Tướng John Kelly, Niềm Hy Vọng Cuối Cùng Của Ông Trump

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tướng John Kelly, Niềm Hy Vọng Cuối Cùng Của Ông Trump

25/08/2017


General John Kelly
 
Sau gần 200 ngày đầy những xáo trộn, rò rỉ, cãi nhau, chia phe kình chống, tinh thần những cộng sự viên của Tổng thống Trump xuống rất thấp, kể cả việc sa thải, hay ra đi một vài nhân vật tên tuổi. Bây giờ là lúc phải cải tổ, và cần một người xếp mới lo việc ổn định văn phòng Tổng thống để giúp ông giải quyết công việc một cách hiệu quả, và điểm thăm dò dư luận không bị tuột dốc, xuống quá thấp.
Không cần nhiều lời giới thiệu mất công, ông John Kelly bước đến trước máy vi âm, ông lên tiếng: “Chào qúi vị, rất vui được gặp qúi vị. Tôi là người từ Boston đến.”. Trong lúc người con rể của Tổng thống, Jared Kushner và các vị phụ tá cao cấp khác đứng ở hai góc phòng theo dõi, ông tướng 4 sao gốc Thủy Quân Lục Chiến lên tiếng nói chuyện với tất cả nhân viên, tập họp họ lại để nghe chỉ thị về phương pháp làm việc của ông. Ông kêu gọi các nhân viên chấm dứt  trò cãi nhau, và xem “cái tôi” quá lớn khi lập chương trình làm việc, từ nay cấm không có chuyện rò rỉ tin tức. Dùng thái độ của một quân nhân TQLC, áp dụng phương châm của binh chủng: “Thượng Đế- Tổ Quốc- và Binh Chủng.” Ông nói với khán giả đứng trong phòng rằng chúng ta nên bắt đầu xếp thứ tự ưu tiên như sau: Tổ quốc trước nhất, Tổng thống thứ hai, và cái tôi đứng thứ ba. Ông nhấn mạnh Tổ quốc trước, chứ không phải là Tổng thống trước.
Để bắt đầu một giai đoạn mới của Bạch Cung, một kỷ nguyên có thể được coi là hy vọng sau cùng, và tốt nhất để giúp triều đại Tổng thống Donald Trump thành công. Chỉ trong vòng một đêm, tướng Kelly đóng xập cánh cửa hành lang đi sang văn phòng tổng thống (Oval Office). Từ nay mội nhân viên phải ngồi yên trong bàn giấy làm việc, không được lang thang ra ngoài, túm năm  tụm ba bàn chuyện đồn đại, và những tin tức rò rỉ.Ông ra lệnh sa thải ngay ông Anthony Scarmucci, Giám đốc truyền thông, người nói năng cẩu thả, đưa ra những câu tuyên bố hết sức chướng tai. Ông ra lệnh tất cả những cấp lãnh đạo ở Bạch Cung cần trình báo gì với Tổng thống phải báo cáo qua ông trước. Không ai biết  tướng John Kelly có thể tồn tại trong chức vụ mới này được bao lâu, rất có thể ông tướng gốc ka ki, cổ cồn sẽ bị thân chủ của ông từ khước. Kết quả sơ khởi ban đầu có vẻ vừa khen, vừa chê, điểm chút hoài nghi, song nó không thể dùng để đánh giá  người chánh văn phòng mới. Có điều rõ ràng là ông Kelly nhận lời giữ chức vụ Chánh Văn Phòng với một sứ mạng rõ ràng là: Sửa chữa hệ thống làm việc hư hỏng. Hệ thống đó là trung tâm điểm mà cả quốc gia lẫn thế giới tùy thuộc vào nó để lèo lái con tầu mệnh danh là “Trái Đất” đi đúng tuyến đường.
Một phụ tá ở Bạch Cung nhận xét: “Trước ngày 31 tháng Bảy, tình hình ở Bạch Cung hết sức xáo trộn, xuống đến mức tồi tệ.” Hy vọng ông xếp mới sẽ đem lại sự ổn định, chấm dứt tình trạng xáo trộn, để đi đến một tương lai sáng lạn hơn. Nhưng có thể ông sẽ làm cho tình trạng trở nên xấu hơn trước.
Nhưng với tướng Kelly, 67 tuổi, chắc chắn tình trạng xáo trộn sẽ không thể tiếp diễn, bởi vì ông không cho phép điều này xảy ra, và vì Tổng thống Trump đặc biệt tin tưởng trọn vẹn vào các tướng lãnh trong quân đội. Tổng thống ưu ái, và quí trọng các ông tướng, giới quân nhân. Đây là điều hơi bí hiểm, không hiểu vì sao ông lại thích giới quân nhân. Có lẽ vì ông Trump đã theo học ở trường quân sự  trong năm năm, hay có thể ông tưởng tượng rằng hễ giao việc gì cho các tướng lãnh là họ sẽ làm một cách chu đáo. Ông  Trump còn tin rằng các vị tướng là những người có giác quan thứ sáu, có linh tính bén nhậy của kẻ sát thủ. Tóm lại là ông Trump sùng bái, rất thích các tướng lãnh. Hiếm khi nào trong lịch sử Hoa Kỳ lại có sự qui tụ một nhóm tướng lãnh giữ vai trò cột trụ của đất nước như hiện nay. Chánh văn phòng John Kelly, Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis, và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia H.R McMaster đều là tướng lãnh, đang tại chức, hay đã hồi hưu. Đặc biệt hơn nữa là cả ba vị tướng này không những là bạn thân với nhau, họ còn là đồng minh, cùng một phe từ nhiều năm qua. Hai người trong ba tướng kể trên là gốc Thủy Quân Lục Chiến, chúng ta còn phải kể thêm tướng Joseph Dunford, Tham Mưu Trưởng Liên Quân (cùng là sĩ quan dưới quyền của tướng Mattis, giống như ông Kelly). Quả thực binh chủng TQLC đang giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền của ông Trump.
Sự gắn bó sâu đậm, và kiến thức của những ông tướng này tạo thành một toán làm việc đem lại rất nhiều ích lợi cho đất nước. Mùa hè năm nay, mối đe dọa từ phía Bắc Hàn gia tăng, trong lúc Bạch Cung có nhiều việc rối mù, chính ba ông tướng đã âm thầm phác họa một kế hoạch làm việc chung trong cùng một sứ mạng. Ba ông tướng Mattis, McMaster và Dunford (cộng thêm Ngoại trưởng Rex Tillerson) cộng tác với nhau để điều khiển chính sách đối ngoại, và cùng lên tiếng yêu cầu tướng Kelly phải ra nắm chức Chánh Văn Phòng. Họ đưa ra lý luận rằng bất cứ ai khác, ngoài tướng Kelly, đều không thể trấn áp được sự xáo trộn ở Bạch Cung. Do đó, khi Tổng thống Trump lên tiếng mời ông Kelly lần thứ ba, điều này là một mệnh lệnh buộc ông Kelly phải hy sinh  để phục vụ tổ quốc.
Bạn bè thân thiết với ông Kelly  nói rằng bản chất con người ông John Francis Kelly, sinh năm 1950, thuộc một gia đình lao động ở Boston, khi lớn lên đều gia nhập quân đội, và giữ thân thể cường tráng, mạnh khỏe. Nếu hội đủ điều kiện thể lực, họ đều tình nguyện vào binh chủng TQLC. Truyền thống này là kim chỉ nam hướng dẫn cuộc đời của ông Kelly, đúng như lời ông nói trong cuộc phỏng vấn năm 2016, tạp chí Marines, kỷ niệm cuộc đời binh nghiệp của ông: “Trong khung cảnh nước Mỹ mà tôi lớn lên, mọi người đàn ông đều là cựu chiến binh như cha tôi, chú bác tôi, và tất cả hàng xóm trong cùng dẫy phố đều ở trong quân đội.”. Truyền thống này được ông Kelly truyền thừa xuống đời con của ông. Hai người con trai gia nhập TQLC, và cô con gái phục vụ trong ngành FBI.
Khi còn nhỏ, ông Kelly thích phiêu lưu mạo hiểm, cậu bé John Kelly từng ngoắc xe đi qúa giang khắp nước Mỹ, theo xe chở súc vật rong ruổi khắp nơi trên vùng phía đông trước khi được 16 tuổi. Sau đó, chú nhỏ này đi theo tầu buôn Merchant Marine để chu du khắp thế giới (chuyến hàng đầu tiên chở đến Việt Nam 10,000 tấn rượu bia). Năm 1970, ông đăng lính, xin vào binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Đây là một quyết định ông được các đồng đội trong ban tuyển mộ yêu mến. Nhưng việc này chỉ dẫn ông tới trung tâm huấn luyện Lejeune. Ông tâm sự: “Lúc đó tôi chỉ là một anh lính TQLC cấp nhỏ, tôi muốn xuất ngũ về theo học đại học, rồi quanh trở lại xin học lớp sĩ quan.”. Vì vậy, sau hai năm ở trung tâm Lejeune, ông trở về theo học trường University of Massachusetts ở Boston, tốt nghiệp năm 1976, trở thành sĩ quan trong binh chủng TQLC. Ông leo dần lên trong nấc thang cấp bậc của binh chủng TQLC. Đây là binh chủng nhỏ trong quân lực Hoa Kỳ nhưng, cuộc tranh đua rất cam go.
Sự thăng tiến của ông John Kelly hết sức độc đáo, giống như một huyền thoại. Lúc đầu ông phục vụ trên chiến hạm, rồi phụ trách ẩm thực cho trại Quantico, thuộc căn cứ Pendleton, rồi chuyển sang làm việc tại Trường Cao Đẳng Chiến Tranh ở Hoa Thịnh Đốn, và Bộ Tư Lệnh TQLC ở Arlington, Virginia. Ông sang Iraq chiến đấu ba lần, sau đó còn tình nguyện phục vụ trong một chức vụ chính trị ở đây, giữ vai trò liên lạc với Quốc Hội, và làm phụ tá quân sự cho hai Bộ trưởng Quốc Phòng Robert Gates và Leon Panetta. Cả hai bộ trưởng này từng làm nhiều chức vụ khác nhau ở Bạch Cung. Ông Penetta nói với báo TIME: “Ông này là người luôn luôn chú tâm vào nhiệm vụ được giao phó. Nếu bạn bảo ông ta đi chiếm ngọn đồi trước mắt, là ông làm ngay, và phân tích cho bạn rõ cách nào hay cách nào dại.”.
Ông ta là người thông minh, bộc trực, nhưng luôn luôn tỏ ra lịch sự và dễ thích ứng với hoàn cảnh mới. Sau 45 năm phục vụ trong binh chủng với 29 lần thay đổi công tác, chức vụ cuối cùng trong binh nghiệp của ông là Tư Lệnh Bộ Chỉ Huy phía Nam. Chức vụ này dành cho tướng 4 sao, và chịu trách nhiệm trông coi tình hình ở nhiều nước trải dài từ Trung Mỹ Latin, xuống Nam Mỹ và vùng biển Carribean. Tại đây ông được mọi người khen ngợi, và kính nể. Song ông làm mọi người chú ý khi ông phản đối Tổng thống Barack Obama về việc cho phép phụ nữ tham gia vào công tác chiến đấu, và có ý định muốn đóng cửa nhà tù ở Guantanamo Bay.  Hồi năm 2016, khi được hỏi ý kiến về tổ chức khủng bố ISIS, ông trả lời: “Trong cương vị một quân nhân, theo tôi, cần phải giết chúng càng nhiều càng tốt.”.
Ông Kelly thấu hiểu cái giá phải trả của chiến tranh. Bản thân ông đã mất đi người con trai, cậu Robert, bị chết tại chiến trường Afghanistan năm 2010,vì dẫm phải mìn, ở tuổi 29. Ông Kelly là vị tướng cao cấp nhất có con trai bị giết tại chiến trường Afghanistan hay Iraq sau biến cố 9/11.
Cuối cùng, khi nghỉ hưu vào năm 2016, ông cảm thấy như được thượng đế ban ân sủng.  Ông Kelly nhận lời làm cho công ty Dyncorp, với lương khá cao. Đây là một công ty hợp đồng với Bộ Quốc Phòng, và ông thoát khỏi “những rắc rối về chính trị nội địa”. Ông cũng xác minh rằng ông sẵn sàng làm việc cho ông Trump hay bà Clinton khi cần đến ông. Một ngày thứ Bảy, trong tháng 11, khi ông Kelly đang xem trận đấu football của sinh viên, ông nhận được điện thoại của ông Reine Priebus, ngỏ lời muốn mời ông vào làm việc trong chính quyền mới của ông Trump. Lúc đầu, ông Kelly nghĩ rằng đó là cú điện thoại đùa chơi, để chọc phá ông. Làm gì có chuyện mời ông tướng hồi hưu của TQLC ra làm việc. Nhưng sau khi biết đó là điện thoại nghiêm túc của ông Priebus, ông bèn hỏi ý vợ ông, bà Karen. Bà trả lời: “Nếu họ có ý định mời ông ra làm việc, ông không thể từ chối được. Hơn nữa tôi chán cái cảnh ông ngồi không nhàn rỗi khi về hưu lắm rồi.”.
Ông Kelly chưa hề gặp ông Trump lần nào, và ông lấy làm ngạc nhiên khi nghe ông Trump đề nghị ông giữ chức Bộ trưởng An Ninh Nội Chính, sau khi “phỏng vấn” ông chỉ có năm phút tại khu đánh golf “Trump” ở Bedminster, New Jersey. Chức vụ này lôi cuốn ông ngay từ phút đầu, song cũng gây cho ông nhiều phiền toái. Chẳng hạn như việc chọn lựa nhân sự giúp việc cho ông. Ông Trump muốn bổ nhiệm Bộ trưởng tư pháp tiểu bang Kansas Kris Kobach làm phụ tá bộ trưởng. Ông này được ông Trump ưa thích vì thành tích khám phá có sự gian lận phiếu bầu của cử tri. Ông Kelly từ chối không nhận ông Kobach, nhưng ông cũng không được phép chọn người của ông.
Sau đó, xảy ra vụ sắc lệnh hành pháp cấm du lịch từ sáu nước Hồi Giáo, được đưa ra quá vội vã. Ngay khi được biết về Sắc Lệnh Hành Pháp này ông Kelly đã nêu câu hỏi chúng ta sẽ phải trả lời ra sao với các Tòa đại sứ và với Quốc Hội. Câu trả lời: Không cần trả lời. Sự việc này khiến cho ông Kelly kinh ngạc vì lối làm việc thiếu chuẩn bị, của ê kíp ông Trump. Nhưng trước ống kính truyền hình, ông trả lời rằng ông ủng hộ lệnh cấm, và sẽ thi hành.   Việc đó khiến cho nhiều nhân vật Dân chủ tức giận, họ là những người đã ủng hộ việc bổ nhiệm ông vào chức vụ này. Cũng chính vì vậy, ông được Tổng thống quí trọng vì đã ủng hộ quyết định cấm du lịch, không cần biết có thi hành được hay không.
Từ đó, ông Trump thường hay gọi điện thoại hỏi ý kiến ông Kelly về nhiều vấn đề. Tổng thống luôn luôn nói với mọi người tướng Kelly là “good man”. Hai ông ăn tối riêng với nhau vài lần trong sáu tháng đầu tiên. Sau đó, ông Trump nài nỉ ông Kelly đảm nhiệm thêm vai trò ở Bạch Cung. Ông Kelly từ chối nhiều lấn. Càng ngày ông càng được Tổng thống quí trọng, và ông cảm thấy bất mãn trước những xáo trộn ở Bạch Cung. Phụ tá ở Bạch Cung dựng lên hai mẩu chuyện để hạ uy tín của ông Kelly. Chuyện thứ nhất nói rằng ông âm thầm cộng tác với tướng Mattis: Một người lo mặt đối nội, một người lo mặt đối ngoại để duy trì sự ổn định về an ninh. Chuyện thứ hai nói rằng ông Kelly bất mãn với tổng thống về việc ông sa thải giám đốc FBI James Comey hồi tháng Năm. Chuyện này có đúng hay không, nhưng có lẽ tổng thống Trump không đếm xỉa gì đến những tin đồn này.
Đến giữa tháng Bảy, lực lượng nhân sự mở rộng thêm. Bên phía West Wing (ban cố vấn) bỗng dưng trở nên xáo trộn, không thể giải thích được, phần lớn bắt nguồn từ ông Trump. Chánh văn phòng Priebus không còn đủ khả năng để trấn áp, và giúp tổng thống tránh được những việc làm bất ngờ, gây xáo trộn. Nhiều phe nhóm trong Bạch Cung như nhóm đảng viên Cộng Hòa, nhóm thân nhân trong gia đình tổng thống, nhóm phụ tá, và nhóm của cố vấn Stephen Bannon kình chống nhau, tạo ra những xáo trộn đáng xấu hổ. Trong lúc đó, những đe dọa từ nước ngoài, nhất là từ phía Bắc Hàn trở nên nguy hiểm hơn. Tướng Mattis, Ngoại trưởng Tillerson và tướng Dunford buộc ông Kelly phải nhảy ra gánh vác công việc, để cứu nguy đất nước.
Thế rồi, sang đến cuối tháng Bảy, mọi việc trở nên không còn kiểm soát được nữa, xáo trộn xảy ra hàng ngày, chẳng hạn như sự xuất hiện, nói năng lếu láo của Giám đốc truyền thông Scaramucci, và bài nói chuyện của ông Trump trong Đại Hội Hướng Đạo làm mếch lòng phụ huynh, lời nhắn trên trang twitter của ông Trump về lệnh cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội, khiến các ông Tướng ở Ngũ Giác Đài chưng hửng không biết phải làm gì. Bạn cũ của ông Kelly là cựu tướng ba sao Fred McCorkle khuyên ông Kelly phải đứng ra ổn định tình hình, cứu nguy chính phủ. Ông McCorkle nói: “Đa số chuyện rắc rối xảy ra vì có những người muốn có nhiều quyền bính. Riêng John (Kelly) là người không màng gì đến quyền bính, ông ta chỉ muốn phục vụ.”
Ông Kelly nhận việc mới, đem đến hiệu qủa ngay lập tức.  Ông ra lệnh mọi người làm việc trong ban cố vấn (West Wing) phải báo cáo hoạt động cho ông trước, không được phép trình thẳng với Tổng thống, kể cả cặp vợ chồng cô con gái của Tổng thống, ông gọi tắt là “Javanka”, bí danh dùng để chỉ cậu con rể Jared Kushner và cô Ivanka Trump. Đích thân ông Kelly duyệt xét mọi tờ trình trước khi đưa lên Tổng Thống, và ghi chú bên lề. Làm như vậy để tránh cho ông Trump nổi hứng viết trên Twitter bừa bãi. Trong phiên họp của nội các, ông Kelly cắt ngang những lời nói rông dài, những ý kiến chưa cụ thể, hay sáng tỏ. Yêu cầu đương sự nghiên cứu thêm,trước khi trình bầy. Thỉnh thoảng ông đi tuần sang bên West Wing, buộc mọi người không được bàn tán, to nhỏ, những chuyện đồn thổi, vô căn cứ. Mọi người phải ngồi tại bàn làm việc, không được kéo ra hành lang, sân cỏ nói chuyện riêng, hay cố tình tạo sự chú ý của Tổng thống. Đặc biệt các phụ tá của ông Stephen Bannon thường hay xem TV và bàn tán nhiều chuyện tầm phào. Cố vấn an ninh, tướng McMaster khổ sở vì những tay phụ tá kiểu này, và ông không thể dẹp họ được. Chờ đến khi ông Kelly làm việc, tình hình mới trở nên ngăn nắp, và sạch sẽ hơn trước.
Ông Trump hài lòng với lối làm việc này.  Phụ tá thân cận của ông cho biết: “Hiện nay ông rất mừng vì có một người lo việc chỉ đạo, kiểm soát văn phòng cho Tổng thống. Có lẽ, phải mất một thời gian chuyển tiếp, điều chỉnh. Cuối cùng ông sẽ thích khi guồng máy hoạt động tốt.”.
Tuy nhiên, Bạch Cung của Tổng thống Donald Trump rất khó đi vào kỷ luật, nề nếp. Cá nhân ông Trump không thích bị người khác kiểm soát. Do đó, nhiều người trong đảng Cộng Hòa e ngại rằng những lời khen nồng nàn của ông Trump dành cho ông Kelly đến lúc nào cũng có thể bị tan biến mau chóng. Báo cáo cho biết ông Kelly chỉ có thể giảm bớt thói quen viết Twitter của ông Trump. Mới đây, ông Trump lại quay trở về thói quen này. Lúc 6 giờ 38 phút sáng sớm ngày 7 tháng Tám, khi đang nghỉ vacation ở khu đánh Golf tại Bedmister, ông Trump lại viết những lời than phiền về “fake news” trên các đài CNN, ABC, NBC, CBS…Đến 8 giờ 01 phút sáng, Tổng thống viết 9 lần trên trang mạng xã hội.
Sau đó, đến ngày 8 tháng Tám, ông Trump trả lời đe dọa mới nhất của Bắc Hàn bằng ngôn ngữ thiếu thận trọng, không đem lại ích lợi. Ông nói: “Bắc Hàn chớ nên hăm dọa Hoa Kỳ. Họ sẽ bị trả đũa bằng “bão lửa và giận dữ” kinh khủng thế giới chưa từng thấy.”. Việc ông Trump viết ra lời nói trên khiến ông John Weaver,cố vấn của Thống đốc Ohio John Kasich hoài nghi không biết tướng Kelly có thể tạo được ảnh hưởng đối với ông Trump, hay ông cũng đành phải chịu thua trước một Tổng thống có cá tính rất mạnh, và thiếu thận trọng. Một người ủng hộ ông Kelly phải thắc mắc tại sao ông Chánh Văn Phòng không ngăn cảnh tổng thống nói câu bình dân như vậy.
Trong khi đó, người ta không thể biết ông Kelly (hay bất cứ ai khác) có thể hoán cải được tổng thống khi ông cần ra nói chuyện với Quốc Hội về một đề nghị lập pháp trong tương lai. Đảng Cộng Hòa đã vận động trong suốt một thời gian dài để tiêu hủy luật Obamacare, để rồi cuối cùng phải thất bại. Chỉ còn 12 ngày nữa, Quốc Hội sẽ phải quyết định về mức nợ trần –debt ceiling- vào ngày 29 tháng 9, và sau đó là luật ngân sách vào ngày 30 tháng 9. Nhiều người đánh cá rằng phe Cộng Hòa sẽ lại thua. Nhiều nhân vật Cộng Hòa nổi tiếng như Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan, và Lãnh tụ Thượng Viện Mitch McConnell phải nhờ vả  lãnh tụ đảng Dân Chủ như bà Nancy Pelosi và TNS Chuck Schumer trong việc duy trì tiền An Sinh Xã Hội cho người già và người tật nguyền. Phe Dân Chủ thừa hiểu rằng về việc này họ ở thế thượng phong, và có thẩm quyền để ra lệnh đảng Cộng Hòa phải làm gì.
Đảng Cộng Hòa bị lâm vào thế trói tay, không thể giúp Bạch Cung trong hai vấn đề “Nợ trần” và “Ngân Sách”, họ bèn chuyển nỗ lực sang việc làm Luật Thuế. Đơn giản thuế, và hạ giảm thuế lợi tức luôn luôn là đề tài hấp dẫn cử tri, và các nhà làm luật tìm mọi cách làm để lấy lòng cử tri. Nhưng có lẽ bối cảnh hiện nay không cho phép việc này thực hiện được ngay trong năm nay. Phải chờ vài năm nữa mới có thể làm được trong một tình huống thuận lợi. Kinh nghiệm hồi thập niên 1980’s, phải mất hơn 3 năm mới sửa được luật thuế.
Trong vai trò Chánh Văn Phòng, tướng John Kelly sẽ còn phải đứng ra giải quyết một số vấn đề nhức đầu ở Bạch Cung. Trước hết là việc đối phó với ban điều tra của ông Công Tố Viên đặc biệt Robert Mueller về vụ can thiệp của người Nga vào cuộc bầu cử nắm 2016, tìm hiểu xem Tướng hồi hưu Michael Flynn đã làm gì ở Moscow và ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 9 tháng Tam, Nhật báo Washington Post cho biết cơ quan FBI đã lục soát tư gia của ông Paul Manaford Giám đốc ban tranh cử vào ngày 26 tháng 7.
Vấn đề nhức đầu kế tiếp là có nên gửi thêm quân sang Afghanistan hay không? Các tướng ở Ngũ Giác Đài cho rằng cần phải gửi thêm lính Mỹ sang mặt trận này. Nhưng cố vấn Stephen Bannon và các phụ tá phe ông phản đối việc gửi thêm quân. Ngoài ra, Tổng thống Trump sẽ phải trả lời dứt khoát nguyên tắc cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội sẽ được áp dụng hay không.
Ông Trump có tính hay chán các cộng sự viên sau một thời gian làm việc, và ông có tật đổ lỗi cho phụ tá mỗi khi ông lỡ làm việc gì sai. Rồi đây, ông Kelly cũng không thể tránh khỏi trở thành nạn nhân của tính khí bốc đồng của ông Trump. Một phụ tá cả quyết rằng việc ông Kelly sẽ bị thất sủng chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Nhưng ông Kelly có sẵn một mục đích trong đầu. Ông cho rằng sứ mạng của ông là chỉnh đốn guồng máy làm việc ở Bạch Cung để chuẩn bị cho một cuộc thử thách trong trường hợp có biến cố quốc tế xảy ra. Ông không màng đến việc lấy lòng, hay sửa sai ông Tổng thống Trump.
Về phần ông Trump, ông biết rằng triều đại tổng thống của ông sẽ tồn tại được hay không tùy thuộc vào tình hình đất nước. Ông phải giữa sao cho tình hình được ổn định thì ông mới có cơ hội tồn tại. Trong lúc quốc gia gặp cơn nguy khốn, đa số các chính trị gia Mỹ đều quay sang nhờ vả các tướng lãnh, và giới quân nhân. Vào thời điểm hiện nay, các sĩ quan hồi hưu, hay hiện dich đang được đặt vào vị trí làm cùng một lúc hai nhiệm vụ: Lo toan việc phòng thủ ở ngoại quốc, đồng thời thu xếp, ổn định tình hình chính trị ở trong nước. Nếu nguyên tắc này chưa hề được các Vị Lập Quốc nghĩ đến khi họ thảo bản Hiến Pháp, hẳn là sẽ có trường hợp trở thành một thực tế. Sự sắp xếp đó nên được theo dõi thật sát.
Nhưng đối với trường hợp của ông John Kelly, người ta sẽ thấy sự tận tâm cống hiến cả cuộc đời để phục vụ đất nước sẽ có ý nghĩa như thế nào.
 
Bài tường thuật của Michael Duffy  trên báo TIME ngày 21/8/2017
Nguyễn Minh Tâm lược dịch
maithanhtruyet.blogspot.com/2017/08/tuong-john-kelly…