Bản tin Biển Đông ngày 09/08
Ngày đăng 10-08-2017
- BDN
Cựu Đại sứ Philippines tại ASEAN hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc thông qua khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Ngày 8/8, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, ông Wilfrido Villacorta, cựu Đại sứ Philippines tại ASEAN cho hay việc khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) được các bên thông qua vào ngày 6/8 “nhất định sẽ là một đóng góp chung rất lớn mang đậm dấu ấn của ASEAN và Trung Quốc đối với hoà bình và ổn định ở khu vực”, cho thấy COC “sẽ là một khuôn khổ dựa trên luật lệ bao gồm một bộ các quy tắc hướng dẫn cho các bên và thúc đẩy hợp tác trên biển ở Biển Đông” đồng thời khẳng định đây là bước tiến lớn của ASEAN trong vòng 50 năm, thể hiện tình đoàn kết và cam kết của ASEAN với hoà bình, thịnh vượng và ổn định của khối. Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng “nếu COC được thiết lập và được các bên tuân thủ, sẽ khó có khả năng xảy ra xung đột lớn giữa các quốc gia ASEAN ở khu vực trong 50 năm tới”.
Trung Quốc gây sức ép với Singapore nhằm xoa dịu ASEAN trong vấn đề Biển Đông
Ngày 8/8, hãng Reuters cho hay, theo “một số nguồn tin đang nắm tình hình”, Trung Quốc dường như đang rất lo lắng rằng nước này có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng chỉ trích mới đối với các hành động của nước này ở Biển Đông khi Singapore trở thành nước Chủ tịch ASEAN năm 2018 và do đó đang gây sức ép lên Singapore nhằm đảm bảo “không có vấn đề gì xảy ra”. Các nguồn tin này cho biết đại diện của phía Trung Quốc đã trao đổi kín với phía Singapore trong nhiều tháng qua và cho hay không muốn có bất cứ rắc rối nào với Bắc Kinh khi Singapore đảm nhận vị trí mới trong năm tới. Theo một số quan chức ngoại giao, từ trước đến nay, Bắc Kinh luôn tìm cách tận dụng ảnh hưởng của mình để gây sức ép lên các nước đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN để ngăn cản lập trường của khối về vấn đề Biển Đông.
Theo một số nguồn tin, “Trung Quốc đang cho rằng Singapore cần phải “nghe lời” Trung Quốc” và “Trung Quốc đang làm rõ với Singapore những kỳ của họ về vấn đề Biển Đông”. Hiện Bộ Ngoại giao Singapore không đưa ra bình luận gì về những ý kiến này.
Trong khi đó, trong một tuyên bố được gửi tới Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Trung Quốc ủng hộ vai trò của Singapore và “tin rằng Singapore sẽ dẫn dắt ASEAN hợp tác với Trung Quốc thúc đẩy hợp tác thực chất đang ngày càng phát triển và đổi mới… đồng thời xây dựng một cộng đồng Trung Quốc – ASEAN vì vận mệnh chung ngày càng gắn bó hơn”.
Truyền thông Nhà nước Trung Quốc Thời báo Hoàn cầu hồi tháng 6 thì nhận định rằng “mối quan hệ đặc biệt” một thời giữa Trung Quốc và Singapore giờ đã “phai nhạt” do hai bên “thiếu sự tin cậy” trong vấn đề Biển Đông. Ông Eugene Tan, Phó Giáo sư Đại học Quản lý Singapore cho rằng có thể sẽ có những bất đồng giữa các nước khi Singapore đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vì khi đó “Trung Quốc sẽ khó có thể gây sức ép đối với quan hệ ASEAN – Trung Quốc”. Ông bày tỏ hy vọng rằng “dù Singapore không có quyền đòi hỏi các quốc gia khác làm gì trong vấn đề liên quan đến chủ quyền của họ song kỳ vọng Singapore sẽ có cách tiếp cận mạnh mẽ hơn khi làm việc với Trung Quốc với tư cách là Chủ tịch ASEAN”.
Ngoại trưởng Philippines khẳng định Thông cáo chung về tranh chấp Biển Đông “đã đạt được sự cân bằng”
Ngày 9/8, tạp chí The Straits Times cho hay, tại buổi họp báo ngày 8/8, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano đã khẳng định rằng Thông cáo chung được đưa ra ngày 6/8 sau khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 là “rất cân bằng” bởi Thông cáo chung đã phản ánh được những điểm mà tất cả các bên đều chấp nhận. Ông cho biết Trung Quốc đã “xuống thang” khi không còn khăng khăng bảo vệ quan điểm rằng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cần phải là một văn kiện “không mang giá trị ràng buộc về mặt pháp lý”. Ông Cayetano cũng cho biết thêm rằng Philippines đã vận động để Thông cáo chung không đề cập đến “hoạt động tôn tạo đảo” và “quân sự hoá” ở Biển Đông vì những hoạt động này “không phản ánh được tình thế hiện tại”.