Tin Việt Nam – 14/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 14/08/2017

Vụ các trạm BOT ‘nhắm vào ông Đinh La Thăng’?

Một luật gia ở Hà Nội nói với BBC rằng các vụ việc trạm BOT gần đây tại Tiền Giang và các nơi khác “nhắm vào cựu bộ trưởng Đinh La Thăng”.

Truyền thông Việt Nam đưa tin hôm 13/8, trạm thu phí Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang sau 14 ngày hoạt động được đã phải tạm thời “xả trạm” trong bảy giờ do ùn tắc giao thông vì “một số tài xế không chấp hành dùng tiền bỏ vào chai nhựa, dùng tiền lẻ để phản đối phí cao và vị trí đặt trạm.”

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải được báo Tuổi Trẻ hôm 14/8 dẫn lời: “Phải làm sao cho hài hòa giữa việc đảm bảo thu hồi theo hợp đồng đã ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư.”

Hội đoàn dân sự lên tiếng vụ sân bay Tân Sơn Nhất

So sánh dân quyền Việt Nam và Hàn Quốc

“Thứ hai là phải đảm bảo lợi ích người dân, thứ ba là phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và giao thông thông suốt trên toàn tuyến.”

“Chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải có hướng xử lý phù hợp với quy định chung.”

Hôm 11/8, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật nói với báo Zing: “Trong hàng ngàn xe đi qua trạm Cai Lậy thì chỉ có 5, 6 người phản đối bằng cách nhét tiền lẻ vào ống nhựa. Bộ Bộ Giao thông Vận tải sẽ không di dời, giảm phí ở trạm BOT Cai Lậy”.

Vụ việc diễn ra tương tự như vụ người dân hai đầu cầu Bến Thủy 1 ở Nghệ An, Hà Tĩnh ròng rã phản ứng bằng cách căng băng rôn, dùng tiền lẻ mua vé suốt bốn tháng đầu năm 2017.

Tháng 4/2017, theo VnExpress, hơn 300 người dân huyện Nghi Xuân và thành phố Vinh “ký vào đơn kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ và chính quyền hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh phản ánh việc nộp phí BOT “oan” suốt thời gian dài.”

Sau đó Bộ Giao thông Vận tải quyết định “giảm 100% phí cho cư dân hai đầu cầu qua trạm Bến Thủy 1.”

‘Không được vận hành đúng mức’

Hôm 14/8, ông Đoàn Quang Phúc, một người dân Hà Nội nói với BBC: “Theo những gì tôi biết, trạm thu phí Cai Lậy đặt trên tuyến quốc lộ không phải BOT, nên đã thu phí cả những phương tiện giao thông đường bộ không sử dụng đường BOT gây bức xúc cho doanh nghiệp vận tải và người dân phải trả mức phí quá cao.”

Còn ở Tào Xuyên, tỉnh Thanh Hóa, trạm thu phí giao thông BOT dù đã hoàn tất tiền đầu tư và lợi nhuận rồi vẫn tiếp tục hoạt động thu phí. Hai ví dụ trên chỉ là điển hình trong vấn nạn BOT đường bộ ở Việt Nam gần đây thôi.”

“Việc người dân phản ứng bằng cách trả tiền lẻ là hành động bất tuân dân sự hợp pháp để đấu tranh đòi quyền lợi, quyền công bằng giữa dân – doanh nghiệp – nhà nước.”

“Mà ở đây, trách nhiệm của nhà nước là lớn nhất. Nếu chính quyền không giải quyết được bức xúc thì hiện tượng bất tuân dân sự sẽ lan rộng ra toàn quốc và không giới hạn ở vấn đề BOT đường bộ.”

“Tiếp theo có thể là các khoản thuế, phí hay vấn nạn tồn tại trong lĩnh vực môi trường, đất đai…”

Cùng ngày, Luật gia Nguyễn Đình Hà, nói với BBC: “Về các trạm BOT thì trong hai năm trở lại đây đã có nhiều thông tin cho rằng, việc xây đường và lập trạm có nhiều tiêu cực, vấn đề từ thời ông Đinh La Thăng còn làm bộ trưởng.”

“Theo nguyên lý thông thường về tài chính, mọi thứ cần sự minh bạch, rõ ràng và có thể giám sát được để tránh tiêu cực. Nhưng trên thực tế tại Việt Nam, nguyên lý đó không được vận hành đúng mức, gây thiệt hại cho người dân và nguồn vốn có thể được dùng vào phát triển kinh tế.”

“Mặt khác, như trong vụ việc ở Cai Lậy cho thấy rõ sự bất cập, khi mà người dân đóng hai lần tiền cho một quãng đường quốc lộ 1A: phí bảo trì đường bộ đóng hàng năm và phí qua trạm BOT. Trong khi đó, mục đích của BOT được lập cho dự án đường tránh là chính.”

“Do vậy, các trạm BOT vấp phải sự phản đối về mức thu, cách lập trạm bất hợp lý.”

“Theo tôi, sự việc BOT ở Cai Lậy và ở Bến Thủy, và có thể nhiều nơi khác, có thể không nhắm vào ông Nguyễn Nhật, bởi dù gì, ông mới lên làm thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, mà có thể sẽ nhắm vào cựu bộ trưởng Đinh La Thăng, người bị mất ghế Ủy viên Bộ Chính trị hồi tháng 5/2017.”

Truyền thông trong nước cuối tháng Bảy đưa tin ông Nguyễn Nhật, nguyên Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Hà Tĩnh, là một trong số những người “có phần trách nhiệm và bị đề nghị kiểm điểm sâu sắc và rút kinh nghiệm” trong dự án Formosa gây thiệt hại lớn về môi trường.

Một nguồn muốn ẩn danh nói với BBC cũng không loại trừ khả năng các động thái hiện nay là để xem vai trò của vị thứ trưởng này trong vụ Cai Lậy.

Doanh nghiệp Nhật bất an vì vụ ông Thăng?

Các hãng tư vấn đánh giá vụ Đinh La Thăng

Báo Đảng: Kỷ luật ông Thăng ‘có ý nghĩa rất lớn’

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40884564

 

Kiểm ngư Việt Nam rất thiếu kinh phí

Bộ trưởng Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Cường, vào ngày 14 tháng 8 phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường Vụ Quốc hội là lực lượng kiểm ngư Việt Nam rất thiếu kinh phí.

Ông Nguyễn Xuân Cường thừa nhận tàu kiểm ngư Việt Nam hiện nay là do các nước khác giúp. Người đứng đầu ngành nông nghiệp-phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng chưa thể tổng kết hoạt động của kiểm ngư Việt Nam vì lý do lâu nay không có kinh phí.

Tuy nhiên, những ý kiến phản biện khác tại Ủy ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam nói là Lực lượng Kiểm Ngư Việt Nam đã đi vào hoạt động từ năm 2014; đến nay đã 3 năm nên có thể tổng kết thời gian qua được rồi.

Hiện giới chức thẩm quyền tại Việt Nam vẫn có ý kiến khác nhau về phương án trình chính phủ là có nên thành lập kiểm ngư ở tất cả 28 tỉnh, thành phố ven biển trên cả nước, hay chỉ thành lập ở một số tỉnh, thành phố ven biển có tính đặc thù thôi.

Ông Bộ trưởng Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn cho biết diện tích hoạt động của kiểm ngư hơn 1 triệu kilomet vuông trên biển nên cần chính sách, giải pháp giúp nâng cao năng lực cho lực lượng này trên vùng biển của Việt Nam thông qua Luật Thủy Sản.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-fishery-administration-still-incapable-08142017102054.html

 

Việt Nam đề nghị Thái nhận lao động Việt trong nhiều ngành

Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội của Việt Nam đề nghị Thái Lan tiếp nhận cho khoảng 50 ngàn công dân Việt đang cư trú và lao động bất hợp pháp tại xứ Chùa Vàng cũng như mở rộng ngành nghề cho lao động Việt.

Bộ Lao Động Thái Lan và Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội Việt Nam hiện đang triển khai Thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động giữa hai nước. Đây là thỏa thuận đầu tiên tạo khuôn khổ pháp lý trong việc tuyển dụng lao động cho cả hai quốc gia và đang được hợp tác, tiến hành một cách chặt chẽ, thuận lợi.

Cục Quản lý lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội và các doanh nghiệp Việt Nam cho biết đang xúc tiến đưa lao động Việt sang Thái làm việc trong các ngành nghề như xây dựng và đánh bắt cá. Tuy nhiên, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội Việt Nam còn đề nghị Thái Lan mở rộng thêm ngành nghề tiếp nhận lao động Việt, bao gồm dịch vụ và nhà máy.

Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội đồng thời đề nghị Thái Lan tạo điều kiện cho khoảng 50 ngàn công dân Việt Nam đang cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Thái.

Chính phủ Thái Lan cũng đã cấp phép cho số lao động Việt làm việc tự do tại Thái nhưng phải đáp ứng một số điều kiện nhất định.

Trong tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có chuyến thăm chính thức 3 ngày đến Thái Lan, từ ngày 17 đến ngày 19. Chương trình nghị sự chuyến đi chưa được công bố rộng rãi.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-suggests-thailand-accepting-viet-labors-in-more-various-fields-08142017092124.html

 

Công điện khẩn đối phó mưa lũ tại Việt Nam

Về tình hình mưa lũ tại Việt Nam, trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Xuân Cường, ra công điện khẩn gửi đến các địa phương nhằm đối phó với đợt mưa lũ mới có thể xảy ra ở miền Bắc từ tối thứ Hai, 14 tháng 8.

Theo dự báo, từ ngày 14 đến hết ngày 17 tháng 8, khu vực thượng lưu sông Hồng có khả năng xuất hiện đợt lũ lớn, nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đặc biệt các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng và Bắc Cạn.

Một công điện hoả tốc khác cũng do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai – Văn phòng Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn gửi đến các tỉnh miền Tây để có biện pháp phòng tránh lũ. Lý do là theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, mùa lũ năm 2017 ở đồng bằng sông Cửu Long đến sớm và lớn hơn trung bình nhiều năm.

Vào ngày 14 tháng 8, Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai Thành phố Hà Nội cũng ra công điện chỉ đạo các sở ban, ngành, các địa phương thuộc thủ đô tập trung ứng phó với những diễn biến mưa lũ trong những ngày tới.

Một diễn biến khác liên quan, vào sáng thứ Hai 14 tháng 8, UBND tỉnh Quảng Ninh có cuộc họp khẩn về các biện pháp chủ động phòng, chống lũ lụt, gây sạt lở trên địa bàn các tỉnh.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Long đã phê bình Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai vì chậm trễ trong việc đưa thông tin về mưa lũ trên địa bàn Quảng Ninh.

Từ đêm 12 đến rạng sáng ngày 14 tháng 8, mưa lớn xảy ra trên địa bàn huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh, làm sạt lở và ngập lụt một số khu vực trong huyện. Một số tuyến đường khác bị hư hỏng nặng. Do nước sông dâng cao nên việc bắc cầu tạm cho người dân gặp nhiều khó khăn.

Tại tỉnh Lào Cai, vào chiều 12 tháng 8, mưa lớn gây nên lũ ống tại thôn Dền Thàng, xả Tả Van khiến 2 người chết và 1 người mất tích.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/vn-issues-urgent-call-for-rain-flood-alert-08142017104318.html

 

Bộ Tài nguyên & Môi trường quá lớn để quản lý

Kính Hòa RFA

Khai thác khoáng sản hay du lịch?

Việc khai thác quặng titan có trong cát ven biển miền Trung đã tạo ra những ảnh hưởng rất xấu đến môi trường trong nhiều năm nay.

Vào tháng 11 năm 2013, bùn đỏ từ các khu vực khai thác titan tại huyện Hàm Thuận Nam đã tràn vào khu vực nhà dân, ruộng đồng, làm thiệt hại rất nhiều hoa màu.

Tháng Ba, năm 2014, một cuộc biểu tình lớn tại khu khai thác titan ven biển tỉnh Ninh Thuận, đã dẫn tới bạo động, đốt nhà xưởng, và vài người bị bắt. Lúc ấy, một người dân Ninh Thuận tại khu vực khai thác titan nói với chúng tôi:

“Cái nguồn nước ở đó bị ảnh hưởng, đó là nguồn nước để mình sinh hoạt mà, đâu có nước máy đâu. Họ khoan xuống đó mấy chục mét để lấy quặng titan, sau rồi cái lòng đất nó bị sụt dần dần, sau này dân lên đó cất nhà ở thì bị sụt làm sao! Rồi ảnh hưởng nguồn nước nữa. Nói chung là ảnh hưởng nhiều mặt lắm, rồi khi lọc quặng titan người ta có bỏ hóa chất gì đó vô nữa.”

Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ trong nước, vào tháng Sáu, năm 2016, một hồ chứa bùn đỏ do khai thác quặng titan lại tràn vào một khu du lịch ven biển có diện tích gần 2 hectares, gây ra rất nhiều thiệt hại.

Theo Tiến sĩ địa chất Nguyễn Thanh Giang, quặng titan có trong cát ven biển miền Trung, nhất là tại hai tỉnh Ninh Thuận, và Bình Thuận, rất dễ khai thác, và theo ông, chính điều đó là làm nên những tác động xấu đến môi trường trong nhiều năm qua. Ông nói với chúng tôi vào năm 2014, ngay sau khi xảy ra vụ bạo động tại Ninh Thuận:

“Chính vì việc khai thác dễ dàng như vậy nên nó dễ trở thành vô tổ chức, làm ảnh hưởng cảnh quan sinh thái, tổn hại các rừng cây chắn sóng, làm sụt mực nước ngầm, ô nhiễm trầm trọng cuộc sống của người dân địa phương.”

Các khu vực có quặng titan lại cũng là những khu vực cồn cát ven biển miền Trung rất thuận lợi cho ngành du lịch. Theo báo Tuổi Trẻ, chính việc cấp giấy phép khai thác titan tại Bình Thuận, đã làm ngưng lại các kế hoạch xây khu du lịch tại tỉnh này. Cũng theo báo Tuổi Trẻ trích lời một số nhà khoa học trong nước, không nêu tên, thì chính việc khai thác titan đã kềm chế việc phát triển kinh tế trong mấy năm qua tại Bình Thuận.

Theo tôi thì trước mắt nên chọn du lịch, vì du lịch tạo ra nhiều công ăn việc làm, tạo ra nhiều thu nhập cho người dân hơn.

-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.

Theo Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, vì giá trị của quặng titan rất lớn nên tỉnh Bình Thuận hy vọng rằng sẽ thu được một nguồn thu lớn từ việc khai thác nó. Nhưng ngay lúc này ông cho rằng tỉnh Bình Thuận nên chọn ngành du lịch để phát triển:

Theo tôi thì trước mắt nên chọn du lịch, vì du lịch tạo ra nhiều công ăn việc làm, tạo ra nhiều thu nhập cho người dân hơn. Sau khi mà Bình Thuận đã giải quyết được rồi thì mới tính đến việc khai thác một cách rất cẩn trọng, theo các qui định về công nghệ chặt chẽ, để khai thác một lượng nhất định titan.”

Tổ chức của chính phủ không quản lý nỗi hoạt động kinh tế

Theo báo chí trong nước, tại tỉnh Bình Thuận có 7 giấy phép khai thác titan do Bộ Tài nguyên & Môi trường ký, nhưng hiện nay bị ngưng lại do tác động xấu đến môi trường. Cách đây vài ngày cũng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, giấy phép đổ chất nạo vét xuống biển cũng do Bộ này ký đã bị dừng lại vì sức ép rất lớn của công luận.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi là ông Trần Nhơn nói với chúng tôi:

Tôi nhìn lại 15 năm thành lập Bộ Tài nguyên & Môi trường, tôi thấy vừa rồi các ông ấy có tổ chức kỷ niệm 15 năm, rồi tung hô này khác, nhưng mà tôi thấy 15 năm đó nói chung là thất bại. Cái đám bộ dưới này họ lừa chính phủ, lừa thủ tướng, hễ có gì là cứ lập đề án lên, cứ chạy chọt rồi đưa lên chính phủ quyết. Các anh bộ trưởng này quyền rất lớn nhưng làm ăn rất bê bối.”

Ở mức độ rộng lớn hơn, ông Trần Nhơn nói rằng với cách tổ chức của chính phủ hiện hành, với những bộ rất lớn như Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn,… không thể giám sát được những hoạt động kinh tế ngày càng phức tạp. Và cũng theo ông Trần Nhơn, thì với mức độ quyền lực quá lớn của các Bộ to lớn này, chính phủ trung ương không biết được những việc diễn ra bên dưới.

Bộ Tài nguyên & Môi trường nên chỉ làm hai công việc là kiểm soát các vấn đề về môi trường và quản lý đất đai mà thôi.

-Cựu Thứ trưởng Trần Nhơn.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng nói đến chuyện ở địa phương không thực hiện đầy đủ những qui định khi tiến hành khai thác khoáng sản:

Đã có hiện tượng là nhà khai thác không tôn trọng những qui định về bảo vệ môi trường, về hoàn thổ, nhưng mà cơ quan địa phương vẫn chưa phát hiện được.”

Trong bài phóng sự ảnh vào ngày 14 tháng Tám, năm 2017, báo Tuổi Trẻ cho biết mặc dù các dự án khai thác titan tại Bình Thuận đã bị dừng lại, nhưng tại nhiều nơi ở Bình Thuận, hoạt động khai thác vẫn diễn ra.

Chúng tôi có liên lạc với ông Hồ Lâm, Giám đốc sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bình Thuận để hỏi về việc này, nhưng không liên lạc được.

Theo ông Trần Nhơn, Bộ Tài nguyên & Môi trường nên chỉ làm hai công việc là kiểm soát các vấn đề về môi trường và quản lý đất đai mà thôi.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ministry-environment-too-big-to-manage-08142017111739.html

 

Ngư dân Việt ‘đi xuất khẩu lao động’ sau sự cố Formosa

Trong 7 tháng đầu năm nay, gần 69,000 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có các ngư dân bị ảnh hưởng vì sự cố Formosa, đạt gần 66% kế hoạch năm 2017, theo số liệu của Cổng Thông tin Điện tử, Cục Quản lý Lao động ngoài Nước. Tin cho hay rằng trong tổng số đó, có hơn 26,000 lao động nữ.

Loan tin này hôm 14/8, Tân Hoa Xã của Trung Quốc cho biết rằng 3 thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất của Việt Nam tính cho tới tháng Tám này gồm có Đài Loan, với gần 33,900 lao động, thứ hai là Nhật Bản, với hơn 27,700 người và Hàn Quốc, khoảng 3,200 người.

Theo Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội, các thị trường khác gồm có Ảrập Xêút: hơn 2000 người; Malaysia: 740 người đa số là lao động nữ, và Algeria, 386 người, ngoài ra còn một số nước khác, với số lao động không đáng kể.

Riêng trong tháng 7 năm 2017, có tất cả 11,525 người đi làm việc ở nước ngoài, theo số liệu trên cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam.

Xinhua, cơ quan thông tấn của nhà nước Trung Quốc, nói rằng trong thời gian tới đây, sẽ có thêm nhiều lao động nước ngoài được gửi đến các thị trường lao động mới cũng như truyền thống, gồm có Thái Lan, Úc, Đức và Nhật Bản.

Tháng trước, báo Lao động trích thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết rằng từ ngày 1.6.2016 đến ngày 31.5.2017, gần 18.000 lao động ở 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, những nơi bị thiệt hại vì sự cố môi trường biển năm 2016) đã được đi làm việc ở nước ngoài.

Ngư dân của các tỉnh này từng nói với VOA Việt Ngữ rằng thảm họa môi trường, do công ty Formosa của Đài Loan gây ra, đã khiến cuộc sống của họ “gặp nhiều khó khăn”.

https://www.voatiengviet.com/a/ngu-dan-viet-di-xuat-khau-lao-dong-sau-su-co-formosa/3984952.html

 

Việt Nam: Thuế đất đô thị tăng vọt, người dân ‘sốc’

Người dân ở một số quận thuộc thành phố Hồ Chí Minh nói họ “sốc” về mức thuế đất ở đô thị cao gấp 3 hoặc 4 lần so với trước, trong khi một chuyên gia trong lĩnh vực đất đai nói thuế đất sẽ còn tăng nữa.

Một bài đăng trên báo Tuổi Trẻ hôm 12/8 dẫn lời một người dân có tên Hoàng Văn Xuân ở quận Phú Nhuận cho hay rằng ông “bất ngờ” khi nhận thông báo tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của năm 2017 là gần 450.000 đồng.

Con số này cao hơn 4 lần so với mức khoảng 100.000 đồng mà ông nộp trước đây trong nhiều năm.

Vẫn theo Tuổi Trẻ, một người dân khác ở quận Bình Thạnh, ông Nguyễn Văn Búp, cho biết rằng tiền thuế ông phải nộp vừa tăng từ 105.000 đồng lên gần 390.000 đồng.

Cả hai người nộp thuế này đều phàn nàn rằng họ không được nhà chức trách thông báo, giải thích trước về việc tăng tiền thuế.

Từ phía chính quyền, hai trưởng chi cục thuế của các quận Bình Thạnh và Phú Nhuận nói tiền thuế tăng do mới có sự điều chỉnh về giá đất để tính thuế.

Theo Nghị định số 93 của chính phủ Việt Nam, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bao gồm cả đất ở đô thị, được giữ ổn định trong 5 năm. Chu kỳ 5 năm đầu tiên kể từ khi nghị định này có hiệu lực là từ 2012 đến 2016.

Trong những năm đó, giá đất ở TP. HCM đã tăng nhiều lần, được chính quyền thành phố cập nhật vào bảng giá để tính thuế, dẫn đến mức thuế cao như đã được một số người dân phản ánh.

Hai trưởng chi cục thuế nói mức tiền thuế mới được điều chỉnh sẽ áp dụng từ nay đến 2021.

Về trình tự thu thuế ở TP. HCM như mới được phản ánh trên báo chí, giáo sư Đặng Hùng Võ, cựu thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, cho rằng cách làm đó “có những điều chưa hợp lý”.

Ông Võ nói rằng nhà chức trách đáng lẽ ra cần công bố và giải thích từ sớm về các thông tin về việc đất đai được định giá lại với mức cao gấp 3, 4 lần và các hệ lụy để người dân hiểu và có sự chuẩn bị.

Tuy nhiên, với kiến thức chuyên ngành, giáo sư Võ bình luận rằng việc tăng tiền thuế đất ở TP HCM là điều cần làm:

“Tất cả những người ở đô thị thì phải trả tiền cho những hạ tầng đô thị, dịch vụ công cộng ở đô thị, chính là phải trả qua thuế, thì ở Việt Nam lại rất thấp. Thành ra việc chúng ta tăng thuế ở đô thị đối với nhà đất tôi cho rằng ở Việt Nam còn phải tăng nữa mới hợp lý, với cái lý là đô thị hiện nay không còn nguồn lực để phát triển và những người ở đô thị lại không chịu chi trả cho việc phát triển đó”.

Theo luật Việt Nam, thuế suất đối với đất phi nông nghiệp có các mức từ 0,03% được áp dụng với đa số trường hợp cho đến cao nhất là 0,15% đối với một số trường hợp. Mức này được giới chuyên môn đánh giá là rất thấp so với mức 1% đến 3% ở nhiều nước khác.

Trong khi đó, bảng định giá đất của các tỉnh và thành phố cũng thấp nhiều lần, có nơi thấp hơn khoảng 10 lần so với giá trị giao dịch trên thực tế.

Điều này được xem như là con dao hai lưỡi, một mặt làm cho chính quyền thu tiền thuế ít hơn nhiều, mặt khác gây thiệt hại lớn cho người dân khi nhà nước căn cứ vào bảng giá chính thức để đền bù trong trường hợp cần lấy đất của dân để làm các dự án phát triển.

Với việc áp dụng giá đất mới cao hơn, dường như TP. HCM đang có động thái để khắc phục sự bất hợp lý này. Giáo sư Võ đưa ra ý kiến:

“Hiện nay ở Việt Nam, trên tất cả các hợp đồng chuyển nhượng, đất rồi nhà, không ai người ta ghi giá chuyển nhượng thật cả. Chúng ta nói với nhau rằng ở trung tâm Hà Nội, TP. HCM giá đất là 1 tỷ/1m2. Thế nhưng mà nó có thể hiện ở đâu đâu. Thế thì khuyến khích người ta ghi giá thật trên hợp đồng đi. Lúc đó nó mới giải quyết được rất nhiều chuyện liên quan đến giá đất. Chúng ta phải song hành với cái giá thật trên thị trường. Mọi người phải thừa nhận nó, thì lúc đó chúng ta mới có những câu chuyện về cải cách thuế, cũng như là quá trình tính toán bồi thường, rồi tính toán giá trị cổ phần hóa, v.v… tất cả các thứ nó mới là thật”.

Các con số thống kê cho thấy Việt Nam có 17 triệu người nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho gần 18 triệu thửa. Diện tích đất phi nông nghiệp ở TP HCM tính đến năm 2011 là gần 91.000 hectare, chiếm hơn 43% diện tích toàn thành phố.

Nói về mối băn khoăn của nhiều người dân rằng mức tiền thuế đất mới tăng lên và sẽ còn tăng nữa, vị cựu thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng con số vài trăm nghìn đồng một năm không phải là quá lớn cho một hộ gia đình. Ông nói thêm, nếu nhà nước thật sự xây dựng một luật thuế tiến bộ, những hộ nghèo sẽ được miễn thuế hoặc chỉ đóng thuế thấp.

Tuy nhiên theo ông Võ, nguyên nhân cản trở việc đánh thuế cao vào đất lại không hẳn đến từ những người dân bình thường. Ông nói:

“Cái ở Việt Nam hiện nay tôi cho là đáng ngại hơn không phải là chuyện người dân cự nự đâu. Mà là có thể khi ta tăng tỉ suất thuế nhà đất lên như ở Mỹ, ví dụ như 1%/năm theo giá thị trường, thì có thể lại không được thông qua. Bởi vì nhiều người có thẩm quyền đó cũng đang có rất nhiều bất động sản lớn”.

Thời gian qua, báo chí Việt Nam đã có nhiều bài báo về các biệt phủ hoặc biệt thự sang trọng trên các diện tích đất lớn của các quan chức cấp tỉnh, dẫn đến những phản ứng tiêu cực của người dân trên mạng xã hội lẫn báo chí chính thống.

Trong lúc TP. HCM đã định giá lại đất đai để thu thuế cao lên, chưa có tin tức về việc thủ đô Hà Nội có làm tương tự hay không. Hà Nội được cho là nơi nhiều quan chức và người giàu khắp cả nước đổ tiền vào đầu cơ đất đai, bất động sản.

Giáo sư Võ nói rằng TP. HCM lâu nay vẫn là nơi “năng động, tích cực hơn” trong các động thái phát triển. Ông nhận định rằng trung tâm kinh tế ở miền nam hiện không còn nhiều nguồn lực nên đã áp dụng việc tăng thu thuế từ đất đai. Trong khi đó, theo ông, Hà Nội đang theo dõi các phản ứng của người dân ở TP.HCM rồi mới cân nhắc có làm điều tương tự hay không.

https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-thue-dat-do-thi-tang-vot-nguoi-dan-soc/3984842.html

 

Cảnh sát quốc tế lên tiếng vụ Trịnh Xuân Thanh

Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) mới trả lời VOA tiếng Việt về vụ Trịnh Xuân Thanh, nhất là chuyện cựu quan chức tỉnh Hậu Giang này không có tên trong danh sách “các nhân vật bị truy nã”.

Khi được hỏi rằng liệu cơ quan này có được yêu cầu tham gia vào việc điều tra thông tin của phía Đức, cáo buộc Việt Nam “bắt cóc” ông Thanh ở Berlin hay không, cũng như về sự nghiêm trọng của vụ này, Interpol trả lời: “Bất cứ khi nào cảnh sát của một trong 190 quốc gia thành viên chia sẻ thông tin với Ban Thư ký [của Interpol] ở Lyon [Pháp] liên quan tới điều tra hay những kẻ tội phạm, thông tin này vẫn thuộc quyền sở hữu của nước đó”.

“Vì thế, Interpol không bình luận về các trường hợp cụ thể hay các cá nhân trừ các tình huống đặc biệt và với sự chuẩn thuận của nước thành viên liên quan”, cơ quan cảnh sát toàn cầu này nói.

Nếu không có Thông báo Đỏ nào được đăng tải, thì có khả năng chưa có thông báo nào được phát đi đối với người đó, hoặc nước đó đề nghị không công khai.

Interpol cho biết.

Interpol cũng đề xuất VOA Việt Ngữ liên hệ trực tiếp các quốc gia đang tiến hành cuộc điều tra.

Liên quan tới việc tên của ông Thanh không có trong danh sách truy nã trên trang của Interpol, cơ quan này nói: “Nếu Interpol được yêu cầu gửi “Thông báo Đỏ” liên quan tới một trát bắt, thông tin sẽ được gửi cho tất cả 190 nước thành viên, nếu không có yêu cầu thêm nào khác”.

Cơ quan cảnh sát quốc tế này cho biết tiếp: “Ngoài việc này, các nước thành viên còn có sự lựa chọn đăng tải phiên bản ngắn gọn của “Thông báo Đỏ” đăng trên trang web của Interpol. Nếu không có Thông báo Đỏ nào được đăng tải, thì có khả năng chưa có thông báo nào được phát đi đối với người đó, hoặc nước đó đề nghị không công khai”.

Sau khi Việt Nam thông báo rằng ông Thanh đã ra “đầu thú”, nhưng sau đó bị Đức phản bác, VOA tiếng Việt không thấy tên của ông trên trang web của Interpol, dù Hà Nội từng tuyên bố ráo riết truy lùng ông trên toàn thế giới.

Gần một năm trước, Bộ Công an Việt Nam phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế đối với Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam vì “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Hồi đầu tháng này, Berlin cáo buộc Việt Nam “bắt cóc” ông Thanh trên đất của quốc gia Tây Âu này, và coi việc làm này là sự vi phạm “trắng trợn” luật pháp Đức cũng như quốc tế.

Có một điều kiện tiên quyết dẫn tới sự tham gia của Europol vào cuộc điều tra, đó là phải có ít nhất hai quốc gia thành viên châu Âu bị ảnh hưởng. Trong vụ việc hiện nay, chỉ có sự tham gia của Đức và không có quốc gia thành viên nào khác. Thêm nữa, Europol không có thỏa thuận với Việt Nam.

Europol nói.

Ngoài Interpol, VOA Việt Ngữ cũng đặt câu hỏi với tổ chức cảnh sát châu Âu, Europol, và cơ quan này cho biết rằng “không tham gia vào việc điều tra”.

“Có một điều kiện tiên quyết dẫn tới sự tham gia của Europol vào cuộc điều tra, đó là phải có ít nhất hai quốc gia thành viên châu Âu bị ảnh hưởng. Trong vụ việc hiện nay, chỉ có sự tham gia của Đức và không có quốc gia thành viên nào khác. Thêm nữa, Europol không có thỏa thuận với Việt Nam”, ông Jan Op Gen Oorth từ phòng truyền thông của Europol nói.

Hôm 8/8, cảnh sát Cộng hòa Czech cho VOA Việt ngữ biết rằng cơ quan này đã chính thức mở cuộc điều tra vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin, Đức, rồi đưa lên một chiếc xe đăng ký biển số Cộng hòa Czech trước khi bị đưa về Việt Nam.

Sau cáo buộc của Berlin, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong một cuộc họp báo rằng bà “lấy làm tiếc”, đồng thời nhấn mạnh rằng cựu quan chức tỉnh Hậu Giang này về nước “tự thú”.

Phía Đức cho biết rằng cho tới nay Hà Nội vẫn chưa có phản ứng chính thức về chuyện cho ông Thanh trở lại quốc gia Tây Âu này để được xem xét đơn xin tị nạn, đồng thời cho hay rằng đang cân nhắc các biện pháp tiếp theo.

https://www.voatiengviet.com/a/canh-sat-quoc-te-len-tieng-vu-trinh-xuan-thanh/3984832.html

 

IECD giúp cải thiện cuộc sống

cho người bán hàng rong ở Sài Gòn

Thu Hằng

Hoạt động bán hàng rong, bán hàng trên vỉa hè đóng góp một phần đáng kể vào nền kinh tế Việt Nam. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế, công bố năm 2014, nền kinh tế phi chính thức sử dụng gần 1/4 lao động tại Việt Nam và là nguồn sống của nhiều hộ gia đình.

Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm có rất nhiều người buôn bán rong. Tại thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động bán hàng rong chiếm khoảng 11% khối lượng việc làm phi nông nghiệp, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu và Phát triển châu Âu (Institut européen de Coopération et de Développement, IECD), một tổ chức phi chính phủ của Pháp.

Còn tại Hà Nội, có ít nhất 57.000 người hoạt động buôn bán rong, theo thẩm định của tiến sĩ Xã hội học Nguyễn Tuấn Minh, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học-Xã hội Việt Nam. Kết quả trên được căn cứ vào cuộc khảo sát do anh tiến hành từ 2012-2015 ở quận Hai Bà Trưng và Cầu Giấy, Hà Nội, cùng với kết quả cuộc điều tra quốc gia về hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực phi chính thức ở Việt Nam năm 2014-2015 do Viện Nghiên cứu vì Phát Triển (Institut de Recherche pour le développement, IRD) và Viện Hàn lâm Khoa học-Xã hội Việt Nam đồng thực hiện.

Buôn bán rong là một trong số các hoạt động không cần đăng ký kinh doanh được nêu trong nghị định số 39 năm 2007 của chính phủ. Cùng với các hoạt động khác, buôn bán rong được quy định rõ về phạm vi hàng hoá, dịch vụ, địa điểm kinh doanh và những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, vệ sinh, giao thông, văn minh đô thị…

IECD và chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và kinh doanh nhỏ Sài Gòn

Với mục đích giảm bớt rủi ro cho người bán hàng rong và trang bị kiến thức về quản lý tài chính, chăm sóc-trao đổi với khách hàng, nâng cao ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Viện Hợp tác Phát triển châu Âu (IECD), đã triển khai chương trình đồng hành với người buôn bán rong và kinh doanh trên vỉa hè tại một số quận ở thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2013.

Trả lời RFI tiếng Việt, ông Thomas Behaghel, giám đốc điều hành IECD khu vực Đông Nam Á, cho biết :

« Chúng tôi khởi động dự án từ năm 2013 nhưng chỉ trên địa bàn Sài Gòn. Vì ở Việt Nam, cần phải có giấy phép hoạt động và chúng tôi chỉ được cấp giấy phép hoạt động ở Sài Gòn. Với chúng tôi, đó đã là một thị trường vô cùng lớn, có hơn 10 triệu dân với rất nhiều dân nông thôn nhập cư vì thế số lượng tiểu thương và thợ thủ công rất lớn ».

Từ năm 2016, nhờ sự kết hợp năng động với các hiệp hội địa phương và các tổ chức chính trị, Viện Hợp tác Phát triển châu Âu mở rộng « Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và kinh doanh nhỏ » và nhắm đến hai đối tượng chính, theo giải thích của ông Thomas Behaghel :

« Chúng tôi ưu tiên những người bán hàng rong, trong đó đến 85% là phụ nữ. Thường họ bán hàng rong hoặc bán hàng tại những điểm tạm thời. Đối tượng thứ hai là người kinh doanh nhỏ, cố định, có thể là chủ cửa hàng hoặc là người làm nghề thủ công hay làm trong lĩnh vực dịch vụ.

Chúng tôi hoạt động tại 10 quận ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài một trung tâm ở quận Bình Thạnh, gần quận Nhất, các giảng viên của trung tâm tỏa đến nhiều địa phương trong thành phố ».

Thành công của quá trình hợp tác giữa Viện IECD với chính quyền địa phương được thể hiện rõ ở quận 4. Tại khu vực này, nhiều không gian nhỏ được hình thành nhằm giúp đỡ người bán hàng tiếp tục kinh doanh theo đúng khuôn khổ và luật pháp. Viện IECD hy vọng có thể nhân rộng ý tưởng này ở một số địa bàn khác.

Bên cạnh đội ngũ tình nguyện viên luôn sẵn sàng tư vấn cho tiểu thương và công ty khởi nghiệp, các khóa học chuyên đề thường xuyên được Viện IECD tổ chức với những mục tiêu rất cụ thể và thiết thực : cách quản lý cửa hàng, cách tính giá bán có lợi nhuận, cách quản lý kho, nâng doanh thu bằng marketing, tìm hiểu về quy định về thuế, luật trong kinh doanh… Ông Thomas Behaghel giải thích tiếp:

«Chúng tôi lập các chương trình đào tạo tùy theo đề nghị của những người thụ hưởng hoặc của các đối tác của trung tâm. Chương trình đào tạo kéo dài khoảng hai tháng cho phần lý thuyết. Đó là những khóa học buổi tối, ba buổi mỗi tuần, nhằm giúp người học có kiến thức cơ bản về quản lý, luật pháp và thuế khóa. Sau khoảng một tháng học lý thuyết sẽ là quá trình theo dõi dành cho từng người. Các tiểu thương sẽ được kèm cặp 5 lần trong thời gian đào tạo và 4 lần sau khi kết thúc khóa học trong vòng một năm tính từ khi học xong.

Quá trình hỗ trợ từng cá nhân giúp người học áp dụng lý thuyết tiếp thu trong khóa học vào từng trường hợp cụ thể, đồng thời cũng cho phép đánh giá tác dụng lâu dài của chương trình đào tạo này».

Buôn bán rong thu hút đa số phụ nữ

Từ năm 2013, Viện Hợp tác Phát triển châu Âu đã giúp khoảng 450 người bán hàng rong tham gia các khóa học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có đến 440 phụ nữ vì phần lớn người làm công việc này là phụ nữ.

Đây là cũng là nhận định của tiến sĩ Nguyễn Tuấn Minh trong một nghiên cứu được tiến hành tại Hà Nội từ năm 2012-2015. Theo nghiên cứu này, hàng rong được chia thành ba lĩnh vực : bán hàng rong (quần áo, báo chí, đồ ăn uống…), mua rong (phế liệu, đồng nát…) và cung cấp dịch vụ rong (đánh giầy, mài dao kéo, sửa khoá…). Vậy những nguyên nhân nào khiến các cá nhân gia nhập hoạt động buôn bán rong ? Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Minh giải thích :

« Thứ nhất, liên quan đến tính truyền thống. Hàng rong có từ lâu đời, tồn tại từ thời phong kiến. Hiện nay vẫn tồn tại một số làng nghề chuyên đi bán rong ở Hà Nội, như làng chuyên bán cá cảnh ở Nam Định, làng cơm nắm muối vùng ở Hưng Yên, làng tò he ở huyện Phú Xuyên… Họ đều có truyền thống từ xưa.

Yếu tố thứ hai là do quá trình đô thị hoá mạnh mẽ. Tình trạng mất đất nông nghiệp hoặc năng suất nông nghiệp thấp hiện nay đã thúc đẩy nông dân tìm kiếm việc làm mới, hoặc tìm kiếm việc làm để cải thiện thu nhập. Và với khả năng của họ, phần lớn họ tham gia vào khu vực kinh tế phi chính thức, trong đó có hàng rong.

Yếu tố tiếp theo là do suy thoái kinh tế, cụ thể, theo nghiên cứu của tôi, là do sự suy thoái kinh tế năm 2008 hoặc thời điểm thị trường bất động sản đóng băng cũng khiến nhiều người mất việc làm và gia nhập hoạt động buôn bán rong.

Ngoài ra, Hà Nội còn có đặc điểm đan xen giữa nông thôn và đô thị mà người ta vẫn gọi là « làng trong phố ». Điều này cũng tạo điều kiện cho người nông dân mang sản phẩm ra khu vực đô thị buôn bán hoặc họ theo nhau ra khu vực đô thị để buôn bán. Trong nghiên cứu của mình, tôi phỏng vấn được nhiều trường hợp, như một người đi bán kem ở khu vực đô thị mà bán được thì họ về kéo cả làng cùng nhau đi bán kem ».

Ngoài yếu tố « cung » kể trên, còn phải nhắc đến yếu tố về mặt « cầu ».

« Nhu cầu hàng hoá giá rẻ, đặc biệt đối với những người có thu nhập thấp ở đô thị và những lao động di cư đến Hà Nội làm những công việc, tạm gọi là « tay chân » nặng nhọc, thì hàng rong với giá rẻ đáp ứng được khả năng về tài chính của họ.

Ngoài ra, nhu cầu về sự thuận tiện trong mua bán, nhất là trong bối cảnh áp lực về thời gian, về giao thông như hiện nay ở Hà Nội. Thay vì phải vào siêu thị, vào chợ mua một ít hành, một mớ rau, người ta có thể mua ngay gần nhà họ, ở chợ cóc, ở người buôn bán rong.

Ngoài ra, ở Hà Nội có một đặc điểm sử dụng phương tiện cá nhân trong di chuyển là phổ biến. Điều này cũng góp phần tạo ra nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rong. Chúng ta dễ dàng bắt gặp người mua hàng, họ vẫn ngồi trên xe máy hoặc trên xe đạp, chỉ cần chống chân xuống đất là có thể mua hàng của những người buôn bán rong ngay ở dưới lòng đường.

Thêm một ý nữa là nhu cầu tiêu dùng sản phẩm tươi sống. Khác với người phương Tây, như ở Pháp chẳng hạn, người ta đi chợ một tuần một lần hoặc vài ba ngày một lần. Nhưng ở Việt Nam, có lẽ một phần do người dân muốn ăn sản phẩm tươi sống nên đi chợ hàng ngày, thậm chí nhiều lần trong một ngày. Vì thế, hàng rong và chợ cóc, chợ truyền thống trong trường hợp này có ưu thế so với các siêu thị hay là trung tâm thương mại.

Một đặc điểm khác nữa là nhu cầu ăn quà vặt trên đường phố cũng tạo điều kiện cho hàng rong phát triển. Chẳng hạn buổi chiều về làm một cốc chè, hoặc buổi trưa làm một cốc tào phớ cho mát mẻ ».

Trong những năm gần đây, hoạt động buôn bán rong cũng bị tác động từ sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống siêu thị và nhà hàng. Thêm vào đó là hoạt động xử phạt lấn chiếm đường phố sẽ mạnh tay hơn trước, buộc họ chỉ dám dừng chớp nhoáng rồi đi.

Thế nhưng, theo nhận định của anh Tuấn Minh, người bán rong biết tận dụng những « kẻ hở »trong không gian và thời gian (giờ nghỉ trưa, giờ tan trường, trước một ngôi nhà, văn phòng đóng cửa…), họ cũng nắm bắt được quy luật sinh hoạt của người dân nên thường xuyên di chuyển qua các cửa nhà để mời gọi, tất cả những yếu tố này giúp họ tiếp tục hoạt động buôn bán.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170814-iecd-giup-cai-thien-cuoc-song-cho-nguoi-ban-hang-rong-o-sai-gon