Tin Việt Nam – 01/09/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 01/09/2017

Vụ Trịnh Vĩnh Bình ‘là một bài học cho chính phủ VN’

Nhà báo tài chính Phan Thế Hải nhận định chính phủ VN phải rút ra một số bài học từ sau vụ kiện thế kỷ với doanh nhân Việt kiều Trịnh Vĩnh Bình.

Trước đó, hôm 30/8 tại buổi họp báo chính phủ thường niên, Việt Nam lần đầu tiên thừa nhận bị doanh nhân Việt kiều Trịnh Vĩnh Bình kiện 1,25 tỷ đôla.

Phó thủ tướng Mai Tiến Dũng không nói rõ chi tiết của vụ kiện nhưng thừa nhận: “Đây là vấn đề bảo hộ đầu tư. Một cơ quan nào vi phạm hoặc không thực hiện đúng cam kết thì nhà đầu tư nước ngoài đều kiện chính phủ, chứ không phải kiện địa phương đấy.”

Ông Trịnh Vĩnh Bình kiện VN đòi 1,25 tỷ USD

Trịnh Vĩnh Bình: ‘Tôi đã bị hàm oan’

“Quan điểm của chính phủ, thủ tướng là sẽ tạo môi trường, kinh doanh bình đẳng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện tòa quốc tế đang xem xét với việc tranh chấp vi phạm thỏa thuận nên chúng ta phải đợi thôi,” ông Mai Tiến Dũng kết luận.

1976: Vượt biên đến Hà Lan

1980s: Trở thành doanh nhân thành đạt tại Hà Lan và được mệnh danh ‘vua chả giò’

1990: Trở về Việt Nam đầu tư

1996: Bị chính quyền Bà Rịa Vũng Tàu kết tội “vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai”, bị tịch thu tài sản, đất đai

Từng bị tạm giam và quản chế .

1999: Bị kết án 11 năm tù.

2000: Vượt biên sang Campuchia, trở về Hà Lan khi được tại ngoại

2005: Kiện trước Tòa Trọng tài Quốc tế Stockhom

2006: Thỏa thuận ngoài tòa với chính phủ Việt Nam tại Singapore

2015: Kiện chính phủ Việt Nam tại Tòa trọng tài Quốc tế lần hai

2017: Tòa Trọng tài Quốc tế xét xử tại Paris

Qua vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, nhà báo Phan Thế Hải cho rằng người nước ngoài cũng sẽ hiểu Việt Nam hơn – “một quốc gia với một nền pháp quyền vị thành niên. Luật lệ nhiều nhưng hiểu biết về luật lệ rất hạn chế.”

Đồng thời, người Việt Nam cũng sẽ hiểu hơn về luật pháp nước ngoài, ông Phan Thế Hải nói với BBC Tiếng Việt.

“Họ sẽ hiểu hơn rằng nhà nước được làm gì và không được làm gì với công dân của mình, hơn thế là với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.”

Bài học cho chính phủ Việt Nam

Cũng theo nhà báo Thế Hải, chính phủ Việt Nam nên rút ra ba bài học sau:

“Bài học thứ nhất theo tôi đó là về nhà nước pháp quyền. Nhà nước chỉ có thể ứng xử với công dân, với các pháp nhân thông qua các chứng lý mà họ thu thập được, thông qua các hành vi của họ chứ không phải là thông qua sự ngụy tạo của một nhóm lợi ích nào đó. Hơn thế là việc phải tôn trọng luật pháp, ứng xử theo các chuẩn mực của luật pháp.

“Bài học thứ hai là minh bạch thông tin: Giờ đây với sự phát triển của mạng xã hội, mọi thông tin đều có cơ hội đến với công chúng. Dân chúng biết, các nhà đầu tư trong nước biết, nước ngoài biết, anh không thể ngụy tạo, không thể tạo dựng chứng lý để khép tội cho ai đó khi họ không có tội.

“Bài học thứ ba là sự chân thành trong hợp tác. Muốn phát triển, việc mở cửa, thu hút đầu tư phải thật thà, chân thành, không thủ đoạn, không theo kiểu: Trên rải thảm, dưới rải đinh. Khi không chân thành, người ta sẽ không đến với anh, hoặc nếu đến họ đều ứng xử với mình theo cách đó.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41120342

 

Đức thải nhân viên, trả xe ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’

Bộ Ngoại giao Đức khẳng định ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin

Một nhân viên người Việt làm việc cho Văn phòng Liên bang về Nhập cư và Tỵ nạn (viết tắt là BAMF) của Đức chính thức bị cho nghỉ việc từ ngày 1/9/2017.

Báo chí Đức tường thuật về mối liên hệ giữa vị trí công tác của ông Hồ Ngọc Thắng với vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, thậm chí còn đặt nghi vấn về ‘cuộc sống nhị trùng’ của ông, người mà báo DW coi là ‘ban ngày làm việc cho Đức, ban đêm phục vụ Đảng Cộng sản Việt Nam’.

Tuy nhiên, BAMF hôm 31/8 cho BBC Tiếng Việt biết rằng cho đến thời điểm này, việc điều tra cho thấy “chưa có mối liên hệ trực tiếp nào giữa nhân viên đó với vụ bắt cóc”.

Ông Hồ Ngọc Thắng làm việc tại BAMF kể từ năm 1991 tới nay, nhưng không được giao nhiệm vụ đánh giá hồ sơ tị nạn của người Việt Nam, BAMF nói.

Ông Thắng đã bị tạm đình chỉ công tác kể từ 7/8, ngay khi BAMF nhận được những thông tin về việc ông có những bài viết và thể hiện quan điểm cá nhân trên mạng xã hội.

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức điều tra thêm hai người Việt

VN còn ‘thẩm quyền’ xét xông Thanh?

Đức dọa trả đũa Việt Nam vì ‘bắt cóc’ Trịnh Xuân Thanh

Trên trang Facebook cá nhân, ông Hồ Ngọc Thắng hồi đầu tháng Tám đăng bài “Quan hệ ngoại giao Đức – Việt sẽ ra sao trong vụ Trịnh Xuân Thanh?”

Bài viết đăng hôm 4/8/2017 trên trang Facebook cá nhân được cho là của ông Hồ Ngọc Thắng

Trong bài viết có những đoạn như: “Cho đến nay, các cơ quan Đức không có thể đưa ra bất kỳ một bằng chứng nào cho thấy ông Trịnh Xuân Thanh bị ‘bắt cóc'”, hay “tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức chủ yếu dựa vào phát biểu của bà luật sư đại diện cho Trịnh Xuân Thanh trong thủ tục xét tị nạn”, và “bọn phản động trong và ngoài nước còn khai thác đề tài này lâu hơn”.

Sau khi việc điều tra kết thúc, BAMF đã “ngay lập tức chấm dứt quan hệ lao động” với ông Hồ Ngọc Thắng, BAMF nói với BBC.

Tuy không nêu l‎ý do khiến ông Thắng bị cho nghỉ việc, nhưng BAMF nói với BBC rằng tất cả các nhân viên của cơ quan này “đều bị ràng buộc bởi nghĩa vụ trung thành và trung lập”, và rằng các nhân viên “luôn được cấp trên liên tục nhắc nhở về tầm quan trọng của nghĩa vụ này trong các khóa tập huấn”.

“Nhân viên này có thể đệ đơn khiếu nại lên tòa án lao động về việc bị sa thải,” BAMF nói thêm.

Czech nghi ngờ về công an và tình báo VN?

Cũng liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh, truyền thông Czech nói cơ quan điều tra tội phạm có tổ chức của nước này (NCOZ) hiện đang điều tra bên cạnh giới chức Đức.

Phía Đức tin là ông Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc bởi một số người sống hoặc từng sống tại Czech.

Ngoại trưởng Đức tuyên bố ‘không thể chấp nhận’ việc VN bắt cóc người

Nay, truyền thông Czech cho rằng trong số những người tham gia vụ việc có thể là công an Việt Nam.

Trang domaci.ihned.cz trong bài viết cập nhật lần cuối hôm 29/8 dẫn nguồn tuần báo Respekt và nhật báo Aktualne.cz nói rằng một trong những hướng điều tra tập trung vào khả năng những người này thuộc nhóm công an từng được Czech mời sang hồi hai năm trước để phối hợp phát hiện các hoạt động tội phạm có tổ chức của người Việt, chủ yếu ở Trung tâm Thương mại Sa Pa, thủ đô Prague.

Báo Đức viết: ‘Bắt cóc từ công viên Berlin về VN’

Vì sao Đức yêu cầu trao trả Trịnh Xuân Thanh?

Tin Trịnh Xuân Thanh đầu thú ‘lạ tai như phép màu’

Cảnh sát cũng xem xét khả năng là có một số điệp viên Việt Nam đã có mặt trong nhóm đó từ ban đầu mà phía Czech không biết.

Chiếc xe Multivan VW (Volkswagen) 7 chỗ mang biển số 2AB-3140 do ông Nguyễn Hải Long thuê từ ngày 20-24/7 bị nghi là đã được sử dụng trong vụ Trịnh Xuân Thanh ‘bị bắt cóc. Ảnh chụp xe đỗ trước cửa văn phòng Hieu Bui Travel ở Trung tâm thương mại Sapa, thủ đô Prague, Cộng hòa Czech

Cho đến nay, có một người mang quốc tịch Việt Nam đã bị dẫn độ từ Czech sang Đức liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

Hôm 24/8, Tổng công tố Liên bang Đức ra thông cáo nói ông N. H. Long, 46 tuổi, quốc tịch Việt Nam đã được di l‎ý sang Đức.

Thông cáo nói nghi can đã lái một chiếc xe thuê từ Prague đến Berlin vào ngày 20/7, 3 ngày trước khi có thông tin ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.

Ông Bùi Quang Hiếu, Chủ xe, công ty Hieu Bui Travel, PrahaBản quyền hình ảnhBUI QUANG HIEU

Ông Bùi Quang Hiếu, chủ xe, công ty Hieu Bui Travel, Praha: “Chiếc xe bị tạm thu là chiếc Multivan VW (Volkswagen) 7 chỗ ngồi, màu ánh bạc, biển số 2AB-3140. Xe được cho mượn vào ngày 20/7, họ đem trả vào ngày 24/7, trùng vào thời điểm xảy ra vụ ông Trịnh Xuân Thanh, cho nên giới chức đặt nghi vấn.”

Chủ chiếc xe Multivan VW (Volkswagen) bảy chỗ mang biển số 2AB-3140 nói với BBC rằng khách thuê xe là ông Nguyễn Hải Long, người đứng tên chủ doanh nghiệp Money Gram tại chợ Sa Pa.

“Cảnh sát lấy xe vào lúc 17 giờ 41 phút ngày 28/7/2017” để điều tra việc sử dụng xe trong thời gian từ 20 đến 23/7, chủ xe Bùi Quang Hiếu nói với BBC Tiếng Việt hôm 10/8.

Ông Bùi Quang Hiếu hôm 31/8 cho BBC Tiếng Việt biết ông được cảnh sát Đức thông báo việc điều tra đối với chiếc xe đã xong, và ông sẽ được nhận lại xe vào sáng 1/9.

Chuyến công tác gần đây của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn chưa đạt kết quả gì trong đối thoại với phía Đức, một nguồn tin từ Hà Nội cho biết.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41115582

 

Khởi tố và bắt thêm cán bộ của Tập đoàn dầu khí

Thêm năm cán bộ cao cấp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị khởi tố, liên quan đến những vụ bê bối tài chính ở ngân hàng Đại Dương.

Đó là các ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên của PVN, ông Ninh Văn Quỳnh nguyên kế toán trưởng, đương kim phó Tổng Giám đốc, các ông Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm và Vũ Khánh Trường là nguyên ủy viên Hội Đồng Thành Viên hoặc Hội Đồng Quản Trị của PVN.

Trong số những người này thì ông Nguyễn Xuân Sơn đang bị tạm giam để điều tra việc ông đã chi tiền lời ngoài sổ sách cho PVN.

Hai ông Ninh Văn Quỳnh và Nguyễn Xuân Thắng bị bắt tạm giam trong ngày 1 tháng Chín.

Hai người còn lại bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo cáo trạng được truyền thông nhà nước loan tải thì năm người này bị qui kết cố ý làm trái, gây thiệt hại số tiền trị giá 800 tỉ đồng khi đóng góp vốn điều lệ vào Ngân hàng Đại dương- Oceanbank.

Trước vụ việc này, Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam lên tiếng cho biết PVN đang hợp tác với cơ quan điều tra, và những vụ bắt bớ trên không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của tập đoàn này. PVN cũng lên tiếng kêu gọi sự cảm thông của người Việt trong nước.

Trong suốt hai năm qua nhiều viên chức hoặc cựu viên chức của Tập đoàn dầu khí Việt Nam bị truy tố, bắt giam hay bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó nổi tiếng nhất là ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tổng Công ty Xây Lắp Dầu Khí, bỏ trốn sang Đức, rồi được cho là bị bắt cóc để đưa về Việt Nam hồi cuối tháng 7 vừa qua.

Ngoài ra người từng chịu trách nhiệm cao nhất của Tập đoàn dầu khí là ông Đinh La Thăng cũng bị kỷ luật, mất chức Ủy viên Bộ chính trị đảng cộng sản cũng như chức Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/pvn-arrested-09012017104916.html

 

Sai phạm của phó bí thư tỉnh ủy Đồng Nai

Một loạt sai phạm của đương kim phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, bà Phan Thị Mỹ Thanh, được chỉ ra. Bà này bị quy trách nhiệm chính trong việc thu tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, tại khu dân cư Dệt Thống Nhất nhưng lại gửi ngân hàng lấy lãi trong gần 20 năm qua.

Vào thời điểm năm 1996, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai giao cho Sở Công nghiệp lập dự án khu nhà tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất, tại phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa với diện tích gần 1,6 héc-ta để phân thành 121 lô nền cấp cho cán bộ, công nhân viên tự xây dựng nhà ở.

Sở Công nghiệp lúc bấy giờ tiến hành thu tiền đóng góp 1,4 tỷ đồng của cư dân tại khu tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất để làm hạ tầng. Tuy nhiên, cơ quan này đã đem số tiền gửi ngân hàng lấy lãi và sử dụng vào việc thưởng tết, chi tiền bồi dưỡng… mà không có chứng từ kế toán.

Theo kết luận thanh tra của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, hiện công trình trong gần 20 năm qua vẫn còn dở dang và nguyên Giám đốc Sở Công nghiệp kiêm Kế toán trưởng, bà Phan Thị Mỹ Thanh, nay là Phó Bí thư tỉnh bị quy trách nhiệm chính trong vụ việc vừa nêu.

Bên cạnh đó, Bộ Công An gửi giấy mời làm việc với bà Phan Thị Mỹ Thanh liên quan những sai phạm khác trong vai trò Phó bí thư tỉnh Đồng Nai.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/deputy-secretary-of-dong-nai-province-many-mistakes-founded-09012017105143.html

 

Thêm một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ vừa bị bắt

Một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam, vừa bị bắt ở Thái Bình vào sáng ngày 1 tháng 9. Gia đình người bị bắt, ông Nguyễn Văn Túc, cho đài Á Châu Tự do biết như vậy vào tối cùng ngày.

Trả lời đài ACTD qua điện thoại vào chiều tối ngày 1/9, bà Bùi Thị Rề, vợ ông Nguyễn Văn Túc cho biết:

Khoảng 8 giờ 45 anh đi lên huyện, đang đi giữa đường thì nó vồ nó quắp lên xe đưa đi rồi, giờ không biết đưa đi đâu. Rồi là nó ập vào nhà tôi hàng mấy tram người, có mỗi một mình tôi ở nhà thế là nó bắt tôi ngồi ở ghế nó đọc lệnh khám nhà rồi nó đi khám xét hết nhà cửa từ sáng đến giờ, suốt một ngày nay.

Theo bà Bùi Thị Rề, công an tỉnh Thái Bình đã khám nhà bà từ sáng đến khoảng 6 giờ tối và tịch thu một số áo có in logo của Hội Anh Em Dân Chủ, một số phong bì tiền phúng viếng đám ma mẹ bà vừa mất cách đây không lâu cùng một số charge điện. Công an cũng không cho bà biết ông Túc bị bắt đi đâu vì tội gì và hiện giam giữ ở đâu.

Ông Túc bị bắt khi đang trên đường về nhà từ huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cùng người em trai của mình. Bà Rề cho biết ông Túc là người đại diện cho người dân ở xã Đông La, huyện Đông Hưng đấu tranh đòi đất ruộng bị chính quyền địa phương thu hồi. Vào sáng ngày 1 tháng 9 ông được huyện mời lên để giải quyết tranh chấp đất đai với người dân nhưng không đạt kết quả. Sau khi rời khỏi văn phòng huyện khoảng 30 mét, ông và người em trai bị bắt. Người em trai sau đó đã được thả vào chiều cùng ngày.

Ông Nguyễn Văn Túc năm nay 53 tuổi là người đã từng bị bắt hồi năm 2008 và bị kết án 4 năm tù theo điều 88 Bộ luật hình sự, tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông ra tù năm 2012.

(Đài Á Châu Tự Do sẽ tiếp tục cập nhật thêm thông tin về vụ bắt giữ này, mời quý vị đón đọc)

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/another-member-of-brotherhood-for-democracy-arrested-09012017103443.html

 

Tấm lòng người Việt trong cơn bão Harvey

Các cộng đồng người Việt, các sơ sở tôn giáo và những thiện nguyên viên đang hỗ trợ hữu hiệu việc cứu trợ nạn nhân bão Harvey tại bang Texas. Họ không chỉ giúp người Việt mà còn giúp các gia đình bản xứ gặp nạn.

Ông Nhất Nguyên, một thành viên tham gia cứu trợ và là cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng Người Việt tại Houston cho VOA biết các hoạt động cứu trợ tại bang Texas:

“Cộng đồng Người Việt Quốc gia Houston và Vùng phụ cận phối hợp với Văn phòng Nghị viên của bác sĩ Lê Minh Đức đã thành lập một ủy ban cứu trợ. Ngoài ra các chùa, các nhà thờ cũng tổ chức các hoạt động cứu trợ, như chùa Liên Hoa, có hoạt động cứu trợ rất hữu hiệu. Một số anh chị em thiện nguyện đứng ra phát động, như có một nhóm từ Dallas xuống hay từ Austin tới. Họ góp tiền để nấu cơm. Tinh thần của người Việt mình rất là quý.”

Linh mục Francis Vũ, Chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ các Thánh tử đạo tại Houston cho VOA biết các giáo xứ đã tổ chức các hoạt động cứu trợ bắt đầu vào ngày 26/8 khi cơn bão tràn qua thành phố:

“Hội đồng mục vụ và hội đồng tài chính của chúng tôi đã họp và quyết định mở cửa để đón tiếp những nạn nhân bão lụt, những người gặp phải một hoàn cảnh hết sức bi đát. Chúng tôi may mắn được các cơ sở thương mại như Chợ Bến Thành (Houston) ngay từ phút đầu tiên đã cung cấp thực phẩm và nước uống hoặc Phở Thi cũng nấu những nồi phở sẵn sàng cho bà con dùng.”

Anh Vũ Chí Công, trưởng nhóm thiện nguyện viên ở giáo xứ các Thánh tử đạo Việt Nam cho VOA biết:

“Chúng tôi hiện đang trợ giúp bất cứ ai bị nạn trong trận bão lụt, người Mỹ, người Á đông, bất cứ ai cần giúp đỡ thì giáo xứ sẵn sàng giúp đỡ. Ở đây có đồ ăn nóng, mì gói, nước uống. Hoặc có thể lấy quần áo hay chăn mền mang về nhà.”

Thượng tọa Thích Hằng Đạt tại chùa Phật giác ở thành phố Sugar Land, phía tây nam Houston, nơi tiếp nhận và cứu trợ nhiều người Việt lánh nạn, cho biết:

“Chúng tôi hỗ trợ cho những người có nhà bị ngập lụt, có xe bị hư, nhất là người lao động nghèo, không có mua bảo hiểm hai chiều hay bảo hiểm ngập lụt. Chúng tôi giúp họ trả tiền sửa xe, hay trả một phần để họ có chiếc xe làm phương tiện đi lại.”

Thầy Thích Hằng Đạt cho biết tại Sugar Land mưa đã ngưng từ hôm thứ Tư, tuy nhiên các hồ nước đang xả đập nên các hộ dân còn bị ngập vẫn phải đến ở các trung tâm tạm lánh.

Theo linh mục Francis Vũ, hầu hết người Việt gặp nạn ở Houston không ở các trại tạm cư (còn gọi là shelter) như người bản xứ mà chọn ở chung các gia đình của người thân hay bạn bè ít bị mưa lụt ảnh hưởng hơn.

Theo linh mục Francis Vũ, với các căn nhà bị ngập lên tới nóc thì công tác cứu trợ sẽ kéo dài hàng tháng, hàng năm mới có thể khắc phục hoàn toàn.

Vấn đề cấp thiết nhất, theo linh mục Francis Vũ là các nạn nhân cần phải có tiền để sửa chữa nhà:

“Cấp thiết nhất là làm sao để họ có một số tiền, trước khi được chính phủ trợ cấp để sửa chữa lại nhà cửa, để mau chóng trở về nhà, tiếp tục sinh hoạt bình thường.”

Tuy nhiên, trong giới hạn của mình, giáo xứ các Thánh tử vì đạo sẽ sớm đóng cửa, vì phải nhường cơ sở lại cho các học sinh khi các em bắt đầu năm học mới sau khi nước rút.

“Ở Houston chúng tôi thành lập Ủy ban Cứu Trợ Nạn nhân bão Harvey. Đây cũng là thời điểm để chúng ta tạ ơn nước Mỹ – chúng ta không chỉ cứu giúp người Việt Nam, mà còn cứu giúp người bản xứ. Những người Việt ở gần thì kéo đến nấu những bữa ăn cho quý đồng hương của chúng ta và cho những người bản xứ. Có những người đóng thùng áo quần và gửi chi phiếu.”

Ông Nhất Nguyên nói hiện nay các nạn nhân bão Harvey cần rất nhiều thứ, nhưng cần nhất là sự hỗ trợ về pháp lý vì nhà của họ không mua bảo hiểm lụt:

“Người bản xứ bị nạn rất nhiều và có những cái chết thương tâm. 80% các ngôi nhà bị ngập nặng vì nhà của họ trước kia không nằm trong khu vực lụt nên họ không mua bảo hiểm lụt, nhưng nay thì lại bị. Cơn bão rất là nặng. Có người chỉ kịp ôm một bộ đồ mà ra đi thôi.”

Thầy Thích Hằng Đạt chia sẻ:

“Đây đúng là tâm điểm. Thành phố Houston gần như chỗ nào cũng ngập hết. Các vùng người Việt ở gần biển như Galveston thì sự thiệt nhiều hơn.”

Linh mục Francis Vũ rất cảm phục tinh thần quảng đại của người Việt, luôn cưu mang lẫn nhau lúc hoạn nạn. Những nhà hảo tâm và các thiện viện viện không chỉ ở Texas, mà từ các tiểu bang khác như ở California, Washington DC,… có những bạn tình nguyện sẵn sàng bay sang Texas để hỗ trợ nạn nhân bão.

Từ thứ Sáu tuần trước, 25/8, khi bão Harvey ập vào thành phố Houston, cả thành phố bị ngập do mưa kéo dài. Người dân không vào hay ra được khỏi thành phố và cũng không ra khỏi được ngay cả căn nhà của mình.

Houston, thành phố lớn thứ Tư nước Mỹ, là thành phố bị tác động nặng nề nhất trong cơn bảo Harvey. Hôm 31/8, Chính phủ Hoa Kỳ cho biết có ít nhất 37 ca tử vong, 100,000 căn nhà đã bị tác động bởi bão và rất nhiều cấu trúc hạ tầng công cộng cũng như hệ thống xa lộ và cầu cống đã bị hư hại.

https://www.voatiengviet.com/a/tam-long-nguoi-viet-trong-con-bao-harvey/4011340.html

 

Texas, tinh thần hào sảng không suy suyển

Tính hào sảng của người Texas dường như đã lưu truyền trong văn hóa tiểu bang này, và truyền cảm hứng cho cả người gốc Việt sinh sống tại đây. Bão Harvey, cũng như nhiều cơn thiên tai trước, là dịp minh chứng cho đặc tính này.

“Tôi được phân vào nhóm 1 – Tier 1 – đứng đầu sóng ngọn gió, vào trực tại bộ phận thông tin mạng, và được chỉ định lưu lại cho đến khi cơn bão đi qua.” V.L.H.C., kỹ sư làm việc cho Sở Công Nghệ Thông Tin thành phố Houston, nói với VOA. Công việc của V.L.H.C. là trực tại một trong ba trung tâm dữ liệu của Houston, “bảo đảm duy trì mạng và thông tin liên lạc giữa các ban, ngành trong thành phố.”

“Lúc đầu, tưởng cơn bão nhỏ, tôi chỉ mang theo hai bộ quần áo, kem đánh răng, một ít đồ ăn khô, vào chỗ làm.” Kỹ sư này trình diện nhận việc lúc 3 giờ chiều, thứ Sáu, 25 tháng Tám. Harvey đánh vào Houston tối cùng ngày.

“Mặc dầu ‘kẹt’ ở trong này, mặc dầu không có quần áo để thay, tôi biết mình vẫn may mắn hơn nhiều người ngoài kia, chỉ có một bộ, mà là bộ quần áo bị ướt.” V.L.H.C. dí dỏm, và lòng tự nhủ, “sẽ sang trại tạm cư bên kia đường giúp người chạy bão gốc Việt đang tạm trú sau khi xong công việc tại sở.”

Cùng thời điểm này, ở thành phố Cypress phía Tây Bắc quận Harris, bao gồm cả thành phố Houston, kỹ sư Bảo Trương cũng bị “kẹt” trong nhà, vì nước lụt dâng lên khắp nơi.

Thật vậy, kể từ thứ Sáu, 25 tháng Tám, Houston trở thành nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập,” theo mọi ý nghĩa của cụm từ này. Người ta không vào hay ra được khỏi thành phố. Người ta không vào hay ra được khỏi ngay cả căn nhà của mình.

Bão Harvey đổ hơn 30 tỷ mét khối nước vào Houston, trong trận hồng thủy chưa từng có trong lịch sử thành phố. Ba ngày mưa như cầm chĩnh đổ, Houston hứng chịu 300 mm, rồi 500 mm, rồi 1000 mm nước mưa, cao hơn cả một năm vũ lượng của Việt Nam, một xứ mưa nhiều.

“Bà con ngạc nhiên, không ngờ mưa lớn như vậy.” Bảo Trương nói với VOA. “Thế rồi bão lớn dần, bắt đầu thấy lo.”

Gia đình đi mua nước, mì gói, trứng… những vẫn chưa nghĩ đến chuyện “di tản.” Điều bất ngờ nhất lại đến, tạo nên thiên tai chưa từng có trong lịch sử tiểu bang: “Bão Harvey cứ xà quần một chỗ trên đầu Houston, tạo mưa lớn, đổ xuống thành phố.” Bảo Trương kể lại.

Thế là cả gia đình kẹt trong nhà, Bảo Trương, vợ – Hà Lê Mai Trinh, và cô con gái 11 tuổi. Từ thứ Sáu trở đi, kỹ sư Bảo “đợi hãng email gọi đi làm khi an toàn.”

Sang đến Thứ Hai, 28 tháng Tám, Bảo bắt đầu ra khỏi nhà, lội đến gần các kênh nước, “phụ người ta cứu người.”

Trong khu xóm, nhiều người mang theo tàu, kayak – một loại xuồng – để cứu người bị kẹt trong nhà bị bao vây bởi lũ. “Cá nhân tôi không có tàu thì mình phụ đẩy tàu xuống nước, hay mang người từ tàu lên chỗ khô.” Bảo kể lại.

Ai cũng góp một tay, không phân biệt nhiều, ít, không phân biệt điều kiện. “Tai ương không phân biệt người giàu, người nghèo. Tôi ngạc nhiên trước sự đoàn kết của mọi người.”

Bảo bày tỏ, rồi thêm: “Và hãnh diện làm người Texas.”

Không chỉ Bảo mang niềm hãnh diện ấy.

Ở phía Bắc Houston, nơi thành phố Conroe, ông Sơn Đặng, làm việc tại hãng dầu Energy Transfer, nói với VOA: “Đúng là có rất nhiều người tham gia cứu nạn. Tinh thần Texas trong những ngày này, là bị nạn xong, được giúp xong, thì đi cứu người khác.”

Ông Sơn sang Mỹ năm 1978, định cư tại Conroe từ năm 1981, và đã “trải qua nhiều cơn bão.”

“Harvey là trường hợp đặc biệt.” Ông Sơn giải thích. “Các cơn bão trước cường độ rất mạnh, đi qua rất nhanh, Harvey thì ‘đứng lại.’” Chính vì “đứng lại,” “xà quần” trên đầu thành phố mà Harvey trở nên đáng sợ, tạo thành thiên tai lịch sử.

Bão đến, thành phố ngập lụt. Bão qua, mưa tạnh, nước chưa kịp rút đi, thì nước lại dâng lên: Lũ xả từ các đập trữ nước. Một phần thành phố “lụt đến hai lần.”

Trong khi nhiều người kẹt ở nhà vì không thể ra đường đi làm, thì kỹ sư network Trần Trí Hoàng, làm việc cho Cisco, lại vẫn có thể làm việc hàng ngày.

Trí Hoàng làm việc nhàn nhã, vì được … làm việc tại nhà. Vừa làm việc, Hoàng vừa liên lạc với các thành viên trong nhóm Hoa Lư, kêu gọi đóng góp làm thiện nguyện.

Kỹ sư Hoàng sống tại Houston 37 năm nay, biết thành phố “như lòng bàn tay,” đã nhận đưa phóng viên VOA đi tác nghiệp trong ngày đầu nhóm này có mặt tại Houston.

Trần Trí Hoàng đồng ý với mọi người, rằng “Harvey thật đáng sợ. Mưa lớn gấp 5, 10 lần các cơn bão trước.”

Vừa làm việc ngay trên xe, vừa đưa phóng viên đến các trại tạm cư Việt Nam, Trần Trí Hoàng vừa liên lạc với đại diện cộng đồng Việt Nam tại Atlanta, Georgia.

“Các anh chị bên ấy lúc đầu định mang hai xe hàng cứu trợ sang Houston, nay với thông tin mới, sẽ mang thẳng sang Port Arthur.”

Harvey, vừa rút khỏi Houston là lâng dần vào Port Arthur, khuya thứ Ba, 29 tháng Tám!

https://www.voatiengviet.com/a/texas-harvey-cong-dong-viet-nam/4010954.html

 

Việt Nam tiếp tục gia hạn tạm giam không xét xử

ông Lưu Văn Vịnh

Chính quyền Việt Nam tiếp tục gia hạn thời gian tạm giam đối với nhà tranh đấu nhân quyền Lưu Văn Vịnh, dù hơn 10 tháng qua, gia đình và luật sư vẫn chưa gặp ông.

Bà Lê Thị Thập, vợ của ông Vinh cho VOA biết Viện Kiểm sát Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông báo rằng thời hạn tạm gian lần thứ hai được gia hạn từ ngày 4/7 cho đến 31/10/2017.

“Hôm vừa rồi bên Viện Kiểm sát có gửi cho tôi thư trả lời về cái đơn tôi xin cung cấp thông tin, họ trả lời là anh Vịnh bị gia hạn tạm gian đợt hai đến hết ngày 31/10.”

Hôm 28/8 bà Thập có đến trại giam Chí Hòa ở thành phố Hồ Chí Minh để gửi đồ cho chồng, nhưng vẫn không được gặp ông Vịnh, dù bà đã nhiều lần làm đơn xin gặp chồng.

“Trong thời gian này thì họ không cho gặp mặt. Tôi có làm đơn yêu cầu được gặp mặt nhưng họ cứ viện lý do là ‘trong thời gian chưa kết thúc điều tra’ nên gia đình chưa được gặp mặt.”

Ngoài ra, trong một thông báo gửi cho gia đình ký ngày 18/8, cơ quan này nói sẽ không cung cấp các văn bản tố tụng về việc tạm giam đối với ông Vịnh cho bà Thập “vì bà không thuộc trường hợp được cung cấp.”

Thời gian điều tra lần nhất đối với ông Lưu Văn Vịnh kết thúc vào ngày 3/7 vừa qua.

Với quyết định gia hạn điều tra lần thứ hai, nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh sẽ bị biệt giam ít thất cho đến cuối tháng 10. Chắc chắn trong thời gian này ông Vịnh cũng không được gặp gia đình cũng như luật sư.

Bà Thập nói rằng việc chính quyền bắt chồng bà là vô lý:

“Đó là một lệnh bắt vô cớ – không có lý do gì chính đáng. Chồng tôi chưa lập một hội nhóm gì cả mà họ vu cho tội ‘lật đổ chính quyền’ thì quá hoan đường, quá vô lý.”

Ông Vịnh được biết đến như là một trong những nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. Trước khi bị bắt ông viết blog trên Facebook, với bút danh là Vịnh Lưu.

Hồi tháng 7 năm ngoái, trên mạng xuất hiện tin nói rằng ông Vịnh đã tuyên bố thành lập “Liên minh Dân tộc Việt Nam tự quyết” với mục tiêu đòi Đảng Cộng sản Việt Nam trao trả quyền lực cho nhân dân và phải trưng cầu dân ý đối với các vấn đề hệ trọng quốc gia.

Ông Lưu Văn Vịnh, 49 tuổi bị bắt đi tại tư gia vào ngày 6/11 năm ngoái với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự. Chính quyền Việt Nam cho rằng ông là người sáng lập tổ chức có tên Liên Minh Dân tộc Việt Nam Tự Quyết. Cùng vụ có vài người khác bị bắt với ông Lưu, trong đó có ông Nguyễn Văn Đức Độ.

https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-tiep-tuc-gia-han-tam-gian-khong-xet-xu-ong-luu-van-vinh/4011401.html

 

Một phụ nữ Nga đối mặt tử hình vì đem cocaine vào Việt Nam

Một phụ nữ Nga đang đứng trước nguy cơ bị xử tử ở Việt Nam sau khi bị bắt vì mang lậu 3 kilogam cocaine khi nhập cảnh.

Theo lời cô Maria Dapirka, 30 tuổi, số ma túy đó là do người tình Nigeria nhét vào hành lý xách tay của cô.

Cô chỉ biết tên người đàn ông này là Nick và nói đã bị hắn ta lừa dối. Người này tự nhận là một cầu thủ bóng đá hàng đầu.

Các luật sư của Maria nói rằng cô chấp nhận thực tế có thể sẽ sớm bị xử tử, nhưng cô vẫn vớt vát hy vọng sẽ được trả tự do sau ba năm tù.

Maria đã sống ở Thái Lan trước khi gặp Nick. Hải quan Việt Nam đã bắt cô với gần 3kg cocaine khi cô nhập cảnh sau một chuyến bay từ Singapore. Cô khai rằng lượng cocaine đó do Nick nhét vào hành lý của cô.

Nick còn có tên là ‘Chib Eze’. Hắn ta dường như hay quyến rũ những phụ nữ trẻ đẹp rồi sau đó lừa họ xách ma túy.

Lẽ ra hôm 31/8, toà án thành phố Hồ Chí Minh ra phán quyết và kết án Maria, nhưng phiên xử đã bị hoãn lại lần thứ năm “để điều tra thêm”.

Trong một bức thư gửi cho mẹ là Olga, Maria nói rằng cô sẵn sàng đón nhận bất kỳ kết cục nào.

(Theo Daily Mail, Politics Nigeria)

https://www.voatiengviet.com/a/mot-phu-nu-nga-doi-mat-tu-hinh-vi-dem-cocaine-vao-viet-nam/4011379.html

 

Chỉ đạo ‘chưa tăng thuế’ của Thủ tướng dành cho ai?

Khánh An-VOA

Phát biểu có tính trấn an dư luận về việc “chưa tăng thuế” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, theo phân tích của một nhà kinh tế-xã hội Việt Nam, là “lập lờ” và “mơ hồ”, không giải quyết mối quan tâm của đại đa số dân chúng hiện đang phẫn nộ và lo lắng với đề xuất tăng thuế gần đây của Bộ Tài chính.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ Việt Nam ngày 30/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói “Với tinh thần năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, trước mắt, chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp”.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà kinh tế-xã hội học ở Việt Nam, cho rằng phát biểu trên hoàn toàn không giải quyết gì cho mối lo hiện nay của người dân.

“Có 2 đối tượng chính mà chính phủ phải quan tâm: doanh nghiệp và người dân. Mà người dân thì lớn hơn nhiều. Nhưng ở đây, nguyên văn của Thủ tướng là đối với doanh nghiệp chứ không phải người dân, cũng không nói rõ loại thuế nào chưa tăng. Cách nói của ông Phúc là cách nói lập lờ, chung chung, mơ hồ”.

Phát biểu của người đứng đầu Chính phủ được đưa ra giữa lúc làn sóng phản đối đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính đang ngày càng tăng mạnh.

Vô cảm

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, dự án Luật sửa đổi 5 luật về thuế được đưa ra nhằm thực hiện chủ trương của Ban chấp hành trung ương nhằm đảm bảo “an toàn” cho nền tài chính quốc gia. Theo đó, dự án Luật sửa đổi về thuế sẽ được áp dụng cho Luật thuế giá trị gia tăng (VAT), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên.

Trong hàng loạt các loại thuế Bộ Tài chính đề xuất tăng lên, VAT là khoản thuế bị người dân phản ứng mạnh nhất.

Sự giận dữ của dư luận bùng lên mạnh hơn sau khi có những giải thích từ các lãnh đạo Bộ Tài chính rằng việc tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12% là để “phù hợp thông lệ quốc tế”, và mức tăng này không ảnh hưởng nhiều đến người có thu nhập thấp.

TS. Phạm Chí Dũng cho rằng các lý lẽ trên là một trong nhiều “ngụy biện” mà Bộ Tài chính đưa ra nhằm biện minh cho mục đích tăng nguồn thu ngân sách.

“Nhiều ngụy biện lắm. Nhưng đã có các chuyên gia phân tích và phủ nhận, phản bác toàn bộ những lý lẽ của Bộ Tài chính. Thuế VAT của Việt Nam hiện nay thuộc loại cao trên thế giới. Nếu tính theo mức thu nhập bình quân đầu người thì cao ngất ngưởng, thuộc loại hàng đầu. Trong khu vực châu Á, Việt Nam có số lượng thuế, phí thuộc loại nhiều và cao nhất. Hiện có ít nhất 430 loại thuế và lệ phí ở Việt Nam, cao hơn các nước ở châu Á 2-2,5 lần”.

Tiến sĩ kinh tế của Việt Nam nói lý lẽ “tăng VAT không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo” không những sai hoàn toàn mà còn thể hiện sự vô cảm, vô trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước.

“Tăng thuế VAT nghĩa là ảnh hưởng đến tất cả các mặt hàng, và người nghèo là người chịu rủi ro cao nhất”, TS. Phạm Chí Dũng nói.

Theo ông, tình trạng suy thoái kinh tế Việt Nam liên tiếp 9 năm đã khiến đời sống người dân ngày càng khó khăn. Mức phân hóa giàu nghèo càng ngày càng lớn. Trong bối cảnh đó, VAT tăng lên sẽ đẩy người thu nhập thấp và tầng lớp trung lưu chi tiêu ít hơn. Sức tiêu thụ giảm sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh, dẫn đến tác dụng ngược, không những không giúp tăng thu ngân sách mà còn tiềm ẩn nguy cơ giảm thu.

Ngân sách “cực kỳ khó khăn”

Cùng với những sự kiện gần đây như chính phủ liên tiếp kêu gọi huy động vàng, đôla trong dân chúng, tăng các khoản thu phí, TS. Phạm Chí Dũng cho rằng đề xuất tăng thuế phản ánh tình trạng “cực kỳ khó khăn” của ngân sách nhà nước.

“Điều đó phản ánh tình trạng cực kỳ khó khăn của ngân sách Việt Nam. Nhiều người nói đã cạn kiệt, rỗng tuyếch nên bây giờ không còn cách nào khác, phải ép lên đầu dân”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính từ đầu năm đến ngày 15/8/2017, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 706,9 nghìn tỷ đồng, trong khi tổng chi lên đến 747,3 nghìn tỷ đồng, dẫn đến bội chi 40,4 nghìn tỷ đồng.

Trong các khoản chi ngân sách, khoản chi thường xuyên chiếm tới 73,3% tổng chi, chỉ có 17,5% dành cho đầu tư phát triển.

Theo TS. Phạm Chí Dũng, một yếu tố lớn khiến việc chi tiêu không cắt giảm là bộ máy biên chế cồng kềnh và không hiệu quả.

“Suốt bốn, năm năm qua, chuyện biên chế nói là giảm nhưng chẳng giảm được một chút nào, vẫn cứ tăng biên chế. Khoản chi thường xuyên cho đội ngũ ít nhất là 2,8 triệu công chức ở vẫn chiếm tới 71% tổng chi ngân sách của Việt Nam”.

TS. Phạm Chí Dũng cho rằng lối thoát gần như duy nhất hiện nay cho vấn đề ngân sách nhà nước là phải bằng mọi cách giảm chi tiêu.

“Thứ nhất, giảm chi thường xuyên. Chi thường xuyên bây giờ quá lớn, chiếm tới 71% ngân sách hàng năm. Muốn giảm chi tiêu thường xuyên đó thì phải giảm đội ngũ công chức. Thứ hai, phải giảm chi tiêu cho lực lượng vũ trang, trong đó có quân đội và công an. Quân đội mỗi năm ngốn tới gần 5 tỷ đôla tiền ngân sách, nhưng không hiểu sao vẫn không bảo vệ được ngư dân của mình, để ngư dân bị Trung Quốc giết hại trên biển. Cũng cần phải giảm chi cho lực lượng công an, trong đó có những khoản chi cho đàn áp nhân quyền thì tuyện đối không chi”.

TS. Phạm Chí Dũng nói thêm rằng mặc dù khoản chi đầu tư phát triển có giảm đi, nhưng vẫn còn “quá nhiều vấn đề” cần phải xem xét để cắt giảm thêm. Chẳng hạn, những công trình “nghìn tỷ” không cần thiết được gắn nhãn “đầu tư phát triển”, hay những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông ngốn tiền tỷ nhưng lại hỏng trước khi đưa vào sử dụng.

https://www.voatiengviet.com/a/chi-dao-chua-tang-thue-cua-thu-tuong-danh-cho-ai/4010949.html