Lãnh đạo vô danh vô diện của thành phố Hồ Chí Minh
Asia Times
Tác giả: David Hutt
Dịch giả: Trung Nguyễn
13-8-2017
Sự thăng tiến của Nguyễn Thiện Nhân, một quan chức tầm thường, dẫn dắt trung tâm kinh tế và tài chính của Việt Nam tới sự chia rẽ nội bộ đảng không giải quyết được và sự trở lại của nền quản trị thụ động hơn nữa.
Vào tháng năm, Đinh La Thăng, Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất Việt Nam, đã bị cách chức, bị loại khỏi Bộ Chính trị và trở thành phó trưởng ban kinh tế trung ương, một chức vụ không có quyền lực thực chất.
Lý do của đảng cầm quyền để loại bỏ Thăng sau mới 15 tháng nhậm chức rất rõ ràng: ông đã phạm “những sai lầm nghiêm trọng” khi không tuân thủ chỉ thị của Đảng và đã làm thất thoát hàng triệu đô-la của nhà nước trong khi là chủ tịch hội đồng quản trị của PetroVietnam, một công ty năng lượng quốc doanh.
Trong vài ngày, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bỏ phiếu quyết định người thay thế là ông Nguyễn Thiện Nhân, một Ủy viên Bộ Chính trị tầm thường đã mất đi ân sủng sau khi thực hiện một cách yếu kém chức vụ bộ trưởng bộ giáo dục vào những năm 2000.
Ông Nhân cũng là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, một tổ chức bao trùm lên những “tổ chức nhân dân” được Đảng hậu thuẫn.
Chính trị ở thành phố Hồ Chí Minh, thành phố phương Nam từng được biết đến với cái tên Sài Gòn, rất quan trọng. Là một trung tâm tài chính của Việt nam, lãnh đạo của thành ủy có trách nhiệm nặng nề trong việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế của cả nước. Chỉ riêng thành phố đã đóng góp một phần năm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước.
Bất kì ai điều hành thành phố cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài: 20% vốn đầu tư nước ngoài tìm đến thành phố.
Trên giấy tờ, Nhân tỏ ra là một ứng cử viên tốt cho chức vụ này. Ông đã học về điều khiển học ở Đông Đức và sau đó có theo học tại một trường đại học Mỹ. Trong những chức vụ cao cấp nhất trong Đảng, ông là một trong những người hiếm hoi thông thạo tiếng Anh. Và ông đã có kinh nghiệm với trung tâm tài chính phía Nam: ông đã là phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố từ năm 1999 tới năm 2006.
Nhưng ông được cho là không phù hợp với công việc. Thời gian ông làm bộ trưởng bộ giáo dục được đa số cho là thất bại, mặc cho những hi vọng ban đầu rằng ông sẽ mang tới tinh hoa kỹ trị cho bộ máy. Do đó, ông đã bị điều chuyển về “trung ương” và trở thành Phó Thủ tướng, một chức vụ kém quyền lực hơn dù chức danh có vẻ kêu hơn.
Tuong Vu, giáo sư chính trị học tại đại học Oregon, nhận xét: “Tôi cho rằng ông Nhân sẽ lãnh đạo một cách thụ động và sẽ thực thi nhiệm vụ một cách tầm thường, thật bất hạnh cho thành phố Hồ Chí Minh.”
Người bị giáng chức Thăng thường được so sánh như một nhân vật dân túy. Ông ta lên tiếng về những vấn đề như vai trò của Trung Quốc ở Việt Nam và cuộc sống của “người dân Sài Gòn”, cái tên thông thường được biết đến của người dân thành phố. Nhân thì ngược lại, thường được xem là một đảng viên chỉ biết “gọi dạ bảo vâng”. Nhà nghiên cứu Vũ cho biết: “Ông tránh nói hay làm bất cứ điều gì gây phật ý ai.”
Nhưng sự thăng tiến của ông Nhân phản ánh những thay đổi gần đây về cách thức chính quyền trung ương Việt Nam vận hành. Ở đại hội đảng gần nhất vào tháng 1 năm 2016, đa số cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị hất khỏi vị trí sau một cuộc đấu đá nội bộ với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dũng đã bị yêu cầu phải rời khỏi chức vụ thủ tướng sau khi đã hoàn thành hai nhiệm kỳ, nhưng ông ấy được cho là đã muốn chạy đua với Trọng để trở thành Tổng bí thư của Đảng, “một hành động chưa có tiền lệ”, ông Carl Thayer – chuyên gia về Đông Nam Á ở đại học New South Wales – nói.
Dũng là một nhân vật nổi tiếng vì lập trường cứng rắn với Trung Quốc, vì những cải cách hướng thị trường và vì ông giám sát việc thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ. Nhưng ông ta cũng đã thay đổi một cách đáng kể cách thức làm việc của Đảng.
Trong thời gian cầm quyền mười năm của ông ta, quyền lực của Đảng đã bị làm suy yếu, với mọi quyết định hằng ngày đều chuyển về cho bộ máy nhà nước dưới sự kiểm soát của Dũng, cũng như thông qua mạng lưới bảo trợ của riêng ông ta ở cấp độ địa phương.
Ông Thayer nói: “Bộ Chính trị hiện tại phản ánh sự từ bỏ lối lãnh đạo cá nhân, như ví dụ về phong cách chính trị của ông Dũng, để trở về với lối lãnh đạo tập thể dựa trên sự đồng thuận.”
Điều đó được ám chỉ bởi Trọng, hiện tại là chính trị gia ảnh hưởng nhất tại Việt Nam, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước vào tháng một. Thayer nói “Bộ máy nhà nước được củng cố, đảm bảo ổn định cho sự thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ”, ý nhắc đến đại hội Đảng vào năm ngoái.
Dù vậy, mâu thuẫn nội bộ vẫn còn. Đã có những lời đồn rằng Trọng không phải là đối tượng ưa thích của một vài ủy viên bộ chính trị, gồm cả Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Cũng đã có các báo cáo về sự chia rẽ xuất hiện giữa Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ và châu Âu. Trọng được cho là muốn gần gũi hơn với Trung Quốc; còn Phúc thì muốn phương Tây.
Các vấn đề chính trị cũ cũng đang được giải quyết. Một vài nhà phân tích quả quyết rằng việc Thăng mất chức Bí thư thành ủy Hồ Chí Minh liên quan tới chính trị hơn là tham nhũng.
Theo một giả thuyết, Dũng đã đồng ý rời khỏi chức vụ thủ tướng vào năm ngoái để đổi lại việc người thân tín của ông được leo cao hơn trên bậc thang chính trị – cho phép ông ta giữ lại sự kiểm soát nhất định ở đằng sau sân khấu. Thăng, một người gần gũi với Dũng, đã thực hiện được điều đó khi ông vào Bộ Chính trị nhân dịp đại hội Đảng.
Các nhà phân tích nói rằng sự thăng tiến của ông ấy nằm ngoài dự đoán, khi mà ngay cả tên ông ta thậm chí còn không hề có mặt trong danh sách những ứng cử viên ban đầu đã được chấp thuận bởi Bộ Chính trị để ra ứng cử. Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng gần đây đã nói với đài Á Châu Tự Do rằng còn nhiều đồng minh của Dũng khác “vẫn đang ở trong hệ thống và họ có thể trở thành vật cản đối với Trọng. Ông ta sẽ không thể ngủ yên giấc.”
Tuy nhiên, một vài nhà phân tích nghi ngờ về mức độ các phe phái chi phối các hành động của đảng Cộng sản. Thayer nói: “Cũng có thể các phe phái không phải là việc liên kết vĩnh viễn, mà chỉ là các liên minh tạm thời trên từng vấn đề cụ thể.”
Một trong những sự vụ cụ thể là ai sẽ trở thành người lãnh đạo tiếp theo của thành phố Hồ Chí Minh. Khi mà Ban Chấp hành Trung ương họp vào đầu tháng năm để quyết định, đã có những sự khác biệt ý kiến rất lớn, theo một bài báo trên blog độc lập Dân Làm Báo.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang ủng hộ Tô Lâm, đương kim Bộ trưởng Bộ Công an. Cựu bí thư thành ủy Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, người có vẻ vẫn có tai mắt trong Bộ Chính trị, thì ủng hộ Trưởng ban tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lại được sự ủng hộ của cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người đã về hưu năm ngoái. Sang, người cũng đã làm Bí thư thành ủy Hồ Chí Minh vào cuối những năm 1990, hiện tại được cho là cố vấn không chính thức cho Trọng.
Dường như rằng Nhân không phải là lựa chọn đầu tiên của bất kì nhà môi giới quyền lực lớn nào. Trên thực tế, ông ta được cho là không phải là một ứng cử viên nghiêm túc vào lúc đầu của quá trình tuyển chọn. Sự chỉ định ông ta như vậy là một thỏa hiệp cho thấy Đảng đã quay lại về thời kỳ “tập thể lãnh đạo trên cơ sở đồng thuận chung.”
Nhưng ngay cả khi Nhân không phải là lựa chọn đầu tiên của Trọng, không nghi ngờ gì rằng Tổng Bí thư cảm thấy thoải mái khi Nhân chịu trách nhiệm với thành phố thứ hai ở Việt Nam. Các nhà phân tích cho biết Nhân là một trong vài ủy viên Bộ Chính trị được xem là “trong sạch” với phần lớn người dân. Điều này rất quan trọng khi xem xét danh tiếng của người tiền nhiệm và sự lo ngại lớn dần bên trong Đảng rằng tham nhũng đang hủy hoại thế đứng của Đảng ở cấp cơ sở.
Chính quyền trung ương, dẫn đầu bởi Trọng, hiện đang có những tuyên bố mạnh mẽ về việc chống tham nhũng trong nội bộ. Vào tháng năm, Trọng hứa rằng “nhiều trường hợp nữa sẽ được đem phanh phui” trong cuộc chiến chống tham nhũng của chính quyền.
Điều quan trọng không kém là Nhân khá trung lập đối với các phe phái, một điều “quý giá” với chính quyền trung ương, nhà báo Phạm Chí Dũng viết gần đây.
Tuy nhiên, có thể kết quả có ý nghĩa nhất lại là việc Trọng bây giờ lại có một đồng minh đáng tin cậy ở miền Nam Việt Nam. Thayer nói: đến từ tỉnh Cà Mau ở phương nam, thuộc đồng bằng sông Cửu Long, và với những liên hệ trong quá khứ với thành phố Hồ Chí Minh, sự bổ nhiệm Nhân được chào đón ở địa phương. (Người tiền nhiệm của ông, Thăng, là một trong vài người đứng đầu thành phố được sinh ra ở miền Bắc.)
Sau khi được đưa lên từ môi trường chính trị tương đối không minh bạch và được trao một nhiệm vụ quan trọng, bây giờ Nhân lại nợ các lãnh đạo của Bộ Chính Trị một món nợ trung thành, mà ông ta hầu như sẽ phải trả – ngay cả khi nó sẽ ngăn cản ông điều hành thành phố Hồ Chí Minh một cách hiệu quả như hi vọng của vài người.
Truyền thông nhà nước tường thuật rằng trong diễn văn khai mạc, Nhân nói ông đã học được rất nhiều điều từ khi làm việc với chính quyền trung ương ở Hà Nội, “một trong số đó là kỉ luật Đảng.”