Tin khắp nơi – 21/08/2017
Mỹ ngưng cấp visa không di dân cho người Nga
Hoa Kỳ sẽ ngừng việc cấp tất cả các thị thực không di dân cho công dân Nga từ ngày 23/08 đến ngày 01/09, theo Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Moscow.
Đại sứ quán Hoa Kỳ nói rằng động thái này là đáp lại “giới hạn do chính phủ Nga áp đặt” đối với số nhân viên ngoại giao Mỹ.
“Tất cả các hoạt động xin thị thực không di dân trên khắp lãnh thổ Nga sẽ bị đình chỉ vào ngày 23/08. Các hoạt động sẽ trở lại bình thường tại thủ đô Moscow vào ngày 01/09, nhưng các hoạt động xin thị thực tại các lãnh sự quán Mỹ ở Nga sẽ vẫn bị đình chỉ vô thời hạn,” một tuyên bố của đại sứ quán Mỹ cho hay.
Bản tuyên bố nói rằng tất cả các cuộc hẹn phỏng vấn theo đã lên lịch đối với đơn xin thị thực không định cư sẽ bị hủy bỏ.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng động thái mới trong cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Mỹ và Nga là “một hành động nhằm khuấy động sự bất mãn giữa các công dân Nga về hành động của chính quyền Nga.”
Tháng trước, khi đáp lại lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ, Nga nói rằng họ đang áp dụng các biện pháp đối phó, bao gồm cả yêu cầu giảm số lượng nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ làm việc tại Nga từ 755 xuống còn 455 vào cuối tháng 8.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bổ nhiệm Phó Thủ tướng Anatoly Antonov làm tân đại sứ của nước này tại Hoa Kỳ.
Ông Antonov sẽ thay thế đại sứ Sergei Kislyak, người đã đảm nhận vai trò đặc sứ của Moscow tại Washington trong hơn 9 năm qua.
Quan hệ Mỹ – Nga đã xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, khi các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng Moscow đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 nhằm giúp ông Donald Trump thắng cử. Nga đã phủ nhận việc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
Công tố viên đặc biệt của Hoa Kỳ Robert Mueller đang tiến hành một cuộc điều tra hình sự về việc liệu chiến dịch tranh cử của ông Trump có “thông đồng” với Moscow hay không.
Ông Trump nhiều lần bác bỏ cuộc điều tra đang diễn ra ở Mỹ về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử, ông gọi đó là “cuộc săn phù thủy.”
https://www.voatiengviet.com/a/my-ngung-cap-visa-khong-di-dan-cho-nguoi-nga/3994367.html
Mỹ tiếp tục tìm kiếm thủy thủ mất tích
vụ tàu John McCain đâm tàu dầu
Với sự hỗ trợ của hải quân Singapore và Malaysia, quân đội Hoa Kỳ vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm 10 thủy thủ mất tích, khi chiếc khu trục hạm John McCain đâm vào một tầu chở dầu ở ngoài khơi Singapore hồi sáng sớm hôm nay.
Ngoài 10 thủy thủ mất tích vừa nói, bản tin do Hải Quân Hoa Kỳ phổ biến cho biết có 5 thủy thủ bị thương, nhưng không cho biết tình trạng nặng nhẹ như thế nào.
Tin cũng nói là chiếc khu trục hạm của Mỹ và chiếc tàu chở dầu mang cờ hiệu Liberia đâm vào nhau lúc đang đi qua eo biển Malacca, là một trong những tuyến đường biển thương mại quan trọng của thế giới.
Không có tin gì về tình trạng chiếc tầu chở dầu, nhưng tin mới nhất chúng tôi ghi nhận được cho biết chiếc chiến hạm của Mỹ vẫn tự di chuyển được, và đã cặp bến Singapore.
Hồi tháng 6 vừa qua, một tai nạn tương tự cũng đã xảy ra khi chiếc chiến hạm mang tên USS Fitzgerald đụng phải một chiếc tầu chở hàng lúc đang di chuyển trong vùng Biển Nhật Bản, khiến 7 thủy thủ thiệt mạng.
Cũng cần nhắc lại mới hai tuần trước đây, khu trục hạm John McCain của Hải quân Mỹ đã thực hiện chuyến tuần tra ở Biển Đông, đi sát Bãi Vành Khăn là nơi Trung Quốc đang chiếm giữ.
Khi công bố tin này, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nói rõ chiến hạm của Mỹ thực hiện đúng điều được gọi là hoạt động tự do hàng hải mà quy luật quốc tế cho phép.
Tính từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống hồi cuối tháng Giêng năm nay cho đến giờ, đây là lần thứ nhì Hoa Kỳ đưa tầu chiến đi quan vùng biển Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam.
Hoa Kỳ và Nam Hàn vẫn tập trận chung
Hoa Kỳ và Nam Hàn vẫn tiến hành tập trận thường niên bất chấp việc Bình Nhưỡng nói đây là hành động “đổ dầu vào lửa”.
Tuần trước, Bắc Hàn dường như đã tạm hoãn đe doạ bắn tên lửa về hướng đảo Guam của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương nhưng tuyên bố sẽ theo dõi hành động của Washington.
Washington nói các cuộc tập trận có bản chất để phòng thủ, nhưng Bắc Hàn xem đó là sự chuẩn bị để xâm lược và lên án hành động “đổ dầu vào lửa” này.
Trung Quốc và Nga trong tháng Bảy đã đề xuất ngừng tập trận để đổi lấy việc Bắc Hàn ngưng thử tên lửa.
Tuy nhiên, Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, tuần trước cho biết rằng việc tập trận “hiện không là một phần để đàm phán ở bất kỳ mức độ nào vẫn diễn ra theo kế hoạch”.
Hoa Kỳ cho biết các cuộc tập trận có 17.500 lính Mỹ tham gia sẽ kéo dài khoảng 10 ngày.
Nhưng sau khi Bắc Hàn đe dọa Guam và lớn tiếng về chiến tranh thì giới phân tích xem việc tập trận chung có thể được coi là một sự khiêu khích vào một thời điểm đặc biệt nhạy cảm.
Hôm Chủ nhật, một bài xã luận của một tờ báo của chính phủ Bắc Hàn nói việc tập trận sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bán đảo Triều Tiên và cảnh báo về một “giai đoạn chiến tranh hạt nhân không kiểm soát được”.
Hoa Kỳ và Nam Hàn tiến hành hai cuộc tập trận hàng năm với sự tham gia số lượng lớn lớn về binh lính và khí tài.
Vào tuần trước, Tướng Joseph Dunford khi đến thăm Trung Quốc nói giải pháp quân sự đối với Bắc Hàn sẽ là “kinh hoàng” nhưng vẫn là một lựa chọn.
“Điều không thể tưởng tượng được đó chính là cho phép [lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un] phát triển tên lửa đạn đạo với đầu đạn hạt nhân có thể đe doạ Hoa Kỳ và tiếp tục đe dọa khu vực.”
Tướng Mỹ thăm châu Á để bàn về Bắc Hàn
TQ thực thi lệnh trừng phạt của LHQ đối với Bắc Hàn
Ông nói rằng Tổng thống Trump “đã nói với chúng tôi để tính toán các lựa chọn quân sự tin cậy, khả thi, và đó là chính những gì chúng tôi đang làm”.
Một quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc, người đã gặp Tướng Dunford, nói rằng phải loại bỏ hành động quân sự và “đối thoại” là lựa chọn duy nhất, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói.
Trung Quốc là đồng minh lớn duy nhất của Bắc Hàn. Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc đã không làm đủ để kiềm chế nó, nhưng Bắc Kinh nói rằng họ đã bắt đầu ngừng nhập khẩu sắt, quặng sắt và hải sản từ Bắc Hàn, phù hợp với các biện pháp trừng phạt mới của Liêp Hiệp Quốc.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40996415
“Mùa xuân Prague” và cuộc đàn áp đẫm máu
Ngày 21/8/1968, hàng chục người bị giết chết trong cuộc trấn áp quân sự của quân đội Liên Xô và năm quốc gia tham dự Hiệp ước Warsaw.
Xe tăng Liên Xô kéo vào thành phố, nghiền nát cuộc thử nghiệm “chủ nghĩa xã hội với bộ mặt nhân bản”.
Một số thành viên lãnh đạo của phong trào tự do Tiệp Khắc bị bắt giữ, trong đó có Thủ tướng Alexander Dubcek.
Hãng thông tấn Liên Xô, Tass, nói rằng việc “kháng cự” được thực hiện theo yêu cầu của các thành viên trong chính phủ và các lãnh đạo Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, nhằm chống lại “các lực lượng phản cách mạng”.
Tuy nhiên, trong một bài diễn văn bí mật phát trên kênh phát thanh, Chủ tịch nước Tiệp Khắc Ludvik Svoboda lên án việc các đồng minh khối Hiệp ước Warsaw chiếm đóng lãnh thổ là bất hợp pháp, và đã được thực hiện mà không được sự đồng ý của chính phủ Tiệp.
Bộ ba những nhà lãnh đạo khai tử Liên Xô
Mikhail Gorbachev có ân hận vì để mất Liên Xô?
Cuba muốn trả nợ cho CH Czech bằng rượu rum
Tổng thống Hoa Kỳ khi đó, Lyndon Johnson nói cuộc xâm chiếm là sự vi phạm rõ ràng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, và những lí do Liên Xô đưa ra để biện minh cho việc này là “hoàn toàn bày đặt”.
“Đó là lời bình luận đáng buồn trong tư duy những người cộng sản khi họ cho rằng dấu hiệu tự do tại Tiệp Khắc bị coi là mối đe dọa căn bản cho an ninh của hệ thống Xô-viết,” ông nói.
Giới chức Tiệp Khắc đã ra lệnh cho lực lượng quân đội với số lượng đông áp đảo của mình không đánh trả, và kêu gọi dân chúng kiềm chế.
Phản kháng
Việc thay đổi hướng đi của Tiệp Khắc bắt đầu khi ông Dubcek, người Slovakia, trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản vào tháng 1/1968.
Một chương trình cải cách dân chủ diện rộng bắt đầu được đưa ra, mở đầu cho phong trào “Mùa xuân Prague”.
Trong ngày 21/8/1968, những đám đông tụ tập trên đường phố, hô vang ủng hộ ông Dubcek và đòi lính nước ngoài rút về nước.
Hầu hết sự phản kháng diễn ra quanh khu vực đài phát thanh Prague.
Sau đó, các thanh niên Tiệp ném bom xăng và thậm chí còn tìm cách chiếm xe tăng Nga.
‘Biết ơn Gorbachev đã khiến Liên Xô sụp đổ’
Cảnh sát EU thu giữ xe hơi chợ Sapa, Czech để ‘điều tra’
Các tường thuật nói một số xe tăng và xe tải chở đạn dược bị phá hủy, nhưng binh lính Liên Xô đáp trả bằng súng máy và nã pháo. Ít nhất có bốn người bị bắn chết.
Tại các khu vực quảng trường Wenceslas và Phố Cổ, hàng trăm thanh niên dựng rào chắn và lật đổ xe tải cỡ lớn nhằm chặn đường tiến của đối phương.
Các chỉ huy Liên Xô và của khối năm thành viên Hiệp ước Warsaw sau đó áp lệnh thiết quân luật vào ban đêm và dọa bắn bỏ bất cứ ai dám vi phạm lệnh này.
Toàn bộ các tuyến đường xe lửa, đường bộ và đường không ra khỏi Tiệp đều bị đóng trong lúc binh lính nước ngoài tiếp tục tiến vào. Ước tính có khoảng gần 175 ngàn lính tham gia chiến dịch.
Phản ứng quốc tế
Sau cuộc xâm chiếm, ông Dubcek và các gương mặt chính trị khác bị cấm hoạt động và bị thay thế bằng một chế độ cộng sản đàn áp hà khắc. Toàn bộ các cải cách trước đó bị tuyên bố vô hiệu, hoặc bị bỏ, không thực hiện.
Cuộc xâm chiếm bị lên án mạnh mẽ trên thế giới.
Đáng kể là có đảng cộng sản ở các nước Nam Tư và Romania tuyên bố họ không dính gì tới các hành động của Liên Xô.
Cũng như những gì từng xảy ra tại Hungary hồi 1956, phương Tây không hành động gì.
Khi đó, Hoa Kỳ đang trong giữa kỳ bầu cử tổng thống và đang bận rộn với cuộc chiến Việt Nam.
Đảng Cộng sản cuối cùng bị lật đổ tại Tiệp Khắc vào 24/11/1989, và ông Dubcek vinh quang trở lại thủ đô Prague.
Ông trở thành lãnh đạo của chính quyền hậu cộng sản trong diễn biến về sau được gọi là “Cuộc Cách mạng Nhung”.
Helmut Kohl, người ‘thống nhất nước Đức’ qua đời
Trận Ba Lan thắng Hồng quân năm 1920
http://www.bbc.com/vietnamese/40999849
Truy lùng nghi phạm
vụ tấn công Barcelona trên toàn châu Âu
Cuộc truy lùng tài xế lái chiếc xe đâm chết 13 người trong vụ tấn công Barcelona hồi tuần trước đã được mở rộng ra toàn châu Âu, giới chức Catalan nói.
Giới chức nói họ xác định danh tính của người này là Younes Abouyaaqoub, 22 tuổi, người Morocco.
Trước đó, nhà chức trách nói họ không loại trừ khả năng người này đã chạy sang Pháp.
Barcelona: Nhóm khủng bố có 120 bình ga
Barcelona: Truy tìm nghi phạm lái xe đâm chết người
‘Tấn công khủng bố’ ở Barcelona
Khủng bố ở Barcelona và Cambrils
Hình ảnh mới do hệ thống camera an ninh CCTV ghi lại được về vụ tấn công có vẻ như cho thấy người này đã bỏ xe và chạy bộ khỏi hiện trường.
Ba hình ảnh do báo El Pais công bố cho thấy người này đi qua chợ La Boqueria, đeo kính râm, đi về hướng Las Ramblas.
Cảnh sát nói họ đang điều tra giả thuyết là khoảng 90 phút sau đó, có thể nghi phạm đã đâm và giết chết một người đàn ông Tây Ban Nha rồi lấy chiếc xe hơi của nạn nhân.
Hôm Chủ Nhật, cảnh sát trưởng Catalan Josep Lluis Trapero nói trong số 12 nghi phạm, chỉ còn một, được cho là Abouyaaqoub, là còn đang lẩn trốn.
Bốn người bị bắt, và hiện còn hai nhóm thi thể cần được xác định danh tính. Năm người bị giết chết trong vụ tấn công thứ hai tại Cambrils.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40977934
Khủng bố Barcelona :
Xác định được danh tính của hung thủ
Danh tính của kẻ lái xe tải nhỏ mầu trắng đâm vào đám đông trên đại lộ Remblas, Barcelona, ngày 10/08/2017, đã được xác định. Thông tin được cảnh sát vùng Catalunya, Tây Ban Nha, công bố trên Twitter ngày 21/08 và đã được gửi đến cảnh sát các nước châu Âu.
Phát biểu trên đài phát thanh Catalunya Radio, người cố vấn Nội Vụ vùng Catalunya, Joaquim Forn, cho biết kẻ lái chiếc xe tải nhỏ, hiện chưa bị bắt, là Younès Abouyaaquoub, 22 tuổi, người Maroc. Theo AFP, thủ phạm bị truy tìm trên khắp Tây Ban Nhà và ở nước ngoài, song cảnh sát không xác định được liệu thủ phạm còn sống hay đã chết.
Sau vụ khủng bố đẫm máu ở Barcelona, Tây Ban Nha muốn truyền tải hình ảnh đoàn kết. Tuy nhiên, tinh thần đoàn kết dường như đang bị sứt mẻ vì cách truyền thông khác nhau giữa chính quyền trung ương Madrid và vùng Catalunya. Từ Madrid, đặc phái viên RFI François Musseau giải thích :
« Tại Madrid cũng như tại Barcelona, chính quyền rất cố gắng để duy trì hình ảnh đoàn kết vào lúc Tây Ban Nha vừa trải qua cuộc tấn công khủng bố đẫm máu nhất kể từ vụ khủng bố tại nhà ga Atocha ở Madrid vào năm 2004.
Thế nhưng, rất nhiều người lại nhận thấy hình ảnh đoàn kết chỉ là bề ngoài. Trên thực tế, quan hệ căng thẳng vẫn hiển hiện giữa một bên là chính quyền trung ương Madrid và bên kia là chính quyền xứ Catalunya, theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa. Barcelona có ý định tổ chức trưng cầu dân ý để cử tri quyết định thể chế chính trị tương lai của vùng, vào ngày 01/10/2017.
Công chúng đã chứng kiến một vài cảnh « trống đánh xuôi, kèn thổi ngược ». Ví dụ, khi bộ trưởng Nội Vụ Tây Ban Nha khẳng định ổ Hồi Giáo cực đoan đã được phát hiện, thế nhưng chỉ ít lâu sau lãnh đạo Nội Vụ xứ Catalunya khẳng định ngược lại. Madrid tỏ ra bối rối khi cơ quan hành pháp Barcelona phân biệt nạn nhân Tây Ban Nha với nạn nhân vùng Catalunya. Chính phủ của thủ tướng Rajoy cho rằng cảnh sát vùng Catalunya không chia sẻ thông tin với cảnh sát quốc gia hoặc với các cơ quan tình báo.
Đảng CUP (Candidatura d’Unitat Popular), một thành viên của liên minh cầm quyền ở Barcelona, ủng hộ xứ Catalunya độc lập, làm tình hình căng thẳng hơn, khi cho biết không muốn vua Philipe VI tham gia cuộc tuần hành tưởng niệm nạn nhân diễn ra vào cuối tuần này. Hiện giờ, đó mới chỉ là những trục trặc giữa hai bên nhưng cho thấy cuộc đối đầu có nguy cơ thêm căng thẳng trong những ngày sắp tới ».
Cảnh sát Maroc và châu Âu hợp tác truy tìm thủ phạm
Hai nghi phạm và một giáo sĩ (imam) được cho là « đã tẩy não » những kẻ tham gia vụ khủng bố, vẫn đang bị truy nã gắt gao và có thể đang lẩn trốn tại Maroc.
Dù vẫn im lặng về sự hợp tác trong cuộc điều tra đang được tiến hành, chính quyền Maroc từng đóng góp rất nhiều vào quá trình truy bắt tội phạm khủng bố gốc Marco tại châu Âu, như trong việc định vị Abdelhamid Abaaoud, kẻ chủ mưu các vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi tháng 11/2015 và giúp chính quyền Bỉ phát hiện nhánh khủng bố ở Molenbeek.
Theo RFI, chính quyền Maroc có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Nhờ hệ thống tình báo và phản gián vững mạnh, năm 2008, Rabat đã phá vỡ mạng lưới Belliraj, có cơ sở tại Bỉ, và bị tình nghi chuẩn bị nhiều vụ tấn công quy mô lớn tại Maroc. Maroc là nước duy nhất trong vùng không bị cuộc khủng bố lớn nào từ 6 năm qua.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170821-khung-bo-barcelona-xac-dinh-duoc-danh-tinh-cua-hung-thu
Charlottesville – chuyện gì đã xảy ra với nước Mỹ?
Đỗ Nguyên ThắngGửi cho BBC Tiếng Việt từ Hoa Kỳ
Thứ bảy cuối tuần trước, ngày 12 tháng 8, một nhóm người theo khuynh hướng cực hữu đã tuần hành ở thành phố Charlottesville, bang Virginia, để phản đối quyết định của Hội Đồng Thành Phố tháo gỡ bức tượng của Robert E. Lee, vị tướng tư lệnh quân miền Nam trong cuộc nội chiến.
Hội Đồng đã thảo luận và thăm dò ý kiến người dân trong một thời gian dài trước khi quyết định xóa di tích của một nhân vật đại diện cho chế độ chủ trương quyền sở hữu nô lệ. Hầu như tất cả đám biểu tình là đàn ông da trắng trẻ tuổi đến từ các nơi khác, nhiều người trong họ mặc đồng phục như quân đội và mang theo vũ khí kể cả súng trường. Họ đốt đuốc sáng rực rồi hô to “máu và đất”, khẩu hiệu của chủ nghĩa Quốc Xã Đức, cùng các khẩu hiệu tương tự chống Do Thái và các sắc dân thiểu số.
Nhưng theo thói quen tiền hậu bất nhất cố hữu, trong một cuộc họp báo hôm sau nữa, ông quay trở lại lập luận cũ. Ông nói rằng cả bên biểu tình lẫn bên phản biểu tình đều có lỗi, và “cũng có nhiều người tốt” trong phe biểu tình của nhóm da trắng thượng tônĐỗ Nguyên Thắng
Một nhóm khác gồm đủ mọi sắc dân với nhiều người địa phương cũng đổ về khu vực này để chống lại cuộc tuần hành. Hai bên chửi bới rồi xô xát, cuối cùng cảnh sát phải giải tán. Tưởng thế là yên, nhưng cùng ngày hôm đó, một thanh niên cực hữu lái xe thật nhanh đâm vào đám phản biểu tình. Cô Heather Heyer, 32 tuổi, thiệt mạng tại chỗ, và 19 người khác bị thương. Trong quá trình cứu người bị nạn và ngăn chặn bạo động sau đó, hai nhân viên cảnh sát cũng bị tử thương do trực thăng chở họ bị rớt.
Trump: Trong vụ Charlottesville, ‘hai bên cùng có lỗi’
Vụ Charlottesville: Nhà Trắng bảo vệ phát biểu của Trump
Đừng hiểu phát ngôn của Trump theo nghĩa đen?
Khác với phản ứng gay gắt từ khắp nơi lên án tinh thần kỳ thị và hành động khủng bố của các nhóm cực hữu, lời phát biểu đầu tiên của Tổng Thống Donald Trump làm nhiều người thất vọng, khi ông cho rằng lỗi của vụ việc ở cả hai bên. Bị áp lực từ nhiều giới, sau đó ông đưa ra một tuyên bố dễ chấp nhận hơn, lên án thành phần da trắng thượng tôn (white supremacist) và tinh thần kỳ thị chủng tộc.
Nhưng theo thói quen tiền hậu bất nhất cố hữu, trong một cuộc họp báo hôm sau nữa, ông quay trở lại lập luận cũ. Ông nói rằng cả bên biểu tình lẫn bên phản biểu tình đều có lỗi, và “cũng có nhiều người tốt” trong phe biểu tình của nhóm da trắng thượng tôn. Lập luận cuối cùng này bị chỉ trích dữ dội, không những từ phe đối lập đảng Dân Chủ, mà còn chính từ những chính khách tên tuổi nhất trong đảng Cộng Hòa của ông. Quan trọng hơn nữa là cả bốn vị tướng tư lệnh binh chủng đều đưa ra thông cáo riêng, đả kích tinh thần kỳ thị và thù hận.
Giới doanh thương, vốn bình thường phi đảng phái, cũng lên tiếng phản đối lời phát biểu của Tổng Thống. Đại đa số chủ tịch của các công ty lớn nhất nước Mỹ, như Merck, Intel, Dell, Ford, General Electric, v.v., rút chân ra khỏi Hội Động Sản Xuất, một bộ phận cố vấn tổng thống về thương mại, khiến hội đồng phải giải tán (Chủ tịch của Tesla, Elon Musk, đã rút chân trước đó). Nhiều nhà kinh doanh tên tuổi tuyên bố cống hiến hàng triệu mỹ kim cho các tổ chức phi lợi nhuận chống kỳ thị.
Toàn thể 18 thành viên Hội Đồng Cố Vấn Tổng Thống Về Nghệ Thuật cũng đồng loạt từ chức, phản đối quan điểm của Tổng Thống về vụ việc tại Charlottesville.
Nhiều người đòi hỏi ông Trump sa thải cố vấn Steve Bannon, người bị gán cho trách nhiệm đã đẩy Nhà Trắng theo xu hướng da trắng thượng tôn. Vài ngày sau, ông Bannon đệ đơn từ nhiệm và chính thức rời khỏi chính phủ.
Charlottesville là giọt nước tràn ly; lần đầu tiên các thành phần vẫn bị coi đứng ngoài lề xã hội do quan điểm quá khích, nay công khai biểu lộ thái độ sẵn sàng đàn áp các sắc dân thiểu sốĐỗ Nguyên Thắng
Tại sao phản ứng gay gắt?
Tại sao người Mỹ khắp nơi, và nhất là các vị lãnh đạo cộng đồng, tôn giáo, chính trị, kinh doanh, lại phản ứng gay gắt như thế? Để hiểu lý do, có lẽ cần phải nhìn lại lịch sử Mỹ và tìm hiểu gốc gác của phong trào da trắng thượng tôn. Vụ biểu tình như khoét lại vết thương tưởng đã lành trong xã hội Mỹ, một xứ sở đã từng nhiều lần nỗ lực để chinh phục con quái vật mang tên kỳ thị chủng tộc, gồm cả một cuộc nội chiến tương tàn.
Phong trào tranh đấu cho quyền dân sự của thập niên 1950 và 1960 cũng mang đến nhiều tiến bộ, tạo nên sự bình đẳng chủng tộc trên lý thuyết trong các lãnh vực như giáo dục, gia cư, công việc, v.v. Xét theo các sinh hoạt xã hội bình thường, nạn kỳ thị chủng tộc hầu như vắng mặt ở nước Mỹ của thế kỷ 21, cho đến khi Donald Trump ra tranh cử. Những tín hiệu “huýt sáo chó” (dog whistle; sử dụng từ ngữ với nhiều nghĩa mà chỉ người cùng phe mới hiểu nghĩa thật) mà ứng cử viên sử dụng, đã thổi sức sống cho phong trào da trắng thượng tôn.
Ở các buổi vận động tranh cử của Trump, nhiều người tham dự cầm cờ của phía miền Nam trong cuộc nội chiến, hay thậm chí đeo băng tay với huy hiệu Quốc Xã. Các thông điệp gay gắt từ bên Trump chất chứa thù hận và đổ lỗi cho các nhóm thiểu số khác nhau, từ người Trung Đông, người đạo Hồi, cho đến người Mễ Tây Cơ và người da đen. Các cuộc vận động của Trump cho thấy rõ sự phân biệt sắc tộc, một bên hầu hết da trắng, bên kia đủ màu da như tình trạng chủng tộc thật sự của nước Mỹ ngày nay.
Charlottesville là giọt nước tràn ly; lần đầu tiên các thành phần vẫn bị coi đứng ngoài lề xã hội do quan điểm quá khích, nay công khai biểu lộ thái độ sẵn sàng đàn áp các sắc dân thiểu số. Nhiều người bị chưng hửng vì không tin các diễn biến này có thể xảy ra trong thời điểm hiện tại và cảm thấy cần lên tiếng.
Những người biểu tình là ai? Họ mang các tên khác nhau, nhưng cùng quy tụ dưới khuynh hướng “da trắng thượng tôn” (white supremacists) hay còn gọi là “alt-right”. Hai thành phần chính trong số họ là:
Ku Klux Klan, gọi tắt là KKK, hay The Klan: nhóm này khởi đầu từ các tiểu bang miền Nam nước Mỹ sau cuộc nội chiến; tiêu chỉ của họ là bảo vệ văn hóa da trắng bằng cách đàn áp và tiêu diệt các sắc dân và các tôn giáo khác với họ. Định nghĩa về người da trắng của họ rất hạn hẹp: đó là những người có gốc Anh hay Bắc Âu, nên ngay cả sắc dân của những khu vực Châu Âu khác, như Ý, Đông Âu, cũng bị họ kỳ thị.
Họ cực kỳ chống các người theo đạo Do Thái, điều đó nhiều người đã biết. Nhưng ít người biết là họ cũng chống Công Giáo, vì đó là một tôn giáo xa lạ với họ. Tuy nhiên, nạn nhân của họ hầu hết là người da đen, vì vào thời điểm đó các tiểu bang miền nam có một dân số cựu nô lệ da đen đáng kể. Hội KKK đổ lỗi cho người da đen là thủ phạm cho những khó khăn về kinh tế và chính trị của người da trắng.
Là người da màu ở Mỹ, trong trường hợp xã hội trở thành chia rẽ dựa trên sắc tộc, khả năng chúng ta trở thành nạn nhân của một chế độ kỳ thị không phải là điều xa vờiĐỗ Nguyên Thắng
Họ tổ chức các cuộc tuần hành, mặc toàn đồ trắng, đội mũ nhọn trắng, che mặt ngoài hai con mắt, nhìn vào rất đáng sợ. Họ rước đuốc khi tuần hành, sử dụng lửa như một vũ khí đe dọa. Họ thường cắm một cây thánh giá gỗ rất lớn trước nhà những người da đen rồi châm lửa cho cháy bùng lên như một cảnh cáo, sau đó có thể đốt nhà, hay treo người da đen lên đốt sống. Họ thường xuyên “lynch” tức là treo cổ các người da đen bắt được, kể cả trẻ em.
‘Không phải điều xa vời’
Một số người tị nạn Việt Nam đã là nạn nhân trực tiếp của KKK. Năm 1979 tại Galveston Bay, bang Texas, KKK đã lợi dụng sự tranh chấp giữa các ngư phủ da trắng và tị nạn mới đến, xách động người địa phương đốt thuyền của người Việt. Người tị nạn phản ứng lại, và kết quả là một người đàn ông Việt bắn chết một người da trắng. Tòa tha bổng người Việt vì lý do tự vệ.
KKK trong nhiều thập niên qua đã bị dư luận lên án và bị coi như ở ngoài lề của giới hạn luân lý chấp nhận được. Chính phủ đã quy tổ chức này là “nhóm thù hận” hay “hate group”, gần như tương đương với khủng bố.
Tân Quốc Xã (Neo-Nazi): Đảng Quốc Xã được Hitler lập ra ở Đức, với chủ trương người da trắng thuộc chủng tộc Aryan là trên hết, và trong đó người Đức có dòng máu Aryan tinh khiết nhất. Các sắc dân khác đều bị coi là thấp kém và chỉ xứng đáng để phục vụ người Aryan, thậm chí cần hủy diệt. Kẻ thù chính của họ là người theo đạo Do Thái, nhưng họ không dừng ở đây. Họ cũng tiêu diệt các sắc dân họ coi là “dưới tiêu chuẩn làm người” (subhuman) như người Slavic, Gypsy, đồng tính, chậm phát triển.
Họ cướp đoạt tài sản của các sắc dân này rồi lùa họ vào trại tập trung, sử dụng họ như nô lệ để sản xuất phục vụ chiến tranh, và cuối cùng xịt hơi ngạt giết khoảng 6 triệu người trong các lò ga. Sau khi Đảng Quốc Xã bị diệt ở cuối thế chiến thứ hai, có những thời điểm phong trào kỳ thị của các nước Âu Châu lại trỗi dậy dưới lá cờ Quốc Xã. Ở các xứ Đông Âu và nhất là Nga, thành viên Tân Quốc Xã cạo trọc đầu nên được gọi là skinhead. Ở Nga, họ đã đánh đập, thậm chí giết người da màu kể cà người Việt.
Sau này khi nhìn lại, Charlottesville có lẽ sẽ là bước ngoặt lịch sử quan trọng của nước Mỹ. Từ thời nội chiến đến giờ, đây là lần đầu tiên các quan điểm hữu phái cực đoan dựa trên lòng thù hận sắc tộc, không những có cơ hội mon men vào dòng chính của sinh hoạt chính trị Mỹ mà còn được sự hậu thuẫn từ chính nguyên thủ quốc gia. Các thế lực chia rẽ, đặt màu da này trên màu da kia, tôn giáo này trên tôn giáo kia, đi ngược lại với tinh thần công bình và bao dung đã tạo thành một nước Mỹ vĩ đại. Bước ngoặt này sẽ đưa chúng ta về đâu?
Một mặt, có thể nó là tiếng chuông báo thức, nhắc nhở mọi người rằng những hồn ma vẫn còn quanh quẩn, vẫn có khả năng vực dậy phần đen tối nhất của quá khứ. Nếu chúng ta thấy đây là một viễn tượng đáng sợ hãi và có đủ sáng suốt và quyết tâm chung sức thay đổi đường hướng hiện nay, nước Mỹ có thể tiếp tục cái hành trình hướng thiện đã bắt đầu từ khi lập quốc.
Ngược lại, chiêu bài lấy thù hận làm nguyên lý đã thành công trong vô số trường hợp, từ cách mạng tháng mười tại Nga, cho đến sự trỗi dậy của Quốc Xã và Phát Xít, cách mạng nhân dân ở Trung Quốc, Việt Nam, và nhiều quốc gia khác. Là người da màu ở Mỹ, trong trường hợp xã hội trở thành chia rẽ dựa trên sắc tộc, khả năng chúng ta trở thành nạn nhân của một chế độ kỳ thị không phải là điều xa vời.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả là cư dân vùng San Jose, California và là thành viên hội PIVOT (The Progressive Vietnamese American Organization – Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến).
http://www.bbc.com/vietnamese/forum-41002398
Myanmar:
Một thanh niên bị bắt với cáo buộc bêu xấu quân đội
Một thanh niên Miến Điện mới bị cảnh sát bắt giữ, cáo buộc anh tội bêu xấu quân đội.
Anh Aung Ko Htwe, 26 tuổi, bị bắt hồi thứ Sáu tuần trước, sau khi lên tiếng trên Dài Á Châu Tự Do, kể lại chuyện kinh hoàng mà anh đã trải qua khi bị ép buộc phải phục vụ cho quân đội lúc mới 14 tuổi.
Chị của anh là bà Nay Zar Htun cho hãng thông tấn AFP biết em trai mình bị cáo buộc tội bêu xấu quân đội, sẽ bị giải tòa vào ngày mùng 1 tháng Chín tới đây. Nếu bị tòa kết tội, anh Aung Ko Htwe có thể lãnh bản án tới 2 năm tù.
Bà chị của anh cũng cho AFP biết em trai của mình bị quân đội Miến bắt cóc hồi 2005, lúc mới 14 tuổi, sau đó bị ép buộc phải làm việc những việc cực nhọc cho tới khi được thả. Bà nói rõ “đây là điều em tôi muốn nói ra với mọi người, hy vọng sẽ không còn chuyện trẻ em bị quân đội bắt và phải làm việc cực khổ như em tôi từng trải qua”.
Chuyện trẻ em bị bắt phải phục vụ cho quân đội là điều thường được nói tới tại Miến. Hiện không rõ có bao nhiêu trẻ em Miến Điện vẫn bị cưỡng bức phải phục vụ cho quân đội. Hồi 2012 sau khi ký kết một thỏa thuận với Liên Hiệp Quốc, quân đội Miến thả khoảng 850 em.
Cũng cần nói thêm Miến Điện hiện đang được điều hành bởi một chính quyền dân sự do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, nhưng quân đội vẫn có nhiều quyền hành về cả mặt chính trị lẫn quân sự, kể cả quyền được đòi bắt giữ những người bị xem là có ý muốn bêu xâu quân đội.
Nam Phi đấu giá sừng tê giác qua mạng
Một cuộc đấu giá sừng tê giác trên mạng được tổ chức ngày 21/8, sau khi được phép từ một tòa án ở Nam Phi, nhưng các nhà bảo bảo tồn động vật hoang dã cực lực phản đối, theo tin AFP.
Trước đó, chính quyền Nam Phi đã ra lệnh cấm tiến hành cuộc đấu giá kéo dài ba ngày mà họ e ngại sẽ làm suy yếu lệnh cấm toàn cầu đối với việc buôn bán tê giác, nên đã từ chối cấp giấy phép.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao ở thành phố Pretoria ngày 20/1 đã ra phán quyết ủng hộ nhà tổ chức đấu giá John Hume, người điều hành trại nuôi tê giác lớn nhất thế giới.
Luật sư của ông Hume đưa ra lập luận rằng các giấy phép đã được chấp thuận nhưng chính quyền Nam Phi chưa ban hành. Lệnh cấm buôn bán sừng tê giác trong nước ở Nam Phi đã được xóa bỏ ba tháng trước.
Vào tháng Tư, một quy định được cho là có ít tác động đến bên ngoài Nam Phi vì một lệnh cấm buôn bán sừng tê giác trên phạm vi quốc tế vẫn còn hiệu lực.
Các nhà nhân giống tê giác tin rằng việc cho phép kinh doanh sừng tê giác là cách duy nhất để ngăn chặn những kẻ săn trộm giết loại động vật quý hiếm này.
Người phát ngôn Bộ Môi trường Moses Rannditsheni nói: “Chúng tôi đã thua kiện. Chúng tôi phải trao giao giấy phép đã cấp.”
Cuộc đấu giá sẽ bắt đầu vào lúc 10giờ00, giờ quốc tế GMT ngày 21/8.
Ông Hume trữ 6 tấn sừng tê giác và muốn bán đấu giá 500 kg, tương đương 264 sừng tê giác.
Sừng Rhino có giá rất cao, ước tính giá chợ đen khoảng 60.000 đôla/kg – đắc hơn nhiều so với cả vàng hay ma túy.
Nam Phi cung cấp khoảng 80% lượng tê giác trên thế giới, khoảng 20.000 con, nhưng trong những năm gần đây diễn ra các trường hợp tê giác bị kẻ săn trộm giết hại.
Ông Hume và một số nhà vận động khác cho biết việc săn trộm chỉ có thể dừng lại nếu đáp ứng nhu cầu khổng lồ từ châu Á thông qua việc “thu hoạch” cưa sừng hợp pháp từ những con bị tiêm thuốc tê khi còn sống.
Nhưng các nhà hoạt động vì quyền lợi động vật cho rằng việc bán sừng tê giác hợp pháp chỉ làm cho việc săn trộm gia tăng.
Sừng Rhino được cấu tạo chủ yếu từ chất keratin, thành phần tương tự như trong móng tay người. Sừng tê giáo được rao bán dưới dạng bột như một phương thuốc chữa bệnh ung thư và các bệnh khác – cũng như được sử dụng làm thuốc cường dương ở Việt Nam và Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/nam-phi-dau-gia-sung-te-giac-qua-mang/3994293.html
Căng thẳng Ấn-Trung :
Quân đội Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở miền tây
Báo chí Ấn Độ hôm nay, 21/08/2017, loan tin quân đội Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại quân khu miền Tây, trong lúc tại khu vực Doklam biên giới Ấn-Trung, không khí vẫn tiếp tục căng thẳng. Theo một số nguồn tin Ấn Độ, New Delhi bàn với Nga về vấn đề này, trước phiên họp của khối BRICS, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 9/2017 tại Trung Quốc.
Báo Ấn Độ India Today dẫn thông tin của nhật báo chính thức Trung Quốc Hoàn Cầu Thời Báo, theo đó, Bộ chỉ huy Khu quân sự chiến lược miền tây Trung Quốc, quản lý vùng lãnh thổ giáp với Ấn Độ, vừa tổ chức một cuộc tập trận đạn thật quy mô hồi tuần trước. 10 đơn vị quân đội Trung Quốc tham gia.
Một đoạn video dài 5 phút, được đài truyền hình Trung Quốc công bố, cho thấy xe tăng nã đạn vào một số ngọn đồi, trong lúc trực thăng bắn vào các mục tiêu trên mặt đất.
Báo Trung Quốc không cho biết địa điểm và thời gian cụ thể nơi diễn ra cuộc tập trận.
Điều mà báo Ấn Độ lưu ý là tờ báo Trung Quốc, không nói thẳng, nhưng dùng một thông tin từ một tờ báo tiếng Trung có cơ sở tại Singapore – vốn không thuộc báo chí chính thống Trung Quốc – để khẳng định mục tiêu của cuộc tập trận này là « tấn công Ấn Độ ».
Thông tin về cuộc tập trận bắn đạn thật tại miền tây Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh tranh chấp tại địa điểm biên giới Doklam, nằm ở ngã ba biên giới Ấn – Trung – Bhoutan – nơi Ấn Độ đưa quân đến để ngăn chặn Trung Quốc mở xa lộ ở một khu vực mà Bhoutan, quốc gia nằm dưới sự bảo trợ của New Delhi, đòi hỏi chủ quyền. Tranh chấp đã bước sang tháng thứ ba.
Đọc thêm : Tranh chấp Ấn-Trung ở Doklam và “Cuộc Chơi Lớn” của châu Á
Cũng về căng thẳng Docklam, báo chí Ấn Độ hôm nay dẫn một số nguồn tin chính thức, theo đó, New Delhi đang tiếp xúc với Nga để thảo luận về tranh chấp với Trung Quốc, ngay trước thềm hội nghị BRICS, sẽ diễn ra từ ngày 3 đến ngày 5/9 tại thành phố Hạ Môn (Xiamen), Trung Quốc. Theo một quan chức Ấn Độ, xin ẩn danh, « Nga là một đối tác chiến lược quan trọng và việc thảo luận về vấn đề an ninh với một quốc gia bằng hữu là điều dễ hiểu ».
Hiện tại thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chưa quyết định chính thức có tham gia hội nghị hay không.
Châu Âu được khuyên
kiên trì chống lại trật tự do Bắc Kinh áp đặt
Hai hành động của Trung Quốc trong thời gian gần đây – vụ giàn khoan Repsol ở Biển Đông và vụ Lưu Hiểu Ba – đã gióng lên hồi chuông báo động về thái độ coi thường quốc tế của Trung Quốc, nhưng chỉ gặp phản ứng yếu ớt từ phía các cường quốc, đặc biệt là châu Âu. Trong một bài viết đăng trên nhật báo Úc The Australian ngày hôm nay, 21/08/2017, giảng sư đại học Ana Palacio, cựu ngoại trưởng Tây Ban Nha, cựu phó chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới, đã kêu gọi châu Âu là dù thận trọng, nhưng cũng phải mạnh dạn chống lại những hành động sai trái của Trung Quốc.
Sự kiện đầu tiên được Ana Palacio nêu bật thành ví dụ về hành động hung hăng của Trung Quốc là vụ một công ty con của tập đoàn dầu hỏa Tây Ban Nha Repsol, vào tháng 6 vừa qua, đã bắt đầu khoan một giếng dầu ngoài khơi trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Trung Quốc lập tức phản đối, trước hết là hủy bỏ một cuộc họp an ninh chung giữa Trung Quốc và Việt Nam, và sau đó tuyên bố đe dọa dùng hành động quân sự đánh vào các vị trí của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Không thể dựa vào Hoa Kỳ, Việt Nam đã khuất phục trước sức ép của Trung Quốc, ra lệnh cho Repsol ngừng việc khoan thăm dò.
Đối với tác giả bài viết, đó là chiến thắng của quyền lực thô bạo, và là thất bại của luật lệ được mọi nước chia sẻ. Kết luận đó cũng có thể được áp dụng cho sự kiện thứ hai mang tầm vóc toàn cầu.
Vào tháng 7 vừa qua, ngay trước hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 ở thành phố Đức Hamburg, đã rộ lên thông tin về giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba, bị Trung Quốc giam giữ trong gần 10 năm nay, đã bị ung thư gan giai đoạn cuối. Ông Lưu Hiểu Ba đã xin phép được ra điều trị ở nước ngoài, nhưng bị Bắc Kinh từ chối. Ông qua đời ngay sau đó.
Điều đáng nói, theo Ana Palacio, là thay vì lên án cách hành xử độc ác đó của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế – và châu Âu nói riêng – chỉ đưa ra một phản ứng nhẹ nhàng. Không nước nào dám nêu tên ông Lưu Hiểu Ba một cách công khai trong cuộc họp G20. Và ngay cả sau khi Giải Nobel Hòa Bình qua đời, các lãnh đạo phương Tây chỉ gởi lời chia buồn mà thội. Không ai dám đụng đến Trung Quốc.
Đối với tác giả bài viết, cách tiếp cận đó thoạt nhìn có vẻ hợp lý, đặc biệt đối với một châu Âu vẫn đang tìm sự hồi phục sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Liên Hiệp Châu Âu sau Mỹ, và là nguồn đầu tư trực tiếp chủ yếu, đã đầu tư hơn 35 tỷ Euro vào năm ngoái.
Tuy nhiên, chủ nghĩa thực dụng đó có nhược điểm nghiêm trọng. Hơn bất kỳ khối nước nào khác, cả châu Âu – chứ không riêng gì Liên Hiệp Châu Âu – cần đến một trật tự được hình thành trên hợp tác hơn là cạnh tranh. Thật vậy, trật tự hiện tại, dựa trên sự tôn trọng luật lệ chung, mang lại sức mạnh cho châu Âu, đồng thời giảm thiểu những điểm yếu.
Theo Ana Palacio, dĩ nhiên là châu Âu không thể đứng ra kháng lại bạo quyền của Trung Quốc, nhưng có thể hỗ trợ Hoa Kỳ, nước trong một tương lai gần, vẫn là một cường quốc mà thế giới cần đến.
Có điều là nước chính quyền Mỹ của Donald Trump dường như ít quan tâm, và thậm chí không có nhiều năng lực trong vai trò lãnh đạo thế giới. Nếu Washington không thay đổi cách tiếp cận theo chủ trương « Nước Mỹ Trên Hết », thì sẽ có rất ít hy vọng về một trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Nhưng nếu chính quyền Trump thay đổi cách nghĩ, thì tất cả vẫn chưa hoàn toàn bị mất.
Trong khi chờ đợi, Châu Âu phải kiên quyết hơn trong việc bảo vệ luật lệ quốc tế, không phải bằng cách tung ra những cuộc thập tự chinh liều mạng và vô ích, nhưng bằng cách tiếp tục thúc đẩy nhân quyền và nhà nước pháp quyền, một cách kiên quyết, nhưng có cân nhắc.
Đối với tác giả, thực tế đáng buồn hiện nay là nếu Châu Âu không lên tiếng, thì không còn ai lên tiếng, và một trật tự thế giới dựa trên sự dẫn dắt của Trung Quốc sẽ có kẻ thắng người thua, nhưng số lượng người thua sẽ vượt xa số người thắng. Châu Âu có trách nhiệm ngăn chặn kết quả đó.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170821-chau-au-duoc-khuyen-kien-tri-chong-lai-trat-tu-do-bac-kinh-ap-dat
Học giả quốc tế kêu gọi chống Bắc Kinh kiểm duyệt học thuật
Theo AP, hôm nay 21/08/2017, nhiều học giả quốc tế đã kêu gọi nhà xuất bản Đại Học Cambridge khôi phục lại hơn 300 bài báo được coi là « nhạy cảm chính trị », bị yêu cầu xóa trên trang web của tạp chí nghiên cứu China Quarterly vào tuần trước.
Kiến nghị trên trang change.org, với nội dung kêu gọi Nhà xuất bản Đại học Cambridge từ chối yêu cầu kiểm duyệt, đã thu thập được hơn 200 chữ ký, sau ba ngày công bố, theo ông Christopher Balding – phó giáo sư kinh tế tại trường Đại học Kinh doanh HSBC ở Thâm Quyến (Shenzhen) – người khởi xướng kiến nghị.
Bản kiến nghị cho biết các học giả quan ngại sâu sắc về việc kiểm duyệt lịch sử và những áp đặt tư tưởng của chính phủ Trung Quốc đối với hệ thống giáo dục. Theo kiến nghị, các nhà nghiên cứu và các trường đại học có thể tẩy chay nhà xuất bản đại học Cambridge và các tạp chí liên quan, nếu họ nghe theo sự kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc.
Trước đó nhà xuất bản Đại học Cambridge ngày 18/08 đã thông báo rằng họ đã tuân thủ yêu cầu để chặn nhiều bài báo từ tạp chí China Quarterly, được đăng tải ở đại lục. Tạp chí China Quarterly được coi là tạp chí nghiên cứu hàng đầu thế giới về Trung Quốc.
Các bài báo bị chặn có nội dung liên quan đến các chủ đề « chính trị nhạy cảm » như cuộc đàn áp tại Thiên An Môn năm 1989, cuộc Cách mạng Văn hoá 1966-76 và các vấn đề Tây Tạng, Tân Cương, chính trị ở Hồng Kông, tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, cũng như các bài viết về Mao Trạch Đông.
Nhà xuất bản Đại học Cambridge cho biết họ đã tuân thủ việc này để đảm bảo rằng các tài liệu học tập và giáo dục khác vẫn được mở cho giới học giả. Dự kiến một cuộc họp giữa nhà xuất bản Anh và nhà chức trách Trung Quốc sẽ diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ sách Bắc Kinh vào tuần này.
Ông cho rằng các tổ chức giáo dục quốc tế tại Trung Quốc không có nghĩa vụ phải tuân thủ theo những tư tưởng chính trị bị áp đặt bởi nhà cầm quyền, Bắc Kinh không thể « xuất khẩu chế độ kiểm duyệt ».
Tờ Hoàn Cầu Thời báo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cũng hôm nay 21/08/2017, trong một bài xã luận, nói rằng Bắc Kinh đã chặn một số thông tin trên các trang web nước ngoài, mà họ cho là gây hại cho xã hội. Bài xã luận cũng viết, nếu các tổ chức phương Tây « nghĩ rằng thị trường internet của Trung Quốc là quan trọng đến nỗi họ không thể bỏ lỡ thì họ cần phải tôn trọng luật pháp Trung Quốc và thích nghi theo cách của Trung Quốc ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170821-hoc-gia-quoc-te-keu-goi-chong-bac-kinh-kiem-duyet-hoc-thuat
Nhân vật số hai Vatican thăm Nga
Đức Hồng y Pietro Parolin, nhân vật số hai tại Vatican, tới Nga hôm qua, 20/08/2017, trong chuyến công du chính thức bốn ngày. Trong chuyến thăm, lãnh đạo Vatican có cuộc tiếp xúc với người đứng đầu Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga Kirill và tổng thống Nga Vladimir Putin.
Rất hiếm khi có một cuộc gặp gỡ giữa đại diện Vatican với giới lãnh đạo Chính Thống Giáo tại Nga. Chuyến thăm Nga cuối cùng của một chức sắc Giáo Hội Công Giáo là của một thư ký tòa Vatican vào năm 1999. Thông tín viên RFI Muriel Pomponne từ Matxcơva phân tích :
« Sự kiện một giáo hoàng thăm Mátxcơva không phải là chuyện một sớm một chiều. Đức hồng y Parolin đã nói trước rằng ”Việc chuẩn bị cho một chuyến thăm Nga của đức giáo hoàng Phanxicô tại Nga không phải là một mục tiêu trong chuyến đi của tôi. Tuy nhiên, tôi cũng hy vọng đóng góp vào một khả năng theo chiều hướng đó”.
Theo đức ông Kovalevsky, tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nga, xã hội Nga vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận giáo hoàng. Tuy nhiên theo ông, cuộc gặp giữa đức giáo hoàng Phanxicô với giáo chủ Chính Thống Giáo Kirill tại Cuba vào tháng 2 năm 2016 đã là một bước đột phá lớn.
Chuyến công du của hồng y Parolin lần này do đó sẽ diễn ra trong một bối cảnh thuận lợi. Đó là lý do tại sao hồng y sẽ gặp giáo chủ Chính Thống Giáo Kirill, người có thẩm quyền tôn giáo cao nhất nước Nga và tổng thống Vladimir Putin, người đứng đầu Nhà Nước.
Các cuộc hội đàm sẽ tập trung vào vấn đề cả hai giáo hội quan tâm là tình hình của các tín đồ Thiên Chúa Giáo Đông Phương cũng như vấn đề Ukraina. Sự tồn tại của giáo hội Công Giáo Hy Lạp ở Ukraina luôn luôn là một chủ đề bất đồng giữa Matxcơva và Vatican, một vấn đề liên quan đến cả tôn giáo và chính trị.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây vào tháng ba với tờ báo Đức Die Zeit, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã nói: ”Tôi không thể nào tới Nga bởi vì nếu thế, sau đó tôi cũng phải thăm cả Ukraina” ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170821-nhan-vat-so-hai-vatican-tham-nga
Bước thụt lùi lớn của chủ nghĩa dân túy
Bảy tháng trước đây tại Diễn đàn Davos, điểm hẹn của giới tinh hoa trên thế giới, rộ lên những lời tiên đoán về hồi kết của mô hình toàn cầu hóa. Ông Donald Trump đánh dấu việc bước vào Nhà Trắng bằng một bài diễn văn gay gắt. Và tại châu Âu, nơi mà Anh quốc đã quyết định ly dị với châu lục này, « nền dân chủ tự do » dường như phải hạ vũ khí trước sự tấn công ồ ạt của các phong trào dân tộc chủ nghĩa và dân túy. Nhưng theo Le Monde, bây giờ tâm trạng đã thay đổi hẳn.
Xã luận Le Monde ngày 17/06/2017 nhận xét : Washington chìm vào một sự hỗn loạn cả về hành chính lẫn chính trị, trong khi tổng thống Mỹ cố gắng áp dụng một số cải cách đã hứa trong chương trình tranh cử, một cách vất vả. Các đồng minh của ông, nếu không công khai chế giễu, như thủ tướng Úc đã nhại theo điệu bộ ông Trump trong một cuộc hội nghị, thì cũng tỏ thái độ nghi hoặc.
Ở bên kia biển Manche, cử tri Anh tặng cho thủ tướng Theresa May một đòn đích đáng. Bà May với tham vọng tăng cường phe đa số của mình để thương lượng Brexit dễ dàng hơn, nay ở thế yếu hẳn. Và tại Đông Âu, các đảng dân túy không ngừng xuống dốc. Từ bảy tháng qua, các đảng này không ngừng thụt lùi trong các cuộc bầu cử, tại các nước trong khu vực.
Phát súng lệnh đầu tiên được bắn đi từ Áo hồi tháng 12/2016, với sự thất bại của ứng cử viên cực hữu trong cuộc bầu cử tổng thống. Rồi đến đảng Vì độc lập Anh quốc (UKIP) bị bốc hơi, không còn lý do tồn tại sau vụ Brexit ở Anh. Tại Đức, sau khi gây nhiều sợ hãi, đảng Giải pháp khác cho nước Đức (AfD) không chống chọi nổi với cỗ xe tăng Angela Merkel.
Tháng 3/2017 tại Hà Lan, đảng Tự do Dân chủ Nhân dân (PVV) của chính khách tai tiếng Geert Wilders không đạt được sự đột phá như mong đợi. Ở Phần Lan, đảng dân túy True Finns (Những người Phần Lan gốc) trở nên quá cực đoan, đã phải rời chính phủ và sau đó bị tan rã.
Nước Pháp, vốn là nơi tập trung mọi quan ngại, đã gây choáng váng khi một khuôn mặt mới toanh là Emmanuel Macron, thắng lớn trước đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN). Người ta thấy rõ chủ tịch đảng này, bà Marine Le Pen không có được tầm vóc của một ứng cử viên tổng thống, và điều đó đã được chứng tỏ trong cuộc tranh luận ở vòng hai. Làn sóng Macron đã nhấn chìm các phe dân túy, cả tả lẫn hữu. Cùng lúc đó ở bên Ý, phong trào 5 Sao của diễn viên hề Beppe Grillo thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử địa phương.
Làm thế nào giải thích một sự đổi chiều như thế ? Giáo sư người Hà Lan Cas Mudde, một trong những chuyên gia về chủ nghĩa dân túy châu Âu, trước hết nghĩ rằng hiện tượng này đã được truyền thông và giới chính trị thổi phồng. Ông nói với Le Monde : « Rõ ràng là Wilders (Hà Lan) không đủ số ghế để lập chính phủ, và Le Pen (Pháp) không thể thắng nổi trong cuộc bầu cử tổng thống ». Ông cho rằng nỗi sợ bóng ma cực hữu, dân túy chỉ là sợ bóng sợ gió.
Giả thiết này có vẻ khả tín, nhưng Le Monde cho là giải thích như thế e rằng chưa đủ. Tờ báo tìm đến một chuyên gia khác, ông Takis Pappa người Hy Lạp, của Central European University ở Budapest. Chuyên gia này nhận ra rằng mỗi khi một đảng dân túy phải đối mặt với một lực lượng chính trị có những đề xướng thực sự mang tính cải cách, chặt chẽ và có trách nhiệm, thì phái mị dân không thể địch nổi.
Ông Takis Pappa nói : « Macron đã đánh bại cực hữu khi bênh vực quan điểm một nước Pháp cởi mở, đa văn hóa, thân châu Âu », còn tại Hà Lan, các đảng cánh trung và ủng hộ châu Âu cũng lên ngôi. Theo ông, thay vì bắt chước các chủ đề của phe dân túy, tốt nhất nên đối đầu với phe này, chiến đấu với phe chủ bại bằng một tầm nhìn tích cực.
Một yếu tố khác, có lẽ nằm trong công trình nghiên cứu dư luận mà Pew Research Center vừa công bố ở Hoa Kỳ. Liên hiệp Châu Âu (EU) năm 2017 đã lại có được sự tín nhiệm cao độ của dư luận các nước thành viên – trừ Hy Lạp – đặc biệt là tại Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan…và thậm chí tại Anh, nơi mà 54% cử tri có cái nhìn tích cực về EU. Khuynh hướng này đặc biệt thấy rõ nơi giới trẻ, vốn lớn lên với các dự án châu Âu. Le Monde cho rằng bà Marine Le Pen đã phải trả giá để phát hiện ra sự gắn bó này.
Vụ Brexit, tức Anh quốc ra khỏi EU, gây ra những tác động gì với các nước khác ? Bruxelles lúc đó đã từng hết sức lo ngại hiệu ứng dây chuyền. Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump cũng đã từng thích thú đặt câu hỏi với các đối tác châu Âu, là « sắp tới nước nào sẽ theo chân Anh quốc ? ».
Nhưng Donald Trump chính là một lực đẩy khác. Khó thể mơ được một sự phản tuyên truyền nào đáng giá hơn thế cho phe dân túy. Nhà thống kê học Mỹ Nate Silver ghi nhận trên blog FiveThirtyEight, là các chính trị gia châu Âu mị dân, hoặc các lãnh đạo hiếm hoi như bà Theresa May, càng bày tỏ cảm tình với tổng thống Mỹ, thì họ càng dễ bị thất cử. Công thức Brexit + Trump = xui xẻo tại các nước nói tiếng Anh hiện nay.
Tuy vậy chủ nghĩa dân túy không phải đang thất bại ở mọi nơi. Chuyên gia Takis Pappas phân biệt các đảng tạm gọi là dân túy « bẩm sinh » (dân tộc chủ nghĩa, chống nhập cư, chống EU) với các đảng dân túy có quan điểm rộng hơn, bác bỏ chủ nghĩa tự do chính trị và chủ trương « dân chủ phi tự do ». Các đảng dân túy này đang nắm quyền ở Hungary, Ba Lan, Hoa Kỳ và nếu cần thiết vẫn tấn công vào lực lượng phản biện như tư pháp độc lập, truyền thông, các tổ chức phi chính phủ.
Giáo sư Cas Mudde nhấn mạnh một đặc thù khác của các phong trào này. Khác xa với sự khởi đầu của các đảng chống hệ thống như Mặt trận Quốc gia ở Pháp hay 5 Sao ở Ý, họ đã kiểm soát được các đảng bảo thủ. Tại Hoa Kỳ, Donald Trump đã thành công trong việc trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Cộng Hòa.
Tây Âu vốn ít có tình trạng bất bình đẳng hơn so với Hoa Kỳ và Anh quốc, và cắm rễ vững chắc vào nền dân chủ, hơn hẳn so với Trung Âu hậu cộng sản, nên khu vực này đã chứng tỏ sức chống đỡ trước mối đe dọa của chủ nghĩa dân túy. Điều đó liệu có nghĩa là mối nguy hiểm đã rời xa ?
Câu trả lời của Le Monde : Chắc chắn là không ! Bây giờ đến lượt các lãnh đạo châu Âu đã thắng cử vẻ vang, phải gánh lấy trách nhiệm ngăn chận làn sóng dân tuy, và chứng tỏ rằng họ đã hiểu thấu lời cảnh báo.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170729-buoc-thut-lui-lon-cua-chu-nghia-dan-tuy
Pháp điều tra vụ xe hơi lao vào trạm xe buýt ở Marseille,
ít nhất 1 người chết
Marseille, Pháp. (Reuters)- Hôm nay 21/08, đã xảy ra một tai nạn giao thông tại Marseille làm ít nhất 1 người chết và một người khác bị thương.
Cảnh sát cho biết, một chiếc xe đâm vào hai trạm chờ xe buýt tại hai địa điểm khác nhau của thành phố này. Cảnh sát bắt tài xế lái xe 35 tuổi và khuyến cáo dân chúng tránh lai vãng đến khu vực Old Port. Người tài xế đã đụng vào trạm chờ xe buýt đầu tiên khoảng 8 giờ 15 phút sáng tại Quận 13- khu vực có nhiều cư dân nghèo sinh sống. Và sau đó, y đã đâm vào một trạm chờ xe buýt thứ hai khoảng 1 tiếng đồng hồ sau tại Quận 11, cách địa điểm đầu tiên khoảng vài cây số về phía Nam.
Sự kiện trên xảy ra 4 ngày sau vụ kẻ tấn công khủng bố bằng xe van tại thành phố Barcelona của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, cảnh sát Pháp cho rằng tài xế lái xe hơi lao vào trạm xe buýt có vẻ là tội phạm hình sự thông thường, và tai nạn xảy ra có thể chỉ vì vấn đề tâm lý. (Song Châu)
http://www.sbtn.tv/phap-dieu-tra-vu-xe-hoi-lao-vao-tram-xe-buyt-o-marseille-it-nhat-1-nguoi-chet/
Tổng thống Trump sẽ giới thiệu chiến lược Hoa Kỳ
trong cuộc chiến Afghanistan tối nay 21/08
Washington DC. (Reuters) – Tới lượt Tổng Thống Trump cho biết cách giải quyết một vấn đề gây phiền nhiễu cho cả 2 người tiền nhiệm của ông qua bài diễn văn quan trọng tối nay 21/08.
Trong bài diễn văn, tổng thống sẽ mô tả chi tiết chiến lược của ông trong cuộc chiến ở Afghanistan, một cuộc xung đột quân sự dài nhất của quân đội Hoa Kỳ. Nhiều người dự đoán tổng thống có thể tuyên bố tăng quân số của Hoa Kỳ một cách khiêm tốn, theo lời khuyên của các cố vấn cao cấp.
Từ lâu nay, ông Trump luôn có thái độ hoài nghi về cách tiếp cận của Hoa Kỳ trong cuộc chiến ở Afghanistan kéo dài sang năm thứ 16. Theo 2 viên chức Tòa Bạch Ốc, ông Trump công bố về một cuộc kiểm tra chiến lược ngay sau khi nhậm chức tổng thống ngày 20 tháng Giêng, và tự hỏi liệu việc gởi thêm quân tới Afghanistan có khôn ngoan hay không. Hai viên chức giấu tên cho biết trong cuộc họp giữa tháng 7, tổng thống nói với các cố vấn rằng quân đội Mỹ sẽ không chiến thắng ở Afghanistan, hỏi ý kiến có vấn rằng có nên sa thải Tướng Lục Quân John Nicholson là sĩ quan chỉ huy cao cấp nhất ở Afghanistan không.
Hôm qua Tòa Bạch Ốc phát hành thông báo cho biết tổng thống sẽ “cung cấp thông tin cập nhật về con đường hướng tới sự tham dự của Hoa Kỳ ở Afghanistan và khu vực Nam Á”.
Một viên chức chính phủ cho biết tổng thống đồng ý với đề nghị một sự gia tăng quân số khiêm tốn. Số quân hiện tại của Hoa Kỳ ở Afghanistan là 8,400. (Mai Đức)