Tin khắp nơi – 12/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 12/08/2017

Trump, Chủ tịch Trung Quốc điện đàm

về tình hình Bắc Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại cam kết chung của họ đối với việc giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên trong một cuộc điện đàm vào ngày thứ Sáu, Nhà Trắng cho biết trong một thông cáo.

Thông cáo nói hai nhà lãnh đạo khẳng định việc thông qua một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Bắc Triều Tiên là một bước quan trọng và cần thiết để đạt được hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Thông cáo nói rằng hai ông Trump và Tập cũng nhắc lại cam kết chung của họ đối với việc giải trừ hạt nhân Bán đảo Triều Tiên và nhất trí rằng Bắc Triều Tiên phải chấm dứt hành vi khiêu khích và leo thang của mình.

Trước đó trong ngày thứ Sáu, ông Trump đưa ra cảnh báo mới đối với Bắc Triều Tiên, nói rằng quân đội Mỹ đã “khóa và nạp đạn” (ý nói đang trong tư thế sẵn sàng khai hỏa), trong khi Bình Nhưỡng tố cáo nhà lãnh đạo Mỹ đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh hạt nhân.

Ông Trump cũng nhắc lại những lời cảnh cáo trước đó của ông rằng Bắc Triều Tiên chớ có những lời đe dọa hoặc hành động nhắm vào đảo Guam, nói rằng “nếu có chuyện gì xảy ra với Guam thì sẽ có rắc rối to ở Bắc Triều Tiên.” Bình Nhưỡng đã dọa bắn phi đạn tới lãnh thổ Thái Bình Dương này của Mỹ, nơi Mỹ đặt các căn cứ quân sự.

Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc khẩu chiến tiếp diễn giữa ông Trump và lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un kể từ khi tin tức cho hay Bình Nhưỡng có thể đã thành công trong việc phát triển một vũ khí hạt nhân đủ nhỏ để gắn lên một phi đạn đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới một số nơi tại lục địa Mỹ.

Phát biểu trước báo giới tại câu lạc bộ golf của ông ở New Jersey, ông Trump nói nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ “hối hận nhanh chóng” nếu ông ta đe dọa hoặc hành động nhắm vào Guam, hoặc bất kỳ lãnh thổ hay đồng minh nào của Mỹ. Ông nói rằng ông hy vọng Bắc Triều Tiên “hoàn toàn” hiểu được những lời cảnh báo của ông trong mấy ngày qua nếu họ khai chiến chống lại Mỹ. “Tôi hy vọng họ sẽ hoàn toàn hiểu được mức độ nghiêm trọng của những gì tôi nói, và ý của tôi như thế nào thì tôi nói như thế ấy.”

https://www.voatiengviet.com/a/trump-chu-tich-trung-quoc-dien-dam-ve-tinh-hinh-bac-trieu-tien/3982940.html

 

Bắc Hàn:

TQ kêu gọi Trump không làm trầm trọng tình hình

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Donald Trump và Bắc Hàn tránh những “lời nói và hành động” làm trầm trọng thêm các căng thẳng, theo truyền thông nhà nước.

Ông Trump và Bắc Hàn đã trao đổi các lời lẽ thù địch, với tổng thống Mỹ đe dọa trút “lửa và cuồng nộ” lên Bắc Hàn.

Nhưng Trung Quốc, đồng minh chính yếu duy nhất của Bắc Hàn, đang kêu gọi kiềm chế.

Tất cả các bên liên quan nên ngừng các lời nói và hành động có thể làm trầm trọng thêm tình hình.Chủ tịch TQ Tập Cận Bình

Trump: Bắc Hàn sẽ ‘rắc rối to’ nếu tấn công Guam

Trump: Hoa Kỳ đã ‘ngắm sẵn và lên nòng’ trước Bắc Hàn

Một tuyên bố của Nhà Trắng nói Mỹ và Trung Quốc nhất trí rằng Bắc Hàn phải chấm dứt “hành vi khiêu khích và leo thang”.

Những căng thẳng từ lâu về chương trình hạt nhân của Bắc Hàn trở nên tồi tệ hơn khi Bình Nhưỡng thử nghiệm hai hỏa tiễn liên lục địa trong tháng Bảy.

Chính quyền Bắc Hàn đã rất tức giận về quyết định của Liên Hợp Quốc vào tuần trước gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế chống nước này.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Tập nói với ông Trump trong một cuộc điện đàm rằng “tất cả các bên liên quan” nên ngừng các “lời nói và hành động” mà có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình hình.

Ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc và Mỹ chia sẻ “lợi ích chung” về phi hạt nhân hóa và duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

‘Không ai hơn Trump’

Mattis: Ngoại giao với Bắc Hàn ‘vẫn là ưu tiên’

Bắc Hàn ‘cân nhắc tấn công đảo Guam’

Một tuyên bố của Nhà Trắng về cuộc điện đàm không đề cập lời kêu gọi rõ ràng với tổng thống Hoa Kỳ.

Không ai yêu một giải pháp hòa bình hơn là Tổng thống Trump, đó là điều tôi có thể nói với các bạnTổng thống Mỹ Donald Trump

Tuyên bố nhấn mạnh hai nhà lãnh đạo đã có một mối quan hệ chặt chẽ, được “hy vọng dẫn đến một giải pháp hòa bình về vấn đề Bắc Hàn”.

Tổng thống Trump trước đó đó trách cứ Trung Quốc vì đã không kiềm chế Bắc Hàn, nói rằng Bắc Kinh lẽ ra đã có thể làm được hơn “rất nhiều”.

Hôm thứ Sáu 11/8/2017, ông Trump đã đưa ra một mối đe dọa mới đối với Bắc Hàn, nói rằng nước này sẽ gặp “rắc rối lớn, rất lớn” nếu có bất cứ điều gì xảy ra với lãnh thổ Mỹ ở Guam.

Nhưng Trump nói thêm: “Hy vọng rằng mọi việc sẽ được giải quyết.

“Không ai yêu một giải pháp hòa bình hơn là Tổng thống Trump, đó là điều tôi có thể nói với các bạn.”

Cũng hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis nói nước này vẫn hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng Bắc Hàn bằng ngoại giao.

Ông nói chiến tranh sẽ là “thảm họa” và ngoại giao đang đạt được những kết quả.

Bắc Hàn đã và đang công bố các kế hoạch phóng hỏa tiễn gần lãnh thổ Guam, nhưng không có chỉ dấu cho thấy một cuộc tấn công sắp xảy ra.

Về phần mình, Bình Nhưỡng cáo buộc ông Trump đã “lái” bán đảo Triều Tiên đến “bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân.”

Moscow nói việc trao đổi những đe dọa giữa Washington và Bình Nhưỡng gây “lo lắng rất nhiều”, trong lúc Đức bày tỏ ‘báo động’.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40910069

 

Lào tuyên bố rút quân khi Hun Sen thăm

Campuchia và Lào đạt được thỏa thuận hôm 12/8 về việc binh sĩ Lào rút đi sau khi Campuchia cáo buộc Lào điều quân vào lãnh thổ nước này, Reuters dẫn lời lãnh đạo hai nước.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 11/8 điều quân tới biên giới và ra tối hậu thư đòi Lào rút quân trước hôm 17/8.

Ông đến Vientiane hôm 12/8 họp khẩn với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith.

Trong cuộc họp báo được tường thuật trực tiếp trên trang Facebook của ông Hun Sen, nhà lãnh đạo Lào cho biết ông đã ra lệnh rút quân.

Bầu cử Campuchia: đảng nào thắng?

Tìm thấy tượng ‘thiên thần’ ở Campuchia

Ông Sisoulith nói: “Tôi yêu cầu rút quân khỏi khu vực đó trước sáng mai.”

Ông cũng xin lỗi vì đã không hồi đáp thư của ông Hun Sen đề ngày 2/8 về yêu cầu rút quân.

“Dù sao đi nữa, cuộc trao đổi hôm nay rất thẳng thắn và thân thiện, do đó khu vực này sẽ không xảy ra đối đầu quân sự”, ông nói.

Ông không đề cập về việc liệu Lào có thừa nhận chuyện điều 30 binh sĩ vào đất Campuchia từ tháng Tư.

Hun Sen cho biết ông cũng đã lệnh cho quân đội được điều đến biên giới trước đó rút lui để đáp lại động thái của Lào.

“Thành công lớn nhất của chúng tôi là không có tranh chấp nào không thể giải quyết được”, ông Hun Sen nói trong cuộc họp báo.

Tòa Campuchia xử tù người Việt vì bạo hành trẻ em

Đền thờ ẩn náu trong rừng ở Campuchia

Tranh chấp kéo dài

Trước đó, ông Hun Sen cáo buộc Lào đã đưa khoảng 30 lính vào tỉnh Stung Treng của Campuchia kể từ hồi tháng Tư, và có một số quân nhân tính đến thời điểm này, 12/8/2017, vẫn còn hiện diện tại khu vực vào ban ngày.

Campuchia và Lào có chừng 540km đường biên chung trên bộ, đa phần là không được canh gác, khiến có những tranh chấp lãnh thổ có lúc xảy ra giữa hai quốc gia.

Tuy nhiên, lần này dường như giới chức Campuchia cảm thấy mất kiên nhẫn trước việc mà Phnom Penh nói là Lào đã tiến sâu vào lãnh thổ của họ tại tỉnh Stung Treng và không chịu rút đi.

Báo Cambodia Daily cáo buộc lính Lào đã tìm cách chặn các kỹ sư quân sự Campuchia khảo sát, làm đường ở khu vực.

Truy lùng người tung tin ‘Hun Sen chết’

Lào: Bí mật cánh đồng Chum và cuộc chiến VN

Phía Lào cho rằng, báo Phnom Peng Post tường thuật, con đường mà phía Campuchia định làm sẽ đi vào khu vực chưa phân định biên giới với Lào.

Hồi đầu tháng Tư, Campuchia nói quân Lào đã vượt qua đường biên giới tự nhiên giữa hai nước là sông Sekong và treo biển cảnh báo “Đây là Lào” bên bờ nam con sông, thúc giục phía Campuchia ngưng việc xây dựng.

Địa điểm tranh chấp, theo Phnom Penh Post, nằm về phía đông chừng 10km nơi con sông bẻ ngoặt xuống phía nam, và do vậy, nằm trọn vẹn trong lãnh thổ Campuchia.

Việc thăm dò, khảo sát làm đường của phía Campuchia đã từng phải dừng hồi cuối tháng Hai do áp lực từ các lực lượng của Lào, rồi tạm ngưng do dịp lễ tết đón năm mới của người Campuchia, và được bắt đầu nối lại vào đầu tháng Tư.

Sông Sekong bắt nguồn từ Thừa Thiên – Huế của Việt Nam, chảy qua vùng nam Lào xuống miền đông Campuchia rồi nhập vào sông Mekong.

Việt Nam gọi phần thượng nguồn chảy trên đất Việt là sông A Sáp. Một phần sông, dài khoảng 40km, tạo thành biên giới tự nhiên giữa Lào và Campuchia.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40884563

 

Trump: Bắc Hàn sẽ ‘rắc rối to’ nếu tấn công Guam

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Bắc Hàn sẽ gặp “rắc rối to” nếu có chuyện gì xảy ra trên đảo Guam.

Phát biểu tại câu lạc bộ golf Bedminister ở New Jersey, ông cam kết rằng lãnh thổ của Mỹ sẽ “rất an toàn, cú tin tôi đi”.

Ông Trump nói rằng Hoa Kỳ có thể áp đặt những biện pháp trừng phạt khác, “mạnh hơn”, đối với Bắc Hàn.

Ông nói mình điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào đêm 11/8 về tình hình “rất nguy hiểm” tại bán đảo Triều Tiên.

Bắc Hàn muốn Hoa Kỳ ‘phải trả giá’

Trump: Mỹ đã ‘lên nòng’ trước Bắc Hàn

“Hy vọng rằng vấn đề sẽ được giải quyết,” ông Trump nói với giọng lạc quan.

“Không ai yêu giải pháp hòa bình hơn Tổng thống Trump, tôi có thể nói với quý vị như vậy.”

Trước đó, hôm 11/8, tổng thống tuyên bố rằng quân đội Mỹ đã “ngắm sẵn và lên nòng” trước với Bắc Hàn.

“Các giải pháp quân sự hiện đã sẵn sàng một khi Bắc Hàn hành động dại dột. Hy vọng Kim Jong-un sẽ tìm một con đường khác!” Ông viết trên Twitter.

Ông đưa ra bình luận khi Bình Nhưỡng cáo buộc ông “đưa” bán đảo Triều Tiên đến “bờ vực chiến tranh hạt nhân”.

Bắc Hàn đã thông báo kế hoạch bắn tên lửa gần đảo Guam.

Moscow nói rằng việc đe dọa qua lại giữa Washington và Bình Nhưỡng “khiến chúng tôi rất lo”.

Mattis: Ngoại giao với Bắc Hàn ‘vẫn là ưu tiên’

Hoa Kỳ: Bắc Hàn đã thử tên lửa tầm xa

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40884562

 

Trump đe dọa can thiệp quân sự Venezuela

Tổng thống Trump ngày 11/8 đe dọa can thiệp quân sự Venezuela, một sự leo thang đột ngột trong phản ứng của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela.

Phát biểu trước báo giới, ông Trump nhấn mạnh: “Người dân đang đau khổ, đang chết dần chết mòn. Chúng ta có nhiều phương án cho vấn đề Venezuela kể cả có thể là một giải pháp quân sự nếu cần thiết.”

Mỹ và các nước Tây phương lên án chiến dịch trấn áp của ông Maduro đối với những người bất đồng chính kiến và việc nhà lãnh đạo này thành lập Quốc hội lập hiến, cơ quan toàn quyền do những người trung thành với Đảng Xã hội của ông kiểm soát.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, nói ông Maduro lập Quốc hội lập hiến để củng cố quyền cai trị độc tài và rằng “việc chế độ này coi thường ý chí của người dân Venezuela là không thể chấp nhận, Mỹ sẽ đứng về phía người dân Venezuela chống lại độc tài.”

Hơn 125 người thiệt mạng kể từ khi bùng nổ bất ổn từ các làn sóng biểu tình chống chính phủ do ông Maduro lãnh đạo từ tháng tư tới nay.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-de-doa-can-thiep-quan-su-venezuela-/3982451.html

 

Hiểm họa từ Bình Nhưỡng, Guam sẵn sàng ứng phó

Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, ngày 11/8 ban hành chỉ dẫn khẩn cấp giúp cư dân chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân có thể xảy ra sau lời đe dọa từ Bắc Triều Tiên.

Đài truyền hình nhà nước KCNA của Bình Nhưỡng ngày 10/8 loan báo quân đội nước này giữa tháng 8 sẽ hoàn tất kế hoạch bắn 4 phi đạn tầm trung băng sang Nhật Bản rơi xuống gần Guam. Đe dọa được đưa ra giữa cuộc khẩu chiến ‘tăng nhiệt’ Mỹ-Triều về chương trình võ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Bình Nhưỡng không đe dọa tấn công hạt nhân Guam, nhưng khủng hoảng giữa Washington và Bình Nhưỡng khiến người ta e rằng xung đột hạt nhân có thể bùng nổ trong khu vực.

Dù thống đốc Guam trấn an dân chúng chớ sợ hãi, nhà chức trách cũng cho ban hành một tập dữ liệu hướng dẫn mọi người nên sẵn sàng ứng phó.

Chỉ dẫn bao gồm những việc cần làm trước, trong, và sau khi một cuộc tấn công hạt nhân xảy ra.

Chỉ dẫn cũng đề nghị cư dân có kế hoạch khẩn cấp, sắm bộ dụng cụ cung ứng, và lên danh sách các cơ sở hay tòa nhà kiên cố gần nơi cư trú và yêu cầu các trường học hay công sở nên sẵn sàng làm nơi trú ẩn tạm thời cho dân.

Có khoảng 163 ngàn cư dân ở Guam. Nơi đây cũng tọa lạc căn cứ quân sự lớn của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/8 cảnh cáo Bình Nhưỡng chớ có đe dọa Guam.

Hôm 11/8, ông Trump tuyên bố quân đội Mỹ đã sẵn sàng hành động nếu Bình Nhưỡng hành xử thiếu khôn ngoan.

https://www.voatiengviet.com/a/hiem-hoa-tu-binh-nhuong-guam-san-sang-ung-pho-/3982446.html

 

Mỹ-Triều khẩu chiến, Nga lo lắng

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 11/8 tuyên bố nguy cơ xung đột quân sự vì chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên là rất cao và rằng Moscow hết sức lo ngại về những lời đe dọa qua lại giữa Washington với Bình Nhưỡng.

Ông Lavrov nhấn mạnh: “Những đe dọa này cứ liên tục và khiến chúng tôi hết sức lo lắng.”

“Tôi không đoán chuyện gì sẽ xảy ra ‘nếu’. Chúng tôi sẽ làm những gì có thể để ngăn chặn cái gọi là ‘nếu’ đó.”

Ngoại trưởng Nga khuyến khích Bình Nhưỡng và Washington tham gia kế hoạch do Nga-Trung cùng soạn thảo, theo đó, Bắc Triều Tiên sẽ ngưng các cuộc phóng thử phi đạn và Mỹ cùng Hàn Quốc sẽ tạm ngưng các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn.

“Nếu đôi bên đều ngưng thì lúc đó chúng ta mới có thể ngồi xuống và khởi sự từ đầu, ký một văn kiện nhấn mạnh đến tôn trọng chủ quyền của tất cả các bên liên quan, kể cả Bắc Triều Tiên,” Ngoại trưởng Nga nói.

https://www.voatiengviet.com/a/my-bac-trieu-tien-khau-chien-nga-lo-lang-/3982444.html

 

Bắc Hàn,

‘trắc nghiệm ngoại giao’ của Tổng thống Trump

Jim Malone

Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với thách thức về chính sách đối ngoại lớn nhất của ông tính cho tới nay, là làm thế nào đối phó với một nước Bắc Triều Tiên có khả năng hạt nhân. Ông phải trải qua cuộc trắc nghiệm này trong bối cảnh kết quả các cuộc thăm dò hồi gần đây cho thấy vị thế chính trị của ông Trump ở trong nước đã suy yếu vì những sự hoài nghi về khả năng lãnh đạo của ông Trump giữa lúc nghị trình đối nội của ông vẫn đang dậm chân tại chỗ.

Trong khi Tổng thống Trump đang đương đầu với cuộc khủng hoảng về chính sách đối ngoại đầu tiên của ông, phần lớn mọi sự chú ý đều dồn vào lời cảnh cáo thẳng thừng của ông đối với Bắc Triều Tiên.

Ông Trump tuyên bố:

“Họ (Bắc Triều Tiên) sẽ đối mặt với ‘hỏa lực và thịnh nộ’ và thẳng thừng mà nói, sức mạnh áp đảo theo kiểu mà thế giới chưa từng chứng kiến.”

Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Bill Richardson nói những phát biểu của ông Trump thật là đáng tiếc. Ông nói thêm:

“Nhưng giờ tôi nghĩ Tổng thống có một cơ hội để tập hợp dân chúng, để trình bày với đất nước về chính sách của ông là gì, và quan trọng hơn hết, để xoa dịu tình thế.”

Người Mỹ đã quen với những lời lẽ có tính khoa trương của ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử hồi năm ngoái. Nói chuyện với VOA qua Skype, nhà phân tích chính trị Larry Sabato nói bây giờ ông là Tổng thống, thì phải tuân thủ một chuẩn mực khác.

“Ông ấy rất bốc đồng, tôi đoán bạn có thể lập luận rằng điều đó có thể là một ưu điểm khi ở nước ngoài những kẻ thù và đối thủ của chúng ta nghĩ họ đang phải đối phó với một người không thực sự có đầu óc tỉnh táo. Nhưng mặt khác, khi phải đối mặt với vũ khí hạt nhân, thì theo tôi, vì lợi ích của tất cả mọi người, kể cả Mỹ, phải có một người có đầu óc tỉnh táo”.

Nhưng những người bênh vực ông Trump nói rằng lời cảnh cáo thẳng thừng của ông Trump là điều mà những người ủng hộ ông trông đợi.

Ông Sebastian Gorka, cố vấn của ông Trump:

“Đây không phải là Nhà Trắng của ông Obama, mà là Nhà Trắng của ông Trump. Chúng ta không nói trước với ai chúng ta sẽ làm gì, nhất là nếu họ là kẻ thù của chúng ta.”

Thách thức liên quan tới Bắc Triều Tiên xảy ra vào lúc kết quả các cuộc thăm dò gần đây cho thấy mức độ tán thành ông Trump trong vai trò Tổng thống ở trong nước đã giảm xuống một mức thấp kỷ lục mới, thậm chí trong nội bộ thành viên đảng Cộng hòa.

Ông Larry Labato thuộc Đại học Virginia nói với VOA qua Skype:

“Ban đầu, đa số những người đã bầu cho ông Trump mạnh mẽ ủng hộ ông, và triệt để tán thành ông trong vai trò Tổng thống. Bây giờ trong hầu hết các cuộc thăm dò, mức độ tán thành ông đã giảm xuống, chỉ còn từ 17 đến 24%.”

Ông Trump đang đối mặt với tình huống các chính sách nội bộ của ông bị đình trệ, và thường xuyên trở về với thành phần ủng hộ nòng cốt của mình để lấy lại tinh thần, như đã làm gần đây ở West Virginia. Nhà phân tích Jeremy Mayer nói với VOA qua Skype rằng việc ông Trump dựa vào giới ủng hộ viên nòng cốt, không có gì đáng ngạc nhiên.

“Theo các chuẩn mực bình thường của một tổng thống, ông Trump đang thất bại. Nhưng ông ấy không phải là một tổng thống bình thường, và đối với thành phần ủng hộ ông, sự kiện ông hầu như đả phá mọi thứ, lại chính là điều mà họ ưa thích.”

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy đại đa số người Mỹ coi Bắc Triều Tiên là một mối đe dọa an ninh nghiêm trọng.

Chỉ có khoảng 1/3 trong số những người được hỏi nói họ tin vào khả năng của Tổng thống Trump có thể đối phó với tình hình.

https://www.voatiengviet.com/a/bac-han-cuoc-trac-nghiem-cua-tong-thong-trump/3982155.html

 

Số người chết gia tăng trong bạo loạn hậu bầu cử ở Kenya

Tình trạng bạo lực hậu bầu cử ở Kenya trầm trọng hơn vào ngày thứ Bảy khi cảnh sát xịt hơi cay vào một đoàn những quan chức của phe đối lập ở thủ đô và một quan chức nhà xác cho biết chín thi thể bị trúng đạn được đưa vào nhà xác ở Nairobi từ một khu ổ chuột vốn là cứ địa của phe đối lập.

Ít nhất 24 người thiệt mạng vì bị cảnh sát bắn kể từ cuộc bầu cử hôm thứ Ba, theo Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Kenya, một cơ quan theo dõi các cơ quan của chính phủ. Ủy ban kêu gọi các quan chức cao cấp hối thúc cảnh sát ngừng sử dụng đạn thật nhắm vào thường dân.

Trong khi bạo loạn tiếp diễn một ngày sau khi Tổng thống Uhuru Kenyatta đắc cử nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử mà phe đối lập nói đã bị gian lận, một người cha đau khổ nói rằng đứa con gái 9 tuổi của ông bị chết vì đạn lạc trong khi đang chơi với bạn.

“Tôi đang xem nó chơi với bạn thì bất thình lình nó ngã xuống,” người cha Wycliff Mokaya nói với hãng tin AP. “Nó là hy vọng duy nhất của tôi.”

Trong những khu ổ chuột ở Nairobi trung thành với nhà lãnh đạo đối lập Raila Odinga, cảnh sát nổ súng để giải tán những người biểu tình chặn đường và đốt lửa làm rào chắn, AP cho biết. Hãng tin này nói thêm các nhiếp ảnh gia của họ nhìn thấy cảnh sát xông vào người biểu tình và bắn hàng loạt đạn thật và hơi cay trong khu Mathare.

Ông Kenyatta chiến thắng với 54 phần trăm phiếu bầu so với 45 phần trăm phiếu bầu dành cho ông Odinga, nhưng tranh cãi gay gắt về sự toàn vẹn của tiến trình bầu cử đã làm lu mờ điều mà nhiều người Kenya đã hy vọng sẽ là một sự tôn vinh nền dân chủ ở một cường quốc khu vực được biết đến tới nhờ sự hứa hẹn về kinh tế và sự ổn định lâu dài.

Tình trạng bất ổn cũng phơi bày sự chia rẽ trong một xã hội nơi đói nghèo và tham nhũng ở các cấp chính phủ cao nhất đã làm nhiều người Kenya giận dữ, kể cả những người biểu tình phản đối trong những khu ổ chuột và xem ông Odinga là tiếng nói cho những oán thán của họ.

Thêm vào sự chia rẽ này là sự trung thành sắc tộc. Ông Kenyatta được nhiều người coi là đại diện của người Kikuyu, nhóm sắc tộc lớn nhất ở Kenya, trong khi ông Odinga thuộc sắc tộc Luo, vốn chưa bao giờ có người nắm giữ vị trí nguyên thủ quốc gia.

https://www.voatiengviet.com/a/so-nguoi-chet-gia-tang-trong-bao-loan-hau-bau-cu-o-kenya/3983037.html

 

Bắc Hàn: Hơn 3 triệu người tự nguyện nhập ngũ

Bắc Hàn hôm 12/8 nói rằng gần 3,5 triệu công nhân, đảng viên và các binh sĩ tự nguyện gia nhập hoặc tái nhập ngũ để phản đối các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc và chống lại Hoa Kỳ, trong khi căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Washington gia tăng.

Reuters dẫn lời Rodong Sinmun, tờ báo chính thống của Bắc Hàn, đưa tin rằng có động thái trên sau khi hãng thông tấn chính thức của nước này là KCNA đầu tuần này ra thông cáo, lên án các biện pháp trừng phạt mới do Liên Hiệp Quốc áp đặt để trả đũa các vụ thử tên lửa của Bắc Hàn.

Cũng đầu tuần này, quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nằm trên bán đảo Triều Tiên đã đe dọa sẽ tấn công Mỹ và Guam, lãnh thổ nằm ở khu vực Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.

KCNA hôm 9/8 đưa tin rằng một cuộc tuần hành lớn đã được tổ chức ở Bình Nhưỡng để bày tỏ sự hậu thuẫn đối với chính phủ, theo Reuters.

Trước đây, Bắc Hàn cũng đã vận động nhiều đám đông bày tỏ sự quyết tâm khi căng thẳng gia tăng.

Hôm 1/8/2015, 1 triệu người Bắc Hàn đã tự nguyện nhập ngũ hoặc tái nhập ngũ sau khi xảy ra vụ nổ mìn ở khu vực phi quân sự giữa hai nước, gây thêm căng thẳng.

Hồi năm 2013, Bắc Hàn cảnh báo các nhà ngoại giao rời Bình Nhưỡng khi chính quyền này ngưng hoạt động tại một khu công nghiệp chung liên Triều, cũng như đe dọa tấn công tên lửa vào các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương, nhất là ở Guam và Hawaii.

https://www.voatiengviet.com/a/bac-han-noi-hon-ba-trieu-nguoi-tu-nguyen-nhap-ngu/3982947.html

 

Peru trục xuất đại sứ Venezuela

Peru quyết định trục xuất đại sứ Venezuela tại Peru sau khi Venezuela không đáp ứng trước những lên án của Tây phương về việc lập ra Quốc hội Lập hiến, theo tin Bộ Ngoại giao Peru ngày 11/8.

Đại sứ Diego Molero có năm ngày để rời khỏi Peru, Bộ Ngoại giao nêu rõ.

Hôm thứ ba, Peru đã triệu họp các nhà ngoại giao trên khắp Châu Mỹ để đồng loạt lên án ‘sự rạn nứt trật tự dân chủ’ ở Venezuela.

Mỹ và các nước Tây phương lên án chiến dịch trấn áp của ông Nicolas Maduro đối với những người bất đồng chính kiến và việc nhà lãnh đạo này thành lập Quốc hội lập hiến, cơ quan toàn quyền do những người trung thành với Đảng Xã hội của ông kiểm soát.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, nói ông Maduro lập Quốc hội lập hiến để củng cố quyền cai trị độc tài và rằng “việc chế độ này coi thường ý chí của người dân Venezuela là không thể chấp nhận, Mỹ sẽ đứng về phía người dân Venezuela chống lại độc tài.”

Hơn 125 người thiệt mạng kể từ khi bùng nổ bất ổn từ các làn sóng biểu tình chống chính phủ do ông Maduro lãnh đạo từ tháng tư tới nay.

https://www.voatiengviet.com/a/peru-truc-xuat-dai-su-venezuela-/3982442.html

 

Tàu ngầm chìm, nhà phát minh bị truy tố

Một nhà phát minh Đan Mạch bị truy tố tội giết hại một nhà báo Thụy Điển, người có mặt trên chiếc tàu ngầm do ông chế tạo trước khi tàu bị chìm hôm 11/8.

Peter Madsen, 46 tuổi, được hải quân cứu thoát sáng cùng ngày và được đưa về bờ sau khi chiếc tàu ngầm dài 17m do ông tự chế bị đắm, cảnh sát cho hay.

Ông Madsen bác những cáo buộc cho rằng ông đã sát hại nữ ký giả trên tàu của ông. Ông nói rằng trước khi tai nạn xảy ra, tối ngày 10/8, ông đã đưa cô này lên bờ, ở Copenhagen.

Cảnh sát Thụy Điển nói họ tìm mọi cách liên lạc, gọi điện cho nữ ký giả vừa kể nhưng không được. Gia đình cô cũng không nghe tin tức gì của cô.

Doanh nhân Madsen cũng là một nghệ nhân, nhà đóng tàu ngầm, và là một kỹ sư không gian.

Cảnh sát cho biết chiếc tàu ngầm do ông Madsen tự chế bị đắm xuống đáy biển tại khu vực Vịnh Koge, phía Nam Copenhagen, ở độ sâu 7m.

Thợ lặn chưa vào được bên trong con tàu lâm nạn.

Tàu ngầm UC3 Nautilus là một trong ba chiếc do ông Madsen xây dựng, có sức chứa tới 8 người.

https://www.voatiengviet.com/a/tau-ngam-chim-nha-phat-minh-bi-truy-to-/3982434.html

 

Hội nghị Bắc Đới Hà đang diễn ra?

Có dấu hiệu cho thấy một hội nghị quan trọng quy tụ các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đang nhóm họp tại Bắc Đới Hà để bàn bạc về đường lối và nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ 19 sắp diễn ra.

Hôm thứ Tư 9/8, Tân Hoa xã đưa tin Bí thư Ban bí thư Lưu Vân Sơn, nhân vật thứ Năm trong Thường vụ Bộ Chính trị và trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương, đã đến thăm các viên chức chính phủ đang nghỉ dưỡng tại khu nghỉ mát Bắc Đới Hà thuộc tỉnh Hà Bắc. Đây là dấu hiệu cho thấy hội nghị Bắc Đới Hà đang diễn ra, theo Reuters.

Trước đó, Tân Hoa Xã cho biết ông Lưu đã được ông Tập ủy nhiệm đến thăm “các chuyên gia” đang nghỉ mát ở Bắc Đới Hà.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường trong suốt tuần qua không thấy xuất hiện trong các bản tin buổi chiều trong khi thông thường ngày nào báo chí Trung Quốc cũng đưa tin về hai ông. Điều này khiến giới quan sát tin là ông Tập và ông Lý có nhiều khả năng đang ở Bắc Đới Hà.

Thông tin về hội nghị này được giữ kín, và năm nay diễn ra trước thềm Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho nên được cho là sẽ chuẩn bị nội dung và ra quyết định về các nhân sự chủ chốt, theo các nhà quan sát chính trị Trung Quốc.

Cuộc họp thường niên ở đây thường là một cơ hội để lãnh đạo tại chức và về hưu thảo luận các vấn đề hệ trọng. Nhưng tại Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay, ông Tập hình như nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của cá nhân ông thay vì tham vấn các cựu lãnh đạo theo truyền thống, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), dẫn lời một số nhà phân tích chính trị nhận định.

“Quyền kiểm soát Đảng, kiểm soát chính phủ và kiểm soát quân đội tất cả đều ở trong tay ông Tập” ông Trần Đạo Ngân, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Khoa học Chính trị và Pháp luật Thượng Hải, nói, “Cấu trúc chính trị hiện nay đồng nghĩa với việc không có ai có thể có ý kiến trái ngược với ông ấy.”

Tại lễ duyệt binh kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Giải phóng quân Trung Quốc mới đây ở Nội Mông, ông Tập là lãnh đạo Nhà nước duy nhất có mặt. Sau đó, trong một bài diễn văn dài về an ninh quốc gia trước các quan chức cấp cao của Đảng và Nhà nước, ông Tập không một lần đề cập đến hai người tiền nhiệm là ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Đây rõ ràng là sự loại bỏ có chủ ý, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng nhận định. Các lãnh đạo Trung Quốc có truyền thống tôn vinh những người tiền nhiệm còn sống, vốn vẫn duy trì ảnh hưởng lớn trong Đảng thông qua mạng lưới những thuộc hạ thân tín.

Các cuộc diễu binh trước đây đều diễn ra trên Đại lộ Trường An ở thủ đô Bắc Kinh với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo về hưu bên cạnh các lãnh đạo đang tại chức trên lễ đài ở Quảng trường Thiên An Môn.

Nhà sử học Chương Lập Phàm ở Bắc Kinh nhận định rằng theo thông lệ thì các lãnh đạo về hưu được tham gia vào các hoạt động chính trị nhưng ông Tập giờ đây đang xa rời thông lệ đó và dồn nỗ lực để củng cố quyền lực cá nhân, tìm cách đưa những người thân tín vào Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyết định chính sách tối cao, càng nhiều càng tốt.

Giáo sư Vương Chính Tự, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc ở Đại học Nottingham, nói ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo về hưu đã suy giảm dần trong thập niên qua.

“Ông Tập sẽ hành động nhiều hơn trong vấn đề này. Ông có thể ngăn các nhà lãnh đạo về hưu tham gia chính sự bằng cách thay đổi hệ thống”.

https://www.voatiengviet.com/a/hoi-nghi-bac-doi-ha-dang-dien-ra/3982065.html

 

Trứng nhiễm độc lan tới châu Á

Minh Tâm

Ngày 12/08/2017, người phụ trách Y tế Hồng Kông Trần Triệu Thủy (Sophia Chan) tuyên bố đang tăng cường rà soát lại toàn bộ số trứng nhập khẩu từ châu Âu sau khi phát hiện một số trứng nhiễm độc trên thị trường.

Trung tâm an toàn thực phẩm Hồng Kông (CFS) cho biết là ngày 11/08, họ tìm thấy hai mẫu trứng nhập từ Hà Lan vượt quá giới hạn fipronil cho phép. Bà Trần Triệu Thủy cũng cho biết : « Trung tâm an toàn thực phẩm hiện đang kiểm tra chặt chẽ trứng đến từ châu Âu, ở cả khâu nhập khẩu đến khâu bán lẻ trên các quầy hàng ».

Hồng Kông là khu vực đầu tiên tại châu Á bị phát hiện là có trứng bị nhiễm độc fipronil nhập từ châu Âu.

Cuộc khủng hoảng trứng nhiễm độc tại Châu Âu như vậy đã lan rộng, với 17 quốc gia bị ảnh hưởng, trong đó có 15 nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu.

Sau thông tin trứng nhiễm độc đã có mặt tại Hồng Kông, Bruxelles đã triệu tập các nước châu Âu có liên quan, và kêu gọi các bên ngừng đổ lỗi cho nhau.

Một cuộc họp giữa các bộ trưởng và đại diện các cơ quan an toàn thực phẩm từ tất cả các nước thuộc Liên Hiệp sẽ diễn ra càng sớm càng tốt.

Ủy viên Y Tế châu Âu Vytenis Andriukaitis cho biết, cuộc họp này có thể mở ra vào 26/09/2017.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170812-trung-nhiem-doc-lan-toi-chau-a

 

Miến Điện điều thêm quân đội đến bang Rakhine,

LHQ lo ngại

Minh Tâm

Ngày 12/08/2017, một số quan chức chính phủ Miến Điện, xin giấu tên, đã xác nhận việc thiết lập giới nghiêm và triển khai thêm quân tới bang Rakhine. Lời xác nhận được đưa ra trong bối cảnh đại diện Liên Hiệp Quốc tỏ ý quan ngại trước các thông tin về việc Quân Đội Miến Điện được tăng cường đến khu vực này.

Ngày 11/8, đặc sứ Liên Hiệp Quốc, bà Yanghee Lee đã bày tỏ thái độ hết sức quan ngại trước các thông tin theo đó quân đội Miến Điện đã đưa nhiều tiểu đoàn lính đến tăng cường cho lực lượng đã có sẵn tại Rakhine.

Từ tháng 10 năm ngoái, sau vụ một số phần tử nổi dậy tấn công vào nhiều đồn biên phòng, quân đội Miến Điện đã được đưa đến vùng Rakhine, và đã đàn áp thẳng tay người Hồi Giáo Rohingya trong vùng, một chiến dịch đã bị Liên Hiệp Quốc cho là không khác gì một vụ thanh lọc chủng tộc.

Truyền thông nhà nước Miến Điện hôm nay cho biết nhiều chiến dịch bố ráp đang được thực hiện trong vùng núi May Yu của bang Rakhine, nơi được cho là có các nhóm nổi dậy đang hoạt động

Những tháng gần đây hàng chục dân thường đã bị những sát thủ đeo mặt nạ hạ sát hay bắt cóc. Chính phủ Miến Điện đã đổ trách nhiệm cho nhóm vũ trang mang tên Quân Đội Cứu Tinh Arakan Rohingya, nhưng nhóm này đã phủ nhận trên twitter về việc giết dân thường.

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính quyền Miến Điện thực hiện các biện pháp an ninh phù hợp với các chuẩn mực nhân quyền quốc tế.

Rohingya là nhóm thiểu số đạo Hồi bị chính quyền coi là di cư bất hợp pháp từ Bangladesh, mặc dù đã sống tại Miến Điện nhiều thế kỷ. Một triệu người Rohingya không được nhập tịch và bị tước nhiều quyền cơ bản, và luôn bị đa số tín đồ Phật Giáo kỳ thị.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170812-mien-dien-dieu-them-quan-doi-den-bang-rakhine-lhq-lo-ngai

 

Mỹ đòi Cuba làm rõ vụ tấn công siêu âm

vào nhân viên ngoại giao

Thu Hằng

Ngày 11/08/2017, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Cuba phải làm sáng tỏ các vụ tấn công nhắm vào nhân viên ngoại giao Mỹ tại La Habana. Ông Tillerson cũng cho biết Washington « vẫn chưa xác định được thủ phạm ».

Trả lời báo giới về các vụ tấn công siêu âm bí hiểm khiến nhiều nhân viên ngoại giao Mỹ đột nhiên bị điếc và phải quay về Mỹ điều trị, ông Tillerson hy vọng « chính quyền Cuba sẽ làm rõ chuyện gì đứng sau các vụ tấn công, không chỉ nhắm vào nhân viên ngoại giao Mỹ mà cả nhiều nhà ngoại giao khác ». Cụ thể là một nhân viên ngoại giao Canada đang làm việc tại Cuba cũng bị mất thính giác, theo thông báo của Ottawa ngày 10/08.

Từ sân golf Bedminster (New Jersey), ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh : « Chúng tôi cho rằng như mọi nước chủ nhà khác, Cuba phải chịu trách nhiệm về an ninh và toàn vẹn cho các nhà ngoại giao làm việc trên lãnh thổ của mình ».

La Habana thông báo đã mở một cuộc điều tra « toàn diện, ưu tiên và khẩn cấp ». Vụ việc này lại khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba, mới được tái lập từ 2015, thêm xấu đi kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống.

Vụ gọi là « tấn công bí ẩn bằng vũ khí siêu âm » đã xảy ra cách đây nhiều tháng, nhưng chỉ được tiết lộ vào tuần này. Những « triệu chứng tổn thương thân thể » đầu tiên được cảnh báo từ cuối năm 2016.

Ngày 23/05, không chờ kết quả điều tra rõ hơn, Hoa Kỳ quyết định đáp trả bằng cách trục xuất hai nhà ngoại giao Cuba đang làm việc tại Washington.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170812-my-yeu-cau-cuba-lam-ro-vu-tan-cong-sieu-am-vao-nhan-vien-ngoai-giao

 

Ấn Độ tăng quân tại vùng giáp giới Trung Quốc

Trọng Nghĩa

Thông tin báo chí tại New Delhi hôm 11/08/2017 tiết lộ : Ấn Độ đã gia tăng số lượng binh lính dọc theo vùng biên giới với Trung Quốc ở miền đông bắc Ấn. Quyết định tăng quân được đưa ra vào lúc New Delhi và Bắc Kinh đang đối đầu căng thẳng tại một vùng cao nguyên có giá trị chiến lược thiết yếu trên dãy Himalaya.

Hãng tin Ấn Độ PTI trích dẫn một quan chức chính phủ xin giấu tên cho biết là quân số tại hai vùng Sikkim và Arunachal dọc theo biên giới với Trung Quốc đã tăng lên, nhưng không cho biết chi tiết. Cũng theo nhân vật này, thì mức độ « cảnh báo » trong quân đội Ấn cũng đã được nâng cao.

Tuy nhiên quan chức này xác định rằng New Delhi đã không tăng quân số tại vùng ba biên giới giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan, nơi vẫn có khoảng 350 binh lính Ấn Độ ở trong tư thế đối mặt với Quân Đội Trung Quốc từ gần 7 tuần lễ nay.

Tình hình biên giới Ấn-Trung bắt đầu bị khuấy động từ tháng Sáu vừa qua, khi lính Trung Quốc bắt đầu mở rộng một con đường thông qua vùng Doklam, một nơi thuộc lãnh thổ Bhutan, nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền. Ấn Độ, một đồng minh thân thiết của Bhutan, đã cho triển khai quân đội để ngăn chặn các dự án xây dựng, và Bắc Kinh đã tố cáo Ấn Độ xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc.

Trung Quốc cứng giọng đòi Ấn Độ phải rút quân ra khỏi khu vực trước mọi cuộc đàm phán, trong lúc New Delhi yêu cầu cả hai bên đều triệt thoái lực lượng.

Vùng cao nguyên nơi quân đội Ấn-Trung đang gườm nhau là một vị trí trọng yếu, vì nếu kiểm soát được cao nguyên này, Trung Quốc có thể chọc thẳng vào khu vực « yết hầu » của Ấn Độ, một dải đất mỏng nối liền hai bang đông bắc của Ấn Độ với phần còn lại của đất nước.

Thái độ nghị kỵ của Ấn Độ đối với Trung Quốc đã có lịch sử hàng trăm năm, đặc biệt là từ sau cuộc chiến tranh ngắn ngủi vào năm 1962 tại Arunachal Pradesh, bang biên giới của Ấn Độ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170812-an-do-tang-quan-tai-vung-giap-gioi-trung-quoc

 

Chuyên gia Mỹ cảnh báo:

Bình Nhưỡng sắp bắn tên lửa từ tàu ngầm

Trọng Nghĩa

Đấu khẩu Washington-Bình Nhưỡng ngày càng gay gắt, với những lời đe dọa quân sự nhắm vào nhau. Tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm qua, 11/08/2017 lại cứng giọng tuyên bố đã sẵn sàng để tấn công Bắc Triều Tiên, ít lâu sau khi chế độ Kim Jong Un loan báo chi tiết kế hoạch dùng tên lửa bắn qua đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Theo thông tín viên RFI Louis Palligiano tại Seoul, quân đội Bắc Triều Tiên có dấu hiệu sắp có hành động khiêu khích mới. Theo trang web Mỹ « 38 Vĩ Độ Bắc » có uy tín, hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị thử nghiệm thêm tên lửa :

« Từ vài ngày nay, Bình Nhưỡng lớn tiếng nhấn mạnh là một kế hoạch tấn công đảo Guam của Mỹ sẽ hoàn tất vào giữa tháng Tám. Lời đe dọa này càng lúc càng được cụ thể hóa : Quân Đội Bắc Triều Tiên tuyên bố rằng bốn tên lửa đạn đạo tầm trung sẽ bay ngang qua các vùng Shimane, Hiroshima và Kochi của Nhật Bản, và sau đó sẽ rơi xuống biển, cách Guam 30 cây số.

Guam là một hòn đảo ởThái Bình Dương, tuy nhỏ nhưng lại có tầm quan trọng chiến lược rất lớn đối với Quân Đội Mỹ, là một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ với các oanh tạc cơ chiến lược, và khoảng 6.000 binh sĩ đóng quân ở đó.

Bực tức trước những lời thách thức của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, Donald Trump đã cảnh báo Bình Nhưỡng rằng « các phương án quân sự đã có và đã sẵn sàng để sử dụng. » Tuy nhiên lời đe dọa của Donald Trump không hề làm Bắc Triều Tiên run sợ. Chế độ Bình Nhưỡng sắp tiến hành những vụ thử tên lửa mới.

Theo trang web Mỹ chuyên trách vấn đề Triều Tiên – 38 Vĩ Độ Bắc (38° North) – hình ảnh vệ tinh cho thấy rằng Bắc Triều Tiên có lẽ đang chuẩn bị phóng tên lửa hải đối địa từ tàu ngầm sâu dưới mặt biển.

Chuyên gia về quốc phòng Bắc Triều Tiên Joseph Bermudez cho rằng các hình ảnh này cho thấy Bình Nhưỡng đang cố gắng phát triển loại vũ khí hạt nhân dùng trên biển.

Trong bối cảnh căng thẳng cùng cực đoan, bất kỳ một hành vi khiêu khích mới nào của Bình Nhưỡng đều làm dấy lên lo ngại rằng tổng thống Mỹ rốt cuộc sẽ biến lời nói thành hành động.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170812-chuyen-gia-my-canh-bao-binh-nhuong-sap-ban-ten-lua-tu-tau-ngam

 

Nhật Bản triển khai hệ thống Patriot

để phòng chống tên lửa Bắc Triều Tiên

Minh Tâm

Theo kênh truyền hình quốc gia Nhật NHK ngày 12/08/2017, bộ Quốc Phòng Nhật Bản đã triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot (PAC-3) tại các thành phố Shimane, Hiroshima, Kochi và Ehime thuộc phía Tây nước này. Hệ thống tên lửa đánh chặn PAC-3 nhằm đối phó với khả năng Bắc Triều Tiên thực hiện kế hoạch phóng tên lửa tới quần đảo Guam của Mỹ và bay qua không phận Nhật Bản như Bình Nhưỡng đã đe dọa.

Chính phủ Nhật chưa ra thông cáo chính thức về việc triển khai lá chắn Patriot, nhưng đã từng khẳng định là sẽ bắn hạ bất cứ tên lửa nào từ Bắc Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản.

Trong tuần này, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản cũng nói rằng Tokyo sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết và không bao giờ tha thứ cho những hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng.

Hình ảnh quân xa chở theo hệ thống phòng thủ tên lửa di chuyển đến lối vào một căn cứ quân sự ở Kochi đã được phát trên truyền hình Nhật Bản.

Năm 2009, Bắc Triều Tiên đã phóng một tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Ngay sau đó, Bình Nhưỡng nói rằng đó chỉ là một tên lửa mang vệ tinh thông tin liên lạc, trong lúc Tokyo, Seoul và Washington đều cho rằng Bắc Triều Tiên đã thực hiện một vụ phóng thử tên lửa liên lục địa với mục đích quân sự.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170812-nhat-ban-trien-khai-he-thong-phong-thu-ten-lua-bac-trieu-tien