Cuộc chiến nội bộ đang được châm ngòi bởi giới blogger ‘lề đảng’
12/08/2017
Dấu hiệu về một cuộc chiến giữa hai hoặc ba phe phái trong nội bộ đảng, có thể mang tính “sống mái” về quyền lực và lợi ích, đã lộ hẳn ra sau bài viết có tựa đề “Nguyên thủ quốc gia & định chế chủ tịch nước” của blogger Huy Đức đăng trên facebook của ông vào ngày 10/8/2017.
Trang nguyentandung.org công kích, mạt sát tác giả Huy Đức. |
Sau khi khẳng định “Đại tướng Trần Đại Quang đi chữa bệnh từ tối 25-7-2017”, blogger Huy Đức có vẻ hướng chủ đề bài viết sang một khía cạnh hết sức nhạy cảm chính trị: ông Trần Đại Quang cần “bàn giao quyền lực” ngay cho người khác.
Một chi tiết cần chú ý là trong bài viết trên. Huy Đức đã chỉ gọi là “Đại tướng Trần Đại Quang”, thay vì “Chủ tịch nước Trần Đại Quang” theo đúng chức danh.
Vào năm ngoái, báo Quân Đội Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng Việt Nam – cũng từng dùng cụm từ“Đại tướng Trần Đại Quang” mà không kèm theo “chủ tịch nước”, cho dù tờ báo này thừa biết nhân vật chủ tịch nước được dành cho cơ chế “thống lĩnh các lực lượng vũ trang”.
Ngay sau bài viết trên của Huy Đức, trên các trang mạng nguyentandung.org và nguyenphutrong.org đã xuất hiện một bài “Tại sao Osin Huy Đức tấn công Chủ tịch nước Trần Đại Quang?” của tác giả ký tên Huy Phong, với thái độ lộ rõ vẻ hằn học, cay cú, dùng nhiều từ ngữ mạt sát Huy Đức. Tác giả Huy Phong còn khẳng định Huy Đức là người của… Tình báo Hoa Nam (Trung Quốc).
Nhưng đáng lưu ý nhất là bài viết của tác giả Huy Phong đặt dấu hỏi “Huy Đức đang viết bài phục vụ cho ai? Ý đồ chính trị của ông là gì khi cho rằng cần công bố thông tin để trong trường hợp ban bố “tình trạng khẩn cấp” (về quốc phòng và chiến tranh), theo Điều 30 Luật Quốc phòng năm 2005, người dân không khỏi bất ngờ?”.
Đã từ rất lâu nay, các trang mạng như nguyentandung.org, nguyenphutrong.org, trandaiquang.org… bị nhiều dư luận đồn đoán là có nguồn gốc và sự tham gia của cơ quan an ninh Việt Nam, được tài trợ bởi một nhóm lợi ích nào đó trong đảng.
Đặc điểm chung của các trang mạng trên là có được nguồn tin tức nhanh hơn và sâu hơn so với khối báo chí nhà nước nói chung, thỉnh thoảng còn đăng cả những tin tức nội bộ trong ngành công an mà báo chí ngoài ngành này khó mà có được.
Một đặc điểm khác của các trang mạng trên là quan điểm công kích, mạt sát không thương tiếc đối với những người đấu tranh cho dân chủ nhân quyền ở Việt Nam. Nhiều bài viết đăng trên các trang mạng này trong những năm qua để lại dấu ấn rất rõ rệt của giới dư luận viên (bao gồm dư luận viên của cơ quan công an và dư luận viên của cơ quan tuyên giáo đảng).
Nhưng chủ đề mang tính đấu đá nội bộ cũng đã trở thành một nội dung chính của các trang mạng trên. Không thiếu dấu hiệu và biểu hiện cho thấy những trang mạng này nhiệt tình ủng hộ vài ba ủy viên bộ chính trị, trong khi lại “nói không tốt” về vài ba ủy viên bộ chính trị khác. Khoảng thời gian cuối năm 2015 và trước đại hội 12 của đảng cầm quyền là một thời đoạn xung khắc như thế.
Tuy nhiên, các trang mạng bị coi là giả danh trên vẫn tồn tại đến nay, bất chấp việc Bộ Thông tin và Truyền thông của ông Trương Minh Tuấn luôn tuyên bố sẽ “siết chặt mạng xã hội”.
Nhiều người cho rằng đứng sau các trang mạng trên phải là một thế lực chính trị lớn, tuy nhiên không thể đánh đồng thế lực này với toàn thể giới an ninh, vì theo môt số dư luận thì “công an bây giờ cũng năm bè bảy phái”.
Trong khi đó, blogger Huy Đức đã có vẻ lộ rõ quan điểm và con đường của ông sau bài “Bộ Tứ” viết vào cuối năm 2015, trước đại hội 12 của đảng cầm quyền. Trong đó, quan điểm ủng hộ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt về tinh thần “thoát Trung” mà Huy Đức nêu ra đã bị nhiều dư luận cho rằng rất thiếu cơ sở thực tế.
Sau “Bộ Tứ”, Huy Đức còn viết khá nhiều bài chính luận cho đến nay. Nhưng càng viết, ông lại càng thể hiện mình mang tính “lề đảng” nhiều hơn hẳn mục tiêu dân chủ hóa mà ông vẫn nói đến bằng những từ ngữ trân trọng – như thể một tấm bình phong đẹp đẽ. Một số ý kiến đánh giá rằng có lẽ do thành công với tác phẩm “Bên thắng cuộc”, Huy Đức đã có chút ảo tưởng rằng ông có thể “hướng lái” dư luận, trong khi điều kiện cần để dư luận được chinh phục là sự thành tâm và khách quan trong phân tích và bình luận sự kiện chính trị, chứ không mang tư tưởng chỉ phục vụ cho đấu đá và thanh trừng phe phái.
Cứ xét theo bài viết của Huy Đức và nếu quả thực ông Trần Đại Quang cần phải bàn giao quyền lực càng sớm càng tốt, hoặc theo cái cách mà người công kích Huy Đức cho rằng “đảo chính Chủ tịch nước Trần Đại Quang”, ai sẽ là người nhận bàn giao và người đó thuộc về phe chính trị hưởng lợi nào?
Sau cuộc chiến tại đại hội 12, một cuộc chiến khác lại đang tiếp biến.
Trong đặc thù Việt Nam đương đại, cuộc chiến quyền lực lại được đặc trưng bởi cuộc chiến truyền thông. Trong khi hơn 800 tờ báo nhà nước, vì nhiều nguyên do, vẫn co rúm và im bặt, truyền thông xã hội lại chiếm vị trí đột phá khẩu trên mặt trận rộng lớn đang mở toang.
Xin mời quý vị xem Video : (Tình báo Trung Quốc tiết lộ): Trần Đại Quang bị trúng độc phóng xạ ở đâu, bao giờ và do ai?
Nhưng lại đang hình thành hai tuyến truyền thông xã hội: truyền thông xã hội “lề dân” và truyền thông xã hội “lề đảng”.
Có cảm giác, sau trận động đất tạo ra bởi trang “Chân Dung Quyền Lực” vào cuối năm 2014, vài bản sao của trang này đang tái hiện, thậm chí còn “lợi hại hơn xưa”.
Sau hàng loạt biến động về kỷ luật nhân sự từ vụ Đinh La Thăng đến những vụ bắt quan chức gần đây lẫn vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, chính trường đang bừng bừng cuộc chiến quyền lực lao đến giai đoạn cuối mà không còn đường lùi cho bên nào.
Thiền Lâm
(Cali Today News)