Tin Việt Nam – 23/08/2017
Hai tàu đánh cá Việt Nam
lại bị tàu Trung quốc đâm chìm trên Biển Đông.
Theo thông tin từ Hiệp hội nghề cá Việt Nam thì vào ngày 7 tháng Tám, một tàu đánh cá Việt Nam của huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, khi đang đánh cá tại khu vực quẩn đảo Hoàng Sa thì bị một tàu Trung Quốc áp sát, người trên chiếc tàu Trung Quốc này đã nhảy sang hai chiếc tàu Việt Nam, cướp lương thực, hải sản, đập phá ngư cụ, rồi sau đó đánh chìm chiếc tàu Việt Nam.
Các ngư dân Việt Nam bị rơi xuống biển đã được một chiếc tàu đánh cá khác của tỉnh Quảng Ngãi cứu thoát và đưa vào đất liền.
Sau đó, cũng tại vùng biển này, ngày 18 tháng Tám, một chiếc tàu đánh cá khác của tỉnh Quảng Ngãi lại bị tàu Trung quốc tấn công, cướp phá và đánh chìm. Các ngư dân trên tàu được một tàu cá khác của Quảng Ngãi cứu về đất liền.
Theo ước lượng của Hiệp hội nghề cá Việt Nam thì trị giá tài sản của hai chiếc tàu Việt Nam vào khoảng 6 tỉ đồng.
Tàu đánh cá Việt Nam thường làm bằng gỗ và nhỏ, thường xuyên bị tàu Trung Quốc lớn hơn và có vỏ bằng sắt đâm chìm trên Biển Đông.
Nữ TGĐ gốc Việt điều hành
đóng hàng không mẫu hạm hiện đại nhất thế giới
Ngày 24/8, tại hãng đóng tàu Newport News Shipbuilding đặt ở bang Virginia, Mỹ, dự kiến diễn ra lễ khởi công đóng tàu sân bay USS Enterprise, còn gọi là CVN-80. Trước đó, hôm 21/7, Tổng thống Trump đã thực hiện nghi lễ chính thức đưa vào sử dụng tàu sân bay USS Gerald R. Ford. Đồng thời, đến cuối tháng 8, quá trình đóng tàu sân bay USS Kennedy đã đạt hơn 30%.
Cả ba con tàu kể trên đều là hàng không mẫu hạm lớp Ford, lớp tàu hiện đại nhất của Mỹ và trên thế giới hiện nay.
Đáng chú ý, vị tổng giám đốc điều hành chương trình đóng tàu sân bay mới của Mỹ là một phụ nữ gốc Việt, bà Giao Phan. An Tôn của Ban Việt ngữ VOA phỏng vấn bà về chương trình này và vai trò của bà. Xin mời quý vị theo dõi.
VOA: Xin bà cho biết hàng không mẫu hạm USS Gerald Ford có những đặc điểm gì nhờ đó tàu này tiên tiến hơn và mạnh hơn so với các lớp hàng không mẫu hạm trước đây?
Bà Giao Phan: Có thể nói tàu Gerald Ford, còn gọi là CVN-78, là hàng không mẫu hạm tối tân nhất trên thế giới hiện nay.
Tôi chỉ đề cập đến 5 thứ quan trọng nhất làm cho chiếc Ford này nổi bật mà chưa một quốc gia nào khác trên thế giới có thể làm được.
Thứ nhất, ngoại trừ Hoa Kỳ, chưa có một quốc gia nào trên thế giới có loại hàng không mẫu hạm có hệ thống giúp máy bay cất cánh bằng điện từ – electro-magnetic aircraft launch system, gọi tắt là EMALS; và một hệ thống hãm đà tối tân khi máy bay đáp lại – advanced arresting gears, gọi tắt là AAG.
Cả hai hệ thống này thay cho hệ thống cũ chạy bằng hơi nước, nên giúp cho việc cất cánh cũng như hạ cánh được nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Thứ hai là tàu được xây dựng theo thiết kế mới nhất chưa từng có trong vòng 40 năm qua. Chiếc Ford là hàng không mẫu hạm đầu tiên có hệ thống phát năng lượng tối cao nhất, tối tân nhất, có khả năng sản xuất một nguồn lực điện gấp 3 lần so với loại Nimitz.
Vì lý do này, các chuyên viên xây dựng chiến hạm mới có thể loại bỏ được hệ thống phát điện bằng hơi nước thường được sử dụng trong quá khứ và có chi phí bảo trì cao.
Thứ ba, để giúp tàu Ford có thể hoàn thành nhiều phi vụ trong một ngày hơn loại hàng không mẫu hạm Nimitz, hay nói cách khác là có khả năng chiến đấu vũ bão hơn các chiến hạm khác, chúng tôi có một số sáng kiến về phi đạo.
Thí dụ như thay đổi kích thước và vị trí của những khu vực trên phi đạo bằng cách cắt bớt số thang máy di chuyển máy bay, từ 4 xuống 3. Hoặc là có thang máy chuyển vận khí giới để có thể di chuyển vũ khí từ nhà kho đến khu máy bay đậu và phi đạo. Điều đó, cách di chuyển cũng làm cho nhanh hơn.
Một điều nữa chúng tôi học ở phương pháp áp dụng trong những cuộc đua xe drift car, thì tập trung mọi hoạt động tiếp vận và hỗ trợ máy bay ở ngoài phi đạo để làm sao cho máy bay được di chuyển nhanh hơn.
Thứ tư là intergrated warfare system – hệ thống tác chiến hợp nhất – bao gồm những kỹ thuật tối tân nhất. Có radar 3 chiều, 3-dimension, rồi hệ thống thông tin, rồi kiểm soát và chỉ huy để có thể nâng cao khả năng chiến đấu được hữu hiệu hơn.
Cuối cùng, một cái rất quan trọng nữa là chúng tôi không quên chăm sóc cho hàng ngàn thủy thủ làm việc ngày đêm trên chiến hạm. Nên hệ thống máy lạnh cũng tối tân được trang bị trên chiếc Ford để thủy thủ có thể có một nơi ăn ở cho thoải mái, có thể hít thở không khí trong lành mà không bị hại môi trường.
Với tất cả sự thay đổi mới mẻ này, chiến hạm Ford có thể hoạt động hữu hiệu hơn, với ít nhân lực hơn.
So với chiếc Nimitz, chúng tôi tiết kiệm được 600 người vì bảo trì và sửa chữa cũng giảm. Điều này giúp cho ngân quỹ quốc gia của Mỹ có thể tiết kiệm được khoảng 4 tỷ đôla trong vòng 50 năm là thời gian hoạt động của chiếc Ford.
Cơ quan Điều hành Chương trình Hàng không Mẫu hạm gồm:
Cơ quan lập kế hoạch, thiết kế và xây dựng những hàng không mẫu hạm mới (hiện là các tàu lớp Ford)
Cơ quan chuyên trách bảo trì, sửa chữa những hàng không mẫu hạm đang hoạt động
Cơ quan về lập kế hoạch, điều hành việc bảo trì và sửa chữa khi chiến hạm đạt 25 tuổi (Theo thiết kế, hàng không mẫu hạm hoạt động 50 năm. Nhưng đạt 25 năm hoạt động, tàu được đưa vào ụ khô để thay nhiên liệu nguyên tử, sửa chữa, hiện đại tất cả máy móc và hệ thống, để tàu hoạt động thêm 25 đến 50 năm nữa)
VOA: Xin hỏi bà tổng nhân lực dự kiến trên tàu Ford là bao nhiêu nghìn người so với tàu lớp Nimitz?
Bà Giao Phan: Khoảng 4.600, tổng cộng là vừa thủy thủ lẫn air wing [đội ngũ nhân lực của các hoạt động bay].
Như chiếc Nimitz thì có khoảng 3.290 người [là thủy thủ], thì chiếc Ford chỉ có 2.600 thôi.
Rồi cái air wing, chiếc Nimitz có khoảng 2.270 người, thì chiếc Ford khoảng 1.758.
VOA: Hiện nay, không có nước nào trên thế giới có thể sánh ngang Hải quân Mỹ, và có thể trong 1 thập kỷ nữa cũng không có nước nào sánh bằng được, ngay cả khi nước Mỹ chỉ dùng các hàng không mẫu hạm lớp Nimitz. Vậy, tại sao nước Mỹ lại cần phải xây dựng lớp hàng không mẫu hạm mới?
Bà Giao Phan: Câu hỏi này hay lắm. Hàng không mẫu hạm là trọng tâm của việc tăng cường sức mạnh của Hải quân Hoa Kỳ trong thế kỷ tới.
Tàu Gerald Ford được xây dựng thật tối tân để đối phó những thử thách hiện nay, hay những thử thách mà chúng ta không biết trước.
Tôi cũng muốn nhắc lại Nimitz là loại được chế tạo trong thập niên 50 hay 60 [của thế kỷ trước]. Loại đó đã phục vụ tốt và có khả năng điều khiển máy bay kiểu xưa lẫn hiện nay.
Nhưng Hải quân Hoa Kỳ nhận thấy Nimitz sẽ không được cải tiến để đối phó với những thử thách đòi hỏi trong tương lai.
Có một thí dụ là mình đi mua một chiếc xe hơi cách đây 20 năm. Mình có săn sóc, bảo trì rất tốt, có hư gì thì mình sửa, nhưng mà cái xe của mình cũng là chiếc xe nghe cassette, rồi dùng loa để nghe âm thanh stereo thường thôi.
Bây giờ ai cũng muốn nghe CD, rồi dùng bluetooth để nói chuyện không cầm điện thoại xách tay, rồi muốn có máy navigation [chỉ đường trên bản đồ điện tử] thẳng trên xe mà không phải cầm bản đồ giấy như xưa.
Thì dù xe mà tốt cách mấy mình cũng phải đổi qua xe hoàn toàn mới để có những tiện nghi như vậy. Thì tàu lớp Ford cái concept [khái niệm] cũng giống như vậy.
Tổng Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ, ông John Richardson, đã tuyên bố rằng “Những lợi thế Hải quân Hoa Kỳ đang có hiện nay từ Thế chiến II sẽ nhanh chóng biến mất nếu chúng ta không quyết tâm tận dụng triệt để các tiến bộ tuyệt đỉnh về kỹ thuật. Chúng ta không thể chờ 10 năm hay 15 năm sau, mà phải bắt đầu áp dụng các sáng kiến ngay từ bây giờ. Chúng ta phải có chiến hạm có nhiều khả năng về tác chiến, cần phải có hệ thống thám thính tối tân hơn, đạn dược phải bắn xa hơn, có các vũ khí, năng lượng để Hải quân Hoa Kỳ tiếp tục giữ vị trí hàng đầu thế giới”.
Trách nhiệm của bà Giao Phan:
Bảo đảm khả năng nhân viên trong cơ quan được tận dụng triệt để, các nhu cầu của họ được đầy đủ; tuyển dụng, huấn luyện, giúp đỡ tất cả nhân viên.
Giúp Đề đốc Antonio lãnh đạo mọi hoạt động của tất cả các giám đốc điều hành chương trình; hỗ trợ mọi công việc, từ ngân sách do giám đốc tài chính chuyển giao, cho tới giao tiếp với Quốc hội và công chúng.
Điều khiển mọi chương trình hoạt động, giúp đỡ các giám đốc điều hành giải quyết những công việc phức tạp.
VOA: Lớp hàng không mẫu hạm mới này sẽ có vai trò như thế nào trong việc thể hiện sức mạnh của Mỹ trên thế giới?
Bà Giao Phan: Hàng không mẫu hạm như một thành phố riêng ở ngoài biển cả. Mỗi hàng không mẫu hạm ra đi mang theo không chỉ những phản lực cơ, trực thăng, mà còn mang theo cả các bộ phận phòng bị với nó. Tàu có thể hoạt động độc lập từ hải phận quốc tế.
Hàng không mẫu hạm có thể giúp các vị tư lệnh tối cao của Hoa Kỳ có một vũ khí tuyệt đỉnh. Họ có thể ra lệnh cho nhiều phi vụ. Máy bay sẽ được phóng ra liên tục, như Hoa Kỳ đã từng làm trong cuộc chiến Iraq, khi mà chiếc CVN-75 Carl Vinson thả bom xuống Iraq.
Lúc đó, Hoa Kỳ không có nhiều căn cứ không quân ở Trung Đông, nhưng nhờ có hàng không mẫu hạm, không quân Hoa Kỳ vẫn có thể tung ra những vụ tấn công đáng kể từ những hàng không mẫu hạm.
Để biểu dương sức mạnh không quân trên thế giới mà không cần phải xin phép một quốc gia nào khác cả, không cần xin phép để hạ cánh trên lãnh thổ, hay là sử dụng không phận của quốc gia đó. Nói tóm lại, đây là một cách để phô trương quyền lực của Hoa Kỳ.
Nhưng còn một điểm nữa mà tôi muốn nói là ngoài tác chiến, còn có một nhiệm vụ khác là hỗ trợ các việc cứu nạn nhân đạo.
Chúng ta thấy gần đây các hàng không mẫu hạm đã có mặt trong việc cứu dân Haiti lênh đênh trên biển, hay cứu giúp các vùng đất bị tai họa khác.
VOA: Là Tổng Giám đốc Điều hành chương trình về hàng không mẫu hạm của Hải quân Mỹ, xin bà cho biết trong công việc giám sát việc đóng con tàu rất vĩ đại này, có những thử thách gì lớn nhất mà bà đã trải qua? Và với thành tựu là con tàu này đã ra khơi, đã được bàn giao cho Hải quân Mỹ, bà thấy có điều gì bà hãnh diện nhất trong dự án này?
Bà Giao Phan: Tôi làm cho Program Executive Office-Aircraft Carrier, tạm dịch là Cơ quan Điều hành Chương trình Hàng không Mẫu hạm. Đây là một cơ quan ở trong Hải quân Hoa Kỳ.
Cơ quan của tôi đảm nhiệm tất cả các việc liên quan đến hàng không mẫu hạm, từ A tới Z. Từ lập kế hoạch, thiết kế, xây dựng, bảo trì, sửa chữa, tóm lại, từ đầu chí cuối.
Người lãnh đạo cơ quan của tôi là một vị tướng 2 sao của Hải quân là Đề đốc Brian Antonio. Tôi là vị phó của vị này, đứng vị trí thứ hai, là quan chức dân sự cao cấp nhất trong tổ chức, với chức vụ tạm dịch là Tổng Giám đốc Điều hành. Chúng tôi có ngân sách 40 tỷ đôla để điều hành.
Thử thách khó khăn nhất đối với tôi trên đoạn đường dài mấy năm qua là làm sao có thể xây được một chiến hạm tối tân nhất trên thế giới với những hệ thống công nghệ và máy móc mà vẫn giữ được trong ngân quỹ được ấn định, mà phải bàn giao cho quân đội Hoa Kỳ đúng kỳ hạn.
Hàng ngàn người làm việc với nhau trong một thời gian lâu, áp dụng các kỹ nghệ tối tân nhất để thành hình một chiếc tàu, chúng tôi phải đem ra khơi chạy thử coi máy móc chạy có đúng như mình thiết kế không. Chúng tôi rất là mừng là tàu thành công trên mọi khía cạnh.
Máy chạy tốt. Mới đây, máy bay được phóng ra và đáp lại trên tàu với dàn phóng điện từ EMALS và AAG, đem lại kết quả rất là mỹ mãn như được mong đợi.
Cho nên tôi rất hãnh diện với sự chăm chỉ, tận tụy, kiên nhẫn và bền bỉ của các nhân viên trong quân đội lẫn dân sự, từ kỹ sư cho đến người thợ xây tàu trong mấy năm qua.
Tất cả hi sinh rất nhiều về đời sống gia đình để có kết quả mỹ mãn như ngày hôm nay.
Còn riêng bản thân tôi, tôi cảm thấy rất hãnh diện và được vinh dự tham gia trong việc xây dựng hàng không mẫu hạm Gerald Ford.
Đây là một cơ hội cho tôi trả ơn Hoa Kỳ, nhất là Tổng thống Ford, vì tổng thống này đã tạo cơ hội cho gia đình chúng tôi được vào Mỹ hơn 40 năm trước đây, năm 1975 đó.
Hàng không mẫu hạm đại diện cho Hoa Kỳ, là nơi cung cấp niềm hy vọng và tạo cơ hội cho những người thiếu thốn, không có điều kiện.
Gia đình tôi qua Mỹ khi đó chỉ có vài trăm đôla trong túi. Cha mẹ tôi phải làm mọi công việc lao động để nuôi 9 người con để học hành thành tài.
Cơ duyên lại đưa đẩy cho tôi phục vụ quân đội Mỹ, lại được làm trong ngành chế tạo hàng không mẫu hạm.
Cách đây 40 năm, cha tôi và bác tôi được hàng không mẫu hạm Midway cứu qua đây.
Ngày nay cách trả ơn quý báu nhất là chiếc tàu Ford này tôi giúp để thành hình, sẽ tiếp tục tác chiến hay làm việc cứu trợ nhân đạo như ngày xưa giúp gia đình tôi. I’m very proud of that [Tôi rất tự hào về điều đó].
VOA: Xin cảm ơn bà đã dành thời gian trả lời đài chúng tôi!
Tiểu sử bà Giao Phan
8/2013 đến nay: Tổng Giám đốc Điều hành, Cơ quan Điều hành Chương trình Hàng không Mẫu hạm, Hải quân Hoa Kỳ
11/2007-7/2013: Phó Giám đốc, Các Chương trình Mua sắm Trang thiết bị, Tuần duyên Hoa Kỳ
2006-2007: Phó Giám đốc Điều hành, Chương trình Hàng không Mẫu hạm Đang Hoạt động
2004-2006: Trợ lý Giám đốc Điều hành về đóng hàng không mẫu hạm mới thuộc lớp Nimitz
Trước đó, bà là Giám đốc chuyên trách Hàng không Mẫu hạm và Tàu Đổ bộ, thuộc Văn phòng Trợ lý Bộ trưởng Hải quân (chuyên trách Nghiên cứu, Phát triển và Mua sắm Trang thiết bị)
Bà từng là Giám đốc về Hệ thống Điện tử cho Chương trình Tàu ngầm Tấn công Nhanh Seawolf
Bà Giao Phan bắt đầu sự nghiệp dân sự trong Hải quân Hoa Kỳ từ năm 1984 và được khen thưởng nhiều lần
Bà có bằng cử nhân xây dựng dân dụng của Viện Bách khoa Virginia năm 1981, bằng thạc sỹ quản lý của Viện Công nghệ Florida năm 1997
VN Pharma: phát nhanh, sụp cũng chóng
Thành lập từ 2011, Công ty Cổ Phần VN Pharma phát triển mở rộng một cách nhanh chóng, trúng thầu hàng loạt các hợp đồng thuốc trị giá hàng chục tỷ trước khi nhanh chóng sụp đổ vào 2014.
Báo Kiến thức.net, trang web đầu tiên đưa thông tin chi tiết vụ bắt giữ Tổng giám đốc Công ty VN Pharma hồi 2014, nhận định công ty này “sinh sau đẻ muộn nhưng nhưng tốc độ phát triển và chiếm lĩnh thị trường dược phẩm của công ty nhanh như vũ bão”.
Bắt đầu tham gia thị trường phân phối dược phẩm từ 25/10/2011, nhưng chỉ trong sáu tháng đầu năm 2012, VN Pharma đã thành lập thêm các công ty con là VN Pharma An Giang và VN Pharma Cà Mau; vào cuối năm đó, thêm một chi nhánh được mở tại Hà Nội.
Chủ tịch VN Pharma ‘bị cáo buộc buôn lậu’
VN bắt giám đốc ‘trúng thầu hàng trăm tỷ’
Chỉ sau chưa đầy hai năm hoạt động, ông Nguyễn Minh Hùng tại đại hội đồng cổ đông lần ba năm 2014 báo cáo doanh thu bán hàng hợp nhất của công ty năm 2013 đạt 971 tỷ đồng, trong lúc vốn điều lệ của công ty tính đến tháng 8/2013 là 40 tỷ đồng.
VN Pharma khi đó dự kiến sẽ đạt mức doanh thu trong 2014 là trên 1.000 tỷ đồng.
VN Pharma còn liên tiếp thành lập các đơn vị thành viên như VN Medicare về lĩnh vực vệ sinh và sinh hóa phẩm y tế; VN Logistics về lĩnh vực dịch vụ kho bãi và hậu cần ngành dược và VN Clinic về lĩnh vực phòng khám.
Công ty Cổ phần VN Pharma có nhiều công ty thành viên khác như Công ty TNHH Một thành viên Dược Nam Anh, Công ty Cổ phần Dược Nam Hùng, Công ty TNHH Một thành viên Dược VN Pharma.
Báo Thanh Niên thời điểm đó nói việc VN Pharma và các công ty con thắng lớn trong việc đấu thầu thuốc vào các bệnh viện của thành phố Hồ Chí Minh khiến những người trong ngành y dược nơi đây đặt câu hỏi về sự bất thường.
Hôm 19/9/2014, cảnh sát bắt giữ Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Nguyễn Minh Hùng và khám xét thu hồi các tài liệu tại văn phòng.
Sau đó, giới chức tuyên bố ông Hùng bị khởi tố về hành vi nhập lậu lô thuốc H-Capita trị giá 750.000 đôla bằng việc giả mạo giấy xác nhận của tham tán lãnh sự quán Việt Nam tại Canada.
Theo báo Tiền Phong, từ năm 2013 đến 19/9/2014, ông Hùng đã thông qua ông Võ Mạnh Cường, Giám đốc công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C, để làm giả Giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC), Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) với con dấu giả lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada, cùng hợp đồng, các phụ lục mua bán và các chứng từ thủ tục thanh toán tiền để được Cục Quản lý Dược Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu thuốc.
Thuốc H-Capita 500mg được VN Pharma nhập khẩu vào tháng 4/2014, và đến 1/8/2014 thì bị Cục Quản lý dược Bộ Y tế có văn bản yêu cầu tạm ngừng lưu hành, theo báo Đời sống Pháp luật.
Cũng theo báo này, kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc H-Capita 500mg nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
Tham tán Nguyễn Văn Quyến tại Đại sứ quán Việt Nam tại Canada cũng khẳng định không ký các văn bản hợp pháp hóa lãnh sự và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc và chứng nhận bán hàng tự do.
Hôm 21/8/2017, gần ba năm sau khi bị khởi tố, TAND TP. Hồ Chí Minh mở phiên xét xử sơ thẩm các cáo buộc “buôn lậu,” “làm giả con dấu” đối với ông Hùng.
Trong số chín bị cáo bị đưa ra xét xử có:
Nguyễn Minh Hùng, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty Cổ phần VN Pharma
Nguyễn Trí Nhật, Ngô Anh Quốc, hai nguyên phó giám đốc VN Pharma
Phạm Anh Kiệt, Tổng giám đốc công ty Dược Sapharco
Võ Mạnh Cường, Giám đốc công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C
Hôm 22/8, Viện Kiểm sát TP HCM đề nghị án tù 10-12 năm tù cho Nguyễn Minh Hùng vì cáo buộc nhập thuốc chữa ung thư giả.
Phiên tòa dự tính sẽ diễn ra trong 8 ngày.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41022474
Dược phẩm nào VN Pharma nhập nhưng bị cấm lưu hành?
Liên quan đến có buộc nhập thuốc ung thư kém chất lượng của ông Nguyễn Minh Hùng, VN Pharma đã nhập lậu một lượng lớn thuốc “kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.”
Đây là những loại thuốc gì? Chỉ định chữa trị cho những căn bệnh nào?
VN Pharma: phát triển nhanh, sụp đổ cũng nhanh
Chủ tịch VN Pharma ‘bị cáo buộc buôn lậu’
VN bắt giám đốc ‘trúng thầu hàng trăm tỷ’
Capecitabine – thuốc hóa trị liệu ung thư
Trong đó, đề cập đến nhiều nhất là thuốc Capecitabine 500mg, hay VN Pharma gọi là H-Capita 500mg Caplet.
Giám định của Bộ Y tế cho thấy lô thuốc 9.300 hộp VN Pharma nhập về hồi tháng 4/2014 chứa 97% hoạt chất capecitabine kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
VnExpress trích dẫn Sách Dược lực học do Đại học Y Dược TP HCM nhận định chất capecitabine để điều trị một số loại ung thư như vú, đại tràng, trực tràng, dạ dày.
Cơ chế hoạt động của thuốc là làm chậm hoặc ngăn sự tăng trưởng các tế bào ung thư và giảm kích thước khối u. Tuy nhiên, thuốc làm giả hoặc không đủ hàm lượng theo quy định của nhà sản xuất sẽ không đảm bảo công năng, sẽ ảnh hưởng hiệu quả điều trị của bệnh nhân.
Theo thông tin trên trang web của Trung tâm nghiên cứu Ung thư của Anh Quốc, capecitabine là một loại thuốc thường được dùng trong phương pháp hóa trị liệu ung thư.
Bệnh nhận uống thuốc hai lần một ngày, sáng và tối. Và thường sử dụng thuốc trong một chu kỳ kéo dài hơn ba tuần, hoặc trong nhiều tháng.
Lô thuốc hơn 9.000 VN Pharma được nhập về từ tháng 4 nhưng Cục Quản lý Dược không phát hiện cho đến tháng 8, và việc tiến hành bắt giữ ông Nguyễn Mình Hùng không xảy ra cho đến tháng 9/2014.
Hồi 10/2014, VN Pharma xác nhận mặt hàng H-Capita caplet 500 mg đã bị Cục Quản lý dược niêm phong ngay sau khi công ty nhập hàng về Việt Nam, báo Pháp luật đưa tin.
Thuốc kháng sinh
Theo công văn 522 hôm 19/9/2014, Cục Quản lý Dược ra quyết định rút mặt hàng dược phẩm do VN Pharma nhập khẩu khỏi danh sách lưu hành tại Việt Nam, gồm thuốc dạng dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch với các hàm lượng khác nhau, H2K Ciprofloxacin và H2K Levofloxacin.
H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin là hai loại thuốc kháng sinh tổng hợp.
H2K Levofloxacin, chuyên chỉ định cho các bệnh như viêm xoang cấp, đợt cấp viêm phế quản mãn, viêm phổi cộng đồng, viêm tuyến tiền liệt, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn da, bệnh than.
Trong khi đó H2K Ciprofloxacin, chuyên chỉ định cho nhiễm khuẩn nặng mà các thuốc kháng sinh thông thường không tác dụng và các bệnh như viêm đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt, viêm xương – tủy, viêm ruột vi khuẩn nặng…
VN Pharma bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 10/2011, nhưng nhanh chóng thắng thầu, giành được các hợp đồng khổng lồ với các bệnh viện và cơ sở y tế lớn.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41022482
LS Võ An Đôn bị kỷ luật vì phát biểu trên mạng?
Luật sư Võ An Đôn, người bị Đoàn Luật sư Phú Yên đề nghị xem xét kỷ luật nói với BBC rằng ông nghĩ mình sẽ “bị lấy ra làm gương” cho các luật sư phát ngôn trên mạng xã hội “nhưng vì lương tâm nên phải nói ra.”
Ông Võ An Đôn là một trong những luật sư nhận bào chữa cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong phiên tòa hồi tháng Sáu.
Phát biểu sau phiên tòa ông nói trong các vụ ‘an ninh quốc gia’, luật sư nói cũng chẳng có ai nghe.
Truyền thông Việt Nam cho hay hồ sơ xem xét kỷ luật luật sư Võ An Đôn đã được Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên chuyển đến Hội đồng khen thưởng kỷ luật của Đoàn này.
Luật sư là nghề ‘nguy hiểm ở Việt Nam’?
Luật sư VN ‘vô vọng trong các vụ an ninh’?
Thông báo của Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên do chủ nhiệm, luật sư Nguyễn Hương Quê ký, ghi:
“Thời gian qua trên trang cá nhân của luật sư Võ An Đôn đã có nhiều bài viết, clip nói xấu nghề luật sư; đăng tải các clip phỏng vấn giữa luật sư Đôn với các đối tượng ở nước ngoài với nội dung kích động, không đúng sự thật.”
“Việc này gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước và giới luật sư Việt Nam.”
Hôm 23/8, trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt, ông Võ An Đôn nói:
“Tôi chưa biết hình thức kỷ luật với đối với mình sẽ là gì, nhưng dự báo là sẽ nặng.”
“Có thể người ta sẽ lấy tôi ra làm gương, vì vừa qua Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có công văn gửi liên đoàn luật sư các tỉnh chỉ đạo cấm luật sư nói bậy trên mạng.”
“Hơn nữa, Bộ Tư pháp có dự thảo sửa đổi Nghị định 123 xử lý nghiêm, có quyền tước thẻ luật sư không cần thông qua Liên đoàn Luật sư như trước.”
“Nếu bị tước thẻ hành nghề luật, tôi sẽ khiếu nại, không chấp nhận.”
‘Vì lương tâm’
“Những gì tôi nói ra là có thật, với mong muốn thực trạng luật sư chạy án đang phổ biến sẽ được thay đổi theo hướng tốt hơn, chứ tôi không dại dột đi nói xấu đồng nghiệp.”
“Tôi biết những gì mình nói ra sẽ bị cả giới luật sư phản ứng vì đụng chạm đến quyền lợi của họ, nhưng vì lương tâm nên tôi phải nói ra, không thì rất ấm ức.”
“Chỉ một số luật sư công khai lên tiếng ủng hộ tôi trên mạng xã hội.”
“Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 13.000, 14.000 luật sư đang hành nghề, rất sợ mất thẻ, dù trong lòng họ có thể thấy việc tôi làm là đúng nhưng không dám lên tiếng ủng hộ.”
“Còn những luật sư phản ứng với tôi thì họ có tật giật mình.”
Từ lúc hành nghề luật đến nay, khi nhận làm những vụ đụng chạm đến chính quyền, tôi đã nghĩ đến rủi ro bị tước thẻ hành nghề, nhưng nếu việc đó xảy ra, tôi thấy mình lam việc đúng nên không có gì áy náy lương tâm cả.luật sư Võ An Đôn
“Những người này đa số muốn giàu nên nhận chạy án, nhưng tôi không vơ đũa cả nắm rằng tất cả luật sư giàu ở Việt Nam đều là nhờ chạy án.”
Luật dị biệt: Luật sư phải tố giác thân chủ
‘Nghĩa vụ tố giác tội phạm’ của luật sư
Luật sư Đài được giải Nhân quyền của Đức
Đề cập về vụ mình từng bị liên ngành Công an – Viện kiểm sát – Tòa án Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, đề nghị xem xét, rút chứng chỉ hành nghề luật sư năm 2014 do liên quan đến việc bào chữa cho nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị công an dùng nhục hình đánh chết, ông Đôn nói:
“Lần xem xét kỷ luật năm nay thì họ lấy lý do khác ba năm trước nhưng tính chất là một, người ta lấy cớ này cớ kia thôi.”
“Nếu còn tiếp tục hành nghề luật, tôi vẫn có tâm nguyện tiếp tục con đường bảo vệ những nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền và người nghèo ở Việt Nam.”
“Từ lúc hành nghề luật đến nay, khi nhận làm những vụ đụng chạm đến chính quyền, tôi đã nghĩ đến rủi ro bị tước thẻ hành nghề, nhưng nếu việc đó xảy ra, tôi thấy mình lam việc đúng nên không có gì áy náy lương tâm cả.”
Cùng ngày, BBC gọi điện và email cho luật sư Nguyễn Hương Quê nhưng chưa nhận được phản hồi.
Nguy hiểm nghề luật sư
Trong cuộc trò chuyện với BBC Tiếng Việt tại Bangkok, Thái Lan hôm 20/7, vlogger Effy Nguyễn nói: “Lúc đầu tôi rất muốn trở thành luật sư vì ngưỡng mộ các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Quốc Quân, Hà Huy Sơn… vì thấy họ giúp cho những thân chủ là người lên tiếng kêu gọi dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.”
“Nhưng rồi tôi thấy một vài luật sư trong số này liên tục bị bức hại, bắt bớ. Với kiến thức pháp luật của họ mà họ còn không thể tự giải cứu chính mình thì tôi thấy vấn đề không phải ở chỗ họ.”
“Vấn đề là ở chỗ công an, an ninh, chính quyền là những không tôn trọng pháp luật và giới luật sư.”
“Khi một luật sư muốn đến gặp thân chủ của họ trong trại giam mà công an, an ninh từ chối thì cũng không thể làm gì.”
“Nghề luật tại Việt Nam không thực tế, không giải quyết được vấn đề.”
Cũng liên quan đến nghề luật, luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm ở TP Hồ Chí Minh, nói với BBC:
“Các quy trình tố tụng của án an ninh quốc gia có lẽ được “đặc quyền” nằm ngoài quy trình tố tụng của các loại án khác. Nên việc bảo vệ của các luật sư đối với thân chủ trong các vụ án an ninh hầu như là vô vọng.”
“Vì thế đa phần các luật sư ít tham gia những vụ án được quy kết là xâm phạm an ninh quốc gia là vậy.”
Sau phiên xử blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm 10 năm tù trong phiên sơ thẩm vì tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước” ở Khánh Hòa hôm 29/06, LS bào chữa Võ An Đôn cũng nói:
“Những vụ án có liên quan đến an ninh quốc gia thì luật sư có cũng như không. Chỉ nói mà chẳng ai nghe hết.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40991183
Tin tặc TQ tấn công Việt Nam trước APEC?
Một nhóm tin tặc được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn dường như đang tấn công giới chức Việt Nam với các mã độc trong email để giành lợi thế trong các cuộc đàm phán mậu dịch sắp tới, giới quan sát cảnh báo.
Bài của BuzzfeedNews dẫn lời giới chuyên gia nói một nước như Trung Quốc gửi email theo dõi máy tính chính phủ nước ngoài là điều đương nhiên.
Tuy nhiên, cuộc tấn công của Trung Quốc vào giới chức Việt Nam, vốn được nói chi tiết trong một báo cáo của công ty an ninh mạng Mỹ FireEye, là lời nhắc nhở về thực trạng gián điệp mạng đã trở thành một chiến thuật để giành lợi thế trong các mối quan hệ kinh tế và chiến lược trên thế giới.
FireEye: Tin tặc từ VN ‘tấn công Philippines’
Đội tin tặc APT32 tung hoành ở VN?
“Người Trung Quốc, giống như các nước khác, muốn biết về nghị trình đàm phán thương mại và các chủ đề trao đổi ngoại giao trước khi họ phải đối đầu trong vòng đàm phán,” Adam Segal, một chuyên gia về chính sách Trung Quốc và là giám đốc chính sách kỹ thuật số và không gian mạng tại Hội đồng Đối ngoại, một tổ chức nghiên cứu đặt tại New York và Washington nói.
Trung Quốc được coi là một trong những quốc gia hung hăng nhất trên thế giới về mảng hoạt động gián điệp kinh tế, với một số nhóm chuyên nghiệp của chính phủ cùng hàng ngàn nhân viên khác chưa thể thống kê hết.
Báo cáo của công ty FireEye tập trung vào một số tài liệu Microsoft Word được cho là để làm “mồi nhử” – file có mã độc đính kèm trong email khuyến khích người nhận tải chúng để tin tặc có thể xâm nhập.
Một trong những tài liệu có mã độc đề cập đến Thỏa thuận đối tác kinh tế Toàn diện Khu vực, (RCEP) giữa 16 quốc gia dọc tại Thái Bình Dương và các file mã độc khác là nhắm tới một kế hoạch chiến lược liên quan tới hội nghị APEC.
Tuy nhiên đó không chỉ là dấu hiệu về mối quan tâm của Trung Quốc đối với Việt Nam, Ben Read, giám đốc phân tích gián điệp mạng của FireEye, nói với BuzzFeed News.
“Chúng tôi thấy có một lượng lớn email mồi nhử tấn công Việt Nam,” Ben Read nói. “Chúng tôi nhận thấy có hàng loạt cuộc tấn công mỗi tháng.”
Cả hai đợt tấn công được cho là đánh vào các lỗ hổng bảo mật của Microsoft Word, một thủ thuật phổ biến đối với các máy tính chạy các phiên bản Microsoft Office không có bản quyền hoặc các phiên bản chưa được cập nhật.
Trước đó hồi tháng Năm, Việt Nam nằm trong 150 quốc gia bị một mã độc tấn công.
Cuộc tấn công khai thác một lỗi trong hệ điều hành Microsoft Windows. Nó được cơ quan tình báo Hoa Kỳ phát hiện ra đầu tiên.
Trong khi đó hồi tháng Ba, các website sân bay Tân Sơn Nhất, Rạch Giá, Tuy Hòa cũng bị tin tặc tấn công.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41022475
BOT nơi nhiều rủi ro tham nhũng nhất
Các dự án giao thông BOT là nơi có nhiều rủi ro tham nhũng nhất.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư nói như vậy trong một cuộc tọa đàm mang tên “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển” do Cổng thông tin điện tử của chính phủ tổ chức.
BOT có nghĩa là chủ đầu tư bỏ tiền ra xây dựng cầu đường, thu tiền trong một thời gian được quy định để lấy lại vốn lẫn lời, rồi sau đó chuyển giao cho nhà nước.
Theo ông Đông việc phê duyệt các dự án BOT phần nhiều dựa trên những quan hệ quen biết, và được nhận xét rất chung chung. Ông đặt câu hỏi là tại sao người dân bình thường có thể tính toán được chi phí xây dựng một đoạn đường nào đó, trong khi nhà nước thì không? Chuyện này dẫn đến việc cho phép thu phí rất cao trong một khoảng thời gian rất dài.
Ngoài ra ông Đông cũng nói là trong khi phê duyệt các dự án, các thông tin về chi phí, cũng như tiền thu được từ các trạm thu phí dựa trên số lượng xe lưu thông cũng không bao giờ được công bố.
Xin nhắc lại là trong thời gian qua dân chúng đã phản ứng rất mạnh mẽ chuyện các trạm thu phí đường bộ BOT thu tiền quá cao và đặt quá gần nhau.
Chỉ tính từ đầu năm đến nay đã có hai vụ phản ứng rất lớn là tại trạm thu phí BOT Cầu Giẽ gần thành phố Vinh ở Nghệ An, và trạm Cai Lậy tại Tiền Giang. Trong cả hai trường hợp này người dân đã dùng tiền lẻ để trả phí, gây chậm trễ dẫn tới kẹt xe nhiều giờ liền, do đó chính quyền đã phải ra lệnh không thu phí để tính toán lại giá cả.
Sau khi xảy ra chuyện phản ứng ở Cai Lậy, báo chí trong nước đưa tin nói rằng nhiều dự án BOT đã và đang được thực hiện có rất nhiều sai phạm.
Trong cuộc tọa đàm Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng nói rằng các loại phí BOT đang là gánh nặng mà người dân và doanh nghiệp đang phải gánh chịu.
Miền Bắc mưa lớn vì ảnh hưởng của bão
Cơn bão số 6 với sức gió giật cấp 16 vào trưa ngày 23/8 đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, gây mưa rất to ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.
Lượng mưa được nói là khoảng 250-300 mm.
Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn cho biết trong khoảng 6 đến 24 giờ tới cơn bão này sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc vào sâu khu vực tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây Trung Quốc sau đó sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Từ chiều ngày 23/8 đến ngày 25/8 khu vực Bắc Bộ chịu ảnh hưởng của bão sẽ có mưa vừa, mưa to. Riêng các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc sẽ tiếp tục mưa rất to.
Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã yêu cầu nhà máy thủy điện Sơn La và Hòa Bình mở một cửa xả lũ để lấy chỗ chứa lượng mưa lớn này.
Kết quả chuyến thăm Indonesia của TBT Nguyễn Phú Trọng
Ngày 23/8 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Indonesia, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Indonesia đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước, liên quan đến các lĩnh vực tư pháp, nông nghiệp, năng lượng, khoáng sản, giáo dục và hàng hải đồng thời thảo luận về các biện pháp để đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại 10 tỷ USD trong thời gian tới.
Trước đó cũng trong cùng ngày, hai vị lãnh đạo của hai nước đã cùng nhau hội đàm việc đẩy nhanh việc đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế; việc đạt được vùng đánh bắt và hạn chế việc đánh bắt trái phép.
Về các vấn đề khu vực, hai bên nhấn mạnh vai trò của ASEAN và việc hình thành tầm nhìn Cộng đồng ASEAN vào năm 2025. Tổng thống Joko Widodo cũng chúc mừng các thành tự về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) và nói rằng đây là cơ sở giải quyết các vấn đề Biển Đông để duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực
Vụ Trịnh Xuân Thanh:
Có thế lực phía sau bài báo lăng mạ chính phủ Đức?
Lần đầu tiên, một tờ báo chính thống của nhà nước Việt Nam đưa ra bình luận cách hành xử của chính phủ Đức trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
“Hiện nay dư luận cũng đang đặt dấu hỏi ai đứng đằng sau, thế lực nào đứng đằng sau tờ báo này để dường như cố ý tạo ra sự căng thẳng nhưng lại bằng tính chất vu khống.”
Phạm Chí Dũng, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam
Bài báo trong số mới nhất của Tuần báo Văn Nghệ TPHCM phát hành ngày 18/8 cho rằng “không có việc bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh vì “không ai có thể rời khỏi châu Âu nếu không tự nguyện.”
Với những ngôn từ đả kích mạnh mẽ, bài viết của tờ báo thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố HCM khẳng định Bộ Ngoại giao Đức “hồ đồ, hoặc cố tình hồ đồ để mua phiếu của vài kẻ cực đoan chống Việt Nam đang có quốc tịch Đức cho cuộc bầu cử vào thời gian vài tuần tới.”
Tác giả của bài báo, có tên Vũ Hương, muốn nói đến cuộc bầu cử quốc hội liên bang Đức sẽ diễn ra vào ngày 24/9.
Mặc dù chính phủ Việt Nam gần đây đã tiếp cận chính phủ Đức để tìm cách giải quyết vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin theo tố cáo của Bộ Ngoại giao Đức nhưng “những bài báo như thế này,” theo nhận định của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp từ Singapore, “không có lợi cho các nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết khủng hoảng ngoại giao hiện nay với Đức.”
“Không rõ liệu có sự chỉ đạo nào đằng sau các bài viết này hay không nhưng theo tôi việc dùng những cáo buộc không có căn cứ và lăng mạ nước Đức như bài viết trên Tuần báo Văn nghệ thì rõ ràng là thiếu khôn ngoan và thiếu cẩn trọng,” ông Hiệp nói với VOA. “Nó không giúp ích gì cho việc giải quyết vấn đề và nó càng làm cho vấn đề trở nên khó giải quyết hơn đối với Việt Nam.”
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cũng có nhận định tương tự và cho rằng bài viết của một tờ báo nhà nước chính thống “mang tính quy chụp và vu khống.” Nhà báo này nghi ngờ có một thế lực đứng sau những bài viết như vậy.
Giống như nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Phạm Chí Dũng cũng nhận định gần đây tuần báo Văn Nghệ TPHCM có những bài viết liên quan đến chính trị và “hoàn toàn không phù hợp một chút nào với tính chất văn học nghệ thuật.”
“Không rõ liệu có sự chỉ đạo nào đằng sau các bài viết này hay không nhưng theo tôi việc dùng những cáo buộc không có căn cứ và lăng mạ nước Đức như bài viết trên Tuần báo Văn nghệ thì rõ ràng là thiếu khôn ngoan và thiếu cẩn trọng.”
Lê Hồng Hiệp, Viện nghiên cứu ISEAS
Tháng trước, Tuần báo Văn nghệ có bài viết đánh vào giáo sư Ngô Bảo Châu khi cho rằng vị giáo sư này đang “trên con đường trở thành ngụy dân chủ phản bội Dân tộc mình.”
Theo mô tả trên website của Tuần báo Văn nghệ TPHCM, đây là tờ báo “sáng tác nghiên cứu lý luận – phê bình văn học – nghệ thuật” của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh và được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép ngày 31/12/2014. Tuy nhiên theo nhà báo Dũng, người sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh, tờ báo này nằm trong nhóm có “chỉ đạo mang tính Đảng từ Thường trực thành ủy Thành phố HCM.”
“Hiện nay dư luận cũng đang đặt dấu hỏi ai đứng đằng sau, thế lực nào đứng đằng sau tờ báo này để dường như cố ý tạo ra sự căng thẳng nhưng lại bằng tính chất vu khống.”
Theo nhận định của chủ tịch Hội nhà báo Độc lập, hiện đang có nhiều phe phái chính trị ở Việt Nam, “thậm chí trong Đảng, trong chính phủ cũng có nhiều phe phái.”
Gần đây trên mạng xã hội cũng đã nổi lên những trang Facekook cá nhân của các nhà lãnh đạo Việt Nam như Trần Đại Quang, Tô Lâm, Nguyễn Xuân Phúc hay Nguyễn Phú Trọng với các bài viết được cho rằng có mục đích nhắm vào ai đó hoặc tạo dư luận.
Quan hệ Việt-Đức tiếp tục căng thẳng hơn sau khi các nhà lập pháp Đức kêu gọi thắt chặt các biện pháp chế tài Việt Nam và nguy cơ đổ bể của hiệp định thương mại Việt Nam-EU do sự căng thẳng này.
“Phía sau Tuần báo Văn nghệ cần phải làm rõ xem là thế lực chính trị nào và thế lực chính trị đó có liên quan đến những quan chức cấp cao nào và các quan chức cấp cao đó không nhất thiết phải đồng nhất với chính phủ, cũng không nhiết thiết phải đồng nhất với Đảng,” theo nhà báo Dũng.
Mối quan hệ Việt-Đức tiếp tục xấu đi sau khi các thành viên quốc hội Đức kêu gọi những biện pháp trừng phạt Việt Nam vào tuần trước và theo nhận định của tạp chí Forbes gần đây, hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) mà Việt Nam rất mong chờ có nguy cơ đổ vỡ vì sự căng thẳng ngoại giao từ vụ Trịnh Xuân Thanh.
Thành viên của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS và là người quan sát chính trường Việt Nam, Lê Hồng Hiệp, cho rằng cần phải “dỡ bỏ” và “loại trừ” những bài viết như vậy trong tương lai “để giúp cho những biện pháp của Việt Nam trong việc hóa giải căng thẳng với Đức hiện nay có thể đạt được kết quả.”
Nhà báo Dũng cho rằng Việt Nam cần phải chấm dứt lối viết tuyên truyền, công kích, nhất là nhắm vào việc “mạt sát nước Đức” như của Tuần báo Văn nghệ nếu không muốn thấy mối quan hệ giữa 2 nước trầm trọng hơn hiện nay.
Thuyền viên Việt được giải cứu ở Phillipines
đang trên đường về nước
Một thuyền viên Việt Nam được giải cứu tại tỉnh Basilan, sau khi bị phiến quân Abu Sayyaf bắt giữ vào 9 tháng, đã được đưa đến Manila hôm thứ Tư 23/8 và bàn giao cho đại diện của chính phủ Việt Nam, theo Philstar.
Thuyền viên Đỗ Trung Hiếu được Trung tướng Carlito G Galvez, Jr. – Tư lệnh Bộ Tư lệnh Tây Mindanao – và Chuẩn Đô đốc Rene Medina, Tư lệnh Lực lượng Hải quân Tây Mindanao bàn giao cho Thiếu tá Phạm Thân Trà – Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng và Tùy viên Quân sự Việt Nam tại Philippines – và Bí thứ thứ ba Đại sứ quán Việt Nam Ngô Tuấn Anh.
Theo Đại tá Jo-Ann Petinglay, người phát ngôn của Tư lệnh Lực lượng Hải quân Westmincom, do yêu cầu của phía Viêt Nam, việc bàn giao được thực hiện bí mật. Cuối ngày 23/8, phía Việt Nam sẽ đưa ông Hiếu về nước.
Trước đó, theo TTXVN, vào tối ngày 22/8, Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã đến bệnh viện thăm hỏi ông Đỗ Trung Hiếu, thuyền viên tàu M/V Royal 16 bị bắt cóc làm con tin từ tháng 11/2016, mới được lực lượng chức năng của Philippines giải cứu.
Thuyền viên Đỗ Trung Hiếu được các đơn vị bộ binh và hải quân Philippines giải cứu trên đảo Mataja ngoài khơi thị trấn Lantawan, tỉnh Basilan, vào Chủ nhật tuần trước 13/8.
Sau khi bị bắt cóc, ông Hiếu bị giam 9 tháng qua. 5 thuyền viên khác của tàu M / V Royal 16 là Phạm Minh Tuấn, Trần Khắc Dũng, Hoàng Trung Thông, Hoàng Văn Hải và Hoàng Võ. Những thuyền viên này đã bị phiến quân Abu Sayyaf bắt cóc gần đảo Sibago, tỉnh Basilan, vào ngày 11/11/2016.
Đại tá Petinglay cho biết ông Hoàng Võ, 22 tuổi, đã chạy thoát vào ngày 16/6, trong khi ông Hoàng Trung Thông và ông Hoàng Văn Hải bị chặt đầu tại làng Tumahubong, thị trấn Sumisip ngày 5/7.
Hiện nay phiến quân Abu Sayyaf vẫn còn giam giữ ông Phạm Minh Tuấn và ông Trần Khắc Dũng.
Trung tướng Galvez hứa với các quan chức Việt Nam và ông Hiếu rằng bằng mọi biện pháp quân đội sẽ tìm kiếm và giải cứu những nạn nhân còn lại bị Abu Sayyaf bắt cóc.
Ông Galvez cho biết ngoài 2 người Việt Nam bị bắt cóc tại tỉnh Basilan, có ít nhất 4 con tin Việt Nam khác cũng đang bị giam ở đảo Sulu cùng với 1 công dân Hà Lan, 7 người Indonesia và 6 người Philippines.
Nguồn: Philstar, TTXVN