Nguyễn Công Khế – Hoa khôi bán dâm và vợ của lãnh đạo cấp cao
20/08/2017
Khi nghe tin “hoa khôi ” Thời trang Phạm thị Thanh Hiền và một số cô gái có danh hiệu bị bắt vì tội mại dâm, tôi cảm thấy cái xã hội mình đang sống nó “lộn tùng phèo” hết trơn. Đi thi, tất nhiên, đây là một cuộc thi “ao làng” không ai biết tới. Nhưng đi thi cũng chỉ mục đích kiếm tí tiếng tăm để dễ bề làm ra tiền . Và cách nào dễ tìm ra tiền nhất thì làm. Bất kể.
Thanh Hiền từng được nhiều người biết tới là hoa khôi có vẻ đẹp thánh thiện, trong sạch, nói không với scandal. |
Đời tôi, tôi không học đâu xa, chỉ học nhiều nhất là bà mẹ mình. Bà học rất ít, đúng ra là chỉ biết đọc biết viết. Khi bà mất, tôi gom hết giấy tờ bút tích của bà lại để làm kỷ niệm. Đúng là cái nét chữ thô kệch, hồn nhiên của người bình dân học vụ.
Hồi nhỏ, tôi học bà ở mỗi một việc là lượm được đồ rơi của ai là tri hô lên và phải đem trả ngay. Tôi nghe kể lại, tôi có ông cậu ruột, em của mẹ. Trong chế độ cũ đi lính cấp bậc Trung sĩ.
Sau năm 1975, về đi học tập cải tạo một thời gian, về nhà được cử vào làm gì đó ở Hợp tác xã nông nghiệp. Vì khó khăn quá định giấu một ít lúa để đúc bánh xèo. Bà lập tức khuyên răn và đưa ra buộc trả lại ngay. Trong “cuộc giấu thóc” này, có cả ông chú ruột tôi cùng tham gia nữa thì phải.
Khi bà vào Sài gòn ở với vợ chồng tôi, bà muốn lên ở trên Gò Vấp, một xóm nhà quê của phường 12. Bà giữ cốt cách của một người chòm xóm thật thà với bà con chung quanh. Ai thiếu tiền, thiếu gạo trong xóm bà chủ trương nương tựa vào nhau mà sống . Bà sống rất tiết kiệm đối với bản thân bà. Nhưng ai thiếu thốn bà đều giúp đỡ, hoặc cho mượn tiền, khi cần. Bà xếp những đồng tiền để dành ít ỏi, phòng thân cho mình rất thẳng thắn, rất trân quí những đồng bạc bà từng làm ra rất vất vả trong đời mình. Cha tôi đi kháng chiến ở xa khi tôi đang còn rất nhỏ. Bà ở vậy tần tảo nuôi tôi không lấy chồng.
Năm 2007, khi bà mất, lúc đó bà đã về quận 9 ở với tôi. Bà con trên Gò Vấp xuống viếng, mới cho biết bà cho và cho mượn tiền với rất nhiều người hàng xóm khó khăn, mà không hề nhắc nhở cho đến khi bà lâm chung. Tất nhiên là số tiền bà đưa ra mỗi người vài ba triệu, với người giàu có thì không lớn lắm. Nhưng đối với người tần tảo như mẹ tôi thì cực lớn.
Mới hôm đi Hà nội về, chung chuyến bay với anh Cao Tấn Khổng, từng là Chủ tịch Bến Tre 10 năm, giờ đang làm Phó Tổng kiểm toán Nhà nước. Anh cũng có bà mẹ giống mẹ tôi vậy, cũng khổ cực nuôi chồng, nuôi con trong chiến tranh. Bà đã mất mấy người con trong chiến tranh, bản thân bị tù đày.
Bây giờ, bà dặn dò anh Khổng: Mẹ đau khổ như thế nào trong cuộc chiến trước đây, thì bây giờ mẹ khuyên con không nên làm quan quyền mà ăn hối lộ, ức hiếp người dân, làm như vậy dân sẽ căm thù mình. Mình làm quan vài nhiệm kỳ, 5-10 năm, để lại tiếng xấu nghìn đời, dân họ đào bới chửi rủa mình, sống sao nổi. Mẹ đây cũng thù loại cán bộ tham nhũng, ăn của dân không từ thứ gì. Dân họ thù muôn kiếp loại cán bộ đó.
Ông Khổng nói, nhờ nhân cách sống của mẹ, ông đã xa lánh được những cám dỗ tầm thường trong đời sống hỗn mang này. Không sa đà vào những cuộc tranh dành địa vị và lệ thuộc vào những đồng tiền bẩn.
Trở lại với đề tài lúc đầu: mấy cô gái đi tìm danh hiệu, để đi kiếm những đồng tiền không sạch. Tôi không bao giờ đi bênh vực cho lối sống bệnh hoạn kiểu này, nhưng khi thấy báo chí đăng ảnh và tên tuổi của mấy cô một cách thiếu lòng nhân như vậy, tôi lại chạnh lòng.
Điều làm tôi lo lắng và trách móc và đau khổ nhiều không phải từ việc làm tiền không trong sạch từ các cô ấy. Điều làm tôi đau khổ và ưu tư nhiều là từ những việc như là người có chức trách cao đã giao một công trình như cỡ đường Cao tốc Pháp Vân -Cầu Giẽ cho một người, một công ty không có chuyên môn, kỹ thuật gì về hạ tầng, đường sá. Giao vì người này, là người nhà của một vị cao cấp trong Đảng, trong NN, đang bị làm ăn thua lỗ có cơ may nhận công trình để thực hiện một cú áp- phe, để sang tay cho một công ty khác, nhằm khắc phục hậu quả của sự thua lỗ hàng nghìn tỷ trong cơn khát tiền của vợ, bằng đồng tiền xương máu của dân. Bao nhiêu ví dụ như vậy. Thử hỏi mấy ai mà chịu nổi. Một xã hội với những tấm gương soi cỡ đó. Tôi trách gì được mấy cô gái gái đi thi hoa hậu làng và lợi dụng danh tiếng của mình để bán cái tài sản “tự có” của mình.
Nguyễn Công Khế
(FB Nguyễn Công Khế)