Tin Việt Nam – 06/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 06/08/2017

VN còn ‘thẩm quyền’ xét xử Trịnh Xuân Thanh?

Mặc dù đã có ông Trịnh Xuân Thanh ở trong tay, Việt Nam có thể gặp một vấn đề pháp lý là phải trả lời câu hỏi liệu nước này còn có ‘thẩm quyền’ nữa hay không để xét xử người mà nước này nói ‘đã ra đầu thú’, trong lúc CHLB Đức bảo lưu ý kiến nói cựu quan chức một công ty thuộc ngành dầu khí và nguyên phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang ‘đã bị bắt cóc’.

Bình luận với BBC hôm 4/8/2017 từ Sài Gòn, luật sư Lê Công Định trước hết nói về khả năng và ‘mức án’ mà ông Thanh, cựu tỉnh ủy viên Tỉnh Hậu Giang, có thể phải nhận, nếu Việt Nam có thể xét xử ông:

“Thực ra vấn đề này, tôi không thể nào trả lời được, bởi vì như tôi đã nói họ cho ông ‘tự thú’, có nghĩa là họ đã dự liệu trước khả năng là khoan hồng và do đó mức án như thế nào, chúng ta phải chờ sự thương thuyết trong nội bộ giữa những phe phái thế nào, để ấn định một mức án cho ông Thanh.

Bàn tròn BBC: Diễn biến mới trong vụ Trịnh Xuân Thanh

Ý kiến của Luật sư Lê Công Định về vụ Trịnh Xuân Thanh

Vì sao Đức yêu cầu trao trả Trịnh Xuân Thanh?

Đức dọa trả đũa Việt Nam vì ‘bắt cóc’ Trịnh Xuân Thanh

“Còn ở Việt Nam chúng ta biết rằng luật pháp thì có đó, nhưng tiên liệu việc áp dụng hình phạt sẽ như thế nào, thì chỉ có trời biết, bởi vì ở Việt Nam các cơ quan thực thi pháp luật chưa bao giờ dựa trên luật để đưa ra những hình phạt một cách xác đáng, chính xác cả.

“Bao giờ họ cũng tìm cách ấn định một bản án theo ý họ muốn mà thôi, cho nên nếu một luật sư hay bất kỳ một luật gia nào tiên liệu trước khả năng là án của ông Trịnh Xuân Thanh sẽ là bao nhiêu năm tù, thì nói thật đó là việc làm không thể được’.

Nhưng luật sư Lê Công Định đề cập một phương án mà có thể là một giả định theo hướng hoàn toàn khác, ông nói:

“Tuy nhiên, chúng ta cũng nên trở lại một vấn đề liên quan luật pháp quốc tế là đối với trường hợp mà chính quyền Việt Nam một khi đã sử dụng hành động vi phạm luật quốc tế để đưa ông Thanh trở về Việt Nam để xét xử, thì theo luật quốc tế nó cũng có một nguyên tắc rằng là bên nào vi phạm thì bên đó không còn ‘jurisdiction’ tức là thẩm quyền xét xử đối với người nạn nhân của sự vi phạm đó.

“Do đó, nếu Việt Nam tuân thủ luật pháp quốc tế và những chuẩn mực của luật pháp quốc tế, thì họ không có thẩm quyền để xét xử ông Thanh trong vụ án này nữa và buộc lòng họ phải trả lại cho chính phủ Đức giải quyết vấn đề này. Và việc cáo buộc ông Thanh như thế nào thì thuộc thẩm quyền của một quốc gia khác, chứ không thể nào của Việt Nam được nữa.”

Cần trung gian hòa giải?

LS Lê Công Định bình luận vụ ông Trịnh Xuân Thanh

Người Việt ở Đức “rất sốc” về vụ Trịnh Xuân Thanh

Mạng xã hội nóng vì Trịnh Xuân Thanh ‘lên VTV’

Tại Bàn tròn của BBC Việt ngữ hôm 3/8, các luật sư khác từ Việt Nam cũng đề cập phương án xử lý khác biệt giữa Việt Nam và CHLB Đức trong vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh trở về Việt Nam ‘đầu thú’, theo truyền thông Việt Nam.

Từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nêu quan điểm:

“Hiện giờ có một sự thật là có một sự khác biệt giữa thông tin, quan điểm và ý kiến của hai nước, đến bây giờ cũng có cự ly khác nhau. Tôi cho rằng cơ chế để giải quyết chắc là các nước phải gặp nhau để mà trao đổi.

“Và đây có thể là thỏa thuận nhượng bộ được, cũng không cần gì phải đưa ra một tòa án… Nó không tranh chấp gì về quyền lợi mà chỉ là tranh chấp về thông tin thôi. Vì thông tin đó sau đó sẽ kết luận, sẽ xử lý trên cơ sở kết luận thông tin ấy.

“Như vậy trở lại câu chuyện chính là có câu chuyện bắt cóc không? Và có câu chuyện là sự lên tiếng của bên Đức phù hợp với pháp luật của Đức thì có quãng xung đột với pháp luật của Việt Nam hay không?

“Còn ở Việt Nam cũng phải chứng minh được là ‘chúng tôi đưa Trịnh Xuân Thanh vì Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện xin đầu thú’, thì đưa ra chỗ đó giải thích như thế nào cũng là một câu chuyện.

“Nếu tự nguyện tại sao không đi đến máy bay thường mà lại đi máy bay trở bệnh nhân, thế này, thế kia? Nếu như đúng các thông tin của báo chí, tôi nghĩ (nên) có một hội nghị công khai chuyện đó lên. Rồi mỗi bên phải tự xem xét, phải có ý kiến thôi, chứ không có vấn đề gì động chạm đến quyền lợi mà dẫn đến phải đưa ra tòa quốc tế.

“Tôi cho rằng có lẽ là các bên nên gặp nhau và đã đến mức, thì mọi thứ phải công khai ra. Và công khai thì nếu ở Việt Nam, đây là vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, lớn, có thể liên quan an ninh, người ta không cho luật sư (tham dự) sớm, không cho luật sư vào từ khi khởi tố vụ án, nên cho luật sư vào để chứng kiến trong dựng nên kết luận điều tra, theo như bộ luật tố tụng hình sự mới ‘rộng rãi’, rồi kết hợp báo chí đưa tin, thì mọi việc sẽ được sáng tỏ.

“Còn việc bên Đức họ qua để gặp ông Trịnh Xuân Thanh trong nhà lao được hay không, thì đó là câu chuyện khác. Trước đây, tôi có bào chữa cho vụ anh Nguyễn Hữu Vinh – vụ Ba Sàm, nhiều nghị sỹ bên Đức qua, họ được vô dự phiên tòa mà cũng không vào được, rồi họ cũng muốn vô phòng giam để coi anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh sống thế nào, thì cũng đâu có vào được…”

‘Chờ sự thật làm rõ’

Thayer: ‘Nghi vấn bắt cóc gây tổn hại cho VN’

Đức vẫn yêu cầu cho Trịnh Xuân Thanh ‘trở về Đức’

Bàn tròn: Khác biệt Việt – Đức và sự thật vụ Trịnh Xuân Thanh

Từ Hà Nội, luật sư Lê Quốc Quân nêu quan điểm cho rằng tình huống mang tính ‘mâu thuẫn’ giữa hai bên về thông tin và cần chờ đợi ‘sự thật’ được minh định, ông nói:

“Thực ra việc này đã là mâu thuẫn ngay việc đưa tin rồi, như ai đó đã nói rằng tin tức này hoàn toàn không thỏa mãn và chúng ta phải đợi sự thật được làm rõ. Cho nên phải biết được sự thật như thế nào, thì mới xác định được phản ứng của nó như thế nào cho đúng đắn.

“Riêng về trình tự của quốc tế mà giải quyết vấn đề này, theo tôi cũng không có gì khó khăn, hoặc mình theo thủ tục quốc tế. Trước đây về mặt thủ tục…, bên Việt Nam khẩn cầu bên Đức, và (nếu) bên Đức chấp nhận lời khẩn cầu thì sẽ đưa bàn giao về.

“Còn lại trong tương quan luật pháp quốc tế, đề nghị bên kia căn cứ vào luật pháp của người ta, hai bên sẽ dàn xếp công việc một cách rất đơn giản, hoặc qua con đường ngoại giao và phụ thuộc vào tôn trọng luật pháp quốc tế.

Vụ ông Trịnh Xuân ThanhBản quyền hình ảnhOTHER
Image captionÔng Trịnh Xuân Thanh đã ‘ra đầu thú’ và có đơn ‘tự thú’ trước chính quyền Việt Nam, theo truyền thông nhà nước.

“Thực ra luật pháp quốc tế bây giờ không chỉ dựa vào các điều ước quốc tế, mà còn dựa vào các yếu tố hợp tác gọi là các điều ước song phương, không phải đa phương, song phương mà thậm chí còn quy định hẳn luật pháp các nước sở tại…

“Cho nên dựa vào luật pháp quốc tế…, giải quyết một cách ôn hòa, đơn giản, tôi nghĩ rằng rất là dễ dàng để (giải quyết) vấn đề này. Tuy nhiên ở đây, nó quá bức xúc và tôi cảm giác như có một câu chuyện là đấu tranh, tư thù lẫn nhau, cho nên mới dẫn đến chuyện ấy. Ví dụ như khởi phát việc rất nhỏ, sau đó thì đánh ra thành sự lớn…”

Một ý kiến khác tại Bàn tròn của nhà báo Lê Trung Khoa, Chủ biên tờ báo mạng Thờibáo.de từ Berlin, bình luận khả năng xử lý vụ việc đang xảy ra với ông Trịnh Xuân Thanh, mà trong đó đang có khác biệt giữa hai nhà nước Việt Nam và Đức:

“Như tôi được biết, ông Trịnh Xuân Thanh đã có một nhóm luật sư rất giỏi để ông tranh tụng trong việc này.

“Mỗi luật sư sẽ có trách nhiệm về một mảng riêng, ví dụ một luật sư tại thành phố Frankfurt am Main chuyên tranh tụng về vấn đề tị nạn, một luật sư khác ở Berlin cũng rất giỏi, lại chuyên tranh tụng cho vấn đề chống trục xuất và ngoài ra còn những luật sư khác nữa.

“Ở Đức, nhà nước là tam quyền phân lập, cho nên ở đây, họ làm việc mọi cái đều theo pháp luật, nên đầu tiên pháp luật sẽ được đưa ra để dùng và họ sẽ vận dụng như trong thời gian vừa qua, cũng như sắp tới,” nhà báo Lê Trung Khoa nói với BBC.

Mời quý vị nhấn chuột vào đây để theo dõi Bàn tròn Điểm tin của BBC Tiếng Việt, trong đó các khách mời cập nhật một số tình tiết mới về vụ việc liên quan ông Trịnh Xuân Thanh và đưa ra các phân tích, bình luận.

www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40837448

 

Ông Trọng thắng hay thua vụ Trịnh Xuân Thanh?

Niềm hân hoan, phấn khích sau khi bắt được “con cá không quá to nhưng láu” – Trịnh Xuân Thanh – đã nhanh chóng nhường chỗ nỗi hoang mang, lo âu trước phản ứng quyết liệt của người Đức đối với việc cựu quan chức Việt Nam này bị bắt cóc ngay trên đất của họ – sự sỉ nhục đối với bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào.

Một sĩ quan tình báo ở sứ quán Việt Nam đã bị buộc yêu cầu rời khỏi Đức, song đây chỉ là động thái bước đầu mang tính biểu tượng. Điều đáng lo ngại thực sự nằm ở “những hành động khác ở cấp độ chính trị, kinh tế và chính sách phát triển” mà Chính phủ Đức bảo lưu quyền thực hiện, được nêu ra trong tuyên bố chính thức của họ, trong trường hợp yêu cầu giao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức không được phía Việt Nam đáp ứng.

Danh dự Tổng Bí thư dĩ nhiên không cho phép đòi hỏi này đáp ứng. Nghĩa là gần như chắc chắn Việt Nam sẽ không thoát khỏi những trừng phạt từ người Đức.

Trừng phạt ấy có thể là gì? Và nó có ảnh hưởng gì đến chính trị nội bộ Việt Nam?

Đầu tiên, và quan trọng nhất hiện nay, chính là Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EU) mà Đức là lãnh đạo hàng đầu. EU hiện là nhà nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam nên Hiệp định này đang được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng, nhất là sau cái chết của TPP. Cộng đồng doanh nghiệp trước đây không trách Chính phủ Việt Nam khi TPP chết yểu vì lý do chính là sự rút lui của Mỹ sau khi Trump lên Tổng thống; tuy nhiên, nếu vụt mất FTA lần này vì bị Đức trừng phạt thì Chính phủ Việt Nam sẽ khó tránh khỏi áp lực từ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước vì nguyên nhân bây giờ hoàn toàn mang tính chủ quan. Điều này, một khi cộng hưởng với tình trạng khó khăn trong tăng trưởng của nền kinh tế hiện nay, sẽ bắt đầu thổi hơi nóng chính trị vào Ba Đình. Đón luồng hơi trực tiếp không ai khác chính là Tổng Bí thư.

Đòn trừng phạt thứ hai, hứa hẹn nhiều dư vang hơn, sẽ liên quan tới tình hình trên Biển Đông. Mọi nỗ lực của Việt Nam kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông ít nhất sẽ bị Đức (và cả Liên minh Châu Âu mà nước này đang dẫn dắt) phớt lờ hoặc coi là lố bịch một khi Việt Nam đã chứng tỏ họ sẵn sàng bất chấp luật pháp quốc tế để đạt được mục đích của mình, ngay trên đất Đức, ngay trên đất Châu Âu. Theo đó, lập luận chính của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông sẽ trở nên yếu ớt vô cùng; và họ cũng chẳng còn tư thế nào phản đối việc Trung Quốc chơi luật rừng trên biển, khi đây cũng là thứ luật mà họ vừa áp dụng ngay trước mắt cộng đồng quốc tế.

Vậy là, nỗ lực của biết bao người nhằm mở rộng giao thương và củng cố lập trường Biển Đông của Việt Nam trên trường quốc tế bỗng dưng đổ sông đổ biển chỉ để thoả mãn tự ái của một người. Là thoả mãn tự ái, chứ không phải vì lợi ích quốc gia, ngay cả khi cố khoác lên nó vỏ bọc chống tham nhũng; vì nếu thực sự vì lợi ích quốc gia chẳng ai lại đưa ra một lựa chọn nhiều hệ luỵ cho quốc gia đến như vậy.

Những ủy viên Trung ương vốn lâu nay thấp thỏm mình là chuột hay bình dưới thời “đánh chuột không vỡ bình” của Tổng Bí thư sẽ nhanh chóng tập hợp thành một liên minh xung quanh hai hồ sơ quan trọng này (kinh tế và biển đảo) để chất vấn năng lực cầm quyền của Tổng Bí thư, tiến tới giáng những đòn quyết định vào chiếc ghế của ông trong những kỳ Hội nghị Trung ương gần nhất tới đây.

Áp lực chính trị không phải từ một đầu lãnh hay một phe mà là một liên minh kiểu này không dễ bị hóa giải chỉ bằng việc thao túng các quy chế nội bộ trong đảng – điều ông Trọng thường làm một cách thành thạo. Chỉ có thể chống lại áp lực này nếu sau lưng ông Trọng là một khối quần chúng đông đảo ủng hộ ông trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Ông Trọng có vẻ đang dần nhận ra tầm quan trọng của điều này khi trong phiên họp gần đây nhất của Ban chỉ đạo TƯ Phòng chống tham nhũng, ông nói: “chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội”. Hẳn chính ông Trọng cũng lờ mờ nhận ra, câu nói này của ông có vẻ phản ánh một mơ ước nhiều hơn là nhận định thực tại. Hình ảnh “toàn dân đoàn kết sau lưng Tổng Bí thư chống tham nhũng” vẫn còn xa vời. Chẳng hề có một phong trào, xu thế chống tham nhũng nào trong xã hội cả, họa chăng chỉ có trong nội bộ đảng, và là vỏ bọc cho các xung đột phe phái. Trớ trêu thay, chính việc trì hoãn cải cách chính trị mà ông Trọng chủ xướng lại ngăn ông có một khối hậu thuẫn quần chúng như thế.

Vậy thì chờ xem, kỳ Hội nghị Trung ương tới đây, ông Trọng sẽ làm gì để đối phó với các đồng chí trên tay cầm hồ sơ kinh tế và biển đảo lăm le hất ghế ông để thoát cảnh “nay chuột mai bình”?

* Bài viết không thể hiện quan điểm của đài Á Châu Tự Do

www.rfa.org/…/news/…/nguyenphutrong-won-or-lost-about-txt-08042017113449.ht…

 

Việt Nam muốn ASEAN có lập trường cứng rắn với Trung Quốc

Việt Nam thúc giục các nước Đông Nam Á có lập trường mạnh mẽ hơn đối với việc Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông, vào lúc diễn đàn an ninh khu vực bắt đầu họp ở Manila hôm 5/8.

Trước phiên họp thường niên của ngoại trưởng khối ASEAN gồm 10 nước, Việt Nam đã có động thái mạnh bạo nhắm đến Trung Quốc với việc đề xuất chỉnh sửa bản thảo của thông cáo chung có trong kế hoạch.

Tranh chấp Biển Đông là một trong những vấn đề an ninh hàng đầu của châu Á. Trong vấn đề này, các nước ASEAN nói riêng và các nước châu Á-Thái Bình Dương nói chung, kể cả Trung Quốc và Mỹ, có rất ít đồng thuận.

Trong bối cảnh đó, theo các nhà ngoại giao, Việt Nam không đồng tình với những nỗ lực của Philippines nhằm xoa dịu Trung Quốc.

Cuộc thảo luận thật gay go. Việt Nam đơn thương độc mã đòi có những từ ngữ mạnh mẽ về Biển Đông. Campuchia và Phippines không mặn mà thể hiện điều đó.
Một nhà ngoại giao liên quan đến phiên họp của các ngoại trưởng ASEAN

Vào tối 4/8, Việt Nam tìm cách đưa những từ ngữ cứng rắn chống Trung Quốc vào tuyên bố của ASEAN dự kiến được công bố sau khi các ngoại trưởng Đông Nam Á họp xong hôm 5/8.

Theo một bản sao mà AFP có được, Việt Nam đã vận động ASEAN bày tỏ quan ngại về “việc xây dựng” ở ngoài biển, ý nói đến sự bùng nổ các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở vùng biển có tranh chấp trong những năm gần đây.

Việt Nam cũng muốn ASEAN nhấn mạnh trong tuyên bố chung là bộ quy tắc ứng xử (COC) với Trung Quốc ở Biển Đông, hiện đã được lên kế hoạch, sẽ có tính ràng buộc về mặt pháp lý, một điều bị Trung Quốc chống lại.

Việc vận động đã diễn ra khi các ngoại trưởng ASEAN họp không chính thức ngoài kế hoạch vào tối 4/8.

Một nhà ngoại giao tham gia cuộc họp cho AFP biết rằng “cuộc thảo luận thật gay go” và “Việt Nam đơn thương độc mã đòi có những từ ngữ mạnh mẽ về Biển Đông” trong khi “Campuchia và Phippines không mặn mà thể hiện điều đó”.

Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar cho hay “các bộ trưởng [ASEAN] đã thông qua bộ khung của Quy tắc Ứng xử để thông qua chung cuộc tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc”. Dự kiến Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ dự hội nghị ở Manila.

Ông Bolivar không nói rõ liệu các ngoại trưởng có thảo luận về COC trong phiên họp không chính thức hôm 4/8 hay không và liệu cuộc thảo luận có suôn sẻ hay không.

Trước đây Philippines từng cùng Việt Nam chỉ trích lớn tiếng nhất về sự bành trướng của Trung Quốc.

Nhưng trong những năm gần đây, Philippines dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Duterte đã tìm cách hạ giảm tranh chấp với Trung Quốc để đổi lại hàng tỉ đôla viện trợ và đầu tư phát triển của Trung Quốc.

Cũng trong những năm gần đây, Trung Quốc đã vận động thành công các nước ASEAN khác, nhất là Campuchia và Lao, để họ ủng hộ các động thái ngoại giao của Trung Quốc liên quan đến tranh chấp Biển Đông.

Một số nhà ngoại giao nói có phần chắc Việt Nam sẽ thua trong nỗ lực đòi đưa các từ ngữ cứng rắn chống Trung Quốc vào tuyên bố, khi mà Philippines với tư cách chủ nhà hội nghị có nhiều ảnh hưởng hơn.

(theo AFP, New York Times)

https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-muon-asean…trung-quoc/3974327.html