Tin Việt Nam – 09/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 09/08/2017

Việt Nam: ‘Lãnh đạo ngân hàng dễ bị khép tội’

Một luật sư tại Sài Gòn bình luận với BBC rằng các sếp ngân hàng thường “có quan hệ thân hữu với giới lãnh đạo cấp cao nên xem nhẹ việc tuân thủ quy định” và “rất dễ bị khép tội.”

Sau gần sáu tháng trả hồ sơ, dự kiến hôm 28/8, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội sẽ mở lại phiên sơ thẩm vụ Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm.

Phiên tòa đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) dự kiến kéo dài 20 ngày.

Trong một diễn biến khác, báo Zing hôm 9/8 cho hay ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng BIDV “từ chối bình luận về mối liên quan của mình tới các sai phạm của ông Trầm Bê và Phạm Công Danh trong đại án làm thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng.”

“Tôi bình thường” và “không muốn nói nhiều chuyện hơn vào lúc này,” Zing dẫn lời ông Hà.

Vụ bắt Trầm Bê ‘thể hiện quyết tâm Tổng Bí thư’

Vụ bắt ông Trầm Bê: Sẽ còn ai nữa?

‘Việc bắt sếp ngân hàng chưa dừng ở ông Bình’

Hồi đầu tháng này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank.

Hôm 9/8, trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói: “Các sếp ngân hàng dễ bị khép tội. Dễ bị khép tội ở đây không đồng nghĩa với việc nhà nước buộc tội họ một cách vô tội vạ mà là vì quá nhiều quy định khắt khe trong lĩnh vực ngân hàng cần phải được tuân thủ.”

“Hệ thống Ngân hàng được ví như là “huyết mạch” của nền kinh tế. Nếu hệ thống ngân hàng bị đổ vỡ thì ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của đất nước.”

“Do đó, có rất nhiều quy định nghiêm ngặt để bảo vệ “huyết mạch” ấy.”

“Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng thường là giới đại gia và có quan hệ thân hữu với lãnh đạo cấp cao trong chính phủ.”

“Có thể vì vậy mà họ có khuynh hướng xem nhẹ việc tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của ngành ngân hàng hơn. Đến khi thiệt hại phát sinh,họ rất dễ bị khép vào các tội như: Vi phạm các quy dịnh về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, hoặc Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…”

‘Quy luật tất yếu’

BBC: Có ý kiến cho rằng vụ bắt ông Trầm Bê và một số lãnh đạo ngân hàng khác trước đó liên quan đến đấu đá chính trị và lợi ích nhóm. Và rằng phe nào cũng có vấn đề hết nên đơn thuần là ông nào nắm quyền là ông đó quyết định. Ông nghĩ sao?

Luật sư Phùng Thanh Sơn: Về lý thuyết thì không loại trừ khả năng đó. Tuy nhiên chúng ta cần nhìn nhận một thực tế là không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, các tập đoàn kinh tế lớn thường có mối liên hệ chính trị nhất định với chính phủ, đảng cầm quyền.

Bê bối của tập đoàn Samsung ở Hàn Quốc là một ví dụ. Mà một khi có mối liên hệ chính trị, việc xử lý sai phạm của những người lãnh đạo trong các tập đoàn đó ít nhiều sẽ bị cản trở, nhất là trong bối cảnh hệ thống chính trị của Việt Nam không theo thiết chế tam quyền phân lập.

Và khi mối quan hệ chính trị không còn hoặc không đủ mạnh, tất yếu các sai phạm của các lãnh đạo tập đoàn đó phải được xử lý.

Không thể để cái sai tồn tại mãi được. Do đó, theo tôi việc bắt ông Trầm Bê mới đây cũng như các lãnh đạo ngân hàng ACB, Đông Á, Xây Dựng, Ngân hàng Đại Dương… trước đó là quy luật tất yếu.

Chỉ khi nào các lãnh đạo ngân hàng này không có sai phạm mà chính quyền với đội ngũ lãnh đạo mới cố tình xử lý hình sự họ để đưa người có mối quan hệ thân hữu lên thay thì đó mới có thể xem là chuyện đấu đá nội bộ.

Nếu các sai phạm của các ngân hàng này diễn ra trong một thời gian dài mà Ngân hàng Nhà nước không có động thái xử lý hoặc xử lý không thích đáng thì tổ chức này không thể vô can được.Luật sư Phùng Thanh Sơn

BBC: Từ góc độ luật sư, trong những phiên tòa xử lãnh đạo ngân hàng vừa qua, ông có thấy vai trò của luật sư bị hạn chế hay gặp trở ngại gì không?

Tôi không được mời tham gia các “đại án” ngân hàng nên tôi không thể trả lời câu hỏi này.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, không loại trừ khả năng các bị cáo có những lời khai “nhạy cảm” về các lãnh đạo của Việt Nam có liên quan hoặc có những thông tin ảnh hưởng đến vấn đề an ninh tiền tệ…

Do đó, theo tôi thì luật sư trong các “đại án” ngân hàng sẽ không được thoải mái như những vụ án hình sự thông thường khác.

BBC: Theo ông, có liên hệ nào giữa các vị lãnh đạo ngân hàng vướng vòng lao lý và nợ xấu?

Chắc chắn phải có mối liên hệ vì để có thể truy tố các lãnh đạo ngân hàng theo các tội danh trên thì đòi hỏi phải có hậu quả [tức nợ xấu] xảy ra.

Nợ xấu vượt mức cho phép là biểu hiện rõ nhất của các sai phạm trong quản lý và điều hành hoạt động của ngân hàng.

Nếu hoạt động tín dụng của ngân hàng luôn tuân thủ đúng quy định pháp luật thì chắc chắn sẽ không có xảy ra tình trạng tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng cho phép.

Tuy nhiên, cũng cần phân biệt rõ là không phải mọi khoản nợ xấu của ngân hàng đều xuất phát từ hành vi sai trái của lãnh đạo, cán bộ ngân hàng.

Chỉ những khoản nợ xấu nào phát sinh từ các khoản cho vay không đúng quy định pháp luật dẫn đến không thu hồi được nợ thì mới được xem thiệt hại.

BBC:Vậy thì trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong các vụ đại án này như thế nào?

Một trong những chức năng của Ngân hàng nhà Nước là quản lý và giám sát hoạt động của ngân hàng thương mại.

Do đó, nếu các sai phạm của các ngân hàng này diễn ra trong một thời gian dài mà Ngân hàng Nhà nước không có động thái xử lý hoặc xử lý không thích đáng thì tổ chức này không thể vô can được.

Chí ít các cán bộ ngân hàng nhà nước liên quan cũng có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo Luật Ngân hàng nhà nước năm 2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ là một cơ quan ngang bộ trực thuộc chính phủ. Do đó, tính độc lập của tổ chức này là thấp và chịu sự can thiệp hành chính toàn diện từ chính phủ.

Trong khi đó, ngoài chức năng quản lý, giám sát các hoạt động các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn thực hiện chức năng của một ngân hàng trung ương.

Do đó, sự can thiệp của chính phủ thông qua Ngân hàng Nhà nước sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng thương mại.

Vì vậy, để hệ thống ngân hàng tại Việt Nam nói chung và Ngân hàng Nhà nước nói riêng hoạt động hiệu quả thì về lâu dài, cần phải tách Ngân hàng Nhà nước ra khỏi chính phủ. Có như vậy, Ngân hàng Nhà nước mới thực hiện được chức năng của một ngân hàng trung ương đúng nghĩa.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40841844

 

Đức ‘cân nhắc hành động’ do VN ‘phớt lờ’ vụ Trịnh Xuân Thanh

Đức hôm thứ Tư 9/8 tuyên bố đang cân nhắc các bước đi cần thiết sau khi Việt Nam không hồi đáp yêu cầu của Berlin, muốn Hà Nội trao trả ông Trịnh Xuân Thanh.

Berlin nói ông Trịnh Xuân Thanh ‘đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc’ hồi cuối tháng Bảy.

Hôm 4/8, Ngoại trưởng Đức cáo buộc Việt Nam đã thực hiện vụ việc theo cách thức “chỉ có trong các phim ly kỳ thời Chiến tranh Lạnh” và đó là hành vi mà Đức thấy là “không thể chấp nhận”.

Tuyên bố của Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh

VN còn ‘thẩm quyền’ xét xử ông Thanh?

Bàn tròn BBC: Diễn biến mới trong vụ Trịnh Xuân Thanh

Luật sư tại Đức của ông Thanh nói ông tin rằng thân chủ của mình đã bị lôi lên xe hơi, cưỡng bức đưa về Việt Nam chứ không phải tự nguyện quay về.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức hôm thứ Tư nói ông lấy làm tiếc là đòi hỏi của phía Đức trong việc Hà Nội phải để ông Thanh quay trở lại Đức đã không được trả lời.

“Chúng tôi đã hy vọng là sẽ có khả năng nhằm… sửa chữa sau lỗi vi phạm nghiêm trọng luật Đức và luật pháp quốc tế,” phát ngôn viên nói với các phóng viên.

“Thật không may là điều đó đã không xảy ra, cho nên chúng tôi đang cân nhắc xem cần làm gì để đối tác Việt Nam của chúng tôi hiểu rõ rằng chúng tôi không thể chấp nhận chuyện đó,” ông nói.

Phía Việt Nam nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện ‘ra đầu thú’, và công bố đoạn video trong đó ông Thanh dáng điệu mệt mỏi nói rằng ông “đành phải về để đối diện sự thật”.

Đoạn video được phát trong chương trình thời sự của Việt Nam cũng công bố hình ảnh “đơn xin tự thú” được cho là của ông Thanh viết tay.

Vì sao Đức yêu cầu trao trả Trịnh Xuân Thanh?

Thayer: ‘Nghi vấn bắt cóc gây tổn hại cho VN’

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức từ chối nói rõ về các khả năng cụ thể là gì, nhưng nhấn mạnh rằng Việt Nam nhận viện trợ phát triển từ Đức ở mức đáng kể.

Trong năm 2015, Đức cam kết trợ giúp Việt Nam 220 triệu euro (257,8 triệu đôla Mỹ) viện trợ phát triển trong vòng hai năm.

“Mọi lựa chọn đều đang được đặt trên bàn,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói, và cho biết thêm là đã có các cuộc trao đổi giữa chính phủ hai nước.

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối Liên hiệp Âu châu; các thành viên của khối này đang chuẩn bị xem xét việc phê chuẩn thỏa thuận tự do thương mại với Việt Nam

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40869508

 

Mỹ-Việt hứa hẹn tăng hợp tác quốc phòng

Hoa Kỳ hứa sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng giữa Việt Nam Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Đây là kết quả mang tính tích cực cho Việt Nam sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis và Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch ở Washington hôm 8/8.

Đại tướng Jim Mattis nói rằng quan hệ hợp tác quốc phòng sâu sắc hơn là dựa trên lợi ích chung của hai nước bao gồm tự do hàng hải ở Biển Đông.

TQ ‘bực bội vì hành động của VN ở Asean’

Bộ trưởng Quốc phòng đi Mỹ, VN mong đạt được gì?

Hai bộ trưởng quốc phòng cũng đồng ý rằng một hàng không mẫu hạm của Mỹ sẽ đến thăm Việt Nam vào năm tới – chuyến thăm đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm từ 1975.

Washington đang từng bước nhẹ nhàng trang bị, nâng cấp vũ khí cho Việt Nam và đến khi cần thiết sẽ chính thức hóa quan hệ của họ.Vũ Đức Khanh từ Canada

Luật gia Vũ Đức Khanh từ Canada nói là Washington đang “từng bước nhẹ nhàng trang bị, nâng cấp vũ khí cho Việt Nam” và đến khi cần thiết sẽ “chính thức hóa quan hệ” của họ.

“Hà Nội xích gần lại Washington để tự vệ hay Mỹ đang xiết chặt vòng kim cô trên Việt Nam để bao vây Trung Quốc đều đúng tùy theo góc nhìn của người quan sát.

“Tuy nhiên chắc chắn một điều rằng Việt Nam là một con cờ khá quan trọng,” ông Khanh nói.

Mỹ không chấp nhận quân sự hóa Biển Đông

Còn nhà phân tích chính trị Hà Hoàng Hợp nói với Reuters rằng thoả thuận hợp tác quốc phòng này phù hợp với chiến lược ngoại giao của Việt Nam, đó là mở cửa cho tất cả các nước.

“Việt Nam sẽ không thỏa hiệp về vấn đề chủ quyền và cũng đã có sự chuẩn bị riêng mình,” ông nói.

Trước đó, Ngoại trưởng Boris Johnson của Anh Quốc cũng đã cam kết sẽ đưa các tàu hàng không mẫu hạm tới khu vực Biển Đông đang có tranh chấp để thực thi quyền tự do hàng hải.

Theo tờ Hoa Nam Buổi sáng, các nhà quan sát nói rằng Việt Nam đang tìm cách tiếp cận các cường quốc trong khu vực như Nhật Bản và Hoa Kỳ để cân bằng quyền lực khi Philippines bắt đầu ngả về phía Trung Quốc.

VN ngừng khoan dầu khí ở Biển Đông

Diễn đàn ASEAN có lợi cho Trung Quốc?

ASEAN không có thông cáo chung ‘do Việt Nam’

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam ngày càng trở thành tiếng nói đơn độc trong việc thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tại Diễn đàn ASEAN cuối tuần qua, Việt Nam gặp khó khăn khi cố gắng thuyết phục các quốc gia khác có ngôn ngữ cứng rắn hơn với Trung Quốc trong bản tuyên bố chung.

Trước đó, Việt Nam buộc phải ngừng một số khoan dầu ngoài khơi vào tháng trước sau khi chịu áp lực từ Bắc Kinh. Công ty khai thác dầu Repsol của Tây Ban Nha cũng chính thức xác nhận ngừng khai thác dầu vài ngày sau đó.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40872149

 

Biểu tình chống ô nhiễm

Người dân thôn Ninh Ích, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục biểu tình chống nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm tại địa phương.

Một người chứng kiến vụ việc cho biết:

“Sự việc này diễn ra ở xã Ninh Ích từ năm ngoái đến năm nay rồi mà chưa dứt điểm được, cũng như là nhà máy xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường, người dân đã biểu tình chống đối từ năm ngoái, năm nay lại tiếp tục, có nghĩa là họ (chính quyền) chưa xử lý rốt ráo, vẫn còn mùi hôi thối xung quanh, dân cư sống ở đó rất đông. Ngày hôm qua họ đã xuống đường, nhưng không giải quyết, tối qua chị nghe một số dân họ bảo Công An 113 có mang súng đến nhà dọa nạt người dân nên họ bức xúc, chịu không nổi nên sáng nay họ biểu tình tiếp tục. Về phía chính quyền không biết họ hứa hẹn thế nào. Có 4 người bị thương phải đi cấp cứu trong đó có 2 người lớn và 2 con nít.”

Tình trạng người dân phản đối nhà máy hay các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đến mức không chịu nổi từng xảy ra tại nhiều nơi trên cả nước lâu nay.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/protest-against-pollution-08092017123541.html

 

Hàng không mẫu hạm Mỹ thăm VN

là ‘thay đổi tư duy’ của Hà Nội

Lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ sẽ thăm Việt Nam vào năm tới, theo thông báo của Ngũ Giác Đài hôm 8/8. Đây là tín hiệu mới nhất về mối quan hệ gia tăng giữa hai cựu thù từng có chiến tranh với nhau từ 1965 đến 1973.

Thông báo được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tiếp người đồng cấp Việt Nam Ngô Xuân Lịch cùng ngày 8/8.

Ngũ Giác Đài nói hai ông đồng ý mở rộng hợp tác hải quân và chia sẻ thông tin. Trên bình diện rộng hơn, hai bộ trưởng thảo luận các bước đi xa hơn trong quan hệ quốc phòng và các thách thức an ninh khu vực.

Thỏa thuận giữa lãnh đạo bộ quốc phòng hai nước về tàu sân bay Mỹ cập cảng Việt Nam là sự cụ thể hóa thảo luận giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Phúc tại Tòa Bạch Ốc hồi tháng 5 về khả năng thực hiện chuyến thăm như vậy.

Thông báo của Ngũ Giác Đài không nói rõ tàu sân bay mang tên gì sẽ thực hiện chuyến thăm.

Trong các năm từ 2009 đến 2012, các tàu sân bay USS George Washington và USS John C. Stennis từng đón các đoàn quan chức Việt Nam lên thăm khi các tàu này hoạt động ở Biển Đông, ngoài khơi Việt Nam.

Một nguồn tin từng làm việc lâu năm trong phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam cho VOA biết phía Mỹ thường mời các quan chức cao cấp thuộc quốc hội, chính phủ, bộ quốc phòng và bộ ngoại giao Việt Nam thăm các tàu đó.

Nhưng theo nguồn tin, trên thực tế Việt Nam thường cử các đoàn “liên ngành” cấp địa phương đi thăm, dường như e ngại phát đi tín hiệu rằng Việt Nam “thắt chặt quan hệ hải quân với Mỹ” trong bối cảnh có những tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc.

Đấy là phải có sự thay đổi tư duy. Và sự hợp tác này cho thấy là quan hệ an ninh và quân sự giữa Mỹ và Việt Nam đã trưởng thành lên một bước có ý nghĩa. Việt Nam và Mỹ có những quan điểm gặp nhau trong vấn đề Biển Đông. Khác với các lần trước, lần này là [tàu sân bay] đến cập cảng, và điều này là một thông điệp nói lên sự cam kết của Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông. Ở đây phải có quan điểm phù hợp nhau.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường

Giờ đây, các cuộc thăm tàu sân bay không chỉ ở ngoài khơi mà sẽ diễn ra ngay tại cảng của Việt Nam. Điều này thể hiện “một sự phát triển mới và đáng khích lệ” trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước, theo một nhà nghiên cứu ở Hà Nội.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế, nói với VOA:

“Đấy là phải có sự thay đổi tư duy. Và sự hợp tác này cho thấy là quan hệ an ninh và quân sự giữa Mỹ và Việt Nam đã trưởng thành lên một bước có ý nghĩa. Việt Nam và Mỹ có những quan điểm gặp nhau trong vấn đề Biển Đông. Khác với các lần trước, lần này là [tàu sân bay] đến cập cảng, và điều này là một thông điệp nói lên sự cam kết của Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông. Ở đây phải có quan điểm phù hợp nhau [giữa Mỹ và Việt Nam]”.

Trong cuộc gặp ở Washington hôm 8/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis nói với ông Lịch, người đồng nhiệm phía Việt Nam, rằng một mối quan hệ quốc phòng vững mạnh có nền móng là những lợi ích chung, trong đó bao gồm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Vùng biển này chứng kiến những tuyên bố chủ quyền đối chọi nhau giữa các bên gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei.

Trung Quốc đòi chủ quyền về gần như toàn bộ vùng biển dù vấp phải phản đối mạnh mẽ từ Việt Nam và một số nước khác. Với nguồn lực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã xây dựng và quân sự hóa một số đảo nhân tạo, cũng như đòi có thẩm quyền tài phán từ việc nắm giữ các đảo đó.

Mỹ không phải là một bên tuyên bố chủ quyền song luôn khẳng định có lợi ích trong việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Washington đã thách thức các tuyên bố quá đáng của Bắc Kinh bằng cách điều các tàu hải quân đi vào vùng 12 hải lý quanh một số đảo nhân tạo hay bãi cạn do Trung Quốc kiểm soát.

Dù bối cảnh là như vậy, tiến sĩ Trường khẳng định việc Việt Nam đồng ý đón tàu sân Mỹ thăm cảng là “không phải là hành động khiêu khích ai cả”. Ông nói:

“Vấn đề này phải đặt trong trạng thái bình thường của quan hệ hai nước thôi, của quan hệ quân sự giữa Mỹ với các nước trong khu vực thôi. Nó cũng không có gì nhiều. Mỹ cũng thường cử tàu sân bay vào các nước ở khu vực Đông Á này. Lần này vào thăm Việt Nam ta cũng phải thấy cái này là bình thường hóa đi”.

Còn theo nhà phân tích chính trị Hà Hoàng Hợp, được Reuters trích lời trong một bản tin, thỏa thuận này nhất quán với chiến lược ngoại giao của Việt Nam là làm bạn với tất cả các nước. Ông Hợp cũng nói với Reuters rằng Việt Nam sẽ không thỏa hiệp về vấn đề chủ quyền và có những sự chuẩn bị của riêng mình.

https://www.voatiengviet.com/a/tau-san-bay-my-tham-cang-vn-la-thay-doi-tu-duy-cua-ha-noi/3978613.html

 

Không dìm bùn cát thải xuống biển Bình Thuận

Sẽ không dìm một triệu mét khối bùn cát nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận nữa.

Đó là quyết định được đưa ra trong văn bản thỏa thuận giữa Bộ Tài nguyên & Môi trường với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Theo thỏa thuận thì số bùn nạo vét luồng lạch ở cảng Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong sẽ được đổ vào một khu vực trong cảng Vĩnh Tân, dùng làm nơi neo đậu cho tàu thuyền.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng kiến nghị với Chính phủ là những vật chất có từ việc nạo vét luồng lạch sẽ được dùng để san lấp, chống xói mòn bờ biển ở tỉnh Bình Thuận.

Trên trang web của chính quyền tỉnh Bình Thuận cũng đưa tin này và kết luận rằng quan tâm lớn nhất của tỉnh Bình Thuận là đảm bảo an toàn môi trường và cuộc sống của người dân.

Vào cuối tháng Sáu năm nay, 2017, sau khi có tin Bộ Tài Nguyên & Môi Trường cấp giấy phép cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 được đổ bùn nạo vét cảng xuống biển Bình Thuận, gần khu bảo tồn biển Hòn Cau, công luận đã lên tiếng phản đối hết sức mạnh mẽ việc đổ bùn này, cho rằng việc này sẽ làm tổn hại rất nhiều đến vùng biển giàu có của tỉnh Bình Thuận, cũng như sẽ ảnh hưởng đến đời sống ngư dân và doanh nghiệp tại đây.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/plan-to-dump-waste-in-binh-thuan-sea-stopped-08092017122100.html

 

Tuyên án 14 cựu cán bộ vụ đất đai Đồng Tâm

Tòa án Hà Nội vào ngày 9 tháng 8 tuyên án đối với 14 cựu cán bộ xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức về những sai phạm quản lý đất đai, trong đó người lĩnh án cao nhất là ông Nguyễn Xuân Trường, cựu cán bộ địa chính xã Đồng Tâm với mức án 6 năm 6 tháng tù giam.

Ngoài ông Nguyễn Xuân Trường, người bị cho là giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu nên chịu án nặng nhất, còn lại phần lớn bị tuyên án 30 tháng tù hoặc 24 tháng tù. Bản án nhẹ nhất là 18 tháng tù treo cho ông Nguyễn Văn Bột, cựu chủ tịch UBND xã Đồng Tâm.

Theo cáo trạng, từ năm 2002 đến 2013 những cựu cán bộ xã Đồng Tâm này đã cấp và giao đất trái thẩm quyền với hơn 6.000 m2. Trong khi đó những người làm việc ở cấp huyện đã không làm tốt việc kiểm tra nguồn gốc đất dẫn đến ký xác nhận không có căn cứ.

Trong phần thời sự hôm nay chúng tôi sẽ gửi đến quý vị phóng sự liên quan đến ý kiến của người dân Đồng Tâm về việc xử lý các quan chức địa phương vừa nêu.

Theo đó người dân nói rằng những cán bộ bị đưa ra xử không hề liên quan đến vụ tranh chấp đất đai ở khu sân bay Miếu Môn, và họ bức xúc về việc người dân khởi kiện những nhân vật vừa nêu không ai được mời tới dự phiên tòa.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/fourteen-dong-tam-officials-sentenced-08092017100119.html

 

Tác động của truyền thông xã hội trong việc bảo vệ môi trường

Kính Hòa RFA

Ngày 9 tháng 8/2017, Bộ Tài nguyên & Môi trường, cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đồng ý không thực hiện việc dìm bùn nạo vét xuống biển Bình Thuận nữa.

Như vậy là chỉ sau thời gian hơn 1 tháng, với sự phản đối của công luận qua nhiều phương tiện truyền thông, trong đó có truyền thông xã hội, một quyết định của chính phủ đã bị lật ngược.

Vai trò to lớn của truyền thông xã hội trong câu chuyện này ra sao?

Áp lực của truyền thông xã hội

Trả lời câu hỏi về nguyên nhân thúc đẩy Bộ Tài nguyên & Môi trường, cùng tỉnh Bình Thuận quyết định không đổ chất nạo vét cảng Vĩnh Tân xuống biển nữa, nhà báo Phạm Chí Dũng ở Sài Gòn cho rằng áp lực của mạng xã hội là rất mạnh. Ông nói thêm:

Công lớn nhất là truyền thông mạng, chứ báo chí chính thống thì chỉ chạy theo thôi.
-Nhà báo Trương Duy Nhất.

Cách đây hơn 3 năm theo số liệu tổng kết, thì có khoảng 50% người dân đọc mạng xã hội. Bây giờ theo tổng kết mới nhất của Bộ Thông tin & Truyền thông thì đã hơn 90% rồi. Họ đọc các loại phương tiện, các kênh trên mạng xã hội. Đó là vấn đề làm sao mà Bộ Tài nguyên & Môi trường không thể nuốt trôi cái dự án xả chất thải xuống biển, cho nên họ phải rút lại dựa án, mặc dù tôi nghe nói là một ngày như vậy phải đền bù cho phía Trung Quốc số tiền kinh khủng là 650 ngàn đô la.”

Con số chính xác được Bộ Tài nguyên & Môi trường đưa ra cho báo chí Việt Nam là 620 ngàn đô la một ngày, đền bù cho các chủ đầu tư nhà máy điện than Vĩnh Tân vì chậm tiến độ thi công. Dự án dìm chất nạo vét cảng Vĩnh Tân xuống biển, nếu được thực hiện sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công của các công trình nhà máy.

Đánh giá tầm quan trọng của mạng xã hội trong việc dừng lại dự án dìm bùn Bình Thuận, còn có nhà báo Trương Duy Nhất tại Đà Nẵng:

“Những cuộc đấu tranh, lên tiếng trong cộng đồng xã hội, đã tạo nên một phong trào, một sự chú ý của người dân vào những dự án hủy hoại môi trường, tạo nên sự lên tiếng không khác gì đối với Formosa. Từ đó đánh thức thêm ý thức một số cán bộ cao cấp nghỉ hưu, rồi cả những cán bộ đương chức sở tại. Đạt đến điều đó tôi nghĩ công lớn nhất là truyền thông mạng, chứ báo chí chính thống thì chỉ chạy theo thôi.”

Trong những cán bộ nghỉ hưu mà ông Nhất đề cập, có ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, đã lên tiếng phản đối dự án dìm bùn Bình Thuận.

Truyền thông xã hội nâng cao ý thức môi trường của dân chúng

Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể về dự án dìm bùn ở Bình Thuận, cũng có ý kiến cho rằng tác động của mạng xã hội là thứ yếu. Nhà báo Mai Phan Lợi nói với chúng tôi:

“Cái này thì vai trò của các nhà khoa học là quan trọng nhất, đặc biệt là ông Nguyễn Tác An, thứ nhì là sự lăn xả của báo Pháp Luật thành phố, báo chính thống. Sau đấy mới là mạng xã hội, tức là báo chí không chính thống, như là Facebook. Mạng xã hội chỉ là sự cộng hưởng của các nhà khoa học và báo chí đấy thôi.”

Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang, là một trong những người phản đối rất rất mạnh dự án dìm bùn Bình Thuận trên tất các kênh truyền thông mà ông tiếp cận được.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi là tại sao báo Pháp Luật, một tờ báo chính thống, lại lăn xả vào việc phản đối dự án dìm bùn như vậy, trong khí báo chí chính thống Việt Nam vốn có truyền thống theo một sự chỉ đạo chung của Ban Tuyên giáo trung ương của đảng cộng sản? Nhà báo Mai Phan Lợi cho rằng cái lý do bảo vệ môi trường đã bảo vệ họ.

Một nhà hoạt động môi trường tại Hà Nội là dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng việc dừng lại dự án dìm bùn nạo vét tại tỉnh Bình Thuận là một thành công của phong trào đấu tranh vì môi trường, và thành công đó là do sự nâng cao ý thức của toàn xã hội Việt Nam.

“Rõ ràng là mạng xã hội đóng vai trò thật quan trọng về mặt phương tiện. Và sự lên tiếng của các tổ chức xã hội dân sự là một tác động nổi bật. Tuy nhiên tôi cho rằng đây là một thành công chung, một sự lên tiếng chung của toàn xã hội.”

Sự lên tiếng của các tổ chức xã hội dân sự mà dược sĩ Tuấn nhắc đến trong trường hợp cụ thể này chính là kiến nghị của 13 tổ chức phi chính phủ gửi chính phủ Việt Nam đề nghị dừng ngay việc đổ bùn nạo vét xuống biển Bình Thuận, vào khoảng giữa tháng bảy năm nay, 2017.

Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn so sánh việc đấu tranh vì môi trường hiện nay với trường hợp kiến nghị dừng dự án bauxite Tây Nguyên cách đây hơn 10 năm. Lúc đó nhiều nhân sĩ trí thức Việt Nam đã viết kiến nghị gửi chính phủ Việt Nam, cho rằng nếu khai thác quặng bauxite để sản xuất nhôm trên Tây Nguyên sẽ tạo ra những tác hại rất nguy hiểm về môi trường, tuy nhiên dự án này vẫn được tiến hành dù gặp nhiều bất lợi cả về phương diện môi trường lẫn tài chính.

Những người có ảnh hưởng trong xã hội mà họ lên tiếng thì bất cứ chính phủ nào cũng phải thấy rằng là phải lắng nghe.

-Nhà báo Mai Phan Lợi.

Nhà báo Mai Phan Lợi nhận xét:

“Thời Bauxite Tây Nguyên thì lúc đấy Facebook chưa phát triển. Ở thời điểm hiện tại, theo xác nhân của Bộ Thông tin & Truyền thông thì có năm mươi mấy triệu tài khoản. Năm mươi mấy triệu tài khoản đấy là một lực lượng rất tinh hoa trong xã hội Việt Nam. Những người nổi tiếng, quan chức nhà nước, những người có ảnh hưởng trong xã hội mà họ lên tiếng thì bất cứ chính phủ nào cũng phải thấy rằng là phải lắng nghe. Trước đây họ không có điều kiện để bộc lộ mình, thì nó hạn chế hơn.”

Ngay sau khi tin tức về dự án dìm bùn ở Bình Thuận được công bố vào cuối tháng Sáu, một người gốc Bình Thuận hiện sống ở Úc là Tiến sĩ Phan Hữu Trọng Hiền đã lập một trang Facebook phản đối chuyện này, và ông tự bỏ tiền túi để làm cho trang này lan tỏa đến với nhiều người quan tâm.

Tuy nhiên lúc đó, ông Hiền có nói với chúng tôi rằng ông tuyệt vọng vì giấy phép dìm bùn đã được ký, và các chủ đầu tư có nguồn lực tài chính dồi dào sẽ vận động mạnh để dự án được thực hiện. Khi được tin dự án sẽ bị dừng lại, ông viết trên Facebook, mà chúng tôi xin trích dẫn, rằng ông rất vui mừng vì sự hợp tác của những nhà báo, những nhà khoa học, và mọi người đã đem đến kết quả.

Nhà báo Trương Duy Nhất thì cho rằng nhà nước Việt Nam hiện đã xem mạng xã hội như một kênh truyền thông để có thể biết được ý kiến của dân chúng, việc đó đã thúc đẩy Bộ Tài nguyên & Môi trường thay đổi quyết định của mình chỉ trong một thời gian ngắn.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/social-media-impact-environment-08092017122517.html

 

Biển miền Trung tiếp tục hứng chất thải

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

Từ Bình Thuận đến Hà Tĩnh, không có nơi nào là bờ biển không có vấn đề, không có nơi nào mà người dân vùng biển không kêu than, thậm chí rên xiết vì biển ô nhiễm. Như vậy, kể từ khi Formosa Hà Tĩnh xả độc ra biển đến nay, còn hàng trăm vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường biển khắp các tỉnh miền Trung, và tình trạng biển bị bức hại ngày càng nặng nề hơn chứ không hề thuyên giảm.

Các ống xả thải thành phố

Nếu nói về vùng biển còn hy vọng là sạch sẽ, không bị xả thải, có lẽ là biển ở tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, những tưởng đây là vùng biển sạch còn lại của miền Trung. Nhưng có vẻ như độc tố đã đánh thẳng vào “tử cấm thành” này thông qua các ống xả thải hôi thối.

Ông Trần Quốc Viên, một thành viên trong đội thể thao biển Dana Beach Đà Nẵng, chia sẻ:

“Giờ họ ủi đất vào bịt cống, nhưng chưa bịt hẳn, sau đó họ lấy cái ống thẳng ra biển cho chảy cả ngày cả đêm, hôi thối không chịu được. Chính cán bộ cơ quan xử lý môi trường cũng thừa nhận với tụi tôi là nước thải này không qua xử lý mà! Nói chung với tình hình này thì biển dơ dáy là cái chắc rồi. Hôm qua có một đôi khách Nhật tới đây, họ chịu không nổi, phải bụm mũi.”

Chính cán bộ cơ quan xử lý môi trường cũng thừa nhận với tụi tôi là nước thải này không qua xử lý.
– Trần Quốc Viên, Đà Nẵng

Ông Viên chia sẻ thêm, hiện tại, có đến 9 đường cống xả thải từ thành phố tuôn thẳng ra biển Đà Nẵng và lưu lượng thải khó mà ước lượng được bao nhiêu mét khối mỗi ngày. Nhưng có một thực trạng dễ nhìn thấy nhất là những ngày mưa, lượng nước thải hôi thối từ thành phố tuôn ra biển khiến cho nước biển đen ngòm, rất khó nhìn. Và sau khi nước đổi màu từ xanh trong sang đen nâu, nếu lội xuống biển, cảm giác hơi nóng ngoài da và sau đó là nổi mẩn ngứa ở những vùng da tiếp xúc với nước biển. Nhiều thành viên trong đội thể thao biển Đà Nẵng phải đi khám da liễu.

Tình trạng nước cống từ thành phố tuôn thẳng ra biển đã kéo dài nhiều tháng nay và mỗi lúc càng thêm hôi thối, đen đúa. Là một nhóm hội viên gắn liền với biển bởi công việc đặc trưng, dường như bất kỳ sự chuyển biến nào của biển, nhóm của ông Viên đều cảm nhận được. Và có vẻ như càng về sau, biển Đà Nẵng càng trở nên dơ dáy và tệ hại bởi những ống xả thải thành phố.

Nhóm các thành viên trong đội thể thao biển Đà Nẵng cũng kêu gọi chính quyền thành phố Đà Nẵng có biện pháp cụ thể và hợp lý để bảo vệ biển, trả sự trong lành về cho biển Đà Nẵng. Vì với đà như hiện tại, chẳng bao lâu nữa, biển Đà Nẵng, nơi được mệnh danh là thành trì cuối cùng của biển còn giữ sự trong lành sẽ đen đúa và dơ dáy. Lúc đó, có muốn cứu cũng không kịp.

Các thành viên trong nhóm thể thao biển cũng cho biết thêm là hầu hết các đường ống cống thải ra biển Đà Nẵng đều chưa qua xử lý nước thải, có cả rác và các loại ve chai nhựa, bao bánh kẹo trong dòng chảy. Hơn nữa, nếu đã qua xử lý thải thì không thể hôi thối đến mức không chịu được như hiện tại.

Biển Hà Tĩnh vẫn cực độc

Sơ Thuyết Mai, người chứng kiến những ngày đầu tiên biển Hà Tĩnh bị nhiễm độc, người dân xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh phải chống chọi để tồn tại ra sao cho đến nay, chia sẻ:

“Đời sống của dân sống bằng nghề biển, cá biển bị nhiễm, giờ dân vẫn đi lưới, cá đánh về rất rẻ. Đời sống dân rất vất vả, kiếm đồng tiền nuôi gia đình ngày càng trở nên khó khăn hơn. Biển chưa sạch đâu, vì mỗi khi dân đi biển về, có một số người ăn cá, vẫn bị tức ngực, khó thở, nhiều người ăn cá muối cũng bị suyễn, nguy cơ tử vong không phải là không có!”

Biển chưa sạch đâu, vì mỗi khi dân đi biển về, có một số người ăn cá, vẫn bị tức ngực, khó thở, nhiều người ăn cá muối cũng bị suyễn.

– Sơ Thuyết Mai, xã Kỳ Lợi

Sơ Thuyết Mai chia sẻ thêm là hiện nay, nếu như dùng tiêu chuẩn cá chết hay không chết để khẳng định biển có còn độc tố hay không là một sai lầm lớn. Bởi theo quan sát của bà cũng như các ngư dân lâu năm ở Kỳ Anh thì hầu hết các loài cá gần bờ đã vắng bóng trong vùng biển Hà Tĩnh, các ngư dân nơi đây phải đi đánh bắt xa bờ. Nhưng hiện tượng cá chết vẫn chưa chấm dứt ở các vùng biển xa bờ.

Như vậy thì không thể khẳng định rằng biển Hà Tĩnh đã hết độc như các phương tiện truyền thông trong nước đã loan báo.

Hiện tại, các ngư dân thuộc các cộng đoàn Công giáo vẫn không dám đánh bắt gần bờ bởi lương tâm Công giáo không cho phép họ nói láo, dối trá với đồng loại, nếu chỉ vì chén cơm manh áo, chấp nhận đánh bắt gần bờ để bán cho người khác cũng đồng nghĩa với việc đang âm thầm đầu độc đồng loại. Chính vì vậy mà các thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ thuộc các cộng đoàn tôn giáo ở Hà Tĩnh vẫn đắp chiếu suốt hai năm nay.

Gần đây, công ty Formosa tiếp tục đắp thêm một khu vực khá rộng lấn biển, trong khi đó, nếu xâu chuỗi sự việc thì kể từ khi bị người dân phát hiện, không thể chôn giấu chất thải trong đất liền cũng như việc mang chất thải đổ ra biển ngày càng khó khăn hơn, có một lượng chất thải rất lớn Formosa không thể mang đi đổ được. Liệu có phải khối lượng khổng lồ mà Formosa đắp lấn biển chính là chất thải của họ?

Bởi hiện nay, nếu tìm hiểu về quá trình bồi đắp biển của Formosa, không hề có việc vận chuyển đất từ núi hay vận chuyển cát, hút cát từ biển vào để bồi đắp. Vậy khối lượng lấn biển này lấy từ đâu ra? Và nếu như khối lượng dùng để lấn biển này là chất thải thì về lâu về dài, nó để lại hậu quả gì?

Đó là những câu hỏi nhức nhối mà không riêng gì sơ Thuyết Mai Trăn trở mà là câu hỏi chung của nhiều người dân miền Trung. Câu hỏi chung của những ai từng tắm táp, bơi lội trong dòng nước xanh trong của biển miền Trung một thuở. Đặc biệt, đây là câu hỏi, là tiếng kêu đau của những ngư dân đang bị mất dần sinh kế trên biển, khi mà các ống xả thải vẫn cứ hồn nhiên xả độc vào biển như chốn không người!

http://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/waste-continually-discharged-into-sea-of-central-regions-08092017135054.html

 

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Khía cạnh pháp lý & Hệ lụy

Giáo sư Lê Đình Thông cho rằng vụ Trịnh Xuân Thanh đã mở đầu cho một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong mối quan hệ Việt-Đức và có thể ảnh hưởng tới quan hệ Việt-EU vì Liên minh châu Âu là một liên minh kinh tế chính trị bao gồm 28 nước thành viên, hay đúng hơn chỉ còn 27 nước sau khi Anh hoàn tất các đàm phán rời EU. Sau đây là cuộc trao đổi giữa VOA-Việt ngữ và Giáo sư Lê Đình Thông về khía cạnh pháp lý của vụ Trịnh Xuân Thanh và những hệ lụy của vụ này.

VOA : Đức và Pháp là hai nước lãnh đạo EU, liệu xích mích ngoại giao giữa Đức với Việt Nam có tác động tiêu cực đến quan hệ Việt Nam-EU?

LĐT (Giáo sư Lê Đình Thông) : Hiệp định Maastricht và hiệp định Lisbonne quy định chính sách ngoại giao và an ninh chung, viết tắt là PESC (Politique étrangère et de sécurité commune) của Liên hiệp Châu Âu. Các quy định này có mục đích bảo vệ các giá trị và quyền lợi căn bản. Tôi xin nói thêm là các giá trị này bao gồm độc lập và quyền toàn vẹn lãnh thổ, củng cố chế độ dân chủ, nhà nước pháp quyền, nhân quyền, và ngoài ra còn các nguyên tắc căn bản của công pháp quốc tế nữa. Thì trong vụ Trịnh Xuân Thanh, Hà Nội đã vi phạm trắng trợn tất cả các nguyên tắc mà tôi vừa nhắc đến. Trong trường hợp này, để trả lời câu hỏi mà VOA đã đưa ra thì tôi xin nói rõ cái hiệp ước Maastricht năm 1992 cho phép Liên hiệp Châu Âu có tiếng nói duy nhất trong quan hệ quốc tế.

Nếu chính phủ Đức yêu cầu thì Cao ủy Ngoại giao và An ninh của Liên hiệp Châu Âu có thể thụ lý hồ sơ và đưa ra các biện pháp chế tài thích hợp.

VOA : Xin Giáo sư một nhận định về vụ Trịnh Xuân Thanh từ quan điểm công pháp quốc tế, dựa trên những gì mà Bộ Ngoại giao Đức nói đã xảy ra, tức là Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc trên lãnh thổ Đức?

LĐT : Theo công pháp quốc tế, việc một quốc gia, trong vụ việc là Việt Nam, dùng các biện pháp cưỡng chế, bắt người hoặc thủ tiêu người tại nước ngoài, gây mê để dễ dàng đưa người này lên máy bay cứu thương bay về Hà Nội, tội danh này được quy định trong Công ước quốc tế do Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 20/12/2006 và được coi là tội phạm chống nhân loại trong trường hợp thủ tiêu đối thủ chính trị.

Theo điều 1, khoản 2 của Công ước vừa kể, không thể viện dẫn bất cứ một trường hợp ngoại lệ nào để biện minh cho việc bắt cóc hoặc thủ tiêu cấp quốc gia. Trong hiện vụ, bộ Ngoại giao Việt Nam ngụy tạo ông Trịnh Xuân Thanh tự ý ra trình diện. Nếu luật sư của ông Thanh đưa bằng chứng là vào cuối tháng 07/2017, ông Thanh còn ở Berlin và ông không có tên trong các chuyến bay dân sự vào đầu tháng 8, sự việc này chứng tỏ kịch bản ‘tự ý trình diện’ hoàn toàn vô căn cứ.

Ngoài khía cạnh pháp luật, việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ nước Đức có thể gây hậu quả nghiêm trọng trong lãnh vực ngoại giao, đưa dến các biện pháp chế tài về phương diện kinh tế và chính trị, như bộ Ngoại giao Đức từng tuyên bố.

VOA : Thưa Giáo sư, tùy viên tình báo của sứ quán Việt Nam trước khi bị trục xuất bị Đức tuyên bố là Persona non Grata, Xin GS giải thích khái niệm ‘persona non grata’ trong ngoại giao?

LĐT : Persona non grata, viết tắt PNG, là thuật ngữ ngoại giao, theo gốc tiếng La tinh có nghĩa là ‘người không được hoan nghênh’. Trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế thì quy định như thế nào về việc này? Tôi xin nói rõ là theo điều 9 củ C ông ước Vienne về quan hệ ngoại giao ký ngày 14/04/1961, nhân viên này có thể bị nước sở tại trục xuất. Mà chúng ta đã thấy sự việc nó xảy ra đúng như quy định của luật pháp quốc tế.

Bí thư Nguyễn Đức Thoa đã hoạt động tình báo tại Đức, đi ra ngoài công tác ngoại giao và lãnh sự, mà tình báo có vi phạm tới luật pháp của nước Đức, chính vì vậy đã bị Bộ ngoại giao Đức trục xuất. Sáng ngày 4/8, cảnh sát Đức đã áp tải đương sự lên máy bay. Sự việc này đã mở đầu cho một giai đoạn đen tối trong quan hệ Việt-Đức.

VOA : Giáo sư cho rằng vụ Trịnh Xuân Thanh có thể khiến EU xét lại các quan hệ thương mại với VN?

LĐT : Vâng, từng bước sẽ xét lại, không xét lại tức khắc. Các biện pháp chế tài như thuật ngữ của Bộ Ngoại giao Đức, từng bước sẽ ảnh hưởng tới tình hình tại VN. Từng bước có nghĩa là tùy theo mức độ đáp ứng của Hà nội, Đức và EU sẽ có các biện pháp thích hợp, và như đã phân tích, cuối cùng sẽ đưa đến những hậu quả hết sức bất lợi cho VN. Hậu quả về kinh tế và tài chánh nó sẽ như thế nào, tôi chỉ xin viện dẫn một sự việc : hiện nay hàng năm VN xuất khẩu 9 tỉ đôla sang Đức, đây là một số lượng đáng kể, thì cuộc khủng hoảng này ngoài ra cũng sẽ ngăn cản việc phê chuẩn hiệp định thương mại Việt-Đức nữa, tức là hậu quả ngày càng đi xa hơn, nghĩa là không dừng ở lĩnh vực ngoại giao mà còn đi sang lĩnh vực kinh tế và ảnh hưởng tới việc thi hành hiệp định quốc tế.

VOA : Thưa Giáo sư, báo chí, dư luận ở Pháp nói chung có chú ý tới vụ Trịnh Xuân Thanh không?

LĐT : Báo chí và dư luận Pháp tỏ ra rất quan tâm đến vụ việc này. Tôi xin nêu ví dụ cụ thể, dưới hàng tít: ‘‘Khủng hoảng ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội sau vụ bắt cóc một người Việt Nam ở bên Đức » thì nhật báo Le Monde viết như sau: «Nhà cầm quyền Đức quả quyết không còn nghi ngờ gì nữa về việc tình báo Hà Nội bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin. Nạn nhân là cấp ủy đảng cộng sản Việt Nam, hiện nay bị thất sủng ».

Le Monde là tờ báo lớn nhất của Paris và là tờ báo được giới đại học tham chiếu để viết các tài liệu.

Ngoài tờ Le Monde còn có tờ Liberation, là một tờ báo có khuynh hướng khuynh tả, tờ báo này loan tin trong số ra ngày 3/8 :

«Ngày chủ nhật 23/7, trong khi đi dạo trong công viên Tiergarten không xa Phủ Thủ tướng thì Trịnh Xuân Thanh đã bị các phần tử vũ trang đột nhập, hành hung rồi dúi đầu vào xe mang bảng số ngoại giao phóng đi mất hút. Sự việc này đã gây ra khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Đức và Hà Nội.

Cộng đồng người Đức gốc Việt có số cử tri đáng kể, hoàn toàn hậu thuẫn chính phủ Đức trong việc đánh giá hành động của chính quyền Việt Nam hiển nhiên đã vi phạm luật pháp nước Đức và công pháp quốc tế.

Nhiều người đặt câu hỏi trong nước có rất nhiều Trịnh Xuân Thanh nhũng lạm hàng tỷ đô la. Tại sao lại đi bắt cóc một mình ông Thanh ?

Ông Trịnh Xuân Thanh, người bị cáo buộc làm thất thoát khoảng 125 triệu Mỹ kim trong Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, đã làm thủ tục xin tị nạn chính trị tại Sở Di trú và Tị nạn Liên bang Đức. Thứ hai 31/07, báo chí Hà Nội loan tin Trịnh Xuân Thanh tự ý ra đầu thú. Các luật sư người Đức của ông Thanh phản bác lập luận này và cho rằng không khi nào Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú. Bộ Ngoại giao Đức đã yêu cầu Hà Nội đưa ông Trịnh xuân Thanh sớm trở lại nước Đức, để giải quyết đơn xin tị nạn của ông cũng như yêu cấu dẫn độ của Việt Nam theo đúng trình tự pháp lý.

https://www.voatiengviet.com/a/vu-trinh-xuan-thanh-khia-canh-phap-ly-va-he-luy-/3978933.html

 

Chuyên gia: ‘Đức không thật sự cần Trịnh Xuân Thanh’

Căng thẳng ngoại giao sau khi Bộ ngoại giao Đức đầu tháng 8 cáo buộc các đặc vụ Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đang đặt ra bài toán hóc búa cho Hà Nội về xử lý khủng hoảng.

Một chuyên gia người Việt hiện ở Đức nói với VOA rằng cường quốc Tây Âu muốn ông Thanh được quay trở lại nước này không hẳn vì họ cần ông ấy, mà vì họ muốn đảm bảo các nguyên tắc.

Ông Trịnh Xuân Thanh đã bị chính quyền Việt Nam truy nã vì gây thiệt hại kinh tế lên đến 3.300 tỷ đồng (khoảng 147 triệu đôla) khi ông là lãnh đạo một tập đoàn nhà nước. Hôm 3/8, truyền hình nhà nước Việt Nam chiếu video ông Thanh nói ông tự về nước đầu thú.

Tuy nhiên, trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố có những bằng chứng cho thấy các nhân viên an ninh Việt Nam đã bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, người đã nộp đơn xin tị nạn, và đưa ông ra khỏi Đức một cách bất hợp pháp.

Bộ nói Đức sẽ xem xét các biện pháp tiếp theo ở mức chính sách về chính trị, kinh tế cũng như phát triển để đáp trả việc làm của Việt Nam, nếu cần thiết.

Ông Lê Ngọc Sơn, một chuyên gia quản lý khủng hoảng đang tham gia một nhóm nghiên cứu ở Đức, nói với VOA rằng về mặt cá nhân, ông ủng hộ công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam và việc nhà chức trách trong nước bắt ông Trịnh Xuân Thanh là “cần thiết”, giúp “răn đe giảm thiểu tham nhũng”.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu trẻ này chỉ ra rằng hành động của Việt Nam, mà ông gọi là “nóng vội”, đã đi ngược lại “luật pháp và tính cách Đức”. Ông cho rằng đã có “khoảng cách lớn” trong cách hiểu của Việt Nam về văn hóa Đức:

“Người Đức tôn trọng kỷ cương và các trình tự. Người Đức nổi tiếng thế giới về các trình tự. Sự quan liêu của nền hành chính Đức cũng là một nét văn hóa ở Đức. Bộ trưởng [Ngoại giao] Đức vừa phát biểu trên báo chí là họ không ‘dung thứ’ vụ việc này, vì nó rất nghiêm trọng. Người Đức không muốn có tiền lệ là ai cũng có thể bắt cóc ở nước Đức này. Nó là tiền lệ xấu. Theo tôi nghĩ, người Đức sẽ làm triệt để và thật. Để giải quyết cuộc khủng hoảng này, trước hết phải là đặt vào vị trí người Đức và hiểu hành động của người Đức, thay vì chúng ta giải thích hành động của người Đức theo lối nghĩ của người Việt”.

Về mặt lý thuyết của nước Đức, họ muốn phục hồi tình trạng trước khi sự việc xảy ra, trước khi sự cố ngoại giao xảy ra. Họ có những bộ phận để điều tra tư cách một người có được lợi ích về mặt tị nạn hay không. Với những gì đang diễn ra, với sự thật về Trịnh Xuân Thanh, thì nước Đức họ sẽ không chấp nhận [cho tị nạn]. Tôi không nghĩ họ thực sự cần Trịnh Xuân Thanh.

Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn

Về tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức hôm 2/8 yêu cầu rằng “ông Trịnh Xuân Thanh được cho phép trở lại nước Đức ngay”, chuyên gia Lê Ngọc Sơn cho rằng Đức biết được bản chất ông ta là “nạn nhân chính trị hay là kẻ tham nhũng”. Nhưng theo ông Sơn, Đức đòi hỏi như vậy vì họ làm theo nguyên tắc:

“Về mặt lý thuyết của nước Đức, họ muốn phục hồi tình trạng trước khi sự việc xảy ra, trước khi sự cố ngoại giao xảy ra. Họ có những bộ phận để điều tra tư cách một người có được lợi ích về mặt tị nạn hay không. Với những gì đang diễn ra, với sự thật về Trịnh Xuân Thanh, thì nước Đức họ sẽ không chấp nhận [cho tị nạn]. Tôi không nghĩ họ thực sự cần Trịnh Xuân Thanh”.

Trong khi tranh cãi ngoại giao Đức-Việt chưa ngã ngũ, đã xuất hiện những lo ngại trong cộng đồng gồm hơn 150.000 người Việt ở Đức rằng vụ việc sẽ làm Việt Nam mất đi sự ủng hộ của Đức và khối EU trong nhiều vấn đề từ kinh tế tới chính trị.

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt-Đức đạt hơn 9 tỉ đôla năm 2016 và khoảng hơn 4,6 tỉ đôla trong nửa đầu năm nay, trong đó Việt Nam đang xuất siêu sang Đức.

Doanh nhân, việc kinh doanh giống như là lớp đệm trong quan hệ giữa hai nước. Dường như đó là lợi ích chung mà chúng ta có thể tận dụng cơ hội này, và có thể kêu gọi doanh nhân Đức để họ cùng giải quyết cuộc khủng hoảng này, hoặc là những người Đức yêu Việt Nam, những người Đức từng gắn bó với Việt Nam.

Ông Lê Ngọc Sơn

Giới quan sát cảnh báo một động thái bất lợi từ phía Đức có phần chắc sẽ dẫn đến những diễn biến tiêu cực, ít nhất về mặt kinh tế, cho Việt Nam.

Xét đến mối quan hệ kinh tế có quy mô lớn với nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Đức, bao gồm cả Siemens, Mercedes, Deutsche Bank, đã và đang đầu tư vào Việt Nam tới 1,8 tỷ đôla, một số người gợi ý Hà Nội nên mời giới kinh doanh Đức đóng một vai trò để liên lạc với chính quyền Đức tháo gỡ cuộc khủng hoảng.

Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn nói với VOA rằng đề xuất đó đáng được xem xét:

“Đó cũng là một gợi ý hay. Doanh nhân, việc kinh doanh giống như là lớp đệm trong quan hệ giữa hai nước. Dường như đó là lợi ích chung mà chúng ta có thể tận dụng cơ hội này, và có thể kêu gọi doanh nhân Đức để họ cùng giải quyết cuộc khủng hoảng này, hoặc là những người Đức yêu Việt Nam, những người Đức từng gắn bó với Việt Nam”.

Ông Sơn lưu ý rằng kim ngạch thương mại có thể là lớn với Việt Nam nhưng đối với Đức, nền kinh tế trong nhóm top 5 trên thế giới, mấy tỉ đôla “chỉ tương đương vài cỗ máy mà Đức xuất khẩu”.

Vì vậy, chuyên gia này nói Việt Nam “đừng nghĩ lấy điều đó ra để mặc cả”. Theo ông, Việt Nam phải có tinh thần “tôn trọng, trọng thị và đặt quan hệ hai nước lên hàng đầu”.

https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-gia-noi-duc-khong-that-su-can-trinh-xuan-thanh/3978888.html

 

Thành công của người Việt ở Mỹ và ý nghĩa đối với người tị nạn

Ngọc Lễ

Để hòa nhập được và có chỗ đứng trong xã hội Mỹ ngày nay, cộng đồng người Việt tị nạn đã phải nỗ lực phấn đấu và kinh nghiệm của họ có thể là bài học ý nghĩa đối với những người tị nạn hiện nay trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang thắt chặt vấn đề di dân. Đó là nội dung chính của cuộc triển lãm-hội thảo về di sản của người tị nạn Việt Nam tại Mỹ.

Với tiêu đề “Chiến tranh và Tị nạn”, sự kiện này được một số hội đoàn của người Mỹ gốc Việt tại vùng thủ đô Washington tổ chức hôm 3/8 tại Rayburn Office Building, Quốc hội Hoa Kỳ, với các diễn giả là một số nhân vật trong cộng đồng người Việt ở Mỹ và các học giả Mỹ nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam.

Nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, người được mệnh danh là ‘Bomb Lady’ vì đã chế tạo một trong những loại bom mà quân đội Mỹ dùng trong cuộc chiến ở Afghanistan, nói rằng những trải nghiệm của bà khi di tản khỏi miền Nam Việt Nam đã giúp bà nhận thức được rằng “sự tự do quý giá đến dường nào” và “được trở thành một công dân Hoa Kỳ là một đặc ân như thế nào”.

“Từ một người tị nạn chiến tranh trở thành một công dân Hoa Kỳ đầy tự tin, tôi đã học được rất nhiều điều,” bà Ánh nói. “Đó là nước Mỹ là thiên đường, là nơi tự do để tìm các cơ hội, là đất nước của dân chủ. Tôi yêu quý đất nước này.”

Tuy nhiên, bà Ánh cũng lưu ý rằng nhiều người sinh ra ở nước Mỹ xem những thứ mà họ được hưởng là đương nhiên. “Trách nhiệm của chúng tôi là chỉ ra cho những người dân Mỹ khác rằng tự do là một món quà mà chúng ta cần cảnh giác bảo vệ.”

“Những gì mà chúng ta xem là đương nhiên ở đây chỉ tồn tại trong giấc mơ ở những nơi khác. Chúng ta phải giúp cho những giấc mơ này trở thành hiện thực,” bà Ánh nói.

Ông Quý Tôn “Charlie”, người được mệnh danh là ‘Vua ngành Nail’ ở Mỹ với 900 cửa tiệm nhượng quyền, nói ông “tự hào là người Việt Nam” và “biết ơn được làm công dân Mỹ”. Ông Quý nói rằng là một doanh nhân người Mỹ gốc Việt, ông đã đóng thuế cho nước Mỹ, tạo việc làm cho người dân Mỹ và hỗ trợ cho cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Bà Mylene Trần Huỳnh, một bác sỹ từng phục vụ trong quân đội Mỹ, nói bà và gia đình khi đi di tản đến Mỹ đã cảm nhận được lòng tốt, lòng trắc ẩn và sự hào phóng của người dân Mỹ.

Tuy nhiên, bà nói rằng trong bối cảnh lo sợ về khủng bố ở Mỹ, các nhà lãnh đạo ra quyết định “dựa trên nỗi sợ hãi”. “Chúng tôi sẽ cố gắng tác động các nhà lãnh đạo ra quyết định dựa trên tình thương để mở rộng tấm lòng (đối với những người tị nạn),” bà nói.

Về việc nước Mỹ không còn mở rộng cửa đối với những người tị nạn chiến tranh, nhất là những người tị nạn đến từ Syria, bà Nancy Bùi, nhà sản xuất bộ phim tài liệu ‘Vietnamerica’ về người tị nạn Việt Nam, chia sẻ với VOA bên lề buổi hội thảo:

“Lãnh thổ Hoa Kỳ vẫn còn rộng. Việc đón nhận người tị nạn không có vấn đề gì khó khăn nhưng thời gian gần đây có một số người tị nạn lợi dụng đời sống tị nạn tương đối dễ dàng để làm một số điều mất an ninh nên việc tiếp nhận người tị nạn bị ít đi.”

Bà cho rằng “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tiếp nhận người tị nạn dù lúc ít lúc nhiều” vì “người tị nạn đã làm biết bao nhiêu điều để trả ơn đất nước đã cưu mang họ.”

“Nước Mỹ đã được trả cả vốn lẫn lời,” bà Bùi nói. Bà cũng kể rằng điều đọng lại trong lòng bà trong hành trình di tản đến Mỹ là sự thôi thúc của tự do đã khiến bà và những người tị nạn khác “bỏ lại tất cả để ra đi trong hành trình chín chết một sống.”

“Không phải di dân nào cũng có nền tảng giống nhau. Bạn có thể thấy ai là thủ phạm hầu hết các cuộc tấn công khủng bố. Một số di dân đến đây với mục đích là làm hại chúng ta nên họ thật ra không phải là di dân mà là thành phần thù nghịch. Chúng ta phải bảo vệ chúng ta cũng như những di dân khác trước những âm mưu này,” Tiến sỹ Lewis Sorley, một nhà sử học về chiến tranh Việt Nam và là tác giả cuốn ‘A Better War’, nói với VOA Việt ngữ.

“Lòng tốt, lòng trắc ẩn và sự hào phóng của người Mỹ tôi hy vọng vẫn luôn tồn tại,” ông nói thêm, “Chúng tôi vẫn tiếp tục tiếp nhận người di cư từ khắp nơi trên thế giới nhưng cần thiết phải kiểm tra họ một cách kỹ lưỡng.”

Về người tị nạn Việt Nam ở Mỹ, Tiến sỹ Sorley nói rằng họ “hoàn toàn có quyền đến Mỹ” vì “chúng tôi (người Mỹ) mắc nợ họ”.

“Hãy nhớ lại người Mỹ đã bỏ rơi họ (miền Nam Việt Nam) như thế nào. Chúng tôi hết sức biết ơn những người Việt tị nạn này vì thay vì giữ mối thù hận đối với chúng tôi – họ có quyền làm vậy – họ lại đến nước Mỹ với quyết tâm trở thành công dân Mỹ tốt cũng như người Việt Nam tốt,” ông nói thêm.

Ngoài buổi hội thảo, dịp này, ban tổ chức còn giới thiệu cuộc triển lãm tranh của trên 10 họa sỹ người Mỹ gốc Việt và trình chiếu bộ phim tài liệu “Vietnamerica”.

https://www.voatiengviet.com/a/thanh-cong-cua-nguoi-viet-o-my-va-y-nghia-doi-voi-nguoi-ti-nan/3978822.html

 

Trung Quốc đắc lợi từ vụ Trịnh Xuân Thanh?

Viễn Đông

Xem bình luận

Giới quan sát nhận định rằng Việt Nam đang ngày càng trở nên “đơn thương độc mã” chống Trung Quốc trong lòng ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), và việc bị Berlin cáo buộc “bội tín” sau vụ “bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh về nước càng khiến Hà Nội rơi vào thế đơn độc.

Nhà quan sát Nguyễn Anh Tuấn, người từng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, nhận định: “Mọi nỗ lực của Việt Nam kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông ít nhất sẽ bị Đức (và cả Liên minh Châu Âu mà nước này đang dẫn dắt) phớt lờ hoặc coi là lố bịch một khi Việt Nam đã chứng tỏ họ sẵn sàng bất chấp luật pháp quốc tế để đạt được mục đích của mình, ngay trên đất Đức, ngay trên đất Châu Âu”.

… lập luận chính của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông sẽ trở nên yếu ớt vô cùng; và họ cũng chẳng còn tư thế nào phản đối việc Trung Quốc chơi luật rừng trên biển, khi đây cũng là thứ luật mà họ vừa áp dụng ngay trước mắt cộng đồng quốc tế.

Nhà quan sát Nguyễn Anh Tuấn nói.

“Theo đó, lập luận chính của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông sẽ trở nên yếu ớt vô cùng; và họ cũng chẳng còn tư thế nào phản đối việc Trung Quốc chơi luật rừng trên biển, khi đây cũng là thứ luật mà họ vừa áp dụng ngay trước mắt cộng đồng quốc tế”, nhà hoạt động xã hội này viết trên Facebook cá nhân.

Cuối tuần qua, ít ngày sau khi bị Đức lên án, Hà Nội vận động các nước ASEAN có quan điểm mạnh mẽ hơn chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Việt Nam cũng muốn các quốc gia trong khối nhấn mạnh tới tính ràng buộc về mặt pháp lý của khung bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông, nhưng vấp phải sự phản đối của một số quốc gia nhận viện trợ lớn của Trung Quốc như Campuchia và Philippines.

Khi được hỏi rằng liệu có phải Trung Quốc đã lợi dụng việc Việt Nam bị mất lòng tin với Đức trong vụ Trịnh Xuân Thanh để lấn tới, tìm cách cô lập Hà Nội trong vấn đề Biển Đông, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nói rằng “không nên gắn cái nọ với cái kia”.

Ông nói thêm: “Vụ Trịnh Xuân Thanh không tác động gì tới quan hệ quốc tế của Việt Nam đâu. Với Đức, hai bên có thể có một số mâu thuẫn và sẽ tự dàn xếp. Còn có dính gì tới Trung Quốc? Trung Quốc bây giờ đang ‘tả xung, hữu đột’ trong lò bát quái về Đại hội 19 [diễn ra cuối năm nay]. Trung Quốc không hài lòng với cách tiếp cận của Việt Nam. Bây giờ chỉ còn Việt Nam chủ trương rằng COC phải thúc đẩy, nhưng phải có tính ràng buộc, và phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Điều đó Trung Quốc không muốn”.

Vụ Trịnh Xuân Thanh không tác động gì tới quan hệ quốc tế của Việt Nam đâu. Với Đức, hai bên có thể có một số mâu thuẫn và sẽ tự dàn xếp. Còn có dính gì tới Trung Quốc? Trung Quốc bây giờ đang ‘tả xung, hữu đột’ trong lò bát quái về Đại hội 19 [diễn ra cuối năm nay].

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Trường nhận định.

Cựu đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển nhận định rằng Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị “muốn lập thành tích để chuẩn bị cho đại hội đảng mà trong đó có việc giải quyết ổn thỏa với ASEAN về COC”.

Tại Philippines, bên lề hội nghị của khối, theo truyền thông nước ngoài, ông Vương đã hủy cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong khi cổng thông tin chính phủ Việt Nam đăng ảnh hai quan chức quốc gia láng giềng bắt tay nhau, nói rằng đây là cuộc gặp “bên lề” hôm 7/8.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Trường cho rằng các nước ASEAN “không chú ý” tới vụ Trịnh Xuân Thanh vì mỗi nước ASEAN đều có rất nhiều vấn đề gai góc”, “quá phụ thuộc” và “bị sức ép của Trung Quốc”, trong khi Bắc Kinh “lobby [vận động] thông qua COC”.

​Từ chuyện Trịnh Xuân Thanh, chuyên gia về quan hệ quốc tế này liên tưởng tới việc Trung Quốc dẫn độ hàng nghìn người về nước cũng như vị thế của Việt Nam.

Khoảng 3200 đến 3500 người Trung Quốc bị dẫn độ từ nước ngoài về mà các nước đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, bởi vì sức ép của Trung Quốc nó lớn quá và phải thuận theo Trung Quốc. Còn Việt Nam chẳng có lực gì lớn nên nói người ta cũng không nghe.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường nói.

Ông nói thêm: “Khoảng 3200 đến 3500 người Trung Quốc bị dẫn độ từ nước ngoài về mà các nước đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, bởi vì sức ép của Trung Quốc nó lớn quá và phải thuận theo Trung Quốc. Còn Việt Nam chẳng có lực gì lớn nên nói người ta cũng không nghe. Thôi thì nhiều khi cũng phải làm đại đi một cái để mà thực hiện những chủ trương trong nước của mình cho nó chắc chắn. Chứ nói chống tham nhũng mà lại không chống được tham nhũng thì nó khó chịu”.

Trong một bài viết hôm 2/8, báo điện tử VietNamNet viết bài về chuyện “quan tham Trung Quốc bỏ trốn rồi đầu thú hệt như Trịnh Xuân Thanh”, trong đó nói với việc bà Dương Tú Châu, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Chiết Giang, một người nằm trong danh sách 100 quan tham bị Bắc Kinh “truy nã đỏ quốc tế”, mới về nước “đầu thú” sau 13 năm lẩn trốn ở nước ngoài.

Sau khi bị Đức cáo buộc “bắt cóc” ông Thanh, Việt Nam lên tiếng nói “lấy làm tiếc” về tuyên bố của Berlin, đồng thời nhấn mạnh rằng cựu quan chức tỉnh Hậu Giang này về nước “tự thú”.

​Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Đức hôm 9/8 đăng ý kiến của Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, trong đó nhấn mạnh rằng Đức “sẽ không dung thứ” dù “trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.

Trên Facebook, đại sứ quán Đức ở Hà Nội cũng đăng bài phỏng vấn của ông Gabriel với tờ “Stuttgarter Nachrichten”, trong đó ông nói rằng Berlin “sẽ không để yên” chuyện này.

Chúng tôi đã thông báo với chính phủ Việt Nam về quan điểm rõ ràng cũng như các kỳ vọng của chúng tôi. Tới nay, vẫn chưa có hồi đáp chính thức. Nhưng chúng tôi có quyền tiến hành các biện pháp tiếp theo, nếu cần.

Ngoại trưởng Đức nói.

Trả lời câu hỏi về chuyện liệu chính phủ Việt Nam có sẵn lòng nhanh chóng đưa ông Trịnh Xuân Thanh trở lại Berlin, nhà ngoại giao hàng đầu của Đức nói: “Chúng tôi đã thông báo với chính phủ Việt Nam về quan điểm rõ ràng cũng như các kỳ vọng của chúng tôi. Tới nay, vẫn chưa có hồi đáp chính thức. Nhưng chúng tôi có quyền tiến hành các biện pháp tiếp theo, nếu cần”.

Tuy nhiên, ông không nói rõ các bước đi kế tiếp sẽ là gì, dù nhấn mạnh rằng “cộng đồng doanh nghiệp Đức lo sợ vì một số người có chức quyền ở Việt Nam rõ ràng đã không tôn trọng quan hệ đối tác với Đức hay vấn đề pháp quyền”.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-dac-loi-tu-vu-viet-nam-bat-coc-trinh-xuan-thanh-tu-duc/3978494.html