Tin Biển Đông – 14/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 14/08/2017

Tàu thăm dò của Repsol có mặt ở địa điểm mới

Tàu khoan thăm dò dầu khí Deepsea Metro I hiện đã tới vùng biển ngoài khơi cảng Labuan của Malaysia, theo dữ liệu của hãng Thomson Reuters Eikon thể hiện vào hôm thứ Hai 14/8/2017.

Tàu nằm trong tâm điểm cuộc tranh cãi giữa Hà Nội và Bắc Kinh quanh các hoạt động thăm dò tìm kiếm dầu khí ở Lô 136-3, vị trí mà Việt Nam nói là hoàn toàn nằm trong vùng Đặc quyền Kinh tế của mình, còn Trung Quốc cho rằng nằm trong phần biển thuộc đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Hoạt động khoan thăm dò của tàu Deepsea Metro I theo hợp đồng k‎ý với nhà thầu dầu khí Repsol của Tây Ban Nha tại Lô 136-3 đã bị tạm ngưng hồi tháng trước do áp lực từ phía Trung Quốc.

Repsol tạm ngừng khoan dầu ở VN

VN ngừng khoan dầu khí ở Biển Đông

Biển Đông: “Hoạt động dầu khí thuộc chủ quyền VN”

Tàu Deepsea Metro I do hãng Odfjell Drilling Ltd của Na Uy khai thác, đã có mặt tại Labuan vào lúc 9.17 sáng giờ địa phương (01.17GMT) hôm thứ Hai, theo dữ liệu đi lại của tàu bè tại Thomson Reuters Eikon.

Lần cuối cùng tàu này được ghi nhận hiện diện tại địa điểm thuộc Lô 136-3 là ngày 30/7, Reuters nói.

Repsol hồi tháng trước nói việc khoan thăm dò đã tạm ngưng sau khi hãng chi 27 triệu đô la cho các hoạt động tại địa điểm này. Các đối tác cùng khai thác với Repsol tại Lô 136-3 có PetroVietnam, và Mubadala Development Co của Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất.

Bill Hayton: ‘Cá Voi Xanh chặn Đường Lưỡi Bò’

Ông Tập ‘chỉ đạo bồi đắp đảo ở Biển Đông’

Biển Đông: Làm rõ tin ‘VN phải dừng khoan’

Trung Quốc đã thúc giục việc ngưng ngay hoạt động dầu khí tại địa điểm trên.

Việt Nam chưa bao giờ xác nhận việc có hoạt động khoan thăm dò dầu khí trên hay không, cũng như việc có chuyện tạm ngưng hay không.

Tuy nhiên, hồi tháng trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao trong một buổi họp báo định kỳ nói rằng Việt Nam có quyền tiến hành các hoạt động khai thác trong khu vực.

Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan tới tranh chấp biển dâng cao từ năm 2014, khi Trung Quốc từ đầu tháng Năm hạ đặt Giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực nằm sâu trong vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, cách đảo L‎ý Sơn chừng 119 hải l‎ý (221km).

2014: TQ đưa giàn khoan vào gần đảo Lý Sơn

2014: VN nói TQ điều tàu chiến, TQ bác bỏ

2014: Biểu tình chống TQ ở trong và ngoài nước

2014: Biểu tình tại Lodon phản đối Trung Quốc

Trên bản đồ dầu khí của Việt Nam, vị trí hạ đặt giàn khoan Trung Quốc thuộc Lô 143.

Tại Việt Nam đã nổ ra các làn sóng biểu tình kéo dài chống Trung Quốc. Một số cơ sở kinh doanh của người Trung Quốc hoặc có vốn Trung Quốc tại Bình Dương, Đồng Nai và một số nơi khác đã bị đốt phá.

Làn sóng biểu tình khi đó cũng lan rộng ra các cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40923576

 

Liên Hiệp Châu Âu-ASEAN:

Biển Đông vẫn là điều cấm kỵ?

Thanh Phương

Tuy Liên Hiệp Châu Âu và ASEAN đang tăng cường hợp tác về an ninh và quốc phòng, Biển Đông dường như vẫn là điều cấm kỵ trong quan hệ giữa hai khối. Đó là nhận định chung của Asia Times trong một bài viết đang trên mạng hôm nay, 14/08/2017.

Trong các cuộc gặp gỡ song phương tại Manila từ ngày 6 đến 8/8/2017 vừa qua, Liên Hiệp Châu Âu và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ( ASEAN ) đã đồng ý sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Kế hoạch hành động EU-ASEAN cho giai đoạn 2018-2022, được thông qua tại Manila, có bao gồm cả vấn đề an ninh hàng hải, một vấn đề nóng bỏng đối với Đông Nam Á do các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Kế hoạch hành động này còn đề ra ra những chương trình hợp tác về cứu trợ nhân đạo và cứu nạn thiên tai, các chiến dịch duy trì hòa bình, quân y và chống khủng bố.

Thế nhưng, khi được Asia Times hỏi về việc Ủy Ban Châu Âu có sẳn sàng gởi các chiến hạm đến tuần tra ở các vùng biển Đông Nam Á theo thỏa thuận với ASEAN hay không, một phát ngôn viên của Liên Hiệp Châu Âu trả lời rằng “ phạm vi và quy mô của hợp tác EU-ASEAN sẽ được xác định trong tiến trình thực hiện kế hoạch hành động vừa được thông qua”.

Hiểu theo ngôn từ ngoại giao, điều này có nghĩa là Liên Hiệp Châu Âu chưa sẳn sàng thực hiện các chuyến tuần tra ở Biển Đông, nơi mà 4 nước ASEAN ( Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei ) cùng với Đài Loan đang tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc.

Vào năm ngoái, Pháp đã đề nghị điều các chiến hạm của Liên Hiệp Châu Âu đến vùng Đông Á. Các chiến hạm của riêng nước Pháp vẫn thường xuyên đi qua các vùng biển Ấn Độ Dương-Tây Thái Bình Dương để hành xử quyền tự do hàng hải. Theo Asia Times, chính phủ Pháp cũng muốn tiến hành các chiến dịch như vậy ở vùng Biển Đông trong khuôn khổ Liên Hiệp Châu Âu. Anh Quốc, quốc gia đang thương lượng về việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, gần đây tuyên bố cũng đang nghiên cứu khả năng triển khai các chiến hạm của nước ngày đến các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Dẫu sao thì trong bản tuyên bố chung đưa ra ngày 05/08 vừa qua, các Ngoại trưởng ASEAN đã kêu gọi các quốc gia đang tranh chấp và các quốc gia ngoài khu vực nên có thái độ kềm chế và không quân sự hóa Biển Đông. Theo Asia Times, khi tuyên bố như vậy, ASEAN hạn chế khuôn khổ hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu về Biển Đông và coi như ngả theo lập trường của Trung Quốc, vốn vẫn kiên quyết chống lại sự can thiệp của “bên ngoài” vào khu vực này.

Chính vì vậy mà lãnh đạo ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Federica Mogherini và các đồng nhiệm ASEAN đã cố tránh nói đến những sự việc và vấn đề liên quan các vùng biển tranh chấp mà có thể làm phật lòng Trung Quốc. Trong tuyên bố chung về kỷ niệm 40 năm thiết lập bang giao EU-ASEAN, đưa ra vào ngày 06/08, hai khối đúng là có bày tỏ sự ủng hộ việc đạt đến bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông ( COC ) giữa ASEAN với Trung Quốc, nhưng lại không nói rõ là bộ quy tắc này phải mang tính “ràng buộc pháp lý”, điều mà Việt Nam đã yêu cầu nhưng Bắc Kinh dứt khoát không chấp nhận.

Mặt khác, tuy nhấn mạnh đến việc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển, nhưng thông cáo chung EU-ASEAN lại không nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra vào tháng 7 năm ngoái, bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, trong bài phát biểu ngày 07/08, lãnh đạo ngoại giao châu Âu Mogherini đã không hề đề cập đến Biển Đông, mà chỉ tập trung vào khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170814-lien-hiep-chau-au-asean-bien-dong-van-la-dieu-cam-ky