Tin Biển Đông – 06/08/2017
Thêm tàu cá Việt Nam ‘bị đâm chìm’
Giới chức tỉnh Bình Định nói với BBC rằng họ “đang xác minh” vụ một tàu cá mà truyền thông Việt Nam ghi là “bị tàu lạ đâm chìm”.
Hôm 6/8, cơ quan chức năng tỉnh tỉnh Bình Địnhđang xác minh thông tin về việc tàu cá BĐ 40482 TS bị ‘tàu lạ’ chưa rõ số hiệu tông chìm vào sáng cùng ngày, khi đang đánh bắt tại vùng biển cách Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) khoảng 48 hải lý về phía tây nam, cách mũi Vũng Tàu khoảng 150 hải lý về phía nam tây nam, theo báo Thanh Niên.
“Bảy ngư dân trên tàu này được tàu cá đi cùng cứu vớt, còn chủ tàu kiêm thuyền trưởng Trương Công Ơn mất tích,” báo này tường thuật.
Vụ bắn tàu cá: Indonesia ‘có thông tin khác’
Tàu cá Việt Nam ‘bị Hải quân Indonesia bắn’
Hôm 6/8, người trực ban thuộc Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định nói với BBC rằng họ “đang xác minh” vụ việc và từ chối cung cấp thêm thông tin.
Hôm 24/7, một báo cáo trên website của Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai – Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Bình Định xác nhận một tàu cá khác của ngư dân tỉnh này “bị Hải quân Indonesia bắn làm bốn ngư dân bị thương” nhưng sau đó thông tin này đã bị gỡ.
Truyền thông Việt Nam tiếp đó đưa tin Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Indonesia điều tra vụ hải quân Indonesia bắn tàu cá Việt Nam.
Bà Retno Marsudi, Ngoại trưởng Indonesia nói với Reuters rằng hải quân nước này cung cấp “thông tin khác” và nói việc ngư dân Việt đánh bắt bất hợp pháp “là vấn đề dài hạn”.
Bà Marsudi nói rằng bà nhấn mạnh với Ngoại trưởng Việt Nam về tầm quan trọng của việc hai nước dàn xếp thỏa thuận về vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn.
Hiện chưa rõ về việc bà Marsudi có trao đổi với ông Bình Minh về vấn đề này khi cả hai cùng dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Asean đang diễn ra tại Manila.
Tháng trước, trong thư trả lời BBC về vụ Indonesia trao trả 695 ngư dân Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói chính phủ “có các biện pháp bảo hộ công dân phù hợp” và “không ủng hộ ngư dân xâm phạm vùng biển của quốc gia khác”.
Trưa 11/6, hai tàu của Vùng Cảnh sát biển 3 đã đưa các ngư dân này về đến cảng PTSC, thành phố Vũng Tàu, báo Việt Nam cho hay.
Truyền thông Indonesia tường thuật đây là vụ trao trả ngư dân lớn nhất được được tiến hành dựa trên một thỏa thuận giữa Indonesia và Việt Nam.
Hồi tháng 5/2017, Indonesia và Việt Nam loan báo tiến hành cuộc điều tra chung sau một vụ đụng độ trên biển nhưng kết quả cuộc điều tra chưa được công bố.
www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40841838
ASEAN, TQ thông qua khung quy tắc ứng xử trên Biển Đông
Các ngoại trưởng Đông Nam Á và Trung Quốc hôm 6/8 thông qua văn kiện khung về đàm phán một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Họ ca ngợi động thái này là một tiến bộ, nhưng những người chỉ trích cho rằng đây là một chiến thuật câu giờ của Trung Quốc để nước này củng cố sức mạnh trên biển của mình.
Văn kiện khung nhắm đến việc thúc đẩy Tuyên bố về quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông, gọi tắc là DOC, đã được đưa ra hồi năm 2002.
Hầu như các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đều lờ đi DOC, nhất là Trung Quốc. Nước này đã xây 7 đảo nhân tạo ở vùng biển có tranh chấp.
Các bên nói văn kiện khung chỉ là một bản khái quát về cách thức bộ quy tắc ứng xử sẽ được thiết lập. Nhưng những người chỉ trích nói việc không nêu khái quát về mục tiêu ban đầu, sự cần thiết phải làm cho bộ quy tắc có tính ràng buộc pháp lý và có thể cưỡng hành, hay có một cơ chế giải quyết tranh chấp là những điều gây nghi ngờ về mức độ hiệu lực của bộ quy tắc.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói việc thông qua văn kiện khung tạo ra cơ sở vững chắc để đàm phán có thể bắt đầu trong năm nay.
Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei đều có tuyên bố chủ quyền về toàn bộ hoặc từng phần Biển Đông.
Một số nhà ngoại giao và những người chỉ trích tin rằng việc Trung Quốc đột nhiên quan tâm đến bộ quy tắc sau 15 năm trì hoãn là có mục đích kéo dài quá trình đàm phán để câu giờ cho việc hoàn thành những mục tiêu chiến lược của họ ở Biển Đông.
Một số người cho rằng bộ quy tắc được thúc đẩy vào lúc Mỹ, nước lâu nay được coi là có vai trò quan trọng trong việc ngăn cản những đòi hỏi hàng hải của Trung Quốc, đang bị phân tán vì các vấn đề khác và không đưa ra quan điểm rõ ràng về chiến lược an ninh của Mỹ ở châu Á, vì vậy làm suy yếu vị thế đàm phán của ASEAN.
Văn kiện khung chưa được công bố, nhưng một văn bản dài 2 trang mà Reuters tiếp cận được cho thấy nó khá khái quát và có nhiều điểm dẫn đến bất đồng.
Ví dụ, nó kêu gọi các bên cam kết với “các mục đích và nguyên tắc” của Công ước LHQ về Luật Biển, nhưng không quy định việc tuân thủ.
Một số nước ASEAN, kể cả Việt Nam và Philippines, lâu nay nói họ vẫn muốn làm cho bộ quy tắc có tính ràng buộc pháp lý, điều mà theo các chuyên gia sẽ ít có cơ hội được Trung Quốc chấp nhận.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói ông không cố tiên liệu về nội dung bộ quy tắc, nhưng ông cũng nói bất cứ điều gì được ký kết cũng phải được tuân theo.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước chủ nhà Philippines Robespierre Bolivar nói việc thông qua văn kiện khung là biểu tượng của cam kết tạo ra một bộ quy tắc “thực chất và có hiệu lực”.
(theo Reuters)
https://www.voatiengviet.com/…/asean-tq-thong-qua-khung-quy…dong/3974395.htm…