Vụ Trầm Bê: Thêm 24 người bị khởi tố

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vụ Trầm Bê: Thêm 24 người bị khởi tố

 

ngân hàngBản quyền hình ảnhZING
Image captionÔng Trầm Bê, cựu phó chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank bị bắt do liên quan đến vụ án Phạm Công Danh

 

Tiếp sau vụ bắt và khởi tố ông Trầm Bê, có thêm 24 người bị khởi tố trong vụ này, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam loan báo.

Hồi đầu tháng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với vị nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank.

Hôm 11/8, trang Zing đưa tin trong số 24 người bị khởi tố cùng ông Trầm Bê có Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp TP Bank và 11 người được thuê để đứng tên vay vốn ngân hàng.

Vụ án liên quan đến các ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Tiên Phong (TP Bank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Trong số 24 người mới bị khởi tố, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra lệnh bắt tạm giam 15 người.

Theo Zing, cơ quan chức năng xác định Trầm Bê và đồng phạm gây thiệt hại khoảng 6.600 tỷ đồng. Một phần tài sản trên được nêu trong kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh.

Trước đó, bình luận với BBC về vụ bắt ông Trầm Bê, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Thế Giới Luật Pháp ở TP Hồ Chí Minh, nói: “Việc bắt ông Trầm Bê mới đây cũng như các lãnh đạo ngân hàng ACB, Đông Á, Xây Dựng, Ngân hàng Đại Dương… trước đó là quy luật tất yếu.”

 

 

ngân hàngBản quyền hình ảnhREUTERS
Image captionChuyên gia nói Ngân hàng Nhà nước “không thể vô can” nếu các sai phạm của các ngân hàng thương mại diễn ra trong một thời gian dài mà không bị xử lý

 

‘Quan hệ thân hữu’

Luật sư nói thêm: “Các sếp ngân hàng dễ bị khép tội. Dễ bị khép tội ở đây không đồng nghĩa với việc nhà nước buộc tội họ một cách vô tội vạ mà là vì quá nhiều quy định khắt khe trong lĩnh vực ngân hàng cần phải được tuân thủ.”

“Hệ thống Ngân hàng được ví như là “huyết mạch” của nền kinh tế. Nếu hệ thống ngân hàng bị đổ vỡ thì ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của đất nước.”

“Do đó, có rất nhiều quy định nghiêm ngặt để bảo vệ “huyết mạch” ấy.”

“Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng thường là giới đại gia và có quan hệ thân hữu với lãnh đạo cấp cao trong chính phủ.”

“Có thể vì vậy mà họ có khuynh hướng xem nhẹ việc tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của ngành ngân hàng hơn. Đến khi thiệt hại phát sinh, họ rất dễ bị khép vào các tội như: Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, hoặc Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…”

Chuyên gia luật kinh tế Nguyễn Việt Khoa nói với BBC từ TP. Hồ Chí Minh: “Tôi cho rằng việc bắt Trầm Bê là động thái thể hiện quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc làm trong sạch hệ thống thống ngân hàng Việt Nam, và trừng trị lợi ích nhóm trong ngành ngân hàng vốn đã tồn tại trong thời gian qua gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế của đất nước.”

“Tôi dự liệu vụ án liên quan sai phạm của các lãnh đạo ngân hàng không chỉ dừng ở Trầm Bê và Hà Văn Thắm mà sẽ tiếp tục mở rộng điều tra.”

“Dư luận đang trông chờ chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” mà ông Nguyễn Phú Trọng và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng, người vừa được giao phụ trách thường trực Ban Bí thư thay cho ông Đinh Thế Huynh trong thời gian chữa bệnh, tiến hành trong thời gian tới.”

Trong một diễn biến khác, dự kiến hôm 28/8, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội sẽ mở lại phiên sơ thẩm vụ Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm.

www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40884561