Tin khắp nơi – 10/08/2017
Bắc Hàn dọa tấn công đảo Guam ‘những ngày tới’
Bắc Hàn tuyên bố trước giữa tháng Tám sẵn sàng bắn bốn tên lửa vào gần đảo Guam, lãnh thổ của Hoa Kỳ, trong bối cảnh khẩu chiến với Washington gia tăng.
Thông tấn xã Bình Nhưỡng cho biết các tên lửa Hwasong-12 sẽ bay qua Nhật và đáp xuống biển cách đảo Guam khoảng 30km, một khi kế hoạch này được Kim Jong-un phê duyệt.
Họ lên án lời cảnh báo “trút lửa giận” của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nói ông này “mất trí”.
Bắc Hàn muốn Hoa Kỳ ‘phải trả giá’
Mỹ cảnh báo Bắc Hàn rằng các hành động của Bình Nhưỡng có thể dẫn đến “kết liễu chế độ”.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis cho hay, Bình Nhưỡng sẽ “thua cuộc” trong bất kỳ cuộc chiến chống Mỹ và các đồng minh.
Hôm 9/8, Bắc Hàn thông báo đang phác thảo kế hoạch tấn công tên lửa nhắm vào đảo Guam, nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự, máy bay ném bom chiến lược và có khoảng 163.000 binh lính đồn trú.
Tuyên bố sau đó do Bình Nhưỡng phát đi nói rằng quân đội sẽ “hoàn tất kế hoạch” trước giữa tháng 8/2017 và xin chỉ thị của lãnh đạo Kim Jong-un.
“Các tên lửa Hwasong-12 do Quân đội Nhân dân Triều Tiên bắn sẽ vượt qua bầu trời trên các tỉnh Shimane, Hiroshima và Koichi,” Thông tấn KCNA dẫn lời tướng Kim Rak Gyom.
“Các tên lửa sẽ bay 3.356.7km trong 1.065 giây và đáp xuống vùng biển cách Guam khoảng 30-40km”.
Tên lửa Hwasong là vũ khí tầm trung và tầm xa do Bắc Hàn tự chế tạo.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40841846
Mỹ trục xuất hai nhà ngoại giao Cuba
Washington trục xuất hai nhà ngoại giao Cuba sau khi nhân viên sứ quán Hoa Kỳ ở Havana mắc triệu chứng kỳ lạ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.
Hiện chưa rõ điều gì đã xảy ra, phát ngôn viên Heather Nauert nói rằng chưa có “câu trả lời rõ ràng về nguyên nhân”.
Reuters dẫn nguồn tin quan chức nói rằng một số nhân viên sứ quán Mỹ bị mất thính lực.
Bộ Ngoại giao Cuba cho biết đang điều tra những cáo buộc này.
Việt Nam ‘yêu cầu Mỹ xóa cấm vận chống Cuba’
Raul Castro lên án chính sách của Trump
Họ nói việc Mỹ trục xuất nhà ngoại giao Cuba là “không thỏa đáng” nhưng “sẵn sàng hợp tác” với Washington để làm rõ những gì đã xảy ra.
“Cuba chưa bao giờ và cũng không bao giờ, cho phép xảy ra trên lãnh thổ Cuba bất kỳ hành động nhắm vào các nhà ngoại giao và thân nhân của họ,” Bộ Ngoại giao Cuba cho biết.
Có suy đoán cho rằng tình trạng mất thính lực có thể là do một số thiết bị âm thanh được đặt bên ngoài nhà của các nhà ngoại giao Mỹ phát sóng âm gây điếc.
Bà Nauert cho biết nhân viên bắt đầu phàn nàn về những triệu chứng kỳ lạ vào cuối năm ngoái.
Dù các triệu chứng này không đe dọa đến tính mạng, bà tiết lộ rằng một số người được đưa về Mỹ.
Bà Nauert nói rằng chính phủ Mỹ “xem xét việc này rất nghiêm túc, và hiện đang mở cuộc điều tra”.
Washington và Havana tái lập quan hệ vào năm 2015, sau 50 năm thù địch.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40884558
Anh quốc: Nô lệ hiện đại và buôn người ‘nhan nhản’
Nạn nô lệ hiện đại và buôn người ở Anh hiện đang “phổ biến hơn chúng ta nghĩ trước đây rất nhiều,” Tổ chức Tội phạm Quốc gia (NCA) Anh quốc cho biết.
Các nạn nhân hầu hết đến từ Việt Nam, Albania, Nigeria, Romania và Ba Lan, nhưng cũng có một số nạn nhân từ Anh.
NCA cho biết hiện đang có hơn 300 chiến dịch của cảnh sát, với nhiều chiến dịch ảnh hưởng tới “từng thị trấn và thành phố ở nước Anh.”
Theo ước tính của cơ quan này, số nạn nhân lên tới hàng chục ngàn. Con số 10 đến 13 ngàn người được đưa ra trước đây chỉ là “bề mặt của tảng băng chìm”.
“Càng tìm kiếm, chúng tôi càng phát hiện ra nhiều [nạn nhân],” ông Will Kerr, giám đốc về tổn thương nạn nhân của NCA nói.
Ông Ker nói ông đã rất sốc về những gì ông chứng kiến trong những chiến dịch tăng cường để phá các băng đảng trong năm nay. Hầu hết các chiến dịch đều dẫn đến điều tra thêm.
Ông cảnh báo nạn buôn người để làm nô lệ hiện đại phổ biến đến nỗi người dân thường tiếp xúc với các nạn nhân hàng ngày mà không biết.
Người Việt và nạn ‘nô lệ hiện đại’ tại Anh
‘Ghi nhận lo lắng’
Cơ quan NCA nói tình trạng nô lệ hiện đại tăng mạnh là do những băng nhóm quốc tế ngày càng nhận ra số tiền lớn chúng có thể kiếm được từ việc chi phối người trong rất nhiều ngành kinh tế khác nhau, chứ không chỉ có buôn ma túy.
Tổ chức này nói các ngành nghề chính có sử dụng lao động hiện đại gồm chế biến thực phẩm, thủy sản, nông nghiệp, xây dựng, nhân viên chăm sóc y tế và rửa xe.
Ông Kerr nói: “Chúng tôi rất sốc về quy mô của những điều chúng tôi đã chứng kiến…
“Trong cuộc sống hàng ngày của bạn, ngày càng có khả năng cao là bạn sẽ bắt gặp một nạn nhân bị bóc lột. Vì thế chúng tôi yêu cầu dân chúng nghi nhận những lo lắng của họ và báo cho chúng tôi.”
NCA nói dấu hiệu của những người bị lạm dụng làm nô lệ hiện đại gồm tất cả những biểu hiện cho thấy họ bị khống chế hay cưỡng ép lao động, chẳng hạn như:
cách ăn mặc của họ
dấu hiệu chấn thương rõ rệt
dấu hiệu stress
cách họ đi làm ở một khu vực cụ thể.
Nô lệ hiện đại là gì?
Nô lệ hiện đại ở Anh, thường được cho là giấu giếm, đang làm việc trong các tiệm làm móng tay móng chân, công trường xây dựng, nhà chứa, trang trại trồng cần sa và trong ngành nông nghiệp.
Những kẻ buôn người dùng internet để dụ dỗ nạn nhân với những lời hứa hão về công việc, học hành hay thậm chí cả tình yêu.
Việt Nam, Albania, Nigeria, Romania và Ba Lan là những nước có nhiều nạn nhân nhất, nhưng cũng có một số nạn nhân từ Anh.
Bi hài nghề làm móng tay ở Anh
Đường về cho người Việt làm việc bất hợp pháp tại Anh?
Không có một nạn nhân điển hình. Họ có thể là đàn ông, phụ nữ hay trẻ em ở các độ tuổi nhưng phổ biến nhất là những người từ các nhóm người thiểu số và dễ bị tổn thương nhất.
Nhiều người cho rằng các nạn nhân chạy trốn nghèo đói, những cơ hội có hạn ở quê nhà, thiếu giáo dục hay những hoàn cảnh chính trị xã hội bất ổn hoặc chiến tranh. Nhưng những chủ nô lệ thường chỉ tìm kiếm lợi nhuận kinh tế.
Bóc lột tình dục là hình thức nô lệ hiện đại phổ biến nhất được phát hiện ở Anh, sau đó là bóc lột lao động, bị buộc có hành vi tội phạm và hưởng dụng khổ sai.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40891976
Nhật cung cấp phụ tùng máy bay cho Philippines
Hãng tin Reuters cho biết Nhật Bản sẽ cung cấp hàng ngàn phụ tùng máy bay trực thăng cho quân đội Philippines.
Một viên chức cao cấp của không quân Philippines nói với Reuters rằng Nhật sẽ cung cấp khoảng 40 ngàn phụ tùng trực thăng, và đó là sự thể hiện mối quan hệ chiến lược mạnh mẽ giữa hai quốc gia.
Giá cả của lô hàng không được tiết lộ, và nguồn tin của hãng Reuters cũng không muốn nêu danh tánh.
Việc cung cấp thiết bị quân sự từ Nhật Bản như vậy được các nhà quan sát gọi là một chính sách ngoại giao quốc phòng mới của Tokyo. Mục tiêu được nói nhằm tìm kiếm các đồng minh Đông Nam Á, để ngăn chận sự lớn mạnh và đe dọa của Trung Quốc trong khu vực.
Ngoài Philippines thì Malaysia, và Việt Nam cũng tìm kiếm mua các máy bay săn tàu ngầm P3-C của quân đội Nhật Bản, khi quân đội Nhật thay thế các máy bay này bằng các loại mới hơn.
Nỗ lực kết nối đồng minh của Nhật và Đông Nam Á cũng được thể hiện qua chuyến thăm Đông Nam Á của chiến hạm hiện đại Izumo của Nhật hồi tháng Sáu vừa qua. Đây là một chiến hạm mang trực thăng, và Nhật đã mời các sĩ quan hải quân của Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam thăm chiến hạm này trong một chuyến đi bốn ngày trên Biển Đông.
Tổng thống Nam Hàn không phản ứng ồn ào
về đe dọa của Bắc Hàn
Quân đội Nhân dân Bắc Triều Tiên hôm 9/8 công bố thêm chi tiết về kế hoạch bắn tên lửa gần Guam, lãnh thổ Mỹ ở Thái Bình Dương. Theo hãng tin nhà nước KCNA, Bắc Triều Tiên đang lên kế hoạch bắn 4 tên lửa tầm trung bay qua Nhật Bản và rơi xuống cách Guam khoảng 30-40 km. Đảo này ở Thái Bình Dương và cách bán đảo Triều Tiên 3.000 kilomet về hướng đông nam.
Các nhà lãnh đạo quân sự tại Seoul hôm 9/8 lên án những lời đe dọa gần đây của Bắc Triều Tiên là “những ngôn từ không có suy nghĩ” và nhấn mạnh Hàn Quốc sẵn sàng hành động để đáp trả một cuộc tấn công vào đồng minh Mỹ.
Ông Roh Jae-chun, phát ngôn viên của Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, nói: “Chúng tôi hoàn toàn trong tư thế sẵn sàng, ngay lập tức và chắc chắn có thể trừng phạt bất cứ hành động khiêu khích nào của Bắc Triều Tiên”.
Tuy nhiên, Tổng thống Moon không đưa ra bất cứ ý kiến công khai nào về vấn đề này và cũng không tham dự phiên họp Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) hôm 9/8. Một phát ngôn viên của tổng thống giải thích đó không phải là một phiên họp khẩn cấp, mà là một “cuộc họp thường kỳ hàng tuần” do Giám đốc NSC Chung Eui Yong chủ tọa.
Ông Moon cũng chờ tới 10 ngày mới nói chuyện với Tổng thống Trump sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lần thứ hai hôm 29/7, vì ông đang đi nghỉ hè trong thời gian đó.
Báo Korea Joongang Daily ở Seoul đăng một bài xã luận hôm 9/8, chỉ trích ông Moon về “thái độ xem nhẹ của ông đối với một trường hợp rõ ràng là khẩn cấp”.
Nhà phân tích an ninh Shin In-kyun thuộc Mạng lưới Quốc phòng Hàn Quốc nói mối đe doa gia tăng do Bắc Triều Tiên tăng cường quân sự đã làm cho ông Moon phải phụ thuộc nhiều hơn vào Hoa Kỳ để có an ninh, và như vậy giảm khả năng của ông trong việc mưu tìm một hướng đi độc lập.
Mỹ: ‘Thế giới hậu thuẫn nỗ lực kiềm chế Bắc Triều Tiên’
Hoa Kỳ nói nỗ lực của Mỹ tăng sức ép đối với Bắc Triều Tiên để giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân được sự hậu thuẫn của các quốc gia khác. Cuộc đấu khẩu giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump với lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un trong tuần này đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự có nguy cơ gây bất ổn cho bán đảo Triều Tiên. Thông tín viên Zlatica Hoke của VOA gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Tư đã lên tiếng bênh vực lời hứa của Tổng thống Trump rằng Hoa Kỳ sẽ đáp ứng với ‘hỏa thịnh nộ’ trước tuyên bố của Bắc Triều Tiên, đe dọa tấn công đảo Guam thuộc lãnh thổ nước Mỹ. Guam là trụ sở của hai căn cứ quân sự chiến lược của Hoa Kỳ.
Bà Heather Nauert, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát biểu:
“Hãy xét lại xem điều gì là đáng lo ngại. Điều đáng lo ngại là hai cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân (ICBM), xảy ra trong chưa đầy một tháng, và hai cuộc thử nghiệm hạt nhân đã diễn ra trong năm ngoái. Thực tế là, khi xảy ra trận động đất ở Trung Quốc, tôi nhận được rất nhiều e-mail và điện thoại của các bạn hỏi: ‘Có phải đây là một vụ thử nghiệm hạt nhân khác nữa không?. Thành thử đây điều đang xảy ra là một vấn đề lớn mà nhiều người quan tâm.”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói các vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên là một mối đe dọa đối với cộng đồng quốc tế, không chỉ riêng cho Hoa Kỳ.
Hôm thứ tư, chính phủ Pháp ca ngợi phản ứng mạnh mẽ của ông Trump trước lời đe dọa của Bắc Triều Tiên nhắm vào lãnh thổ Hoa Kỳ, nhưng cùng lúc, hối thúc nên tìm một giải pháp hòa bình cho vấn đề.
Ông Christophe Castaner, người phát ngôn của chính phủ Pháp nói:
“Pháp sẵn sàng cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết để có thể đi đến một giải pháp hòa bình bởi vì nguy cơ là có thật, và quyết tâm của Tổng thống Mỹ như đã được nêu lên đêm hôm qua cũng giống như quyết tâm của bất kỳ tổng thống Mỹ nào khác, lý do là bởi vì họ không thể nào chấp nhận một phần lãnh thổ của nước họ có thể trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo.”
Nhật Bản cho biết nước này đã tiến hành các cuộc tập trận chung có sự tham dự của máy bay phản lực và máy bay ném bom siêu âm của Mỹ trên không phận Nhật Bản, ở gần bán đảo Triều Tiên hôm thứ Ba.
Những lời qua tiếng lại giữa ông Trump và lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã quan ngại cho người dân Hàn Quốc.
Một người đàn ông nói:
“Là một người đang sắp sửa nhập ngũ, một người sẽ thực sự phải phục vụ trong quân đội và tham gia trực tiếp vào vấn đề đang tiếp diễn, vâng, cuộc đấu khẩu ấy thật đáng sợ!”
Người bạn gái của anh nói:
“Bạn trai tôi gia nhập quân đội để bảo vệ đất nước này trong vai trò một người lính. Cho nên tôi cảm thấy lo lắng hơn bởi vì nó liên quan tới một người thân thiết của tôi. Và trong tư cách một công dân theo dõi những tin tức đó, càng khiến tôi lo âu hơn.”
Nga hối thúc một giải pháp ngoại giao để hạ nhiệt căng thẳng. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson, đang trên đường tới đảo Guam, nói rằng lãnh tụ Bắc Triều Tiên dường như không hiểu ngôn từ ngoại giao.
https://www.voatiengviet.com/a/my-the-gioi-hau-thuan-no-luc-kiem-che-bac-trieu-tien/3980243.html
Mỹ tăng cường chế tài Venezuela
Chính quyền Mỹ ngày 9/8 áp đặt chế tài thêm 8 giới chức Venezuela, kể cả người anh em của lãnh tụ quá cố theo chủ nghĩa xã hội Hugo Chavez, để trừng phạt họ vì đã giúp Tổng thống Nicolas Maduro tạo ra cơ quan lập pháp mới, theo nguồn tin từ các giới chức Mỹ.
Mỹ nhắm trừng phạt một số chính trị gia và các nhân vật an ninh nhưng chưa đặt chế tài tài chính rộng hơn hoặc trừng phạt ngành dầu mỏ của Venezuela dù các biện pháp này đang được cân nhắc, các giới chức cho Reuters biết.
Chế tài mới do Bộ Tài chính loan báo sẽ đóng băng tài sản của 8 giới chức này tại Mỹ, cấm họ nhập cảnh Hoa Kỳ và không cho dân Mỹ giao dịch thương mại với họ.
Tuần trước, Washington ban hành chế tài chính Tổng thống Maduro sau khi trừng phạt 13 nhân vật cao cấp khác hôm 26/7.
Đây là những biện pháp đáp ứng của Mỹ trước chiến dịch trấn áp của ông Maduro đối với những người bất đồng chính kiến và việc nhà lãnh đạo này thành lập Quốc hội lập hiến, cơ quan toàn quyền do những người trung thành với Đảng Xã hội của ông kiểm soát khiến quốc tế lên án.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, nói ông Maduro lập Quốc hội lập hiến để củng cố quyền cai trị độc tài và rằng “việc chế độ này coi thường ý chí của người dân Venezuela là không thể chấp nhận, Mỹ sẽ đứng về phía người dân Venezuela chống lại độc tài.”
Trong số 8 người bị chế tài hôm nay có nhà vật lý Adan Chavez, 64 tuổi, và anh của cố Tổng thống Hugo Chavez.
Tất cả 8 người này đều bị tố cáo là gây phương hại các định chế dân chủ.
Hơn 125 người thiệt mạng kể từ khi bùng nổ bất ổn từ các làn sóng biểu tình chống chính phủ do ông Maduro lãnh đạo từ tháng tư tới nay.
https://www.voatiengviet.com/a/my-tang-cuong-che-tai-venezuela-/3979289.html
Khẩu chiến Mỹ-Triều: Trung Quốc kêu gọi bình tĩnh
Trung Quốc ngày 9/8 kêu gọi Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên bình tĩnh.
Lời kêu gọi của Bắc Kinh được đưa ra sau khi Bắc Triều Tiên tuyên bố đang cân nhắc kế hoạch tấn công phi đạn lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cảnh cáo Bình Nhưỡng rằng đe dọa Mỹ sẽ lãnh hậu quả mà ông gọi là ‘hỏa thịnh nộ.’
Trung Quốc thúc giục các bên tránh lời lẽ hay hành động có thể làm tình hình thêm căng thẳng và gây khó khăn hơn cho các nỗ lực giải quyết vấn đề thông qua đàm phán, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh trong tuyên bố gửi tới hãng tin Reuters.
Căng thẳng Mỹ-Triều dâng cao sau khi Bình Nhưỡng tiến hành 2 vụ thử bom hạt nhân và hai vụ phóng thử phi đạn đạn đạo liên lục địa hồi tháng 7.
Tổng thống Mỹ thề quyết sẽ không cho phép Bắc Triều Tiên phát triển khả năng võ khí hạt nhân có thể đánh trúng Hoa Kỳ.
Sau khi Bình Nhưỡng dọa sẽ ‘dạy cho Mỹ một bài học nghiêm khắc’, ông Trump hôm 8/8 cảnh cáo sẽ đáp trả bằng ‘hỏa thịnh nộ.’
https://www.voatiengviet.com/a/diem-nong-trieu-tien-trung-quoc-keu-goi-binh-tinh-/3979288.html
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh cáo Bắc Triều Tiên
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis ngày 9/8 cảnh cáo nghiêm khắc Bắc Triều Tiên rằng nên chấm dứt mọi hành động đưa tới ‘sự kết liễu chế độ và hủy diệt dân tộc.’
Đây là một trong số những phát biểu mạnh mẽ nhất của Bộ trưởng Mattis đối với Bình Nhưỡng. Tuyên bố được đưa ra sau cảnh cáo hôm 8/8 của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng những lời lẽ đe dọa của Bình Nhưỡng đối với Washington sẽ bị đáp trả bằng hỏa thịnh nộ.
Đáp khuyến cáo của ông, Bắc Triều Tiên loan báo đang xem xét kế hoạch tấn công phi đạn vào lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ quả quyết Hoa Kỳ và đồng minh sẽ thắng trong bất kỳ cuộc xung đột hay chạy đua võ trang nào với Bắc Triều Tiên.
“Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên phải lựa chọn ngưng tự cô lập mình và thôi theo đuổi võ khí hạt nhân,” ông Mattis nói.
“Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên nên ngưng tính tới bất kỳ hành động nào có thể dẫn tới kết liễu chế độ và hủy diệt nhân dân,” lãnh đạo quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.
Mỹ và Hàn Quốc về mặt kỹ thuật vẫn còn trong tình trạng chiến tranh với Bắc Triều Tiên sau khi chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một thỏa thuận hưu chiến chứ không phải là một hiệp ước hòa bình.
Căng thẳng Mỹ-Triều dâng cao sau khi Bình Nhưỡng tiến hành 2 vụ thử bom hạt nhân và hai vụ phóng thử phi đạn đạn đạo liên lục địa hồi tháng 7.
Tổng thống Mỹ thề quyết sẽ không cho phép Bắc Triều Tiên phát triển khả năng võ khí hạt nhân có thể đánh trúng Hoa Kỳ.
Sau khi Bình Nhưỡng dọa sẽ ‘dạy cho Mỹ một bài học nghiêm khắc’, ông Trump hôm 8/8 cảnh cáo sẽ đáp trả bằng ‘hỏa thịnh nộ.’
Loan báo trên Twitter, nhà lãnh đạo Mỹ nói “Mệnh lệnh đầu tiên của tôi trong cương vị Tổng thống là cải tiến và hiện đại hóa kho võ khí hạt nhân của chúng ta và giờ đây kho võ khí của chúng ta đã hùng hậu hơn bao giờ hết.”
“Hy vọng chúng ta không phải dùng tới sức mạnh này, nhưng sẽ chẳng bao giờ nước Mỹ không là cường quốc hùng mạnh nhất trên thế giới.”
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói ông không tin có mối nguy sắp xảy tới từ Bắc Triều Tiên và rằng ‘Dân Mỹ nên yên tâm.’
Bằng lời cảnh cáo ‘hỏa thịnh nộ’, Tổng thống Trump gửi thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Triều Tiên rằng lãnh tụ Kim Jong Un nên hiểu vấn đề vì ông ta dường như không hiểu ngôn ngữ ngoại giao, Ngoại trưởng Tillerson tuyên bố.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-quoc-phong-my-canh-cao-bac-trieu-tien-/3979204.html
Làn sóng tị nạn ồ ạt, Canada dựng trại tạm trú ở biên giới
Canada điều động binh sĩ tới dựng lều trại gần biên giới Mỹ để tạm thời làm nơi cư trú cho hàng trăm người tị nạn tới đây qua ngả tiểu bang New York (Mỹ).
Các giới chức Canada ngày 9/8 cho biết làn sóng người tị nạn này đa phần là người Haiti lo sợ bị chính quyền Trump trục xuất.
Mỗi ngày, có khoảng 250 người tìm đường tị nạn tới Montreal, thành phố lớn nhất của tỉnh Quebec, Canada.
Trong số các địa điểm được Quebec mở cửa làm nơi tạm trú cho những người này có Sân vận động Olympic, một bệnh viện cũ và một trường học.
Những lều trại có máy sưởi này có thể chứa tới 500 người trong khi giới chức cửa khẩu Canada tiến hành duyệt xét những người tị nạn chủ yếu là dân Haiti từ Mỹ băng sang Canada.
Gần 100 binh sĩ sẽ tới khu vực Saint-Bernard-de-Lacolle để dựng lều trại bổ sung với những cơ sở hiện có tại đây.
Hàng trăm người Haiti đã vượt biên giới vào Quebec trong những tuần qua, một phần vì tin đồn rằng người tị nạn sẽ được cấp quy chế thường trú nhân ngay sau khi vào lãnh thổ Canada.
Bộ Di trú Canada khuyến cáo mọi người chớ vào Canada bất hợp pháp và lưu ý rằng những thông tin nói Canada mời gọi xin quy chế tị nạn tại Canada là sai sự thật.
Tại sao có thể xảy ra chiến tranh với Bắc Triều Tiên?
Tạp chí Anh The Economist (ngày 05/08/2017) đăng trên trang bìa hình ảnh biếm họa “cây nấm” hạt nhân nổ tung trên trời, từ đó lộ ra một bên là khuôn mặt của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, còn bên kia là tổng thống Mỹ Donald Trump đang gườm gườm quan sát nhau. Phía dưới là ba từ nhỏ : “It could happen” (Điều này có thể xảy ra).
Theo Pierre Haski, tác giả bài viết “Tại sao có thể xảy ra chiến tranh với Bắc Triều Tiên?” trên trang l’Obs (07/08/2017), hình ảnh biếm họa đó tóm tắt tuyệt vời tính chất phức tạp của hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Theo ông, trong mọi rủi ro trên trái đất, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến xung quanh và vì vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên đang ở mức cao nhất, dù trước đó, ông luôn đồng tình với ý kiến, mỗi lần Bình Nhưỡng thử hạt nhân hay bắn tên lửa, thì một cuộc xung đột vẫn là điều không thể, ngay cả khi nhiều người đưa ra giả thuyết Thế Chiến thứ ba.
Nếu xảy ra chiến tranh, “tất cả đều thua cuộc”
Thời thế đã thay đổi, trước hết là Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ. Tân chủ nhân Nhà Trắng là người vừa “dốt đặc” về địa chính trị, vừa bốc đồng và khó lường. Tiếp theo là thế lực đang lên như diều gặp gió của Tập Cận Bình, lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất trong vòng 30 năm gần đây. Trở thành nhân vật số một của đảng Cộng Sản từ năm 2012, ông đang chuẩn bị tiếp tục thêm một nhiệm kỳ 5 năm vào kỳ đại hội diễn ra vào tháng 09/2017.
Tạp chí The Economist cũng dựng nên một kịch bản chiến tranh dựa trên sự giao thoa giữa hành động khiêu khích của Kim Jong Un và thái độ hống hách bốc đồng của Donald Trump. Thế nhưng, theo Pierre Haski, kịch bản của The Economist kết thúc chẳng tốt đẹp gì, vì một cuộc tấn công mang tính trừng phạt của Mỹ nhắm vào những khu vực quân sự của Bắc Triều Tiên sẽ khiến Bình Nhưỡng trả đũa bằng hạt nhân vào Hàn Quốc. Nếu Mỹ cũng đáp trả Bắc Triều Tiên bằng hạt nhân, thì không chỉ Kim Jong Un chết, mà hàng trăm nghìn người dân miền Bắc cũng thiệt mạng. Và như tạp chí Anh nhấn mạnh, “tất cả các bên đều thua cuộc!”
Thảm kịch này sẽ là hậu quả của việc lần đầu tiên nguyên tử được sử dụng vì mục đích quân sự kể từ năm 1945 sau hai thảm họa Hiroshima và Nagasaki và sự buông lỏng loại vũ khí răn đe từ thời điểm đó. Thảm kịch này có vẻ thái quá, nhưng không phải hoàn toàn phi thực tế. Trước hết, vì Bắc Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ thật sự, không chỉ về quá trình làm chủ vũ khí nguyên tử, mà còn về công nghệ vũ khí đạn đạo. Tiếp theo, là vì, trong hồ sơ này, chỉ có những giải pháp xấu, nên có nguy cơ lựa chọn giải pháp xấu nhất.
“Người bạn mới” Tập Cận Bình phớt lờ yêu cầu của Trump
Hoa Kỳ có thể cảm thấy bị đe dọa bởi một quốc gia suốt ngày rao giảng lòng căm thù đối với Mỹ. Hơn nữa, Bắc Triều Tiên đang gần đến lúc làm chủ khả năng gắn đầu đạn hạt nhân lên một tên lửa có thể tấn công tới bờ Tây của Hoa Kỳ. Bình Nhưỡng đã có thể, hoặc sắp có thể, tấn công được những mục tiêu gần như Hàn Quốc, Nhật Bản và các căn cứ quân sự của Mỹ trong vùng, thậm chí xa hơn là lãnh thổ Hawaï của Mỹ.
Đầu năm 2017, sau vụ thử tên lửa đầu tiên của Bắc Triều Tiên trong nhiệm kỳ của tân chủ nhân Nhà Trắng, Donald Trump viết trên Twitter : “Điều này sẽ không xảy ra nữa”. Lời khẳng định mà đến bây giờ vẫn khó biến thành hành động, thêm vào đó là những từ ngữ hung hăng trên một dòng tweet càng khiêu khích Kim Jong Un muốn tiếp tục vì chắc rằng thu hút được sự chú ý của người được cho là quyền lực nhất thế giới.
Lúc đầu, Donald Trump cho rằng đã tìm được một giải pháp đơn giản với Trung Quốc về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên vì tưởng đã thuyết phục được “người bạn mới” Tập Cận Bình vào tháng 04/2017 tại Mar-a-Lago, bang Florida, giữa miếng pho-mát và trái lê, và nhất là thông báo bắn 59 tên lửa Tomahawk vào Syria trong lúc ăn tráng miệng với đồng nhiệm Trung Quốc.
Sau vài tin tweet có vẻ khích lệ, Donald Trump lại viết tweet thể hiện thái độ bực mình khi thấy Trung Quốc từ chối sử dụng thực sự ảnh hưởng để thuyết phục Bình Nhưỡng, dù Bắc Kinh và Washington cùng thông qua những biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Bắc Triều Tiên trong chiến lược châu Á của Trung Quốc
Điều mà Donald Trump thấy khó hiểu, đó là Trung Quốc đặt Bắc Triều Tiên vào chiến lược chung về châu Á, mà không phải là một vấn đề tách biệt. Điều này giải thích tại sao, dù có lợi thế là điểm trung chuyển chất đốt và tiếp viện cho Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh vẫn từ chối khóa tay một nước mà từ lâu không còn được coi là một “đồng minh” nữa, cho dù giữa hai nước vẫn tồn tại thỏa thuận hữu nghị, hợp tác và tương trợ, được ký vào năm 1961, dưới thời Mao Trạch Đông. Cần nhắc lại là Mao đã mất một người con trai trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), trong đó có khoảng một triệu lính “tình nguyện” Trung Quốc tham chiến.
Hiện tại, Trung Quốc cảm thấy đủ mạnh để đòi lại vai trò cường quốc thống trị ở châu Á, vai trò bị Mỹ chiếm từ năm 1945. Với Trung Quốc, đây chỉ là vấn đề lập lại trật tự của mọi việc, chấm dứt một thế kỷ rưỡi từ khi tiếp xúc với phương Tây mà kết quả là đã đánh bật sự thống trị của Trung Quốc tại châu Á.
Trong nhãn quan của Trung Quốc, phải tránh để Hoa Kỳ tận dụng sự kiện chế độ Bình Nhưỡng có thể sụp đổ, tiếp theo là hai miền Triều Tiên thống nhất dưới sự chỉ đạo của Hàn Quốc, mạnh hơn về kinh tế, để giúp Washington mở rộng ảnh hưởng trên toàn bán đảo. Đây chính là cơn ác mộng đối với Bắc Kinh và buộc Bắc Kinh phải triển khai lực lượng quân sự hùng mạnh tại phía nam tới biên giới.
Hành động đơn phương hay ngoại giao
Ở thành phố Đan Đông (Dandong) của Trung Quốc, cách thành phố Sinuiju của Bắc Triều Tiên bằng con sông Áp Lục (Yalu), điểm trung chuyển chính giữa hai nước, người Trung Quốc vẫn giữ kỷ niệm sâu cay về bộ khung cây cầu thép bị bom Mỹ phá hủy trong cuộc chiến Triều Tiên. Một cây cầu hiện đại được xây bên cạnh nhưng cây cầu cũ trở thành một di vật mang ý nghĩa chính trị rõ ràng.
Nhà báo Pierre Haski, dẫn lời một chuyên gia hiểu rõ tâm trạng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, cho rằng trong trường hợp Mỹ tấn công chế độ Bình Nhưỡng, Bắc Kinh sẽ cho triển khai quân trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, có thể đến tận vĩ tuyến 28 chia cắt hai miền Nam-Bắc sau thỏa thuận đình chiến năm 1953, để tránh chế độ của Kim Jong Un sụp đổ, dẫu rằng vẫn có cái nhìn coi thường đối với tầng lớp lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Vậy Donald Trump có thể làm được gì? Nguyên thủ Mỹ có thể phớt lờ tất cả các yếu tố này và vẫn cho rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận “việc đã rồi” về chủ thuyết đơn phương hành động của Mỹ như đã từng làm trong quá khứ… Tính toán này có nhiều rủi ro. Khả năng này bị các tướng lĩnh và ngoại trưởng Rex Tillerson phản đối rõ ràng, nhưng lại có vẻ “cám dỗ” tổng thống Mỹ, đang thất bại trên nhiều “mặt trận” khác, để đạt được một thành công mà ông cho là “dễ dàng” ở miền đất chẳng khiến ông quan tâm.
Hoặc cũng có thể ông đi theo con đường ngoại giao đã từng thử nghiệm trong quá khứ, dù cũng thất bại, song vẫn là cách tốt nhất để giải quyết một vấn đề kiểu này. Như trong hồ sơ nguyên tử với Iran, các nhà đàm phán của nhóm 5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc : Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) cũng phải mất nhiều năm để đạt được thỏa thuận với Teheran, dù đúng là Donald Trump đang muốn phá thành quả của người tiền nhiệm Obama.
Khác với Iran, Bắc Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân và một thỏa thuận chắc chỉ để xác nhận điều này, đưa vấn đề vào khuôn khổ và vô hiệu hoá vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng chừng nào còn có thể.
Kỷ nguyên “hậu Mỹ”
Từ Bill Clinton, mỗi đời tổng thống Mỹ đều tìm cách đàm phán với chính quyền Bắc Triều Tiên. Cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright thậm chí được chào mừng tại một sân vận động ở Bình Nhưỡng vào lúc đàm phán được cho là tiến triển. Nhưng Bắc Triều Tiên chưa bao giờ tôn trọng các cam kết ngừng phát triển vũ khí nguyên tử, vì nghi ngờ phía Mỹ không từ bỏ ý định “thay đổi chế độ” nhằm lật đổ dòng họ Kim ở Bình Nhưỡng.
Có rất nhiều khúc mắc cần được giải quyết, trong đó một số mang tính chính trị và pháp luật, như chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh từ năm 1953, vì giữa hai miền không có một hiệp định hòa bình nào mà chỉ là một thỏa thuận hưu chiến. Một số vấn đề khác mang tính địa chính trị như vị trí tương ứng của Mỹ và Trung Quốc tại châu Á. Cuối cùng, những lo lắng khác mang tính tâm lý, như việc hiểu rõ được các ý định xấu của nhau.
Vấn đề ở chỗ, như một nhà phân tích Úc từng nhấn mạnh, là “Trump không có chính sách về châu Á và chắc hẳn sẽ không có”. Và đây chính là một trở ngại lớn. Nhà phân tích Michael Wesley, thuộc đại học quốc gia Úc, nhấn mạnh rằng “Trump quan sát châu Á khác với các tổng thống Mỹ từ thời Theodore Roosevelt. Các nhà tiền nhiệm xem châu Á là điểm cốt yếu cho sự thịnh vượng của Hoa Kỳ, Trump thì lại nghĩ rằng châu Á phát triển nhờ khai thác tính hào phóng của Mỹ”. Vẫn theo ông Wesley, cách nhìn này, hay đúng hơn là thiếu tầm nhìn, đưa châu Á vào kỷ nguyên “hậu Hoa Kỳ”, và đẩy các nước châu Á tỏ ra dễ dãi hơn trước sức mạnh Trung Hoa đang trỗi dậy.
Ngoài tính khí kỳ quặc của Kim Jong Un và mối nguy hiểm thực sự của nguyên tử Bắc Triều Tiên, điều cốt yếu là những gì đang diễn ra đằng sau cuộc đọ sức với Donald Trump. Đó là điều biến cuộc xung đột tiềm tàng này trở thành nguy hiểm nhất trên thế giới hiện nay, và biến lời tiên tri trên trang bìa tạp chí The Economist trở nên đáng tin, đồng thời vẫn hy vọng lời tiên tri sẽ không thành hiện thực.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170810-tai-sao-co-the-xay-ra-chien-tranh-voi-bac-trieu-tien
Pháp: Bắt giữ kẻ tình nghi tấn công quân nhân
Sau màn dượt đuổi trên đường cao tốc A16 ở phía bắc Paris, vào chiều 09/08/2017, lực lượng cảnh sát đã bắt được nghi phạm tấn công quân nhân Pháp. Nghi phạm là một người đàn ông 36 tuổi người Algeri, cư trú tại tỉnh Yvelines, nằm ở ngoại ô phía tây Paris. Người này không có tiền án tiền sự.
Vào khoảng 8 giờ sáng 09/08, một chiếc xe BMW đã tông vào một toán quân Pháp đang đi tuần tại khu vực ngoại ô Levallois-Perret phía tây bắc Paris, khiến 6 quân nhân bị thương.
Vào chiều cùng ngày, khoảng 300 cảnh sát đã rượt đuổi kẻ tình nghi trên đường cao tốc A16 phía bắc Paris. Theo nguồn tin có mặt trong cuộc truy đuổi, cảnh sát đã phải nổ súng. Kẻ tình nghi bị thương và được chuyển đến bệnh viện.
Sáu quân nhân bị tấn công thuộc lực lượng 7.000 lính chống khủng bố Pháp được huy động sau vụ khủng bố năm 2015.
Trên trang Twitter, tổng thống Pháp Emmanuel Macron chúc mừng lực lượng bắt nghi phạm thành công. Ông ghi thêm : “Sự cảnh giác luôn là trách nghiệm”.
Chỉ bốn ngày trước đó, lực lượng cảnh sát đã bắt giữ một người đàn ông tay cầm dao dọa chém tại tháp Eiffel. Miệng người này hô to “Allah vĩ đại”. Người này đã thừa nhận với điều tra viên ý đồ giết binh lính Pháp của mình.
Theo lời bộ trưởng Nội Vụ Gerard Collomb, từ năm 2015, đã có 6 trường hợp thành phần khủng bố tấn công lực lượng cảnh sát tại Pháp. Một số chuyên gia cho rằng cảnh sát nên hạn chế tuần tra trên đường phố, vì như vậy họ sẽ là “mục tiêu dễ dàng”. Nhưng chính phủ Pháp có lẽ sẽ không theo hướng này, do lo ngại một vụ khủng bố khác xảy ra.
http://vi.rfi.fr/phap/20170810-phap-ke-tinh-nghi-tan-cong-quan-nhan-bi-bat
Trứng nhiễm độc : Bỉ quy trách nhiệm cho Hà Lan
Bị phe đối lập trong nước chỉ trích, ngày 09/08/2017, chính phủ Bỉ đả kích Hà Lan đã chia sẻ thông tin chậm trễ về vụ trứng nhiễm độc. Nghị Viện Bruxelles đã triệu tập một phiên họp bất thường ngay giữa kỳ nghỉ hè, yêu cầu các bộ trưởng Nông Nghiệp và Y tế phải có những giải trình về vụ việc.
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Laxmi Lota gởi về bài tường trình:
« Bộ trưởng Nông Nghiệp Bỉ, Denis Ducarne, khẳng định : “Khi một đất nước như Hà Lan, một trong những quốc gia xuất khẩu trứng lớn nhất trên thế giới, không chuyển giao kiểu thông tin như vậy, điều này thật sự có vấn đề”. Bộ trưởng đã tuyên bố như trên trước các dân biểu, những người yêu cầu ông phải đến giải thích dù đang giữa kỳ nghỉ hè.
Cơ quan an toàn thực phẩm Bỉ cho biết « tình cờ » đã có trong tay một tài liệu nội bộ của đồng nhiệm Hà Lan. Ông Denis Ducarne giải thích tiếp : “Một báo cáo của cơ quan an thực phẩm Hà Lan, được chuyển cho bộ Nông Nghiệp Hà Lan, ngay từ cuối tháng 11/2016 đã ghi nhận sự hiện diện của chất fipronil trong trứng xuất khẩu của nước này”.
Bộ trưởng Bỉ đã có cuộc trao đổi điện đàm với đồng nhiệm Đức và Ủy Ban Châu Âu về vụ việc. Sắp tới, một cuộc trao đổi qua điện thoại sẽ diễn ra với Hà Lan để có những giải đáp. Các dân biểu phe đối lập đã chỉ trích rằng : “Người ta đang dòm ngó chúng ta ở nước ngoài. Báo chí nói đến việc quản lý một bầy gà nhốn nháo”. Nhưng kể từ giờ chính phủ dồn mọi sự chú ý về phía Hà Lan ».
Pháp : Trứng nhiễm độc trong các sản phẩm chế biến
Trong khi đó, tại Pháp cuộc điều tra vẫn tiếp diễn. Các nhà sản xuất trứng khẳng định Pháp đủ sức tự cung tự cấp cho thị trường trong nước. Nhưng trứng nhiễm độc nhập khẩu được tìm thấy trong các sản phẩm chế biến. Năm doanh nghiệp Pháp đã nhập khẩu các lô trứng nhiễm độc, nằm chủ yếu ở các vùng Maine-et-Loire, Vienne, Pas-de-Calais, Nord và Morbihan.
Hiện bộ Nông Nghiệp Pháp đang tiến hành điều tra xuất xứ để xem những sản phẩm nhiễm độc đó đã bị các doanh nghiệp trên cho xuất xưởng hay chưa.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170810-trung-nhiem-doc-bi-quy-trach-nhiem-cho-ha-lan
Trung Quốc rao bán pháo phản lực cho Malaysia
Trung Quốc đề nghị bán chịu cho Malaysia một số giàn phóng pháo phản lực tiên tiến và một hệ thống radar để triển khai ở khu vực miền nam Malaysia. Hãng tin Anh Reuters, ngày 10/08/2017, trích dẫn báo chí khu vực cho biết như trên, đồng thời cho rằng sự kiện này có thể khiến láng giềng của Malaysia là Singapore lo ngại.
Theo cổng thông tin The Malaysian Insight, đề nghị bán vũ khí được cho là do một phái đoàn Trung Quốc công du Malaysia đưa ra hôm 09/08. Phái đoàn này đến Kuala Lumpur để khởi động một dự án đường sắt tại Malaysia trị giá 13 tỷ đô la do Trung Quốc xây dựng.
Một nguồn thạo tin đã cho The Malaysian Insight biết là có đến 12 hệ thống pháo phản lực AR3 được rao bán, với một chương trình cho vay rất dài hạn, trả trong vòng 50 năm. Giá bán cũng như trị giá khoản cho vay không được tiết lộ.
Pháo phản lực AR3 do Trung Quốc sản xuất chuyên để xuất khẩu. Loại pháo này lần đầu tiên được sử dụng vào năm 2011, và được xem là một trong những hệ thống pháo phản lực hạng nặng (MLRS) mạnh nhất hiện nay.
Theo hãng Reuters, nhật báo The Straits Times của Singapore cũng đưa tin về đề nghị chào hàng của Trung Quốc, với một nguồn tin cao cấp trong chính quyền Malaysia tiết lộ rằng vụ mua bán đã được đề cập « sơ qua » trong cuộc nói chuyện giữa thủ tướng Malaysia Najib Razak với Ủy Viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc Vương Dũng (Wang Yong) nhân lễ động thổ dự án đường sắt.
Theo tờ báo Singapore, phía Malaysia sẽ đưa ra quyết định tối hậu về đề nghị bán vũ khí trong chuyến công du được dự trù của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Malaysia vào cuối năm 2017.
Cả hai chính quyền Bắc Kinh và Kuala Lumpur đều im lặng hoặc phủ nhận thông tin trên. Trả lời câu hỏi của Reuters, bộ trưởng Tài Chính Malaysia tỏ vẻ ngạc nhiên : « Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy chuyện này ». Phía Quân Đội Malaysia cũng phủ nhận hoàn toàn vụ việc.
Về phần Trung Quốc, bộ Ngoại Giao chuyển đề nghị bình luận qua bộ Quốc Phòng, và bộ này cho biết là về nguyên tắc không đề cập đến vấn đề mua bán vũ khí.
Bắc Kinh đang ngày càng khuyến khích các nước trong vùng Đông Nam Á mua vũ khí của Trung Quốc. Malaysia đã ký thỏa thuận mua bốn tàu tuần tra duyên hải của Trung Quốc vào năm ngoái.
Ngoài Malaysia, Trung Quốc cũng đã cung cấp vũ khí cho Philippines, bán xe tăng, và có thể là cả tàu ngầm, cho Thái Lan. Indonesia cũng là một thị trường của vũ khí Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170810-trung-quoc-rao-ban-phao-phan-luc-va-he-thong-radar-cho-malaysia
Châu Á đang giành vị trí trung tâm thế giới của châu Âu ?
Trong « Hiểm họa da vàng », phần l của loạt bài « Châu Á đang giành vị trí trung tâm thế giới của châu Âu ? », RFI giới thiệu phân tích của ba nhà sử học Pháp Philip Golub, Pierre Glossier và Hugues Tertrais vì sao Viễn Đông « mờ nhạt »trong lịch sử thế giới từ thế kỷ 19 đến gần cuối thế kỷ 20 thì bật dậy. Hoa Kỳ và Nhật Bản, hai động cơ chính, không ngờ bị Trung Quốc bắt kịp và chen vào giữa làm cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới.
Phần ll : Từ Thiên An Môn đến bức tường Berlin
Đứng đầu ở châu Á, Trung Quốc đã học hỏi kinh nghiệm gì từ những kẻ thù như Nhật Bản để hội nhập vào thế giới tư bản? Và khi phong trào dân chủ bùng dậy ở Trung Quốc và Đông Âu, vì sao Bắc Kinh đàn áp đẫm máu thay vì theo giải pháp cởi mở dung hòa của lãnh đạo Cộng sản Liên Xô trong giai đoạn « dầu sôi lửa bỏng »?
Trong phần ll « Từ Thiên An Môn đến bức tường Berlin », ba sử gia Pháp sẽ trả lời các câu hỏi này.
Vào năm 1968, chỉ 23 năm sau khi bại trận và lãnh hai quả bom nguyên tử ngày 06/08/1945 ở Hiroshima và ngày 09/08/1945ở Nagasaki, Nhật Bản vươn lên hàng cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ.
Vào thời điểm đó, Trung Quốc của Mao Trạch Đông chưa khắc phục được sai lầm của chính sách « Đại nhảy vọt » làm cho 45 triệu người tử vong, thì lao vào cuộc « Cách mạng Văn hóa »cũng do họ Mao phát động. Hàng hàng lớp lớp trí thức, văn nhân, nghệ sĩ, cán bộ bị sỉ nhục, người bị cải tạo lao động, kẻ bị tử hình.
Đó là toàn cảnh của hai quốc gia mạnh nhất châu Á thời bấy giờ trong thời chiến tranh lạnh tại châu Âu. Trong khi đó, tuy sa lầy tại Đông Dương, Hoa Kỳ viện trợ và mở cửa thị trường cho các nước và vùng lãnh thổ châu Á khác được trở thành tiểu long như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông.
Theo sử gia Philip Golub, từ năm 1968, khi thấy Nhật Bản thành công, Trung Quốc dò dẫm « hội nhập » vào trào lưu châu Á mà không bắt chước mô hình châu Âu. Bắc Kinh đã chọn đúng thời cơ. Thu nhập bình quân của người Trung Quốc từ 250 đô la mỗi năm vào năm 1968 đã tăng lên 15.000 đô la trong năm 2016, tuy chỉ bằng một phần ba thu nhập của dân Đài Loan, nhưng nhân với số đông dân cư, Trung Quốc đoạt vị thế đại cường thứ hai của Nhật Bản.
Nhà sử học Pierre Glossier phân tích biến chuyển chiến lược này :
« Khúc quanh lịch sử là kể từ 1990 khi xuất khẩu của Nhật Bản bắt đầu chuyển hướng về châu Á nhiều hơn là bán hàng sang Mỹ. Nhiều báo cáo trong thập niên 1990 nhấn mạnh đến hiện tượng « tập trung vào châu Á », có nghĩa là phần lớn trao đổi mậu dịch ở châu Á là do các nước trong vùng buôn bán với nhau.
Cho dù Hoa Kỳ vẫn bị nhập siêu khá lớn với châu Á nhưng thâm thủng thương mại không gia tăng một cách nghiêm trọng. Hoa Kỳ tiếp tục là động lực, là đầu máy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Á châu. Câu hỏi đặt ra giờ đây là liệu Trung Quốc có sẽ trở thành một động cơ tăng trưởng của khu vực giúp cho kinh tế Á châu lẫn kinh tế của Trung Quốc phát triển hay không ? »
Công nghệ học và kinh nghiệm Nhật Bản
Cùng nhận định, giáo sư Hugues Tertrais cho biết vì lý do gì mà Bắc Kinh noi gương Tokyo ? Yếu tố chiến tranh lạnh phân chia chiến tuyến ý thức hệ không ngờ là một động sơ thuận lợi cho tâm lý muốn ganh đua tại châu Á :
« Điều tôi muốn nhấn mạnh là trong suốt thời kỳ đó, xuất hiện một yếu tố đặc thù của châu Á : đó là có sự ganh đua giữa một bên là các nước tư bản rất hung hãn như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và phe bên kia là cộng sản như Trung Quốc, cũng hung hăng không thua gì, tuy mỗi phe hung hăng một kiểu.
Xung khắc giữa hai bên diễn ra trong vùng châu Á-Thái Bình Dương. Tình trạng cạnh tranh này đã khuyến khích, đã phát sinh một mô hình phát triển theo kiểu Nhật Bản : Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, lập kế hoạch kèm theo một chính sách bảo hộ mậu dịch với một dạng chạy đua tăng trưởng như mũi tên lúc nào cũng đi lên. Mô hình này hấp dẫn đến mức các chế độ cộng sản trong vùng như Trung Quốc cuối cùng phải bắt chước và lĩnh hội ».
Phải lưu ý là vào buổi đầu đổi mới ở Trung Quốc với chính sách tư bản Nhà nước, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh có mối quan hệ thường xuyên và chặt chẽ với các chuyên gia và kỹ nghệ gia Nhật Bản những người đóng vai trò kiểu mẫu cho Trung Quốc noi gương, theo Philip Golub.
Còn theo sử gia Pierre Glossier, Trung Quốc không chỉ « bắt chước » mà còn « theo dấu chân khai phá » của Nhật. Cụ thể, trong hai năm 1978, 1979, sau khi dẹp được nhóm « tứ nhân bang », Đặng Tiểu Bình trở lại chính quyền, Trung Quốc cũng tìm hiểu, học hỏi và ngưỡng mộ các chuyên gia kinh tế Hungary. Trung Quốc đưa các nhà kinh tế của họ đi khắp thế giới quan sát, học hỏi các mô hình có thể mang về áp dụng một cách hiệu quả nhất. Trước Trung Quốc, từ thập niên 1960, Nhật Bản cũng đã áp dụng phương thức này, cho nhân tài đi khắp thế giới để học tập cái hay, cái giỏi của xứ người đem về thực hiện canh tân đất nước.
Công thức Singapore
Đường lối mà Đặng Tiểu Bình đặt tên là « kinh tế thị trường theo kiểu Trung Quốc » trên thực tế là bản sao của Singapore, theo sử gia Hugues Tertrais. Mô hình phối hợp « hiệu quả kinh tế với ổn định chính trị » là công thức của ông Lý Quang Diệu mà ông Đặng Tiểu Bình rất ngưỡng mộ và trao đổi thường xuyên. Trung Quốc nhờ đến kỹ thuật, công nghệ học của Nhật nhưng không theo chế độ dân chủ của Nhật.
Đến năm 1989 thì xã hội Trung Quốc bế tắc. Các chế độ cộng sản Đông Âu từ Liên Xô, Ba Lan cho đến Đông Đức cũng bị khủng hoảng. Khi phong trào công nhân, sinh viên tranh đấu đòi quyền sống và dân chủ bùng lên tại Trung Quốc thì Đặng Tiểu Bình và phe bảo thủ chọn biện pháp bảo vệ Đảng thay vì hoà hợp cùng khát vọng tự do của người dân và nhất là tương lai của thế hệ trẻ. Những nhà lãnh đạo được sinh viên mến mộ như Hồ Diệu Bang bị thất sủng, Triệu Tử Dương bị cách chức và quản thúc.
Phương pháp Đặng Tiểu Bình
Vì sao Trung Quốc tắm máu mà Đông Âu hoà bình ? So sánh vụ thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn vào mùa xuân 1989 với biến cố bức tường Berlin vào mùa đông cùng năm, sử gia Pierre Glossier phân tích :
« Về vai trò của châu Á và yếu tố Á châu khi chiến tranh lạnh kết thúc, chúng ta có thể bàn về khía cạnh cơ cấu của châu lục này.
Vào năm 1989, trước khi xảy ra biến cố Đông Âu, khi được hỏi đâu là những hiểm họa lớn nhất đe dọa Tây phương thì Hoa Kỳ không cho đó là Liên Xô. Trái lại, Nhật Bản bị Mỹ xem là đối tượng đáng gờm nhất.
Cho đến khi xảy ra phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh dẫn đến cuộc thảm sát không chỉ diễn ra quảng trường Thiên An Môn mà còn xảy ra trên khắp lãnh thổ Trung Quốc, thì lúc đó Tây phương mới sững sờ. Tuy số nạn nhân không nhiều so với cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông, nhưng Thiên An Môn đã gây ấn tượng mạnh cho giới lãnh đạo cộng sản Đông Âu và Tây phương.
Hoa Kỳ lúc đó không muốn đổ thêm dầu vào lửa, thổi luồng gió mạnh vào đám than hồng dân chủ đang âm ỉ chống các chế độ Cộng sản tại Đông Âu. Lý do thứ nhất là Mỹ sợ tái diễn kịch bản Budapest năm 1956, khi phong trào dân chủ nổi dậy tại Hungary, kéo dài một thời gian, là bị Liên Xô xua quân đàn áp trong biển máu. Lý do thứ hai là sợ cũng như trường hợp Thiên An Môn, Liên Xô sẽ đàn áp ngay tức khắc trong biển máu. Do vậy, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George H. Bush tỏ ra rất thận trọng.
Mặt khác, giới lãnh đạo Đông Âu cũng như các nhà hoạt động dân chủ đều bị phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh gây ấn tượng. Một số chế độ thuộc loại « cứng » như Đông Đức chưa bao giờ lại có nhiều trao đổi « thường trực » với chính quyền Trung Quốc như thế. Do vậy, khi huy động cuộc xuống đường đòi dân chủ tại Leipzig, ban tổ chức đã hết sức thận trọng trước trách nhiệm vô cùng to lớn vì họ sợ bị đàn áp như ở Thiên An Môn. Đó là lý do vì sao người dân Đông Đức xuống đường rất cẩn trọng, thể hiện tính chất bất bạo động, tính chất ôn hoà của phong trào dân chủ tại Đông Âu trong năm 1989 vì không ai muốn khiêu khích để dẫn đến đàn áp kiểu Thiên An Môn.
Mikhail Gorbachev cũng bị Thiên An Môn mê hoặc, ghi dấu ấn qua chuyến viếng thăm của ông tại Bắc Kinh, đúng vào thời điểm xảy ra phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh và do vậy chương trình công du của ông phải rút ngắn. Sinh viên Trung Quốc tới vấn ý nhà lãnh đạo Liên Xô, hỏi làm cách nào để cải cách, canh tân Trung Quốc như Liên Xô với chính sách Perestroika và Glasnos.
Khi cách mạng Đông Âu nổi lên, Mikhail Gorbachev không bật đèn xanh cho các chế độ Cộng sản đàn áp cũng vì lãnh đạo Liên Xô thiên về giải pháp đối thoại, đàm phán ôn hoà. Điều cần chú ý là sau khi Liên Xô sụp đổ, giới lãnh đạo Trung Quốc tự khen là họ đã chọn phương án tốt nhất, biện pháp đàn áp để bảo vệ chế độ: Trung Quốc ổn định, kinh tế phát triển trong khi Liên Xô và sau này, từ năm 1991, là Liên Bang Nga, bị chao đảo ».
Theo sử gia Hugues Tertrais, lý do cốt lõi thúc đẩy phe bảo thủ tại Trung Quốc đưa binh sĩ từ Nội Mông về trấn áp sinh viên Bắc Kinh là vì họ sợ ảnh hưởng của phong trào Đoàn Kết và chủ trương hoà giải dân tộc tại Ba Lan lây lan làm sụp đổ chế độ :
« Nói chung thì Trung Quốc và Liên Xô có cùng một vấn nạn nhưng cách giải quyết khác nhau. Liệu hai biến cố có tương quan nhân quả với nhau hay không ? Đó là câu hỏi lớn.
Theo tôi, vào năm 1989, giới lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định đàn áp trong khi tại Đông Âu, Ba Lan tổ chức bầu cử dân chủ. Bởi vậy Bắc Kinh e rằng phong trào dân chủ sẽ lây lan. Biết đâu Trung Quốc đã đi theo mô hình chính trị Ba Lan và làm thay đổi lịch sử Trung Quốc.
Cùng là một vấn nạn nhưng cách giải quyết khác nhau. Châu Á chọn con đường đàn áp, bạo lực trong khi châu Âu thiên về dân chủ cho dù ở Liên bang Nga, phải chờ nhiều năm nữa mới có thể phán xét hiệu quả ».
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu một đại cường được xem là « ổn định » theo kiểu Trung Quốc có cơ may thay thế Hoa Kỳ hay không ?
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170810-chau-a-dang-gianh-vi-tri-trung-tam-the-gioi-cua-chau-au