Tin Việt Nam – 07/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 07/08/2017

Mục Sư Nguyễn Công Chính họp báo tại Little Saigon

Ngọc Lan, thông tín viên RFA

Chiều Chủ Nhật, 6 Tháng Tám, 2017, tại phòng họp Westminster Civic Center, đồng hương Little Saigon cùng nhiều tổ chức chính trị, hội đoàn và báo giới đã có mặt tham dự buổi gặp gỡ với Mục Sư Nguyễn Công Chính vừa đến Mỹ sau gần 6 năm bị giam cầm trong nhà tù cộng sản.

Thị Trưởng Trí Tạ thay mặt hội đồng thành phố Westminster đã nói lời chào mừng đầu tiên đến với Mục Sư Nguyễn Công Chính và gia đình ông.

“Chào mừng Mục Sư Nguyễn Công chính đến với bến bờ tự do và đến với thành phố. Cám ơn dân biểu Alan Lowenthal đã có nhiều nỗ lực để đấu tranh cho tự do dân chủ cho Việt Nam, ông cũng là người bỏ nhiều thời gian, cùng một số dân biểu tại Hạ Viện Hoa Kỳ đã lên tiếng trong trường hợp của mục sư nguyễn công chính và một số tù nhân lương tâm đang bị tù đày tại Việt Nam. Chúng ta hãy tiếp tục giúp đỡ mục sư Nguyễn Công Chính vì ai cũng biết người từ Việt Nam mới sang thì gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi xin kêu gọi sự giúp đỡ của tất cả mọi người.”

Chúng ta hãy tiếp tục giúp đỡ mục sư Nguyễn Công Chính vì ai cũng biết người từ Việt Nam mới sang thì gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi xin kêu gọi sự giúp đỡ của tất cả mọi người.
-Thị Trưởng Trí Tạ 

Mục sư Nguyễn Công Chính tên thật là Nguyễn Thành Long, sinh năm 1969 tại Quảng Nam, là trưởng Giáo hội Lutheran, một giáo hội theo Tin lành, ở Việt Nam. Trước đó, ông cũng làm trưởng ban truyền giáo của một hội thánh Tin lành Mennonite không được chính quyền cho phép hoạt động.

Năm 2009 ông được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao tặng giải thưởng Nhân quyền.

Tháng Ba năm 2012, Mục Sư Chính bị kết án 11 năm tù về tội “phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc” theo Điều 87 Bộ Luật Hình Sự.

Năm 2014, Dân Biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal đã chính thức nhận đỡ đầu cho tù nhân lương tâm này qua chương trình “Defending Freedoms Project” của Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos trong Quốc Hội Hoa Kỳ, và từ đó, ông Lowenthal không ngừng tranh đấu cho việc trả tự do cho Mục Sư Chính và đã nhiều lần lên tiếng với chính quyền CSVN cũng như Hoa Kỳ.

Với sự giúp đỡ này cũng như của nhiều dân biểu, tổ chức hội đoàn khác, Mục Sư Nguyễn Công Chính cùng vợ và 5 người con đã đến Mỹ vào tối ngày 28 Tháng Bảy để tị nạn, sau khi bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Trong buổi này, Dân Biểu Lowenthal cám ơn những người đã cùng ông đấu tranh cho Mục Sư Chính và hy vọng mọi người cùng ông ủng hộ và giúp đỡ Mục Sư Chính trong ngày tháng tới. Ông bày tỏ sự vui mừng khi Mục Sư Chính và gia đình đã được tự do, đồng thời ông cũng lấy làm buồn khi một người đấu tranh ôn hòa cho tự do dân chủ lại bị buộc phải rời khỏi quê hương đất nước mình.

Giám mục Trần Thanh Vân, đại diện cho Giáo Hội Lutheran tại Hoa Kỳ, đã kể lại toàn bộ quá trình đấu tranh để tìm sự giúp đỡ Mục Sư Chính từ ngày ông bị cầm tù cho đến ngày hôm nay.

Trong sự xúc động của mình, Mục Sư Nguyễn Công Chính cám ơn những cá nhân, hội đoàn, tổ chức đã giúp ông đến được bến bờ tự do.

“Điều đầu tiên tôi muốn nói là tôi không ngờ tôi đang đứng trên đất Mỹ vì tôi đang ở trong tù, bản án còn 5 năm mà tôi cũng bị bệnh, trước mắt tôi đã nhìn thấy những người bạn tù ngã xuống,”ông nói.

Cũng trong buổi này, ông kể lại diễn tiến của quá trình ông bị trục xuất khỏi Việt Nam:

“Tôi hoàn toàn không biết gì. Tôi được một nhân viên của tổng cục an ninh vào gặp tôi bất ngờ, tôi nghĩ chắc có phái đoàn nào vào thăm, tại vì buổi sáng thì ông phó tổng cục trưởng vào gặp tôi, hỏi tôi trong này như thế nào, có gì muốn yêu cầu không?

Thế nên nói về tin Bộ Ngoại Giao vào phỏng vấn tôi không biết gì. Nhân viên đó tên Nguyên. Khi anh ta đến lần thứ 2 thì nhiều anh em tù nhân nói rằng ông mục sư sẽ được thả. Tôi nói không dễ đâu. Nhưng ngay trong buổi chiều đó thì họ kêu tôi ra gặp nhân viên bên bộ ngoại giao để phỏng vấn.

Điều đầu tiên tôi muốn nói là tôi không ngờ tôi đang đứng trên đất Mỹ vì tôi đang ở trong tù, bản án còn 5 năm mà tôi cũng bị bệnh, trước mắt tôi đã nhìn thấy những người bạn tù ngã xuống.
– Mục Sư Nguyễn Công Chính 

Sau khi Bộ Ngoại Giao phỏng vấn xong thì họ mang tôi nhốt riêng, cách ly trong một cái hầm chứ không phải trong một cái buồng. Cái hầm thì chỉ có cái nắp và cái nắp giở ra để đưa cơm vô là đóng lại thôi. Khi đó tôi có muốn nói cũng không nói được gì đóng nắp lại rồi, nói thì tự mình nghe, không ai nghe cả. Tôi không biết chuyện gì xảy ra trong 2 tháng như vậy. Đúng 2 tháng thì họ vô đưa tôi thẳng ra máy bay Tân Sơn Nhất, gặp vợ tôi ở cục A92, rồi xong có ông trưởng bộ phận chuyên trách về vấn đề chính trị của Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn, là người trực tiếp đưa cả gia đình tôi đến sân bay Los Angeles, sau khi đến đó làm các thủ tục xong thì ông quay trở về Việt Nam.

Tôi rất hãnh diện vì được đến nước Mỹ, được tự do.”

Bà Trần Thị Hồng, phu nhân Mục Sư Nguyễn Công Chính, thành viên của Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, cho biết thêm:

“Trong Tháng Sáu, bên phía Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ có liên lạc với gia đình, họ bảo chương trình của gia đình chị sẽ được đến Hoa Kỳ, khi nghe tin như vậy thì tôi thật sự bất ngờ. Vừa vui vừa buồn. Buồn vì phải xa anh em, xa các chiến sĩ trong nước. Vui vì Mục Sư Chính sẽ được tự do. Khi làm việc với bên phía Tổng Lãnh Sự về vấn đề thủ tục giấy tờ thì bên phía chính phủ việt Nam cũng gây khó khăn rất nhiều.

Một ngày trước khi sang Hoa Kỳ thì gia đình tôi đã di chuyển vào Sài Gòn. 12 giờ thì 6 mẹ con tôi đã đến sân bay, an ninh Việt Nam đưa 6 mẹ con tôi vào một phòng nhỏ. Sau đó đến khoảng 3 giờ thì họ đưa tôi đến gặp Mục Sư Chính và có một người đại diện cho cơ quan Tổng Lãnh Sự. Sau khi gặp thì báo đài trong nước có chụp hình và quay phim rồi họ đưa thẳng gia đình tôi ra đến sân bay và lên máy bay.”

Hơn một lần, Mục Sư Nguyễn Công Chính cho rằng việc ông cùng gia đình đang hiện diện tại Hoa Kỳ là “một phép lạ,” bên cạnh sự giúp đỡ tận tình của Dân Biểu Alan Lowenthal, Dân Biểu Ed Royce và nhiều cá nhân, tổ chức hội đoàn tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/pastor-nguyencongchinh-has-press-conference-08072017082752.html

 

Hà Nội đưa 14 cán bộ liên quan đất đai Đồng Tâm ra tòa

Tòa án Nhân dân huyện Mỹ Đức sẽ xét xử sơ thẩm 14 bị cáo nguyên là cán bộ xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức, Hà Nội về những vi phạm liên quan đến việc quản lý đất đai xã Đồng Tâm. Dự kiến phiên xử sẽ diễn ra trong hai ngày 8 và 9 tháng 8.

Đây đều là những lãnh đạo, cán bộ của UBND xã Đồng Tâm và một số phòng ban chuyên môn của huyện Mỹ Đức.

Truyền thông trong nước loan tin cho biết những người này đã lợi dụng quyền và chức vụ của họ, buông lỏng việc quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai và giao đất trái thẩm quyền cho 29 hộ dân xã Đồng Tâm để trục lợi nhiều tỷ đồng. Trong khi đó những bị can thuộc Sở Tài Nguyên- Môi Trường Hà Nội không làm tốt việc thẩm định nguồn gốc đất dẫn đến ký xác nhận không chính xác.

Với những sai phạm nêu trên, 14 nhân vật này sẽ bị truy tố với các tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong nhiều năm nay người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đưa đơn thư tố cáo các cơ quan chức năng thu hồi đất nông nghiệp của người dân để giao cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội- Viettel. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm là vào ngày 15 tháng 4 khi công an Hà Nội bắt giữ 4 người dân Đồng Tâm với lý do được nói nhằm điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng mà thực tế là do tranh chấp đất đai.

Phản ứng trước hành xử của những đơn vị chức năng, người dân Đồng Tâm bắt giữ 38 người gồm cán bộ huyện Mỹ Đức, công an và cảnh sát cơ động làm con tin. Đến ngày 22 tháng 5, đích thân chủ tịch thành phố Hà Nội về đối thoại và viết cam kết, người dân mới thả hết toàn bộ con tin ra.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/14-pp-related-to-dong-tam-to-go-to-trial-08072017102657.html

 

Việt Nam làm gì để giảm căng thẳng với Đức?

Một số nhà quan sát nước ngoài bày tỏ lo ngại về hệ lụy của ‘khủng hoảng ngoại giao’ Việt – Đức liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh.

Một cựu đại sứ Đức nói với BBC ông cho rằng vụ việc “trên cả nghiêm trọng” này là một “bước lùi” cho quan hệ Việt – Đức, trong khi một chuyên gia về nghiên cứu Đông Nam Á người Đức đánh giá vụ việc này có tính “nhạy cảm” vì Đức đã có Chương trình Hội thoại Nhà nước Pháp quyền với Việt Nam từ năm 2009.

Khả năng Việt Nam đưa ra một lời xin lỗi chính thức và thừa nhận đã có hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Đức là “gần như không thể có”, một nhà nghiên cứu pháp lý về truy bắt tội phạm xuyên biên giới bình luận với BBC.

VN còn ‘thẩm quyền’ xét xử ông Thanh?

Bàn tròn BBC: Diễn biến mới trong vụ Trịnh Xuân Thanh

Vì sao chính phủ Đức phản đối gay gắt?

Ông Joachim Bitterlich, Cựu đại sứ Đức tại Tây Ban Nha (1999-2002), bày tỏ với BBC suy nghĩ về vụ việc này:

“Trong mắt tôi, đây là một trường hợp còn trên cả nghiêm trọng, một bước lùi trở lại những vụ việc tàn bạo của thời kỳ chiến tranh lạnh ở châu Âu và ở Đức (khoảng 50 năm trước), nhưng vẫn còn tồn tại trong các nhà nước độc đoán ở châu Á (hãy xem các ví dụ ở Bắc Hàn gần đây).

“Chính phủ Đức phải có phản ứng gay gắt với chính phủ Việt Nam để giữ được uy tín ở nước Đức. Người Đức không thể xử lý vụ việc này theo cách thức ngoại giao không ồn ã thông thường…

Ông Bitterlich cho rằng hai bên sẽ có một cuộc thương thảo “khó khăn và kéo dài” sau cánh gà để không làm ảnh hưởng đến những lợi ích kinh tế và chính trị quan trọng hơn.

Đức vẫn yêu cầu cho Trịnh Xuân Thanh ‘trở về Đức’

Tuyên bố của Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh

VN có thể làm gì để ‘giảm nhẹ thiệt hại’?

Bình luận về bước đi tiếp theo của Việt Nam sau các động thái của chính phủ Đức, Tiến sỹ David Sadoff, nhà nghiên cứu pháp lý, tác giả cuốn sách “Đưa những kẻ đào tẩu ra công lý” (“Bringing International Fugitives to Justice”, Đại học Cambridge ấn hành 2016), bình luận với BBC:

“Trong hoàn cảnh hiện tại, dù chịu sức ép, rất ít khả năng Việt Nam sẽ chọn con đường trao trả ông Thanh về Đức. Cũng rất ít khả năng, ngay cả khi được phía Đức yêu cầu, Việt Nam sẵn sàng dẫn độ về Đức nhân viên tình báo chịu trách nhiệm cho hoạt động bắt người.

“Việt Nam có thể đưa ra một lời xin lỗi chính thức và công khai thừa nhận rằng hành động của mình vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Đức. Nhưng vì tại thời điểm này, làm vậy sẽ là trái với kịch bản của Việt Nam là ông Thanh “tự nguyện” về nước, nên con đường này cũng gần như không thể có.”

Vì sao Đức yêu cầu trao trả Trịnh Xuân Thanh?

Thayer: ‘Nghi vấn bắt cóc gây tổn hại cho VN’

Nhận xét về những khả năng làm giảm nhẹ thiệt hại cho quan hệ Việt – Đức mà phía Việt Nam có thể xem xét, TS Sadoff cho rằng đàm phán ngoại giao khéo léo và đưa ra những điều khoản có lợi cho phía Đức về thương mại, dẫn độ hay truy quét tội phạm có thể là bước đi cần thiết cho Việt Nam.

“Thay vào đó, Việt Nam có thể tham gia đàm phán ngoại giao, qua đó tìm cách giảm nhẹ thiệt hại đến quan hệ hai nước.

“Chẳng hạn bằng cách đưa ra những điểu khoản thương mại thuận lợi, sẵn sàng thảo luận để ký kết thỏa thuận dẫn độ song phương, nhanh chóng đưa những kẻ đào tẩu Berlin đang truy nã đang ẩn náu ở Việt Nam về Đức.

“Việt Nam cũng có thể giúp phía Đức thu thập tài liệu dẫn chứng trên lãnh thổ Việt Nam liên quan đến những cuộc điều tra tội phạm Đức đang diễn ra hoặc sẽ xảy ra trong tương lai.”

Trong khi đó, TS. Martin Grossheim, Khoa Nghiên cứu Đông Nam Á, Trường Đại học Passau, Đức, cho rằng phát ngôn của của bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam về vụ Trịnh Xuân Thanh trong buổi họp báo tuần trước là “không thuyết phục” nhưng “không có gì ngạc nhiên”.

“Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố họ có bằng chứng rõ ràng rằng Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc, và giới chức Việt Nam có liên quan. Đó là lý do vì sao ông tùy viên tình báo tại Đại sứ quán Việt Nam bị tuyên bố là người không được hoan nghênh (“persona non grata”).”

Ông Grossheim nói ông đoán rằng đằng sau hậu trường, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an Việt Nam vẫn đang bàn cãi phải làm sao để “giải quyết khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng này.”

“Toàn bộ vụ Trịnh Xuân Thanh này còn nhạy cảm hơn nữa vì Đức đã có Chương trình Hội thoại Nhà nước Pháp quyền với Việt Nam để ủng hộ cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp Việt Nam từ năm 2009,” GS Grossheim nhận định.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40849291

 

VN còn ‘thẩm quyền’ xét xử Trịnh Xuân Thanh?

Mặc dù đã có ông Trịnh Xuân Thanh ở trong tay, Việt Nam có thể gặp một vấn đề pháp lý là phải trả lời câu hỏi liệu nước này còn có ‘thẩm quyền’ nữa hay không để xét xử người mà nước này nói ‘đã ra đầu thú’, trong lúc CHLB Đức bảo lưu ý kiến nói cựu quan chức một công ty thuộc ngành dầu khí và nguyên phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang ‘đã bị bắt cóc’.

Bình luận với BBC hôm 4/8/2017 từ Sài Gòn, luật sư Lê Công Định trước hết nói về khả năng và ‘mức án’ mà ông Thanh, cựu tỉnh ủy viên Tỉnh Hậu Giang, có thể phải nhận, nếu Việt Nam có thể xét xử ông:

“Thực ra vấn đề này, tôi không thể nào trả lời được, bởi vì như tôi đã nói họ cho ông ‘tự thú’, có nghĩa là họ đã dự liệu trước khả năng là khoan hồng và do đó mức án như thế nào, chúng ta phải chờ sự thương thuyết trong nội bộ giữa những phe phái thế nào, để ấn định một mức án cho ông Thanh.

Bàn tròn BBC: Diễn biến mới trong vụ Trịnh Xuân Thanh

Một khi đã sử dụng hành động vi phạm luật quốc tế để đưa ông Thanh trở về Việt Nam để xét xử, thì theo luật quốc tế nó cũng có một nguyên tắc là bên nào vi phạm thì bên đó không còn ‘jurisdiction’ tức là thẩm quyền xét xử đối với người nạn nhân của sự vi phạm đóLuật sư Lê Công Định

Ý kiến của Luật sư Lê Công Định về vụ Trịnh Xuân Thanh

Vì sao Đức yêu cầu trao trả Trịnh Xuân Thanh?

Đức dọa trả đũa Việt Nam vì ‘bắt cóc’ Trịnh Xuân Thanh

“Còn ở Việt Nam chúng ta biết rằng luật pháp thì có đó, nhưng tiên liệu việc áp dụng hình phạt sẽ như thế nào, thì chỉ có trời biết, bởi vì ở Việt Nam các cơ quan thực thi pháp luật chưa bao giờ dựa trên luật để đưa ra những hình phạt một cách xác đáng, chính xác cả.

“Bao giờ họ cũng tìm cách ấn định một bản án theo ý họ muốn mà thôi, cho nên nếu một luật sư hay bất kỳ một luật gia nào tiên liệu trước khả năng là án của ông Trịnh Xuân Thanh sẽ là bao nhiêu năm tù, thì nói thật đó là việc làm không thể được’.

Nhưng luật sư Lê Công Định đề cập một phương án mà có thể là một giả định theo hướng hoàn toàn khác, ông nói:

“Tuy nhiên, chúng ta cũng nên trở lại một vấn đề liên quan luật pháp quốc tế là đối với trường hợp mà chính quyền Việt Nam một khi đã sử dụng hành động vi phạm luật quốc tế để đưa ông Thanh trở về Việt Nam để xét xử, thì theo luật quốc tế nó cũng có một nguyên tắc rằng là bên nào vi phạm thì bên đó không còn ‘jurisdiction’ tức là thẩm quyền xét xử đối với người nạn nhân của sự vi phạm đó.

“Do đó, nếu Việt Nam tuân thủ luật pháp quốc tế và những chuẩn mực của luật pháp quốc tế, thì họ không có thẩm quyền để xét xử ông Thanh trong vụ án này nữa và buộc lòng họ phải trả lại cho chính phủ Đức giải quyết vấn đề này. Và việc cáo buộc ông Thanh như thế nào thì thuộc thẩm quyền của một quốc gia khác, chứ không thể nào của Việt Nam được nữa.”

Cần trung gian hòa giải?

LS Lê Công Định bình luận vụ ông Trịnh Xuân Thanh

Người Việt ở Đức “rất sốc” về vụ Trịnh Xuân Thanh

Mạng xã hội nóng vì Trịnh Xuân Thanh ‘lên VTV’

Tại Bàn tròn của BBC Việt ngữ hôm 3/8, các luật sư khác từ Việt Nam cũng đề cập phương án xử lý khác biệt giữa Việt Nam và CHLB Đức trong vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh trở về Việt Nam ‘đầu thú’, theo truyền thông Việt Nam.

Nếu tự nguyện tại sao không đi đến máy bay thường mà lại đi máy bay chở bệnh nhân, thế này, thế kia? Nếu như đúng các thông tin của báo chí, tôi nghĩ (nên) có một hội nghị công khai chuyện đó lênLuật sư Trần Quốc Thuận

Từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nêu quan điểm:

“Hiện giờ có một sự thật là có một sự khác biệt giữa thông tin, quan điểm và ý kiến của hai nước, đến bây giờ cũng có cự ly khác nhau. Tôi cho rằng cơ chế để giải quyết chắc là các nước phải gặp nhau để mà trao đổi.

“Và đây có thể là thỏa thuận nhượng bộ được, cũng không cần gì phải đưa ra một tòa án… Nó không tranh chấp gì về quyền lợi mà chỉ là tranh chấp về thông tin thôi. Vì thông tin đó sau đó sẽ kết luận, sẽ xử lý trên cơ sở kết luận thông tin ấy.

“Như vậy trở lại câu chuyện chính là có câu chuyện bắt cóc không? Và có câu chuyện là sự lên tiếng của bên Đức phù hợp với pháp luật của Đức thì có quãng xung đột với pháp luật của Việt Nam hay không?

“Còn ở Việt Nam cũng phải chứng minh được là ‘chúng tôi đưa Trịnh Xuân Thanh vì Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện xin đầu thú’, thì đưa ra chỗ đó giải thích như thế nào cũng là một câu chuyện.

“Nếu tự nguyện tại sao không đi đến máy bay thường mà lại đi máy bay chở bệnh nhân, thế này, thế kia? Nếu như đúng các thông tin của báo chí, tôi nghĩ (nên) có một hội nghị công khai chuyện đó lên. Rồi mỗi bên phải tự xem xét, phải có ý kiến thôi, chứ không có vấn đề gì động chạm đến quyền lợi mà dẫn đến phải đưa ra tòa quốc tế.

“Tôi cho rằng có lẽ là các bên nên gặp nhau và đã đến mức, thì mọi thứ phải công khai ra. Và công khai thì nếu ở Việt Nam, đây là vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, lớn, có thể liên quan an ninh, người ta không cho luật sư (tham dự) sớm, không cho luật sư vào từ khi khởi tố vụ án, nên cho luật sư vào để chứng kiến trong dựng nên kết luận điều tra, theo như bộ luật tố tụng hình sự mới ‘rộng rãi’, rồi kết hợp báo chí đưa tin, thì mọi việc sẽ được sáng tỏ.

“Còn việc bên Đức họ qua để gặp ông Trịnh Xuân Thanh trong nhà lao được hay không, thì đó là câu chuyện khác. Trước đây, tôi có bào chữa cho vụ anh Nguyễn Hữu Vinh – vụ Ba Sàm, nhiều nghị sỹ bên Đức qua, họ được vô dự phiên tòa mà cũng không vào được, rồi họ cũng muốn vô phòng giam để coi anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh sống thế nào, thì cũng đâu có vào được…”

‘Chờ sự thật làm rõ’

Trong tương quan luật pháp quốc tế, đề nghị bên kia căn cứ vào luật pháp của người ta, hai bên sẽ dàn xếp công việc một cách rất đơn giản, hoặc qua con đường ngoại giao và phụ thuộc vào tôn trọng luật pháp quốc tếLuật sư Lê Quốc Quân

Thayer: ‘Nghi vấn bắt cóc gây tổn hại cho VN’

Đức vẫn yêu cầu cho Trịnh Xuân Thanh ‘trở về Đức’

Bàn tròn: Khác biệt Việt – Đức và sự thật vụ Trịnh Xuân Thanh

Từ Hà Nội, luật sư Lê Quốc Quân nêu quan điểm cho rằng tình huống mang tính ‘mâu thuẫn’ giữa hai bên về thông tin và cần chờ đợi ‘sự thật’ được minh định, ông nói:

“Thực ra việc này đã là mâu thuẫn ngay việc đưa tin rồi, như ai đó đã nói rằng tin tức này hoàn toàn không thỏa mãn và chúng ta phải đợi sự thật được làm rõ. Cho nên phải biết được sự thật như thế nào, thì mới xác định được phản ứng của nó như thế nào cho đúng đắn.

“Riêng về trình tự của quốc tế mà giải quyết vấn đề này, theo tôi cũng không có gì khó khăn, hoặc mình theo thủ tục quốc tế. Trước đây về mặt thủ tục…, bên Việt Nam khẩn cầu bên Đức, và (nếu) bên Đức chấp nhận lời khẩn cầu thì sẽ đưa bàn giao về.

“Còn lại trong tương quan luật pháp quốc tế, đề nghị bên kia căn cứ vào luật pháp của người ta, hai bên sẽ dàn xếp công việc một cách rất đơn giản, hoặc qua con đường ngoại giao và phụ thuộc vào tôn trọng luật pháp quốc tế.

“Thực ra luật pháp quốc tế bây giờ không chỉ dựa vào các điều ước quốc tế, mà còn dựa vào các yếu tố hợp tác gọi là các điều ước song phương, không phải đa phương, song phương mà thậm chí còn quy định hẳn luật pháp các nước sở tại…

“Cho nên dựa vào luật pháp quốc tế…, giải quyết một cách ôn hòa, đơn giản, tôi nghĩ rằng rất là dễ dàng để (giải quyết) vấn đề này. Tuy nhiên ở đây, nó quá bức xúc và tôi cảm giác như có một câu chuyện là đấu tranh, tư thù lẫn nhau, cho nên mới dẫn đến chuyện ấy. Ví dụ như khởi phát việc rất nhỏ, sau đó thì đánh ra thành sự lớn…”

Ở Đức, nhà nước là tam quyền phân lập, cho nên ở đây, họ làm việc mọi cái đều theo pháp luật, cho nên đầu tiên pháp luật sẽ được đưa ra để dùng và họ sẽ vận dụng như trong thời gian vừa qua, cũng như sắp tớiNhà báo Lê Trung Khoa

Một ý kiến khác tại Bàn tròn của nhà báo Lê Trung Khoa, Chủ biên tờ báo mạng Thờibáo.de từ Berlin, bình luận khả năng xử lý vụ việc đang xảy ra với ông Trịnh Xuân Thanh, mà trong đó đang có khác biệt giữa hai nhà nước Việt Nam và Đức:

“Như tôi được biết, ông Trịnh Xuân Thanh đã có một nhóm luật sư rất giỏi để ông tranh tụng trong việc này.

“Mỗi luật sư sẽ có trách nhiệm về một mảng riêng, ví dụ một luật sư tại thành phố Frankfurt am Main chuyên tranh tụng về vấn đề tị nạn, một luật sư khác ở Berlin cũng rất giỏi, lại chuyên tranh tụng cho vấn đề chống trục xuất và ngoài ra còn những luật sư khác nữa.

“Ở Đức, nhà nước là tam quyền phân lập, cho nên ở đây, họ làm việc mọi cái đều theo pháp luật, nên đầu tiên pháp luật sẽ được đưa ra để dùng và họ sẽ vận dụng như trong thời gian vừa qua, cũng như sắp tới,” nhà báo Lê Trung Khoa nói với BBC.

Mời quý vị nhấn chuột vào đây để theo dõi Bàn tròn Điểm tin của BBC Tiếng Việt, trong đó các khách mời cập nhật một số tình tiết mới về vụ việc liên quan ông Trịnh Xuân Thanh và đưa ra các phân tích, bình luận.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40845001

 

Ông Trịnh Xuân Thanh bị tạm giam

Cơ quan An ninh Điều tra Việt Nam thực hiện lệnh tạm giam đối với ông Trịnh Xuân Thanh để điều tra cáo buộc bị cho là ‘hành vi cố ý làm trái và tham ô tài sản’.

Truyền thông trong nước vào ngày 7 tháng 8 dẫn nguồn từ Cơ quan Điều Tra, thuộc Bộ Công an Việt Nam về tin vừa nêu.

Và như tin đã loan vào ngày 3 tháng 8 vừa rồi, Đài Truyền Hình Việt Nam phát sóng cảnh ông Trịnh Xuân Thanh với lá đơn trình bày điều được ghi là ‘đầu thú’ của bản thân ông này.

Trước đó vào ngày 31 tháng 7, truyền thông trong nước loan tin ông Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú với cơ quan chức năng Việt Nam; tuy nhiên một tờ báo của cộng đồng người Việt tại Đức nói rõ bản thân ông Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ và Đại sứ quán Hà Nội tại Berlin cùng phối hợp bắt cóc đưa về lại trong nước.

Vào ngày 2 tháng 8, Bộ Ngoại giao Đức ra thông cáo báo chí về vụ việc cho biết có triệu đại sứ Việt Nam ở Đức đến và ra thời hạn 48 tiếng cho viên chức phụ trách tình báo tại cơ quan ngoại giao Việt Nam ở Berlin phải rời khỏi nước Đức. Đồng thời Việt Nam cũng phải giao trả lại ông Trịnh Xuân Thanh để tiến hành mọi thủ tục theo đúng luật pháp nước Đức và luật quốc tế.

Vào ngày 4 tháng 8, bộ trưởng ngoại giao Đức Sigmar Gabriel, trong trả lời báo chí, cũng lên tiếng về vụ việc, lặp lại yêu cầu trục xuất viên chức phụ trách tình báo của Việt Nam tại Đại sứ quán Hà Nội ở Berlin. Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức cũng cho rằng hành động bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh là không chấp nhận được.

Ông Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, quê quán ở xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, từng là chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Xây lắp Dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Sau đó ông này được thuyên chuyển, và vào tỉnh Hậu Giang làm phó chủ tịch tỉnh.

Ông này bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can vào ngày 16 tháng 9 năm 2016 với cáo buộc ‘cố ý làm trái qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’.

Tuy nhiên, vào thời điểm Cơ quan Cảnh sát Điều tra tống đạt quyết định khởi tố, ông Trịnh Xuân Thanh không có mặt tại nơi cư trú cũng như nơi làm việc.

Cơ quan chức năng Việt Nam ra quyết định truy nã toàn quốc đối với ông Trịnh Xuân Thanh và sau đó là truy nã quốc tế.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/trinhxuanthanh-detained-for-investigation-08072017114828.html

 

Bàn về thúc đẩy kinh tế VN: Bài học từ Donald Trump?

Ngô Ngọc TraiGửi cho BBC Tiếng Việt từ Hà Nội

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định thành lập Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng, gồm các chuyên gia kinh tế được hy vọng sẽ giúp Thủ tướng đưa ra các quyết sách phát triển kinh tế đúng đắn cho đất nước.

Đây là điều đáng mừng và tôi với tư cách là một luật sư cũng đưa ra khuyến nghị chính sách cho Thủ tướng như sau.

Bài học của Tổng thống Trump

Trong cuốn sách ‘Đã đến lúc phải cứng rắn để khôi phục lại sự vĩ đại của nước Mỹ’ được phát hành trong thời gian vận động tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã trình bày một ý đó là:

‘Cốt yếu của mọi sự đều xoay quanh khả năng nhìn thấy những điều ẩn tàng. Đó là kiểu tư duy mà chúng ta cần để xoay chuyển tình thế đất nước – thật nhanh’.

Ông Trump nêu bí quyết này với hy vọng sẽ trở thành Tổng thống và khôi phục lại sự vĩ đại của nước Mỹ.

Đây có lẽ cũng là lời khuyên thích hợp dành cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện nay, trong bối cảnh mà Thủ tướng Phúc cũng đang tìm cách phát triển nền kinh tế đất nước qua việc tìm kiếm lời tư vấn từ các chuyên gia.

Luật đất đai trong đời sống nông dân

‘Đất đai là thiêng liêng đối với nông dân’

Nông dân ‘đang ở đáy xã hội Việt Nam’

Đồng Tâm: Đất quốc phòng hay đất nông nghiệp?

Vậy thì ở Việt Nam hiện nay có vấn đề gì ‘ẩn tàng’ cần được nhìn ra, để có thể giúp thúc đẩy phát triển kinh tế? Tôi xin gợi ý như sau.

Một hộ gia đình ở tỉnh Nam Định nhờ tôi tư vấn một việc, đó là gia đình ông từ vài năm trước xây dựng một khu chuồng trại chăn nuôi gia cầm và xưởng ép nhựa trên đất nông nghiệp. Nhưng mới đây chính quyền xã, huyện đã cưỡng chế phá dỡ với lý do xây dựng trái phép, mà không chỉ nhà ông còn có sáu hộ gia đình khác cũng bị phá dỡ vì lý do tương tự.

Một dịp khác làm việc tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, một địa phương thuần nông nghiệp, trong lúc làm việc, tài liệu của ông chủ tịch xã cho tôi biết danh sách của mấy chục hộ dân nằm trong diện thanh tra xử lý về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép.

Một lần về làm việc tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, tôi được người dân cho biết, khắp vùng xung quanh đó trước kia là đất lúa hoặc hoang hóa, nay được người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và xây dựng chuồng trại chăn nuôi.

Song mới đây chính quyền huyện Phù Cừ cũng lại tiến hành xử lý cưỡng chế phá dỡ những công trình xây dựng trái phép, từng đàn lợn gà mất đi nơi nuôi nhốt, hoặc phải bán tống bán tháo với giá rẻ.

Tàn dư của kinh tế kế hoạch

Tôi thấy thật vô lý, vì đất của nhà người ta, họ sử dụng vào sản xuất chăn nuôi không ảnh hưởng đến ai, không ảnh hưởng đến hàng xóm, không ảnh hưởng đến cộng đồng, vậy tại sao lại cấm?

Lý do cấm thường cho rằng vì không xin phép hoặc vì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái với quy hoạch, đây là vấn đề rất sai trái bất cập.

Ý kiến: Nông dân Việt Nam mãi mãi nhọc nhằn

Thu hồi đất Việt Nam phải đảm bảo hài hòa

Chúng ta biết rằng đất đai là phương tiện sản xuất quan trọng, đặc biệt là ở Việt Nam khoảng 60% đến 70% dân số sống ở nông thôn dựa vào nông nghiệp. Việc giải phóng sức lao động sản xuất để tăng hiệu quả canh tác, qua việc cho phép người dân được tự lựa chọn hình thức mục đích sử dụng đất theo cách hiệu quả nhất, là rất quan trọng.

Cấm đoán người dân chuyển mục đích sử dụng đất, hạn chế quyền của người dân với các lý do quy hoạch, kế hoạch trong khi chất lượng và tính khoa học của các vấn đề quy hoạch kế hoạch sử dụng đất thì thế nào?

Có thể hình dung là sự lười nhác quan liêu xa rời thực tiễn khiến cho các chính sách quy hoạch và kế hoạch kém chất lượng khoa học, thay vì tạo động lực thì lại là rào cản trói buộc người dân.

Đất của nhà người ta, họ sử dụng vào sản xuất chăn nuôi không ảnh hưởng đến ai, không ảnh hưởng đến hàng xóm, không ảnh hưởng đến cộng đồng, vậy tại sao lại cấm?Luật sư Ngô Ngọc Trai

Không đặt ra những tiêu chí khoa học nghiêm ngặt cho việc lập quy hoạch, kế hoạch nhưng Luật đất đai phản ánh ý chí của các ban ngành lại rất coi trọng hoạt động lập quy hoạch, kế hoạch, thể hiện uy quyền của nhà nước đối với đất đai. Bằng chứng là luật đất đai năm 2013 tuy chỉ có 212 điều luật nhưng đã sử dụng đến 208 lần từ ‘kế hoạch sử dụng đất’ và 71 lần từ ‘quy hoạch sử dụng đất’.

Đây là hệ quả còn rơi rớt lại từ quan niệm nhận thức về nền kinh tế kế hoạch hóa và công hữu hóa tư liệu sản xuất theo kiểu nhà nước phân vùng và chỉ đạo ai sản xuất cái gì, gò ép các nguồn lực kinh tế trong đó có đất đai là phương tiện sản xuất chủ yếu, vào khuôn khổ theo kế hoạch chung.

Mặc dù kiểu làm kinh tế theo kế hoạch hóa đã được thực tế chứng minh là thất bại trong việc tạo ra hiệu quả nhưng tàn dư của nó vẫn còn, nhất là trong vấn đề sử dụng đất.

Điều này thể hiện ở việc nhà nước đã cho phép tiến hành tư nhân hóa mọi thứ, trừ đất đai vẫn thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu. Do nhà nước vẫn nắm quyền sở hữu nên về nguyên tắc việc sử dụng vẫn theo những kế hoạch.

Những vấn đề quy hoạch, kế hoạch được thiết lập bởi nhiều cơ quan từ trung ương xuống địa phương mỗi năm, được thực hiện với tư duy dễ dãi giản đơn, coi thường tính phức tạp của thực tiễn, nên đang là rào cản trói buộc người dân.

Đây là vấn đề đang nổi cộm rộng khắp hiện nay khi người dân do những thôi thúc về kinh tế gia đình đã vượt rào, tự gỡ mình thoát ra khỏi trói buộc của pháp luật bất cập, để rồi lại bị quy cho là làm sai và bị cưỡng chế phá bỏ.

Nỗi chán chường Việt Nam

Việc quản trị quốc gia chẳng hề đơn giản như Tổng thống Trump đã phát biểu rằng vấn đề chỉ đơn giản là nhìn ra được những điều ẩn tàng. Ở Việt Nam nhiều vấn đề bất cập đã lộ rõ tác hại nhưng lại không được nắm bắt giải quyết.

Trước đây tôi đã viết bài “Việt Nam: Chính sách đất đai khiến dân phải sống nghèo?” để phản ánh những bất cập trong quản lý sử dụng đất, và mới đây báo chí lại đưa tin sự việc xảy ra ở Quảng Nam, quê nhà của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chính quyền thành phố Tam Kỳ đã cưỡng chế phá dỡ khu chuồng trại xây dựng trái phép của một gia đình và tạm giữ 10 con heo.

Không biết khi báo chí đưa tin những sự việc này có giúp Thủ tướng và bộ tham mưu của ông nhận ra được vấn đề ‘ẩn tàng’ trong chính sách phát triển quốc gia hay không.

Vấn đề tự chủ trong lựa chọn mục đích sử dụng đất hiện nay nếu được tháo gỡ sẽ là điểm khởi phát cho phát triển kinh tế nông thôn và phát triển kinh tế đất nước.

Việc thực hiện sẽ được thuận lợi vì hiện tại cả nước đã thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, tạo lập cơ cấu đồng đất lớn tập trung, giúp thuận lợi cho việc gia tăng hiệu quả canh tác. Cho nên để xoay chuyển tình thế đất nước – thật nhanh theo lời khuyên của Tổng thống Trump – chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nên nhìn ra và tháo gỡ vấn đề đã không còn gì là ‘ẩn tàng’ này.

Bài viết thể hiện ý kiến và lối hành văn riêng của Luật sư Ngô Ngọc Trai, gửi cho BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-40850293

 

Bộ trưởng Quốc phòng đi Mỹ, VN mong đạt được gì?

Tướng Ngô Xuân Lịch trong chuyến công du đầu tiên tới Hoa Kỳ với cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, 7-10/8/2017, được trông đợi sẽ có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Việt Nam không giành được nhiều ủng hộ về vấn đề Biển Đông tại hội nghị các ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Philippines hồi cuối tuần, còn quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang căng thẳng liên quan tới hoạt động thăm dò dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam.

ASEAN không có thông cáo chung ‘do Việt Nam’

Việt Nam đơn độc về Biển Đông tại Diễn đàn ASEAN

VN thứ 10 thế giới về nhập khẩu vũ khí

Từ Hoa Kỳ, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) hôm 6/8 nói với BBC rằng chuyến đi của Tướng Lịch là điều “Việt Nam đã mong muốn từ lâu”, tuy nhiên thời điểm diễn ra lại không mấy thuận lợi cho Hà Nội.

“Chính sách ngoại giao của Tổng thống Donald Trump đối với Á châu, đặc biệt là với Việt Nam chưa có gì rõ nét,” Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói, trong lúc quan hệ quốc phòng đã chuyển từ “ngày càng tiến triển mạnh” dưới thời ông Obama sang thái độ “ngập ngừng, không có gì rõ rệt” kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.

Chủ đề Biển Đông

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về quốc phòng Việt Nam, từ Học viện Quân sự Úc đưa ra một số phỏng đoán về nội dung thảo luận giữa hai đại diện quốc phòng của Việt Nam và Hoa Kỳ.

Repsol tạm ngừng khoan dầu ở VN

Biển Đông: Làm rõ tin ‘VN phải dừng khoan’

Ông Tập ‘chỉ đạo bồi đắp đảo ở Biển Đông’

“Cuộc họp này sẽ nối tiếp cuộc họp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump hồi tháng Năm,” ông Thayer nói với BBC hôm 4/8.

“Họ sẽ thảo luận về Biển Đông và làm thế nào Hoa Kỳ có thể làm trung gian cân bằng cho sự hung hăng của Trung Quốc vào thời điểm này.”

Đánh giá về mối quan hệ với Trung Quốc, Giáo sư Thayer cho rằng Hoa Kỳ sẽ chỉ tham gia một cách chừng mực, trong bối cảnh Washington đang rất cần sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong việc kiềm chế Bắc Hàn.

“Hoa Kỳ đang bận rộn chuyện Bắc Hàn và đang cần Trung Quốc kiểm soát Bắc Hàn, họ không thể đồng thời chống lại Trung Quốc ở Biển Đông.”

“Hoa Kỳ sẽ chỉ hỗ trợ Việt Nam bằng cách bán cho Việt Nam các loại vũ khí và công nghệ hàng hải.”

Hoa Kỳ trên thực tế “không có gì nhiều để mất cho Hoa Kỳ trong cuộc chơi [Biển Đông] này cả,” giáo sư Thayer giải thích thêm.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng hiện khó có thể nói liệu Hoa Kỳ sẽ nhiệt tình hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này hay không.

“Quan trọng nhất là ông Lịch sẽ thăm dò tính khả tín trong các cam kết của Mỹ: Mỹ có can dự [vào chuyện Biển Đông] hay không, và nếu có, thì can dự tới mức độ nào, Việt Nam với Mỹ có thể thỏa thuận như thế nào để Việt Nam có thể tăng khả năng quốc phòng của mình để chống lại những bất trắc có thể xảy ra.”

“Đây là thế rất khó của ông Lịch, và đây sẽ là chuyến đi có tính thăm dò nhiều hơn,” Giáo sư Hùng bình luận. “Ông Lịch sang để thảo luận với những nhà lãnh đạo quân sự của Mỹ, để xem quan hệ quốc phòng đó có thể đi đến đâu.”

Tàu chiến Mỹ áp sát đảo tranh chấp ở Hoàng Sa

Manila ‘sẽ hỏi láng giềng’ trước khi ký với TQ

TQ vẫn tiếp tục ‘tằm ăn dâu’ ở Biển Đông

Tuy nhiên, Wendell Minnick, cây viết chuyên về Á châu của Shephardmedia, tạp chí chuyên về phân tích chiến lược quân sự quốc phòng có cái nhìn khác.

“Những người mà tôi đã trao đổi ở Ngũ Giác đài đều rất thích Việt Nam. Việt Nam có một vị trí rất chiến lược và tôi tin Mỹ luôn muốn phát triển quan hệ đối tác, đặc biệt về mảng quân sự với Việt Nam,” ông nói với BBC hôm 4/8.

“Điều Việt Nam cần làm bây giờ là phải chứng tỏ mình là một lợi thế cần thiết đáng tin cậy của Hoa Kỳ tại khu vực.”

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch theo kế hoạch chính thức có chuyến thăm Hoa Kỳ trong thời gian 7-10/8/2017.

Thông tấn xã Việt Nam nói mục đích chuyến đi nhằm “góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa nhân dân và quân đội hai nước; tích cực chủ động triển khai các nội dung hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40837448

 

Cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Việt Nam – Trung Quốc bị hủy

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, vào ngày 7 tháng 8 vào phút chót hủy một cuộc gặp dự kiến trong ngày với người tương nhiệm Việt Nam bên lề kỳ họp tại Manila, Philippines.

Mạng báo South China Morming Post loan tin quyết định từ phía Trung Quốc như vừa nêu được tiết lộ chỉ ít giờ sau khi các bộ trưởng ngoại giao khối ASEAN thông qua tuyên bố chung kỳ họp lần thứ 50 ở Manila.

Tin nói Trung Quốc giận giữ về lời lẽ trong tuyên bố chung mà Bộ trưởng ngoại giao 10 nước ASEAN đưa ra; trong đó bày tỏ quan ngại về hoạt động bồi lấp, xây đảo của Bắc Kinh tại khu vực Biển Đông. Theo đó các bộ trưởng ngoại giao ASEAN quan ngại hoạt động xây đảo làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, làm tăng căng thẳng và có thể làm tổn hại hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Một nguồn tin thân cận không muốn nêu tên cho biết Trung Quốc cho rằng chính Việt Nam thúc đẩy việc đưa vào tuyên bố chung ngôn từ như vừa nêu.

South China Morning Post cho biết thêm vào ngày 7 tháng 8, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị còn phát biểu rằng chỉ có một hay hai ngoại trưởng trong khối ASEAN bày tỏ quan ngại như trong tuyên bố chung đưa ra.

Nhiều nguồn tin khác cũng cho biết Việt Nam muốn đưa vào tuyên bố chung tầm quan trọng mang tính ràng buộc pháp lý của một Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên tại Biển Đông- COC.

Một phát ngôn nhân trong đoàn Trung Quốc đến tham dự kỳ họp ASEAN tại Manila đưa ra giải thích cuộc gặp trực tiếp giữa ngoại trưởng Vương Nghị và người tương nhiệm Việt Nam không phải là cơ hội duy nhất để các bộ trưởng thảo luận với nhau; mà hai phía có thể tham gia vào những cuộc gặp đa phương khác ở Manila, trong đó có cuộc gặp giữa Trung Quốc và ASEAN.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/cn-vn-maritime-tensions-fare-as-foreign-ministers-meeting-called-off-08072017114317.html

 

Quân đội Nhân dân đòi ‘nghiêm trị’Anh em Dân chủ

Trang web báo Quân đội Nhân dân thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 7/8 đăng bài viết dưới hàng tít “Nghiêm trị những kẻ đội lốt ‘dân chủ’, ‘nhân quyền’ phá hoại đất nước”.

Bài báo nói nhà chức trách Việt Nam đã làm “hoàn toàn đúng luật” khị họ bắt và khởi tố ông Nguyễn Văn Đài và 5 thành viên khác thuộc hội Anh em Dân chủ.

Như tin VOA đã đưa, cách đây hơn 1 tuần, chính quyền Việt Nam đã bắt liên tiếp 4 nhà hoạt động Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, và Nguyễn Bắc Truyển trong một thời gian ngắn.

Bộ Công an nói hôm 30/7 rằng 4 ông bị khởi tố vì có vai trò trong vụ án mà bộ gọi là “Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Theo Bộ Công an, có tổng cộng 6 bị can trong vụ án. Ngoài 4 người mới bị bắt, nhà chức trách Việt Nam đã bắt hai nhà hoạt động khác hồi cuối năm 2015, là ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thu Hà.

Bài báo của Quân đội Nhân dân hôm 7/8 cáo buộc ông Đài sử dụng internet để “xuyên tạc chính sách của nhà nước, tuyên truyền quan điểm đa nguyên, đa đảng, vu cáo nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền”.

Hơn nữa, theo bài báo, ông Đài đã lập ra hội Anh em Dân chủ, bị xem là “nơi tụ tập của những kẻ có tư tưởng, quan điểm sai trái, chuyên xuyên tạc, bịa đặt, kích động, cổ xúy cho những phần tử chống phá đảng, nhà nước”.

Từ những điều kể trên, bài báo cho rằng ông Đài và các nhà hoạt động khác đã “cố tình vi phạm” Điều 4 trong Hiến pháp Việt Nam xác định “quyền lãnh đạo duy nhất” của Đảng Cộng sản Việt Nam, và Điều 79 của Bộ luật Hình sự quy định về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Kết thúc bài báo, tác giả ký tên Kim Ngọc viết rằng các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật sẽ “bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật”, nhưng nhấn mạnh rằng “phải xử lý nghiêm khắc hơn” đối với ông Nguyễn Văn Đài. Lý do mà tác giả đưa ra là ông Đài đã từng chịu án tù và quản chế sau những hoạt động bị xem là chống chính quyền trong quá khứ “nhưng vẫn chứng nào tật ấy”.

Đất nước đang nhiều khó khăn, họ sợ là sẽ có một làn sóng chỉ trích sau đó là tiến tới thành lập các đảng đối lập, do đó họ đàn áp. Họ thực hiện chủ trương đàn áp, không cho tiếng nói đối lập xuất hiện. Họ đàn áp để ngăn ngừa sự thành lập khối đối lập. Cho nên họ tìm cách trấn áp những người bất đồng chính kiến để ngăn ngừa điều này xảy ra.

Ông Vũ Quốc Ngữ, Tổng giám đốc của Người Bảo vệ Nhân quyền

Thời gian gần đây, chính quyền Việt Nam đã tuyên hai bản án nặng lên đến 9 và 10 năm tù cho các nhà hoạt động Trần Thị Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, còn gọi là Mẹ Nấm.

Điều này dẫn đến lo ngại trong giới rằng bài báo của Quân đội Nhân dân có thể là bước dọn đường cho những bản án nặng sắp tới dành cho ông Nguyễn Văn Đài và những người cùng chí hướng.

Ông Vũ Quốc Ngữ, Tổng giám đốc của Người Bảo vệ Nhân quyền, một tổ chức ở Việt Nam nhưng không được Hà Nội công nhận, giải thích với VOA về việc chính quyền gia tăng trấn áp giới hoạt động:

“Đất nước đang nhiều khó khăn, họ sợ là sẽ có một làn sóng chỉ trích sau đó là tiến tới thành lập các đảng đối lập, do đó họ đàn áp. Họ thực hiện chủ trương đàn áp, không cho tiếng nói đối lập xuất hiện. Họ đàn áp để ngăn ngừa sự thành lập khối đối lập. Cho nên họ tìm cách trấn áp những người bất đồng chính kiến để ngăn ngừa điều này xảy ra”.

Về việc chính quyền sử dụng Điều 4 của Hiến pháp kết hợp với Điều 79 Bộ luật Hình sự để trấn áp những nỗ lực thúc đẩy đa nguyên, đa đảng, ông Ngữ cho rằng đây là một “lý luận cùn” và những điều luật đó không khác gì “việc xác lập một chế độ phong kiến”.

Tin tức về các vụ chính quyền Việt Nam bắt giam và kết án một loạt các nhà hoạt động đã gây rúng động, nhưng giới hoạt động bày tỏ trên mạng xã hội rằng họ không sợ hãi.

https://www.voatiengviet.com/a/quan-doi-nhan-dan-doi-nghiem-tri-anh-em-dan-chu/3975585.html