Tin Việt Nam – 18/08/2017
Người dân ở đâu trong các dự án BOT?
Các dự án BOT về giao thông đường bộ cần phải lắng nghe ý kiến của người dân với tư cách là đối tượng cuối cùng hưởng lợi cũng như phải bỏ tiền túi ra chi trả cho các dự án này, một kinh tế gia từ trong nước nói với VOA.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nói việc đặt trạm thu phí ở chỗ nào để tuân theo bài toán tài chính của nhà đầu tư là lý lẽ ‘không thuyết phục’ và ‘nhà đầu tư bỏ tiền ra ở chỗ nào thì chỉ được đặt trạm ở chỗ đó thôi’.
“Bộ Giao thông-Vận tải và nhà đầu tư thỏa thuận với nhau bất chấp quyền lợi của người dân. Nói cho cùng thì tất cả các chi phí nhà đầu tư bỏ ra cũng chính là do người dân chi trả thì việc đặt trạm thu phí chỗ nào thì người dân phải chấp nhận mới được,” bà Lan nói.
Vẫn theo kinh tế gia này, do không có sự giám sát của người dân nên phần lớn các dự án BOT đều có nhiều khuất tất.
Trong lúc này, một quan chức cấp cao của Bộ Giao thông-Vận tải đã kêu gọi đảm bảo phương án tài chính cho nhà đầu tư tại dự án BOT đường tránh thị xã Cai Lậy. Ông cũng khẳng định rằng sẽ “không có chuyện di dời trạm thu phí BOT Cai Lậy” theo yêu cầu của những người phản đối.
Trong khi đó, sự phản đối của cánh tài xế đối với trạm thu phí Cai Lậy vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Bộ Giao thông-Vận tải hôm 16/8 thông báo sẽ giảm vào khoảng 1/3 mức phí.
Nhiều ý kiến cho rằng vị trí của trạm thu phí, chứ không phải mức phí, mới là vấn đề. Trạm thu phí đường tránh được đặt trên tuyến Quốc lộ 1 nên nhiều người không có mục đích sử dụng đường tránh cũng bị thu phí.
Cuộc họp bàn phương án giải quyết tình hình căng thẳng tại trạm thu phí Cai Lậy hôm tại Hà Nội hôm 16/8 có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Giao thông-Vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang và chủ đầu tư, báo chí trong nước đưa tin. Cuộc họp không có sự tham gia của các hiệp hội vận tải đại diện cho các tài xế phản đối trạm thu phí Cai Lậy trong thời gian qua.
Tờ Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải và là người từng chỉ đạo dự án đường tránh Thị xã Cai Lậy, nói tại buổi họp báo vào chiều ngày 17/8 rằng vị trí đặt trạm được chủ đầu tư đề xuất đã được “nghiên cứu kỹ” và đã hỏi ý kiến của chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang và Bộ Tài chính. Ông Đông không đề cập đến việc tham khảo ý kiến của các hiệp hội vận tải vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp của trạm thu phí này.
Bà Phạm Chi Lan cho biết:
“Những gì xảy ra ở các trạm thu phí BOT trong những năm qua đã gây bức xúc cho người dân. Bộ Giao thông-Vận tải, chính quyền địa phương và nhà đầu tư tự thỏa thuận với nhau. Họ dễ dàng đồng tình với nhau mà không lắng nghe ý kiến của người dân. Họ đã có thói quen không nghe dân nên sẽ bất chấp người dân có thể phản ứng.”
“Tất cả các dự án hạ tầng có liên quan đến người dân thì cần hỏi ý kiến dân, ít nhất phải có ý kiến của cộng đồng sinh sống ở đó để xem người ta có đồng tình không, trạm thu phí đặt ở chỗ nào, chất lượng ra sao. Đã có nhiều tiêu cực xảy ra trong các dự án BOT chẳng hạn báo chí phát hiện ra con đường được làm không rộng như trong dự án nhưng nhà đầu tư vẫn tính tiền đủ,” bà Lan nói thêm.
“Quốc hội là đại diện cho nhân dân phải có trách nhiệm giám sát các dự án BOT chứ không thể để người dân thấy là các cơ quan Nhà nước và các cơ quan đại diện cho dân như Quốc hội, Hội đồng nhân dân chỉ đứng về phía lợi ích nhà đầu tư chứ không đứng về lợi ích của họ.”
Bà Lan cũng cho rằng nhà nước trong thời gian qua đã “lạm dụng các dự án BOT quá nhiều” dẫn đến việc “các nhà đầu tư được chiều chuộng quá đáng”.
“Người dân là người trả tiền cuối cùng cho dự án chứ không phải nhà đầu tư. Nhà đầu tư thì chắc chắn có lời, thậm chí là lời rất nhiều nên tại sao các nhà đầu tư nhảy vào các dự án BOT nhiều đến thế,” bà Lan nói.
“Họ (nhà đầu tư) lời như vậy nhưng lại không tính toán sòng phẳng với người dân. Hoặc là do quản lý Nhà nước kém, hoặc là có sự móc ngoặc giữa nhà đầu tư với chính quyền,” bà Lan đặt vấn đề.
Khi được hỏi dựa vào đâu để nói rằng có sự móc ngoặc, bà Lan nói người dân có bao giờ được biết các dự án BOT sắp xếp ra sao, tính toán như thế nào vì tất cả đều được bàn tính riêng mà không có sự giám sát của bên thứ ba nên nếu có chuyện xảy ra thì họ ‘có quyền nghi ngờ’.
“Chẳng hạn như dự án Cai Lậy báo chí đưa có bảy cây cầu nhưng trên thực tế khi xây dựng lại chỉ có năm cây cầu thôi. Nếu không có sự móc ngoặc thì tại sao lại xảy ra chuyện như vậy được mà họ vẫn công nhận chi phí nhà đầu tư bỏ ra là cả ngàn tỷ để định ra mức thu phí rất cao như vậy trong khi sự gian dối của nhà đầu tư không được bóc tách ra?”
Bà Lan đề xuất các dự án BOT phải có sự minh bạch trong quá trình làm và phải thông qua quá trình đấu thầu để chọn được nhà đầu tư tốt nhất và phải có sự giám sát để đảm bảo nhà đầu tư thực hiện đúng và đủ khối lượng cũng như chất lượng đã cam kết.
Tại buổi họp báo ngày 17/8, khi trả lời câu hỏi của phóng viên tại sao dự án đường tránh Cai Lậy lại là chỉ định thầu chứ không cho đấu thầu, ông Nguyễn Danh Huy, trưởng Ban Đối tác Công tư của Bộ Giao thông-Vận tải, nói rằng luật cho phép trong trường hợp cấp bách thì được chỉ định thầu và do cần làm “giảm ùn tắc nghiêm trọng” tại thị xã Cai Lậy vào năm 2013 Bộ đã báo cáo Chính phủ để xin chỉ định thầu và được Chính phủ cho phép, theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ và báo mạng VnExpress.
Về giải pháp mà Bộ mới thông báo là giảm phí qua trạm Cai Lậy, bà Lan cho rằng đó là “điều cần thiết” nhưng lẽ ra “nếu ngay từ đầu nếu Bộ đặt ra mức phí hợp lý chứ không nghe theo nhà đầu tư thì đâu có xảy ra việc người dân phản ứng như vậy.”
Tuy nhiên, bà Lan cũng cho rằng cần phải di dời trạm thu phí theo ý kiến của người dân vì trạm thu phí hiện nay “thu tiền của những người lẽ ra không phải trả tiền”.
Riêng vụ dự án thiếu hai chiếc cầu mà báo chí phanh phui, bà yêu cầu cần phải thanh tra toàn diện dự án xem chuyện gì đã xảy ra để tìm hiểu xem nhà đầu tư có “cố tình gian lận, làm không đủ mà vẫn tính tiền đủ hay không” để từ đó buộc nhà đầu tư phải giảm giá thành xuống.
Cũng tại buổi họp báo hôm 17/8, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói rằng “không có lý do gì” để di dời trạm thu phí vì vị trí đặt trạm “nằm trên dự án”.
“Nếu di chuyển thì phương án tài chính đổ bể. Cứ vì người dân phản đối, phản ứng mà thay đổi vị trí trạm thu phí là không ổn,” ông Đông được VnExpress dẫn lời nói và cho biết Nhà nước hiện “không có tiền nên không thể bỏ tiền ra mua lại dự án đường tránh Cai Lậy từ nhà đầu tư”.
Trong khi đó, tờ Người Lao Động dẫn lời ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH BOT Tiền Giang (chủ đầu tư dự án) nói rằng nếu nhà nước quyết định di dời trạm thu phí vào đường tránh thì họ “sẽ trả lại dự án cho nhà nước” vì họ sẽ không thể đảm bảo thu hồi vốn trong khi phải “trả lãi ngân hàng mỗi tháng 10 tỷ đồng”.
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-dan-o-dau-trong-cac-du-an-bot/3990257.html
Không thể xử lý hành vi hợp pháp
cho dù hậu quả như thế nào
Nguyễn Tường Thụy
Một tuần nay, hiện tượng nhiều lái xe dùng tiền lẻ để thanh toán khi qua trạm trạm thu phí Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang khiến giao thông qua trạm này bị tắc nghẽn. Ùn tắc giao thông kéo dài dẫn đến nhiều lần nhà đầu tư buộc phải xả trạm thu phí.
Việc làm này của giới tài xế, dư luận cho rằng nhằm phản đối việc thu phí quá cao và trạm thu phí đặt ở vị trí bất hợp lý. Mức phí từ 35.000 đồng đến 180.000 đồng tùy từng loại xe, cao gấp nhiều lần so với các cao tốc khác. Còn bất hợp lý ở chỗ, lẽ ra trạm chỉ được đặt ở vị trí sao cho chỉ thu tiền những xe nào đi trên phần đường của dự án chứ không được thu đoạn trên tuyến khác vì lái xe đã đóng tiền bảo trì đường bộ hàng năm.
Việc thanh toán bằng tiền có mệnh giá thấp không chỉ gây ùn tắc giao thông mà làm cho nhà đầu tư thất thu vì phải xả cửa. Có một số ý kiến, trước hết là từ phía nhà đầu tư đòi xử lý lái xe. Tuy nhiên vấn đề tìm ra cơ sở để xử lý họ không đơn giản, không phải cứ muốn là được.
1. Không thể có cơ sở kết luận lái xe trả tiền lẻ là cố tình gây ách tắc giao thông, vì không thể đọc trong đầu người khác cái ý nghĩ “cố tình” mà chỉ có thể ghi nhận được hành vi trả tiền lẻ mà thôi. Cũng như trong Bộ luật hình sự không có tội “âm mưu”.
Tiền dù mệnh giá nào cũng là tiền được lưu hành hợp pháp. Chê tiền lẻ là vi phạm pháp luật. Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tasco, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu cấm sử dụng tiền mệnh giá dưới 5.000 đồng khi đi qua trạm là không hiểu biết pháp luật. Việc lái xe dùng tiền lẻ để thanh toán phí không thể qui họ vào lỗi gì, ngược lại coi chừng xử lý lái xe trả tiền lẻ là vi phạm pháp luật.
Điều 3, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 130/2003/QĐ-Ttg ngày 30/6/2003 về việc bảo vệ tiền Việt Nam qui định những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi “Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam”.
2. Theo luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Công ty Luật IPIC – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội thì tiền lẻ cuộn tròn bỏ trong chai nhựa là hành vi cố ý để làm cho quá trình mua vé diễn ra rất chậm, hành vi này sẽ gây ra ùn tắc giao thông tại trạm thu phí.
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng dẫn nghị định về xử phạt vi phạm hành chính và Bộ luật Hình sự ra rồi cho rằng hành vi bỏ tiền lẻ vào chai nhựa có thể vị xử phạt 2 triệu đến 3 triệu đồng hoặc bị tù từ 2 đến 7 năm.
Nếu dẫn luật đúng thì tiếng nói của luật sư rất có tác dụng. Ông vừa bênh vực quyền lợi của nhà đầu tư, vừa thương các anh công an vất vả, vừa lo cho an ninh trật tự bị rối loạn. Lời răn đe của luật sư Hùng chắc hẳn làm mát lòng nhà cầm quyền cũng như chủ đầu tư. Nhưng khi dẫn giải các điều khoản của luật pháp ra để “đe” như vậy, Luât sư Hùng đã sai bét.
Có thể, hoặc là Luật sư Hùng nhầm lẫn về luật pháp hoặc là ông chọn đứng về phía kẻ có quyền hay có tiền.
Thứ nhất là không thể nhét hai chữ “cố ý” cho một hành vi nào đó vì ý nghĩ con người không thể hiện lên văn bản.
Thứ hai là không có qui định nào cấm cho tiền lẻ vào chai nước để thanh toán, cũng như không có qui định nào cấm các bà nội trợ giắt tiền vào cạp quần, vào áo ngực khi đi chợ.
Thứ ba là an ninh, trật tự công cộng bị rối loạn do hành vi vi phạm pháp luật gây ra thì kẻ có hành vi ấy mới bị xử lý, chứ không thể xử lý người có hành vi hợp pháp dẫn đến trật tự công cộng bị rối loạn. Việc dùng tiền mệnh giá nhỏ, bỏ vào chai nhựa để thanh toán là hành vi hợp pháp (không bị cấm).
Ví dụ: Khi lượng xe tham gia giao thông nhiều, đường hẹp dẫn đến ách tắc giao thông thì không thể xử lý những xe tham gia giao thông. Nhưng hai tài xế quay xe đánh, chửi nhau làm ùn tắc giao thông thì họ bị xử lý.
Một cô gái đẹp xuất hiện trên phố, thu hút sự chú ý của lái xe dẫn đến ùn tắc giao thông – điều này đã từng xảy ra nhưng không thể xử lý cô gái ấy về “tội đẹp”
3. Theo thông tin vừa nhận được, Sở GTVT Tiền Giang đã gửi lên Tổng cục đường bộ danh sách số đăng ký của 19 xe dùng tiền lẻ khi qua trạm BOT Cai Lậy. Đây là những xe trích xuất dữ liệu từ các camera tại trạm mà nhà đầu tư “đòi xử lý”. Tuy nhiên, việc xử lý những xe này là không thể vì như đã diễn giải ở trên là không có căn cứ pháp luật, trừ khi “tức lên xử đại”. Cần phải giải quyết cái gốc của vấn đề, đó là dời trạm về đúng vị trí của nó và định lại mức phí để lái xe có thể chấp nhận được.
Cách mạng tháng Tám: Đệ Tứ là ai? Tại sao họ bị sát hại?
Kính Hòa RFA
Trong những văn liệu lịch sử chính thống của nhà nước cộng sản Việt Nam hiện nay, người ta thấy nhắc đến những người gọi là Tờ Rốt Kít trong khoảng thời gian trước và sau năm 1945, xem họ như là những người phản cách mạng. Đôi khi cũng thấy nhắc đến tên gọi “bọn Đệ Tứ”, với ý nghĩa là một bọn phản cách mạng chống lại Đệ Tam quốc tế của những người cộng sản.
Tờ Rốt Kít hay Đệ Tứ là ai? Họ có mặt ở Việt Nam như thế nào? Có vai trò gì? Và bị đàn áp ra sao?
Đệ Tứ và Trotskyism là gì?
Đệ Tứ quốc tế là một phong trào cộng sản do ông Leon Trotsky, người Nga thành lập tại Liên Xô, vào năm 1924, đối lập với ban lãnh đạo của đảng cộng sản Liên Xô lúc đó. Phong trào này còn được gọi là Đệ Tứ, để phân biệt với Đệ Tam, do Stalin lãnh đạo.
Ông Trotsky chủ trương rằng cách mạng chống lại chủ nghĩa tư bản phải được thực hiện đồng loạt khắp nơi trên thế giới, trong khi Đệ Tam quốc tế chủ trương rằng cách mạng phải thực hiện qua từng bước, và Liên Xô sẽ là quốc gia cách mạng đầu tiên, rồi sau đó sẽ lãnh đạo cách mạng thế giới.
Về mặt thể chế, theo bà Phan Thị Trọng Tuyến, chủ trương của những người Đệ Tứ mang tích cách dân chủ hơn:
“Về mặt lý thuyết thì Stalin chủ trương tập trung dân chủ, tức là một đảng nắm hết mọi quyền. Những đảng phái khác, hay là khuynh hướng khác phải phục tùng. Theo Trotsky thì tập trung VÀ dân chủ chứ không phải một đảng nắm hết. Và ngay dưới thời Lenin cũng có hai ba khuynh hướng, và họ nghe lẫn nhau.”
Tuy nhiên theo bà Tuyến thì người ta cũng không biết những người Đệ Tứ sẽ thiết lập nên một chế độ như thế nào, vì họ bị những người cộng sản Đệ Tam tiêu diệt hết. Ông Trotsky đã phải lưu vong ngay sau khi thành lập phong trào của mình, và cuối cùng ông bị một nhân viên mật vụ của Đệ Tam quốc tế ám sát trong nhà riêng tại Mexico vào năm 1940.
Những tên tuổi Tờ Rốt Kít Việt Nam
Trong thời gian lưu vong ông Trotsky viết báo, viết sách, và cũng đã có một số người theo tư tưởng của ông, nhất là tại các quốc gia châu Âu. Từ Pháp, tư tưởng Đệ Tứ đã được một số người mang về Việt Nam, tạo nên một khuynh hướng cộng sản Đệ Tứ tại Việt Nam trước năm 1945.
Có thể kể một vài tên tuổi nổi tiếng của những người Đệ Tứ Việt Nam là các ông Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, … Từ Pháp về Việt Nam, họ hoạt động như là những thầy giáo, nhà báo,… để tuyên truyền chống lại sự cai trị của người Pháp ở Việt Nam. Tờ báo nổi tiếng của họ mang tên Đấu Tranh tại Nam Kỳ.
Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ công nhận rằng họ sát hại những người Đệ Tứ.
-Nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến.
Đa số những người Đệ Tứ bị giết chết, mất tích trong khoảng thời gian trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Thủ phạm được cho là những người cộng sản làm nòng cốt của mặt trận Việt Minh lúc đó:
Bà Phan Thị Trọng Tuyến nói:
“Những người Đệ Tứ bị những người Đệ Tam, tức là Việt Minh, lùng giết sau Cách mạng tháng Tám là chuyện có thật, vì họ theo đường lối của Đệ Tam, là Stalin. Stalin đã truy lùng Trotsky và giết được Trotsky. Việt Minh cũng không làm gì khác hơn là áp dụng đường lối của Stalin.”
Trên trang web của đảng cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bài viết vào thời kỳ những năm trước Cách mạng tháng Tám đả kích rất mạnh mẽ những người Đệ Tứ. Trong một bài viết vào tháng Tám, năm 1937 của tác giả Châu Dân, người ta thấy nói rằng chủ nghĩa của Trotsky là chủ nghĩa phản cách mạng, bọn Đệ Tứ là bọn tiên phong của bọn tư sản ở Đông Dương.
Bà Trọng Tuyến nói tiếp:
“Ở Việt Nam thì cũng y hệt như vậy, để diệt hết những người Trotskyist, hoặc phe quốc gia, thì Việt Minh gọi họ như là chó săn, theo phát xít Nhật, tất cả những lời lẽ đó đều giống hệt lời lẽ của Stalin đã ra lệnh cho các đảng cộng sản vào năm 1937, và Hồ Chí Minh vào năm 1939 gửi từ bên Tàu về trong nước cho các đảng viên cộng sản.”
Tuy nhiên đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ nhìn nhận là họ đã ra tay sát hại những người Đệ Tứ. Bà Phan Thị Trọng Tuyến nói tiếp về cái chết của ông Tạ Thu Thâu, lãnh tụ nổi tiếng nhất của những người Đệ Tứ Việt Nam:
“Cộng sản Việt Nam không bao giờ nhận là họ đã giết. Họ đổ thừa người này, đổ thừa người kia. Tôi có đọc được một tài liệu của cộng sản địa phương tại Quảng Ngãi, họ nói họ bắt và giết được (Tạ Thu Thâu). Trong khi sách vở lịch sử chính thống viết về Cách mạng tháng Tám thì dùng những chữ rất ngắn và mơ hồ, tức là một nửa sự thật thôi, ví dụ như: Ta bắt được lãnh tụ của bọn Trotskyist tại Dĩ An, vì bọ chúng theo phát xít, thân Nhật.”
Theo bà Tuyến, có khoảng 400 người theo Đệ Tứ bị mất tích hoặc sát hại trong giai đoạn cách mạng tháng Tám năm 1945, khi họ tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại Đông Dương. Bà Tuyến nói rằng thủ phạm cụ thể của những vụ sát hại này là ai không quan trọng, mà quan trọng là đã có chủ trương tiêu diệt những người Đệ Tứ từ cấp lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam:
“Người ta nghĩ rằng Hoàng Quốc Việt đã ra lệnh bắt giết Tạ Thu Thâu ở Quảng Ngãi, vì ông này, về Nam cùng một lúc với Tạ Thu Thâu. Họ biết là những người cộng sản tại địa phương có thể dám giết những người như Tạ Thu Thâu, những thủ lãnh, có tăm tiếng ở miền Nam, thành ra nếu không có lệnh từ trên thì họ không thể giết được. Nhưng Việt Minh lúc đó, và đảng cộng sản sau này đều nói là do cấp dưới làm sai.”
Theo bà Tuyến, trong các lá thư gửi về cho những đảng viên cộng sản từ Trung Quốc của ông Hồ Chí Minh, ông có nói rằng sẽ tiêu diệt những người Đệ Tứ bằng những cái chết chính trị. Nhưng bà đặt câu hỏi rằng cái chết chính trị đó đã được những người cộng sản Việt Nam hiểu như thế nào?
Có ít nhất hai nhân vật Đệ Tứ được đặt tên cho các con đường tại Sài Gòn trước năm 1975 là ông Tạ Thu Thâu và ông Phan Văn Hùm, vì chính quyền miền Nam trước năm 1975 xem họ như những nhà ái quốc, và là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản. Các con đường này đều bị đổi tên sau khi những người cộng sản Việt Nam giành được quyền cai trị toàn bộ Việt Nam sau tháng Tư năm 1975.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-trotskyists-08172017134059.html
Không còn ngân sách để đầu tư phát triển
Lan Hương
Vấn đề ngân sách quốc gia bội chi hay nói cách khác là khoản thu không đủ cho các khoản chi xảy ra không ít lần tại Việt Nam.
Báo cáo của Bộ Tài chính mới công bố hồi trung tuần tháng 8 cho thấy Việt Nam lại bội chi ngân sách nửa đầu năm 2017.
Không còn tiền đầu tư phát triển đất nước
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết trong 7 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 666.000 tỉ đồng (làm tròn), trong khi đó tổng chi ngân sách lũy kế sau 7 tháng ước khoảng 695.000 tỷ đồng.
Bộ này cũng nói rõ là trong số khoản phải chi tiêu thì chỉ có 120.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, trả nợ lãi là gần hơn 62.000 tỷ đồng và chi thường xuyên là khoản lớn nhất với con số là hơn 511.000 tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, hiện là thành viên Uỷ ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc, cho rằng việc chi tiêu ngân sách của Việt Nam nửa đầu năm 2017 rơi vào tình trạng rất căng thẳng vì quá nhiều khoản phải chi, không còn tiền để đầu tư phát triển đất nước. Ông phân tích:
Hiện nay tình hình chi ngân sách của Việt Nam rất trầm trọng. Chi thường xuyên chiếm đến 71% tổng số chi ngân sách, chi trả nợ thì chiếm đến 24,5%. Như vậy không còn khả năng chi cho đầu tư.
“Chi thường xuyên chiếm đến 71% tổng số chi ngân sách, chi trả nợ thì chiếm đến 24,5%. Như vậy không còn khả năng chi cho đầu tư.”
– TS Lê Đăng Doanh
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này thì nguyên nhân dẫn đến khoản chi thường xuyên cao đến vậy là do tình trạng chi tiêu quá lãng phí:
Tình trạng chi tiêu một cách lãng phí, hình thức là hết sức phổ biến và chưa được ngăn chặn. Những khoản chi như đi nghiên cứu, khảo sát ở nước ngoài, rồi thì chi cho lễ tân, giao lưu tiếp khách đã vượt chi rất nhiều. Việt Nam lại còn chi hỗ trợ rất nhiều các tổ chức chính trị, xã hội, cũng đều chi từ ngân sách.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã nêu một ví dụ mà ông cho là phản cảm gần đây nhất là chuyện ông Hữu Thỉnh, người đứng đầu Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật đã trình với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, xin hỗ trợ mua xe ô tô cho ông. Ông này giải thích là với chức danh của ông phải được hưởng chế độ xe như bộ trưởng nhưng 10 năm nay ông phải đi mượn xe và xe đó quá cũ. Ông Thỉnh giãi bày rằng “đối với người đứng đầu Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật thì không thể đi chiếc xe đi mượn rách nát như vậy”.
Một chuyên gia kinh tế khác là Tiến sĩ Ngô Trí Long nhận xét rằng ngoài mức chi thường xuyên quá cao, Việt Nam còn đang phải đối mặt với một khó khăn nữa là việc trả nợ:
Nói chung thâm hụt ngân sách của Việt Nam là bệnh trầm kha, nan y. Có rất nhiều nguyên nhân, ví dụ như đầu tư công thì dàn trải, không có hiệu quả hay sử dụng vốn không có hiệu quả và thường thì kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Quan trọng là trong cái thu ấy thì chi thường xuyên chiếm 70%. Phần lớn còn lại là để trả nợ, cho nên chi đầu tư rất thấp. Cho nên trả nợ là một trong những nguyên nhân làm cho bội chi tăng.
Theo số liệu của Bộ Tài chính cung cấp thì trong nửa đầu năm nay, Việt Nam phải chi ra 9000 tỷ đồng mỗi tháng chỉ để trả tiền lãi cho các khoản nợ.
Tính đến cuối năm ngoái, mức nợ công của Việt Nam đã là 63,6% GDP. Tuy nhiên đầu năm nay, Bộ Tài chính dự báo là năm 2017-2018 mức nợ công sẽ không dừng lại mà sẽ tăng lên đến ngưỡng 65% GDP.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết đây mới chỉ là con số mà Bộ Tài chính thừa nhận là nợ của Chính phủ và nợ do Chính phủ bảo lãnh. Ông phân tích rằng theo thông lệ quốc tế thì các khoản nợ của doanh nghiệp Nhà nước đáng lẽ ra cũng phải được tính vào khoản nợ ngân sách Nhà nước chịu trách nhiệm. Nếu tính theo cách này thì con số nợ công của Việt Nam có thể lên đến 210% GDP như Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ tài khoản quốc gia của Tổ chức Thống kê Liên Hiệp Quốc đã công bố trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
“Thuốc” chưa trị được “bệnh”
Tình trạng bội chi ngân sách của Việt Nam liên tục xảy ra trong những năm gần đây. Năm ngoái Bộ Tài chính cũng cho biết là mức bội chi cả năm ước tính hơn 192 ngàn tỷ đồng. Trước đó, năm 2015, bội chi 256 ngàn tỷ đồng. Năm 2014 là hơn 249 ngàn tỷ đồng.
Trước tình hình đó, Việt Nam cũng thường xuyên đề ra giải pháp là phải giảm chi thường xuyên. Tháng 11 năm ngoái, Quốc hội đã thông qua mục tiêu là giảm bội chi ngân sách xuống còn 3,5% vào năm 2020. Đầu năm nay tại Hội nghị tổng kết của ngành tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói rằng chi thường xuyên liên tục tăng lên thì phải hãm phanh lại dứt khoát chứ không phải dự toán rồi cứ chi.
Giải thích lý do bội chi ngân sách xảy ra triền miên nhiều năm ròng mà chưa có những biện pháp hữu hiệu để giảm bớt tình trạng này. Tiến Ngô Trí Long cho rằng các biện pháp đã được đưa ra nhưng không phải một sớm một chiều đã mang lại kết quả:
Tại vì năng suất, chất lượng, hiệu quả đầu tư kém; tham nhũng vẫn còn phổ biến. Mà biết điều đó rồi không phải giải quyết một sớm một chiều, ngày một ngày hai là được mà là cả một quá trình. Mặc dù đã sửa đổi rất nhiều cơ chế quản lý và thể chế ví dụ như nâng cao hiệu quả đầu tư công hay tăng cường kỷ luật trong chi tiêu ngân sách. Đây là một vấn đề nan giải và khó giải quyết được, giống như căn bệnh tham nhũng, đã biết từ lâu và đưa ra nhiều biện pháp nhưng thực sự chưa có hiệu quả.
“Tại vì năng suất, chất lượng, hiệu quả đầu tư kém; tham nhũng vẫn còn phổ biến”
– TS Ngô Trí Long
Thời gian gần đây người dân bày tỏ bức xúc về những vụ việc được cho là lãng phí ngân sách nhà nước chẳng hạn như vụ tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng mua ấm chén làm quà tặng nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh này. Số tiền này được lấy từ ngân sách nhà nước và vốn xã hội hóa.
Hay chuyện Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam chi hàng chục tỷ đồng làm kỷ niệm chương tặng người lao động giữa lúc ngành than phải đối mặt với với thực trạng giảm sản lượng, việc làm và thu nhập bị sụt giảm.
Tại Hải Phòng, người dân lên án việc chi 200 tỷ đồng xây công trình nhạc nước rồi bỏ không và cuối cùng phải phá dỡ đi.
Tại Gia Lai, giấy tờ sổ sách cho thấy năm 2015 Văn phòng HĐND tỉnh này đã dùng 3,2 tỉ đồng ngân sách tiếp khách trái quy định.
Đó là còn chưa kể nhiều tượng đài trị giá hàng ngàn tỷ đồng được xây dựng trong khi cuộc sống của vô số người dân còn nghèo đói, nhiều trẻ em không được đến trường.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh lại cho rằng nguyên nhân chính làm cho vấn đề chưa được giải quyết là do việc thực thi và tôn trọng luật pháp chưa được thực hiện một cách nghiêm túc:
Hầu như mỗi một cấp đều tìm cách chèo chống, tìm cách chi và có khoản thu trong đó có những khoản thu chi không báo cáo và không nằm trong sổ sách. Cho nên tình hình thực sự rất phức tạp và đã đến lúc phải thay đổi hẳn việc thu chi ngân sách của bộ máy nhà nước, các tổ chức xã hội mà dựa vào nguồn ngân sách nhà nước để sống.
Vị nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng này cũng đề xuất rằng Việt Nam cần thực hiện nghiêm việc chi tiêu tiết kiệm, truy cứu trách nhiệm của những người lãng phí ngân sách và cắt giảm số lượng các hội và tổ chức do ngân sách Nhà nước bảo trợ.
Chứng khoán phái sinh là gì?
Có nhiều thắc mắc chứng khoán phái sinh là gì, tại sao gọi là sản phẩm phái sinh, sau khi Việt Nam khai trương thị trường chứng khoán phái sinh với “hợp đồng tương lai chỉ số VN30” là sản phẩm phái sinh đầu tiên hôm 10 tháng 8, 2017 vừa qua. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, trong cuộc phỏng vấn với đài VOA mới đây, giải thích về thuật ngữ và sản phẩm tài chính này.
VOA: Nhân ngày 10/8 vừa rồi khi Việt Nam chính thức khai trương thị trường chứng khoán phái sinh, Tiến sĩ Hiếu đã trình bày về hoàn cảnh và sự cần thiết Việt Nam mở thị trường chứng khoán phái sinh vào thời điểm này. Tuy nhiên có rất nhiều thính giả/độc giả hỏi ‘không hiểu thuật ngữ phái sinh là gì?’. Tiến sĩ đã đề cập rằng thuật ngữ này được dịch từ thuật ngữ tiếng Anh là derivatives. Có những người đã biết “derivatives” tại thị trường chứng khoán ở các nước phát triển như ở Mỹ chẳng hạn, nhưng nhiều người đặt câu hỏi tại sao Việt Nam gọi đó là “phái sinh?” Xin Tiến sĩ giải thích.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Quý thính giả, độc giả của VOA đặt câu hỏi đó có lẽ cũng không phải là điều ngạc nhiên, vì chính tôi cũng từng đặt câu hỏi “tại sao gọi là phái sinh?” Từ phái sinh của tiếng Việt đi từ tiếng Anh “derivatives,” [và] derivatives có gốc từ là “derive” có nghĩa là dẫn xuất từ một sản phẩm cơ bản.
Một thuật ngữ dễ hiểu, tôi nghĩ phải nên gọi là “sản phẩm dẫn xuất,” nó được “derive” (dẫn xuất) bởi những sản phẩm cơ bản. Tôi không hiểu tại sao các nhà kinh tế của Việt Nam dùng từ “phái sinh.” Thực sự tôi cũng cố tìm hiểu mãi, nhưng chưa cảm thấy mãn nguyện. Vì thế đối với tôi thuật ngữ phái sinh có lẽ nó xa lạ, và đáng lý có thể dùng từ “sản phẩm dẫn xuất” thì có thể phù hợp hơn.
[Tuy nhiên] Bây giờ chúng ta hãy xem “phái sinh” là thuật ngữ thông dụng của tiếng Việt. Chứng khoán phái sinh hay sản phẩm phái sinh đó là một công cụ tài chính, mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá trị của một tài sản cơ sơ.
Lấy một thí dụ dễ hiểu. Một công ty phát hành cổ phiếu. Bước đầu tiên, doanh nghiệp đó phát hành cổ phiếu mà trong tiếng anh gọi là IPO (Initial Public Offering) ra thị trường sơ cấp. Sau IPO, cổ phiếu hay chứng khoán đó được tiếp tục giao dịch trên thị trường mà ở Việt Nam gọi là “thị trượng thứ cấp (secondary market). Trong thị trường thứ cấp có hai thị trường, đó là thị trường của các tài sản cơ sở, và thị trường của các tài sản phái sinh.
Khi một người mua và một người bán một chứng khoán ngay tại thời điểm giao dịch hiện tại, thì đó là giao dịch cơ sở. Còn nếu không phải là hợp đồng giao dịch ngay lúc đó, mà có một hợp đồng trong tương lai. Chẳng hạn tôi thỏa thuận bán một số chứng khoán tại một thời điểm tương lai, như vào ngày 30/9, hoặc kỳ hạn một tháng, hay ba tháng, thì hợp đồng đó gọi là hợp đồng phái sinh.
Hợp đồng phái sinh đó dựa trên cơ sở của chứng khoán đầu tiên đã được phát hành và thị trường của những sản phẩm phái sinh đó ở Việt Nam được gọi là thị trường chứng khoán phái sinh.
Các cơ quan quản lý chứng khoán Việt Nam định nghĩa có bốn loại chứng khoán phái sinh: hợp đồng kỳ hạn ( tiếng Anh gọi là forwards), hợp đồng tương lai (futures), hợp đồng quyền chọn (options), và hợp đồng hoán đổi (swaps).
Khi thị trường chứng khoán phái sinh khai trương ở Việt Nam, chỉ có một sản phẩm duy nhất được thực hiện, đó là hợp đồng tương lai (futures), ba hợp đồng kia chưa được thực hiện.
Sở dĩ chính phủ chỉ cho thực hiện hợp đồng tương lai là vì thị trường phái sinh còn rất mới mẻ ở Việt Nam, và để tránh rủi ro, cũng như để các thành viên trong thị trường dần dần tìm hiểu, am hiểu và quen thuộc với thị trường phái sinh.
Hiện tại hợp đồng tương lai đó được giao dịch dựa trên chỉ số VN30.
VOA: Trong ‘hợp đồng tương lai chỉ số VN30’ đó thì cái gì là sản phẩm cơ bản mà Tiến sĩ vừa giải thích?
TS Hiếu: Nó không có sản phẩm cở bản trong hợp đồng này. Chỉ số VN30 gồm 30 công ty có lẽ là hàng đầu của Việt Nam, cũng giống như Dow Jones 500 hay S&P500 ở bên Mỹ. Họ chọn ra những công ty hàng đầu có hoạt động động tài chính vững vàng nhất, cổ phiếu ổn định nhất. VN30 tập hợp cổ phiếu của những công ty hàng đầu đó.
Một người mua bán chứng khoán phái sinh đó sẽ không mua trực tiếp bất cứ cổ phiếu nào trong nhóm 30 đó, mà họ thương lượng, mua bán, giao dịch với nhau dựa trên chỉ số VN30. Chỉ sổ VN30 hiện tại là 744 điểm. Còn VN Index, tập hợp hàng trăm công ty, hiện tại là 774 điểm.
Có quy định về “position” mà ở Việt Nam gọi là “vị thế,” theo đó, nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể có 20.000 vị thế trên một tài khoản, các tổ chức kinh tế có 10.000 vị thế trên một tài khoản, các nhà đầu tư cá nhân có 5.000 vị thế trên một tài khoản, có thể tạm gọi đó là đơn vị, nhưng đơn vị đó không phải là cổ phiếu, mà là đơn vị để giao dịch trên thị trường phái sinh VN30. Người mua hoặc người bán chứng khoán phải giao dịch qua sở giao dịch chứng khoán, trong đó có phân khúc thị trường phái sinh. Người giao dịch sẽ ra lệnh mua hoặc ra lệnh bán một số lượng đơn vị nào đó. Hiện tại VN30 là 744 điểm. Nếu người giao dịch dự báo trong tương lai VN30 sẽ tăng lên 754 điểm, thì người đó sẽ ra lệnh mua bao nhiêu đơn vị tại một thời điểm nào đó trong tương lai, căn cứ vào cái vị thế (position) mà người đó có, và phải phải tìm được người bán cho số đơn vị đặt mua.
Nếu người giao dịch tin rằng VN30 sẽ tăng từ 744 lên 754 điểm, thì họ sẽ mua, và sẽ tạo ra một “long positon” (vi thế dài hạn), còn nếu họ dự báo VN30 sẽ từ 744 giảm xuống còn 734 điểm, thì họ sẽ tìm cách bán, trong trường đó là “short position” (thế đoản vị).
Nhiều người thắc mắc là “mua bán cái sản phẩm nào?” Dựa trên VN30 đó thì nó không có sản phẩm, mà nó chỉ dựa trên cái dự đoán của mình về VN30 sẽ lên hay xuống. Chính vì thế nó mang tính cách đầu cơ nhiều hơn là mang tính giao dịch để nắm tài sản. Vì trong trường hợp này ta không nắm một tài sản nào cả. Nói đúng ra là như đánh bạc dựa trên VN30 lên hay xuống, ta có bao nhiêu đơn vị đó, ta bỏ ra một số tiền đó để tạo ra một “long position” hay “short position” và từ đó ta kiếm lời.
Ta không giữ một tài sản vật chất, vật lý nào cả, và có thể nói là một cái tài sản trù tượng dựa trên cơ sở của VN30.
Có lẽ chúng ta sẽ đặt câu hỏi với một sản phẩm phái sính như thế thì nó giúp gì cho thị trường chứng khoán, cái lợi và bất lợi của nó là gì?
Về mặt lợi thì theo tôi thì thị trường vốn của Việt Nam còn đang rất là giới hạn. Bây giờ có thêm thị trường phái sinh nữa thì nó sẽ tạo ra thêm các sản phẩm. Trong tương lai, sau một thời gian thử nghiệm, có lẽ chính phủ sẽ cho phép không những chỉ có VN30, mà những trái phiếu của chính phủ sẽ nhập cuộc, và cổ phiếu của các công ty khác cũng sẽ nhập cuộc. Và có thể không chỉ có hợp đồng tương lai, mà còn có hợp đồng hoán đổi, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn, và nó cũng tạo thanh khoản cho các nhà đầu tư trên thị trường.
Ngoài ra nó còn mang tính “hedging” để nhà đầu tư dùng sản phẩm phái sinh này bù đắp, và bao phủ những rủi ro.
Về mặt hại, nó không phải là mua bán một sản phẩm vật chất nào, mà nó dựa trên dự báo của tôi về VN30, thì nó mang tình cách đầu cơ, như một canh bạc. Chính vì thế nó mang độ rủi ro rất cao.
Đồng thời, thành viên của thị trường phái sinh còn rất giới hạn. Thật sự mở thị trường phái sinh vào thời điểm này, tôi đồng ý với Ủy ban chứng khoán là chỉ nên giới hạn ở sản phẩm tương lai dựa trên VN30 của những công ty ổn định, không lên xuống thất thường
Tôi hy vọng là đã giải thích được thuật ngữ phái sinh.
VOA: Xin cám ơn Tiến sĩ.
https://www.voatiengviet.com/a/chung-khoan-phai-sinh-la-gi/3991265.html
Vụ Trịnh Xuân Thanh:
Dân biểu Đức kêu gọi trừng phạt Việt Nam
Các dân biểu Hạ viện Đức kêu gọi phải có biện pháp quyết liệt hơn để trừng phạt Việt Nam sau vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin, một hành động bị chính phủ Đức cáo buộc là một “vi phạm trắng trợn” đối với luật pháp Đức.
Báo Der Spiegel dẫn lời dân biểu Burkhard Lischka phát biểu: “Theo ý tôi, cần trục xuất thêm mật vụ, nhân viên tình báo Việt Nam khác nữa và đóng băng các ngân khoản dành riêng cho các dự án cá thể trong khuôn khổ chương trình viện trợ hợp tác phát triển” cho Hà nội.
“Ccần trục xuất thêm mật vụ, nhân viên tình báo Việt Nam khác nữa và đóng băng các ngân khoản dành riêng cho các dự án cá thể trong khuôn khổ chương trình viện trợ hợp tác phát triển.”
Burkhard Lischka, Nghị sỹ quốc hội Đức
Nhật báo Sueddeutsche Zeitung và các báo lớn khác của Đức như WallStreet-online.de, GermanDailyNews.com và HasePost.de hôm 12/8 đều đăng tải phát biểu của dân biểu Lischka, Phát ngôn viên về chính trị nội vụ trong khối nghị viên đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD).
Dân biểu Lischka khẳng định với VOA hôm 17/8 về lời kêu gọi này nhưng từ chối bình luận thêm về những biện pháp mà ông đưa ra.
Truyền thông Đức cũng trích lời một dân biểu khác, ông Juergen Hardt, kêu gọi các biện pháp chung của khối Liên minh Châu Âu đối với Việt Nam. Dân biểu Hardt, người phát ngôn về ngoại giao của khối nghị viên đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) đề xuất các biện pháp như trục xuất thêm nhiều người khác – như đã trục xuất một nhân viên sứ quán Việt Nam tại Berlin – người bị chính phủ Đức tuyên bố là “không được hoan nghênh” (persona non grata).
Dân biểu Hardt nói rằng những biện pháp chế tài mà ông kêu gọi, không nên làm hại đến người dân Việt Nam.
Chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam thực hiện vụ bắt cóc cựu lãnh đạo ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh, người bị Hà Nội truy nã về tội danh làm thất thoát gần 150 triệu USD trong thời gian điều hành Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Sau khi Hà Nội không đáp trả yêu cầu của Berlin cho phép ông Thanh trở về Đức để được xét đơn tị nạn theo đúng trình tự, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết là chính phủ Đức “đang xem xét những biện pháp tiếp theo để cho các đối tác Việt Nam biết rằng chúng tôi không thể chấp nhận hành động đó.”
Theo phân tích của tạp chí Forbes, một trong những lựa chọn để đối phó với Việt Nam là Đức sẽ hạn chế nguồn tài trợ phát triển cho nước này.
Năm 2015, Đức cam kết 257 triệu USD tiền viện trợ phát triển cho Việt Nam trong 2 năm.
Forbes dẫn lời một nhà phân tích khẳng định chính phủ của thủ tướng Angela Merkel đang vận động hành lang các nước láng giềng trong khối EU để ngăn cản tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) mà cả 2 bên đã nhất trí vào tháng 12/2015.
Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và 28 nước thành viên châu Âu dự kiến sẽ được thông qua trong năm nay và sẽ có hiệu lực vào năm sau.
Theo đánh giá của Forbes, việc các mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Thanh ở Berlin có thể làm đổ bể hiệp định được đánh giá là vô cùng quan trọng đối với Việt Nam, đặc biệt sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không thành vì sự rút lui của Mỹ.
Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối EU và giá trị thương mại 2 chiều Việt Nam-EU đã tăng 38 tỷ USD trong 1 thập niên qua lên 48 tỷ USD. EVFTA dự kiến sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng khoảng 15%.
Tuy nhiên theo đánh giá của một cựu chủ nhiệm văn phòng chính phủ, Việt Nam “đã tiên liệu sẽ xảy ra chuyện này chuyện kia. Có thể sẽ phải chấp nhận khi phải làm một công việc để làm trong sạch nội bộ.”
Luật sư Trần Quốc Thuận nói với VOA rằng Việt Nam “phải đem (Trịnh Xuân Thanh) về vì rõ ràng TXT là đầu mối, là một nút thắt trong một vụ án tham nhũng lớn ở Việt Nam.”
Các luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh, đảm trách hồ sơ xin tị nạn của ông ở Đức, cho rằng có một thế lực chính trị đứng đằng sau vụ việc này.
Hôm 16/8, Bộ Ngoại giao Đức cho VOA Việt Ngữ biết chính phủ Việt Nam đã tiếp cận Đức và đề nghị đối thoại. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố Việt Nam “mong muốn duy trì phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức”.