Ai, lực lượng nào có thể thay thế đảng cộng sản ?
20/08/2017
Chúng ta cần nhớ về một sự kiện lịch sử xảy ra cách đây 72 năm và hậu quả của nó vẫn còn kéo dài đến tận ngày hôm nay : Cách mạng tháng 8 năm 1945.
Theo những gì mà chúng ta được biết thì đó là ngày Việt Nam giành được độc lập, kết thúc hơn 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ và hai nghìn năm phong kiến. Đảng cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy và cướp được chính quyền từ tay ‘Đế quốc Việt Nam’ do ông Trần Trọng Kim làm thủ tướng dưới sự bảo hộ của Đế quốc Nhật Bản vừa bị quân đồng minh đánh bại trong Chiến tranh Thế giới lần Hai. Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn buộc phải thoái vị đánh dấu cho sự chấm hết của chế độ phong kiến tại Việt Nam.
Cách mạng tháng 8 đã diễn ra trong một khí thế hừng hực với lòng mong muốn độc lập-tự do của người dân Việt Nam dâng cao ngút trời. Đảng cộng sản (Việt Minh) dù lực lượng không lớn, chỉ vài trăm người với kiến thức thô sơ và rất ít vũ khí nhưng vì là lực lượng duy nhất có tổ chức vào lúc đó nên họ đã nhanh chóng áp đảo được các tổ chức khác và dành được chính quyền trong hòa bình.
Cách mạng tháng 8 năm 1945 |
Hơn 70 năm trôi qua, và đến giờ, có lẽ đa số người Việt Nam đã nhận ra rằng cuộc Cách mạng Tháng 8/1945 đáng lẽ phải mở ra một thời kỳ độc lập và phát triển cho đất nước, Việt Nam hoàn toàn có thể sánh vai với các nước trong khu vực và không đến nỗi tụt hậu bi đát như bây giờ thì tiếc thay, một cơ hội lớn đã bị bỏ lỡ và một thảm kịch, một đại nạn chưa từng có trong lịch sử dân tộc đã bắt đầu từ ngày đó.
Nhìn vào chính trường Việt Nam ngày hôm nay chúng ta có thể cảm nhận một cơn giông bão đang vần vũ báo hiệu cho một cuộc cách mạng sẽ nổ ra, một sự thay đổi bắt buộc phải đến trước khi Việt Nam sụp đổ hoàn toàn. Cuộc cách mạng sắp đến sẽ như thế nào ? Nó sẽ mang đến một cơ hội, một vận hội mới cho đất nước hay tiếp tục mở ra một thảm kịch mới ? Phải làm gì để lịch sử đau thương không tái hiện ?
Một nhà nghiên cứu công phu và có chiều sâu về cuộc Cách mạng tháng 8/1945 chính là ông Nguyễn Gia Kiểng. Ông đã viết nhiều bài viết sâu sắc về chủ đề này và một trong số đó là bài ‘Rút kinh nghiệm từ hai cuộc Cách mạng’ (1). Với bản thân người viết thì cách giải thích của ông về sự kiện này là hoàn toàn thuyết phục. Ông đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi ‘Vì sao biến cố lịch sử đó đã xảy ra và đã xảy ra như thế ?’
Nguyên nhân lớn nhất khiến Cách mạng tháng 8 trở thành thảm kịch cho dân tộc Việt Nam đó là vì chúng ta thiếu hụt trầm trọng về ‘tư tưởng chính trị’, người dân và trí thức Việt Nam đã không chuẩn bị về tư tưởng, đội ngũ nhân sự chính trị để đón nhận sự thay đổi vì thế đảng cộng sản Việt Nam, với tư tưởng độc hại là chủ nghĩa Mác-Lênin đã cướp được chính quyền và độc chiếm Việt Nam từ đó đến nay.
Cách Mạng Tháng 8 sẽ mang đến một cơ hội, một vận hội mới cho đất nước hay tiếp tục mở ra một thảm kịch mới ? |
‘Nhìn lại giai đoạn Cách Mạng Tháng 8, chúng ta không thấy một nhà tư tưởng nào và cũng không thấy một người nào chứng tỏ sự hiểu biết tạm được về những triển vọng và nguy cơ đang chờ đợi đất nước lúc đó. Chúng ta không hề thấy một dự án chính trị nào. Thanh niên hăm hở lên đường nhưng lên đường để đi đến đâu thì không biết, chỉ tin là “đi hiên ngang tới phương trời tươi sáng”. Rất thơ mộng nhưng không phải giải đáp. Thanh niên thế hệ 1945 thực không may. Sự thiếu sót này đến nay hình như vẫn chưa ý thức đầy đủ. Vẫn còn rất nhiều người nghĩ rằng không cần lý thuyết, chỉ cần hành động, không cần nói mà chỉ cần làm. Vẫn còn rất nhiều người nghĩ rằng có thể tranh đấu mà không cần có tư tưởng. Vẫn có những người cho rằng họ có tư tưởng chỉ vì họ không hiểu thế nào là tư tưởng. Và quần chúng, kể cả quần chúng tốt nghiệp đại học, thì nhìn mọi người và mọi tổ chức như nhau’ (1).
Sự thất bại của đảng cộng sản trong việc quản trị đất nước đã quá rõ ràng trong mọi lĩnh vực. Chưa bao giờ quan chức và đảng cộng sản bị người dân coi thường, chế diễu và nhục mạ nặng nề đến như vậy, tuy nhiên để chuẩn bị cho một Việt Nam dân chủ hậu cộng sản thì không phải ai cũng ý thức được là cần làm những gì ? Cần chuẩn bị ra sao ? Đáng lo hơn khi một số người vẫn không biết, không hình dung ra được tương lai hậu cộng sản sẽ như thế nào ? Họ vẫn không thấy, không biết và không ủng hộ cho bất cứ một lực lượng hay một tổ chức chính trị dân chủ đối lập nào. Sự thiếu hụt trầm trọng về kiến thức và tư tưởng chính trị này dẫn đến hệ quả là đa số ngồi chờ…sung rụng.
Một số trí thức thì ủng hộ cho các phe phái trong đảng ‘đánh nhau’, người thì ủng hộ ông Trọng, người thì ủng hộ ông Dũng. Trong nhiều trường hợp sự ủng hộ đó rất hài hước, nông cạn và thô thiển. Lại có những người đặt câu hỏi rất ngô nghê rằng ngoài cộng sản ra họ không thấy có ai xứng đáng để lãnh đạo đất nước. Có người thì mong một Gorbachev (phiên bản Việt Nam) xuất hiện, có người thì mong đảng ‘tự thay đổi’…Rất ít người đặt niềm tin vào trí tuệ của người Việt, tin vào những người chưa có ‘thành tích khủng bố’ gì trong quá khứ như đảng cộng sản đã làm ! Có người vẫn cho rằng tư tưởng và lý thuyết không cần thiết, cần làm hơn cần nói nhưng làm gì thì họ không biết.
Việt Nam có thừa trí thức trong mọi lĩnh vực nhưng lại rất thiếu ‘trí thức chính trị’. Ai cũng cho rằng mình biết và hiểu rõ về chính trị nhưng thực tế là họ không biết ngay cả những điều cơ bản nhất. Ví dụ, đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chứ không phải giữa các cá nhân. Điều này dẫn đến việc thay vì thành lập, tham gia và ủng hộ cho các tổ chức chính trị thì nhiều người chọn con đường tranh đấu cá nhân. Cũng vì thiếu kiến thức, nên vẫn có người cho rằng có thể tranh đấu mà không cần tư tưởng, vì thế những người đấu tranh một mình sớm muộn cũng sẽ mất phương hướng, lạc lối, bỏ cuộc hoặc sa lầy vào những tranh chấp, cãi cọ cá nhân đời thường. Những người không biết đặt niềm tin vào ai hoặc các tổ chức đối lập dân chủ vì họ không hiểu rằng ai chiến thắng về tư tưởng thì người đó sẽ chiến thắng trong thực tế, một cuộc ‘vận động tư tưởng’ phải đi trước và dẫn đường cho một cuộc ‘cách mạng dân chủ’ trong tương lai.
‘Hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng’ luôn luôn là trách nhiệm và nghĩa vụ của giới trí thức tinh hoa trong mọi thời đại và trong bất kỳ thời điểm nào của lịch sử. ‘Trí thức bao giờ cũng phải là người phát ngôn của đất nước, tư tưởng của trí thức cũng là tư tưởng của quần chúng’. Rất tiếc là không ít trí thức Việt Nam, vì không có tư tưởng gì nên họ không biết ‘hướng dẫn’ người dân làm cái gì và không biết ‘phát ngôn’ cái gì ngoài việc khuyên nhủ, lên án và chửi bới đảng cộng sản.
Chủ nghĩa cộng sản do Mác và Ănghen chủ trương đã được thành lập rất sớm ở Châu Âu sau đó mới được du nhập vào Nga, Trung Quốc và Việt Nam (Đệ nhất Quốc tế được thành lập ngày 28/9/1864), tuy nhiên các đảng cộng sản ở Châu Âu chưa bao giờ dành được chính quyền ở bất cứ đâu bằng con đường danh chính ngôn thuận thông qua các cuộc bầu cử tự do và minh bạch. Lý do khiến các quốc gia ở Châu Âu (trừ nước Nga) đã tránh được thảm họa cộng sản là vì trí thức tại các nước đó đã làm tròn trách nhiệm của mình, họ đã phân tích và lên tiếng cảnh báo cho người dân thấy được sự vô lý, hoang tưởng và độc hại của chủ nghĩa cộng sản. Trong khi đó, tại Việt Nam, trước khi xảy ra Cách mạng tháng 8, thì ngay cả những triết gia nổi tiếng nhất được đào tạo tại Pháp như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường vẫn ủng hộ cộng sản thay vì ủng hộ con đường đấu tranh ôn hòa, bất bạo động của nhà dân chủ đầu tiên của Việt Nam, cụ Phan Chu Trinh.
Ngày hôm nay, sự thiếu hụt về tư tưởng trong giới trí thức Việt Nam vẫn còn đó. Không ít người vẫn ủng hộ chế độ cộng sản dù biết rõ là nó tai hại và đang hủy hoại con người lẫn đất nước Việt Nam. Trí thức Việt Nam vẫn chưa thực sự xem ‘tư tưởng chính trị’ là cần thiết và quan trọng như là kim chỉ nam dẫn đường và hướng dẫn cho một cuộc cách mạng dân chủ trong nay mai. Hay nói như nhà văn Tưởng Năng Tiến trong bài viết ‘Nó rớt rồi sao ?’ rằng người Việt Nam vẫn chưa chuẩn bị để đón nhận dân chủ :
‘Cứ theo ý của của ông nhà báo (Ngô Nhân Dụng) (khó tính, khó nết) này thì “lỡ” mai, hoặc mốt, đám lãnh đạo Hà Nội chịu đội nón ra đi thì đến ngày kia (hay ngày kìa) nước Việt vẫn chưa có dân chủ đâu. Còn lâu, lâu lắm, bởi người Việt chưa sẵn sàng để sống trong một thể chế tự do ! Mà cái gì chớ “chuẩn bị” thì e không hợp với cái tạng của một dân tộc vốn chỉ thích (mì) ăn liền.
Không tin, cứ thử đặt một câu hỏi nhỏ (cỡ con thỏ) xem : “Nếu tuần sau nó đổ thì tuần tới nữa hệ thống giáo dục ở Việt Nam có vẫn còn tiếp tục dùng những cuốn sách giáo khoa hiện nay không” ?
Mọi người (trong cũng như ngoài) đều sẽ đỏ mặt lên ngay vì chả ai có thể trả lời được câu hỏi giản dị thượng dẫn, trừ nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm. Ít nhất thì nhóm này cũng không đến nỗi ngượng ngập khi đáp rằng tuy ở vào một hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng họ đã “làm việc thiện nguyện để xây dựng bộ sách giáo khoa làm mẫu theo định hướng hiện đại hóa nền Giáo dục Việt Nam”.
Thế còn những nhóm khác ? Hàng tỉ bè nhóm, hội hè, đoàn thể, phe đảng (của những kẻ tị nạn chính trị, sống an ổn bên ngoài đất nước) thì làm gì – hơn bốn mươi năm qua – để chuẩn bị cho một Việt Nam mai hậu (2) ?’
Trong giáo dục, Việt Nam may mắn vì có nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm đã bỏ công sức ra để viết một bộ sách dạy học mới theo tiêu chuẩn hiện đại và khai phóng. Vậy còn trong lĩnh vực chính trị thì sao ? Ngoài Dự án Chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên với tên gọi ‘Khai Sáng kỷ Nguyên Thứ 2’ thì đã có một tổ chức chính trị nào có được một ‘Dự án chính trị’ nào khác không ? Đã có bao nhiêu trí thức Việt Nam lên tiếng ủng hộ cho Dự án Chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ? Những đề nghị trong dự án đó có đúng đắn và khả thi cho Việt Nam hay không ? Ai sẽ ‘thẩm định’ tính khả thi và đúng đắn của các dự án chính trị đó nếu không phải là trí thức Việt Nam ?
Mai này người dân Việt Nam muốn chọn lựa một chế độ chính trị khác ngoài đảng cộng sản ra thì họ biết chọn ai ? Lực lượng hay tổ chức chính trị nào ? Ai sẽ hướng dẫn cho họ ? Làm sao để biết được tổ chức chính trị nào đó tốt hay xấu ? Có viễn kiến hay không ? Trí thức Việt Nam đang làm gì và đang ở đâu ? Bao giờ thì trí thức Việt Nam mới chịu thức tỉnh và lên tiếng ?
Việt Hoàng
(Thông Luận)