó hiểu tại sao người Việt trong ngoài nước rất đông xem thông tin, nghị luận về Chủ Tịch Quang như vậy. Người dân Việt, người thì  trù mạt CSVN, vái trời cho CS chết một con nhòn một mũi. Người thì mong cho những tay đầu sỏ của CSVN tranh giành ngôi báu, CS ‘thịt’ với nhau coi chơi. Còn đảng viên CS, phe CS Bắc Việt thủ cựu thân TC của Nguyễn phú Trọng coi Tổng Trọng có triệt được đối thủ để độc diễn, “hy sinh phục vụ’ thêm nửa nhiệm kỳ nữa hay không. Phe Nam kỳ chủ trương đổi mới kinh tế, xích lại gần Mỹ theo sát coi Tổng Trọng có thể độc diễn một lần nữa như thời Tổng Trọng hồi dương liệt lão này dùng đảng quyền triệt đối thủ Nguyễn tấn Dũng.

Nhiều dấu chỉ cho thấy Tổng Trọng đang triệt hạ một số đối thủ để độc diễn nữa. Cách làm của Tổng Trọng trong kỳ này là quét sạch đối thủ trước, theo  kiểu thắng làm vua, thua phải đi trị bịnh. Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính Trị, thường trực Ban Bí Thư, bị đi trị bịnh; Tổng Trọng cho Trần Quốc Vượng, ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng ban tổ chức trung ương thân với Trọng thay thế. Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang cũng thế có tin đi Nhựt trị bịnh.

Giữa tình hình vàng thau lẫn lộn đó được các trang mạng xã hội của thời đại Tin Học đưa thông tin, nghị luận nhanh như ánh sáng. Thì một tờ báo lớn cuả Nhựt tờ Nikkei Asian Review hôm 25/8, đưa tin Chủ Tịch Trần đại Quang không có ở bên Nhựt. Báo này có bài bình luận đặc biệt về sự vắng bóng kỳ lạ của Chủ tịch Trần Đại Quang và những biến động chính trị bất thường của Việt Nam thời gian gần đây. Việc ông Trần Đại Quang không xuất hiện trước công chúng trong gần một tháng không kèm bất kỳ lời giải thích nào từ phía chính phủ, đã làm dấy lên lo ngại, thậm chí là tranh cãi về cuộc đấu tranh quyền lực tại nước này, giữa Tổng Trọng trên nguyên tắc sẽ phải từ chức vào năm tới và những đối thủ là hai người có tiềm năng là Đinh thế Huynh và Trần đại Quang.

Đảng CS là một tổ chức bế tắc, không giải quyết mâu thuẫn bằng thoả hiệp. Mà giải quyết theo qui luật địch và ta, ai thắng ai, một mất một còn.

Sau đó có tin như trên, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang hôm 28/8 tái xuất hiện trên truyền thông Nhà Nước CSVN. Tức là, Tổng Trọng không hay chưa loại được Chủ Quang, mà đằng sau là cả một bộ công an đang nắm an ninh, trật tự trong chế độ CSVN là chế độ cảnh sát trị. Chủ Quang là Bô Trưởng Công an lâu đời, đương kiêm Bộ Trưởng Công an Tô Lâm là Thứ Trưởng của Ô Quang rất lâu.

Âm mưu cô lập Chủ Quang của Tổng Trọng này rất phù hợp với đường lối tăng cường chống Mỹ của Chủ Tịch Tập cận Bình trong thời TT Trump. Chủ Tịch Trần đại Quang là người được TT Trump gởi quốc thư mời sang công du Mỹ. Thủ Tướng Nguyễn xuân Phúc cũng thế. TT Trump còn hứa sẽ tham dự APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh Tế Châu Á)  họp ở Đà nẵng và nhơn dịp này sẽ thăm viếng Viêt Nam vào tháng 11 năm nay.

78% dân chúng VN có cái nhìn thiện cảm và tích cực về Mỹ, muốn nhà cầm quyền xích lại gần Mỹ để có thể thoát Trung về kinh tế và giải toả áp lực TC xâm lấn biển đảo VN, áp chế chủ quyền và độc lập của quốc gia dân tộc VN.

Quân đội CSVN cũng kín đáo hướng về Mỹ, hợp tác quân sự với Mỹ để cứu nước là nhiệm vụ căn bản của quân đội. Các giới chức thẩm quyền quân đội Mỹ và VN thân thiện và muốn giúp đỡ nhau. Số chiến hạm Mỹ vào viếng thăm, làm công tác dân sự vụ, huấn luyện cứu nạn, tuần duyên rất nhiều lần. Hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ đến VN năm tới. Còn Nhà Nước CSVN thì tỏ ra đi nước đôi, lập trường về Biển Đông gần với Mỹ. Mỹ đang cần một số nước liên minh với Mỹ để ngăn cản TC bành trướng, tranh giành thế hải thượng của Mỹ ở Á châu Thái bình dương, muốn khống chế Biển Đông, gây trở ngại tự do hàng hải là quyền lợi cốt lõi của Mỹ. Trong đó, Nhựt ở Đông Bắc và VN ở Đông Nam Thái

bình dương, là hai nước có kinh nghiệm già dặn chiến đấu chống quân Tàu, có quân đội hùng mạnh TC không thể coi thường.

Thêm vào đó vị trí địa lý chiến lược của VN là một bán đảo nằm trên hành lang của con đường hàng hải huyết mạch của Mỹ qua lại Á châu và Ấn độ dương. Chuyến công du của TT Phúc được TT Trump đối xử thân thiện, Mỹ phát triển hợp tác toàn diện, giúp VN về an ninh hàng hải.

Trên đường về ghé Nhựt, đồng minh thân cận với Mỹ, Nhựt giúp cho một gói đầu tư 30 tỷ và một số tàu tuần tra cận duyên. Ngoại Trưởng Phạm bình Minh vận động thành công đưa vấn đề TC tranh chấp Biển Đông  với lời lẽ cứng rắn vào thông cáo chung của Hội Nghị Ngoại Trưởng của ASEAN. Ngoại Trưởng TC tức giận huỷ cuộc gặp gỡ với Ngoại Trưởng VN.

Thiết nghĩ ở đời mưu thâm thì họa diệc thâm. Chủ Tịch Trần đại Quang là Bộ Trưởng Công an nhiều năm thời Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng, dứt khoát đàn em, tay chân bộ hạ hẳn có nhiều trong lực lượng công an. Đương kiêm Bộ Trưởng Công an Tô Lâm là thứ trưởng của Bộ trưởng Trần đại Quang nhiều năm. Công an là lực lượng canh gác các cơ quan công quyền, đảng quyền trong thành phố và thủ đô. Quan đội thường ở ngoại ô. Chủ Tịch Trần đại Quang có thể vận động một cuộc đảo chánh đảng quyền không khó. Chỉ cần một tiểu đoàn đến gọi là bảo vệ an ninh cho Bộ chánh trị, nội bất xuất, ngoại bất nhập thì Tổng Trọng bị cô lập, trở thành tội nhân của cuộc cách mạng cung đình CS, đối với dân là tội đồ thông đồng với quân Tàu để mãi quốc cầu vinh./.(VA)

https://vietbao.com/p123a271701/tong-trong-chu-quang-so-cua

 

Điều gì đang diễn ra ở nông thôn Việt Nam?

Luật sư Ngô Ngọc TraiGửi tới BBC Tiếng Việt từ Hà Nội

Năm 1959 Quốc hội Việt Nam ban hành một Nghị quyết về Hợp tác hóa nông nghiệp, đưa toàn bộ nông dân miền Bắc vào canh tác tập thể trong các Hợp tác xã nông nghiệp theo phương thức canh tác chung và chia lợi nhuận cho xã viên.

Đây là chính sách cải tạo nông nghiệp theo đường hướng xây dựng kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa.

Đến năm 1988 Bộ chính trị Trung ương đảng cộng sản đã ban hành một nghị quyết số 10 về đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp, về sau thường được gọi là chính sách khoán 10. Trong đó có ý chính là khôi phục lại kinh tế hộ gia đình, giao khoán sản phẩm nông nghiệp cho hộ nông dân.

Theo đó nhà nước sẽ giao lại đất canh tác cho các hộ và sẽ nhận lại một phần thành quả lao động, phần còn lại các hộ gia đình được sử dụng và bán đổi ra thị trường.

Đến năm 1993 khi đã thấy được hiệu quả canh tác của hộ gia đình, nhà nước đã tiến hành chia toàn bộ ruộng của các hợp tác xã nông nghiệp cho người dân theo đầu nhân khẩu, ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, bình quân mỗi đầu người được chia từ 1,5 sào đến 2 sào, mỗi sào Bắc Bộ 360 mét vuông.

Các hợp tác xã tuy vẫn còn nhưng không còn kiểu làm chung và chia sản phẩm như trước nữa, hợp tác xã nông nghiệp chuyển sang vai trò cung ứng các vật tư nông nghiệp cho nông dân và bao tiêu sản phẩm.

Dân Đồng Tâm đối đầu với công an

VN: chính sách đất khiến dân phải sống nghèo?

Từ vụ Đồng Tâm, nghĩ về quá khứ và tương lai

Thời hạn giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64 năm 1993 của Chính phủ chỉ có thời hạn là 20 năm, đến năm 2013 là hết thời hạn, đúng ra người dân phải giao trả lại ruộng cho nhà nước. Nhưng sau khi cân nhắc tính toán, thấy việc thu về để rồi phân chia lại sẽ gây xáo trộn mất ổn định lớn, cho nên Nhà nước quyết định giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất và kéo dài thời gian sử dụng cho người dân lên 50 năm. Luật đất đai năm 2013 đã ấn định chính sách này cho cả nước.

Việc ngăn cấm người dân chuyển đổi mục đích sử đụng đất đang là bất cập lớn nhất trong chính sách quản lý đất đai hiện nay

Quá trình chia ruộng trước đây, để đảm bảo công bằng cho nên mỗi gia đình được phân chia một khoảnh nhỏ tại mỗi xứ đồng khác nhau theo từng đơn vị thôn xóm, dẫn đến manh mún, nhỏ lẻ không thuận lợi cho việc canh tác.

Từ dăm bảy năm trở lại đây nhiều nơi trên cả nước đã tiến hành dồn điền đổi thửa, dồn ô đổi ruộng, để tập trung ruộng đất mỗi hộ gia đình thành một khoảnh lớn, tạo cơ cấu đồng đất thuận lợi cho việc canh tác.

Bất cập hiện nay

Chính sách đất đai trong nông nghiệp đã trải qua nhiều biến chuyển, phản ánh sự thay đổi nhận thức qua các thời kỳ. Nhiều việc làm ban đầu bị cho là sai nhưng sau hóa ra lại đúng, quy định chính sách bất cập được sửa đổi, và bây giờ nhìn lại mới thấy các chính sách trước đây thật là không phù hợp.

Đó là một tiền đề tốt để suy xét rằng, vậy liệu các các quy định chính sách hiện nay thì sao? Liệu đã đúng đắn hợp lý chưa, hay là vẫn còn tồn tại những quy định phi lý sai trái mà tương lai khi nhìn lại thì sẽ thấy quy định hiện tại đầy phi lý mâu thuẫn?

Tôi cho rằng thực tế đang tồn tại một quy định chính sách quản lý đất đai sai trái, trói buộc sức sản xuất của nông dân, đang âm ỉ đốt lên những ngọn lửa bất đồng phản kháng ở nông thôn. Tôi xin chỉ ra như sau.

Sau hơn 30 năm đất nước đổi mới kinh tế (tính từ năm 1986), đời sống nông thôn đã có những bước cải thiện. Có thể hình dung là người dân đã tích lũy được một số vốn liếng mà theo đó họ sẽ có xu hướng thay đổi cái cơ cấu trồng cấy manh mún kém hiệu quả năng suất xưa nay.

Nhờ những tiến bộ kinh tế nên các trang thiết bị máy móc cơ khí hóa nông nghiệp như máy bơm, máy cày, máy bừa, máy gặt, hệ thống đường điện đã phổ biến khắp nơi.

Các loại máy móc cơ giới, xây dựng như công nông, xe tải nhỏ, máy xúc, máy ủi, máy cắt, máy khoan cũng được phổ biến tạo ra khả năng mới cho người dân, và họ sẽ áp dụng cái khả năng mới đó vào trong canh tác nông nghiệp.

Kinh tế thị trường cũng giúp tạo ra thị trường tiêu thụ cho các mặt hàng nông sản, lúa gạo không còn là cây lương thực tạo ra giá trị kinh tế chủ đạo nữa, nhiều nơi trồng hoa màu, rau củ các loại hoặc cây ăn quả, chăn nuôi thả các loại gia cầm, gia súc, cá tôm lại cho hiệu quả kinh tế tính theo diện tích cao hơn cấy lúa.

Những điều đó phát triển như một sự tất yếu khách quan. Tất nhiên cũng không phải mọi vùng nông thôn với hàng chục triệu nông dân đều có được môi trường tích tụ các yếu tố tương thích đồng thời nảy sinh như trên.

Nhưng có lẽ là hàng trăm nghìn hộ gia đình đâu đó trên cả nước đã ở vào cái bối cảnh trạng thái của sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nông nghiệp.

Cấm chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Sự phát triển theo chiều hướng tất yếu mở ra cơ hội khả năng mới cho hàng trăm nghìn hộ gia đình, nhưng họ đang vấp phải một chướng ngại lớn, đó là người dân không được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.

Việc chuyển mục đích từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả, hay chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp xây chuồng trại chăn nuôi và làm nhà đều phải xin phép. Nhưng sự cho phép lại phụ thuộc vào các vấn đề quy hoạch quan liêu, thiếu hợp lý khoa học nên đang là một rào cản, khiến người dân khó thể làm đúng pháp luật mà đạt được mục đích của mình.

Do những thôi thúc kinh tế nên người dân nhiều nơi đã vượt rào, tự gỡ mình thoát ra khỏi những trói buộc pháp luật bất cập, họ đã trồng cây ăn quả trên đất lúa và làm chuồng trại chăn nuôi, làm nhà ở trên đất nông nghiệp.

Họ đã vượt rào giống như sự vượt rào đã xảy ra trước đây trong công cuộc chuyển đổi mô hình canh tác theo hợp tác xã kém năng suất chuyển sang mô hình kinh tế hộ gia đình, làm tiền đề cho chính sách khoán 10.

Giống như trước đây, nhận thức của cơ quan quản lý trong trường hợp này đã không theo kịp với sự biến chuyển từ thực tiễn đời sống. Chính quyền nhiều nơi lên kế hoạch xử lý vì cho rằng người dân chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Sự mẫn cán của các địa phương trong trường hợp này lại mang đến hệ quả xấu, tạo ra tình thế chống đối, gây xáo trộn đổ vỡ sự bình yên ở nông thôn.

Những nhận thức quan liêu cứng nhắc và sự lười biếng trong quản lý đất đai, khiến cho người ta không nhận ra cái lẽ tất yếu rằng, đất thuộc quyền sử dụng của các hộ dân, bắt họ phải sử dụng vào mục đích mà họ không muốn thì hiệu quả sẽ ra sao?

Đất của mỗi gia đình, họ tự biết cách trân trọng để tạo ra hiệu quả kinh tế, không bao giờ có việc người dân vô trách nhiệm đối với tài sản của chính mình.

Việc cưỡng chế với ý muốn khôi phục lại hiện trạng như trước kia, nhưng thực tế cũng chỉ làm được cái việc có tính chất phá phách là phá dỡ mà chẳng làm được gì hơn. Vậy thì thực chất nhà nước đem lại lợi ích gì trong hoạt động công vụ này?

Việc xử lý xây dựng trái phép thường được cho là để giữ nghiêm kỷ cương, giữ nghiêm pháp luật. Nhưng thử hỏi rằng vì sao mà người dân xây dựng, có phải họ rỗi rãi làm điều xằng bậy đâu.

Người dân tích cóp bao năm mới có được chút tiền làm cái nhà, xây được cái chuồng chăn nuôi. Để tiến tới quyết định làm việc này họ đã bao đêm trằn trọc suy nghĩ tính toán. Người dân đâu có xằng bậy làm càn?

Để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật mà dân phải sống trong khốn khó nghèo nàn thì pháp luật có ý nghĩa gì? Chính người dân họ biết sử dụng đất vào việc gì để mảnh đất có giá trị nhất với họ, gia tăng giá trị cho họ cũng là gia tăng giá trị cho xã hội. Đất của mỗi gia đình, họ tự biết cách trân trọng để tạo ra hiệu quả kinh tế, không bao giờ có việc người dân vô trách nhiệm đối với tài sản của chính mình.

Cho nên cái quan điểm “kiên quyết phá bỏ những công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp” ở nhiều địa phương là hệ quả của nhận thức ấu trĩ, lầm lạc, phản ánh tư duy dễ dãi giản đơn, cẩu thả trong quản lý đất đai, coi thường tính phức tạp của thực tiễn, vô trách nhiệm trước sự phát triển mà thôi.

Việc ngăn cấm người dân chuyển đổi mục đích sử đụng đất đang là bất cập lớn nhất trong chính sách quản lý đất đai hiện nay, và đây đang là rào cản lớn trói buộc kìm hãm sức sản xuất trong nông nghiệp.

Bài viết thể hiện ý kiến và lối hành văn riêng của Luật sư Ngô Ngọc Trai, gửi cho BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-41134339

 

VN: Nhiều người không tin vào cải cách giáo dục

Một chuyên gia của Bộ Giáo dục Việt Nam bình luận với BBC rằng nhiều người ở Việt Nam hiện nay “không tin tưởng vào cải cách giáo dục” đang được đề xuất.

TS Mạc Văn Trang thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nói với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt bên lề một hội nghị ở Budapest rằng nhà nước Việt Nam năm nay lại đưa ra một cải cách đổi mới chương trình giáo dục, nhất là sách giáo khoa và tập huấn giáo viên.

“Tuy nhiên, rất nhiều người không tin tưởng [vào đề án cải cách này] vì cách làm vẫn như cũ, hướng đi vẫn như cũ và tư duy và thể chế không có gì thay đổi,” TS Mạc Văn Trang nhận định.

Theo TS Trang, có nhiều bài báo đưa tin chi phí để làm chương trình sách giáo khoa mới là khoảng 70-80 triệu USD. Nhưng ông nói có “ít hy vọng là nó sẽ tốt hơn” vì “toàn bộ hệ thống bị sai lệch hết cả và không vượt lên được”.

Ông cho rằng vấn đề lớn nhất của giáo dục Việt Nam là phát triển số lượng rất lớn nhưng chất lượng thì không đảm bảo, không đáp ứng được mong mỏi của người dân cũng như như cầu của xã hội.

Hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay là “trì trệ quá và rất khó thay đổi”, TS Trang kết luận.

Tiến sỹ VN ‘đủ số chỉ thiếu chất’

Bất cập giáo dục VN ‘bộc lộ rõ’ qua kỳ thi PTTH

Theo truyền thông Việt Nam, lộ trình triển khai thực hiện áp dụng thay sách giáo khoa mới cho tất cả các lớp của Bộ giáo dục sẽ được tiến hành từ năm 2018 và hoàn tất vào năm 2023 theo hình thức cuốn chiếu.

Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội yêu cầu: “Từ năm học 2018 – 2019, bắt đầu triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.”

Cụ thể dự kiến lộ trình triển khai áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới như sau:

– Năm học 2018 – 2019: Lớp 1, lớp 6 và lớp 10

– Năm học 2019 – 2020: Lớp 2, lớp 7 và lớp 11

– Năm học 2020 – 2021: Lớp 3, lớp 8 và lớp 12

– Năm học 2021 – 2022: Lớp 4, lớp 9

– Năm học 2022 – 2023: Lớp 5

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41134922

 

Tăng thuế hay tận thu?

Hòa Ái, phóng viên RFA

Dân chúng tại Việt Nam bày tỏ sự phẫn nộ trước đề xuất của Bộ Tài Chính về dự án Luật sửa đổi 5 luật thuế, trong đó tăng thuế Giá trị gia tăng (VAT) từ 10 lên 12%. Dư luận lên tiếng phản đối chính sách tăng thuế mà mà họ cho rằng chính phủ sẽ áp dụng trong nay mai chẳng khác nào tận thu.

Tăng phù hợp thông lệ quốc tế?

Truyền thông quốc nội trong tháng 8, dẫn lời của Thứ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai khẳng định dự án Luật sửa đổi 5 luật thuế, bao gồm Luật thuế giá trị gia tăng (VAT), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên nhằm đảm bảo an toàn cho nền tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng như người dân cho rằng các đề xuất tăng thuế của Bộ Tài Chính như tăng thuế VAT từ 10 lên 12% hay áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng trà, cà phê hòa tan đóng gói kể từ đầu năm 2019 là không thuyết phục, thậm chí là phi lý, mặc dù Bộ Tài Chính lên tiếng việc tăng thuế như thế phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ Tài Chính dựa theo số liệu khảo sát mức sống dân cư Việt Nam của Tổng cục thống kê hồi năm 2014, cho thấy nhóm thu nhập thấp nhất dành gần 60% thu nhập để chi tiêu cho lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục và Bộ Tài Chính nhận thấy các hàng hóa, dịch vụ này không chịu thuế VAT nên sẽ không ảnh hưởng đến chi tiêu của nhóm thu nhập thấp nhất trong xã hội. Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, thuộc Bộ Tài Chính, ông Phạm Đình Thi tuyên bố đề xuất tăng thuế VAT từ 10 lên 12% không gây ảnh hưởng đến người nghèo. Ông Phạm Đình Thi nói rằng các mặt hàng rau, thịt…không chịu thuế VAT nên thuế VAT dù có tăng bao nhiêu cũng không ảnh hưởng gì cả.

Cuối cùng của việc đánh thuế thì người dân là người trả số tiền thuế đó. Người tiêu thụ sản phẩm trên thị trường phải đón nhận mức giá đã bị đội thuế lên rồi. Họ phải chịu luôn. Theo tôi nghĩ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân-Một cư dân Sài Gòn

Phát biểu của ông Vụ trưởng Chính sách thuế gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng. Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải ở Sài Gòn chia sẻ với RFA rằng giới chức Bộ Tài Chính Việt Nam không có “tầm” lẫn không có “tâm”, điển hình qua ông Vụ trưởng Phạm Đình Thi. Vị giám đốc này đưa ra một ví dụ đơn giản về mặt hàng cá linh trong mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ, là món ăn quen thuộc của người dân nghèo, được vận chuyển lên Sài Gòn bán với mức giá cao hơn gấp đôi do phải chịu nhiều thứ thuế, phí:

“Một sản phẩm từ miền Tây, chẳng hạn như mặt hàng cá linh. Cá linh mùa nước nổi hiện giờ đang nhiều, bán ở miền Tây mức giá 30 ngàn/kg. Khi chở lên thành phố thì giá cả đội lên khoảng 50 ngàn/kg và bán ra đến thị trường ở mức giá ít nhất là 70-80 ngàn/kg. Tất cả là do cộng dồn nhiều chi phí, thuế má.”

Một số các doanh nghiệp mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc cho biết tất cả mức thuế mà họ phải đóng sẽ tính vào giá thành của hàng hóa lẫn dịch vụ và nghiễm nhiên khách hàng phải chi trả tiền thuế đó.

Về phía dân chúng, không ít người nói với chúng tôi rằng chỉ cần nghe thông tin Chính phủ cho tăng thuế thì không cần biết thuế nào sẽ tăng, nhưng cuối cùng người dân là đối tượng chi trả thuế:

“Cuối cùng của việc đánh thuế thì người dân là người trả số tiền thuế đó. Người tiêu thụ sản phẩm trên thị trường phải đón nhận mức giá đã bị đội thuế lên rồi. Họ phải chịu luôn. Theo tôi nghĩ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân.”

Vì sao phản đối?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong một bài viết của bà được trang Theleader.vn đăng tải vào hôm 27 tháng 8, cho biết Bộ Tài Chính đã gửi giấy mời hỏa tốc để bà đến tham dự buổi họp của Bộ hồi trung tuần tháng 8 vừa qua cùng một số chuyên gia tài chính liên quan đến dự án Luật sửa đổi 5 luật thuế, đang được Bộ Tài Chính hoàn tất để trình Chính phủ và Quốc hội.

Tại buổi họp vừa nêu, bà Phạm Chi Lan nêu vấn đề ngân sách nhà nước luôn bội chi, nợ công đang tăng rất cao, đe dọa đến an toàn tài chính quốc gia nhưng nữ chuyên gia kinh tế nhấn mạnh nếu Nhà nước không giải quyết qua việc giảm chi mà chỉ tập trung tăng thu của dân để đảm bảo ngân sách là không công bằng với dân. Một trong những yếu tố quan trọng mà Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề nghị Bộ Tài Chính cần làm rõ là ai được lợi và ai bị thua thiệt trong chi phí và lợi ích từ việc điều chỉnh 5 loại thuế này. Bà Phạm Chi Lan còn quả quyết tốt nhất là Bộ Tài Chính không nên tăng thuế VAT vì theo bà mức thuế VAT hiện nay đã đủ cao và đóng góp rất lớn cho ngân sách, ở mức 27%.

Lý giải về các đề xuất tăng thuế của Bộ Tài Chính trong thời gian qua, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng đưa ra lập luận của ông với RFA trước sự lo lắng của dư luận đối với các loại thuế như thuế tài sản, tăng thuế bảo vệ môi trường, tăng thuế VAT…rằng Nhà nước đang tìm mọi cách để bù vào ngân sách bị thiếu hụt nghiêm trọng:

Ngân sách trung ương đang trong cơn ‘quẩn cực’, có thể năm nay vẫn bội chi tiếp tục từ 5, 5-6% GDP nhưng nguồn thu ngày càng giảm. Và nếu với tiến độ thu như thế này, từ đầu năm 2017 cho đến nay thì năm nay có thể hụt thu lên đến 11% so với dự toán đầu năm. Đây là con số rất cao. Do vậy, chính quyền đang phải tìm mọi cách để thu thuế của dân-TS. Phạm Chí Dũng

“Ngân sách trung ương đang trong cơn ‘quẩn cực’, có thể năm nay vẫn bội chi tiếp tục từ 5, 5-6% GDP nhưng nguồn thu ngày càng giảm. Và nếu với tiến độ thu như thế này, từ đầu năm 2017 cho đến nay thì năm nay có thể hụt thu lên đến 11% so với dự toán đầu năm. Đây là con số rất cao. Do vậy, chính quyền đang phải tìm mọi cách để thu thuế của dân.”

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào ngày 30 tháng 8 nói rằng trước mắt chưa đề cập đến việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí ảnh hưởng đến doanh nghiệp, thế nhưng cả doanh nghiệp và người dân bày tỏ sự bất mãn tột độ đối với Chính phủ về chính sách thuế trong bối cảnh kinh tế tài chính của quốc gia.

Cộng đồng cư dân mạng so sánh chính sách thuế hiện hành không khác gì thời thực dân Pháp, như ông Hồ Chí Minh nêu lên trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập rằng “Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn…Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.” Còn một số các doanh nghiệp lẫn người dân mà Đài RFA trao đổi liên quan đến dự án Luật sửa đổi 5 luật thuế đều bức xúc vì theo họ  sớm muộn gì thuế cũng sẽ tăng và “Nói chung ảnh hưởng đến đời sống mà tất cả là người dân khổ.”

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/has-vietnamese-government-raised-taxes-inappropriately-ha-09012017150705.html

 

Giáo sư luật Harvard:

‘Chưa thể nói Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện’

Truyền thông mạng những ngày qua hồ hởi nhận định ông Trịnh Vĩnh Bình thắng trong vụ kiện đòi chính quyền Việt Nam bồi thường khoản tiền lên đến 1.25 tỷ USD.

Vụ kiện được cho là “thế kỷ” này có thật sự kết thúc chưa? Chính phủ Việt Nam cần phải làm gì hoặc rút ra bài học gì?

Thủ tục của vụ kiện đúng luật

Trước khi phiên toà diễn ra, khi còn được tiếp xúc với truyền thông một cách đúng luật, ông Trịnh Vĩnh Bình từng bày tỏ với RFA rằng ông tự tin sẽ thắng kiện trong vụ tái khởi kiện lần thứ hai này vì ông đã thực hiện đúng Hiệp thương giữa Hà Lan và Việt Nam. Ông cho biết là một doanh nhân sống và làm việc lâu năm ở Hà Lan, ông rất tôn trọng và giữ đúng những vấn đề liên quan đến luật lệ, khai thuế…

RFA đặt vấn đề về niềm tin thắng kiện của doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình với Giáo sư Tạ Văn Tài, nguyên giảng viên luật trường Đại học Harvard, ông cho biết chính khi vụ kiện diễn ra, ông cũng cho rằng “khả năng thắng kiện là có.”

“Đúng thế. Cái thế mạnh về thủ tục của ông Trịnh Vĩnh Bình là ổng đã đầu tư dựa vào Hiệp định Thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Hà Lan. Hiệp định này chắc chắn đã qui định rằng nếu có tranh chấp thì đưa ra Toà Trọng tài Quốc tế. Ông ấy đi theo đúng hiệp định  đó mà làm vụ kiện nên có những đường đi chắc chắn về thủ tục”.

Vào đầu những năm 1990, ông Trịnh Vĩnh Bình từ Hà Lan về Việt Nam đầu tư vào một số dự án ở Sài Gòn và một số tỉnh phía Nam.

“Ông ấy đi theo đúng hiệp định  đó mà làm vụ kiện nên có những đường đi chắc chắn về thủ tục” – GS Tạ Văn Tài

Cho đến năm 1998, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu bắt ông Trịnh Vĩnh Bình với cáo buộc đưa hối lộ và vi phạm các qui định về quản lý- bảo vệ đất đai. Ông bị tuyên án 11 năm tù sau đó và tòa buộc ông Trịnh Vĩnh Bình phải đóng tiền phạt và tịch thu toàn bộ tài sản của ông ở Việt Nam.

Vào năm 2000, ông vượt thoát khỏi Việt Nam trở về lại Hà Lan.

Năm 2003, ông Trịnh Vĩnh Bình khởi kiện nhà nước Việt Nam tại Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại ở Stockholm, Thụy Điển, đòi bồi thường trên 150 triệu đô la.

Tuy nhiên vào năm 2006, tại Singapore Việt Nam thương lượng với ông này ngưng vụ kiện và cam kết trả lại tài sản cũng như tạo điều kiện để ông Trịnh Vĩnh Bình trở lại đầu tư ở Việt Nam…

Thời điểm này, theo lời của Giáo sư Tạ Văn Tài, phía chính phủ Việt Nam, mà điển hình là một vài lãnh đạo cao cấp lúc đó cũng đã công nhận rằng cần phải trả lại số tài sản của doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình.

“Tức là ổng có một phần cái chính nghĩa mà chính Việt Nam hồi đó công nhận do lời khuyến cáo của các Thủ tướng Phan Văn Khải, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Thị Bình chống lại các cường hào ác bá địa phương. Nhưng sau 7 năm không thấy thực hiện cái thoả ước ký tại Singapore nên ổng mới kiện lại.”

Trong một lần trả lời RFA những vấn đề liên quan đến vụ kiện, Giáo sư Nguyễn Vi Khải – thành viên Ban nghiên cứu, cố vấn Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó, hiện là Viện phó Viện Nghiên cứu các vấn đề phát triển (VIDS) cho biết.

“Thủ tướng có văn bản gửi xuống cho các ngành an ninh, Bộ trưởng công an lúc đó là ông Lê Minh Hương, để xem xét sự việc và tìm nguyên nhân giải quyết theo luật pháp. Khoảng hai lần Thủ tướng yêu cầu Bộ Công An giải trình.”

Tuy nhiên những cam kết không được phía Việt Nam thực hiện nên đến năm 2014, ông Trịnh Vĩnh Bình quyết định kiện Việt Nam lại lần nữa. Và lần này ông thuê Hãng luật Hoa Kỳ King & Spalding LLP cãi cho ông.

“Có đại diện ngoại giao Việt Nam nói chuyện với tôi. Tôi nói rằng muốn giữ thanh danh của chính phủ để quyến rũ tiếp tục giới đầu tư, thì nên giải quyết vụ Trịnh Vĩnh Bình một cách thoả đáng, nhất là theo thoả hiệp đã ký ở Singapore. Chính tôi đã nói với họ như vậy.” – GS Tạ Văn Tài

‘Chưa thể nói là thắng kiện’

Hôm 27 tháng 8, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh và video của ông Trịnh Vĩnh Bình bước ra khỏi trụ sở Tòa Trọng Tài Quốc Tế, tại 112, đường Kleber, Quận XVI, Paris với gương mặt rạng rỡ và hai tay đưa cao dấu hiệu chiến thắng. “Vụ án thế kỷ” được nhiều người nhận định phần thắng nghiêng về phía doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình.

Tuy nhiên, Giáo sư luật Tạ Văn Tài không nghĩ như thế. Ông có cách phân tích dựa theo cơ sở luật pháp của Toà Trọng tài Quốc tế.

“Đồng bào ở hải ngoại suy đoán mà thôi rằng chiến thắng rồi thì tôi nghĩ là hơi vội vàng, vì có thể ông ấy đang hào hứng giơ tay thôi. Mà theo thủ tục trọng tài thì hai bên không được nói gì để còn đi đến thoả hiệp.

Trọng tài nghĩa là họ đâu có xử án theo kiểu toà án, mà họ nghe 1 bên xong rồi họ nghe bên kia, nhiều khi là mỗi người 1 phòng, rồi họ tìm cách họ hoà giải.

Nếu không hoà giải được lúc ấy họ mới đưa ra một bản án trọng tài.

Thế thì tôi nghĩ rằng nó chưa xong đâu, vì theo nguồn tin tôi biết, các bên còn phải nộp hồ sơ thêm. Mà nộp hồ sơ thêm nghĩa là chưa có bản án.”

“Tôi nghĩ rằng nó chưa xong đâu, vì theo nguồn tin tôi biết, các bên còn phải nộp hồ sơ thêm. Mà nộp hồ sơ thêm nghĩa là chưa có bản án.” – GS Tạ Văn Tài

Về phía chính phủ Việt Nam, cho đến chiều ngày 30 tháng 8, tại buổi họp báo chính phủ thường niên, Việt Nam lần đầu tiên lên tiếng thừa nhận về vụ kiện.

Bộ Trưởng-Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, Phó Thủ tướng Mai Tiến Dũng, trả lời Báo Tuổi Trẻ trong nước rằng Việt Nam đang chờ phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế ở Paris về vụ ông Trịnh Vĩnh Bình, một công dân Hà Lan gốc Việt, kiện chính phủ Hà Nội đòi bồi thường 1 tỷ 250 triệu đô la.

“Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là tạo môi trường kinh doanh rất bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài vào trong nước. Hiện nay tòa án quốc tế đang xem xét, với việc tranh chấp, vi phạm điều luật. Như các báo đều biết, vì vấn đề bảo hộ đầu tư nên một địa phương, một cơ quan nào vi phạm hoặc không thực hiện đúng cam kết, không thực hiện đúng điều luật thì nhà đầu tư nước ngoài đều kiện Chính phủ. Vậy cho nên hiện nay vấn đề này tòa án đang xem xét, chúng ta phải đợi”.

Chính phủ Việt Nam phải làm gì?

Theo dõi trên mạng xã hội, chúng tôi nhận thấy trong vụ kiện thế kỷ này, vấn đề được nhiều người tranh luận nhất là chính phủ Việt Nam nên làm gì ngay lúc này để hình ảnh và uy tín về môi trường đầu tư của Việt Nam với thế giới sẽ không bị ảnh hưởng?

Giáo sư Tạ Văn Tài nói rằng chính một vị đại diện ngoại giao Việt Nam cũng đặt vấn đề này với ông và hỏi về phương cách giải quyết tốt nhất lúc này. Thuật lại câu trả lời của mình, ông cho biết.

“Có đại diện ngoại giao Việt Nam nói chuyện với tôi. Tôi nói rằng muốn giữ thanh danh của chính phủ để quyến rũ tiếp tục giới đầu tư, thì nên giải quyết vụ Trịnh Vĩnh Bình một cách thoả đáng, nhất là theo thoả hiệp đã ký ở Singapore. Chính tôi đã nói với họ như vậy.”

Rất nhiều phản ứng trong dư luận cho rằng Việt Nam đã và sẽ chịu một dư âm rất xấu đối với thương trường quốc tế. Một số khác đặt câu hỏi rằng liệu với Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương APEC 2017 sắp diễn ra cuối năm nay, Việt Nam sẽ hội nhập kinh tế toàn cầu và nhận sự ủng hộ của cộng đồng thương mại quốc tế như thế nào?

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/It-cannot-claim-victory-for-tvb-09012017143317.html

 

Báo cáo: Ngân hàng Nhà nước vi phạm về giám sát,

phòng chống tham nhũng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bị phát hiện có nhiều sai phạm và thiếu sót, bao gồm giám sát kém đối với các tổ chức tín dụng và phòng chống tham nhũng chậm chạp và chưa đúng nguyên tắc, theo kết luận của một cuộc thanh tra mới được công bố hôm 1 tháng 9.

Thông báo của Thanh tra Chính phủ, đăng trên website của chính phủ, được đưa ra giữa lúc Việt Nam đang tăng cường trấn áp tình trạng tham nhũng đã khiến nhiều nhà lãnh đạo công ty nhà nước và các quan chức chính phủ bị chú ý.

Thanh tra Chính phủ nhận thấy ngân hàng chậm chạp và không tuân thủ các quy định kê khai và công khai tài sản, thu nhập của mình, báo cáo cho biết, nhưng không giải thích chi tiết.

Theo quy định, các quan chức chính phủ phải công khai thu nhập và tài sản của mình cho công chúng.

Các thanh tra viên cũng chỉ ra những vi phạm của Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, một bộ phận chịu trách nhiệm giám sát và kiểm tra các tổ chức tín dụng, từ năm 2010 đến năm 2015.

“Hệ thống tín dụng có nhiều tiềm ẩn rủi ro nhưng [Ngân hàng Nhà nước] chưa có giải pháp tiến hành thanh tra đồng bộ và kịp thời; không rà soát và phối hợp với kết quả giám sát từ xa đề xây dựng kế hoạch dẫn đến các năm luôn phải điều chỉnh kế hoạch một cách bị động,” thông báo của Thanh tra Chính phủ nói.

Thanh tra Chính phủ kêu gọi thống đốc ngân hàng nhà nước điều tra những tập thể và những cá nhân đằng sau vi phạm này.

Phản hồi về kết quả thanh tra tối ngày 2 tháng 9, Ngân hàng nhà nước thừa nhận những khuyết điểm, bất cập và cam kết “nghiêm túc thực hiện đầy đủ những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng.”

https://www.voatiengviet.com/a/bao-cao-ngan-hang-nhan-nuoc-vi-pham-ve-giam-sat-phong-chong-tham-nhung/4012590.html

 

Việt Nam bắt giữ nhân vật số hai của PetroVietnam

Thanh Phương

Ngày 01/09/2017, công an Việt Nam bắt tạm giam ông Ninh Văn Quỳnh, phó tổng giám đốc tập đoàn dầu khí Nhà nước PetroVietnam, trong khuôn khổ cuộc điều tra về ngân hàng Ocean Bank, mà 51 bị cáo đang bị xét xử từ ngày 28/08 ở Hà Nội.

Cùng với 3 viên chức khác của PetroVietnam, ông Ninh Văn Quỳnh, bị bắt về tội « Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng », vì bị xem là đã góp phần làm cho tập đoàn PetroVietnam bị thiệt hại khoảng 34 triệu đôla.

Cụ thể là ông Ninh Văn Quỳnh bị cáo cuộc đã vi phạm các quy định của Nhà nước khi dùng số tiền nói trên để đầu tư vào ngân hàng tư nhân Ocean Bank, hiện gần như bị phá sản. Còn cựu chủ tịch Ocean Bank thì bị cáo buộc đã cấp các khoản vay trái phép tổng cộng 23 triệu đôla vào năm 2012.

Từ Sài Gòn, thông tín viên RFI Frédéric Noir gởi về bài tường trình :

« Đây là vụ mới nhất trong một loạt các vụ bắt giữ vẫn gây ầm ĩ dư luận. Lần này, chính nhân vật số hai của PetroVietnam và ba cộng sự viên bị tạm giam vì bị xem là đã khiến cho tập đoàn Nhà nước này bị thiệt hại khoảng 34 triệu đôla.

Số tiền nói trên đã được đầu tư dưới hình thức góp vốn vào Ocean Bank, ngân hàng đang bị điều tra về một vụ lừa đảo quy mô lớn và 51 người của ngân hàng này đang bị xét xử.

Những người nói trên thêm vào danh sách rất dài những nhân vật có dính líu trong vụ này, trong đó có cựu lãnh đạo PetroVietnam (Đinh La Thăng), đã bị cách chức ủy viên Bộ Chính trị.

Vào tháng trước, cũng vụ này đã gây khủng hoảng ngoại giao thật sự giữa Hà Nội và Berlin, chính phủ Đức cáo buộc chính quyền Việt Nam đã tổ chức vụ bắt cóc cựu lãnh đạo một công ty thuộc PetroVietnam (Trịnh Xuân Thanh) tại Berlin, trong khi ông này đang chờ xét đơn xin tị nạn tại Đức.

Với những vụ bắt giữ theo chỉ đạo này, Đảng Cộng sản Việt Nam dường như muốn khôi phục hình ảnh và uy tín đối với người dân. Nhưng chính sách chống tham nhũng này cũng nhằm mục tiêu loại trừ các đối thủ chính trị, vào lúc đương kim tổng bí thư đảng và lãnh đạo số một của Việt Nam sẽ sớm rút lui. »

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170902-viet-nam-bat-giu-nhan-vat-so-hai-cua-petrovietnam

 

Báo chí CSVN đưa tin lý giải vụ doanh nhân gốc Việt

Trịnh Vĩnh Bình kiện chính quyền CVSN đòi tiền

 

Về vụ kiện của doanh nhân gốc Việt Trịnh Vĩnh Bình đòi nợ chính quyền CSVN đang gây chấn động. Trước những thông tin CSVN sẽ mang nợ chồng chất nếu phải trả nợ cho ông Bình. Truyền thông CSVN đưa tin giải thích vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình kiện chính quyền CSVN ra toà án Quốc tế.

Theo tài liệu cơ quan điều tra, ông Trịnh Vĩnh Bình sinh năm 1947 tại Sóc Trăng, cùng vợ con và hai em vượt biên sang Hà Lan năm 1976. Từ năm 1981 đến tháng 8/1996, ông về nước 63 lần, mang theo tổng cộng hơn 2,3 triệu USD và gần 100 kg vàng.

Thời điểm này pháp luật chưa cho phép Việt kiều mua bán, sở hữu, đứng tên nhà cửa, đất đai. “Nhưng để thực hiện việc kinh doanh bất động sản – cách là sinh lợi nhiều nhất, ông Bình đã chọn một số người thân để giúp sức”, cơ quan điều tra nhận định.

Thành lập Công ty TNHH Tín Thành, Công ty Cổ phần Bình Châu chuyên mua bán nông, thủy hải sản tại Vũng Tàu với 12 cổ đông, song ông Bình bỏ vốn 100%. Doanh nhân này chỉ đạo nhân viên làm giả hộ khẩu cho hàng loạt người thân tại TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu để đứng tên nhà đất mua được và nhận đất trồng rừng trái pháp luật.

Quyết định truy nã đối với ông Bình vào năm 1999.

Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định, năm 1992, ông Bình và một số nhân viên đưa hối lộ 510 triệu đồng cho Tạ Quang Luyện (cán bộ Công ty Phát triển nhà tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Nguyễn Văn Huế (cán bộ Chi nhánh Phát triển kinh tế nông thôn phía Nam) để mẹ và các em vợ được nhận hơn 500 ha đất trồng rừng. “Không đầu tư trồng rừng như cam kết, 400 ha đất bị chính quyền thu hồi nhưng khi bán số đất còn lại ông Bình đã thu được hơn 6 tỷ đồng”.

Cuối năm 1996 khi cùng những người liên quan bị khởi tố về hành vi Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai; Đưa và nhận hối lộ, ông Bình đã thu gom gần 2,5 triệu m2 đất, 11 căn nhà nằm rải rác từ TP HCM, dọc Quốc lộ 51, Vũng Tàu. Ở những phi vụ mua bán trước đó (khoảng 30.000 m2 đất), Việt kiều Hà Lan thu lãi hơn 10 tỷ đồng.

Tại ngoại hầu toà năm 1998, ông Bình bị tuyên 13 năm tù về hai tội danh. HĐXX huỷ toàn bộ các quyết định giao đất, hợp đồng mua bán đất trái phép và giao những bất động sản này cho chính quyền địa phương quản lý…

Trong đơn kháng cáo kêu oan sau đó, ông Bình cho rằng “mang vàng, ngoại tệ về Việt Nam là để đầu tư; việc đầu tư thông qua người thân là hợp pháp”.

Giảm cho ông Bình 2 năm tù do số lượng đất vi phạm ít hơn kết luận của cấp sơ thẩm, song Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xác định “hành vi mua bán đất đai trái phép của ông Bình không được coi là đầu tư”.

“Hành vi này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tích tụ, đầu cơ số lượng đất rất lớn tại các vùng sung yếu… gây ảnh hưởng xấu đến quản lý đất đai ở địa phương; gây thất thoát thuế của nhà nước lên đến 12 tỷ đồng”, bản án nhận định.

Không thi hành bản án đã có hiệu lực, ông Bình bỏ trốn và bị Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra quyết định truy nã toàn quốc.

Sau khi về Hà Lan, năm 2003, ông Bình với tư cách nhà đầu tư, nhờ tổ hợp luật sư kiện Chính phủ Việt Nam đòi bồi thường thiệt hại. Phía ông Bình viện dẫn các quy định của Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết với Hà Lan vào năm 1994 làm căn cứ khởi kiện.

Đến năm 2006, ông Bình được Chính phủ miễn chấp hành hình phạt tù trước đó, cho về Việt Nam và xem xét giải quyết trả một số tài sản hợp pháp. Tuy nhiên, do sai phạm của một số cá nhân tại cơ quan thi hành án ảnh hưởng đến tài sản của ông Bình nên việc này chưa được thực hiện.

Tháng 1/2015, ông Bình tiếp tục đâm đơn kiện lần thứ hai, đòi bồi thường 1,25 tỷ USD. Phiên tòa lần này diễn ra tại Trung tâm trọng tài Quốc tế ICC ở Paris, Pháp từ ngày 21/8.

Tại buổi họp báo chiều 30/8, trả lời câu hỏi về quan điểm và phản ứng của Chính phủ trước vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – cho biết, theo các nguyên tắc về bảo hộ đầu tư, khi có tranh chấp vi phạm thoả thuận với một địa phương nào đó (trong vụ này là Bà Rịa – Vũng Tàu), nhà đầu tư nước ngoài không kiện địa phương mà sẽ kiện Chính phủ.

“Quan điểm của Chính phủ, của Thủ tướng là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cả với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trung tâm trọng tài Quốc tế đang xem xét vụ kiện nên chúng ta cũng phải đợi thôi”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

http://vietbf.com/forum/showthread.php?t=1093629