Tin Biển Đông – 18/08/2017
Biển Đông : Trung Quốc chuẩn bị
chiến dịch lấn chiếm tại khu vực đảo Thị Tứ ?
Ngày 14/08/2017 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines cho biết Trung Quốc cam kết sẽ không tiếp tục bành trướng tại Biển Đông, trong lúc ngoại trưởng Philippines tái khẳng định việc Manila đang đàm phán với Bắc Kinh về kế hoạch khai thác chung dầu khí tại các vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, một số nhà quan sát lo ngại khả năng Trung Quốc có thể đang chuẩn bị một chiến dịch lấn chiếm mới tại khu vực quanh một đảo lớn do Philippines kiểm soát.
Không khí giữa Philippines và Trung Quốc dường như có vẻ tiếp tục đi theo xu hướng hòa dịu và gia tăng hợp tác, như chủ trương của tổng thống Philippines Duterte. Thế nhưng nhiều tiếng nói từ đối lập Philippines, và nhiều nhà quan sát bên ngoài lại ghi nhận Trung Quốc đang có xu hướng gây căng thẳng trở lại ở Biển Đông, cụ thể là tại vùng biển xung quanh đảo Thị Tứ (Pag-asa), quần đảo Trường Sa, do Philippines quản lý (1). RFI xin giới thiệu bài « Biển Đông : Trung Quốc lại làm nóng », của Euan Graham, một chuyên gia về các vấn đề an ninh tại Đông Á, được đăng tải hôm nay, 18/08/2017, trên mạng của Viện Lowy (2).
Nhà nghiên cứu Euan Graham ghi nhận có sự tương phản giữa việc Trung Quốc tuyên bố Biển Đông đang bước vào giai đoạn « tương đối bình yên », tiếp theo việc các nước ASEAN và Bắc Kinh thông qua bộ khung Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) đầu tháng 8 này, với thực tế là Bắc Kinh đã đưa nhiều tàu chiến và tàu bán vũ trang hỗ trợ các ngư dân tại khu vực biển sát đảo Thị Tứ, vào tuần trước, ngay sau hội nghị Manila.
Đọc thêm : Mỹ, Nhật, Úc lên tiếng chống Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông
Nhà nghiên cứu Úc dẫn báo Philippines GMA News cho biết tàu Trung Quốc đã bắt đầu có mặt tại khu vực này từ ngày 11/08. Và kể từ ngày 15/08, nhiều cuộc tuần thám bằng trực thăng, xuất phát từ ít nhất một tàu chiến của Hải Quân Trung Quốc, đã được tiến hành tại một số dải cát ở phía tây đảo Thị Tứ.
Nhà nghiên cứu Viện Lowy cũng dẫn lại phân tích của Tổ Chức Minh Bạch Hàng Hải Quốc Tế (AMTI), theo đó Bắc Kinh đang phô trương sức mạnh Hải Quân tại khu vực xung quanh đảo Thị Tứ nhằm gửi tín hiệu răn đe chính quyền Philippines, để ngăn cản Manila trong kế hoạch sửa chữa đường băng sân bay và hoàn thiện một số cơ sở hạ tầng trên đảo Thị Tứ.
Tuy nhiên, theo tác giả, có khả năng mục tiêu thực sự của Trung Quốc là chuẩn bị cho chiến dịch « phong tỏa » đảo Thị Tứ, thậm chí tổ chức « xâm lấn » một trong các dải cát không có người ở tại khu vực phía tây đảo này.
« Một kế hoạch nham hiểm »
Một « kế hoạch nham hiểm » của Trung Quốc là cảnh báo của nghị sĩ đối lập Philippines Gary Alejano. Nghị sĩ đối lập cho hãng tin GMA News hay là tàu kiểm ngư của Philippines đã bị tàu Trung Quốc ngăn chặn tại khu vực cách đảo Thị Tứ khoảng từ 2 đến 7 hải lý.
Nhà nghiên cứu Úc bình luận : Nếu như thực sự có việc tàu kiểm ngư của BFAR (Cơ Quan Ngư Nghiệp và Thủy Sản) Philippines buộc phải quay đầu vì bị tàu Trung Quốc ngăn chặn như vừa nêu, thì rất có thể trong thời gian tới sẽ tái diễn một kịch bản tương tự như vụ Trung Quốc phong tỏa bãi cạn Scarborough hồi năm 2012, từng buộc Manila phải nhường bước, sự kiện cho thấy những hạn chế của Hoa Kỳ trong chính sách can dự tại Biển Đông.
Nhà nghiên cứu Úc lưu ý nhiều hơn đến việc dải cát Sandy Cay, một trong các dải cát xung quanh đảo Thị Tứ, có khả năng sẽ bị Trung Quốc xâm chiếm trong thời gian tới. Dải cát này đã trở nên nổi tiếng sau cuộc tuần tra « bảo vệ tự do hàng hải » FONOP đầu tiên mà Hoa Kỳ tiến hành tại Biển Đông, do chiến hạm USS Lassen thực hiện, xung quanh rạn san hô Xu Bi (Suby reefs) – nơi Trung Quốc đã xây đảo nhân tạo và nhiều công trình quân sự kiên cố – và một số thực thể địa lý bên cạnh, hồi tháng 10/2015.
Ông Euan Graham nhắc lại : ông đã từng lưu ý về « một hệ quả có khả năng bị coi thường » xuất phát từ hoạt động tuần tra FONOP đầu tiên của Hoa Kỳ. Vào thời điểm này, Washington đã làm nổi bật quan điểm là dải cát Sandy Cay, một thực thể nổi không có người ở, nhưng là « thực thể có thể có thẩm quyền pháp lý 12 hải lý đối với khu vực biển xung quanh », trong đó bao gồm cả đá Xu Bi (nơi Trung Quốc kiểm soát). « Bắc Kinh chắc chắn đã quan tâm đến điều này », ông nhận xét.
Trong phần kết luận bài phân tích, nhà nghiên cứu Úc nhấn mạnh là các hoạt động của Trung Quốc đang diễn ra xung quanh đảo Thị Tứ là đáng lo ngại, vì mang tính « cưỡng bức », và nếu như mục tiêu của các hoạt động này là lấn chiếm dải cát Sandy Cay, thì điều đồng nghĩa với việc căng thẳng tại Biển Đông sẽ bị thổi bùng trở lại.
Ít nhất hai tàu cá Trung Quốc đánh bắt sát Thị Tứ
Báo Rappler của Philippines hôm nay cho biết là Tổ Chức Minh Bạch Hàng Hải Quốc Tế vừa công bố hôm qua một loạt các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy « ít nhất hai tàu cá Trung Quốc » đang hoạt động đánh bắt gần đảo Thị Tứ. Theo thông tin mới nhất của AMTI ngày 13/08, hoạt động của hai tàu cá nói trên được ghi nhận rất rõ. Tổng cộng, ít nhất 9 tàu cá của Trung Quốc hiện diện tại khu vực này, các tàu này được hai tàu « chấp pháp » bảo vệ. Như vậy, thông báo của AMTI xác nhận các thông tin trước đó của nghị sĩ đối lập Philippines.
Thông tin của AMTI được đưa ra đúng vào lúc ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano tiếp tục khẳng định hôm thứ Tư, 16/08, vừa qua, là có thể có tàu nước ngoài vào khu vực này, nhưng « tình hình ở đây vẫn rất ổn định ». Trả lời họp báo tại Hạ Viện, ngoại trưởng Philippines trấn an công chúng, và yêu cầu người Philippines nên xây dựng « lòng tin cậy lẫn nhau » với Trung Quốc, giống như với đồng minh lâu đời Hoa Kỳ trước đây. Ngoại trưởng Philippines than phiền về việc có rất nhiều người coi Trung Quốc là kẻ thù, và mỗi động thái của Trung Quốc đều bị phản ứng rất mạnh.
Ông đặt câu hỏi : Tại sao chúng ta không lo ngại về việc Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines ? và ông tự trả lời : Bởi Mỹ là đồng minh của chúng ta.
Manila vừa chìa tay, vừa phòng thủ
Kể từ khi tổng thống Duterte lên nắm quyền, Manila chủ trương xây dựng quan hệ gần gũi với Trung Quốc, với hàng loạt nhân nhượng, bị đối lập chỉ trích là có hại cho chủ quyền quốc gia của Philippines. Trên thực tế, Philippines đang trong tình thế vừa chìa tay ra với hy vọng hợp tác được với Bắc Kinh, nhưng vừa trong tư thế sẵn sàng phòng thủ.
Đọc thêm : Hậu La Haye : Nhật giúp Manila đối mặt với Trung Quốc ở Biển Đông
Theo báo chí Philippines, ngoại trưởng Philippines Cayetano – đại diện quốc gia chủ nhà Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN hồi đầu tháng này – cũng chính là người chủ trương không đưa các lời lẽ trực tiếp gợi đến hành vi bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc vào bản Tuyên bố chung ngày 06/08, theo đề nghị của Việt Nam, với lý do Trung Quốc đã ngừng các hoạt động này trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau đó, hôm thứ Sáu tuần trước 11/08, người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Ernesto Abella, khẳng định (3) Manila sẵn sàng thúc đẩy ASEAN nêu vấn đề này trong cuộc họp lần tới, nếu các thông tin về các hành động bành trướng mới đây của Trung Quốc, như AMTI đã đưa ra, là « chính xác » (4).
—-
(1) Đảo Thị Tứ cũng là đối tượng đòi chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc, và Đài Loan.
(2) Ông Euan Graham là thành viên Lowy Institut, một viện tư vấn về chính trị quốc tế có trụ sở tại Sydney, Úc.
(3) Bài « Phủ tổng thống nêu khả năng ASEAN ngăn chặn các tham vọng chủ quyền của Trung Quốc », SunStar, 11/08/2017.
(4) Theo AMTI, hai ví dụ mới nhất về các xây cất mới của Trung Quốc là tại đảo Cây (Tree Island) và đảo Bắc (North Island), thuộc nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite Group), khu vực phía đông của quần đảo Hoàng Sa.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170818-bien-dong-trung-quoc-chuan-bi-chien-dich-lan-chiem
Thủ Tướng Phúc ‘lôi kéo’ Bangkok
về phía Hà Nội trong tranh chấp Biển Đông?
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đang ở thăm Bangkok với mong muốn phát triển thương mại và “lôi kéo” Thái Lan về phía Hà Nội trong cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Các chuyên gia nhận định chiến lược của Việt Nam khó có thể thành công giữa lúc chính quyền quân sự Thái Lan ngày càng lệ thuộc hơn vào Bắc Kinh về mặt kinh tế.
Tiến sĩ Lê Minh Nguyên từ thành phố Garden Grove, bang California nhận định:
“Chuyến đi này để lôi kéo Thái Lan về phía Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, nhưng tôi nghĩ sẽ không thành công vì Thái Lan càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn, nhất là dưới chính quyền quân phiệt hiện nay.”
Chuyến đi này để lôi kéo Thái Lan về phía Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, nhưng tôi nghĩ sẽ không thành công vì Thái Lan càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn, nhất là dưới chính quyền quân phiệt hiện nay.
Tiến sĩ Lê Minh Nguyên
Tuy nhiên, với vai trò quan trọng của Thái Lan trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tiến sĩ Trần Đình Lâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á, nói rằng những nỗ lực của ông Phúc tại quốc gia đối tác chiến lược này cũng giúp củng cố tiếng nói của Việt Nam về tranh chấp Biển Đông.
Từ tp HCM, ông Lâm nói với VOA-Việt ngữ:
“Chuyến đi của Thủ tướng sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam – Thái Lan tốt hơn, đồng thời tiếng nói về vấn đề Biển Đông sẽ mạnh mẽ hơn. Thái Lan là một nước quan trọng, một nước cầm chịch ASEAN trước đây và những đóng góp của Thái Lan trong thời gian khởi đầu của ASEAN có ý nghĩa đối với Việt Nam.”
Truyền thông trong nước loan tin ông Phúc đi thăm Thái Lan trong chuyến công du chính thức ba ngày, từ 17 đến 19 tháng 8. Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Thái Lan Prem Tinsulanonda hôm 18/8 cho biết Hoàng gia và chính phủ Thái Lan luôn coi trọng và ưu tiên quan hệ với Việt Nam, thể hiện qua việc Việt Nam hiện là Đối tác chiến lược duy nhất của Thái Lan trong ASEAN.
Thái Lan thường lên tiếng về vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông, nhưng cũng như Hoa Kỳ, Thái Lan không đứng về bên nào trong vụ tranh chấp hàng hải khu vực.
Tiến sĩ Trần Đình Lâm cho rằng tiếng nói của Bangkok vẫn còn có uy tín trong cộng đồng 10 nước Đông Nam Á:
“Từng nước riêng họ có cái nhìn khác nhau, nhưng trong tổng thể là cộng đồng ASEAN thì có tiếng nói chung. Chuyến thăm đến Thái Lan lần này cũng có một tác động nhất định – giúp các nước nhìn nhận lại về vấn đề Biển Đông, và vì Biển Đông là biển của các nước ASEAN và sự hợp tác trong khối có lợi ích lâu dài, duy trì hòa bình ở Biển Đông. Và khi tiếng nói của khối về Biển Đông mạnh hơn thì Trung Quốc khó mà dám làm gì.”
Chuyến thăm đến Thái Lan lần này cũng có một tác động nhất định – giúp các nước nhìn nhận lại về vấn đề Biển Đông, và vì Biển Đông là biển của các nước ASEAN và sự hợp tác trong khối có lợi ích lâu dài, duy trì hòa bình ở Biển Đông. Và khi tiếng nói của khối về Biển Đông mạnh hơn thì Trung Quốc khó mà dám làm gì.
Tiến sĩ Trần Đình Lâm
Tiến sĩ Lê Minh Nguyên không chia sẻ ý kiến đó, ông cho rằng vai trò của Thái Lan trong khối ASEAN đang dần lu mờ do lực hút kinh tế từ Bắc Kinh, trong khi hiện tại Việt Nam đang “đơn độc” trong tranh chấp Biển Đông:
“Vấn đề Biển Đông, các sự kiện vừa qua cho thấy Việt Nam rất là đơn độc, bởi vì gần như hầu hết 10 quốc gia Đông Nam Á hoặc là thân thiện với Trung Quốc hoặc ở trạng thái trung dung và Trung Quốc gây ảnh hưởng cả khối ASEAN. Trong trường hợp Thái Lan thì rõ ràng đang thực hiện chiến lược Một vành đai – Một con đường, trong đó có tuyến đường sắt rất quan trọng đi từ Vân Nam, xuống Thái Lan đến tận Singapore, và con kênh Kra mà chính quyền quân sự của Thái Lan rất muốn hợp tác với Trung Quốc. Lợi ích kinh tế của Thái Lan từ việc hợp tác với Trung Quốc quá lớn so với lợi ích kinh tế từ Việt Nam.”
Tiến sĩ Lâm nói rằng chiến lược của Trung Quốc đối với các quốc gia Đông Nam Á không hoàn toàn được hoan nghênh:
“Chiến lược Một vành đai – Một con đường của Trung Quốc hấp dẫn các nước, trong đó có Thái Lan, nhưng đưa đến nhiều hệ lụy. Tất cả những gì Trung Quốc đã làm Lào và Campuchia cũng gây những sứt mẻ trong cộng đồng Đông Nam Á. Đó chỉ là một sáng kiến của Trung Quốc đưa ra, nhưng không phải các nước đều nghe theo.”
Báo VNExpress trích thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hôm 17/8 đã “khẳng định quan điểm tương đồng về Biển Đông khi đón người đồng cấp Việt Nam đến thăm.”
Vẫn theo nguồn tin này, hai vị thủ tướng tuyên bố “tiếp tục ủng hộ ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được COC, Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông”.
Báo The Nation của Thái Lan tường thuật rằng thủ tướng hai nước thừa nhận những lo ngại sâu sắc của Việt Nam về vụ tranh chấp ở Biển Đông. Hai nhà lãnh đạo cũng nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, cũng như an toàn và tự do hàng hải trong khu vực.
Hai thủ tướng nhấn mạnh hợp tác an ninh-quốc phòng là một trong các trụ cột của quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Thái Lan.
Thông tấn xã Việt Nam tường thuật rằng Việt Nam và Thái Lan tái khẳng định cam kết không cho phép cá nhân hay tổ chức nào lợi dụng lãnh thổ nước mình để tiến hành các hoạt động chống phá nước kia; hai bên còn cam kết hợp tác trong nỗ lực phòng, chống khủng bố và các loại hình tội phạm; tăng cường hợp tác xử lý các vấn đề trên biển.