Hoa Kỳ và cuộc khủng hoảng Triều Tiên – Trọng Đạt

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hoa Kỳ và cuộc khủng hoảng Triều Tiên – Trọng Đạt

Một đất nước chia đôi

Trước 1945, Triều Tiên hay Cao Ly là thuộc địa của Nhật, bị phát xít cai trị rất hà khắc, tàn ác man rợ, người Nhật không những bóc lột thuộc địa xương tủy mà còn giết hại người dân Cao Ly không gớm tay. Năm 1945 quân Nhật đầu hàng đồng minh, Nga Mỹ chia đôi Triều Tiên, từ vĩ tuyến 38 trở lên chịu ảnh hưởng Nga và dưới vĩ tuyến này chịu ảnh hưởng Mỹ.

Tháng 10-1949 Mao Trạch Đông thắng Tường Giới Thạch, chiếm Hoa Lục. Ngày 5-12-1949 Mao đã ra lệnh sửa chữa các sân bay chuẩn bị đổ bộ chiếm Đài Loan.  Ngày 5-1-1950 Tổng thống Mỹ Truman tàn nhẫn tuyên bố sẽ không can dự vào cuộc tranh chấp, không viện trợ quân sự cho Tưởng, gần như công khai tuyên bố bỏ Đài Loan (1), hòn đảo nhỏ bé này của Quốc Dân Đảng đang chờ chết.

Vì để mất Trung Hoa nên Truman bị mất lòng dân, tỷ lệ ủng hộ từ 70% xuống còn 35%. Khi bỏ Trung Hoa, người Mỹ không ngờ những hậu quả tai hại ghê gớm sẩy ra ngay sau đó. Tháng 8-1949, Nga có bom nguyên tử nhờ đánh cắp tài liệu Mỹ, Nga không còn sợ Mỹ và công khai đương đầu với Mỹ. Giữa năm 1950, khoảng 6 tháng sau khi Mao chiếm Hoa Lục, Nga-Hoa giúp Bắc Triều Tiên xua quân vượt vĩ tuyến 38 xâm lăng miền Nam đất nước này.

Khi ấy người Mỹ vội đem đại binh nhẩy bổ vào can thiệp dưới danh nghĩa Liên Hiệp Quốc đồng thời tuyên bố bảo vệ Đài Loan, thế là Đài Loan thoát chết mừng rú. Nay Hoa Kỳ mới thấy mối nguy Cộng Sản nhất là Mao theo Nga đã làm lệch cán cân Đông Tây giữa Thế giới tự do và khối Cộng. Trung Cộng nay trở thành mối nguy hàng đầu cho Mỹ tại Đông Nam Á, năm 1950, họ cũng giúp Việt Minh thành lập nhiều sư đoàn chính qui chống Pháp khiến Mỹ cũng phải vào can thiệp bằng viện trợ cho Pháp.

Cuộc chiến Triều tiên chấm dứt vào tháng 7-1953 đúng 3 năm sau, hai bên Nam Bắc có hàng triệu người thiệt mạng kể cả thường dân và quân đội, Mỹ có 54, 246 lính tử trận (2). Từ đấy Mỹ quyết không nhường dù một tấc đất cho CS tại Á châu.

Sau cuộc chiến, Nam Triều Tiên từ đống tro tàn đổ nát vươn lên thành một cường quốc kinh tế và quân sự như ta thấy ngày hôm nay. Nam Hàn nay đứng hàng thứ 11 trên thế giới về Tổng sản lượng kinh tế, GDP nay là 1,400 tỷ Mỹ kim đứng trên Nga (3), lợi tức đầu người của họ là 27,397 đứng thứ 31 trên thế giới (theo số thống kê của Liên Hiệp Quốc 2015). Dân số Nam Hàn nay 51 triệu (4), thủ đô Hán Thành (Seoul) gồm 10 triệu dân, kể cả ngoại  ô là 25 triệu, thành phố đông dân thứ nhì trên thế giới.

Trong khi ấy Bắc Hàn diện tích rộng hơn Nam Hàn một chút nhưng dân số 25 triệu chỉ bằng một nửa Nam Hàn. Bắc Hàn nay là nước Á Châu duy nhất theo chế độ quân chủ chuyên chế, cha truyền con nối từ mấy đời nay: Kim Nhật Thành truyền ngôi cho con trai Kim Chính Nhật năm 1994, Chính Nhật truyền ngôi cho con út là Kim Chính Ân tháng 4- 2012, đáng lý Chính Nhật truyền ngôi cho con trai cả là Kim Jong Nam nhưng anh này bị thất sủng, gần đây đã bị Kim Chính Ân, em ruột cho người giết tại Mã Lai. Dòng họ này từ đời ông tới đời cha, đời cháu.. toàn những tên uống máu người không tanh.

Nam Hàn buộc tội Kim Chính Nhật năm 1987 đã ra lệnh cho một điệp viên Bắc Hàn đặt bom nổ trên chuyến bay 858 của Korean Air giết hại 115 hành khách. Theo voanews.com, Chính Nhật đã dùng thanh trừng để giữ ngôi vị, từ nguồn tin Nam Hàn cho biết Chính Nhật đã hành quyết hàng trăm binh lính năm 1995 sau khi ông ta cho là khả nghi trong một đơn vị quân đội đóng tại tỉnh Bắc Hamgyong (5)

Bắc Hàn là một quốc gia quái đản bậc nhất trên thế giới, thực sự là một địa ngục, với lợi tức theo đầu người 648 Mỹ Kim, hạng   thứ 179 trong số 195 nước theo thống kê Liên Hiệp Quốc năm 2015, nằm trong số 15 quốc gia nghèo đói vào bậc nhất trên thế giới.

Tổng sản lượng kinh tế GDP của Bắc Hàn là 17 tỷ, đứng thứ 113 trên thế giới. So sánh hai miền ta thấy lợi tức đầu người của Nam Hàn (27,397 Mỹ kim) gấp hơn 40 lần Bắc Hàn (648 MK), Tổng sản lượng GDP Nam Hàn (14,00 hay 1,377 tỷ) gấp 80 lần GDP của Bắc Hàn (17 tỷ). Qua vài con số so sánh, ta thấy miền Bắc Triều tiên đói khổ là nhường nào.

Về phương diện quân sự (6) Nam Hàn hiện đứng thứ 12 trên thế giới (thứ nhất Mỹ, 2 Nga, 3 Tầu, 4 Ấn Độ, 5 Pháp…. Do Thái thứ 15, Việt Nam thứ 16, Úc thứ 22) Bắc Hàn đứng thứ 23. Về ngân sách quốc phòng Nam Hàn với 43 tỷ Mỹ kim đứng thứ 8 trên thế giới ngang với Nhật trong khi Bắc Hàn chỉ có 7 tỷ rưỡi đứng thứ 26 trên thế giới. Như vậy về chi tiêu quân sự Nam Hàn (43 tỷ) gấp gần 6 lần so với Bắc Hàn (7.5 tỷ)

Nếu so với Mỹ ta thấy ngân sách quốc phòng Mỹ gần 600 tỷ gấp khoảng 80 lần nhiều hơn ngân sách quốc phòng Bắc Hàn (7.5 tỷ), tiền đóng một hàng không mẫu hạm tối tân của Mỹ từ 13 tỷ cho tới 20 tỷ gấp 2 hoặc gấp 3 lần ngân sách quốc phòng của Bắc Hàn

Miền Bắc yếu kém hơn Nam Hàn rất nhiều về mọi mặt, trông cái gương Iraq bị Mỹ tấn công năm 2003, Bắc Hàn nghĩ tới kế hoạch chế tạo vũ khí nguyên tử để phòng thân và để Mỹ, Nam Hàn không dám đánh chiếm họ như Iraq. Tháng 10-2006 Cơ quan Thông tin Bắc Hàn cho biết họ đã thử bom nguyên tử ngầm thành công.

Tổng thống Nam Hàn  Kim Dae-Jung, (Kim Đại Trung) thập niên 90 có chính sách hòa hoãn với Bắc Hàn, ông đã tổ chức được hội nghị thượng đỉnh với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Nhật tại Hán Thành năm 2000. Cuộc họp mang lại biết bao niềm hy vọng trên khắp thế giới, nhờ vậy TT Kim Đại Trung đã được nhận giải Nobel hòa bình. Nhưng tiếc thay lạc quan mong manh qua mau, chẳng bao lâu tình hình chính trị quân sự đất nước giữa hai miên Nam Bắc lại tiếp tục gay go thù hận cho tới nay.

Căng thẳng trên bán đảo

Ngày 10-3-2017 bà Phác Cận Huệ, Tổng thống Nam Hàn bị truất phế và bắt giữ sau những cuộc biểu tình của người dân và quyết định của Quốc hội. Cho tới nay nguyên do việc lật đổ bà không có gì rõ rệt ngoài những cáo buộc mơ hồ như tham nhũng, lạm quyền. Tại Á Châu duy chỉ có Nhật là nước theo chế độ dân chủ thực sự, còn lại không mấy đáng tin cậy. Cũng có nhận định của Tây phương cho rằng người Nam Hàn trả thù nhà độc tài Phác Chính Hy, họ trút giận dữ lên đầu con gái ông, hành động này không được quân tử cho lắm.

Sau đó Nam Hàn bầu cho một chính trị gia ôn hòa Moon Jae-in lên làm Tổng thống nhậm chức ngày 10-5-2017. Có thể họ nghĩ rằng lật đổ một Tổng thống cứng rắn, bầu cho một chính trị gia ôn hòa để dễ thương lượng hòa bình với Bắc Hàn, nếu vậy thì họ lầm to.

Moon lên làm Tổng thống mới đầu hạnh họe Mỹ tại sao đặt hỏa tiễn Thadd không hỏi ý kiến ông, làm ra vẻ ta đây không cần Mỹ có thể tự giải quyết riêng, sau đó Moon tuyên bố sẵn sàng đàm phán hòa bình với Bắc Hàn. Lời kêu gọi của TT Moon không được Kim Jong-Un đếm xỉa. Un ra vẻ trích thượng muốn nói chuyện với Mỹ chứ không thèm đối thoại với Nam Hàn khiến Moon bẽ mặt. Chính sách đàm phán ngoại giao đã không có kết quả như đã chứng tỏ trong quá khứ, giờ này mà họ còn chưa hiểu gì về CS. Cuối cùng TT Moon cũng sang Mỹ xin TT Donald Trump giúp đỡ, con đường thương lượng coi như vứt đi.

Từ ngày Donald Trump nhậm chức Tổng thống đến nay, Kim Jong-Un thực hiện nhiều vụ thử hỏa tiễn tầm xa, lớn tiếng đe dọa Hoa Kỳ, gây sự và đe dọa láo xược. Donald Trump mới đầu cũng kiên nhẫn dịu giọng hỏi Un muốn gì và mời Un đàm phán, nhưng chàng ta ngày càng ngổ ngáo lên giọng hằn học đe dọa bắn hỏa tiễn có gắn đầu đạn nguyên tử sang Mỹ.

TT Trump mới đầu cũng tìm tới giải pháp hòa bình bằng đường lối ngoại giao như trong cuộc tiếp đón Tập Cận Bình tại Florida ngày 6 và 7 tháng 4- 2017 đã qua. Trump đã xử dụng cây gậy và củ cà rốt chính sách mậu dịch để nhờ họ Tập áp lực với Bắc Hàn từ bỏ vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn liên lục địa. Họ Tập gần đây đã khiến Trump thất vọng khi ông ta cho biết Trung Cộng không gấy được nhiều ảnh hưởng với Bắc Hàn như Mỹ mong đợi

Lịch sử năm 1972 nay lại tái diễn, sau khi TT Nixon sang Tầu (tháng 2-1972) về Mỹ, cuối tháng 3-1972 CSBV tấn công miền nam VN bằng một lực lượng lớn nhất thế giới sau chiến tranh Triều Tiên: 14 sư đoàn chính qui và 26 trung đoàn độc lập (7). TT Nixon đã vận động ngoại giao với Nga, Trung Cộng để áp lực BV nhưng Tầu phủi tay nói họ không liên hệ với Đông Dương còn Nga không khá hơn. Nixon, Kissinger cũng đã xử dụng cây gậy và củ cà rốt với Nga, hối ấy hai bên dự trù cuộc họp thượng đỉnh (summit) vào tháng 5-1972. Sô viết rất thèm họp với Mỹ để mua lúa mì vì đang mất mùa, đói kém và để tài giảm binh bị vì quá mệt mỏi với chạy đua vũ trang với Đế quốc, nhưng dù vậy họ vẫn chối khéo nói Nga không ảnh hưởng nhiều tới Hà Nội như Mỹ mong đợi (8)

Mặc dù Kissinger đã dọa khéo Đại sứ Nga tại Hoa Thịnh Đốn, ông ta dẫn chứng CSBV tấn công VNCH bằng xe tăng, đại bác, phòng không do Nga chế tạo, nếu Nga không ngăn cản được BV, người Mỹ sẽ hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh, phía Nga hứa hẹn sẽ cố gắng nhưng nói không dám chắc.

Hoa Kỳ có ưu thế về quân sự: là nước duy nhất đã xử dụng bom nguyên tử trong chiến tranh (1945), về số lượng, là nước có nhiều đầu đạn nguyên tử nhất. Trong khoảng thời gian 56 năm từ 1940 tới 1996 (9), Mỹ đã chi 8,890 tỷ đô la (theo giá tiền ngày nay) trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân, từ 1945 Mỹ đã chế tạo hơn 70,000 đầu đạn nguyên tử, nhiều hơn  tổng số đầu đạn nguyên tử của các nước trên thế giới cộng lại.

Về ngân sách quốc phòng, vũ khí, phi cơ quân sự, hàng không mẫu hạm…. của Mỹ lớn hơn, tương đương hoặc gần bằng tổng số vũ khí, máy bay, hàng không mẫu hạm… các nước top ten trên thế giới cộng lại. Hoa Kỳ đủ sức mạnh quân sự, quốc phòng đương đầu với cả thế giới hợp lại.

Nhưng tuy vậy nước Mỹ có một điểm yếu lớn, người Mỹ sợ chết, họ muốn làm trùm thế giới nhưng không gan dạ cho lắm. Thí dụ trong chiến tranh Việt Nam, cho tới Tết Mậu Thân năm 1968, số lính Mỹ tử trận tại Việt Nam chỉ hơn 30,000 người nhưng người dân biểu tình rầm rộ chống đối quyết liệt, đòi chính phủ phải rút quân bỏ Đông Dương ngay lập tức. Cộng quân dù bị thiệt mạng lên tới nửa triệu như Tướng Giáp trả lời phỏng vấn của nữ ký giả Fallaci (giữa năm 1968) nhưng Hà Nội không hề nao núng. CS biết cái tẩy của anh nhà giầu sợ chết nên họ lệnh cho cán binh giết cho nhiều lính Mỹ dù phải hy sinh 10 hay 15 người để giết một tên lính Mỹ mục đích đẩy mạnh phong trào phản chiến.

Vấn đề nằm ở chỗ đó, 28 ngàn lính Mỹ đóng gần Hán Thành là mối lo âu chính của Hoa Thịnh Đốn. Cuộc chiến với Bắc Hàn, một đất nước lạc hậu sẽ gây tổn thất nhân mạng cho Mỹ, cho dù họ giết được hàng trăm nghìn, hàng triệu tên lính Bắc Hàn đói khát đổi lại sinh mạng của vài chục ngàn quân Mỹ họ cũng không muốn. Người Mỹ luôn nghĩ rằng họ là dân tộc văn minh đáng sống, sinh mạng của họ quí như vàng, mạng sống kẻ địch như cỏ rác.

Thứ bẩy 5-8-2017 vừa qua, Hội đồng bảo an Liên Hiệp  Quốc chấp thuận quyết định mới trừng phạt kinh tế Bắc Hàn để buộc họ trở lại bàn hội nghị về chương trình hỏa tiễn và nguyên tử của họ. Liên Hiệp Quốc cấm xuất cảng quặng mỏ và hải sản trị giá hơn $1 tỉ, khoảng 1/3 tổng số trị giá xuất cảng của Bắc Hàn năm ngoái. Quyết định khiến Chủ tịch Bắc Hàn Kim jong-Un rất căm hận cho là Mỹ đầu têu ra chuyện này, ông ta hăm dọa bắn hỏa tiễn vào đảo Guam giữa tháng 8 để trả đũa.

TT Donald Trump đã cảnh cáo Bắc Hàn, giải pháp quân sự của Mỹ đã sẵn sàng, súng đã nạp đạn để phòng khi Bắc Hàn liều lĩnh…”. Ngoài ra ông cũng lớn tiếng đe dọa sẽ trả đũa Bắc Hàn bằng những hỏa lực dữ dội nhất chưa từng thấy.

Những lời đe dọa đao to búa lớn giữa Un và Donald Trump khiến cho giới đầu tư lo sợ, chứng khoán trên thế giới sụt giá và giảm mạnh trong tuần lễ vừa qua.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho hay nếu chiến tranh Mỹ và Bắc Hàn nổ ra, họ sẽ đứng trung lập tuy nhiên nếu Mỹ và Nam Hàn muốn thay đổi chính thể của Bắc Hàn thì họ sẽ ngăn cản.

Có lẽ TT Trump sẽ không nói suông nếu Bắc Hàn thực sự tấn công Mỹ bằng hỏa tiễn. TT Nixon năm 1972 sau khi đã cảnh cáo BV, ông đánh trả cuộc tổng tấn công của của họ giữa năm 1972, bằng một lực lượng vĩ đại Hải lục không quân, đã cho gần 200 B-52 oanh tạc trải thảm khiên Cộng quân bỏ xác hàng trăm ngàn người. Đầu thập niên 70, Nixon và Kissinger cứng rắn nhưng Laird (Bộ trưởng quốc phòng) và Rogers (BT ngoại giao) lại hay bàn ra. Trong nội các của ông Trump, ta thấy toàn là diều hâu từ Tổng thống tới Quốc phòng, Ngoại giao, có lẽ họ không hù dọa mà đã có sẵn kế hoạch quân sự, thí dụ họ sẽ xử dụng 200 B-52 trải thảm vài chục ngàn tấn bom phía trên khu phi quân sự để bảo đảm an toàn cho Nam Hàn và 28 ngàn lính Mỹ hoặc phóng hỏa tiễn ồ ạt vào Bình Nhưỡng từ các chiến hạm ngoài  khơi…..

Những vận động ngoại giao từ thời các TT Clinton, Bush con, Obama đến nay đã tỏ ra không có kết quả y như nước đổ lá khoai. Mọi biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp quốc từ nhiều năm qua cũng không mấy hiệu lực nên chính phủ Trump đã nghĩ đến giải pháp quân sự trước khi quá trễ.

Nhiều chuyên gia tiên đoán Bắc Hàn có thể tiến hành thu nhỏ  đầu đạn nguyên tử để gắn vào hỏa tiễn, những mối lo sợ chồng chất đã khiến cho giải pháp quân sự của Tòa Bạch Ốc đang được cân nhắc kỹ.

Một bản tin mới trên RFI cho biết truyền thông Hàn Quốc kêu gọi chính phủ nghiên cứu việc phát triển vũ khí hạt nhân khiến cho vấn đề càng phức tạp nặng nề hơn nữa. Báo chí kêu gọi hoặc Hoa Kỳ giúp Nam Hàn triển khai vũ khí nguyên tử hoặc Nam Hàn có thể tự chế tạo lấy trong vài tháng. Nhiều người Nam Hàn bị ám ảnh vì câu hỏi liệu Hoa Kỳ có sẵn sàng bảo vệ Hán Thành khi nhiều thành phố Mỹ sẽ trở thành mục tiêu của vũ khí nguyên tử Bắc Hàn, từ đó họ mới hô hào cần có bom nguyên tử để tự vệ.

Nhiều quan sát viên lo ngại “hiệu ứng dây chuyền” của một cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử tại Đông Nam Á. Theo nhận định của Yang Moo Jin, Giáo sư đại học tại Seoul quyết định chế tạo và trang bị bom nguyên tử của Nam Hàn sẽ mở cơ hội cho Đài Loan, Nhật Bản tự trang bị vũ khí hạt nhân. Chắc chắn Tokyo sẽ hoan nghênh giải pháp này, nó sẽ là yếu tố thuận lợi cho chính quyền Shinzo Abe xin xét lại và sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa của Nhật

Từ mối quan tâm này lại nẩy sinh ra những viễn tượng đáng lo sợ khác

Lời kết

Hôm 9-8 Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cảnh cáo Bắc Hàn chớ phát động chiến tranh và ngưng theo đuổi chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử, họ có nguy cơ bị tiêu diệt bởi hỏa lực vũ bão.

Người Mỹ chỉ chờ Kim Jong-Un nhấn nút phóng hỏa tiễn vào lãnh thổ của họ để có cớ trút hàng trăm ngàn tấn bom lên đất Bắc Hàn, nhưng Un không ngu, không khùng như người ta tưởng. Ông ta giả điên để tháu cáy Mỹ và không bị mắc lừa người Mỹ, vì thế cuộc chiến rút cục chỉ giới hạn trong phạm vi đấu khẩu, võ mồm.

Người Mỹ cương quyết bảo vệ Nam Hàn vì đây là một căn cứ quan trọng của họ để cai quản khu vực Đông Nam Á, người ta thắc mắc tại sao Mỹ bỏ Đông Dương mà không bỏ Đại Hàn.

Người Mỹ thua cuộc tại VN vì phản chiến, vì cái máy truyền hình.

Giáo sư Gia Nã Đại McLuhan, đã nói:

Truyền hình đã mang những cảnh chiến tranh tàn bạo tới căn phòng khách ấm cúng. Việt Nam thua từ trong những căn phòng ấm cúng ở Hoa Kỳ chứ không phải tại mặt trận bên Việt Nam”

(The Media:Vietnam war, Vietnamwar.net)

Tác giả James Olson và Randy Roberts cũng nói tương tự (Where The Domino Fell trang 205): nước Mỹ thua trận vì cái TV, ký giả, nhà làm phim đi khắp bốn vùng chiến thuật VNCH rồi đưa những hình ành khích động phản chiến về Mỹ chiếu trên truyền hình cho đại chúng xem.

Thời chiến tranh Triều tiên, năm 1950 chỉ có 9% dân Mỹ có TV, nhưng đến năm 1966 thời chiến tranh VN số người xử dụng TV đã tăng lên 93%. Những bản tin khích động trên truyền hình  đã khiên phong trào chống chiến tranh lên cao đưa tới sụp đổ tan tành.

Dù sống giữa một siêu cường quân sự, nay người dân Mỹ cũng thấy lo âu thấp thỏm trước những tình huống xấu có thể sẩy ra. Vạn sự vạn vật trên đời không phải tự dưng mà có, tự dưng mà thành, hễ có Nhân thì có Quả, năm 1949 khi tàn nhẫn bỏ rơi người bạn đồng minh Trung Hoa vào tay quỷ dữ, có bao giờ họ nghĩ tới những ngày này hay không?

Họ có bao giờ nhìn nhận nó là sai lầm lớn nhất, một tội ác và  hối hận về quyết định của mình hay không? Có bao giờ họ biết dừng tay vắt chanh bỏ vỏ chỉ nghĩ tới quyền lợi của mình hay không?

(1) Trần Vũ, Vì Sao Trung Quốc Không Giải Phóng Được Đài Loan? trang  mạng Đời Sống Và Pháp Luật 2013

(2) Wikipedia, United States military casualties of war

(3) Wikipedia, List of countries by GDP (nominal)

(4) Wikipedia, South Korea

(5) Wikipedia tiếng Việt:  Kim-Jong-Il

(6) http://www.globalfirepower.com

(7) Richard Nixon, No more Vietnams trang 150

(8) Henry Kissinger, White House Years chương XXV, trang 1104, 1005

(9) Wikipedia -Nuclear weapons and the United States