Tin Việt Nam – 10/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 10/08/2017

Cảnh sát EU thu giữ xe hơi chợ Sapa, Czech để ‘điều tra’

Trong vụ mà Đức nói là ông Trịnh Thanh Xuân ‘bị bắt cóc’ ở Berlin, giới chức nghi rằng chiếc xe dùng để bắt ông Trịnh Xuân Thanh hôm 23/7/2017 tại Berlin và có thể được dùng để chở ông ra khỏi Đức sang một nước châu Âu khác là xe thuê.

BBC Tiếng Việt hỏi chuyện ông Bùi Quang Hiếu, chủ doanh nghiệp Hieu Bui Travel chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê xe tại Prague, về việc công ty ông hiện có một xe hơi bị giới chức giữ và điều tra.

Công ty Hieu Bui Travel có trụ sở tại Trung tâm thương mại Sapa, là khu chợ nổi tiếng của cộng đồng người Việt ở ngoại ô Prague, thủ đô Czech.

Đức ‘cân nhắc hành động’ đối với VN

Tuyên bố của Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh

VN còn ‘thẩm quyền’ xét xử ông Thanh?

Ông Hiếu hôm 10/8 nói với BBC rằng chiếc xe của công ty ông đã được cho mượn đúng vào thời điểm được cho là đã xảy ra vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin, và “Cảnh sát hình sự đã làm việc với tôi từ ngày 28/7, cho đến hôm nay vẫn tiếp tục.”

“Họ đến văn phòng lần đầu tiên vào lúc 11 giờ ngày 28/7, chìa thẻ cảnh sát Liên minh châu Âu, có hai người đeo súng đến, tìm tôi tại văn phòng.”

‘Người thuê là người ở Praha, người sử dụng là từ VN sang’

“Người mượn xe cũng làm ăn trong chợ trung tâm thương mại Sapa này, và họ mượn hộ cho ai đó. Văn phòng chúng tôi chỉ biết người đầu tiên mượn xe, còn cảnh sát họ làm việc tiếp với người đó,” ông Hiếu nói với BBC.

“Chúng tôi không biết người sử dụng xe là ai, dùng xe với mục đích gì. Nhưng câu hỏi đầu tiên mà các văn phòng cho thuê xe bao giờ cũng phải hỏi khi cho thuê, là “anh thuê xe với mục đích gì”, và người ta nói với tôi là để đi du lịch, cho một tốp khách từ Việt Nam sang,” ông Hiếu giải thích thêm.

“Tôi khẳng định là họ mượn cho người khác chứ không lái. Bởi vì trong những ngày đó họ vẫn ngồi làm việc tại Trung tâm Thương mại Sapa chứ không vắng mặt. Tôi vẫn gặp người trực tiếp mượn xe.”

Tạm thu xe hai tháng

Ông Bùi Quang Hiếu nói công ty ông có tổng số bảy chiếc xe cho thuê, tất cả đều kết nối dịch vụ vệ tinh.

Trong số này, chiếc mà ông cho thuê trong thời gian 20-24/7 hiện đang bị giới chức thu giữ.

“Cảnh sát không cho chúng tôi biết l‎í do vì sao họ hỏi về chiếc xe này, chỉ nói là chiếc xe đã vi phạm pháp luật. Mà việc vi phạm pháp luật, theo tôi thì có thể là do dùng để chở thuốc phiện, hoặc chở người không có giấy tờ, hoặc việc gì đó khác.”

Vì sao Đức yêu cầu trao trả Trịnh Xuân Thanh?

Thayer: ‘Nghi vấn bắt cóc gây tổn hại cho VN’

Bàn tròn BBC: Diễn biến mới trong vụ Trịnh Xuân Thanh

“Cảnh sát sẽ làm việc với hãng cung cấp dịch vụ vệ tinh để lấy thông tin về hành trình của tất cả bảy xe trong tháng Bảy và tháng Tám để kiểm tra,” ông nói.

“Trong số đội xe của tôi, có một chiếc bị họ ngắt dịch vụ định vị vệ tinh. Tôi có khiếu nại thì họ nói đó là để phục vụ cho công tác điều tra nên họ tạm ngắt. Sáu chiếc còn lại tôi vẫn nhìn thấy [vị trí qua định vị vệ tinh], vẫn hoạt động bình thường.”

Ông cho biết chiếc xe bị tạm thu giữ “là chiếc Multivan VW (Volkswagen) 7 chỗ ngồi, màu ánh bạc, biển số 2AB-3140, được cho mượn vào ngày 20/7, họ đem trả vào ngày 24/7, trùng vào thời điểm xảy ra vụ ông Trịnh Xuân Thanh, cho nên giới chức đặt nghi vấn.”

“Cảnh sát lấy xe vào lúc 17 giờ 41 phút ngày 28/7/2017, tại một bãi gửi xe có người trông giữ 24/24. Khi thu xe, họ gọi tôi tới kí biên bản thu xe. Trong biên bản ghi rõ ‘tạm thu hai tháng để phục vụ điều tra công việc’.”

“Họ hỏi rất kỹ tuy vẫn chỉ trong phạm vi một số câu hỏi: hỏi ngày giờ cho thuê xe, người thuê là ai, có biết ai là người lái xe không, có biết họ dùng xe đó để làm gì không.”

Bộ Ngoại giao Đức hôm thứ Tư 9/8 tuyên bố đang cân nhắc các bước đi cần thiết sau khi Việt Nam không hồi đáp yêu cầu của Berlin, muốn Hà Nội trao trả ông Trịnh Xuân Thanh.

Berlin nói ông Trịnh Xuân Thanh ‘đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc’ hồi cuối tháng Bảy.

Hôm 4/8, Ngoại trưởng Đức cáo buộc Việt Nam đã thực hiện vụ việc theo cách thức “chỉ có trong các phim ly kỳ thời Chiến tranh Lạnh” và đó là hành vi mà Đức thấy là “không thể chấp nhận”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40881957

 

Đức ‘khẩn trương’ điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh

Văn phòng Công tố liên bang Đức tuyên bố họ từ nay phụ trách việc điều tra cáo buộc ông Trịnh Xuân Thanh bị Việt Nam bắt cóc.

Thông cáo của công tố liên bang Đức hôm thứ Năm 10/8 nói điều tra nay tập trung vào nghi ngờ có hoạt động gián điệp nước ngoài và tước đoạt quyền tự do một cách bất hợp pháp.

Trước đó, cuộc điều tra do cơ quan công tố thành phố Berlin thực hiện.

Thông cáo hôm 10/8 cho biết Việt Nam đã rút đơn đề nghị dẫn độ ông Thanh, người đang nộp đơn xin tị nạn tại Đức.

Cũng theo thông cáo, phía Đức đang nghi ngờ “các nạn nhân được đưa tới Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin, rồi từ đó đưa về Việt Nam”.

Trước đó hôm 9/8, Đức tuyên bố đang cân nhắc các bước đi cần thiết sau khi Việt Nam không hồi đáp yêu cầu của Berlin, muốn Hà Nội trao trả ông Trịnh Xuân Thanh.

Berlin nói ông Trịnh Xuân Thanh ‘đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc’ hồi cuối tháng Bảy.

Hôm 4/8, Ngoại trưởng Đức cáo buộc Việt Nam đã thực hiện vụ việc theo cách thức “chỉ có trong các phim ly kỳ thời Chiến tranh Lạnh” và đó là hành vi mà Đức thấy là “không thể chấp nhận”.

Tuyên bố của Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh

VN còn ‘thẩm quyền’ xét xử ông Thanh?

Bàn tròn BBC: Diễn biến mới trong vụ Trịnh Xuân Thanh

Luật sư tại Đức của ông Thanh nói ông tin rằng thân chủ của mình đã bị lôi lên xe hơi, cưỡng bức đưa về Việt Nam chứ không phải tự nguyện quay về.

Ngoại trưởng Đức tuyên bố ‘không thể chấp nhận’ việc VN bắt cóc người

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức hôm thứ Tư nói ông lấy làm tiếc là đòi hỏi của phía Đức trong việc Hà Nội phải để ông Thanh quay trở lại Đức đã không được trả lời.

“Chúng tôi đã hy vọng là sẽ có khả năng nhằm… sửa chữa sau lỗi vi phạm nghiêm trọng luật Đức và luật pháp quốc tế,” phát ngôn viên nói với các phóng viên.

“Thật không may là điều đó đã không xảy ra, cho nên chúng tôi đang cân nhắc xem cần làm gì để đối tác Việt Nam của chúng tôi hiểu rõ rằng chúng tôi không thể chấp nhận chuyện đó,” ông nói.

Phía Việt Nam nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện ‘ra đầu thú’, và công bố đoạn video trong đó ông Thanh dáng điệu mệt mỏi nói rằng ông “đành phải về để đối diện sự thật”.

Đoạn video được phát trong chương trình thời sự của Việt Nam cũng công bố hình ảnh “đơn xin tự thú” được cho là của ông Thanh viết tay.

Vì sao Đức yêu cầu trao trả Trịnh Xuân Thanh?

Thayer: ‘Nghi vấn bắt cóc gây tổn hại cho VN’

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức từ chối nói rõ về các khả năng cụ thể là gì, nhưng nhấn mạnh rằng Việt Nam nhận viện trợ phát triển từ Đức ở mức đáng kể.

Trong năm 2015, Đức cam kết trợ giúp Việt Nam 220 triệu euro (257,8 triệu đôla Mỹ) viện trợ phát triển trong vòng hai năm.

“Mọi lựa chọn đều đang được đặt trên bàn,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói, và cho biết thêm là đã có các cuộc trao đổi giữa chính phủ hai nước.

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối Liên hiệp Âu châu; các thành viên của khối này đang chuẩn bị xem xét việc phê chuẩn thỏa thuận tự do thương mại với Việt Nam

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40869508

 

Bắc Kạn: Tượng đài ‘đổ sập’

Một kiến trúc sư ở Hà Nội nói với BBC rằng vụ đổ sập tượng đài ở Bắc Kạn “đánh động các công trình tượng đài đang xây dựng”.

Cụm tượng đài Chiến Thắng tại thành phố Bắc Kạn bị đổ sập một phần, khiến một em bé đang chơi dưới tượng bị thương, theo báo Thanh Niên hôm 10/8.

Theo báo Thanh Niên, ông Hà Văn Trường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn khẳng định nói tượng đài bất ngờ đổ sập là “không chính xác, đây chỉ là một bức tượng nhỏ nằm trong cụm tượng và nằm trong dự án tượng đài Chiến thắng Bắc Kạn”.

Ông nói dự án này do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 14 tỉ đồng nhưng cụm tượng có kinh phí dự toán được phê duyệt là 4 tỉ 536 triệu đồng.

Việt Nam ‘làm tượng đài hoành tráng quá’

Tìm thấy tượng ‘thiên thần’ ở Campuchia

Anh quốc: Có nên xây tượng thủ tướng?

‘Khiếm khuyết’

Hôm 10/8, trả lời BBC, Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, cựu Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, nói: “Tượng đài mới xây mà đã đổ sập thì thật đáng tiếc, nhưng vụ này cũng hy hữu, tôi chưa thấy bao giờ.”

“Nguyên nhân vụ đổ sập tượng đài ở Bắc Kạn thế nào thì còn phải đợi người ta điều tra.”

“Đó có thể là do khiếm khuyết của người thiết kế hoặc bên thi công.”

“Vụ này cũng đánh động các công trình tượng đài đang xây dựng phải cẩn trọng hơn.”

Đề cập về việc dư luận đặt vấn đề về chất lượng của các công trình tượng đài tiền tỷ có khả năng bị “rút ruột”, kiến trúc sư Luyện nói: “Trong xây dựng ở Việt Nam thì công trình bị rút ruột chỗ nào cũng có.”

“Vấn đề là tùy mức độ nào thôi.”

Ông cũng nói thêm: “Với các công trình tượng đài Hồ Chí Minh, người ta rất coi trọng, giám sát chặt chẽ nên không có nguy cơ bị đổ.”

Hồi tháng 5/2017, báo Công An Nhân Dân cho hay, công trình tượng đài ‘NTrang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912-1936’ của tỉnh Đắk Nông “đang xây dựng nhưng phát sinh nhiều sự cố kỹ thuật, không đảm bảo đúng chất lượng, thiết kế.”

“Tổng kinh phí tượng đài này lên đến 146 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2018, nhưng 9/10 vị trí không đạt chất lượng bê tông, mẫu để tiếp tục thi công, 1/3 sàn móng không đạt yêu cầu, sai với thiết kế gây thiệt hại hàng tỷ đồng,” báo này viết.

Tháng 6/2017, báo Zing tường thuật, do thiếu kinh phí xây dựng, ngoài việc xã hội hóa, tỉnh Đắk Nông còn “chủ trương huy động đóng góp tiền lương của cán bộ công nhân viên để xây dựng tượng đài N’Trang Lơng.”

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng được báo Tuổi Trẻ dẫn lời: “Hiện đang có xu hướng xã hội hóa trong xây dựng tượng đài. Song, dù tiền nhà nước hay tiền có được từ việc xã hội hóa thì cũng là tiền của dân.”

“Việc xây tượng đài tràn lan không chỉ gây lãng phí về kinh tế mà còn làm nghèo thêm văn hóa.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40884559

 

Ukraine giúp Việt Nam nâng cấp cơ sở bảo trì máy bay

Không quân Việt Nam tăng cường khả năng sửa chữa, bảo trì trong nước cho đội máy bay Sukhoi do Nga chế tạo.

Mạng báo chuyên về tin tức quân sự, quốc phòng IHS Jane’s vào ngày 9 tháng 8 cho biết Nhà máy A32 tại Đà Nẵng, cơ sở chuyên lo bảo trì, sửa chữa, đại tu máy bay, vừa được Ukraine hỗ trợ kỹ thuật để nâng cấp nhằm có thể tăng cường khả năng trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Đây là một trong loạt những nỗ lực nhằm nâng cao khả năng cho nhà máy A32.

Lâu nay nhà máy A32 được giao nhiệm vụ sửa chữa, lắp ráp, bảo dưỡng cho những máy bay chiến đấu của Không quân Việt Nam như máy bay Su-22, Su-27, Su30MK2. Nay với những nâng cấp, Nhà máy A32 sẽ có thể tiến hành hoạt động hỗ trợ và hiện đại hóa cho đội máy bay chiến đấu Sukhoi đang có.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/vn-expands-mro-capability-to-support-sukhoi-fighters-08102017112652.html

 

Nuôi tôm hay trồng lúa?

Thanh Trúc, phóng viên RFA

Nuôi tôm thay vì trồng lúa giúp cho nhiều nông dân vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long ăn nên làm ra và thoát  nghèo trong gần hai thập niên qua.

Thoát nghèo

Sau một thời gian dài được mệnh danh là vựa lúa hay kho gạo của cả nước, từ năm 2000 Đồng Bằng Sông Cửu Long trở thành nơi mà nhiều nông dân thay vì trồng lúa đã chuyển sang nuôi tôm và có cuộc sống khấm khá hơn trước.

Hãng tin AFP hôm 9 tháng Tám cho biết như vừa nêu và dẫn lời một người chuyên nuôi tôm ở khu vực này xác nhận việc nuôi tôm có lợi nhiều hơn trồng lúa gạo, và người này hy vọng có thể kiếm được một tỷ đồng, tương đương 44.000 đô  la, trong năm 2017.

Ông Sáu, chủ nhân một đầm tôm ở Tiền Giang cho biết vì tôm đang được giá nên hiện nhiều người muốn vay thêm vốn để phát triển ngành nghề đã giúp họ cơ hội thoát nghèo này:

Có thể sản lượng sẽ không nhiều nhưng mà giá bán ổn định hơn, rủi ro ít đi, đặc biệt đảm bảo thu nhập cho bà con tăng lên.

– Tiến sĩ Đặng Kim Sơn

Cá nhân chú thì không cần, nhưng mà nông dân nuôi tôm, nuôi trồng hải sản  thì người ta thiếu nguồn vốn.

Ông Thời, một người nuôi tôm ở Sóc Trăng, đồng ý rằng vùng  duyên hải Đồng Bằng Sông Cửu Long là khu vực thuận lợi để nuôi tôm, thế nhưng muốn có hiệu quả thì vẫn phải có vốn  để đầu tư:

Điều  kiện thuận lợi thì cũng không thể không vay, nếu như thuận lợi và lời thì có lời nhưng vẫn không đủ để mà lấp vụ. Lấp vụ tức là cải tạo lại ao đìa, thả con giống mới vân  vân…

Từ  năm 2000, hoạt động nuôi tôm ở các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long được nhà nước khuyến khích trở thành một ngành công nghiệp với kỹ thuật nuôi trồng cải tiến, trong lúc nhu cầu xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các nước EU tăng cao. Ông Thắng, chủ nhân một hộ nuôi tôm ở Tiền Giang, cho biết:

Trước đây mình làm theo dạng nông dân tức mạnh ai người đấy làm. Sau này chính phủ làm theo công nghệ mới và làm theo chuỗi sản phẩm mới thì chắc chắn đã đẩy mạnh để mình có thương hiệu tôm sạch. Những người nông dân như bọn anh đều được đi học và được cập nhất những kiến thức mới về nuôi tôm. Trước đây 1 hectare chỉ được khoảng 5 tấn thôi, bây giờ 1 hectare có thể nuôi được 7 tấn đến 8 tấn.

Ngành nuôi tôm ở Đồng Bằng Sông Cửu Long không chỉ đang phát triển rất tốt mà còn mang lại thu nhập cao cho người nuôi trồng, là khẳng định của tiến sĩ Đặng Kim Sơn, viện trưởng Viện Chiến Lược Nông Nghiệp, Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn Việt Nam:

Có thể sản lượng sẽ không nhiều nhưng mà giá bán ổn định hơn, rủi ro ít đi, đặc biệt đảm bảo thu nhập cho bà con tăng lên, tôi cho đó là điều quan trọng.

Từ tháng Hai 2017, Việt Nam đề ra mục tiêu 10 tỷ đô la xuất khẩu tôm một năm cho đến năm 2025, nghĩa là tăng hơn gấp 3 lần kim ngạch xuất khẩu tôm hiện tại ở mức 3 tỷ đô la.

Đây là thông tin từ Hội nghị Phát triển Ngành tôm qui tụ đại diện chính phủ cùng lãnh đạo của gần 30 tỉnh  và hơn 50 doanh nghiệp nuôi tôm được tổ chức tại Cà Mau ngày  6 tháng Hai năm 2017, qua đó cho thấy Việt Nam dự định tập trung nguồn lực vào kỹ nghệ nuôi tôm ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, vốn là vựa lúa truyền thống nhưng đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu thời gian qua. Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị rằng biến đổi khí hậu đang đe dọa ngành sản xuất lúa gạo khiến Việt Nam phải thay đổi lại việc sản xuất hiệu quả và bền vững hơn. Vẫn theo lời ông, ngành nuôi trồng tôm đang chứng minh rằng con tôm hiện là  sản phẩm nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, nguyên viện trưởng Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long, sau đó là cục trưởng Cục Chế Biến Nông Lâm & Thủy Sản & Nghề Muối ở Hà Nội, nói rằng phát triển là tốt nhưng có nhiều điểm Việt Nam cần lưu ý:

Đồng Bằng Sông Cửu Long không phải nơi nào cũng có thể nuôi tôm được thành ra phải có qui hoạch cụ thể. Vừa rồi thủ tướng nói làm sao từ đây tới 2025 phải nâng xuất khẩu đang 3 tỷ lên thành 10 tỷ. Đó là ước vọng nhưng muốn thành hiện thực cũng hết sức khó khó khăn. Bởi vì trồng lúa thì kỹ thuật không cần cao lắm, thứ hai là chi phí, vốn đầu tư cũng không cần cao lắm, hệ thống cơ giới thiết bị máy móc nó đầy đủ.

Bây giờ chuyển sang nuôi tôm thì nó để ra nhiều chuyện khác, đất đai môi trường như thế nào là một việc, thứ hai nuôi tôm nuôi cá phải cả chục tỷ mới làm được mà rất  là  rủi ro về môi trường, có thể thắng  hai ba vụ đầu mà thất bại một vụ là bán nhà. Hiện nay thấy người ta nuôi tôm có một số rất giàu, nhưng đại đa số đất đai những người nuôi tôm đều nằm trong ngân hàng.

Cái thứ hai nữa là thị trường, qua Mỹ hay qua Úc mà chỉ cần rào cản kỹ thuật hoặc rào cản thương mại thì sẽ bị vướng, người làm chưa chắc đã thắng lợi. Thành ra vấn đề này theo tôi cũng phải cân nhắc chứ không phải cứ bỏ lúa nuôi tôm là tốt đâu.

Làm sao phát triển bền vững

Biến tôm thành một ngành công nghiệp đại trà chưa chắc là sự phát triển bền vững nếu ảnh hưởng đến rừng ngập mặn và phá hủy cảnh quan hay môi trường, là khuyến cáo của ông Andrew Wyatt, giám đốc quản lý chương trình của tổ chức có tên Liên Minh Quốc Tế Bảo Tồn Thiên Nhiên, gọi tắt là IUCN.

Ông Phong, người có đến 20 hectares diện tích nước nuôi trồng tôm ở Kiên Giang, xác nhận chuyện nguồn nước nuôi tôm bị nhiễm bẫn là vì:

Thường nước nuôi mà có tôm bị bịnh khi người này xả ra môi trường thì người kia lấy vô thôi.

Trong cương vị một tổ chức chuyên bảo vệ những khu rừng ngập mặn. một di sản thiên nhiên quí báu của Đồng Bằng Sông Cửu Long, Liên Minh Quốc Tế Bảo Tồn Thiên Nhiên thường nhắc nhở nông gia tránh sử dụng chất hóa học trong khi nuôi trồng với mục đích giữ nguồn nước sạch cũng như bảo đảm tôm họ nuôi trồng là sản phẩm sạch.

Nuôi tôm trên vùng trồng lúa thì rất bền vững, chỉ có một cái là không phá rừng ngập mặn để nuôi tôm nữa.
– Giáo sư Võ Tòng Xuân

Giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu phó Đại Học Nam Cần Thơ:

Rất đúng ở cái phần phải tiếp tục giữ rừng ngập mặn, cái đó dứt khoát phải làm. Nuôi tôm trên vùng trồng lúa thì rất bền vững, chỉ có một cái là không phá rừng ngập mặn để nuôi tôm nữa, vấn đề này là các tỉnh cũng đang lo.

Việc nuôi tôm này là bây giờ phải tổ chức lại để nuôi được khoa học hơn. Nuôi theo cách tự phát, mạnh ai nấy nuôi, đo đó nước của ruộng tôm này đổ ra thì ruộng tôm kia lấy vô thì nó lây lan bịnh. Tới đây phải tổ chức lại để nông dân nào cũng có nước mới, khi xả nước cũ ra thì xả ra chung một dòng kinh đưa ra ngoài biển. Tổ chức được như vậy thì nuôi tôm rất bền vững. Tới đây cũng phải có những loại thuốc an toàn để kiểm soát bệnh của tôm, cấm là cấm những loại thuốc kháng sinh, nhưng những loại thuốc probiotic thì có thể sử dụng được vì không bị cấm.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam ra các nước thời gian qua đã trở thành  ngành công nghiệp mũi nhọn tại Đồng Bằng Sông Cưu Long. Năm 2016, xuất khẩu tôm vượt qua xuất khẩu gạo, chỉ đứng sau mặt hàng cà phê mà thôi.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-peasants-turn-from-rice-to-shrimp-for-fortunes-tt-08102017072601.html

 

Việt Nam ‘mua’ ảnh hưởng ở thủ đô Mỹ?

Hà Nội bị cáo buộc chi tiền lái dư luận Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông và nhân quyền, cũng như trả triệu đôla vận động các chính sách có lợi cho mình.

Một bài phân tích dài của nhà báo điều tra Greg Rushford, các tài liệu đăng ký với Bộ Tư pháp Mỹ và ý kiến của chuyên gia dường như cho thấy điều này.

Từ tài trợ hội thảo biển Đông…

Trong bài viết đăng tải trên trang web cá nhân hôm 11/7, có tựa đề “Bàn tay giấu kín của Hà Nội giúp hình thành chương trình nghị sự của một viện nghiên cứu ở Washington như thế nào”, ông Rushford viết rằng “kể từ năm 2012, chính phủ Việt Nam đã chi cho CSIS [Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế] hơn 450 nghìn đôla để tổ chức các hội thảo thường niên về Biển Đông”. Nhà báo này dẫn các tài liệu có được để đưa ra con số trên.

“(Học viện Ngoại giao Việt Nam) tài trợ cho hội nghị Biển Đông để đưa quan điểm của họ ra công chúng nhằm cạnh tranh với sự tuyên truyền và các nỗ lực thông tin của Trung Quốc”.

Carl Thayer, giáo sư Học viện Quốc phòng của Đại học NSW

Tuy nhiên, trong danh sách các chính phủ tài trợ, đăng công khai trên trang web của cơ quan nghiên cứu này, VOA Việt Ngữ không thấy tên của Việt Nam. Còn ở trong phần các tổ chức tài trợ từ 5 nghìn tới gần 200 nghìn đôla, có tên Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV), “lò” đào tạo các cán bộ đối ngoại, trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam. Trong danh sách này, cũng có thể thấy một số cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc.

Ký giả điều tra từng làm việc tại Quốc hội Mỹ cho rằng “các mối liên hệ giữa chính phủ Việt Nam và CSIS bắt đầu từ ngày 25/4/2012”, khi đôi bên ký biên bản ghi nhớ, và người Việt ký vào thỏa thuận, theo nhà báo Rushford, là “ông Nguyễn Vũ Tùng, Phó đại sứ Việt Nam ở Washington”, người sau này trở thành giám đốc DAV.

VOA nhiều lần liên lạc với ông Tùng qua email và điện thoại để xin bình luận về vấn đề này nhưng không thể gặp được vị giám đốc của DAV cũng như trả lời từ ông.

Dẫn các tài liệu “mật” của tổ chức nghiên cứu quốc tế có tiếng ở thủ đô Hoa Kỳ, ký giả tự nhận “có mối quan tâm đặc biệt với châu Á” này còn đề cập tới sự “giằng co” giữa phía Việt Nam, mà “đại diện hiện nay”, theo ông Rushford, là tiến sĩ Trần Trường Thủy, nhân viên của DAV đồng thời là Giám đốc điều hành Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông, với CSIS về chuyện mời đại sứ Trung Quốc lên tiếng tại hội thảo vào tháng Bảy năm ngoái mà “không tham vấn” với phía Hà Nội. Khi đó, vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa nhiều nước đang nóng, sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế ra phán quyết trao phần thắng cho Philippines trong vụ kiện Bắc Kinh.

Trả lời VOA tiếng Việt, giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc khẳng định rằng ông đã thấy những trao đổi về sự phản đối của phía Việt Nam. Ông nói thêm: “DAV tài trợ cho hội nghị Biển Đông để đưa quan điểm của họ ra công chúng nhằm cạnh tranh với sự tuyên truyền và các nỗ lực thông tin của Trung Quốc”.

Mặc dù giáo sư Thayer nói ông không được biết chính xác nguyên nhân phản đối của DVA nhưng nhà báo Rushford cho VOA biết “những người cấp trên của ông Thủy ở Hà Nội phản đối việc trả tiền để ‘tuyên truyền’ cho Trung Quốc.”

Chuyên gia quốc phòng hàng đầu của khu vực châu Á -Thái Bình Dương đánh giá tiếp: “Việt Nam muốn các học giả quốc tế ‘dạy’ cho các học giả Trung Quốc tại hội thảo – đó là cách gây ảnh hưởng một cách khéo léo và gián tiếp”.

DAV, theo giáo sư Thayer, “muốn thu hút những học giả chỉ trích Trung Quốc về hành vi của nước này ở biển Đông khi không công nhận luật lệ quốc tế”.

VOA Việt Ngữ cũng liên hệ với CSIS để hỏi về “khoản tiền lớn trên cũng như sự can thiệp của Việt Nam vào việc tổ chức hội thảo Biển Đông” cũng như việc lựa chọn diễn giả nhưng không nhận được trả lời.

Còn trong bài viết của mình, ông Rushford cho biết đã đề nghị ông John Hamre, Chủ tịch đồng thời là Giám đốc Điều hành của trung tâm nghiên cứu này, bình luận nhưng không nhận được trả lời.

Một bài viết của tờ New York Times (NYT) đăng ngày 6/9/2014 cho rằng các tổ chức nghiên cứu của Mỹ ở Washington DC như CSIS ban đầu được thành lập từ những nguồn tiền của các nhà hảo tâm để đảm bảo tính độc lập cho các nghiên cứu, nhưng hiện nay họ đang nhận tài trợ từ các chính phủ nước ngoài và ít nhiều bị chi phối bởi người bảo trợ mà “trong nhiều trường hợp muốn gây ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Mỹ”.

Trả lời VOA Việt Ngữ, nhà nghiên cứu cao cấp của CSIS, ông Murray Hiebert, phủ nhận bất kỳ sự ảnh hưởng của nguồn tài trợ nước ngoài đối với tổ chức của ông. Ông nói rằng trung tâm của ông nhận sự đóng góp tài chính từ nhiều nguồn và chỉ nhận tiền từ các chính phủ qua các hợp đồng chính thức. Chuyên gia về Đông Nam Á này nói: “Chúng tôi độc lập và có quyết định riêng của mình trong các vấn đề chính sách”.

… tới chi tiền vận động hành lang

Không chỉ có CSIS, nhà báo Rushford nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng Việt Nam còn chi tiền cho Podesta Group, một trong những công ty vận động hành lang hàng đầu ở Washington DC. Đây được cho là nhóm vận động chính sách cho chính phủ Việt Nam liên quan tới việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, giúp Hà Nội tham gia hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như các chuyến thăm của nguyên thủ hai nước.

Theo tài liệu đăng ký với Bộ Tư pháp Mỹ, chính quyền Hà Nội đã trả cho Podesta hơn một triệu đôla trong vòng 5 năm qua để vận động giới lập pháp và hành pháp của Hoa Kỳ. Đó là khoảng thời gian nhiều quan chức cấp cao của Việt Nam đã tới thăm Nhà Trắng, trong đó có chuyến đi được coi là lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 cũng như chuyến công du Việt Nam năm 2016 của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Đáng chú ý là ông Nguyễn Vũ Tùng, nhà ngoại giao mà ông Rushford cho là từng ký tài trợ cho CSIS, cũng xuất hiện trên văn bản hợp tác với Podesta Group vào cuối năm 2013.

Theo tài liệu đăng ký với Bộ Tư pháp Mỹ, chính quyền Hà Nội đã trả cho Podesta hơn một triệu đôla trong vòng 5 năm qua để vận động giới lập pháp và hành pháp của Hoa Kỳ.

Theo tài liệu mà VOA tiếng Việt có trong tay, gần nhất, trong thỏa thuận giữa hai phía từ ngày 1/4 tới 30/6 năm nay, Việt Nam chuyển cho Podesta tổng cộng 90 nghìn đôla, tức 30 nghìn đôla mỗi tháng, để công ty vận động hành lang này “nghiên cứu và đánh giá các vấn đề quan tâm [đối với Hà Nội]; tư vấn các chính sách của Mỹ [mà Việt Nam] quan tâm, các hoạt động tại Quốc hội và nhánh hành pháp cũng như các diễn biến trên chính trường Mỹ nói chung”.

Trong tài liệu đăng ký với Bộ Tư pháp Mỹ, Podesta cũng tư vấn cho Việt Nam về việc “củng cố quan hệ với chính phủ Mỹ” và “hỗ trợ truyền tải các vấn đề ưu tiên trong quan hệ song phương Việt – Mỹ tới các đối tượng phù hợp ở Hoa Kỳ, trong đó có quốc hội, nhánh hành pháp, truyền thông và cộng đồng [nghiên cứu và lập] chính sách”.

Theo nội dung các thỏa thuận mà VOA tiếng Việt có được, khi được phía Hà Nội yêu cầu, “các cuộc gặp với thành viên quốc hội [Mỹ], các nhân viên của họ cũng như các quan chức nhánh hành pháp cũng có thể được sắp xếp”.

Hợp đồng này được ký hôm 5/4, khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chuẩn bị chuyến thăm tới Hoa Kỳ để gặp Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng vào cuối tháng Năm.

Trước đó, đầu năm 2017, lúc ông Trump mới nhậm chức, Hà Nội cũng ký một thỏa thuận kéo dài ba tháng tới cuối tháng Ba với Podesta, trả cho công ty này 90 nghìn đôla, theo tài liệu đăng ký với Bộ Tư pháp Mỹ.

Ông Phúc là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên diện kiến Tổng thống Trump kể từ khi tỷ phú bất động sản này lên lãnh đạo Hoa Kỳ. Trước đó, ông cũng nằm trong số ít các quan chức cấp cao của các nước đầu tiên điện đàm với ông Trump sau khi ông Trump đắc cử.

Phân tích các tài liệu đăng ký với Bộ Tư Pháp Mỹ, VOA tiếng Việt thấy rằng trước Podesta, Việt Nam đã ký hợp đồng tư vấn với công ty khác như Parven Pomper Schuyler hay Hill and Knowlton, nhằm củng cố quan hệ Việt – Mỹ.

… rồi “diệt” vấn đề nhân quyền?

Nhân quyền lâu nay vẫn là chủ đề mà Việt Nam và Mỹ còn khác biệt, và quan chức Hoa Kỳ từng nhiều lần nói với VOA Việt Ngữ rằng cải thiện vấn đề này là điều sống còn để làm sâu đậm mối bang giao song phương.

Các công ty vận động hành lang cũng đang được Việt Nam trả tiền để gây ảnh hưởng trong vấn đề này, theo nhà báo Rushford. Trong khi đó, dân biểu Chris Smith nói rằng Podesta nhận tiền của chính phủ Việt Nam và tìm cách “tiêu diệt” các dự luật nhân quyền liên quan tới quốc gia Đông Nam Á này.

Thành viên quốc hội đảng Cộng hoà và là người bảo trợ cho Đạo luật Nhân Quyền Việt Nam cho VOA tiếng Việt biết rằng “những công ty này thường xuyên tìm cách tiêu diệt những đạo luật tốt mà khách hàng của họ cho là có vấn đề – và sau đó tiền họ bỏ túi còn các chính phủ như Việt Nam, Trung Quốc và một số các quốc gia có hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất thế giới thì lại giam giữ những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.”

Podesta không trả lời câu hỏi của VOA, đề nghị bình luận về tuyên bố này của dân biểu Smith cũng như việc công ty này tìm cách vận động các chính sách có lợi cho Việt Nam.

Theo nhận định của Betsy Woodruff cho trang tin Daily Beast, sự vận động hành lang này có hiệu quả đến mức, ngay cả khi Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm tới Hà Nội tháng 5/2016, dù các nhà tranh đấu dân chủ bị chính quyền Hà Nội ngăn cản tới gặp ông, vẫn khen ngợi tiến bộ mà Việt Nam đạt được về vấn đề nhân quyền.

“Những công ty này thường xuyên tìm cách tiêu diệt những đạo luật tốt mà khách hàng của họ cho là có vấn đề – và sau đó tiền họ bỏ túi còn các chính phủ như Việt Nam, Trung Quốc và một số các quốc gia có hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất thế giới thì lại giam giữ những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.”

Chris Smith, Dân biểu đảng Cộng hòa

Chính phủ Việt Nam trả tiền để có được sự ủng hộ cho nghị trình của họ ở Washington, theo nhà báo Rushford, thì không có gì sai trái, nhưng ông cho rằng đồng tiền mà họ tung ra làm cho các cơ quan nghiên cứu như CSIS “từ chối nói về nhân quyền”, một vấn đề quan trọng trong nền dân chủ Mỹ.

VOA nhiều lần gửi câu hỏi tới phụ trách truyền thông của CSIS, Andrew Schwartz, xin bình luận về nhận xét của nhà báo Rushford nhưng không nhận được trả lời.

VOA Việt Ngữ đã tìm hiểu trên trang web của trung tâm này và thấy rằng nhân quyền Việt Nam, một trong vấn đề mà các nhà phân tích CSIS cho là “gai góc nhất trong quan hệ Việt – Mỹ”, ít khi được đề cập trong các bài phân tích của viện này.

Các tổ chức quốc tế thúc đẩy quyền tự do biểu đạt lâu nay vẫn cáo buộc Việt Nam “bịt miệng” những tiếng nói bất đồng, nhưng Hà Nội từng nhiều lần tuyên bố chỉ bắt giữ những ai vi phạm pháp luật.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-mua-anh-huong-o-thu-do-my/3979231.html

 

Philippines bắt

10 ngư dân Việt Nam săn cá mập lậu ở Palawan

Hải quân Philippines bắt giữ một tàu đánh cá với 10 thuyền viên của Việt Nam cùng với khoảng 70 con cá mập chưa xác định chủng loại bị săn bắt và chứa trên tàu trong vùng biển phía bắc tỉnh Palawan hôm thứ Ba (8/8).

Thông tấn xã Philippines trích thông cáo của giám đốc khu vực Elizet Salilig của Bộ ngư nghiệp và thủy sản chiều tối thứ Tư 9/8 nói rằng tàu khu trục BRP Gregorio del Pilar (FF-15) bắt giữ tàu Hoa Huong của Việt Nam ngoài khơi cách Malampaya 20 hải lý và cách đảo Tapiutan 32 hải lý trong vịnh Bacuit thuộc El Nido. Hải quân Philippines đang tạm giữ các ngư dân Việt Nam.

Ông Salilig cho biết những con cá mập bị săn trên tàu cá này đang được lưu giữa để điều tra.

Các giới chức Philippines chiều 10/8 nói rằng các ngư dân Việt Nam này có thể sẽ bị truy tố tội người nước ngoài săn bắt cá lậu trong vùng biển của Philippines.

Một người phát ngôn của Hội đồng Phát triển Bền vững Palawan nói rằng nếu những con cá mập bị săn được xác định thuộc loại hiếm hoặc có nguy cơ tuyệt chủng, thì các ngư dân Việt Nam này bị truy tố thêm về các vi phạm quy định bảo vệ động vật có tên trên sách đỏ.

Thông tấn xã Philippines nói theo báo cáo của hải quân, khi tàu khu trục của họ phát hiện và đuổi theo tàu cá Việt Nam, tàu săn cá mập lậu này tìm cách tháo chạy khỏi vùng biển Philippines, nhưng thuyền trưởng xác định tàu cá đó ở trong vùng biển của Philippines.

Báo cáo của hải quân Philippines nói những người Việt Nam săn các lậu này đã ở trong vùng biển nơi họ bị bắt từ hôm 1 tháng 8.

(Theo TTX Philippines, The Star Online)

https://www.voatiengviet.com/a/philippines-bat-10-ngu-dan-viet-nam-san-ca-map-lau-o-palawan/3980221.html

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ lưu lại hết nhiệm kỳ?

Ngọc Lễ

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhiều khả năng phục vụ hết 5 năm nhiệm kỳ của cho đến năm 2021 trong bối cảnh không có ứng cử viên nào sáng giá thay thế vào thời điểm giữa nhiệm kỳ sắp tới, một nhà quan sát chính trị Việt Nam nói với VOA.

Ông Trọng được bầu vào nhiệm kỳ thứ nhì tại Đại hội Đảng lần thứ 12 hồi đầu năm 2011 mặc dù ông đã quá tuổi quy định. Ông được xem là giải pháp tình thế cho vị trí Tổng bí thư khi trong Đảng chưa có ai đủ uy tín. Ông được dự kiến sẽ rút lui vào giữa nhiệm kỳ (cuối 2017 nửa đầu 2018) để nhường cho người khác lên thay.

Tuy nhiên, người nhiều khả năng lên thay thế ông Trọng là ông Đinh Thế Huynh, thường trực Ban bí thư, lại vắng bóng từ Hội nghị Trung ương 6 hồi tháng Năm năm 2017 và được cho là đang ở Nhật chữa bệnh, theo truyền thông trong nước. Người lên thay ông Huynh là ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Trung ương.

Trao đổi với VOA, Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, nói rằng vấn đề sức khỏe đã loại trừ ông Huynh ra khỏi cuộc đua.

“Nếu (như trước khi ông Huynh đổ bệnh) ông Nguyễn Phú Trọng không làm hết nhiệm kỳ và về nghỉ giữa nhiệm kỳ, ông Đinh Thế Huynh là người nhiều khả năng nhất sẽ lên làm Tổng bí thư,” ông Thayer nói.

Tuy nhiên, không còn người ‘kế vị’ ông Trọng “không tạo ra khủng hoảng gì bên trong Đảng”, ông Thayer nói thêm. “Nguyễn Phú Trọng đã củng cố được vị trí. Ông lại không có người kế vị chính thức. Giờ đây, ông ấy có toàn quyền quyết định liệu ông có về nghỉ và khi nào thì nghỉ. Vị thế của ông ấy đang rất mạnh.”

Giáo sư Thayer cũng nhắc lại một tiền lệ là Tổng bí thư Đỗ Mười trước đây cũng tiếp tục ở lại thêm một nhiệm kỳ tại Đại hội 8 hồi năm 1996 mặc dù khi đó ông Mười đã hơn 70 tuổi. Tuy nhiên, đến cuối năm 1997, ông Đỗ Mười đã phải nhường chức cho ông Lê Khả Phiêu sau khi Đảng chọn được người kế nhiệm.

“Tôi dám cá dựa trên những gì mà tôi biết là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ở lại cho đến hết nhiệm kỳ và khi đó ông sẽ có được sự đồng thuận để ủng hộ bất cứ ai ông chọn lên thay thế.”

Trong vấn đề lựa chọn Tổng bí thư kế tiếp, Giáo sư Thayer cho rằng trong cơ chế lãnh đạo tập thể ở Việt Nam thì ông Trọng không có quyền lực giống như ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Ông Trọng không thể tự một mình quyết định mà phải tham vấn các thành viên chủ chốt khác trong Bộ Chính trị.

Ông Thayer nói “không có tranh giành quyền lực” trong cuộc chạy đua cho chức vụ cao nhất ở Việt Nam vì đó là cách nền chính trị Việt Nam vận hành.

“Nếu anh có tham vọng và anh nhìn thấy những cơ hội và mọi người đều biết ông Trọng sẽ về hưu thì chẳng có gì sai khi anh cạnh tranh cho vị trí tối cao và xem có bao nhiêu người ủng hộ mình.”

Trường hợp ông Trần Quý Vượng, người lên tạm quyền thay cho ông Đinh Thế Huynh và được cho là cánh tay mặt của ông Trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng, Giáo sư Thayer cho rằng ít có khả năng ông Vượng là ứng viên cho chức Tổng bí thư trong nhiệm kỳ tới.

“Ông Vượng là người mới trong Bộ Chính trị nên không thể đi lên quá nhanh được. Anh phải đi qua quy trình hai giai đoạn: phải ở trong Bộ Chính trị ít nhất hết một nhiệm kỳ 5 năm thì mới được đề bạt vào những vị trí chủ chốt. Ông Vượng phải phục vụ hết thời gian còn lại trong Bộ Chính trị, khi đó ông sẽ có vị trí mạnh hơn ở kỳ Đại hội lần tới,” GS Thayer nói.

“Ông Trần Đại Quang (Chủ tịch nước) được cho là có tham vọng nhưng ông ấy cần xem mình có được bao nhiêu sự ủng hộ.”

“Hiện còn quá sớm để phỏng đoán ai là ứng viên sáng giá. Chúng ta cần xem xét các ứng viên tiềm năng trên cơ sở họ đã ở trong Bộ Chính trị được bao lâu, độ tuổi và nên nhớ là luôn có ngoại lệ (về độ tuổi) cho vị trí Tổng bí thư.”

Khi được hỏi liệu Đảng có bế tắc không khi số người hội đủ điều kiện để thay thế ông Trọng chỉ có một vài người, ông Thayer nói rằng đó sẽ là một điều khó khăn đối với Đảng khi ông Trọng về nghỉ.

Giáo sư Thayer ví von cuộc chạy đua vào các vị trí chủ chốt trong nền chính trị Việt Nam như trò chơi ‘ghế nhạc’ vì có ít người hội đủ điều kiện. Người ta để số ghế ít hơn số người có mặt với mục đích khi nhạc tắt thì hầu hết mọi người đều tìm được một cái ghế cho mình.

Khi được hỏi về cuộc chiến chống tham nhũng đang được tiến hành liệu có tác động như thế nào đến công tác nhân sự trong Đảng, Giáo sư Thayer nói những người bên phía “pháp luật và trật tự” như Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang (cựu Bộ trưởng Công an) sẽ “được lợi”.

Do hầu hết những vụ trọng án tham nhũng như các án ngân hàng, Vinashin, Vinalines đều diễn ra dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, ông Thayer cho rằng đối tượng trong cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng là những quan chức trong mạng lưới trước đây của ông Dũng.

“Ông Dũng và gia đình ông ta sẽ tương đối an toàn (không bị truy tố) nhưng những người thân tín của ông ta sẽ trở thành nạn nhân,” ông nói.

“Tôi không tin rằng điều này có nghĩa là họ sẽ nhổ tận gốc những ai thuộc phe phái ông Dũng mà đây là cuộc tấn công vào những vụ án tham nhũng. Trong Bộ Chính trị vẫn giữ lại những người đã đi lên dưới sự bảo trợ của ông Dũng,” ông nói thêm.

“Chúng ta phải đợi xem cuộc chiến chống tham nhũng sẽ đi theo hướng nào trong tương lai. Họ cần có quyết định chính trị rằng ai sẽ là đối tượng (để điều tra và truy tố) và ai không nên nhắm vào.”

https://www.voatiengviet.com/a/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-se-luu-lai-het-nhiem-ky/3979216.html