Tin Việt Nam – 11/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 11/08/2017

Hoạt động an ninh trong các cơ quan ngoại giao Việt Nam

Kính Hòa RFA

Vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức đã dẫn đến việc trục xuất một nhân viên của sứ quán Việt Nam tại Đức, được cho là nhân viên của cơ quan an ninh Việt Nam.

Hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam trong các phái bộ ngoại giao ở nước ngoài như thế nào?

Nhân viên an ninh trong vỏ bọc ngoại giao

Ông Đặng Xương Hùng, một cựu viên chức Bộ ngoại giao Việt Nam từng làm việc trong các cơ quan lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sĩ, nói với chúng tôi về vị trí của nhân viên an ninh Việt Nam bên trong các tòa đại sứ:

Thông thường thì các sứ quán Việt Nam tại nước ngoài bao giờ cũng có một nhân viên an ninh của Bộ Công an chuyển sang, núp dưới danh nghĩa có hàm ngoại giao, thường giữ chức Bí thư thứ nhất, thường làm nhiệm vụ báo chí, cũng như là làm cái nhiệm vụ quản lý cộng đồng người Việt, tức là cái gọi là “người Việt yêu nước”, hay là những tổ chức mà Việt Nam gọi là phản động chống lại chính quyền. Ở các sứ quán đều có một suất như vậy, và lần lượt người phía an ninh đưa người sang Bộ ngoại giao, làm thủ tục như một cán bộ ngoại giao, đi như một cán bộ ngoại giao.

Ông Hùng cho rằng việc có mặt một nhân viên an ninh trong sứ quán cũng là một thông lệ trong ngành ngoại giao trên thế giới, miễn là nhân viên đó hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của nước sở tại.

Vào năm 2014, ông Đặng Xương Hùng nộp đơn cho chính phủ Thụy sĩ xin tị nạn chính trị, và ông sống ở đất nước này cho đến nay.

Cũng có thể đó là một chuyên án đặc biệt chỉ có Bộ Công an biết, hoặc là một cái chuỗi thông tin chỉ đi qua một số người thôi, đi thẳng đến nơi hành động.

-Ông Đặng Xương Hùng.

Ông Hùng cho biết là các nhân viên an ninh có hai nguồn thu nhập, thứ nhất là từ các chi phí visa của các cơ quan lãnh sự Việt Nam, vì những người này thường phụ trách cả việc cấp phát visa vào Việt Nam, và nguồn thu nhập thứ hai của họ là từ Bộ Công an:

Họ có một khoản tài chính do chính phía Bộ Công an cấp cho những nghiệp vụ của họ, và tiền đó không phải là của Bộ ngoại giao, của Bộ Tài chính cấp cho Bộ Ngoại giao, mà đó là tiền của phía Bộ Công an gọi là chi phí nghiệp vụ. Tôi cũng thường nghe họ nói đó là một chi phí đặc biệt dùng cho những hoạt động ví dụ như mua chuộc, cho những người nào có thông tin tốt cho phía an ninh Việt Nam.”

Sau khi vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức được tiết lộ, một viên chức của sứ quan Việt Nam phụ trách báo chí là ông Nguyễn Đức Thoa bị phía Đức yêu cầu rời khỏi đất Đức, vì được cho rằng dinh líu tới vụ bắt cóc. Theo ông Hùng thì ông Thoa có hàm Đại tá công an.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi là liệu các viên chức ngoại giao cao cấp của Việt Nam có biết tới kế hoạch bắt cóc hay không, ông Hùng nói:

“Theo tôi thì 50/50, cũng không loại trừ khả năng là các ông ấy không biết. Cũng có thể đó là một chuyên án đặc biệt chỉ có Bộ Công an biết, hoặc là một cái chuỗi thông tin chỉ đi qua một số người thôi, đi thẳng đến nơi hành động.”

An ninh Việt Nam và cộng đồng người Việt hải ngoại

Theo ông Đặng Xương Hùng thì ảnh hưởng của các hoạt động của an ninh Việt Nam trong các cộng đồng người Việt tại hải ngoại mạnh nhất là tại các quốc gia Đông Âu theo cộng sản trước năm 1989, nơi có một cộng đồng đông đảo những du học sinh, hay người xuất khẩu lao động ra đi từ nước Việt Nam cộng sản, còn ở các quốc gia phương Tây như Mỹ, Canada, Tây Âu,… thì yếu hơn nhiều. Chính vì lý do đó, theo ông Hùng, việc chuyển ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam đã được thực hiện qua ngã Cộng hòa Séc, một nước cộng sản Đông Âu trước kia. Thông tin ông Thanh được đưa qua Cộng hòa Séc để mang về Việt Nam được luật sư của ông Thanh là ông Victor Pfaff nói với hãng tin Reuters vào hôm 3 tháng Tám, 2017.

Sáng 10 tháng Tám, giờ châu Âu, tờ báo Spiegel của Đức loan tải rằng có một nhân viên người Việt của sở di trú Đức bị tình nghi có liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

Nhà báo Lê Trung Khoa của tờ Thoibao, bằng Việt ngữ tại thủ đô Berlin cho chúng tôi biết:

Thông tin trên tờ Spiegel đã tiết lộ rằng có một người tên là T. hiện làm nhân viên cho Sở Di trú Đức, có điều kiện vào các ngân hàng dữ liệu, xem dữ liệu của toàn bộ những người tị nạn, kể cả người Việt Nam. Họ nghi ngờ rằng phải chăng những thông tin đó được ông này đưa ra ngoài và có thể là để cho người ta biết địa chỉ lưu trú của ông Trịnh Xuân Thanh đăng ký ở Đức, để mật vụ Việt Nam có thể ập đến bắt.”

Cũng ông Lê Trung Khoa cho chúng tôi biết rằng Sở Di trú Đức cho ông biết rằng người đàn ông tên T. mà tờ Spiegel nêu tên, vừa bị cho nghỉ việc trong ngày 10 tháng Tám, vì nghi vấn tiết lộ bí mật.

Chúng tôi chưa có một nguồn tin khác để xác định việc này. Khi gọi điện tới tòa Đại sứ Việt Nam tại Đức thì được trả lời rằng tòa Đại sứ không có thông tin gì cả.

Rất nhiều hội đoàn ở đây có liên quan đến Sở Di trú ngạc nhiên là tại sao nhiều người Việt Nam ở đây biết thông tin nội bộ của họ.


-Nhà báo Lê Trung Khoa.

Theo ông Lê Trung Khoa, sự việc này sẽ có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng người Việt tại Đức:

Rất nhiều hội đoàn ở đây có liên quan đến Sở Di trú ngạc nhiên là tại sao nhiều người Việt Nam ở đây biết thông tin nội bộ của họ. Qua việc này có lẽ họ lờ mờ hiểu ra rằng có một bàn tay ở bên trong, đưa thông tin ra, làm bất lợi cho những hội đoàn có đăng ký ở Đức.”

Trở lại quan hệ giữa Bộ ngoại giao Việt Nam và các nhân viên an ninh Việt Nam, ông Đặng Xương Hùng cho rằng vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Đức, chứng tỏ rằng Bộ Ngoại giao đã không có tiếng nói mạnh như cơ quan an ninh của Việt Nam. Nhưng mặt khác ông Hùng cũng cho rằng ảnh hưởng của cơ quan an ninh Việt Nam trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại nói chung ngày càng giảm, vì hình ảnh cai trị của đảng cộng sản trong nước đã sụt giảm.

Cho đến giờ này thì trước cáo buộc bắt giữ người bất hợp pháp của chính phủ Đức, Việt Nam chỉ có ra tuyên bố lấy làm tiếc, nói rằng ông Thanh đã về nước đầu thú, nhưng không công nhận cũng như phủ nhận hành động bắt cóc.

Tin cuối cùng chúng tôi nhận được từ báo Spiegel là cơ quan Công tố của Đức tình nghi rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã bị cầm giữ trong Sứ quán Việt Nam trước khi được đưa đi.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/spy-story-trinh-xuan-thanh-08102017124803.html

 

Nhân chuyện “đồng chí” T.

và những “đồng chí” giống như vậy

Song Chi

Vụ Trịnh Xuân Thanh có vẻ không chìm lắng đi như suy nghĩ, đánh giá có phần chủ quan của nhà cầm quyền VN và đám dư luận viên ủng hộ vụ “bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh ngay trên đất Đức. Ngược lại, báo chí Đức đưa tin “Viện Công tố liên bang Đức ở Karlsruhe nhập cuộc điều tra vụ một người Việt bị bắt cóc tại Berlin. Tổng Biện lý Liên bang mở cuộc điều tra.” (“Verschleppung eines VietnamesenGeneralbundesanwalt übernimmt Ermittlungen”, Spiegel online, ngày 10.8)

Như vậy vụ việc đã được chính phủ Đức đưa lên tầm có tính cách nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia như các trường hợp gián điệp, khủng bố, các tội phạm chính trị cực đoan và xâm phạm công pháp quốc tế. Bên cạnh đó, thái độ của nhà cầm quyền VN càng làm phía Đức bực tức thêm khi không trả lời các câu hỏi của họ, không có một nhân vật cấp cao nào chính thức lên tiếng ngoại trừ người phát ngôn Bộ Ngoại giao chỉ nói vỏn vẹn một câu “Chúng tôi rất tiếc”.

TV Đức cũng loan tin Tổng biện lý Đức điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh. Tin của Đài Truyền hình Đức ARD ngày 10.8: “Bundesanwaltschaft ermittelt Vietnamese verschwunden – Geheimdienst im Spiel?” Tin của Đài truyền hình Đức ZDF “Verschwundener Vietnamese Ein Fall für die Bundesanwaltschaft” (nguồn: www.vietnam21.info)

Không những thế, có một chi tiết rất đáng chú ý là một nhân vật có tên việt là Hồ Ngọc T. làm việc tại sở Liên bang Di dân và tỵ nạn của Đức (BAMF-Bundesamt für Migration und Flüchtlinge) đã bị ban giám đốc sở Liên bang Di dân và Tỵ nạn đình chỉ công việc để điều tra xem ông ta có liên quan gì đến vụ TXT hay không. Mọi việc là từ những bài viết chỉ trích phản ứng, hành động của chính phủ Đức và đứng về phía nhà nước cộng sản VN trong vụ TXT.

Các facebooker đã nhanh chóng tìm ra facebook của vị này và đọc bài thì thấy rất rõ quan điểm của nhân vật “đồng chí” T. (Gọi theo cách gọi của nhà văn Phạm Thị Hoài)

Hóa ra, đồng chí T. là là đảng viên đảng cộng sản, cựu chiến binh, dũng sĩ chống Mỹ…Sau này sống ở Đức, làm việc tại một cơ quan rất “nhạy cảm” là BAMF (cơ quan xét duyệt tỵ nạn cho người nước ngoài của Đức) nhưng đầu óc, tư duy vẫn “đỏ rực một màu cờ cách mạng”, thường xuyên viết bài cho báo Nhân Dân với quan điểm đứng về phía nhà cầm quyền VN, viết facebook ra vẻ khách quan nhưng thực chất là khéo léo định hướng mọi người theo quan điểm của nhà cầm quyền VN. Dù sống ở một quốc gia tự do, dân chủ, văn minh nhưng vẫn có những quan điểm căm ghét nền dân chủ phương Tây, đặc biệt thù ghét chế độ VNCH, căm thù các hoạt động đấu tranh của người Việt trong nước v.v….

Dựa trên những bài viết trên facebook của nhân vật và đặc thù công việc của “đồng chí” T. (là nhân viên cơ quan BAMF, có quyền truy cập vào các tập hồ sơ của người xin tỵ nạn và còn xem xét được sổ bộ đăng ký người nước ngoài trong đó có đủ địa chỉ của người xin tỵ nạn), cảnh sát, an ninh Đức nghi rằng ông này nhẹ nhất là đã để lộ nơi ở của TXT, đã tiết lộ những thông tin trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình trên facebook, hoặc nặng hơn có thể là cộng tác với nhà cầm quyền VN trong vụ tìm bắt con mồi TXT.

Một thực tế là cho đến giờ phút này, có thể nói rằng ở bất cứ nơi nào trên trái đất mà có cộng đồng người Việt sinh sống, thì chắc chắn sẽ có những kẻ do nhà cầm quyền VN gài vào, làm tay sai, gián điệp, nằm vùng; hoặc nếu không thì cũng là một dạng sống ở nước người, được nước sở tại cưu mang nhưng vẫn mang tư tưởng, suy nghĩ không khác với đám dư luận viên trong nước bao nhiêu. Không phải an ninh tình báo các nước người ta không biết hoặc không có cách để biết, nhưng khi anh chưa làm gì có hại đến nước người ta thì không sao, còn khi có chuyện họ sẽ sờ đến thôi.

Có khi từ vụ TXT mà lắm nhân vật như Nguyễn Đức T. Bí Thư Thứ Nhất Đại Sứ Quán CSVN tại Đức đồng thời là cán bộ Tổng cục Tình báo Việt Nam ở Berlin đã bị Chính phủ Đức trục xuất, tiếp theo là Hồ Ngọc T. có thể bị đuổi việc, và có thể là một ổ nữa…Biết đâu trong đó có cả những kẻ mà nhà nước VN nuôi bao năm, giấu kín thân phận để chờ khi có dịp là dùng đến!

Ông Tổng Trọng thường tỏ ra tâm đắc với cái phương pháp “đánh chuột đừng để vỡ bình” nhưng xem ra chuyến này đổ bể tùm lum, phiền phức thật đấy, ông Tổng nhỉ!

Thực sự mà nói, tôi không thích nhưng tôi có thể hiểu được vì sao bọn công an, an ninh chìm nổi, dư luận viên, đám bồi bút văn nô cho tới quan chức trong nước ra sức bênh vực chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo ở VN và chống lại tất cả những ai muốn thay đổi chế độ. Bởi vì đó là cuộc sống, là quyền lợi của họ, chế độ này đã cho họ quá nhiều thứ, họ phải ca tụng, bảo vệ, chưa kể họ sống trong nước, bị tuyên truyền nhồi sọ bao nhiêu năm mà lại không có đủ ngoại ngữ, kiến thức để tìm hiểu sự thật.

Tôi khó chịu, có thể nói là khinh hơn nhiều những loại người sau:

1. Sống ở nước ngoài lâu năm nhưng không tiếp thu, ảnh hưởng được bất cứ cái gì hay ho, tiến bộ trong xã hội của người ta, vẫn giữ nguyên những quan điểm bảo thủ, “đỏ rực” còn hơn bọn dư luận viên trong nước, vẫn ra sức bênh vực chế độ cộng sản, chống lại mọi sự thay đổi.

2. Sống ở nước người ta, được nước sở tại cưu mang nhưng lại cộng tác, làm việc cho nhà nước VN, làm gián điệp, tay sai cho cộng sản, làm dư luận viên cao cấp viết những bài viết làm ra vẻ khách quan nhưng thực chất là khéo léo tuyên truyền, định hướng theo đường lối, quan điểm của nhà cầm quyền VN.

Bọn này nguy hiểm hơn bọn dư luận viên trong nước là vì có ngoại ngữ, am hiểu tình hình xã hội, luật pháp nước sở tại, lại có bằng cấp, có “mác” Việt kiều nên nhiều người tin, tưởng rằng họ khách quan, mà không biết rằng đa phần cũng là dân cộng sản hoặc có gia đình thân nhân là cộng sản. Như đồng chí T. ở Đức hay đồng chí Beo H. ở Mỹ. Điểm dễ nhận ra là tuy ra sức khen nước sở tại nhưng cực kỳ căm ghét chế độ VNCH và phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ cho VN. Đám này có khi chỉ là dư luận viên cao cấp, nhưng cũng có khi là gián điệp, nằm vùng, tai mắt của nhà cầm quyền VN gài vào cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

3. Những người từng sống ở miền Nam VN trước kia, nhưng lại thân Cộng, thuộc thành phần thứ ba, mà người miền Nam hay gọi là “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản” hay “đâm sau lưng các chiến sĩ”, sau này sống ở nước ngoài nhưng đầu óc vẫn không thay đổi. Thật lạ lùng là hồi xưa thì có thể nói là họ không hiểu gì về cộng sản nên “mê” cộng sản, quay sang phá hoại chế độ VNCH từ trong lòng phá ra, nhưng bây giờ sau nhiều năm, chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo đã bộc lộ hết tất cả sự tồi tệ, bản chất dối trá, buôn dân bán nước, hèn với giặc ác với dân, mà vẫn có những người thuộc thành phần này bênh vực.

Không ít người trong số này là trí thức, có học, thậm chí tự xưng là nhà thơ nhà văn nhà nghiên cứu nọ kia, sống ở nước người hưởng không khí tự do, dân chủ, hưởng đủ mọi quyền lợi, nhưng vẫn đi về VN, và nếu được gặp gỡ, bắt tay quan này quan kia hay được nhà nước VN chiếu cố cho in một quyền sách, cho ngồi trong Hội Việt kiều yêu nước, hạ cố hỏi ý kiến nọ kia…thì lấy làm vinh dự, hãnh diện, càng ra sức ngợi khen chế độ. Loại này theo thiển ý của tôi là đáng khinh nhất!

Chợt nghĩ, bà con mình sống ở nước ngoài nếu có đấu tranh về những vấn đề trong nước thì không sao bằng được người trong nước, nhưng thế mạnh của bà con lại là chỗ này đây: phát hiện ra cái đám dư luận viên cao cấp, đám gián điệp nằm vùng, tai mắt của nhà cầm quyền, hay đám “ăn cơm xứ tư bản thờ ma xứ thiên đường”, tố cáo họ với nước sở tại đề làm trong sạch bớt cộng đồng, bớt đi những kẻ phá hoại ngầm này.

Có một điều an ủi là chỉ trừ khi bạn/anh không viết lách bất cứ thứ gì, dấu mình rất kỹ, rất kín tiếng, đúng theo kiểu “điệp viên” thực sự, thì không ai biết/hiểu được bạn, còn nếu bạn có viết lách, có sử dụng mạng xã hội thì không chóng thì muộn người khác cũng nhận ra bạn là ai, đứng ở vị trí nào, phe nào qua những bài viết, những comment, hoặc những gì bạn bấm like. Facebook “lột mặt” hết, không dấu mãi được.

Câu hỏi không phải chỉ là chúng ta sống ở đời, phải sống cho minh bạch, rõ ràng, “không thờ hai chủ, không đi hai hàng”, mà còn là bạn đứng về phía nào? Về phía kẻ bị trị hay về phía người dân, phe nước mắt? Bạn ủng hộ mặt trời hay bóng đêm, ủng hộ một thể chế tự do, dân chủ, tiến bộ, tôn trọng con người, thượng tôn pháp luật hay ủng hộ một thể chế độc tài. lạc hậu, phản động, chà đạp lên quyền con người, luôn luôn đặt quyền lợi của đảng, của đám người cai trị lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc, một thể chế đã và đang dẫn đất nước này, dân tộc này trở thành một quốc gia nghèo đói, tụt hậu, thua xa các nước khác và càng ngày càng lệ thuộc nặng nề, thậm chí có nguy cơ đánh mất chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ vào tay giặc phương Bắc?

Chọn thế đứng nào là tùy bạn, chỉ có điều đừng nghĩ là những gì bạn viết, bạn làm ngày hôm nay, ngày mai có thể xóa sạch dấu tích, trong thời đại internet và toàn cầu hóa này.

*Bài viết không nhất thiết thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/story-about-some-vietnamese-abroad-08112017075924.html

 

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Người Việt tại Đức biểu tình

Phẫn nộ trước việc chính quyền Việt Nam sử dụng mật vụ ở Đức, bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh mới đây, de dọa an ninh của cộng đồng và vi phạm luật pháp của nước sở tại, cộng đồng người Việt đang chuẩn bị cho một cuộc biểu tình dự kiến diễn ra vào lúc 14 giờ thứ Bảy 12/8 tại Cổng thành Brandenburg, một biểu tượng của thủ đô Berlin.

Từ Berlin, bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, Chủ tịch Liên hội người Việt tị nạn tại Cộng hòa Liên bang Đức, đơn vị tổ chức biểu tình, cho VOA biết mục đích của cuộc biểu tình:

“Trong cuộc biểu tình này chúng tôi biểu hiện thái độ chống hoạt động mật vụ của Việt Nam trên nước Đức.”

Trong cuộc biểu tình này chúng tôi biểu hiện thái độ chống hoạt động mật vụ của Việt Nam trên nước Đức.

Bà Hoàng Thị Mỹ Lâm

Văn phòng Trưởng Công tố viên Liên bang Đức hôm 10/8 cho Reuters biết cuộc điều tra tập trung vào nghi vấn về hoạt động tình báo nước ngoài và tước đoạt quyền tự do bất hợp pháp.

Văn phòng này nói Việt Nam đã rút lại yêu cầu dẫn độ ông Trịnh Xuân Thanh. Trước khi bị bắt cóc, ông Thanh đang xin tị nạn ở Đức, ông cũng đang bị Việt Nam truy nã về tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Chính phủ Đức nói hôm 9/8 rằng họ đang xem xét các bước tiếp theo sau khi Hà Nội không hồi đáp yêu cầu của Bộ Ngoại giao Đức, đòi ‘trả’ Trịnh Xuân Thanh về Đức. Bộ trưởng Ngoại giao Đức khẳng định “không thể bỏ qua vụ việc nghiêm trọng này.”

Bộ Ngoại giao Đức quả quyết Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức và đã trục xuất một giới chức tình báo tại sứ quán Việt Nam ở Berlin, vì cho rằng ông này có dính líu trong vụ bắt cóc cựu lãnh đạo ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh.

Hà Nội không thừa nhận đã thực hiện vụ bắt cóc như cáo buộc của chính phủ Đức trong một thông cáo cách đây hơn 1 tuần.

Bác sĩ Mỹ Lâm nói cộng đồng người Việt ở Đức phản đối các hoạt động mật vụ bắt cóc người của chính quyền Hà Nội ở Berlin:

“Chúng tôi kêu gọi một cuộc biểu tình tại Berlin xuất phát từ nguyên nhân là Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, việc này ai cũng biết rồi, xảy ra như một chuyện gián điệp thời chiến tranh lạnh. Những điệp viên không hoàn hảo của Việt Nam đã để lại quá nhiều dấu tích tại hiện trường, và không qua mắt được sự chuyên nghiệp của an ninh Đức. Hiện tại thì tất cả hãy còn trong vòng điều tra và thương lượng của hai bên: Việt Nam và Đức. Chúng ta vẫn chưa biết hoàn toàn những gì phía Đức biết và hậu quả sẽ ra sao.”

Bác sĩ Mỹ Lâm cho biết Liên hội đã gửi thư cho các cơ quan chính phủ và Thủ tướng Đức để bày tỏ những quan tâm sâu sắc của cộng đồng về hành động vi phạm pháp luật của chính quyền Việt Nam, gây bất an cho cộng đồng.

“Chúng tôi đã viết thư gửi đến Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier bày tỏ sự lo lắng của cộng đồng người Việt tị nạn tại Đức về vấn đề an ninh bị đe dọa.”

Trong bức thư Liên hội gửi cho Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas De Maizière đề ngày 5/8 có đoạn: “Việc dùng vũ lực bắt cóc một người Việt đang xin hưởng quy chế tỵ nạn ngay trên lãnh thổ Đức xảy ra hôm 23/7 là một sự vi phạm trắng trợn vào luật pháp Đức và vào Công ước quốc tế. Chúng tôi đánh giá sự kiện trên như một mối đe dọa trực tiếp vào an ninh của cộng đồng người Việt tỵ nạn trên nước Đức.”

Trong lời kêu gọi, Ban tổ chức cuộc biểu tình nêu rõ:

“Đảng Cộng Sản Việt Nam đang gia tăng bạo lực công khai đàn áp dân chúng … và gần đây nhất vụ tình báo Việt Cộng xâm nhập biên giới Âu Châu bất hợp pháp dùng vũ lực bắt cóc người đang xin tỵ nạn tại Đức.”

Lời kêu gọi biểu tình của Liên hội có đề cập tới một số nhà hoạt động trong nước bị bắt bớ và tuyên những bản án tù dài ngày:

“Việt Nam đang gia tăng bạo lực công khai đàn áp dân chúng qua các vụ xử án vô nhân đạo đối với Mẹ Nấm, Trần Thị Nga những người bảo vệ Nhân Quyền tại Việt Nam, vụ bắt khẩn cấp năm nhà hoạt động dân chủ trong nước Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Lê Đình Lượng, mục sư Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội, và gần đây nhất vụ tình báo Việt cộng xâm nhập biên giới Âu Châu bất hợp pháp dùng vũ lực bắt cóc người đang xin tỵ nạn tại Đức.”

Bác sĩ Mỹ Lâm nói cộng đồng người Việt ở Đức ngoài ra còn quan tâm tới hành động lấn át của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Việt Nam.

“Chúng tôi biểu tình chẳng những chống hoạt động mật vụ của Việt Nam trên nước Đức mà còn lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động nhân quyền trong nước đang bị chính quyền bạo hành. Một lý do nữa của cuộc biểu tình là do Trung Quốc dọa dùng vũ lực nên Việt Nam đã ra lệnh công ty Repsol ngưng khoan dầu ngày 24/7 tại bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam.”

Bác sĩ Mỹ Lâm nói vụ bắc cóc ông Trịnh Xuân Thanh đã làm lộ hoạt động tình báo của mật vụ Việt Nam ở nước ngoài:

“Chúng ta biết rằng Tòa Đại sứ Việt Nam ở Đức luôn luôn có những đường dây ngầm theo dõi người hoạt động cho dân chủ, nhân quyền tại Đức. Bây giờ trước một sự việc mà an ninh Đức chính thức xác nhận, trắng đen rõ ràng như vậy, buộc cộng đồng chúng tôi phải cảnh báo với chính quyền Đức về sự đe dọa an ninh của những người Việt tại Đức.”

Chúng ta biết rằng Tòa Đại sứ Việt Nam ở Đức luôn luôn có những đường dây ngầm theo dõi người hoạt động cho dân chủ, nhân quyền tại Đức.

Bà Hoàng Thị Mỹ Lâm

Trong một diễn biến liên quan, hôm 10/8, tuần báo Der Spiegel online của Đức loan tin là theo yêu cầu của Cơ quan cứu xét tỵ nạn Liên bang (BAMF), Sở Cảnh sát Hình sự Liên bang (BKA) đã vào cuộc, tiến hành điều tra xem ông Hồ Ngọc Thắng, một nhân viên của BAMF, có tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hay không.

Trên mạng xã hội Facebook cũng lan truyền một bức thư được cho là của BAMF nói rằng ông Thắng bị buộc nghỉ việc từ ngày 9/8 cho đến khi kết thúc điều tra toàn bộ sự việc.

Nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 11/8 bình luận trên Facebook về việc ông Thắng bị nghi làm mật vụ Việt Nam:

“Khi cơ quan điều tra Đức phát hiện ra Hồ Ngọc Thắng làm trong cơ quan xét người tỵ nạn của Đức là mật vụ của Việt Nam, thì cũng đồng thời lộ ra y là dư luận viên cao cấp chuyên viết bài núp dưới bóng khách quan, dân chủ, nhưng định hướng dư luận theo ý của an ninh và tuyên giáo Việt Nam.”

https://www.voatiengviet.com/a/vu-trinh-xuan-thanh-nguoi-viet-tai-duc-bieu-tinh/3981856.html

 

Việt Nam “quá tay” trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh?

Chính phủ Đức nói hôm 9/8 rằng họ đang xem xét các bước tiếp theo để đối phó với Việt Nam sau khi Hà Nội không hồi đáp yêu cầu của Bộ Ngoại giao Đức, đòi ‘trả’ Trịnh Xuân Thanh về Đức.

Reuters trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nói với các nhà báo hôm 9/8: “Chúng tôi đã hy vọng là có khả năng hàn gắn mọi thứ sau vụ vi phạm luật pháp Đức và luật pháp quốc tế. Nhưng rất không may là điều đó đã không diễn ra, do đó chúng tôi đang cân nhắc xem có thể làm gì để các đối tác Việt Nam của chúng tôi biết là chúng tôi tuyệt đối không chấp nhận điều đó.”

“Tôi vẫn không hiểu được Việt Nam hy vọng đạt được điều gì mà có thể đáng để đánh đổi cái giá phải trả cho một vụ bắt cóc trái luật và trơ tráo như vậy.”

Carl Thayer, Giáo sư Học viện Quốc phòng Úc

Quan điểm của Bộ Ngoại giao Đức thể hiện rõ qua lời người phát ngôn rằng Đức “rất tiếc nhưng sẽ không thể bỏ qua vụ việc nghiêm trọng này.”

Hà Nội không thừa nhận đã thực hiện vụ bắt cóc như cáo buộc của chính phủ Đức trong một thông cáo cách đây hơn 1 tuần.

Nhận xét về “hành động bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của Việt Nam” giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nói điều này “là không thể giải thích nổi” bởi vì theo chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam này, thì Hà Nội vốn “rất thận trọng trong các chính sách đối ngoại.”

“Tôi vẫn không hiểu được Việt Nam hy vọng đạt được điều gì mà có thể đáng để đánh đổi cái giá phải trả cho một vụ bắt cóc trái luật và trơ tráo như vậy.”

Trong thông cáo ra ngày 2/8, Đức yêu cầu Việt Nam cho phép ông Thanh, người mà Hà Nội cáo buộc đã làm thất thoát 3.300 tỷ đồng (khoảng 147 triệu USD) trong thời gian lãnh đạo PVC, được trở lại Đức để nước này xem xét yêu cầu dẫn độ của Việt Nam cũng như đơn xin tị nạn của ông Thanh (TXT).

Tuy nhiên, ngày hôm sau Hà Nội đáp trả qua lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, nói rằng Việt Nam “lấy làm tiếc” về thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức, và chiếu cảnh ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú trên truyền hình nhà nước VTV.

Hôm 9/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nói ông “lấy làm tiếc” là yêu cầu của Đức đã không được Hà Nội “hồi đáp.” Người phát ngôn cũng cho biết đã có những thương lượng giữa 2 chính phủ về việc này.

Bộ Ngoại giao Đức không cho biết những biện pháp cụ thể tiếp theo mà họ dự định áp dụng đối với Việt Nam là gì, nhưng đề cập tới việc Việt Nam đã nhận một lượng viện trợ phát triển đáng kể từ Đức. Năm 2015, Đức cam kết 220 triệu euro (gần 258 triệu USD) tiền viện trợ phát triển cho Việt Nam trong 2 năm.

Theo giáo sư Thayer, Việt Nam có thể đã tính đến những hậu quả tiêu cực của hành động này và luật sư Trần Quốc Thuận cũng đồng tình với ý kiến đó. Ông cho rằng Việt Nam khó chấp nhận giải pháp để Trịnh Xuân Thanh trở về Đức.

“Việc Việt Nam quyết bắt cho được Trịnh Xuân Thanh vì nó là một nút thắt trong một vụ án tham nhũng lớn ở Việt Nam mà nó liên quan đến nhiều người, nhiều cấp,” theo vị luật sư từng là phó chủ nhiệm văn Quốc hội Việt Nam. “Tôi nghĩ rằng họ quyết tâm như vậy thì chắc rằng khi đưa vấn đề ra để quyết định, về mặt ngoại giao và an ninh, nhà nước Việt Nam chắc đã tiên liệu sẽ có thể xảy ra chuyện này chuyện kia. Có thể cũng phải chấp nhận khi làm một công việc để làm trong sạch nội bộ.”

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng trên quy mô lớn và từng tuyên bố phải bắt cho được Trịnh Xuân Thanh về lại Việt Nam.

Trong bài viết cho VOA Tiếng Việt, blogger Lê Anh Hùng cho rằng nhân vật đứng đằng sau vụ bắt cóc chính là “người đứng đầu Ban Chỉ đạo Trung Ương về phòng, chống tham nhũng, tức là TBT Nguyễn Phú Trọng.”

Blogger Lê Anh Hùng cho rằng ông Thanh, cựu phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, chỉ là một quan chức “hạng ruồi” theo lối nói thịnh hành trong chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” do ông Tập Cận Bình phát động ở Trung Quốc.

Nhưng giáo sư Thayer lại cho rằng TXT là một “con hổ.”

“Ông Thanh đứng trên đỉnh của mạng lưới các quan chức tham nhũng. Nếu các thông tin về việc ông Thanh có liên quan tới vụ thất thoát hơn 100 triệu USD là đúng thì ông ấy không phải là ‘một con ruồi.’” Nhà nghiên cứu về Việt Nam giải thích rằng “Những ‘con ruồi’ là những người ở dưới cái tháp đó và đã bị bắt.”

Các nhà phân tích, blogger và nhà báo trong nước cho rằng ông Thanh được xem là một ‘mắt xích quan trọng trong đại án tham nhũng’ có thể liên quan tới nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ Việt Nam. Theo blogger Lê Anh Hùng, một trong những người đó có thể là Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người mà truyền thông trong nước nói đang nghỉ dưỡng bệnh từ sau ngày 26/7, chỉ vài ngày sau khi ông Thanh bị bắt cóc ở Berlin.

Theo giáo sư Thayer, có thể Việt Nam đã đi “quá đà” trong vụ bắt cóc TXT khi mật vụ Việt Nam bị “bắt quả tang”, và do đó không thể giữ bí mật vụ bắt cóc này. Theo ông, các nhà ngoại giao Việt Nam đang trong tình thế đành phải “thu dọn hậu quả” vì sẽ phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt của Đức và “ở một mức độ nào đó, những hệ lụy trong tương quan với EU.”

Việt Nam đang theo đuổi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU và trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong mối quan hệ với Đức, Việt Nam có thể đánh mất sự ủng hộ của nước đứng đầu khối này. Hơn thế nữa, theo nhận định của giáo sư Thayer, dù vấn đề này có được giải quyết thế nào đi nữa thì hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã bị “tổn hại nặng nề”.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-qua-tay-trong-vu-bat-coc-trinh-xuan-thanh/3980695.html

 

Thông cáo của Viện Công tố Liên bang Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh

THÔNG CÁO BÁO CHÍ CỦA VIỆN CÔNG TỐ LIÊN BANG ĐỨC NGÀY 10 THÁNG TÁM 2017 SỐ 69/2017

Hôm nay (10 tháng Tám 2017), Viện Công tố Liên bang nhận đảm nhiệm việc điều tra vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh và người phụ nữ đi cùng, trước đây do Viện Công tố Berlin phụ trách.

Hiện tại có thể cho rằng các nạn nhân đã bị đưa đến Đại Sứ quán Việt Nam tại Berlin và từ đó chuyển về Việt Nam. Từ bối cảnh đó, Viện Công tố Liên bang đã nhận đảm nhiệm điều tra vì nghi vấn hoạt động gián điệp nước ngoài (điều 99 Luật Hình sự) và tước đoạt tự do của con người (điều 239 Luật Hình sự).Thông cáo Viện Công tố LB Đức

Theo các nhận định cho đến nay, vào ngày Chủ nhật 23 tháng Bảy 2017 giữa đường phố tại Berlin, hai người đó đã bị lôi lên một chiếc xe vận chuyển. Tại nước mình, ông Trịnh bị cáo buộc đã biển thủ một số tiền trên trăm triệu khi đứng đầu một công ty nhà nước, và sau đó trốn ra nước ngoài. Các cơ quan Đức đã tiếp nhận đề nghị dẫn độ của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và chưa ra quyết định. Phía Việt Nam dường như đã đặc biệt quan tâm đến việc dẫn độ ông Trịnh. Nay đề nghị dẫn độ đó đã được rút lại.

Theo các điều tra cho đến nay, hiện tại có thể cho rằng các nạn nhân đã bị đưa đến Đại Sứ quán Việt Nam tại Berlin và từ đó chuyển về Việt Nam. Từ bối cảnh đó, Viện Công tố Liên bang đã nhận đảm nhiệm điều tra vì nghi vấn hoạt động gián điệp nước ngoài (điều 99 Luật Hình sự) và tước đoạt tự do của con người (điều 239 Luật Hình sự).

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40893673

 

Mỹ hoan nghênh sự chủ động của VN ở Châu Á – TBD

Bộ trưởng Jim Mattis hoan nghênh sự tham gia chủ động và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam tại Châu Á – Thái Bình Dương, theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ra hôm 09/8/2017 liên quan chuyến thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch.

Hôm thứ Tư, thông cáo trên trang mạng chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ viết:

Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng một mối quan hệ quốc phòng Mỹ – Việt thúc đẩy mạnh mẽ an ninh khu vực và toàn cầu. Mối quan hệ này dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và các lợi ích chung, bao gồm tự do hàng hải ở Biển Đông và toàn cầu, tôn trọng pháp luật quốc tế và công nhận chủ quyền quốc giaThông báo Bộ Quốc phòng Mỹ

“Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch về chuyến thăm chính thức ngày 8/8 để thảo luận mối quan hệ quốc phòng Mỹ -Việt ngày càng gia tăng và những thách thức an ninh khu vực.”

VN ‘buộc lòng phải dùng các đòn bảy trước TQ’

Bàn tròn : Tướng Lịch thăm Mỹ – kết quả và phân tích

Tàu chiến Mỹ lại tiến sát Đá Vành Khăn

Mỹ-Việt hứa hẹn tăng hợp tác quốc phòng

“Bộ trưởng [Mattis] và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng [Việt Nam] đã nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác quốc phòng, bao gồm mở rộng hợp tác hàng hải. Các Bộ trưởng cũng chỉ đạo các nhân viên của mình làm việc hướng tới việc sắp xếp một chuyến thăm đầu tiên của hàng không mẫu hạm tới Việt Nam khi các điều kiện kỹ thuật cho phép.”

“Bộ trưởng nhấn mạnh mức độ mạnh mẽ của duy trì hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và hợp tác Cảnh sát biển, bao gồm việc chuyển giao gần đây một máy tàu tuần duyên trước đây của Hoa Kỳ để nâng cao năng lực thực thi pháp luật hàng hải của Việt Nam.”

“Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng một mối quan hệ quốc phòng Mỹ – Việt thúc đẩy mạnh mẽ an ninh khu vực và toàn cầu. Mối quan hệ này dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và các lợi ích chung, bao gồm tự do hàng hải ở Biển Đông và toàn cầu, tôn trọng pháp luật quốc tế và công nhận chủ quyền quốc gia. Bộ trưởng hoan nghênh việc Việt Nam chủ động tham gia và ngày càng đóng vai trò tích cực tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.”

Lần đầu tiên về ‘chủ quyền ở Biển Đông’

Mattis: Ngoại giao với Bắc Hàn ‘vẫn là ưu tiên’

TS. Lê Hồng Hiệp: về chuyến thăm Mỹ của Tướng Lịch

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tiếp Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch

Từ trước đến nay, chưa bao giờ Hoa Kỳ tuyên bố rằng Hoa Kỳ đụng vào chuyện gọi là chủ quyền quốc gia của một nước cụ thể nào đó ở Biển Đông cả, nhưng mà lần này Hoa Kỳ có công bố nàyTS. Hà Hoàng Hợp

Bình luận về ý nghĩa và ‘tín hiệu’ đưa ra từ bản thông báo này của Bộ Quốc phòng Mỹ, tại Bàn tròn thứ Năm, hôm 10/8, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà phân tích chính trị từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore) nói với BBC Việt ngữ:

“Câu cuối cùng cực kỳ quan trọng đối với sự thay đổi về mặt chính trị cũng như chiến lược trong quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam. Có câu rất rõ rằng mối quan hệ này, quan hệ quốc phòng Mỹ – Việt dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và các lợi ích chung, nó bao gồm việc tự do hàng hải ở Biển Đông và ở khắp thế giới.”

“Nó bao gồm sự tôn trọng luật pháp quốc tế, nhưng câu này là quan trọng, và công nhận chủ quyền quốc gia, thì từ trước đến nay, chưa bao giờ Hoa Kỳ tuyên bố rằng Hoa Kỳ đụng vào chuyện gọi là chủ quyền quốc gia của một nước cụ thể nào đó ở Biển Đông cả, nhưng mà lần này Hoa Kỳ có công bố này.”

“Đây là điểm có thể nói là quan trọng nhất phân biệt chính sách hiện nay của Hoa Kỳ so với chính sách của các chính phủ trước đây của Hoa Kỳ, tôi xin nhấn mạnh như thế. Đây là một bổ sung cho ý kiến của ông Nguyễn Xuân Nghĩa [khách mời khác tại Bàn tròn] nói rằng Việt Nam không bị bỏ quên, cũng không phải cô đơn gì cả và ở đâu cả.”

Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp bình luận chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Quốc phòng VN Ngô Xuân Lịch.

“Và ở đây cũng cần nói rõ rằng chính sách hiện nay của Hoa Kỳ là một sự tiếp nối rất mạnh mẽ các chính sách của các chính phủ trước.”

“Tôi cũng xin nói lại rằng ở Đối thoại Shangri-La ở Singapore vừa rồi (2017), chính trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ ông Jim Mattis đã nói rất rõ rằng tất cả các yếu tố, kế hoạch được định ra trong chính sách tái cân bằng của chính quyền Obama đã được triển khai toàn bộ và tốt hơn so với dự định,” ông Hà Hoàng Hợp nêu nhận xét.

Cũng tại Bàn tròn này, hôm thứ Năm, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà bình luận thời sự từ Hoa Kỳ nói với BBC:

Hoa Kỳ xác nhận rằng chủ quyền của từng quốc gia trong từng khu vực một đối với họ là quan trọng, tôi cho rằng đó là cái thế mà những nước nằm ở giữa hai cường quốc, hai bên Thái Bình Dương, có thể xoay xở đượcÔng Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà phân tích thời sự

“Bây giờ trong hoàn cảnh khi nước Mỹ nói quyền lợi của họ là trên hết, là ưu tiên, điều đó không có nghĩa rằng từ nay về sau họ vì lý do buôn bán mà họ sẽ bán rẻ các đồng minh, điều đó tôi cho là quan trọng và mình (Việt Nam) phải ngồi suy nghĩ lại.

“Có người nhắc đến bản thông cáo… Hoa Kỳ xác nhận rằng chủ quyền của từng quốc gia trong từng khu vực một đối với họ là quan trọng, tôi cho rằng đó là cái thế mà những nước nằm ở giữa hai cường quốc, hai bên Thái Bình Dương, có thể xoay xở được.

“Tôi cho rằng đó mới là yếu tố quyết định, còn bây giờ chúng ta kết luận sớm rằng Việt Nam bị thân cô thế cô, hoặc là… đã phải bỏ những dự án khai thác dầu khí v.v…, tôi cho rằng đó là tầm nhìn ngắn hạn.

“Tầm nhìn dài hạn của người Việt Nam ở Hà Nội hay là ở khắp mọi nơi trên thế giới phải nhìn thấy rằng khi có những thay đổi trước đây chưa thấy, thì mình có thể khai thác cơ hội như thế nào để cho quyền lợi của đất nước Việt Nam,” ông Nguyễn Xuân Nghĩa nói với BBC Tiếng Việt.

Mời quý vị bấm vào đây để theo dõi ý kiến của các khách mời tại các bàn tròn của chúng tôi liên quan chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40900999

 

Khi “lạm phát” lãnh đạo trong bộ máy nhà nước

Đoàn giám sát của Quốc hội ngày 7/8 công bố kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016, cho thấy hiện tại số lượng người giữ vị trí lãnh đạo từ cấp phòng trở lên là quá lớn, dẫn đến mất cân đối trong tỷ lệ lãnh đạo và công chức.

Hệ lụy khôn lường

Báo cáo của đoàn giám sát nêu rõ, nếu năm 2011 tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ số công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên là hơn 12.200 người, tỷ lệ lãnh đạo trên công chức là 1/6 thì đến năm 2016 tăng lên hơn 13.500 người, tỷ lệ là 1/5 tức là cứ 5 công chức lại có một lãnh đạo.

Tương tự ở các vụ, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng từ hơn 3.800 lên hơn 4.600, tỷ lệ là 1/2 và 4/7 (tức cứ 7 công chức bình thường lại có 4 người lãnh đạo).

Tại Bộ Công thương, báo cáo cho thấy, cứ 4 công chức lại có 3 người là lãnh đạo. Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ thì tỷ lệ nhỏ hơn một chút là 3 lãnh đạo/5 công chức.

“Khi quá nhiều lãnh đạo như vậy thì thường phát sinh tư tưởng cạnh tranh đấu đá để tìm lợi ích chứ không phải là tìm việc”

– Tiến sĩ Phạm Chí Dũng

Từ Sài Gòn, Nhà báo độc lập – Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói với chúng tôi rằng khi một bộ máy có quá nhiều người làm “quan” thì chỉ dễ sinh ra xung đột lợi ích:

“Khi quá nhiều lãnh đạo như vậy thì thường phát sinh tư tưởng cạnh tranh đấu đá để tìm lợi ích chứ không phải là tìm việc, những lợi ích riêng tư. Họ có thể tiếp cận dân chúng, doanh nghiệp và qua đó có được những khoản tiền riêng bỏ túi. Cơ quan nào càng nhiều lãnh đạo thì đấu đá, xung đột nhau càng nặng nề.”

Vị Tiến sĩ này cũng đưa ra thêm một yếu tố nữa đó là nỗi lo ngân sách:

“Càng nhiều lãnh đạo thì ngân sách càng gánh nhiều, gánh một cách kinh khủng! Mà lương lãnh đạo không phải là thấp. Làm lãnh đạo thì hệ số lương cao, hệ số cao thì thu nhập cao. Nhưng họ lại không làm gì cả hoặc làm rất ít thôi.”

Một mối quan ngại mà Nhà báo này đặt ra đó là Việt Nam chỉ bằng 1/25 diện tích Hoa Kỳ nhưng đội ngũ lãnh đạo lại gấp 3 lần quốc gia châu Mỹ này. Ông nói rằng điều này làm cho hiệu quả thiết chế của bộ máy nhà nước ở Việt Nam yếu đi trầm trọng.

Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên cán bộ Bộ Công Thương baodatviet

Luật sư Trần Quốc Thuận, người từng 14 năm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đồng tình với quan điểm rằng càng nhiều lãnh đạo thì chi phí cho lương bổng và chế độ càng tăng. Ông bổ sung thêm rằng càng có chức có quyền thì càng dễ gây ra nạn tham nhũng:

“Những người làm lớn nếu có tham nhũng thì có thể gây ra thiệt hại rất lớn, nhìn vào những vụ án sẽ xét xử nay mai hay đang xét xử sẽ thấy rõ ràng thiệt hại rất lớn. Đây là người ta muốn nói đến chuyện chia quyền chia lợi với nhau. Đó là một dấu hiệu rất không tốt.”

Một vụ việc liên quan đến tham nhũng làm xao động dư luận gần đây nhất là vụ ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Ông Thanh bị nghi đã tham nhũng số tiền hơn 3 ngàn tỷ đồng, sau đó ông này bỏ trốn và bị Việt Nam truy nã quốc tế. Hiện Việt Nam cho biết ông Thanh đã về xin đầu thú, trong khi Đức cáo buộc Việt Nam đã cho bắt cóc ông trên lãnh thổ của quốc gia này.

Trong báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội, vấn đề dư thừa cấp phó cũng được đề cập đến. Chuyện quá nhiều “phó” đã không ít lần được các đại biểu trình bày trước Quốc hội nhưng hiện vẫn chưa được giải quyết. Ngay trong phiên họp Quốc hội tháng 6 vừa qua, phó Bí thư tỉnh Yên Bái đã phải giải trình về việc 4 sở của tỉnh này thừa Phó giám đốc. Giữa năm ngoái, dư luận cũng được phen “dở khóc dở cười” khi biết tin Sở Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa có tới 8 Phó giám đốc.

Trong báo cáo kinh tế xã hội được Phó thủ tướng Trương Hoà Bình trình bày trước Quốc hội sáng 22/5 vừa qua cũng đề cập đến việc Sở Tài nguyên Bình Định có tới 6 Phó giám đốc. Sở Lao động Hải Dương có 44 lãnh đạo trong tổng số 46 công chức; Sở Nông nghiệpThái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 lãnh đạo.

“Lạm phát lãnh đạo”- độc quyền của Việt Nam?

“Nhiều người làm nhà nước không được đào tạo cho nên cứ chia việc ra làm nên thành một bộ máy cồng kềnh, không khoa học”.

– Luật sư Trần Quốc Thuận 

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao ở nhiều nước khác, có những trường hợp một người lãnh đạo có cả thảy 6,7 người làm phó phụ tá giúp họ. Tuy nhiên, những quốc gia này lại không lâm vào tình trạng “lạm phát” lãnh đạo như ở Việt Nam. Trả lời khúc mắc này, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng do tỷ lệ công chức, lãnh đạo trên đầu người dân ở hầu hết các quốc gia đều nhỏ hơn Việt Nam:

“Ở Việt Nam tỷ lệ công chức trên đầu người là rất cao. Ví dụ ở Việt Nam có 3 triệu công chức, tính trên gần 100 triệu dân số, như vậy tỷ lệ đã là 3% rồi. Trong khi đó ở những nước phát triển người ta

gia tăng người làm trực tiếp chứ không gia tăng lực lượng lãnh đạo. Họ không cần lãnh đạo. Họ tinh chứ không cần đông.”

Còn luật sư Trần Quốc Thuận thì nói rằng người ta dùng từ “lạm phát”ở Việt Nam là do cả bộ máy quá cồng kềnh mà ông đánh giá nguyên nhân là vì tình trạng “chia việc ra làm” chứ không có giáo dục chuyên môn:

“Nhà nước Việt Nam là nhà nước thoát ra trong một cuộc chiến tranh và nhiều người làm nhà nước không được đào tạo cho nên cứ chia việc ra làm nên thành một bộ máy cồng kềnh, không khoa học. So với những nước tiên tiến thì người ta được đào tạo chính quy có hệ thống, pháp luật rõ ràng nên người ta gọn nhẹ.”

Cũng từ đây ông chia sẻ rằng Việt Nam đã nhận ra vấn đề này và đã nhiều lần lên tiếng giải quyết. Tuy nhiên số lượng lãnh đạo không những không được giảm xuống mà còn tăng lên trong những năm gần đây. Theo ông, nguyên nhân một phần là do việc điều chuyển cán bộ:

“Có nhiều lúc cần phải sắp xếp giữa các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương thì phải điều chuyển người về trung ương. Mà họ đang làm chủ tịch, Phó chủ tịch khi điều chuyển cũng phải để họ tối thiểu làm phó nếu không làm trưởng được. Phải đảm bảo quyền lợi của người ta vì người ta không mắc lý do gì mà bị điều chuyển đi.”

Nhà báo Phạm Chí Dũng lại cho rằng tình trạng này chưa được giải quyết là vì chủ nghĩa thân hữu ở Việt Nam quá tràn lan, tức là những người thân quen của nhau giúp chạy chọt các vị trí công việc cho nhau.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/inflation-of-leaders-in-the-state-system-08102017125109.html

 

Việt Nam mở rộng khả năng sản xuất vũ khí

Bộ Quốc Phòng Việt Nam vừa công bố hoạt động mở rộng quy mô sản xuất của một trong những nhà máy sản xuất vũ khí chính của bộ này.

Mạng báo chuyên về tin quân sự, quốc phòng IHS Jane’s vào ngày 9 tháng 8 loan tin nhà máy Z111 ở tỉnh Thanh Hóa hiện đang vượt chỉ tiêu sản xuất đề ra vào đầu năm 2017; mặc dù con số vượt chỉ tiêu bao nhiêu không được nói rõ. Vào năm ngoái, nhà máy Z111 vượt chỉ tiêu 16%.

IHS Janes’s dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết gần đây, nhà máy này cũng đã thành công trong việc sản xuất ra loại súng 12,7 mm với tầm 1.800 m và có thể bắn thủng loại xe bọc thép hạng nhẹ.

Những tiến bộ đó được cho là bằng chứng về năng lực của nền công nghiệp quốc phòng đang phát triển của Việt Nam.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-expands-firearms-manufacturing-capacity-08112017120422.html

 

Cách chức giám đốc tư vấn nhận chìm bùn

xuống biển Bình Thuận

Ông Hà Quốc Quân, giám đốc tư vấn dự án “nhận chìm bùn” xuống biển Bình Thuận của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 bị cách chức.

Quyết định trên do Viện trưởng Viện Ngiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp, thuộc Bộ Công Thương ký và có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 8 năm 2017.

Ông Hà Quốc Quân bị kỷ luật bằng hình thức cách chức do thành lập và quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân cũng như kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Ông Hà Quốc Quân bị đình chỉ công tác 15 ngày trước khi nhận quyết định bị cách chức vào ngày 10 tháng 8.

Xin được nhắc lại, hồi cuối tháng 6, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được Bộ Tài Nguyên-Môi Trường cấp phép nhận chìm gần một triệu m3 bùn xuống vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2017. Tuy nhiên, dự án này gặp phải sự phản đối mạnh mẽ vì giới khoa học lo ngại có thể gây nên thảm họa môi trường.

Vào ngày 3 tháng 8, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài Nguyên-Môi Trường xem xét, xử lý đúng quy định của pháp luật đối với dự án nhận chìm bùn nạo vét tại vùng biển Bình Thuận của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, đồng thời cũng yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẩn trương đánh giá toàn diện tác động môi trường và các giải pháp bảo vệ môi trường của dự án này.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/advisory-director-of-the-project-immerg-mud-into-ocean-is-fired-08112017115027.html

 

Vụ Repsol:

Có thể sẽ như ExxonMobil khai thác ở Đà Nẵng năm 2011

Cát Linh, RFA

Hãng Repsol của Tây Ban Nha ngày 2 tháng 8 chính thức xác nhận việc ngưng khoan thăm dò dầu khí tại một lô ngoài khơi Việt Nam ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuy không xác nhận nhưng lên tiếng cho biết các hoạt động liên quan dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo qui định của luật pháp quốc tế.

Vấn đề này được nhận xét thế nào qua khía cạnh luật pháp, chính trị, và kinh tế?

Hoàn toàn trái luật

Vào ngày 2 tháng 8, hãng tin Reuters dẫn lời viên chức phụ trách tài chính của Repsol, ông Miguel Martinez, xác nhận Repsol đang làm việc với PetroVietnam và cơ quan chức năng chính quyền Hà Nội về quyết định ngưng khoan thăm dò dầu khí ở lô 136/3, quanh khu vực bãi Tư Chính mà Trung Quốc nói nằm trong đường lưỡi bò 9 đoạn đánh dấu chủ quyền của Trung Quốc.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy của Reuters có được trong lĩnh vực dầu khí, chính Bắc Kinh đã yêu cầu Hà Nội cho ngưng hoạt động khoan thăm dò tại lô 136/03.

Nói về động thái của Trung Quốc, Tiến sĩ Tạ Văn Tài, nguyên giảng viên trường Luật thuộc Đại học Havard – Hoa Kỳ cho biết là “hoàn toàn trái luật”.

“Vị trí của cái lô đó là ở trong thềm lục địa Việt Nam, vùng kinh tế độc quyền của Việt Nam. Nó chỉ có 1 phần nằm bên ngoài luồng đó. Thế thì, phần nào ở trong thềm lục địa hay đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam có toàn quyền khai thác theo luật biển. Còn bên ngoài, trong trường hợp túi dầu khí đó tràn lan ra phía ngoài, thì người nước khác có quyền khai thác phía bên kia. Hai bên đều có quyền khai thác.

Trường hợp đó hay nhất là đề nghị một giải pháp là khác chung.”

Vị trí của cái lô đó là ở trong thềm lục địa Việt Nam, vùng kinh tế độc quyền của Việt Nam. Nó chỉ có 1 phần nằm bên ngoài luồng đó. Thế thì, phần nào ở trong thềm lục địa hay đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam có toàn quyền khai thác theo luật biển – TS Tạ Văn Tài

Nguồn tin do Reuters đưa ra cho biết Việt Nam không muốn gây hấn với Trung Quốc chỉ vì chuyện khoan thăm dò ở lô 136/03 khu vực bãi Tư Chính.

Tuy nhiên, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quang A, từ Hà Nội, cho rằng “đây là vấn đề rất nghiêm trọng”.

“Bởi vì cái lô hãng Tây Ban Nha đó thăm dò là cái lô vẫn còn nằm ở trong cái khoảng cách 200 hải lý thềm lục địa của Việt Nam, nhưng đồng thời vẫn nằm trong đường lưỡi bò của Trung Quốc, do Trung Quốc tự vạch ra. Và toà án PCA năm trước đã phán đường lưỡi bò là vô hiệu, không ý nghĩa gì cả, thì việc Việt Nam cho phép Repsol thăm dò ở đó là hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam.”

Trong phán quyết đưa ra hôm 12 tháng 7 năm 2016  liên quan đến vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Biển Đông, Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế ở La Haye nói rằng Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông, không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử đối với những nguồn tài nguyên nằm trong khu vực thường được gọi là “đường lưỡi bỏ” mà Bắc Kinh tự ý vẽ ra để nhận chủ quyền thuộc về mình.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã lên tiếng không công nhận mọi phán quyết mà Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế đưa ra.

Do đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, đó là lý do vì sao Trung Quốc vẫn gây sức ép và cũng là lý do ông cho rằng đấy là sự việc rất nghiêm trọng, và đặc biệt cần phải giải quyết “một cách êm thấm với sự tôn trọng pháp luật quốc tế”, theo cách nói của ông.

Cũng trong tuần lễ đó, một hãng tin quốc tế khác, Tạp chí Foreign Policy cho biết Trung Quốc đã đe doạ sử dụng vũ lực đối với Việt Nam nếu như không cho ngừng khoan thăm dò.

Động thái này, qua nhận định của Tiến sĩ Tạ Văn Tài, là “càng trái luật quốc tế”

“Vì đó là tài nguyên trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Việt Nam hoàn toàn có quyền khai thác, không phải hỏi ký kiến ai hết.

Doạ dẫm như thế là đi trái với Hiến chương Liên Hiệp Quốc là không dùng võ lực trong bang giao quốc tế.”

Tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng lời doạ đó được thể hiện qua hình thức bán chính thức, là ông Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc đột ngột bỏ về, cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam vừa qua.

‘Lùi một bước, tiến hai bước’?

Ngoài việc cho biết hoạt động khoan thăm dò đã ngưng, ông Miguel Martinez không thể đưa ra bình luận nào khác.

Về phía nhà nước Việt Nam, tuy không xác nhận tin cho ngưng khoan thăm dò dầu khí nhưng trong tuần vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khi trả lời báo giới chỉ nói rằng các hoạt động liên quan dầu khí đó được thực hiện tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam theo qui định của luật pháp quốc tế.

Đó là một cách ứng xử khôn và khéo, bởi vì không nên nói lên những gì không cần phải nói và không muốn nói. – TS Nguyễn Quang A

Không như những gì thấy được trên truyền thông mạng xã hội, những người quan tâm vụ việc này đã bày tỏ bức xúc vì sự im lặng của nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng:

“Đó là một cách ứng xử khôn và khéo, bởi vì không nên nói lên những gì không cần phải nói và không muốn nói.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông tin rằng “vấn đề như thế có thể tìm ra rất nhiều giải pháp mà tất cả các bên liên quan đều hài lòng.”

“Tôi không nghĩ rằng Việt Nam có thể phủ phục đầu hàng một cách dễ dàng như thế. Vì cái đấy sẽ rất nguy hiểm. Mà nguy hiểm nhất là cho bản thân những lãnh đạo bây giờ.”

Còn đối với Tiến sĩ Tạ Văn Tài, ông cho rằng khi Việt Nam giữ im lặng là với mục đích giảm căng thẳng.

“Tạm ngừng thôi. Giải pháp gọi là lùi 1 bước nhưng có thể lấn tới 2 bước sau này.”

Ông phân tích thêm đó là một hình thức, hoặc có thể gọi là một nghệ thuật trong lĩnh vực ngoại giao mà Việt Nam đang áp dụng, nhằm tránh những rắc rối khác sau này.

Có hy vọng tiếp tục

Một trong những vấn đề quan trọng được nhiều người quan tâm trong sự việc này là liệu Việt Nam có phải đền bù số tiền 27 triệu đô la Mỹ là kinh phí do hãng Repsol đã bỏ ra cho giếng khoan thăm dò tại lô 136/3 hay không?

Câu trả lời của Tiến sĩ Tạ Văn Tài là “có” nếu hai bên huỷ hợp đồng, ngưng khoan thăm dò vĩnh viễn.

Tuy nhiên, theo ông Greg Poling, Giám đốc Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc tế tại Washington D.C cho biết, việc ngưng khoan thăm dò không có nghĩa là hợp đồng bị huỷ.

Phân tích thêm tính khả thi của ý kiến trên, Tiến sĩ Tạ Văn Tài đưa ra dẫn chứng.

“Giống như Exxon Mobil, vào năm 2012, ngay ở Washington, Trung Quốc đe doạ chính phủ Việt Nam không được khai thác ở khu vực tranh chấp trên biển Đông. Nhưng sau khi dừng 1 vài năm, Exon Mobil vẫn khai thác trở lại.”

Cũng cần nhắc lại, năm 2009, tập đoàn Exxon đã giành được quyền thăm dò trên một diện tích hơn 52.000 km2 ngoài khơi bờ biển Việt Nam, trong một khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo công ước Liên Hợp Quốc về luật biển, cho dù khu vực đó Trung Quốc cũng tuyên bố sở hữu một vài lô. Và “đại gia” dầu khí của Mỹ, Exxon Mobil cùng với đối tác là tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam – Petro Việt Nam, đã khoan thành công hai giếng trong các năm 2011 và 2012.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Repsol-could-be-like-exxonmobil-case-in-danang-2011-08112017101445.html

 

Vì sao tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam năm sau?

Thanh Trúc, phóng viên RFA

Một tàu sân bay Mỹ sẽ lần đầu tiên đến Việt Nam năm 2018 thể theo quyết định của hành pháp Hoa Kỳ ở Washington DC. Chuyên gia trong và ngoài nước nói gì về động thái này của Hoa Kỳ trong bối cảnh căng thẳng vì hành động quân sự hóa Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh dành gần như hầu hết chủ quyền.

Lời hứa từ Tổng thống Mỹ

Gởi một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam là lời hứa từ tổng thống Donald Trump với thủ tướng Việt Nam khi ông Nguyễn Xuân Phúc ghé Nhà Trắng  ngày 31 tháng Năm 2017.

Nếu mọi chuyện diễn biến như dự định thì năm 2018 Việt Nam sẽ lần đầu tiên đón tiếp một tàu sân bay chứ không phải những chiến hạm thông thường từng cập cảng Việt Nam trước giờ.

Tin được loan báo vào lúc dư luận trong nước tập trung mọi chú ý vào chuyến thăm Hoa Kỳ của đại tướng Ngô Xuân Lịch lần này trong cương vị bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam.

Trên báo mạng National Business Times hôm 9 tháng Tám vừa qua, với câu hỏi “Tại Sao Hoa Kỳ Gởi Tàu Sân Bay Đến Việt Nam”, ký giả Pritha Paul  dẫn lời bộ trưởng Jim Mattis của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nói với đối tác Việt Nam  Ngô Xuân Lịch hôm thứ Ba rằng Wahington và Hà Nội có cùng lợi ích chung, đó là tuyến lưu thông tự do trên vùng biển Nam Trung Hoa không thể gặp trở ngại vì những hành động có tính cách liên tục và thách đố từ phía Trung Quốc.

Cùng ngày văn bản gởi ra từ Lầu Năm Góc cho thấy bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nói với  bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam rằng Mỹ ca ngợi sự dấn thân cũng như phát triển vai trò lãnh đạo của Việt Nam trước những vấn đề thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Quyết định của Mỹ gởi tàu sân bay đến Việt Nam được tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan, hiện là viện phó Viện Nghiên Cứu Các Vấn Đề Phát Triển Của Việt Nam VIDS, cho là một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 quốc gia:

Bước ngoặt ở đây thể hiện qua 3 điểm, thứ nhất là tổng thống Trump nói ít làm nhiều. Thứ hai, Việt Nam cũng đến lúc không thể lần khân mãi được như qua vụ Giàn khoan 360 cuối tháng Bảy vừa qua. Thứ ba, quyết định này từ cả 2 phía nó càng nói lên “điểm tới hạn” của chính sách an ninh quốc phòng “ba không” của Việt Nam với Mỹ và thế giới.

Tôi không muốn dùng chữ “hai cựu thù” vì từ này đã lỗi thời từ lâu, cả Mỹ lẫn Việt Nam nên cảm ơn Trung Quốc đã thúc đẩy tiến trình này nhanh hơn so với các chuyển động nội tại bên trong nền chính trị vốn rất khó phân biệt và khó nhận dạng của Việt Nam.

Được hỏi tại sao một quyết định quan trọng như vậy, tức gởi tàu sân bay đến Việt Nam, không được tiến hành ngay mà phải chờ đến sang năm, ông Đinh Hoàng Thắng phân tích:

Đó chỉ là biểu tượng hay giản dị đó là dấu hiệu cho thấy hai bên đang xích lại gần nhau hơn về mặt quân sự.
– Giáo sư Amitav Acharya

Nhà báo hẳn còn nhớ câu của người Châu Âu, là “thuốc súng luôn phải giữ khô”, kéo dài việc thực thi một quyết định hệ trọng như vậy phải cần thời gian để tất cả các bên liên quan quen với trạng thái “thuốc súng đang được sấy”.

Có thể sẽ có thay đổi từ giờ đến sang năm, thế nhưng quyết định này khó dẫn đến xung đột quân sự. Mỹ và Trung Quốc khó có thể đụng độ quân sự vì các bãi đảo đá ngầm mà nhiều nước cũng đang tranh giành chủ quyền. Mỹ và Trung Quốc  đều có những lợi ích toàn cầu lớn hơn nhiều, nhưng  vấn đề FONOPS và “đi qua vô hại” là  lý do tồn tại qui chế siêu cường của Hoa Kỳ, nếu không thì đấy không còn là nước Mỹ nữa.

Trung Quốc khiến Việt Nam gần Mỹ hơn

Giáo sư Amitav Acharya, chuyên gia quan hệ quốc tế, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Á Châu thuộc American University ở Washington DC, nói rằng tình hình căng thẳng trên biển Nam Trung Hoa, mà Việt Nam gọi là Biển Đông, khiến Việt Nam phải lo củng cố mối quan hệ quân sự song phương với Hoa Kỳ bằng cách này cách khác, thế nhưng:

Tôi không nghĩ tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam có nghĩa là Mỹ sẵn sàng cho  chiến tranh, đó chỉ là biểu tượng hay giản dị đó là dấu hiệu cho thấy hai bên đang xích lại gần nhau hơn về mặt quân sự.

Có rất nhiều việc khác trong mối quan hệ quân sự đó, thí dụ những cuộc tập trận chung trong tương lai, những loại vũ khí nào Mỹ sẽ bán cho Việt Nam, những cái đó quan trọng hơn là điều động một tàu sân bay tới một nước.

Không thể chối cãi là Hoa kỳ đang nỗ lực để chứng tỏ sự hiện diện của mình trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, giáo sư Acharya khẳng định tiếp, nhưng cũng đừng quên là chiến lược tái cân bằng lực lượng mà tổng thống tiền nhiệm Obama đề ra cho vùng Châu Á Thái Bình Dương đã chấm dứt từ lúc tổng thống Trump bước vào Nhà Trắng:

Ngoại trừ lập trường tự do lưu thông và tự do hàng hải ra thì không ai biết thực sự chính sách quân sự của hành pháp Trump đối với biển Nam Trung Hoa như thế nàoTheo tôi tốt nhất là nên chờ đợi và theo dõi, nhất là khi hành pháp Mỹ có vẻ như đang quá bận bịu với vấn đề Bắc Hàn. Ngay cả phản ứng của Trung Quốc sẽ như thế nào một khi khi tàu sân bay Mỹ tiến vào  hải phận Việt Nam cũng là điều tôi không muốn phán đoán trước. Tôi nghĩ chúng ta nên chờ một thời gian để xem mối quan hệ quân sự Việt Nam Hoa Kỳ trong đó có yếu tố Trung Quốc nó sẽ chuyển biến như thế nào.

Tôi cũng không thấy có dấu hiệu nào là Hoa Kỳ với hành pháp Trump sẽ hết lòng bảo vệ cho Việt Nam, một điều chừng như  vượt quá chính sách hiện hành vốn rất không rõ ràng của ông Trump. Hãy còn quá sớm để bình luận, đó là tất cả những gì tôi có thể nói về  quan hệ quân sự Mỹ Việt tính đến lúc này.

Theo nhận định của ông Rodger Baker, nhà phân tích chiến lược và địa chính trị của công ty tham vấn Stratfor, được ký giả Prathi Paul trích dẫn trong bài của ông liên quan đến việc tàu sân bay Hoa Kỳ sẽ đến Việt Nam năm tới, thì cuộc gặp gỡ và lời hứa hẹn của tổng thống Donald Trump với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng Năm là sự kiện được hành pháp Trump tính toán kỹ lưỡng nhằm tạo một thế phòng vệ mới trước ý đồ quân sự hóa các bãi đá và các đảo trên biển Nam Trung Hoa.

Tôi cũng không thấy có dấu hiệu nào là Hoa Kỳ với hành pháp Trump sẽ hết lòng bảo vệ cho Việt Nam, một điều chừng như vượt quá chính sách hiện hành vốn rất không rõ ràng của ông Trump.
– Rodger Baker

Việt Nam chiếm một vị trí quan trọng trong vùng Đông Nam Á, ông Rodger Baker nhận định, đã có nhiều tàu tuần tra cỡ nhỏ đã được Mỹ chuyển giao cho lực lượng tuần duyên Việt Nam mấy tuần qua, những cuộc giao lưu trao đổi giữa hải quân 2 nước đã và đang diễn ra, trong lúc quyết định bán vũ khí cho Việt Nam đã được Hoa Kỳ  dỡ bỏ một phần từ năm ngoái.

Tuy nhiên vẫn lời ông Baker thì sau chuyến viếng thăm của thủ tướng Việt Nam đến Nhà Trắng hồi tháng Năm thì quan hệ ngoại giao Việt Nam Trung Quốc càng ngày càng xấu đi.

Theo giới quan sát, trong bối cảnh Việt Nam trở nên thân thiện hơn với Hoa Kỳ về mặt quân sự thì Biển Đông sẽ trở thành tâm điểm biểu dương lực lượng của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia về quan hệ quốc tế đang làm việc tại Singapore:

Tôi cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ muốn Việt Nam can dự nhiều hơn, muốn Việt Nam trở thành đối tác để xử lý vấn đề Biển Đông, ứng phó với tham vọng hàng hải của Trung Quốc ở Hoa Đông và Biển Đông.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp kết luận là dù tàu chiến hay hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ có ghé Việt Nam hay không thì Trung Quốc cũng sẽ không ngưng hành động bành trướng thế lực trên biển. Ông nói tác động bên ngoài không làm Bắc Kinh nao núng, họ chỉ nhượng bộ  khi gặp khó khăn trong nước hoặc khi nào đã hoàn tất kế hoạch quân sự hóa của mình.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-is-us-sending-an-aircraft-carrier-to-vietnam-tt-08112017103705.html

 

Hoa Kỳ hoàn thành giai đoạn 2 xử lý dioxin ở Đà Nẵng

Hôm 9/8 đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Quốc phòng Việt Nam chính thức ký thỏa thuận bàn giao 12,7 hecta đất đã được xử lý ở Sân bay Quốc tế Đà Nẵng cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam quản lý.

Theo thông báo của USAID Việt Nam, đây là đợt bàn giao đất lần thứ hai để phục công tác xây dựng mở rộng Sân bay Quốc tế Đà Nẵng.

USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam đang tiếp tục hợp tác để xử lý đất và bùn ô nhiễm dioxin tại nơi trước đây từng là căn cứ không quân của Mỹ.

Dự kiến dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin sẽ hoàn thành giai đoạn 3 vào đầu năm 2018, khi đó toàn bộ các nguy cơ về sức khỏe có liên quan đến phơi nhiễm dioxin sẽ bị loại bỏ khỏi khu vực 16 ha còn lại.

Trước đó, tháng 5/2017, sau khi kết thúc giai đoạn 1, dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, Bộ Quốc phòng đã bàn giao 5,97 ha đất để xây dựng đường lăn E7 và sân đỗ phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

Vào tháng 10 năm ngoái, theo USAID, Việt Nam và Hoa Kỳ phối hợp tổ chức lễ khởi động xử lý nhiệt giai đoạn 2 tại sân bay Đà Nẵng, trong đó xử lý khoảng 45.000 mét khối đất và bùn ô nhiễm dioxin trong khuôn khổ một dự án đem lại lợi ích to lớn cho người dân Đà Nẵng và có ý nghĩa lịch sử đối với quan hệ hai nước.

Trước đây, theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ đồng ý hoàn thành việc tẩy sạch môi trường tại Sân bay Đà Nẵng, nơi có nồng độ dioxin cao còn tồn dư trong bùn đất sau chiến tranh Việt Nam.

Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nói với báo chí hôm 9/8: “Ngoài sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa do Bộ Quốc phòng quản lý đang là điểm nóng về ô nhiễm dioxin. Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục cùng với USAID tổ chức khởi công dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Hoa Kỳ.”

Sau khi hoàn tất đánh giá tác hại môi trường, vào tháng 5/2016, cựu Tổng thống Obama đã công bố Hoa Kỳ cam kết hợp tác với Việt Nam để có đóng góp đáng kể vào hoạt động làm sạch ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa.

Chính phủ Mỹ và Việt Nam đã hợp tác xử lý chất dioxin tại Việt Nam từ năm 2007. Khởi công năm 2012, dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng là một điểm mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương giữa hai chính phủ.

Tuy nhiên, gần đây Tổng thống Donald Trump đề xuất cắt giảm ngân sách năm 2018 cho Bộ Ngoại giao Mỹ và USAID đến 28%.

Không rõ liệu việc cắt giảm này có ảnh hưởng đến cam kết của Hoa Kỳ về việc làm sạch ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa hay không, dù rằng khi ông Trump và Thủ tướng Việt Nam gặp nhau vào tháng 5 năm nay, hai bên có ra tuyên bố chung nói rằng “sẽ thảo luận về các bước phối hợp tiếp theo về tẩy độc tại sân bay Biên Hòa.”

https://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-hoan-thanh-giai-doan-2-xu-ly-dioxin-o-da-nang/3981909.html