Huy Đức – Chính trị & kỹ trị, cùng vấn đề của Trương Minh Tuấn
15/08/2017
Chủ tịch một công ty nổi tiếng, trực thuộc một bộ, hưu gần hai năm nay, nhận xét ngắn gọn về người mà lẽ ra ông phải chịu ơn vì từng ký 3 quyết định đề bạt, bổ nhiệm ông, “Súc vật”. Một thành viên nội các nhiệm kỳ trước, đang giữ một vị trí cao hơn trong nhiệm kỳ này, trong một lần bi phẫn, nói với bạn tâm giao, “Đôi khi tôi phải làm những việc không phải của một con người”. Nhiều đại biểu dự Đại hội XII ngạc nhiên vì nhận được những khoản thu nhập bất ngờ. Có những lá phiếu đã được quy đổi thành tiền bên hành lang của nơi mà các đảng viên trung thành vẫn coi là “đền thiêng của Đảng”.
Ông Trương Minh Tuấn |
Nhiệm kỳ này vẫn rơi rớt không ít thành viên tiến thân bằng những nấc thang được lắp đặt bởi các “nguyên lý” của hai nhiệm kỳ trước đó. Nhiều nhà báo “uống rượu” với Trương Minh Tuấn, ngơ ngác khi chứng kiến một kẻ thô lỗ, ăn không nên đọi, nói không nên lời; làm trưởng phòng bảo vệ ở một cơ quan báo chí đã là quá đáng, bỗng nhiên trở thành Bộ trưởng có quyền cấp thẻ, rút thẻ của mình. Trương Minh Tuấn nếu không vượt thẩm quyền, ký quyết định cho MobiFone đi vay 8.900 tỷ mua một cơ sở hạ tầng truyền hình trị giá tối đa là 300 tỷ, liệu có thể có tiền, có cái ghế UVTƯ, bộ trưởng?
Đọc quy định mới của Bộ Chính trị về “tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ”, nhận thấy các nhà lãnh đạo Đảng đang muốn chặn cái đà tha hóa đó của đội ngũ. Nhưng, cũng rất tiếc là những người tham mưu, ban hành quyết định này vẫn chưa nhìn thấy cái gốc của vấn đề và đặt các nỗ lực cải cách trên những nguyên lý chính trị căn bản nhất.
Cho dù vẫn đang được vận hành với nhiều tính chất “đảng trị”, nếu “công tác cán bộ” muốn khắc phục được các yếu tố gây tha hóa đội ngũ thì không chỉ ban hành các quy chế nội bộ mà còn phải thiết kế nền quản trị quốc gia theo hướng tách bạch hai chức năng chính trị & kỹ trị. Từ đó, đội ngũ cán bộ cả của Đảng lẫn Nhà nước không thể chỉ được phân chia theo thứ bậc (cấp ban bí thư quản lý, cấp bộ chính trị quản lý…), mà phải tách bạch theo các ngạch trật: chính trị gia; viên chức bổ nhiệm (chính trị & tư pháp); viên chức hành chánh.
Hệ thống chính trị, bao gồm chính trị trung ương và chính trị địa phương – nơi đưa ra các quyết sách – và, hệ thống hành chính – nơi kỹ thuật hóa bằng thủ tục để thực thi các quyết sách đó. Chính trị & kỹ trị là hai thực thể song hành nhưng càng ít lệ thuộc vào nhau càng tốt. Càng có một hệ thống hành chính (và cả tư pháp) ít chịu ảnh hưởng bởi chính trị, bởi tư duy và các chỉ tiêu nhiệm kỳ và một hệ thống chính trị không kiếm chác được từ sự nhũng nhiễu của hệ thống hành chánh thông qua việc áp đặt các thủ tục (như các giấy phép con…) thì nền quản trị quốc gia mới có thể hữu hiệu và giảm nguy cơ tham nhũng.
Khác với giai đoạn 1960 đến đầu thập niên 1990, Chính phủ sau Hiến pháp 1992, bắt đầu xuất hiện các chính trị gia – thay vì các cán bộ được Đảng kêu gì làm nấy như các chính phủ thời “quan liêu, bao cấp”. Cho dù đảng không phải là “tinh hoa của dân tộc” thì những nhà lãnh đạo trong các nội các từ 2006 trở về trước vẫn còn là những người tiêu biểu hơn trong Đảng.
Ngay từ cuối thập niên 1970s, khi dấu ấn cá nhân và đảng trị đang là phương thức điều hành tuyệt đối của quốc gia, rất ít khi có một nhà lãnh đạo địa phương nào được điều ra Hà Nội mà “vô danh tiểu tốt” như hiện nay.
Những Võ Văn Kiệt, Chín Cần, Đoàn Duy Thành… đều là những nhà lãnh đạo nổi bật, có nhiều sáng kiến chính sách, trong các nền chính trị địa phương. Công tác cán bộ bắt đầu suy thoái khi sự lựa chọn lãnh đạo được quyết định bởi các “cha chú” và những người được cơ cấu vào Trung ương thường chỉ vì đứng đầu các “pháo đài huyện” như Nguyễn Tấn Dũng, Trương Mỹ Hoa, Nguyễn Thị Xuân Mỹ… thay vì bằng những thành tích ở địa phương của họ (thậm chí Nguyễn Tấn Dũng khi được Lê Đức Anh chọn điều ra TƯ đang còn là đối tượng bị tố cáo ở Kiên Giang).
Cần phải xác định, Đảng muốn cái gì phải là “trung ương tập quyền” để duy trì kỷ cương và tính thống nhất quốc gia, cái gì phải “phân quyền” để phát huy tính năng động và vai trò giám sát từ cơ sở. Nếu tuyệt đối tập quyền, nhân sự lãnh đạo địa phương vẫn tiếp tục được quyết định bởi BCT, BBT thì chính trị địa phương sẽ bị thui chột, ứng cử viên cho các vị trí lãnh đạo TƯ tiếp tục sẽ vẫn là những nhân vật giỏi chạy chọt, thay vì là các nhà lãnh đạo có nhiều thành tích.
Cần phải tách bạch ngay hai chức năng của bộ máy hành pháp: chức năng hành pháp chính trị – xây dựng chính sách, thiết kế quy định hành chính; chức năng hành chính công vụ (cấp phép; giám sát thực thi; giải quyết tranh chấp). Cần phải tăng cường tính kỹ trị cho cả chức năng xây dựng chính sách và thực thi công vụ. Đặc biệt là với chức năng xây dựng và thực thi các chính sách phát triển ngành kinh tế (chính sách thuế, chính sách trợ cấp, trợ giá, làm quy hoạch hoặc đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia).
Chức năng làm chính sách cần được giao cho một bộ phận với thành phần chủ yếu là những viên chức chính trị được bổ nhiệm. Họ là những người được lựa chọn bởi các bộ trưởng và có thể chỉ phục vụ cho nhiệm kỳ của vị bộ trưởng ấy. Trong các cơ quan tham mưu chính sách (có thể là các vụ) bao gồm cả những người có “biên chế” (họ là những người thông thạo kỹ thuật lập quy, có thể giúp các bộ trưởng, vụ trưởng biến một sáng kiến lập pháp, lập quy trở thành một dự thảo luật hay quy phạm hành chính). Chức năng thực thi hành chính công vụ được đảm nhiệm bởi các công chức hành chính chuyên nghiệp, tuyển dụng qua hình thức thi tuyển và chỉ làm theo quy định và thủ tục (tuyệt đối không sáng kiến).
Nên trao cho người có quyền bổ nhiệm (Thủ tướng, chủ tịch UB) quyền chủ động lựa chọn nhân sự (các bộ trưởng, giám đốc sở và các chức danh tư pháp…). Cấp ủy chỉ cần giám sát thông qua lá phiếu của mình trong các cơ quan dân cử (phê chuẩn hay không phê chuẩn). Các chức danh tư pháp cũng thay vì tự đào tạo và chỉ được cung ứng bởi nguồn nội bộ cũng cần phải được lựa chọn từ những người có uy tín trong xã hội. Ví dụ: các thẩm phán có thể được chọn trong giới luật gia, luật sư, từ những người nổi tiếng liêm chính và có nhiều thành tựu về nghề nghiệp.
Mời xem Video: Trịnh Xuân Thanh đã khai nhận bị Bộ Công An sử dụng để hạ uy tín Tổng BT Nguyễn Phú Trọng?
Một người có thể trở thành chính trị gia bằng cách ra tranh cử vào các cơ quan lập pháp hoặc được tiến cử vào nội các nhưng trước đó không phải là những người có uy tín, có thể đến từ địa phương hay từ những hoạt động chính trị khác, được biết đến với những thành tích nổi bật. Nếu cấm chính trị gia có “tham vọng quyền lực”(chưa rõ nội hàm tham vọng được dùng trong Quy chế là gì) thì họ vẫn phải là những người có khát vọng sử dụng quyền lực mà họ đạt được để đưa đất nước đi lên. Họ phải chấp nhận một sự nghiệp có rủi ro (thất cử là về vườn).
Những viên chức bổ nhiệm cũng phải là những người chí công, theo giúp một chính trị gia chủ yếu vì muốn biến một sáng kiến nào đó của mình thành chính sách, họ phải chấp nhận sự tham chính của mình là “không biên chế”, “leaders” của mình thất cử là cắp cặp ra đi. Biên chế chỉ bao gồm những viên chức hành chánh, họ được đào tạo để làm việc mẫn cán và chuyên nghiệp; họ có thể chỉ cần “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Nếu họ nổi hứng ra tranh cử hoặc được bổ nhiệm thì phải từ bỏ sự “êm đềm” của biên chế.
Công tác cán bộ, trước hết, phải phân biệt được sự khác nhau giữa các ngạch, trật. Đừng nhầm lẫn chính trị với kỹ trị. Đừng đưa nhưng kẻ chỉ quen điếu đóm vào các vị trị của một chính trị gia. Và, đừng bắt những người có tố chất của chính trị gia phải mẫn cán, dò dẫm từng nấc thang hành chính.
Huy Đức
(FB Trương Huy San)