Tin Việt Nam – 21/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 21/08/2017

Việt Nam: Huy động vàng trong dân, bài toán nan giải

Thanh Phương

Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia vào cuối tháng 6 vừa qua đã kiến nghị với chính phủ Việt Nam là nên huy động lượng vàng mà người dân đang nắm giữ để đưa vào sản xuất, kinh doanh.

Đây không phải là lần đầu tiên có đề xuất về việc huy động lượng vàng trong dân, được thẩm định là khoảng 500 tấn. Từ giữa năm 2016, Hiệp hội Vàng Việt Nam (VGTA) cũng đã đưa kiến nghị tương tự lên thủ tướng và Ngân Hàng Nhà Nước. Mỗi lần, đề nghị này đều gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia, vì đây quả là một bài toán nan giải, theo nhận định của chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ từ Sài Gòn.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn

RFI: Thưa ông Huỳnh Bửu Sơn: Lượng vàng rất lớn vẫn còn nằm trong tay người dân phải chăng là một nguồn vốn lãng phí, thật sự cần phải được huy động?

Huỳnh Bửu Sơn: Khi những nước nông nghiệp bắt đầu phát triển và chuyển sang công nghiệp hóa, người dân giàu lên, nhưng tâm lý giữ vàng, xem đó là một khoản tích lũy an toàn, đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người, đặc biệt là người nông dân. Cho nên, không chỉ người dân ở Việt Nam, mà cả người dân những nước lân cận từ nông nghiệp phát triển lên cũng có tâm lý giữ vàng. Các nhà kinh tế gọi đó là “trữ kim”. Đây không phải là tiết kiệm bình thường, mà là làm bất động một số tiết kiệm ra khỏi nền kinh tế. Điều này không có ích gì cho sự phát triển kinh tế. Như vậy cần phải huy động số vàng này vào ngân hàng để làm cho nó sinh lợi, biến nó thành nguồn vốn đầu tư.

Nói thì nghe rất là dễ, nhưng trên thực tế thì hoàn toàn không phải như vậy. Muốn thay đổi điều đó, thì không phải chỉ bằng phương thức huy động vào ngân hàng, mà phải làm thay đổi tâm lý của người dân, tức là biến hành động trữ kim của họ thành hành động tiết kiệm bình thường. Tức là họ biến vàng thành tiền và dùng tiền đó gởi vào ngân hàng, hoặc góp vốn vào các xí nghiệp, hoặc mua cổ phiếu của các công ty cổ phần. Thay đổi cái tâm lý ấy thì tốt hơn là chỉ nghĩ đến chuyện huy động vàng trong dân. Việc này không chỉ khó khăn mà còn không an toàn cho hệ thống ngân hàng.

RFI:Nhưng để cho người dân an tâm biến số vàng đó thành nguồn vốn đầu tư, phải chăng trước hết hệ thống ngân hàng tạo sự tin tưởng cho người dân, để họ mạnh dạn đưa số vàng đó vào ngân hàng?

Huỳnh Bửu Sơn: Trong quá trình phát triển kinh tế nói chung của thế giới vừa qua, khi vàng đã mất vai trò là đồng tiền của thế giới, thì giá vàng đã biến động. Nhưng nếu so với những tài sản khác như đất đai hay cổ phiếu, trong vài thập niên qua, giá vàng không tăng bằng lãi suất tiết kiệm ngân hàng hay giá cổ phiếu. Tuy nhiên, tâm lý của người dân vẫn là ưa chuộng vàng. Khi tình hình kinh tế khó khăn, tức là những khả năng đầu tư sinh lợi thấp hoặc khi hoạt động doanh nghiệp không được tốt, thường người ta hay đưa tài sản của mình bất động dưới vàng, nghĩ rằng bất cứ thời nào thì vàng cũng có giá. Nhưng về mặt kinh tế thì điều này không đúng.

RFI: Nếu chính phủ Việt Nam thật sự muốn huy động số vàng đó thì ngân hàng phải đưa ra những cơ chế như thế nào để thật sự hấp dẫn người dân, để người dân mạnh dạn trao số vàng đó cho ngân hàng quản lý?

Huỳnh Bửu Sơn: Thật ra trước đây đã có một giai đoạn mà hệ thống ngân hàng được phép huy động vàng. Người dân khi họ đã gởi tiền vào ngân hàng, thì họ cũng sẽ sẳn sàng gởi vàng vào ngân hàng thôi. Với điều kiện là khi gởi vào một lượng vàng, thì phải trả lại cho họ một lượng vàng tương đương và cộng thêm một số lãi. Nhưng chính cái việc gởi vàng để được hưởng lãi đã gây khó khăn cho hệ thống ngân hàng, vì vàng là một thứ tài sản, được coi như gần như là tiền tệ, chứ không phải là tiền tệ. Do đó nhận được vàng thì không thể đem vàng đó đi thanh toán, không thể đem ra cho vay, như vậy thì làm sao mà tự thân nó có thể sinh lợi được?

Các ngân hàng trước đây nhận vàng thì họ buộc phải biến vàng đó thành tiền mặt hoặc ngoại tệ, để họ có thể cho vay hoặc thanh toán. Trong quá trình cho vay đó thì sinh lời và sau đó họ phải mua vàng trở lại để trữ cho việc rút vàng của các khách hàng. Khi giá vàng biến động mà họ không thể tiên lượng được, thì rủi ro đó rất lớn. Hệ thống ngân hàng nếu huy động bằng tiền và trả bằng tiền, khi các ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản thì họ có thể trông cậy vào ngân hàng trung ương, tức là người cho vay giai đoạn cuối cùng. Còn khi huy động bằng vàng mà khi đến hạn mà không có vàng để trả cho người gởi vàng, thì ai sẽ là người cho vay ở giai đoạn cuối? Ngân Hàng Nhà Nước, tức là ngân hàng trung ương của Việt Nam, chắc chắn sẽ không bao giờ có đủ vàng để mà trả cho tất cả các khoản huy động của các ngân hàng. Các ngân hàng thương mại sẽ phải xoay xở như thế nào?

Tôi cho rằng muốn huy động vàng thì phải có một điều kiện, điều kiện đó là ngân hàng trả tiền mặt theo giá thị trường của vàng vào thời điểm mà người gởi vàng đến rút vàng. Nhưng dù có làm điều đó thì cũng chưa chắc là nó sẽ trở nên hấp dẫn đối với những người có vàng. Còn ngược lại, nếu cứ chấp nhận cho họ gởi và rút vàng, và trong thời gian đó trả lãi cho họ, thì đó là rủi ro không chỉ đối với các ngân hàng thương mại, mà cho cả hệ thống ngân hàng.

RFI:Như vậy, việc huy động vàng trong dân vẫn là một bài toán nan giải?

Huỳnh Bửu Sơn: Người dân giữ vàng cũng chỉ là nhằm bảo đảm cho sự an toàn của tài sản của họ, chứ họ biết chắc rằng mức sinh lợi của vàng không nhiều. Hơn nữa, họ cũng không biết rằng trong tương lai giá vàng sẽ tăng hay giảm. Tuy nhiên, họ vẫn cứ có tâm lý rằng giữ vàng là an toàn.

Rõ ràng là tính sinh lời của vàng sẽ không bằng những tài sản khác như chứng khoán, cổ phiếu hay tiền tiết kiệm gởi ngân hàng. Chưa kể là sự gia tăng giá trị của bất động sản nhiều khi còn cao hơn cả vàng. Vàng là một thứ tiền tệ trong những lúc kinh tế khó khăn, còn khi mà nền kinh tế đã phát triển rồi thì các hoạt động sản xuất kinh doanh trở nên bình thường, đặc biệt là thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ hoạt động tốt, thì dần dần họ sẽ bán vàng ra để đưa tiền vào những kênh sinh lợi. Họ sẽ thấy rằng những kênh sinh lợi khác cũng an toàn không kém, nhưng có lợi nhiều hơn.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170731-huy-dong-vang-trong-dan-bai-toan-nan-giai

 

Vụ bán dâm nghìn đô ‘lái’ dư luận Việt Nam?

Viễn Đông

Vụ bắt giữ “hoa khôi cầm đầu đường dây bán dâm nghìn đô” ở Việt Nam bị nhiều người coi là để “hướng” dư luận, nhất là mạng xã hội, khỏi vụ Trịnh Xuân Thanh, trạm thu phí BOT hay sức khỏe của Chủ tịch Trần Đại Quang.

Truyền thông trong nước cũng như Facebook mấy ngày qua tràn ngập hình ảnh của người đẹp từng đăng quang một cuộc thi nhan sắc, bị cáo buộc là một trong những người “cầm đầu” nhóm bán dâm với giá lên tới vài nghìn đô, “nhấn chìm” các tin tức nóng khác đang thu hút sự chú tâm của công chúng.

Tối 21/8, tìm kiếm về vụ việc, hàng trăm nghìn kết quả liên quan hiện ra trên Google. Còn trên Facebook, tên của hoa khôi liên quan được gần 90 nghìn người bàn luận, cao hơn nhiều so với ông Trịnh Xuân Thanh và ông Trần Đại Quang hay BOT.

Trước khi bùng ra tin “bán dâm tiền đô”, việc dùng tiền lẻ để phản đối các trạm BOT, sức khỏe của chủ tịch Việt Nam cùng khả năng Đức trả đũa vụ bắt cóc ông Thanh đã khiến cư dân mạng bình luận nhiều.

Trả lời VOA tiếng Việt, luật gia Nguyễn Đình Hà đồng ý với ý kiến cho rằng có thể là có “thế lực” nào đó đang “lái dư luận” khỏi các vấn đề “nóng” và gây đau đầu cho chính quyền trong nước.

Có khả năng là việc này có sự dàn dựng, sắp xếp nào đó. Trong tình hình hiện tại ở xã hội Việt Nam thì đang có rất nhiều sự kiện nóng như việc bắt giữ Trịnh Xuân Thanh hay các trạm [thu phí] BOT ở Cai Lậy, đang thu hút sự chú ý của độc giả, của dư luận trong xã hội. Do vậy, việc tung lên cái thông tin về mua dâm đó có thể là để kéo sự chú ý của dư luận về hướng đó.

Luật gia Nguyễn Đình Hà.

Ông nói thêm: “Cái chuyện mua bán dâm hàng nghìn đô thì không phải bây giờ mới có. Nó có từ trước rất lâu rồi. Có khả năng là việc này có sự dàn dựng, sắp xếp nào đó. Trong tình hình hiện tại ở xã hội Việt Nam thì đang có rất nhiều sự kiện nóng như việc bắt giữ Trịnh Xuân Thanh hay các trạm [thu phí] BOT ở Cai Lậy, đang thu hút sự chú ý của độc giả, của dư luận trong xã hội. Do vậy, việc tung lên cái thông tin về mua dâm đó có thể là để kéo sự chú ý của dư luận về hướng đó”.

Đây không phải là lần đầu tiên có sự nghi ngờ về chuyện chính quyền “lái dư luận”.

Hồi tháng Sáu, khi vấn đề sân golf trong sân bay Tây Sơn Nhất đang gây tranh cãi, công an Hà Nội bất ngờ “khởi tố hình sự” người dân Đồng Tâm, dù Chủ tịch Nguyễn Đức Chung từng cam kết “không truy cứu trách nhiệm hình sự” đối với nhân dân xã này.

​Liên quan tới vụ “sex tour”, trong các bản tin, báo chí trong nước chỉ đăng thông tin và hình ảnh của những người được cho là bán dâm mà không có bất kỳ chi tiết nào về người mua dâm, mà tin cho hay, có thể trả tới hàng nghìn đôla, cao hơn nhiều so với mức thu nhập của nhiều người dân.

Còn trước đó, một cụ ông ở Đà Nẵng được truyền thông đăng tải cả hình ảnh và địa chỉ khi bị bắt gặp “đi mua dâm”. Người đàn ông 85 tuổi này sau đó đã phải đóng tiền phạt gần 800 nghìn đồng (khoảng 36 đôla).

Câu chuyện trên cũng đã khơi lại chủ đề cho phép những người bán dâm hoạt động theo pháp luật. Về việc này, luật gia Hà nói:

“Xu hướng kêu gọi hợp pháp hóa mại dâm không phải chỉ có khi xảy ra vụ việc này. Đã rất nhiều lần, khi sửa đổi các bộ luật của Việt Nam, thì đã có tiếng nói kêu gọi như thế. Rất nhiều người mong muốn rằng vấn đề mại dâm được hợp pháp hóa, bởi vì nó có những điểm lợi ích”.

Nhà hoạt động xã hội này nói thêm: “Thứ nhất, nó giúp hạn chế tình hình lây lan của các bệnh liên quan tới đường tình dục. Các cô gái khi đã được hợp pháp hóa như thế thì các cô sẽ được hưởng các quyền lợi được chăm sóc y tế, được khám định kỳ, được đóng bảo hiểm, được công nhận là một người lao động đàng hoàng, không phải trốn chui trốn lủi. Tiếp đến nữa là lợi ích về việc thu ngân sách”.

Các cô gái khi đã được hợp pháp hóa như thế thì các cô sẽ được hưởng các quyền lợi được chăm sóc y tế, được khám định kỳ, được đóng bảo hiểm, được công nhận là một người lao động đàng hoàng, không phải trốn chui trốn lủi.

Luật gia Hà.

Việt Nam hiện vẫn “hình sự hóa” mại dâm, khiến những người hoạt động mại dâm được cho là “gặp nhiều rủi ro, bị kỳ thị, lạm dụng và dễ bị tổn thương”.

Trên Facebook cá nhân, luật sư Trần Vũ Hải cũng đã “hiến kế tăng thu và giảm chi ngân sách” bằng việc “hợp pháp hoá mại dâm”, dẫn tới việc “kích thích du lịch, giảm các vụ hiếp dâm và xâm phạm tình dục trẻ em, giảm thất nghiệp, giảm lao động tình dục nữ ra nước ngoài!”

https://www.voatiengviet.com/a/vu-ban-dam-nghin-do-lai-du-luan-viet-nam/3994297.html

 

Mở rộng điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh tại Czech

Cuộc điều tra vụ việc mà Đức nói là ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc giờ không còn nằm trong lãnh thổ Đức mà đã mở rộng sang Cộng hòa Czech, nhà báo Lê Trung Khoa của thoibao.de nói với BBC trong chương trình Bàn tròn cuối tuần hôm 20/8.

Ông Lê Trung Khoa cho biết hôm 13/8, một người Việt là chủ doanh nghiệp chuyển tiền tại Trung tâm thương mại Sapa, thủ đô Prague, Cộng hòa Czech, đã bị cảnh sát xét hỏi và tạm giữ .

Ông Nguyễn Hải Long, người đứng tên chủ doanh nghiệp Money Gram, là người thuê chiếc xe Multivan VW (Volkswagen) 7 chỗ mang biển số 2AB-3140 từ ngày 20-24/7.

Hiện chiếc xe đang bị cảnh sát nghi là phương tiện được phía Việt Nam sử dụng trong vụ ‘bắt cóc’ ông Trịnh Xuân Thanh, nhà báo Khoa nói.

Bàn tròn BBC: Cập nhật vụ ông Trịnh Xuân Thanh và tin khác

Đức ‘khẩn trương’ điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh

Vì sao Đức yêu cầu trao trả Trịnh Xuân Thanh?

“Hôm 17/8, cảnh sát Czech cũng đã khám và lưu giữ lại toàn bộ dữ liệu và hồ sơ của ông Long tại cửa hàng để điều tra thêm những chi tiết có liên quan, đặc biệt những cá nhân đứng sau ông Nguyễn Hải Long là ai, dùng hộ chiếu nào và đi bằng con đường nào để dùng chiếc xe thuê làm những chuyện khác,” nhà báo Lê Trung Khoa nói với BBC.

Văn phòng Money Gram tại Trung tâm thương mại Sapa đã đóng cửa từ nhiều ngày nay, với dòng chữ “Hôm nay đóng cửa” dán trên cửa.

Ông Bùi Quang Hiếu, chủ doanh nghiệp Hieu Bui Travel, hãng đã cho ông Long thuê chiếc xe nói trên, hôm 21/8 cho BBC biết trước đó bốn hôm ông được mời đến Sở thanh tra xét hỏi của Prague để làm việc với cảnh sát Czech và Đức.

“Trong phòng có ba cảnh sát Đức và khoảng năm, sáu cảnh sát Czech. Có một phiên dịch người Czech, nói tiếng Czech dịch ra tiếng Đức, và một phiên dịch người Việt Nam dịch từ tiếng Việt ra tiếng Czech,” ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cho biết trong buổi làm việc hôm 17/8, cảnh sát hỏi ông chi tiết ‘từ đầu đến cuối câu chuyện liên quan đến cái xe’ mà ông Long đã thuê của Hieu Bui Travel từ ngày 20 đến 24/7.

“Cách hỏi của cảnh sát Đức khác với cảnh sát Czech là hết sức chi tiết. Họ hỏi [tôi] cũng khoảng 5 đến 6 tiếng,” ông Hiếu kể.

“Khi tôi hỏi trực tiếp người cảnh sát Đức chiếc xe của tôi hiện đang ở đâu thì họ nói đang ở bên Đức. Tôi nói là tôi cần xe để kinh doanh, họ nói họ sẽ cố gắng làm sớm trong vòng một, hai tuần để trả lại cho tôi,” ông Hiếu tiếp lời.

Sau nhiều lần làm việc với cảnh sát từ ngày 28/7, ông Hiếu tin rằng đây sẽ là lần cuối cùng ông bị hỏi về vụ việc này.

Cảnh sát EU thu giữ xe hơi chợ Sapa, Czech để ‘điều tra’

Theo thông cáo của Công tố liên bang Đức hôm 10/8, phía Đức tập trung điều tra về nghi ngờ có hoạt động gián điệp nước ngoài và tước đoạt quyền tự do một cách bất hợp pháp.

Thông cáo hôm 10/8 cũng nói phía Đức đang nghi ngờ “các nạn nhân được đưa tới Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin, rồi từ đó đưa về Việt Nam”.

Trước đó hôm 9/8, Đức tuyên bố đang cân nhắc các bước đi cần thiết sau khi Việt Nam không hồi đáp yêu cầu của Berlin, muốn Hà Nội trao trả ông Trịnh Xuân Thanh.

Berlin nói ông Trịnh Xuân Thanh ‘đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc’ hồi cuối tháng Bảy, tuy nhiên phía Việt Nam nói đối tượng đã tự nguyện ‘ra đầu thú’.

Hôm 4/8, Ngoại trưởng Đức cáo buộc Việt Nam đã thực hiện vụ việc theo cách thức “chỉ có trong các phim ly kỳ thời Chiến tranh Lạnh” và đó là hành vi mà Đức thấy là “không thể chấp nhận”.

Đức dọa trả đũa Việt Nam vì ‘bắt cóc’ Trịnh Xuân Thanh

Mạng xã hội nóng vì Trịnh Xuân Thanh ‘lên VTV’

Tin tức trái chiều giữa Việt Nam và Đức về chuyện Trịnh Xuân Thanh xuất hiện tại Hà Nội vẫn là chủ đề được nhiều người quan tâm.

Trong cuộc họp báo định kỳ hôm thứ Năm 17/8, vấn đề này lại được nhiều phóng viên nêu ra.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng được dẫn lời nói “Việt Nam luôn muốn duy trì, phát triển mối quan hệ tốt đẹp đã xây dựng được” với Đức.

Trả lời báo giới, bà Thu Hằng khi đó cũng nói rằng “đến nay chưa có thêm thông tin mới về động thái từ phía bạn” liên quan tới điều mà Berlin nói là ‘các bước đi cần thiết’ nếu Việt Nam không để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức.

Mời quý vị theo dõi Bàn tròn của BBC Việt ngữ điểm tin tức, sự kiện liên quan thời sự Việt Nam, trong đó có cập nhật vụ ông Trịnh Xuân Thanh và các diễn biến liên quan tại đây.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40998856

 

Tổng Bí thư Trọng đi thăm Indonesia và Myanmar

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thăm Indonesia và Myanmar từ ngày 22 tới 26/8/2017, theo truyền thông Việt Nam.

Đây là chuyến thăm cấp nhà nước của ông Nguyễn Phú Trọng, được tổ chức theo lời mời của lãnh đạo hai quốc gia thành viên trong khối Asean, báo chí chính thống của Việt Nam đưa tin.

“Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Indonesia Joko Widodo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Cộng hòa Indonesia từ ngày 22 đến ngày 24/8/2017,” trang tin của đài truyền hình Việt Nam (Vtv.vn) hôm thứ Sáu cho hay.

Chủ tịch Trần Đại Quang kêu gọi quản lý chặt internet

Bàn tròn: bình luận về chuyến thăm, sức khỏe lãnh đạo và tin khác

Thủ tướng Phúc ‘nêu quan ngại Biển Đông’ ở Bangkok?

VN có thể ‘học hỏi rất nhiều’ từ Myanmar

Cả Indonesia và Myanmar đều là hai đối tác quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam ÁTS. Trần Việt Thái nói với Vietnamnet

“Chuyến thăm nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược, tăng cường tin cậy chính trị, củng cố quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hợp tác thực chất, tạo lập bước phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam với Indonesia.”

Vẫn nguồn này cho biết thêm: “Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Htin Kyaw, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ thăm cấp nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar từ ngày 24 đến ngày 26/8/2017.”

“Chuyến thăm nhằm xác định khuôn khổ quan hệ thể hiện dấu mốc mới, tầm cao mới, xung lực mới cho quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực.”

Hôm thứ Hai, một nhà nghiên cứu chiến lược ngoại giao của Việt Nam, Tiến sỹ Trần Việt Thái từ Học viện Ngoại giao bình luận với báo điện tử Vietnamnet.vn rằng chuyến đi này ‘có ý nghĩa lịch sử’.

Ông Trần Việt Thái được tờ báo dẫn lời nói:

“Quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Indonesia không chỉ là quan hệ song phương mà còn quan hệ đa phương trong khuôn khổ các nước ASEAN. Mặt khác, quan hệ giữa Việt Nam- Myanmar cũng đang trong quá trình phát triển và ngày càng có nhiều ý nghĩa thiết thực.”

‘Chuyến đi vận động?’

Lãnh đạo VN phải ‘không cơ hội, vụ lợi’

Xung quanh vụ ‘đe dọa’ ông Huỳnh Đức Thơ

Tiến sỹ Thái nói thêm với tờ báo mạng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông:

“Cả Indonesia và Myanmar đều là hai đối tác quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Vì thế mà chuyến thăm của Tổng Bí thư và lãnh đạo cấp cao lần này không chỉ củng cố nền tảng quan hệ song phương mà còn thúc đẩy việc mở rộng các hợp tác dựa trên các cơ chế, khuôn khổ hợp tác khác trên bình diện đa phương.

“Chuyến thăm này mang nhiều ý nghĩa lịch sử bởi vì đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư thăm chính thức Indonesia kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Một ý nghĩa nữa mà chuyến thăm mang lại, đó là hứa hẹn mở ra tương lai phát triển quan hệ giữa Việt Nam với Indonesia cũng như với Myanmar trong thời kì mới.”

Đây là việc Việt Nam đang cố gắng ra công, ra sức để vận động các nước ở Asean để có những từ ngữ sắc bén, mạnh mẽ hơn để đối phó với Trung QuốcTS. Phạm Chí Dũng

Hôm 20/8, bình luận tại Bàn tròn điểm tin tức và sự kiện trong tuần của BBC Tiếng Việt, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) đưa ra nhận xét về các chuyến thăm nói trên, cũng như một số chuyến đi khác của các lãnh đạo cao cấp tại Việt Nam, ông nói:

“Có lẽ nên để ý tới những chuyến công du dồn dập của giới lãnh đạo Việt Nam. Thứ nhất là ông Nguyễn Xuân Phúc đi Thái Lan trong thời gian vừa rồi và Chủ nhật về.”

“Và tuần tới từ ngày 22 cho tới ngày 26/8, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN sẽ đi Indonesia và Myanmar với những mục tiêu, mục đích nào đó không công bố rõ mà chỉ nói chung chung là vấn đề quan hệ đối ngoại thôi.”

“Nhưng theo tôi đây là việc Việt Nam đang cố gắng ra công, ra sức để vận động các nước ở Asean để có những từ ngữ sắc bén, mạnh mẽ hơn để đối phó với Trung Quốc.”

Hôm 21/8, hai trang mạng được nhiều người biết rộng rãi ở Indonesisa cũng đưa tin đề cập chuyến thăm của Tổng Bí thư Trọng.

Trang International.Kimpas.com tuy không cho biết chi tiết về chương trình nghị sự của ông Trọng nhưng cho hay nhà lãnh đạo đảng của Việt Nam ‘sẽ thăm nghị viện’ Indonesia trong chuyến thăm cấp nhà nước theo lời mời của Tổng thống Widodo.

Còn trang NewDetik.com dẫn lời Ngoại trưởng Indonesia cho hay chuyến thăm nhằm ‘tăng cường mối quan hệ’ giữa hai quốc gia và nói Việt Nam là một trong những đối tác chiến lược quan trọng của Indonesia ở khu vực.

Trang này cũng cho biết Tổng thống Indonesia sẽ tới Việt Nam tham dự Hội nghị Apec 2017 vào tháng Mười Một năm nay.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41000516

 

Một thủy thủ VN được hải quân Phillippines giải cứu

Một thủy thủ Việt Nam vừa được hải quân Phillippines giải cứu sau chín tháng bị nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf bắt cóc và giam giữ tại một hòn đảo hẻo lánh ở phía nam nước này.

Ông Đỗ Trung Hiếu được giải cứu vào khoảng 9 giờ tối ngày Chủ nhật 20/8 tại đảo Mataja gần thị trấn Lantawan, trang Rappler dẫn lời Đô đốc Rene Medina, chỉ huy trưởng của Hải quân Tây Mindanao nói.

Ngay sau khi được giải cứu, ông Hiếu được đưa ngay tới trung tâm chỉ huy của Hải quân Tây Mindanao và được các bác sĩ quân y kiểm tra sức khỏe.

Philippines giải cứu một thủy thủ Việt Nam

Sống dưới tay cướp biển Somalia

Hơn 20 người, trong đó có 14 người nước ngoài, đang bị nhóm phiến quân ủng hộ Nhà nước Hồi giáo Abu Sayyaf bắt làm con tin trên hai hòn đảo ở Nam Phillippines. Có người đã bị giam tới ba năm, hãng tin Reuters cho hay.

Khi quân đội Phillipines tấn công căn cứ của Abu Sayyaf trên đảo Mataja hôm 19/8, ông Đỗ Trung Hiếu rớt lại khi các phiến quân bỏ chạy, theo lời bà Jesca May Viduya, người phát ngôn của Hải quân Tây Midanao.

“Không có đụng độ vì những người bắt giữ ông ta đã bỏ ông ta lại khi quân đội [Phillipines] đến gần,” bà nói.

Bà Viduya cũng nói thêm ông Hiếu bị phiến quân bắt làm con tin từ tháng 11 năm ngoái, trong vụ tấn công tàu hàng Việt Nam.

Ông Hiếu cùng năm người khác khác trên con tàu M/V Royal 16 của Việt Nam là Thuyền trưởng Phạm Minh Tuấn (quê Hải Phòng), và các thành viên thủy thủ đoàn Hoàng Võ (Nghệ An), Hoàng Trung Thông (Quảng Bình), Trần Khắc Dũng (Đắk Lắk), và Hoàng Văn Hải (Thanh Hóa) bị ‘bọn cướp biển’ bắt làm con tin hôm 11/11/2016.

Tàu M/V Royal 16 cùng thủy thủ đoàn 19 người trên hành trình chở 3.000 tấn xi măng xuất phát từ cảng Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh đi Indonesia.

Ông Hoàng Võ, 28 tuổi, đã được các binh lính Philippines giải cứu hôm 16/6.

Tàu Việt Nam bị cướp biển tấn công

Hai thủy thủ Hoàng Văn Hải và Hoàng Trung Thông bị phiến quân Abu Sayyaf chặt đầu ở Barangay Tumahubong, thị trấn Sumisip hôm 5/7.

Hải quân Phillipines cho biết thi thể của một thủy thủ, được cho là của ông Trần Khắc Dũng, còn gọi là Trần Việt Văn, đã được tìm thấy ở Buhanginan, thị trấn Patikul, tỉnh Sulu hôm 15/7, Philstar tường thuật.

Hiện hải quân Phillipines chưa phát hiện được vị trí của những thủy thủ bị bắt làm con tin còn lại.

Nhóm Abu Sayyaf khét tiếng vì hoạt động đánh bom, chặt đầu, tra tấn và bắt cóc đòi tiền chuộc ở phía nam Phillipines, một đất nước mà phần lớn người dân là người Công giáo.

Một trong những người cầm đầu của nhóm này, Isnilon Hapilon, đã lập kế hoạch xâm chiếm một thành phố Marawi nơi đa số dân là người Hồi giáo.

Cho đến nay, hơn 700 người đã bị giết chết và 400 ngàn người phải lưu lạc trong cuộc chiến để lấy lại thành phố Marawi, một cuộc chiến vẫn chưa kết thúc.

Ông Duterte muốn thiết quân luật toàn quốc

Nhật sẽ giúp VN và Philippines về an ninh hàng hải

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40998858

 

Chủ tịch Trần Đại Quang kêu gọi quản lý chặt internet

Chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm Chủ Nhật vừa có phát biểu được đăng trên website chính phủ về sự cần thiết của việc tăng cường đối phó với các nguy cơ an ninh mạng và sự cần thiết của việc phát triển hệ thống kiểm duyệt mạng chặt chẽ hơn.

Chính phủ trong năm qua đã đẩy mạnh việc trấn áp các nhà hoạt động với những vụ bắt giữ và ra án tù nặng, nhưng không có mấy dấu hiệu cho thấy giới chức dập tắt được các ý kiến chỉ trích trên mạng xã hội.

Chủ tịch nước nói các thế lực thù địch đã sử dụng internet để tổ chức những chiến dịch công kích làm “giảm uy tín của các lãnh đạo Đảng và nhà nước, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các lực lượng nòng cốt, các đảng viên và người dân”.

FireEye: Tin tặc từ VN ‘tấn công Philippines’

Bàn tròn BBC: sức khỏe lãnh đạo và các tin tức khác

Ông nói Việt Nam cần chú ý hơn tới việc quản lý thông tin mạng, đặc biệt các thông tin trên mạng xã hội để ngăn chặn “các trang tin và blog mang nội dung xấu và nguy hiểm”.

Ông Trần Đại Quang cũng nói thêm rằng cơ chế giám sát internet chặt chẽ hơn sẽ giúp đất nước ngăn chặn các vụ tấn công an ninh mạng và cải thiện hệ thống an ninh mạng còn yếu hiện nay.

Hàng ngàn máy tính ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi virus WannaCry hồi tháng Năm.

Bản thân sự vắng bóng của ông Trần Đại Quang trong các hoạt động chính thức, công khai trong thời gian gần đây cũng là chủ đề cho các tin đồn đang lan truyền trên internet, hãng tin Reuters bình luận.

Một số website sân bay VN ‘bị tấn công’

Đội tin tặc APT32 tung hoành ở VN?

Xét về số lượng thì Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook đông nhất thế giới. YouTube cũng là dịch vụ được nhiều người sử dụng.

Mức độ an ninh mạng của Việt Nam nằm ở vị trí 101 trên 195 quốc gia, trang Southeast Asea Globe dẫn nguồn theo thống kê an ninh thế giới năm 2017 của Liên minh Viễn thông Quốc tế Liên Hiệp Quốc nói, khiến Việt Nam trở thành quốc gia có an ninh mạng kém nhất Đông Nam Á.

Hồi tháng Giêng, Microsoft nói Việt Nam bị ảnh hưởng ở mức cao gấp đôi so với tỷ lệ trung bình trên thế giới trong vấn đề nhiễm malware, là quốc gia bị mối đe dọa từ malware ở mức cao nhất thế giới, Southeast Asea Globe tường thuật.

Tháng 1/2017, Microsoft cho biết Việt Nam bị ảnh hưởng bởi mã độc gấp đôi mức trung bình thế giới, làm cho đây trở thành quốc gia có nguy cơ bị tấn công mạng lớn thứ hai trên thế giới.

Tuy nhiên, trái ngược với thông tin về mức độ an toàn an ninh mạng yếu, một báo cáo bởi công ty an ninh mạng FireEye phát hành vào tháng 5 cho thấy chính phủ Việt Nam đã bị cáo buộc về một chiến dịch giám sát hoạt động của một số cá nhân và tổ chức.

FireEye cho biết các hacker của nhóm được gọi là APT32 đã hoạt động theo chỉ đạo của nhà nước nhằm thăm dò thông tin về các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, đồng thời hack vào hệ thống máy tính của các nhà bất đồng chính kiến, các phóng viên trong nước và một số mục tiêu tại Philippines và Trung Quốc.

Việt Nam phủ nhận quyết liệt cáo buộc trên.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41000576

 

Trạm BOT Cai Lậy tiếp tục xả cửa

Trạm BOT Cai Lậy tiếp tục xả cửa cho xe qua mà không thu phí, mặc dù Bộ Giao Thông Vận Tải thông báo sẽ điều chỉnh giảm giá phí và áp dụng kể từ ngày 21 tháng 8.

Giám đốc Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn BOT Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, ông Nguyễn Phú Hiệp cho biết lý do xả cửa để tránh ách tắc giao thông là vì buộc phải chờ văn bản hướng dẫn chính thức trong việc giảm giá phí và thời điểm thu phí để in vé thu phí, đồng thời trạm cũng soạn thảo quy chế thu phí để trình các cơ quan liên quan và công bố rộng rãi trước khi tiến hành thu phí trở lại.

Xin được nhắc lại, trạm thu phí BOT Cai Lậy bắt đầu thu phí từ ngày 1 tháng 8 năm 2017. Tuy nhiên, các tài xế xe dùng tiền lẻ trả phí vì phản đối trạm BOT này đặt sai vị trí cũng như mức phí cao. Vụ việc này khiến cho Quốc lộ 1 kẹt xe hơn 3 km, gây náo loạn tại khu vực này trong suốt những ngày qua, khiến cho trạm BOT Cai Lậy phải xả cửa liên tục kể từ chiều ngày 13 tháng 8 cho đến nay.

Vào ngày 18 tháng 8, truyền thông trong nước đưa tin, dẫn lời của Thanh tra Chính phủ Việt Nam cho biết có rất nhiều sai phạm liên quan đến các dự án BOT xây dựng các trạm thu phí đường bộ. Trạm thu phí BOT Cai Lậy thuộc trong số 7 dự án trên các tuyến đường bộ từ Bắc tới Nam bị thanh tra.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/bot-station-in-cai-lay-still-opens-gates-for-free-08212017105130.html

 

Việt Nam giữ du khách Đài Loan mang vũ khí xuất cảnh

Việt Nam bắt và cấm xuất cảnh một người đàn ông Đài Loan mang theo một số lượng lớn vũ khí quân sự tại sân bay Tân Sơn Nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 20/8, theo tờ Taiwan News, các quan chức hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã chặn lại một người đàn ông Đài Loan 31 tuổi để kiểm tra hành lý sau khi phát hiện có hành động nghi ngờ.

Hải quan Việt Nam phát hiện 79 khẩu súng ngắn, hai máy phát quân sự, mặt nạ chống khí độc, quân trang của khối NATO và một vài viên đạn AR15 và lựu đạn M79.

Người đàn ông này hiện đang bị giữ và chờ đợi cảnh sát thẩm vấn thêm.

Việc nhập khẩu hoặc xuất khẩu thiết bị quân sự ở Việt Nam là hành vi bất hợp pháp. Khung hình phạt đối với tội buôn bán, vận chuyển vũ khí là tù giam từ một năm đến tù chung thân.

Hải quan Việt Nam đã phát hiện nhiều vụ xuất, nhập vũ khí trái phép từ Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, và các nước lân cận như Campuchia, Hàn Quốc và Thái Lan.

Một tin liên quan khác, chính quyền Đài Loan hôm 17/8 bắt giữ một người Mỹ giấu 10 gói ma túy, nặng hơn 1 kg, trong hành lý xách tay từ Malaysia nhập cảnh Đài Loan.

China Post dẫn nguồn tin cảnh sát Đài Loan cho biết người đàn ông 38 tuổi trước đó vào ngày 23/3 đi từ Nepal đến Malaysia.

https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-giu-du-khach-dai-loan-mang-vu-khi-xuat-canh/3994272.html

 

Bộ sử Việt Nam mới ‘tôn trọng quá khứ, vì lợi ích quốc gia’

Bộ sử mới của Việt Nam vừa chính thức ra mắt, được cho là chứa đựng thông tin “chân thực, khách quan” về Việt Nam Cộng hòa, cũng như cuộc chiến tranh với Trung Quốc nổ ra năm 1979. Một nhà sử học đánh giá bộ sử này “tôn trọng quá khứ, vì lợi ích quốc gia”.

Báo chí Việt Nam cho hay Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam hôm 18/8 đã phát hành rộng rãi trên thị trường bộ sách mang tên Lịch sử Việt Nam dày 10.000 trang, được coi là bộ sử đồ sộ nhất của đất nước từ trước đến nay.

Theo lời phó Giáo sư, tiến sĩ Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học, được báo chí dẫn lại, bộ sử nói về Việt Nam từ khởi thủy đến năm 2000. Điểm đáng chú ý của bộ sử là nó bổ sung những kết quả nghiên cứu mới nhất của các ngành khoa học xã hội và nhân văn, ông Hải cho biết.

Ông Hải nói các nhà nghiên cứu của bộ sách này “muốn phản ảnh chân thực nhất, khách quan nhất, đặc biệt là về chiến tranh biên giới phía bắc”, là cuộc chiến do Trung Quốc phát động đánh vào Việt Nam đầu năm 1979.

Trên báo chí Việt Nam, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhấn mạnh rằng bộ sử “nói kỹ hơn nhiều” về chiến tranh biên giới phía bắc và cuộc chiến bảo vệ biên giới phía tây nam trước quân Khmer Đỏ Campuchia. Ông Cường lưu ý rằng chỉ có 8 dòng nói về hai cuộc chiến này trong sách giáo khoa.

Vị chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử cho biết thêm cuốn sử nói rõ rằng cuộc chiến do Trung Quốc phát động là “chiến tranh xâm lược”. Bên cạnh đó, theo lời ông Cường, bộ sử cũng nói rõ là cuộc chiến đó “không gói gọn trong tháng 2/1979 mà còn kéo rất dài”, đến khoảng năm 1988 “mới thực sự có hòa bình ở biên giới phía bắc”, sau khi các cán bộ, chiến sĩ của Việt Nam “phải hy sinh rất nhiều xương máu”.

Vẫn theo PGS TS Cường, bộ lịch sử mới “bổ khuyết được nhiều vấn đề mà các công trình sử học trước đó chưa có điều kiện nghiên cứu”.

Ông chỉ ra rằng các sách sử trước đây của chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam dùng các từ “ngụy quân”, “ngụy quyền” để gọi Việt Nam Cộng hòa và quân đội của chính thể đó. “Nhưng bây giờ chúng ta viết là chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn”, ông Cường nói.

Nhận xét về những thay đổi quan trọng này, nhà sử học Dương Trung Quốc, người cũng là một đại biểu quốc hội, đưa ra ý kiến với VOA:

“Tôi cho rằng việc làm này không phải là sự đảo lộn gì ghê gớm, mà vấn đề là nhận thức lại quá khứ trên cơ sở chính lợi ích của hiện tại. Tôi cho rằng việc viết như thế không chỉ là vấn đề ứng xử với quá khứ mà là ứng xử với chính hiện tại này. Tôi cho là như thế nó công bằng, có một sự tôn trọng nhất định. Nó thể hiện một thái độ không phải chỉ là cởi mở hay khoan dung, mà thực sự là một nhận thức hết sức thực tiễn. Tôi cho đây là việc làm mà vì nó thể hiện trong bộ sử cho nên nó cũng là một cái thể hiện được quan điểm của người dân Việt Nam hiện đại đối với vấn đề quá khứ”.

Trong một bài viết được báo Tuổi Trẻ đăng hôm 20/8 với tít “Thừa nhận Việt Nam Cộng hòa là bước tiến quan trọng”, tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã bình luận rằng việc bộ sử Việt Nam mới thừa nhận chính thể tại miền nam Việt Nam trước 1975 là việc làm “có lợi trước nhất cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam” ở Biển Đông.

Ông Nhã nhắc lại sự thật lịch sử là nhiều nước trong đó có Trung Quốc và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Hiệp định Geneva 1954, theo đó công nhân Việt Nam Cộng hòa “là một thực thể chính trị” với “chính quyền hợp pháp” quản lý lãnh thổ kể cả biển phía nam vĩ tuyến 17 của Việt Nam khi chưa thống nhất đất nước.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh với VOA việc công nhận Việt Nam Cộng hòa là điều thiết yếu khi nói đến tính liên tục trong công cuộc khẳng định chủ quyền:

“Một trong những cơ sở chủ quyền của chúng ta là cơ sở lịch sử, là tính liên tục trong quản lý nhà nước. Từ thời các Chúa Nguyễn chúng ta có bằng chứng, thời Hoàng đế Gia Long chúng ta có bằng chứng, thì tất cả các giai đoạn lịch sử sau là sự nối tiếp kế tục của nhau. Cho nên phải có đủ tiếng nói mang tính chất đại diện của lợi ích quốc gia, chủ quyền dân tộc. Thì cái sự công nhận ấy nó cũng thể hiện sự tôn trọng những giá trị ấy. Mỗi thế hệ, mỗi triều đại, hoặc mỗi thể chế đều có sự đóng góp nhất định cho lịch sử chung của dân tộc”.

Thông tin rằng bộ sử mới viết khách quan về Việt Nam Cộng hòa đã đón nhận nhiều ý kiến tích cực trên báo chí Việt Nam và các diễn đàn mạng xã hội.

Bài báo hôm 20/8 của Tuổi Trẻ trích đăng ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc nhận định rằng nội dung bộ sử mới là “tiền đề cho thống nhất nhân tâm” và “cho hòa giải dân tộc”. Nhiều người tiếp đó bình luận rằng đây là việc làm “tuyệt vời” và “có thể là một dấu hiệu khởi sắc của dân tộc”.

Ông Dương Trung Quốc nhận xét:

“Tôi cho là hoàn toàn đúng những điều những người dân họ suy nghĩ. Lịch sử là tài sản chung của cả dân tộc và trao truyền qua nhiều thế hệ. Cho nên nó càng thể hiện tính khách quan, tính công bằng, trong đó có cả tính khoa học nữa, và cuối cùng cũng là tính chính trị của nó nữa, thì tôi cho là điều đó sẽ tự nhiên tạo ra cho nhận thức ấy có giá trị lâu bền và nó được sự thừa nhận của những người dân, đó là thước đo cao nhất của bộ sử”.

Lâu nay, sách báo dưới chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo ở Việt Nam vẫn dùng các thuật ngữ “ngụy quân, ngụy quyền” để nói đến quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Hồi tháng 5/2016 và tháng 4/2015, các trang web của Báo Vĩnh Long và Đài Tiếng nói Việt Nam đăng cùng một bài của tác giả ký tên Trung Hiếu cáo buộc rằng chính quyền Việt Nam Cộng hòa là “bất hợp pháp”, và quân đội, cảnh sát của chính quyền này là “có gốc gác thực dân”.

Bài báo dùng những từ như “chính quyền phản động”, “chính thể phi pháp” hay “lực lượng phản dân hại nước”, “đang tâm làm tay sai” khi mô tả về thực thể chính trị tồn tại ở miền nam Việt Nam từ 1954 đến 1975.

Nhà sử học đồng thời là đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc nhận định với VOA rằng theo thời gian Việt Nam “sẽ còn có những thay đổi nhận thức khác cho thực sự đúng nghĩa hai chữ lịch sử”.

https://www.voatiengviet.com/a/bo-su-viet-nam-moi-ton-trong-qua-khu-vi-loi-ich-quoc-gia/3994266.html