Tin khắp nơi – 15/08/2017
Những hoàng tử bị mất tích của Ả Rập Saudi
Reda El MawyThế giới vụ BBC
Trong hai năm qua, ba hoàng tử Ả Rập sống ở châu Âu đã mất tích. Tất cả đều là những người chỉ trích chính phủ Ả Rập Saudi – và có bằng chứng cho thấy tất cả đã bị bắt cóc và bị đưa bằng phi cơ trở lại Ả Rập Saudi… và người ta không nghe được gì thêm từ họ.
Sáng sớm ngày 12 tháng 6 năm 2003, một hoàng tử Saudi đã được đưa tới cung điện ở ngoại ô Geneva.
Ông tên là Sultan bin Turki bin Abdulaziz, và cung điện thuộc về bác ông, Quốc vương Fahd đã quá cố. Hoàng tử này là con trai yêu thích của quốc vương, Hoàng tử Abdulaziz bin Fahd, người đã mời Sultan tới ăn sáng.
Abdulaziz yêu cầu Sultan trở lại Ảrập Saudi, nơi ông nói xung đột do những chỉ trích của Sultan về giới lãnh đạo Saudi sẽ được giải quyết.
Sultan đã từ chối, và khi đó Abdulaziz xin lỗi đứng lên để đi gọi điện thoại. Một người khác có mặt trong phòng khi đó là Bộ trưởng Các vấn đề Hồi giáo của Ả Rập Saudi, Sheikh Saleh al-Sheikh, cũng rời đi và sau một vài giây những người đàn ông đeo mặt nạ xông vào. Họ đánh Sultan và còng tay ông, sau đó một mũi kim đâm vào cổ ông.
Bất tỉnh, Sultan được đưa ra sân bay Geneva – và được đưa lên một chiếc máy bay Medevac đang đợi trên đường băng.
Ít nhất đó là lời kể của Sultan về vụ việc trước một tòa án Thụy Sĩ nhiều năm sau đó.
Hoàng tử Sultan đã làm gì khiến gia đình ông phải dùng thuốc một cách bạo lực và bắt cóc ông ta?
Năm trước đó, ông đến Châu Âu để chữa bệnh và bắt đầu trả lời phỏng vấn chỉ trích chính phủ Ả Rập Saudi. Ông lên án hồ sơ nhân quyền của quốc gia này, phàn nàn về tình trạng tham nhũng trong các hoàng tử và quan chức, và ông kêu gọi một loạt các cải cách.
Kể từ năm 1932, khi Quốc vương Abdulaziz, vẫn được biết đến là Ibn Saud, thành lập nhà nước Ả-rập Saudi, đất nước này luôn đặt dưới sự cai trị là một chế độ quân chủ tuyệt đối. Họ không chấp nhận bất đồng quan điểm.
Hoàng tử Turki bin Bandar đã từng là một thiếu ta cảnh sát Saudi, người có trách nhiệm bảo vệ chính gia đình hoàng gia. Tuy nhiên, một cuộc tranh cãi gay gắt trong gia đình về một tài sản thừa kế có tranh chấp khiến ông bị ngồi tù và khi được thả, ông đã trốn sang Paris, nơi mà vào năm 2012, ông bắt đầu đưa các video lên YouTube kêu gọi cải cách tại Ả Rập Saudi.
Chính quyền Saudi đã phản ứng như đã làm với Hoàng tử Sultan, và cố gắng thuyết phục Turki quay về nước. Khi Ahmed al-Salem, Thứ trưởng Bộ Nội vụ gọi điện tới, hoàng tử đã ghi lại cuộc trò chuyện và và đăng nó lên mạng.
“Mọi người mong chờ anh quay về… ” Thứ trưởng nói.
“Mong tôi trở về?” Turki đáp. “Thế còn những bức thư mà các sĩ quan của ông gửi cho tôi thì sao?”Đồ điếm, chúng tao sẽ kéo mày về nước như Sultan bin Turki.”
Thứ trưởng trả lời một cách an ủi: “Họ sẽ không đụng đến ạnh. Em là em trai của anh.”
Turki nói: “Không, họ là từ chính ông,” Turki nói. “Bộ Nội vụ cử họ tới.”
Turki tiếp tục đăng các video cho đến tháng 7 năm 2015. Sau đó, ông ta biến mất.
Một người bạn, blogger và một nhà hoạt động xã hội, ông Wael al-Khalaf cho biết: “Ông ấy gọi cho tôi mỗi tháng hai lần.”
“Sau đó, ông ta biến mất bốn hoặc năm tháng. Tôi thấy nghi ngờ. [Sau đó] tôi nghe từ một quan chức cấp cao của Ả Rập Saudi rằng Turki bin Bandar đang ở chỗ họ. Vậy là họ đã bắt giữ ông, ông ấy đã bị bắt cóc.”
Sau một thời gian tìm kiếm tin tức của Turki, tôi tìm thấy một bài viết trong một tờ báo Ma-rốc, nói rằng ông đang sắp trở lại Pháp sau khi một chuyến thăm tới Ma-rốc, khi ông bị bắt và bị tống giam. Sau đó, theo yêu cầu của chính quyền Ả Rập Saudi, ông bị trục xuất với sự chấp thuận của một tòa án Ma-rốc.
Cũng khoảng thời gian khi hoàng tử Turki biến mất thì một hoàng tử Saudi khác, Saud bin Saif al-Nasr – một nhân vật tương đối nhỏ trong hoàng gia có sở thích là các sòng bạc châu Âu và các khách sạn đắt tiền – cũng chia sẻ một số phận tương tự.
Năm 2014, Saud bắt đầu viết những bài báo chỉ trích chế độ quân chủ Ả Rập Saudi.
Ông kêu gọi truy tố các quan chức Ảrập Saudi, những người đã hậu thuẫn cho việc lật đổ Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi vào năm trước.
Sau đó, vào tháng 9 năm 2015, Saud còn đi xa hơn.
Sau khi một hoàng tử Ả Rập ẩn danh viết hai bức thư kêu gọi đảo chính để phế truất Quốc vương Salman, Saud đã công khai ủng hộ các lá thư này – thành viên hoàng gia duy nhất làm điều đó. Điều này được xem tương tự như phản bội, và có lẽ nó đã quyết định số phận của ông.
Một vài ngày sau đó, ông viết trên Twitter: “Tôi kêu gọi cả dân tộc hãy biến nội dung của những bức thư này thành áp lực rộng rãi “. Sau đó, tài khoản Twitter của ông bỗng ngưng lặng.
Một hoàng tử bất đồng khác là Hoàng tử Khaled bin Farhan, người bỏ chạy sang Đức vào năm 2013, tin rằng Saud đã bị lừa bay từ Milan sang Rome để thảo luận về một hợp đồng kinh doanh với một công ty Nga-Ý muốn mở chi nhánh tại Vùng Vịnh.
Khaled nói: “Một chiếc máy bay riêng của công ty đã đến và đưa Hoàng tử Saud đi nhưng nó đã không đáp xuống Rome, mà hạ cánh xuống Riyadh.
“Hóa ra tình báo Saudi đã dàn dựng toàn bộ vụ việc này”, ông tuyên bố.
“Số phận của Hoàng tử Saud cũng giống như Hoàng tử Turki, đó là nhà tù … Số phận duy nhất là một nhà tù dưới lòng đất.”
Hoàng tử Sultan, ở cấp cao hơn theo trật tự trong hoàng gia, đã bị chuyển qua lại giữa nhà tù và việc quản thúc tại gia. Nhưng sức khoẻ của ông xấu đi, vì vậy năm 2010, gia đình hoàng gia cho phép ông đi chữa bệnh tại Boston, Massachusetts.
Những gì ông làm khi được sống lưu vong an toàn tại Hoa Kỳ đã khiến hoàng gia Saudi kinh hoàng – ông nộp đơn kiện hình sự tại tòa án Thụy Sĩ, cáo buộc Hoàng tử Abdulaziz bin Fahd và Sheikh Saleh al-Sheikh là người chịu trách nhiệm vụ bắt cóc ông năm 2003.
Lần đầu tiên, một thành viên cao cấp trong hoàng gia Ả Rập Saudi khởi kiện tại một tòa án phương Tây, chống lại một thành viên khác trong hoàng gia.
Nhưng chính quyền Thụy Sĩ tỏ ra rất ít quan tâm đến vụ việc này.
Vào tháng 1 năm 2016, Sultan đang lưu lại một khách sạn dành riêng cho ông tại Paris khi, cũng giống như Saud bin Saif al-Nasr, ông đã bị dụ dỗ trên máy bay.
Ông dự định đi thăm cha của mình, cũng là một người nổi tiếng hay chỉ trích chính phủ Ảrập Saudi, tại Cairo, khi lãnh sự quán Ả Rập Saudi đã đề nghị ông và đoàn tùy tùng của ông gồm khoảng 18 người – bao gồm một bác sĩ riêng, y tá và vệ sĩ từ Mỹ và châu Âu – hãy sử dụng một chiếc phi cơ riêng.
Bất chấp những gì đã xảy ra với ông hồi năm 2003, ông chấp nhận.
Hai thành viên đoàn tùy tùng giải thích các sự kiện đã diễn ra như thế nào. Cả hai đều yêu cầu được ẩn danh.
Chiếc máy bay cất cánh với màn hình trên máy bay cho thấy nó đi về phía Cairo. Nhưng sau hai tiếng rưỡi bay màn hình trắng trơn.
Khi hành khách trên máy bay chợt nhận ra rằng họ sắp hạ cánh xuống Ả Rập Saudi, Sultan bắt đầu đập vào cửa buồng lái và kêu cứu. Một thành viên phi hành đoàn ra lệnh cho đoàn tùy tùng của hoàng tử ở nguyên chỗ ngồi của họ.
Những binh lính và phi hành đoàn lôi Sultan từ máy bay xuống. Ông la hét bảo tùy tùng của ông hãy gọi tới đại sứ quán Hoa Kỳ.
Hoàng tử và các nhân viên y tế của ông được đưa đến một biệt thự có bảo vệ vũ trang.
Đó là một tình huống đáng kinh ngạc. Cùng với Hoàng thân Sultan, khoảng 18 người nước ngoài đã bị bắt cóc, đưa đến Ả-rập Xê-út, và bị quân đội Ả Rập Saudi giam giữ.
Không có tin gì về Hoàng tử Sultan kể từ đó.
Tôi đã yêu cầu chính phủ Ả-rập Saudi phản hồi lại trước những cáo buộc trong bộ phim này nhưng họ từ chối bình luận.
Trong khi đó Hoàng thân Khaled, đang sống lưu vong ở Đức, lo lắng rằng ông cũng sẽ bị buộc phải trở về Riyadh.
“Có bốn chúng tôi là thành viên hoàng gia sống tại châu Âu. Chúng tôi đã chỉ trích gia đình và sự cầm quyền của hoàng gia tại Ả-rập Saudi. Ba người trong chúng tôi đã bị bắt cóc, và tôi là người duy nhất còn lại”, ông nói.
Liệu ông có thể là người kế tiếp trong danh sách bắt cóc?
“Tôi tin như vậy. Tôi tin như thế từ lâu rồi. Nếu họ có thể làm được, họ đã làm việc đó ngay bây giờ. Tôi rất thận trọng, nhưng nó là giá cho sự tự do của tôi”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40936703
Cảnh sát Hong Kong bắt giữ nhà hoạt động ‘bị bắt cóc’
Một nhà hoạt động vì dân chủ tại Hong Kong người nói rằng ông bị các nhân viên Trung Quốc ở đại lục bắt cóc và tra tấn vừa bị cảnh sát bắt giữ.
Giới chức cáo buộc ông Howard Lam là đã đưa ra các thông tin gây hiểu lầm.
Ông Lam nói hồi tuần trước ông bị bắt cóc vì những nỗ lực của ông muốn liên lạc với bà Lưu Hà, vợ góa của nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba.
Ông cũng cho các phóng viên xem những gì ông nói là bằng chứng của việc bị tra tấn, trong đó có những chiếc ghi dập sách cắm vào đùi ông.
TQ sắp nắm đầu ga xe lửa Hong Kong?
Chris Patten: ‘Đừng ảo tưởng rập đầu trước TQ’
Hong Kong thả người biểu tình phản đối
Hong Kong: Món ăn, đền thờ và văn hóa Đông-Tây
Phóng viên BBC tại Hong Kong, Juliana Liu, nói tiết lộ của ông Lam đã gây kinh ngạc và nhiều người yêu cầu điều tra những gì họ gọi có thể là một vi phạm nghiêm trọng tới quyền tự trị của thành phố này.
Các nhân viên từ Trung Quốc đại lục không được phép hoạt động tại Hong Kong, vùng lãnh thổ bán tự trị vốn có luật lệ riêng của mình.
Tuy nhiên nay chính ông Lam bị bắt giữ và nhà của ông bị lục soát để tìm bằng chứng, và các viên cảnh sát lấy đi điện thoại di động, máy tính bảng và các vật dụng cá nhân khác.
Cảnh sát nói không có sự nhất quán trong lời kể mà ông Lam nói với họ, trong đó có cáo buộc của ông rằng ông bị những người mà ông gọi là những kẻ bắt cóc đẩy lên xe hơi.
Các viên chức nói ông rời đi bằng phương tiện công cộng, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.
Tổ chức điều tra báo chí độc lập FactWire đã có được những hình ảnh CCTV ở khu vực mà ông Lam nói ông đã bị bắt cóc, và tổ chưucs này nói rằng dường như ông chỉ có một mình vào thời điểm xảy ra vụ việc bị cáo giác này.
Phóng viên BBC tại Hong Kong nói Đảng Dân chủ, mà ông Lam là một thành viên, tiếp tục ủng hộ ông, và nói rằng không có lsy do để ông bịa đặt những gì đã xảy ra với ông.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40936699
Bắc Hàn tạm ngưng kế hoạch
bắn tên lửa đến gần đảo Guam
Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-Un quyết định tạm thời ngưng kế hoạch bắn tên lửa vào vùng biển nằm sát đảo Guam của Hoa Kỳ, nhưng cũng nói rõ là sẽ thực hiện kế hoạch này nếu Washington vẫn tiếp tục có những hành động gây hấn.
Tin này được hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn KCNA đưa ra ngày 15 tháng 8.
Bản tin cho hay chiều hôm 14 tháng 8, lãnh tụ Bình Nhưỡng được Lực Lượng Tác Chiến Kỹ Thuật trình bày mọi chi tiết về kế hoạch bắn tên lửa đến Guam. Sau đó, ông Kim Jong-Un quyết định tạm ngưng, nhưng vẫn tiếp tục cảnh báo là nguy cơ chiến tranh vẫn còn, cuộc chiến có xảy ra hay không tùy thuộc vào thái độ của Hoa Kỳ.5b.
Quyết định của lãnh tụ Bắc Hàn được nhiều nhà quan sát gọi là quyết định mở đường cho các cuộc thương thuyết ngoại giao giữa Washington và Bình Nhưỡng, để giải quyết căng thẳng giữa đôi bên trong những tuần lễ vừa qua.
Cũng cần nhắc lại cuối tuần rồi, Bắc Hàn dọa sẽ bắn 4 tên lửa đạn đạo vào vùng biển cách đảo Guam của Mỹ chỉ chừng 30 cây số. Tức khắc, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump lên tiếng cảnh báo Bình Nhưỡng bằng những lời tuyên bố mạnh mẽ nhất, cho hay nếu điều đó xảy ra, ông Trump sẽ chỉ thị cho quân đội trả đũa bằng sức mạnh quân sự mà thế giới chưa từng thấy.
Mới hôm 14 tháng 8, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson và ông Tổng Trưởng Quốc Phòng James Mattis còn ký tên chung trên bài nhận định đang tải trên tờ The Wall Street Journal, nói rõ Bình Nhưỡng phải chịu mọi trách nhiêm vì gây nên chiến tranh.
Nhưng cũng trong bài nhận định này, hai vị ngoại trưởng và tổng trưởng quốc phòng Mỹ viết rằng Washington không chủ trương lật đổ chính phủ Bình Nhưỡng, mà chỉ đòi hỏi Bắc Hàn phải ngưng ngay những hành động gây hấn, tạo bất ổn ở Bán Đảo Triều Tiên cũng như gây ảnh hưởng bất lợi cho hòa bình toàn cầu.
Tại Washington, các viên chức Nhà Trắng chưa lên tiếng nói gì về tin liên quan đến quyết định của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-Un, nhưng những nguồn tin chưa kiểm chứng được cho hay từ cuối tuần rồi, đại diện ngoại giao Hoa Kỳ và Bắc Hàn đã gặp nhau ở New York.
Mục đích cuộc gặp được nói là nhằm tìm cách giải quyết căng thẳng, không để cho chiến tranh xảy ra.
Tại Seoul, Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in cũng vừa lên tiếng, đại ý cho hay ông sẽ tìm mọi cách để chiến tranh không xảy ra, nhấn mạnh không ai có quyền quyết định sử dụng giải pháp quân sự đối với Bắc Hàn mà không được sự đồng ý của chính phủ miền Nam.
Tuy vậy, Tổng Thống Nam Hàn cũng cho biết không đàm phán với Bắc Hàn, cho tới khi nào Bình Nhưỡng ngưng kế hoạch gây hấn bằng võ khí hạt nhân và tên lửa.
Trump ra lệnh rà soát mậu dịch với TQ
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump yêu cầu quan chức thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ rà soát thực hành về sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.
Động thái này có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ áp đặt các lệnh trừng phạt thương mại.
Ông Trump đang cố gắng cân bằng giữa việc hợp tác với Trung Quốc đối với quan hệ với Bắc Hàn và lập trường thương mại “Hoa Kỳ là trên hết” của mình.
Bắc Kinh cảnh báo “sẽ không ngồi yên” nếu việc điều tra này dẫn đến các biện pháp trừng phạt.
Ông Trump theo dự kiến sẽ ký lệnh cho phép Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer điều tra xem có nên thực hiện cuộc điều tra sâu rộng hơn theo Điều khoản 301 hay không.
Nếu cuộc điều tra như vậy xảy ra và phát hiện những bất lợi mà Trung Quốc gây ra thì tổng thống có thể đơn phương áp đặt thuế quan, các biện pháp trừng phạt hoặc hạn chế thương mại để bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ.
Quá trình rà soát sơ bộ ự kiến sẽ kéo dài nhiều tháng.
Mỹ và TQ đàm phán mậu dịch không thành
Nhiều triệu phú Trung Quốc muốn ra nước ngoài định cư
Tại sao chính quyền Trump quan ngại?
Donald Trump từ lâu đã nói về Hoa Kỳ bị thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc.
Tổng mậu dịch song phương có trị giá 648 tỉ USD vào năm ngoái nhưng Hoa Kỳ bị thâm hụt gần 310 tỉ USD.
Người ta cho rằng một số trong thâm hụt đó là vì các doanh nghiệp Trung Quốc đang nhái lại các sản phẩm và ý tưởng của Mỹ và bán lại hàng sang Mỹ với giá thấp hơn hoặc ép để hàng Mỹ không xuất được vào được thị trường Trung Quốc.
Lo ngại về hàng giả và vi phạm bản quyền cũng tồn tại trước ngày chính quyền ông Trump lên cầm quyền.
Các công ty Mỹ đặc biệt khó chịu về quy định đòi hỏi doanh nghiệp Mỹ phải có đối tác Trung Quốc hoặc phải tiết lộ sở hữu trí tuệ để vào thị trường Trung Quốc, mà họ nói là các qui định này tạo điều kiện chuyển giao ý tưởng của phía Mỹ.
Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ làm Mỹ mất bao nhiêu?
Ủy ban về theo dõi sở hữu trí tuệ Mỹ bị đánh cắp ước tính rằng tổn thất hàng năm mà nền kinh tế Mỹ vì hàng giả, phần mềm lậu và thực trạng đánh cắp bí mật thương mại là từ khoảng 225 USD tới 600 tỉ USD.
Ủy ban này nói rằng Trung Quốc là nước vi phạm sở hữu trí tuệ chính trên thế giới và rằng Trung Quốc chiếm 87% các mặt hàng giả đi vào thị trường Mỹ.
Trong tháng 11 năm 2015, Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia nói hoạt động gián điệp kinh tế qua xâm nhập mạng gây thiệt hại 400 tỉ USD mỗi năm.
Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Đức và Canada đã bày tỏ quan ngại về hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.
Một số người chỉ trích nói bước đi của Tổng thống Trump là một động thái nguy hiểm và có thể gây sụp đổ hệ thống thương mại quốc tế.
Trong khi hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ và vi phạm bản quyền là vấn đề lớn, động thái điều tra như vậy có thể khiến Trung Quốc có biện pháp trả đũa, theo Deborah Elms từ Trung tâm Thương mại châu Á.
Bà Elms nói sẽ có thiệt hại cho cả Hoa Kỳ và nếu bà có công ty ở Trung Quốc thì bà sẽ rất lo lắng.
Trung Quốc nói gì?
Để phản ứng lại động thái này Bộ Thương mại Trung Quốc ra một tuyên bố bày tỏ “quan ngại sâu sắc” và cảnh báo điều này sẽ “chắc chắn gây tổn hại cho quan hệ thương mại song phương”.
“Nếu phía Mỹ có những hành động làm suy yếu các quan hệ thương mại song phương, bất chấp thực tế và không tôn trọng quy tắc thương mại đa phương, Trung Quốc sẽ không ngồi yên,” tuyên bố cho biết.
Truyền thông chính thức ở Trung Quốc đã chỉ trích các biện pháp này.
Một bài bình luận của Tân Hoa Xã nói động thái là là “lỗi thời” và cho biết nó sẽ làm tổn thương cả hai nước.
Trong một bài xã luận, tờ China Daily đã thúc giục chính quyền Trump theo đuổi một cách thức khác.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-40933270
Lãnh tụ sinh viên Thái bị bỏ tù vì tội Khi Quân
Thủ lĩnh sinh viên Thái Lan 25 tuổi, Jatupat “Pai Dao Din” Boonpatararaksa, bị tòa án tỉnh Khon Kaen tuyên án hai năm 6 tháng tù giam vì tội Khi Quân.
Anh Jatupat bị bắt tháng Mười Hai năm 2016 sau khi đưa lên facebook hình ảnh cũng như bài viết về những chuyện chưa ai biết về tân vương Maha Vajiralongkorn và hoàng gia Thái Lan.
Bản tin AFP ngày 15 tháng Tám dẫn lời thân phụ của anh Jatupat cho biết tòa dự định tuyên phạt Jatupat 5 năm tù giam nhưng rồi giảm xuống còn 2 năm rưỡi sau khi anh này nhận lên tiếng nhận tội.
Theo luật Lese Majeste của Thái Lan, người dân có lời lẽ hay hành động gọi là xúc xiểm động chạm đến quốc vương hay hoàng gia đều bị khép vào tội khi quân. Người bị bắt thường được xử kín với mức án cao nhất là 15 năm tù.
Trước giờ người phạm luật Lese Majeste thường được khuyên nên nhận tội để được hưởng án giảm khinh. Đây là luật bị dư luận cũng như các tổ chức bảo vệ nhân quyền trong và ngoài Thái Lan chỉ trích là tùy tiện, áp đặt trong mục đích chính trị hơn là bảo vệ quốc vương Thái Lan.
Ông Kinsley Abbott, thành viên Ủy Hội Công Lý Quốc Tế, tổ chức chuyên theo dõi những phiên tòa xử tội khi quân ở Thái Lan, nói rằng chính phủ quân sự Thái dùng luật này để tước bỏ quyền tự do ngôn luận của giới trí thức.
Đài Loan cảnh giác trước việc TQ diễn tập
Bộ Quốc Phòng Đài loan hôm 15 tháng 8 cho biết quân đội nước ngày được đặt trong tình trạng báo động sau ba ngày máy bay quân sự Trung Quốc diễn tập sát gần đảo quốc này.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đài Loan Trần Trung Cát cho biết máy bay quân sự của Trung Quốc đã vài lần bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, nói thêm là hải quân và không quân của đảo quốc này sẽ luôn cảnh giác đề phòng trước hoạt động đó.
Ông Trần cũng trấn an người dân rằng Đài Loan đã quá kinh nghiệm với những chuyện như thế này nên dân chúng cứ yên tâm. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh là sẽ hành động khôn khéo để tránh làm mâu thuẫn với Hoa Lục leo thang.
Hiện tại Trung Quốc chưa lên tiếng về cuộc diễn tập không quân vào những ngày qua sát đảo quốc Đài Loan.
Chính quyền Đài Loan nói rằng 2 máy bay quân sự của Trung Quốc đã bay qua vịnh Bashir giữa Đài Loan và Philippines, bay tiếp về hướng bắc gần đảo Miyako của Nhật trước khi bay về căn cứ.
Trung Quốc cảnh báo Mỹ về chiến tranh thương mại
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 15/8 tuyên bố sẽ hành động để bảo vệ các quyền lợi của mình nếu Hoa Kỳ gây tổn hại quan hệ thương mại, sau khi Tổng thống Donald Trump yêu cầu điều tra khả năng Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Theo Reuters, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ có một năm để xem có nên mở một cuộc điều tra chính thức về các chính sách sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, mà Nhà Trắng và các tổ chức công nghiệp Mỹ nói là gây tổn hại tới doanh nghiệp và việc làm của Hoa Kỳ.
Một phát ngôn viên không rõ tên của Bộ Thương mại Trung Quốc nói trong một tuyên bố rằng Hoa Kỳ nên tôn trọng các số liệu khách quan, hành động thận trọng, tuân thủ các cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới, và không gây tổn hại tới các nguyên tắc đa phương.
Thông cáo viết tiếp rằng “nếu phía Hoa Kỳ phớt lờ các số liệu và không tôn trọng các nguyên tắc thương mại đa phương” thì “Trung Quốc sẽ không ngồi yên” và “sẽ có các biện pháp phù hợp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc”.
Tuyên bố này giống với một cảnh báo trước đó của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh về chuyện hành động của Mỹ sẽ dẫn tới chiến tranh thương mại không có lợi cho ai.
Các quan chức chính quyền Mỹ ước tính rằng việc Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ gây thiệt hại tới 600 tỷ đôla.
Tổng thống Trump từng ám chỉ rằng ông sẽ bớt chỉ trích Trung Quốc nếu nước này hành động nhiều hơn để kiềm chế Bắc Hàn cũng như các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-canh-bao-my-ve-chien-tranh-thuong-mai/3986305.html
Mike Pence: Venezuela thất bại là mối đe dọa với Mỹ
Phó Tổng thống Mike Pence ngày 14/8 khẳng định Hoa Kỳ sẽ dùng tất cả sức mạnh kinh tế và ngoại giao để được thấy dân chủ phục hồi tại Venezuela. Ông Pence nói ‘chế độ thất bại’ ở Venezuela là mối đe dọa cho dân Mỹ.
Phát biểu tại Cartagena, Colombia, ông Pence nhấn mạnh: “Tổng thống Donald Trump đã nói rõ là chúng ta sẽ không khoanh tay đứng nhìn Venezuela rơi vào một chế độ độc tài. Một nhà nước Venezuela thất bại đe dọa an ninh-thịnh vượng của toàn thể Tây bán cầu và dân chúng Mỹ.”
Ông Pence có giọng điệu hòa giải hơn ông Trump trong lúc khởi sự chuyến công du bốn nước Châu Mỹ La Tinh gồm Colombia, Argentina, Chile và Panama. Ông nói một giải pháp hòa bình cho tình trạng xáo trộn về chính trị tại Venezuela là khả thi.
Tuần trước, Tổng thống Trump đe dọa sẽ có hành động quân sự với Venezuela khiến cho một số quốc gia trong vùng lên án kể cả những nước thường mạnh mẽ chỉ trích Tổng thống Venezuela thiên tả Nicolas Maduro.
“Chúng tôi tuyệt đối quyết tâm dùng toàn thể sức mạnh kinh tế và ngoại giao cho đến khi nào chúng tôi thấy dân chủ được phục hồi tại Venezuela,” Phó Tổng thống Pence phát biểu với các phóng viên sau khi gặp các gia đình Venezuela sinh sống tại Colombia.
Ông không trả lời trực tiếp khi được hỏi liệu có quan điểm thay đổi chế độ tại quốc gia Nam Mỹ này không, nơi ông Maduro đang bị lên án vì bành trướng quyền hành thông qua một cơ quan lập pháp mới do những đồng minh với Đảng Xã hội của ông kiểm soát.
Phó Tổng thống Mỹ nói “Chính quyền hiện nay đang thay đổi và chúng ta đang chứng kiến Venezuela rơi vào một chế độ độc tài.”
Các giới chức chống ma túy Mỹ từ lâu xác nhận Venezuela là một điểm chuyển vận ma túy Nam Mỹ đến thị trường Hoa Kỳ. Ông Pence nói lượng ma túy có thể gia tăng vì cuộc khủng hoảng tại Venezuela nhưng cũng làm tăng số lượng di dân bất hợp pháp vào Mỹ. Ông Pence nói việc này “gây hại cho biên giới chúng ta, làm tổn thương cho kinh tế chúng ta và trong một số trường hợp, gây phương hại an ninh của gia đình và cộng đồng chúng ta.”
Tổng thống Venezuela lợi dụng sự bất bình trong nước đối với phát biểu của ông Trump để tổ chức các cuộc biểu tình “chống chủ nghĩa tư bản” vào ngày 14/8.
Hơn 120 người Venezuela thiệt mạng trong các vụ bạo động kể từ tháng 4 năm nay, giữa lúc nền kinh tế nước này rơi vào cơn suy thoái sâu rộng hơn bởi tình trạng lạm phát lên đến 3 con số cũng như khan hiếm thực phẩm và thuốc men.
https://www.voatiengviet.com/a/mike-pence-venezuela-that-bai-la-moi-de-doa-voi-my/3985528.html
Máy bay không người lái của Iran áp sát tàu sân bay Mỹ
Một máy bay không người lái của Iran áp sát tàu sân bay Mỹ trong phạm vi 300m trong khi tàu Mỹ đang di chuyển trong hải phận quốc tế ở Vùng Vịnh tiến hành các hoạt động bay, phát ngôn nhân của Bộ chỉ huy Trung ương Các lực lượng Hải quân Mỹ cho biết ngày 14/8.
Người phát ngôn Ian McConnaughey nói “một máy bay không người lái tiếp cận không an toàn và không chuyên nghiệp” khi bay ngang tàu Mỹ USS Nimitz tối ngày 13/8.
Bộ phận kiểm soát máy bay không người lái đã không đáp ứng yêu cầu liên lạc của chúng tôi, ông cho biết.
Trong năm nay, các giới chức Mỹ đã nhiều lần phàn nàn về những vụ tiếp cận không chuyên nghiệp và không an toàn giữa lực lượng hàng hải Iran với Mỹ.
Thứ ba tuần rồi, giới chức Mỹ loan báo một máy bay không người lái của Iran tiếp cận một phản lực chiến đấu Mỹ khi máy bay này chuẩn bị đáp xuống tàu sân bay. Đó là sự cố lần thứ 13 trong năm nay.
Phát ngôn nhân McConnaughey cho hay trong sự cố mới nhất lần này, máy bay không người lái của Iran không có đèn định vị và việc này có thể dẫn tới va đụng và vi phạm luật hàng hải quốc tế.
https://www.voatiengviet.com/a/may-bay-khong-nguoi-lai-cua-iran-ap-sat-tau-san-bay-my-/3985515.html
California kiện chính quyền Trump
California định kiện Bộ Tư pháp Mỹ về việc liên bang hạn chế một số tài trợ cho công tác thi hành luật pháp do California là một trong những thành phố trú ẩn an toàn cho di dân không giấy tờ, một phát ngôn viên của văn phòng Tổng Chưởng lý California ngày 14/8 loan báo.
Thành phố San Francisco tuần trước đã đệ đơn kiện Bộ Tư pháp, lập luận rằng chính phủ liên bang đã tìm cách buộc các cơ quan tài phán địa phương thi hành luật di trú liên bang bằng cách áp đặt những điều kiện tài trợ.
Tổng thống Trump tháng 1 năm nay ban hành lệnh hành pháp rộng rãi nhắm cắt tài trợ liên bang cho các thành phố thường bảo vệ an toàn cho các di dân bất hợp pháp bằng cách từ chối sử dụng những nguồn lực của thành phố để thực thi luật di trú liên bang.
Tuy nhiên một thẩm phán San Francisco đã hạn chế đáng kể phạm vi áp dụng của chính sách này.
Bộ Tư pháp tìm cách áp đặt những điều kiện tài trợ của liên bang cho các cơ quan thi hành luật pháp địa phương để các giới chức di trú liên bang được quyền tiếp cận với các trại giam cũng như được báo trước 48 giờ đồng hồ trước khi trả tự do cho những người bị truy nã vì vi phạm luật di trú.
Đơn kiện dự trù của California, vụ kiện của thành phố Chicago và của thành phố San Francisco đều thách thức những điều kiện này.
Trong một tuyên bố ngày 14/8, Tổng Chưởng lý California Xavier Becerra nói quyết định phân bổ các nguồn lực thi hành luật pháp tốt nhất là phận sự của tiểu bang chứ không phải của chính phủ liên bang.
https://www.voatiengviet.com/a/california-kien-chinh-quyen-trump/3985519.html
Căng thẳng Triều Tiên ‘hạ nhiệt’?
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày 14/8 giảm nhiệt khi Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên phải được giải quyết một cách hòa bình và các giới chức Mỹ cũng hạ giảm nguy cơ chiến tranh đang lộ diện.
Quan ngại về việc Bắc Triều Tiên sắp đạt mục tiêu đặt lãnh thổ Mỹ vào tầm ngắm của một vũ khí hạt nhân khiến căng thẳng tăng cao trong những tháng gần đây.
Tuần trước, Tổng thống Donald Trump cảnh báo quân đội Hoa Kỳ sẵn sàng nổ súng nếu Bắc Triều Tiên hành động thiếu khôn ngoan sau khi Bình Nhưỡng đe dọa phóng phi đạn vào vùng biển gần đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.
“Không nên gieo thêm chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Dù chúng ta phải đối mặt với những thăng trầm, tình hình hạt nhân của Bắc Triều Tiên phải được giải quyết một cách hòa bình,” Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói trong một cuộc họp với các phụ tá và cố vấn cao cấp.
Ông Moon nhấn mạnh: “Tôi chắc là Hoa Kỳ sẽ đáp ứng với tình hình hiện tại một cách bình tĩnh và có trách nhiệm phù hợp với lập trường của chúng ta.”
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson gởi một thông điệp hòa dịu đến Bắc Triều Tiên trong một bài xã luận đăng trên Báo The Wall Street ngày 13/8.
“Hoa Kỳ không quan tâm đến việc thay đổi chế độ hay đẩy mạnh việc thống nhất Triều Tiên. Chúng tôi không tìm cách biện minh cho việc điều động binh sĩ Mỹ trú đóng tại phía bắc Vùng Phi quân sự,” các giới chức nói khi đề cập đến một số lo ngại của Bình Nhưỡng là Washington có ý định tối hậu là thay đổi chế độ của quốc gia cô lập này.
Bài xã luận này có giọng điệu hòa dịu hơn với Bắc Triều Tiên so với những lời tuyên bố của Tổng thống Trump. Ông Trump tuần trước cảnh cáo Bình Nhưỡng là sẽ có “hỏa thịnh nộ” nếu Bắc Triều Tiên mở một cuộc tấn công.
Ông Mattis và ông Tillerson đều nhấn mạnh là Hoa Kỳ nhắm vào việc “thực hiện hoàn toàn, kiểm chứng được và không thể đảo ngược việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và giải tán chương trình phi đạn đạn đạo của chế độ Bắc Triều Tiên.”
“Dù ngoại giao là những biện pháp chúng tôi muốn dùng trong việc thay đổi hành động của Bắc Triều Tiên, nhưng những biện pháp này được các giải pháp quân sự hỗ trợ,” họ nói.
Hoa Kỳ đang dùng “chính sách quy trách nhiệm chiến lược” đối với Bắc Triều Tiên, hai giới chức này viết, nhưng không rõ chính sách này khác biệt như thế nào đối với chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của cựu Tổng thống Barack Obama.
https://www.voatiengviet.com/a/cang-thang-trieu-tien-ha-nhiet/3985497.html
Trump lên án Tân Quốc Xã và KKK là ‘tội phạm, côn đồ’
Tổng thống Donald Trump hôm 14/8 lên án Tân Quốc Xã và Ku Klux Klan là những kẻ tội phạm và côn đồ, trong một động thái nhượng bộ trước áp lực chính trị ngày càng tăng sau khi ông thoạt tiên quy lỗi cho nhiều bên về một cuộc tuần hành trở nên bạo động, và đưa đến chết chóc ở bang Virginia do những phần tử cực đoan da trắng tiến hành.
Ông Trump bị cả các thành viên của Đảng Cộng Hoà lẫn Đảng Dân chủ đả kích vì đã không phản ứng quyết liệt hơn trước những hành động bạo lực ở Charlottesville hôm thứ Bảy 12/8, trong đó một phụ nữ bị giết chết khi một người đàn ông lao xe vào một nhóm người phản đối người biểu tình.
Giới chỉ trích nói Tổng thống Trump đã chờ đợi quá lâu trước khi lên tiếng về vụ đổ máu, họ kịch liệt đả kích ông Trump vì thoạt tiên, ông đã quy lỗi cho “nhiều bên” tham gia hành động bạo lực, thay vì rõ ràng và công khai lên án những thành phần cực đoan da trắng kỳ thị chủng tộc, được coi rộng rãi là những kẻ đã khởi sự cuộc xung đột dẫn tới tình trạng náo loạn.
Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Trump phát biểu trong một thông báo với các ký giả Toà Bạch Ốc:
“Kỳ thị chủng tộc là điều xấu xa và những kẻ gây bạo lực vì lý do kỳ thị đều là những kẻ tội phạm và côn đồ, kể cả KKK, Tân Quốc xã, thành phần da trắng cực đoan kỳ thị chủng tộc và các nhóm reo rắc hận thù khác, tất cả đều đáng lên án dựa trên những giá trị mà chúng ta đều trân quý trong tư cách là người Mỹ.”
Ông Trump nói nước Mỹ đã để lộ nhân cách đích thực của mình trong những thời điểm như thế, và đã mang tình yêu ra đánh bại hận thù, và lấy tình đoàn kết để chiến thắng chia rẽ.
Ông Trump nói:
“Chúng tôi lên án bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất lối thể hiện lòng hận thù, tinh thần bất khoan dung và bạo động đáng ghê tởm như vậy. Lòng hận thù đó không có chỗ đứng trong xã hội Mỹ… Bất kề màu da, chúng ta đều phải tuân thủ cùng những luật lệ. Chúng ta đều chào cùng một lá cờ và đều được tạo ra theo hình ảnh của Thượng đế toàn năng.”
Thanh niên James Alex Fields, 20 tuổi, được cho là cảm tình viên của Đức Quốc Xã thời còn trong tuổi teen, đang bị truy tố về tội cố ý lái xe xông thẳng vào đám đông biểu tình chống thành phần cực đoan da trắng, giết chết cô Heather Yeyer, và gây thương tích cho 19 người. Đương sự bị bác đơn xin tại ngoại hầu tra.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-len-an-tan-quoc-xa-va-kkk-la-toi-pham-con-do/3985299.html
Mỹ: Nghi can đâm xe vào đám đông ra tòa
Một thẩm phán ở tiểu bang Virginia hôm 14/8 đã từ chối cấp qui chế tại ngoại hầu tra cho ông James Alex Fields Jr., 20 tuổi, nghi can bị buộc tội giết người mức độ hai và các cáo buộc khác, sau khi chính quyền cho biết rằng nghi can đã lái xe đâm vào đám đông chống người biểu tình gần nơi tuần hành của những người da trắng cực đoan, theo tin của đài truyền hình ABC.
Điều đó có nghĩa là ông Fields, những người mà các bản tin cho là bị ảnh hưởng bởi Đức Quốc xã, vẫn bị tạm giam ít nhất cho đến khi ông có một luật sư.
Văn phòng luật sư công của địa phương thông báo cho tòa án rằng văn phòng này không thể đại diện cho ông Fields vì lý do có xung đột lợi ích – một người trong văn phòng có một người họ hàng bị thương trong vụ bạo lực hôm 13/8 ở thành phố Charlottesville.
Một luật sư địa phương sẽ được chỉ định để đại diện cho ông Fields và có thể ra yêu cầu xin tại ngoại trước ngày xét xử kế tiếp là ngày 25/8.
Các công tố viên không tiết lộ các bằng chứng chống lại ông Fields, người thanh niên ở tiểu bang Ohio đến tiểu bang Virginia để tham dự cuộc mít tinh, theo lời mẹ ông nói với tờ Washington Post cuối tuần qua.
Ông Fields bị truy tố về tội giết người, ba tội danh vì gây thương tích nặng và một tội danh về tông xe và bỏ chạy.
Bộ Tư pháp cũng đã đưa ra một cuộc điều tra về quyền dân sự đối với vụ đâm xe ô tô và vào hôm thứ Hai 14/8, Bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions nói trên các chương trình truyền hình rằng bạo lực ở thành phố Charlottesville là một vụ khủng bố trong nước.
Cùng ngày, theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên án các nhóm tôn sùng người da trắng, và nói rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hay sự thù hận “không có chỗ đứng ở Mỹ”.
Người đứng đầu Nhà Trắng đã phát biểu như vậy sau khi bị cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa kêu gọi lên tiếng phản đối tình trạng bạo lực làm một phụ nữ bị chết vì bị đâm xe hôm 13/8.
https://www.voatiengviet.com/a/my-nghi-can-dam-xe-vao-dam-dong-ra-toa/3985065.html
Nhà hoạt động Trung Quốc đối mặt án 10 năm tù
Một tòa án ở Trung Quốc hôm 14/8 đã đưa ông Ngô Cam, một nhà hoạt động nhân quyền nổi bật của nước này, ra xử kín.
Theo các nhà quan sát luật pháp, tòa có thể ra phán quyết trong vòng một tuần và người từng nhạo báng nhà nước ngăn chặn nỗ lực thúc đẩy công lý của ông có thể đối mặt với án lên tới 10 năm tù.
Từng là một quân nhân, người đàn ông 44 tuổi này đã nổi lên vì các chiến dịch vận động không theo quy chuẩn thông thường, kết hợp giữa những bài diễn văn trực tuyến, sự châm biếm hài hước và biểu diễn trên đường phố.
Ông Ngô bị bắt hồi tháng Năm năm 2015 sau khi ông bị cáo buộc chửi người đứng đầu tòa án ở tỉnh Giang Tây. Hai tháng sau, ông chính thức bị truy tố tội “kích động lật đổ nhà nước”.
Tuy nhiên, vụ bắt giữ ông được cho có liên hệ tới việc đàn áp các luật sư nhân quyền vào ngày 9/7, vốn khai mào cùng tháng.
Ông Ngô từng làm việc với tư cách điều tra viên cho một công ty luật ở Bắc Kinh là mục tiêu chính của cuộc trấn áp.
Tòa cho biết rằng vụ xử không mở cửa cho công chúng tới dự vì liên quan tới “bí mật nhà nước”, đồng thời nói rằng ông Ngô đã “thừa nhận” hành vi của mình.
Trong khi đó, trước phiên xử, cha nhà hoạt động này đã đăng tải một tuyên bố trên mạng, trong đó ông gọi phiên tòa là “trò hề”.
https://www.voatiengviet.com/a/nha-hoat-dong-trung-quoc-doi-mat-voi-an-tu-muoi-nam/3986474.html
Iran đe dọa tái khởi động chương trình hạt nhân
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 15/8 tuyên bố rằng nước ông muốn tuân thủ thỏa thuận quốc tế ký năm 2015 về chương trình hạt nhân của mình, nhưng nếu Hoa Kỳ tiếp tục “đe dọa và trừng phạt”, thì Iran sẽ nhanh chóng hồi sinh hoạt động hạt nhân ở cấp độ cao hơn trước.
Trong bài phát biểu trước quốc hội và được phát trên truyền hình, ông Rouhani nói rằng Hoa Kỳ không phải là một “đối tác tốt”.
Ông Rouhani nói: “Những ai tìm cách trở lại với ngôn ngữ đe dọa và trừng phạt thì đó là các tù nhân bị ảo giác quá khứ. Họ tự tước đoạt các lợi thế hòa bình”.
Tehran phản đối các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào những người liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo của Iran cũng như Đội Vệ binh Cách mạng, mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ký đầu tháng này, tiếp sau các vụ thử tên lửa đạn đạo của Iran.
Đôi bên đã đổ lỗi cho nhau vi phạm tinh thần của bản thỏa thuận hạt nhân, vốn đạt được sau các cuộc đàm phán dài hơi giữa Iran và nhóm bao gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức.
Ông Hussein Banai, nhà phân tích tại Đại học Indiana, nhận định với VOA rằng phát biểu của ông Rouhani cho thấy rằng cả phe theo đường lối cứng rắn và ôn hòa của Iran đều đồng lòng vì chương trình tên lửa của nước này.
https://www.voatiengviet.com/a/iran-tai-khoi-dong-chuong-trinh-hat-nhan/3986460.html
Italy phái đại sứ trở lại Ai Cập
Italy ngày 14/8 loan báo sẽ phái đại sứ trở lại Ai Cập sau hơn 1 năm xảy ra vụ sát hại một sinh viên người Italy khiến chính phủ Rome triệu hồi đại sứ về nước.
Sinh viên Giulio Regeni 28 tuổi bị sát hại ở thủ đô Cairo của Ai Cập đầu năm 2016. Ngày 3/2/16, thi thể nạn nhân được tìm thấy ở vùng ngoại ô thủ đô với các dấu vết bị tra tấn dã man.
Tháng tư năm ngoái, Italy triệu đại sứ về nước trong khi chờ đợi Ai Cập thu thập bằng chứng vụ án mạng này. Trong suốt năm qua, chưa một nghi can nào bị truy tố liên quan vụ việc.
Ngoại trưởng Italy, Angelino Alfano, nói chính phủ Italy quyết phải xác minh cho ra nguyên nhân cái chết của Giulio và rằng phái đại sứ tới Ai Cập sẽ giúp dễ dàng liên lạc, củng cố hợp tác tư pháp để tìm ra sự thật.
Các nguồn tin cho Reuters biết sinh viên Regeni, người nghiên cứu các công đoàn độc lập ở Ai Cập để làm luận án tiến sĩ tại đại học Cambridge, bị chính phủ nghi ngờ trước khi vụ án mạng xảy ra.
Các nguồn tin an ninh và tình báo cho Reuters biết Regeni từng bị bắt tại Cairo vào ngày 25/1/16 và bị câu lưu. Giới chức Ai Cập từ chối dính líu tới cái chết của Regeni.
Phụ huynh của Regeni mạnh mẽ phản đối việc chính phủ Italy bình thường hóa lại quan hệ với Ai Cập, e rằng sẽ bị mất áp lục đối với Ai Cập trong việc truy tìm hung thủ.
Ngoại trưởng Alfano chưa cho biết chính xác thời điểm tân đại sứ Giampaolo Cantini sẽ trở lại Cairo.
https://www.voatiengviet.com/a/italy-phai-dai-su-tro-lai-ai-cap-/3985518.html
Trung Quốc thi hành lệnh chế tài Bắc Triều Tiên
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 14/8 ban hành lệnh cấm nhập khẩu một vài món hàng từ Bắc Triều Tiên bao gồm than đá, quặng sắt, chì và hải sản. Lệnh cấm có hiệu lực tức thì từ ngày 15/8 được xem là tuân thủ các biện pháp chế tài của Liên hiệp quốc loan báo trong tháng này.
Những biện pháp trừng phạt của Liên hiệp quốc phải được thi hành 30 ngày sau khi nghị quyết được thông qua trong cuộc biểu quyết ngày 6/8.
Chính phủ Trung Quốc nói bất cứ tàu hàng nào của Bắc Triều Tiên trên đường đến Trung Quốc sẽ được hải quan làm thủ tục bốc dỡ như thường lệ trước hạn chót chế tài của Liên hiệp quốc.
Lệnh cấm được loan báo vào thời điểm Trung Quốc chịu áp lực của Mỹ thi hành một cách chặt chẽ những chế tài và đóng một vai trò lớn hơn trong việc kìm chế Bắc Triều Tiên.
Trung Quốc chiếm khoảng 90% tổng số thương mại của Bắc Triều Tiên và cung cấp một số lượng khổng lồ thực phẩm và năng lượng cho Bình Nhưỡng.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-thi-hanh-lenh-che-tai-bac-trieu-tien/3985472.html
Tranh chấp Ấn-Trung ở Doklam
và “Cuộc Chơi Lớn” của châu Á
Căng thẳng từ hai tháng nay tại Doklam, một khu vực hẻo lánh vùng chân núi Himalaya, nằm giữa hai cường quốc châu Á, là Trung Quốc và Ấn Độ, tương đối ít được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng xung đột này có thể dẫn đến những khủng hoảng khó lường. Trước hết RFI xin giới thiệu bài phân tích của nhà chính trị học Mỹ Michael Auslin “Tranh chấp Doklam có thể giải quyết được ? Những nguy hiểm của tình trạng bế tắc tại vùng biên giới Trung- Ấn”. Bài viết được đăng tải (ngày 1/8/2017) trên báo mạng về quan hệ quốc tế Foreign Affairs.
Nhà chính học Mỹ Michael Auslin là tác giả cuốn “Sự chấm dứt của thế kỷ châu Á : Chiến tranh, trì trệ và nguy cơ đối với khu vực kinh tế năng động nhất thế giới” (1), ra mắt đầu năm nay. Theo tác giả, trong những năm vừa qua, giới lãnh đạo chính trị Mỹ và Đông Á hết sức bận tâm với các cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển ở châu Á, có nguy cơ bùng phát thành xung động vũ trang toàn diện.
Căng thẳng Biển Đông và Biển Hoa Đông che lấp
Lo ngại Trung Quốc bành trướng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông là nguyên do chủ yếu của chính sách xoay trục của Obama sang khu vực châu Á Thái Bình Dương. Gần đây, tổng thống Mỹ Donald Trump tái lập các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý các đảo nhân tạo do Trung Quốc kiểm soát tại Biển Đông, các đảo mà Việt Nam hoặc Philippines đòi hỏi chủ quyền, cũng là theo hướng này. Hệ quả là các căng thẳng “cũng hết sức nguy hiểm” trên đất liền bị coi nhẹ. Nhà chính trị học Mỹ nhấn mạnh là “chiến tranh tại châu Á” có thể bùng lên từ khu vực cách xa các vùng tranh chấp trên đại dương hàng ngàn cây số. Xung đột có thể đưa khu vực vào “hỗn loạn”.
Nhà chính trị học Mỹ so sánh tình hình tranh chấp lãnh thổ phức tạp hiện nay tại châu Á với châu Âu thế kỷ 19, không chỉ với các điểm căng thẳng nổi rõ, như vĩ tuyến 38, chia đôi hai miền Nam Bắc Triều Tiên, mà còn cả những xung đột tiềm ẩn, như căng thẳng kéo dài nhiều năm giữa Thái Lan và Cam Bốt xung quanh một ngôi đền cổ, gần đây mới được giải quyết.
Căng thẳng xung quanh khu vực tranh chấp tại bình nguyên Doklam, rộng khoảng 90 km², giữa Ấn Độ và Trung Quốc bắt nguồn từ một thỏa thuận mập mờ giữa đế quốc Anh và chính quyền Nhà Thanh hồi cuối thế kỷ 19. Quân đội Ấn Độ hiện nay đang ngăn cản Trung Quốc xây dựng một con đường qua khu vực này. Hiện tại hàng ngàn binh lính hai bên đang đối diện nhau, và đang trong tình thế sẵn sàng chiến đấu.
Đọc thêm : Quân đội Ấn-Trung gườm nhau ở biên giới
Tranh chấp tại khu vực Doklam (2) chỉ là một trong những điểm nóng trên hơn 3.000 cây số biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, với hơn trăm ngàn cây số vuông tranh chấp, nhất là tại vùng Aksai Chin (43 180 km2), Trung Quốc kiểm soát, và Arunachal Pradesh (90 000 km2), do Ấn Độ quản lý. Sau cuộc chiến tranh biến giới chớp nhoáng hồi 1962, hai bên – chủ yếu là Trung Quốc – thường xuyên tiến hành các cuộc hành quân vào khu vực tranh chấp của phía bên kia, nhiều đụng độ đã xảy ra. Căng thẳng hiện nay tại Doklam đặc biệt được chú ý vì đây là khu vực nằm sát với dải đất hẹp nối liền phần lãnh thổ trung tâm với bảy bang đông bắc, được coi là một yết hầu của Ấn Độ.
Hai thủ lĩnh dân tộc chủ nghĩa quyền uy
Theo nhà chính trị học Mỹ, tình hình hiện nay càng thêm phức tạp, do Ấn Độ và Trung Quốc đang nằm dưới quyền của “các lãnh đạo hùng mạnh theo quan điểm dân tộc chủ nghĩa”. Hai ông Tập Cận Bình (Xi Jin Ping) và Narendra Modi được coi là “các thủ lĩnh có sức ảnh hưởng mạnh nhất” trong giai đoạn vài chục năm trở lại đây. Trong tình thế hiện nay, không lãnh đạo bên nào chấp nhận nhân nhượng. Ông Tập Cận Bình đang đứng trước kỳ Đại Hội Đảng có tính quyết định vào mùa thu này, lãnh đạo Trung Quốc hy vọng tăng cường hơn nữa quyền lực vốn đã rất mạnh của mình. Trong khi đó, thủ tướng Ấn Độ Modi vừa chiến thắng trong một đợt bầu cử, giúp ông rảnh tay hơn trong đối nội.
Tác giả Michael Auslin dự báo chủ nghĩa dân tộc “là một yếu tố then chốt” trong chính sách đối ngoại của cả Trung Quốc và Ấn Độ, các tình cảm bị kích động trong khủng hoảng sẽ rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, ông cảnh báo là nếu để căng thẳng bùng phát thành xung đột, Bắc Kinh sẽ thiệt hại nhiều.
Xung đột nhỏ, hệ lụy lớn
Trung Quốc không những “mất uy tín” với tư cách là một lãnh đạo quốc tế đang lên, mà các thế lực chống Bắc Kinh tại Tây Tạng và Tân Cương cũng tranh thủ cơ hội để đầy lùi các lực lượng an ninh Trung Quốc mà họ coi là kẻ chiếm đóng ra khỏi các khu vực này. Về phần Ấn Độ, một thất bại trước một Trung Quốc được trang bị tốt hơn “không chỉ là một nỗi nhục quốc gia”, mà còn tăng thêm cơ hội cho Bắc Kinh mở rộng các ảnh hưởng của mình tại các quốc gia láng giềng với Ấn Độ, đặc biệt là khiến Pakistan đồng minh của Trung Quốc có điều kiện thổi bùng căng thẳng tại các vùng tranh chấp biên giới với Ấn Độ.
Xung đột Doklam tại vùng Himalaya xa xôi hiểm trở khó có thể bùng lên thành “chiến tranh quy mô”. Tuy nhiên, rất có thể các cường quốc như Nga và Nhật sẽ can dự để ủng hộ về mặt tinh thần, hoặc về phương tiện, đối với một trong hai phía tham chiến.
Tác giả rút ra một điều nghịch lý là Doklam chỉ là một trong những địa điểm hẻo lánh nhất trên thế giới, nhưng lại thể hiện một khía cạnh chủ yếu trong “Cuộc Chơi Lớn” (Great Game) của châu Á hiện nay. Đó là, “do giàu có hơn nhiều, nhờ hàng thập niên phát triển, nhờ thương mại, toàn cầu hóa, các cường quốc châu Á đã hiện đại hóa quân đội, nhắm trở lại đòi hỏi các vùng lãnh thổ tranh chấp”, các tham vọng vốn bị gạt sang một bên trong hàng thập niên vừa qua. Nguy cơ xung đột bùng phát “có thể không xa”.
***
Chuyên gia Ấn Độ : Tín hiệu “giận dữ” của Trung Quốc
Vẫn về căng thẳng Doklam, nhà báo Ấn Đô Praveen Swami, chuyên về các vấn đề an ninh quốc tế có bài “Doklam không phải là vấn đề một con đường”. Tác giả nhấn mạnh cội rễ của căng thẳng hiện nay là do Bắc Kinh muốn gửi đến New Delhi tín hiệu là Trung Quốc “giận dữ” trước việc Ấn Độ tăng cường xây dựng liên minh với các đối thủ tại châu Á của Trung Quốc, và với Hoa Kỳ. Nhà báo Ấn Độ so sánh tình hình biên giới Ấn Trung với cục diện bán đảo Balkan, châu Âu, nơi xung đột bùng phát, châm ngòi cho cuộc Đại chiến thế giới thứ nhất.
Cũng tác giả này, trong một bài viết khác, “Hai tháng sau cuộc đối đầu tại Doklam, đo lường sức mạnh của Trung Quốc”, lưu ý “con rồng” Trung Quốc sẵn sàng “khạc lửa”, nhưng trên thực tế nó “vẫn chưa đủ nanh vuốt”. Tác giả nhắc lại bài học lịch sử Trung Quốc trong cuộc chiến biên giới chống Việt Nam năm 1979, hơn 12.000 binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng, chủ yếu là con em các gia đình nông dân nghèo, cuộc chiến không được đưa vào lịch sử chính thức.
Nhà nghiên cứu Onkar Marwah, chuyên gia viện tư vấn độc lập Viện Hòa Bình và các Nghiên cứu về Xung Đột, có trụ sở tại New Delhi, có bài “Nếu chiến tranh xảy ra tại Doklam, tại sao Trung Quốc chắc chắn sẽ thất bại”. Theo nhà nghiên cứu Ấn Độ, bất luận kết quả thể nào, Trung Quốc sẽ là bên thua cuộc, cuộc chiến sẽ đẩy New Delhi gần gũi hơn nữa với các quốc gia “phía đông” cũng như “phía tây”, các nước có thể cũng mạnh hoặc thậm chí mạnh hơn Trung Quốc về quân sự và kinh tế.
Nếu Trung Quốc thực sự chủ trương Con Đường Tơ Lụa hòa bình…
Tuy nhiên vấn đề Doklam không chỉ cần được nhìn nhận dưới góc độ chính trị, quân sự và an ninh, mà các truyền thống văn hóa, lịch sử cũng là những điều hệ trọng.
Nhà nhân học Aadil Brar, đại học British Columbia – Vancouver, Canada, trong bài “Câu chuyện lịch sử ẩn đằng sau cuộc đối đầu ở Doklam”, thì lưu ý với chính quyền Trung Quốc về lịch sử giao thương, giao lưu văn hóa, tôn giáo lâu đời giữa Ấn Độ và khu vực Tây Tạng, hiện nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, mà Doklam là một trong những huyết mạch.
Trước khi Trung Quốc kiểm soát Tây Tạng, về kể cả trong những năm cuối thập niên 1950, một cơ quan thương mại Ấn Độ vẫn được duy trì tại vùng thung lũng Chumbi (thuộc Doklam), trước khi bị chính quyền Trung Quốc xúi dục dân chúng đánh đuổi. Đây là một bằng chứng cho thấy lịch sử mối quan hệ lâu đời này.
Nhà nhân học khuyến nghị chính quyền Trung Quốc, nếu thực sự chủ trương xây dựng một cách hòa bình kế hoạch Một Vành Đai, Một Con Đường nối liên Âu – Á, thì rất nên xem lại những mạng lưới giao thông xuyên Himalaya, trong lịch sử, từng giúp làm nên nền thương mại thời cổ đại tại khu vực hiểm trở này, thay vì xây cất đường xá để phô trương sức mạnh quân sự.
(1) “The End of the Asian Century: War, Stagnation, and the Risks to the World’s Most Dynamic Region“, ấn hành đầu năm 2017.
(2) Doklam nằm trong khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan, tiểu quốc nằm dưới sự bảo trợ về quân sự của Ấn Độ.
Paris – Bordeaux : đi TGV chỉ còn 2 tiếng
Kể từ mùa hè 2017, công ty đường sắt Pháp (SNCF) trong nỗ lực hiện đại hóa mạng lưới giao thông, đã khánh thành hai tuyến đường xe lửa cao tốc mới. Cả hai tuyến đường này nối liền thủ đô Paris với các tỉnh thành phía tây, dọc bờ Đại Tây Dương, từ miền Bretagne ở phía tây bắc cho tới vùng Pyrénées Atlantique ở phía tây nam.
Báo chí địa phương đã ghi nhận những tiến bộ, cũng như những điều bất cập, một tháng sau khi các tuyến đường xe lửa cao tốc mới này được đưa vào hoạt động. Theo hai tờ báo Télégramme và Ouest France, tuyến đường TGV L’Océane nối liền thủ đô Paris với các thành phố Rennes, Brest, Vannes, Quimper, Lorient ở miền Bretagne, rút ngắn thời gian di chuyển khoảng 45 phút, từ hai tiếng xuống còn 1 tiếng 25 phút trong trường hợp của Rennes. Chi phí tổng cộng xây dựng tuyến đường TGV L’Océane ở miền Bretagne là 3,4 tỷ euro.
Còn tuyến đường TGV Ouest đi qua các thành phố như Poitiers, La Rochelle, Agen, Pau, Toulouse, Hendaye (ở vùng biên giới Tây Ban Nha). Thời gian di chuyển được rút ngắn một cách ngoạn mục : đi xe lửa cao tốc từ Paris xuống Bordeaux chỉ còn 2 tiếng đồng hồ (2g04) thay vì hơn 3 tiếng như trước đây (3g11). Tuyến đường này cũng giúp hành khách tiết kiệm được thêm thời gian khoảng 1 giờ 25 phút, đi từ Paris tới Toulouse chỉ còn có 4 tiếng thay vì 5 tiếng rưỡi.
Nhìn chung, nhờ vào hệ thống đường sắt mới dành cho xe lửa cao tốc, hầu hết các chuyến xe lửa TGV đều khởi hành và đến bến đúng giờ, đôi khi còn tới sớm hơn vài phút, một điều mà theo tờ báo Sud Ouest là rất khó thể hình dung cách đây một năm, do tuyến đường Paris Bordeaux thường bị quá tải ở những giờ cao điểm và hễ có 1 chuyến xe bị chậm trễ là các chuyến sau cũng bị tác động dây chuyền. Với tuyến đường TGV Ouest, các chuyến xe có thể chuyên chở tới 35.000 hành khách trong một ngày mà ít gặp trở ngại. Nhịp độ các chuyến xe cũng đã được tăng cường.
Thế nhưng điểm bất cập lớn nhất, theo tờ Sud Ouest, là giá vé xe lửa đã tăng mạnh hơn dự kiến ít nhất là từ 15% tới 25% cho mỗi chuyến, đi chứ không phải là 10% như công ty đường sắt SNCF đã hứa hẹn. Trước khi đưa vào hoạt động, ban giám đốc SNCF đã tuyên bố ‘‘kiểm soát vấn đề tăng giá’’ không quá 10 euro cho vé đi Paris – Bordeaux và 6 euro cho một vé Paris – Rennes, nhưng thực tế cho thấy là rất khó thể nào tìm thấy một giá vé khứ hồi Paris Bordeaux ở mức thấp nhất là 95 euro.
Thành phần chịu nhiều thiệt thòi nhất không phải là khách nước ngoài hay dân Pháp đến từ các vùng miền khác, bởi vì lâu lâu họ mới có dịp đi Bordeaux một lần, mà là những hành khách do nhu cầu công việc thường đi từ Paris xuống Bordeaux, mỗi tuần hay mỗi tháng một lần, do các dịch vụ ‘‘vé tháng’’ dành cho khách đi thường xuyên (grand voyageur) cũng đã tăng theo.
Sự kiện tăng thêm giá trung bình của mỗi vé xe lửa là điều đương nhiên, do phí tổn xây dựng tuyến đường TGV Ouest lên tới 7,8 tỷ euro, mà cho tới giờ này vẫn còn 500 triệu chưa được thanh toán.
Ngay cả những hành khách biết tổ chức, sắp xếp và đặt mua vé từ cả nhiều tháng trước cũng than phiền là giá vé đi Bordeaux tăng một cách bất thường.
Theo Hiệp hội các hành khách đường sắt và giao thông FNAUT, một trong những mục tiêu của công ty đường sắt SNCF là cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ, khi rút ngắn thời gian di chuyển Paris Bordeaux từ 3 tiếng xuống còn hai tiếng, các tuyến xe lửa trở nên hấp dẫn hơn nhất là hành khách đi từ trung tâm thủ đô Paris tới trung tâm thành phố Bordeaux, trong khi khách dùng máy bay phải mất thời gian đi tới và rời khỏi phi trường. Thế nhưng lợi thế cạnh tranh
Theo Hiệp hội các hành khách đường sắt và giao thông FNAUT, một trong những mục tiêu của công ty đường sắt SNCF là cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ, khi rút ngắn thời gian di chuyển Paris Bordeaux từ ba tiếng xuống còn hai tiếng, các tuyến xe lửa trở nên hấp dẫn hơn nhất là hành khách đi từ trung tâm thủ đô Paris tới trung tâm thành phố Bordeaux, trong khi khách dùng máy bay phải mất thời gian đi tới và rời khỏi phi trường.
Thế nhưng, lợi thế cạnh tranh này sẽ mất đi tác dụng, trở nên vô nghĩa, nếu như giá vé xe lửa quá cao so với giá máy bay. Điều đó buộc công ty đường sắt Pháp xem xét lại chính sách giá cả, sao cho hợp lý.
http://vi.rfi.fr/phap/20170815-paris-bordeaux-di-tgv-chi-con-2-tieng
Nga lại loan báo phá vỡ âm mưu đánh bom tự sát ở Matxcơva
Cơ Quan An Ninh Liên Bang Nga FSB ngày 14/08/2017 loan báo đã bắt được 4 kẻ tình nghi thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech, đang lên kế hoạch tổ chức nhiều vụ khủng bố tự sát, đánh vào nhiều địa điểm đông người ở Matxcơva. Bốn nghi can này gồm 3 người gốc Trung Á và một người Nga.
Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Muriel Pomponne cho biết thêm chi tiết :
Cơ quan an ninh Nga FSB hôm qua thông báo bắt giữ 4 người tình nghi thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Theo an ninh Nga, những người bị câu lưu đã lên kế hoạch tấn công khủng bố tự sát nhắm vào những trung tâm thương mại và phương tiện chuyên chở công cộng tại Matxcơva.
Cơ quan FSB nói rõ thêm là tổ chức khủng bố bị phá vỡ do « một đặc sứ của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo » cầm đầu và gồm « một chuyên gia chế tạo bom và 2 kẻ sẵn sàng đánh bom tự sát ». Trong số này, 3 người đàn ông gốc Tajikistan, đã bị điệu ra trước một tòa án tại Matxcơva và bị hai tháng tạm giam.
Họ bị truy tố về « hành vi khủng bố » và « mưu toan khủng bố ». Đài truyền hình Nga đã chiếu cảnh các nghi can bị đưa đến tòa án, một người còn vết máu trên áo sơ mi. Theo đài truyền hình, người thứ tư, không bị đưa ra trước tòa án, là một công dân Nga, thủ lãnh của nhóm.
Cũng theo cơ quan FSB, nhóm khủng bố nhận lệnh từ 2 « phái viên » của Daech tại Syria. Hai người này đang bị lệnh truy nã quốc tế.
Trong thời gian gần đây, chính quyền Nga thường xuyên loan báo phá vỡ được các âm mưu khủng bố.
Nga đã tăng cường an ninh từ sau vụ khủng bố trong tàu điện ngầm tại Saint Petersbourg ngày 03/04. Nghi phạm vụ khủng bố này là một người gốc Trung Á.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170815-nga-lai-loan-bao-pha-vo-am-muu-danh-bom-tu-sat-o-matxcova
Trung Quốc dọa trả đũa do bị Mỹ điều tra về sở hữu trí tuệ
Hôm nay, 15/08/2017, Bắc Kinh dọa trả đũa Hoa Kỳ sau khi Washington thông báo mở điều tra nhắm vào Trung Quốc trong hồ sơ sở hữu trí tuệ.
Hôm qua, tổng thống Donald Trump đã ký lệnh cho đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer mở cuộc điều tra để xác định xem chính sách thương mại của Trung Quốc có gây tác hại cho các công ty Mỹ về mặt sở hữu trí tuệ hay không.
Chủ yếu Washington lo ngại về cơ chế liên doanh mà Bắc Kinh áp đặt lên các công ty Mỹ : đổi lấy việc thâm nhập thị trường Trung Quốc, các công ty này phải chấp nhận chia sẻ một phần kỹ năng công nghệ của họ cho các đối tác Trung Quốc.
Hôm nay, bộ Thương Mại Trung Quốc ra thông cáo đe dọa sẽ trả đũa Hoa Kỳ. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt gởi về bài tường trình :
« Tổng thống Mỹ Donald Trump gieo gió và có nguy cơ sẽ gặt bão. Bộ Thương Mại Trung Quốc đã cho biết là nước này sẽ không khoanh tay ngồi yên nếu Hoa Kỳ gây tổn hại đến quan hệ thương mại giữa hai nước.
Trước đó, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, cũng đã tuyên bố rằng, « một cuộc chiến tranh thương mại sẽ chẳng đi đến đâu, sẽ chẳng có bên nào thắng, mà bên nào cũng sẽ thua ».
Không phải vô cớ mà ông Donald Trump chọn thời điểm này để cáo buộc các công ty Trung Quốc ăn cắp kỹ năng của Mỹ. Bắc Kinh đã cảnh cáo Washington : « Vấn đề bán đảo Triều Tiên và thương mại Mỹ-Trung không có liên quan gì đến nhau. Không nên dùng vấn đề này để gây áp lực trên vấn đề kia. »
Đây phải là sự trùng hợp thời điểm hay thật sự là một lời cảnh cáo ? Sáng nay, nhật báo China Daily viết rằng không có nước nào trên thế giới đưa nhiều du khách đến Mỹ như là Trung Quốc. Ba triệu du khách Trung Quốc năm ngoái đã tiêu xài 28 tỷ euro khi đến Hoa Kỳ. Nếu du khách Trung Quốc tẩy chay, đây sẽ là một vố rất đau cho ngành du lịch Mỹ.»
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170815-trung-quoc-doa-tra-dua-do-bi-my-dieu-tra-ve-so-huu-tri-tue
Tên lửa Bắc Triều Tiên :
Du khách Hàn Quốc ở đảo Guam vẫn bình thản
Đảo Guam vẫn là nơi thu hút nhiều du khách ngoại quốc, đặc biệt là khách Hàn Quốc. Bất chấp nguy cơ tên lửa Bắc Triều Tiên, những du khách này vẫn không hủy các chuyến đi nghỉ, vì họ cũng đã quá quen với mối đe dọa từ miền Bắc. Từ đảo Guam, đặc phái viên Angélique Forget gởi về bài tường trình :
« Hyunik Yang và vợ đã từ Seoul đến đảo Guam từ ba hôm trước để nghỉ hè một tuần tại đây. Bất chấp mối đe dọa Bắc Triều Tiên đối với đảo nằm trên Thái Bình Dương này, họ không hề tính đến chuyện hủy chuyến đi.
Hyunik Yang giải thích : « Dứt khoát không hủy. Chúng tôi chẳng quan tâm gì đến lời đe dọa như vậy, cho dù nó có liên quan đến đảo Guam. Họ nói là sẽ bắn một tên lửa, nhưng chúng tôi không tin. Họ lúc nào cũng lừa bịp. Trong chuyện này cũng vậy, họ lừa bịp bởi vì họ đang tuyệt vọng. »
Từ bãi biển cát trắng nơi mà cô đang nằm phơi nắng sáng nay, Amanda Lee, 26 tuổi, cũng mặc kệ những lời đe dọa của Bắc Triều Tiên. Cô nói : « Dân Hàn Quốc chúng tôi thường xuyên bị họ đe dọa như vậy. Cho nên, đối với chúng tôi đó là chuyện thường ngày. Họ có đe dọa chúng tôi mỗi ngày, chúng tôi cũng mặc kệ. ».
Trong một nhà hàng nổi tiếng ở đảo Guam, mọi người cũng nói như vậy. Jane Kim, hầu bàn của nhà hàng, đã đến định cư trên đảo này từ cách đây một năm và dự định sẽ sống ở đây lâu dài. Cô nói : « Tôi nghĩ rằng đảo Guam được an ninh hơn vì đây không phải là Triều Tiên. Ít ra ở đây Hoa Kỳ bảo vệ Guam, vì đây là một đảo của Mỹ. Ở đây có một căn cứ quân sự lớn, cho nên tấn công chúng tôi sẽ khó hơn là tấn công Hàn Quốc.
Sự tin tưởng của du khách Hàn Quốc vào an ninh của Guam là một điều tốt cho đảo này : 60% thu nhập của Guam là đến từ du lịch. »
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170815-ten-lua-bac-trieu-tien-du-khach-han-quoc-o-dao-guam-van-binh-than