Tin khắp nơi – 06/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 06/08/2017
Bản quyền hình ảnhEPA/OTHER
Image captionTướng Ngô Xuân Lịch và Tướng James Mattis sẽ gặp nhau trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng VN tới Hoa Kỳ, từ 7-10/8

Bộ trưởng Quốc phòng đi Mỹ, VN mong đạt được gì?

Tướng Ngô Xuân Lịch trong chuyến công du đầu tiên tới Hoa Kỳ với cương vụ Bộ trưởng Quốc phòng, 7-10/8/2017, được trông đợi sẽ có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Việt Nam không giành được nhiều ủng hộ về vấn đề Biển Đông tại hội nghị các ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Philippines, còn quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang căng thẳng liên quan tới hoạt động thăm dò dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam.

ASEAN không có thông cáo chung ‘do Việt Nam’

Việt Nam đơn độc về Biển Đông tại Diễn đàn ASEAN

VN thứ 10 thế giới về nhập khẩu vũ khí

Từ Hoa Kỳ, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) hôm 6/8 nói với BBC rằng chuyến đi của Tướng Lịch là điều “Việt Nam đã mong muốn từ lâu”, tuy nhiên thời điểm diễn ra lại không mấy thuận lợi cho Hà Nội.

“Chính sách ngoại giao của Tổng thống Donald Trump đối với Á châu, đặc biệt là với Việt Nam chưa có gì rõ nét,” Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói, trong lúc quan hệ quốc phòng đã chuyển từ “ngày càng tiến triển mạnh” dưới thời ông Obama sang thái độ “ngập ngừng, không có gì rõ rệt” kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.

Chủ đề Biển Đông

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về quốc phòng Việt Nam, từ Học viện Quân sự Úc đưa ra một số phỏng đoán về nội dung thảo luận giữa hai đại diện quốc phòng của Việt Nam và Hoa Kỳ.

Repsol tạm ngừng khoan dầu ở VN

Biển Đông: Làm rõ tin ‘VN phải dừng khoan’

Ông Tập ‘chỉ đạo bồi đắp đảo ở Biển Đông’

“Cuộc họp này sẽ nối tiếp cuộc họp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump hồi tháng Năm,” ông Thayer nói với BBC hôm 4/8.

“Họ sẽ thảo luận về Biển Đông và làm thế nào Hoa Kỳ có thể làm trung gian cân bằng cho sự hung hăng của Trung Quốc vào thời điểm này.”

Cơ sở của Trung Quốc trên Đá Chữ ThậpBản quyền hình ảnhCSIS/AMTI
Image captionCơ sở của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, theo ảnh chụp từ vệ tinh hôm 3/2017, cho thấy Bắc Kinh sẽ có khả năng triển khai máy bay chiến đấu và các thiết bị quân sự khác từ đảo nhân tạo này

Đánh giá về mối quan hệ với Trung Quốc, Giáo sư Thayer cho rằng Hoa Kỳ sẽ chỉ tham gia một cách chừng mực, trong bối cảnh Washington đang rất cần sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong việc kiềm chế Bắc Hàn.

“Hoa Kỳ đang bận rộn chuyện Bắc Hàn và đang cần Trung Quốc kiểm soát Bắc Hàn, họ không thể đồng thời chống lại Trung Quốc ở Biển Đông.”

“Hoa Kỳ sẽ chỉ hỗ trợ Việt Nam bằng cách bán cho Việt Nam các loại vũ khí và công nghệ hàng hải.”

Hoa Kỳ trên thực tế “không có gì nhiều để mất cho Hoa Kỳ trong cuộc chơi [Biển Đông] này cả,” giáo sư Thayer giải thích thêm.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng hiện khó có thể nói liệu Hoa Kỳ sẽ nhiệt tình hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này hay không.

“Quan trọng nhất là ông Lịch sẽ thăm dò tính khả tín trong các cam kết của Mỹ: Mỹ có can dự [vào chuyện Biển Đông] hay không, và nếu có, thì can dự tới mức độ nào, Việt Nam với Mỹ có thể thỏa thuận như thế nào để Việt Nam có thể tăng khả năng quốc phòng của mình để chống lại những bất trắc có thể xảy ra.”

“Đây là thế rất khó của ông Lịch, và đây sẽ là chuyến đi có tính thăm dò nhiều hơn,” Giáo sư Hùng bình luận. “Ông Lịch sang để thảo luận với những nhà lãnh đạo quân sự của Mỹ, để xem quan hệ quốc phòng đó có thể đi đến đâu.”

Tàu chiến Mỹ áp sát đảo tranh chấp ở Hoàng Sa

Manila ‘sẽ hỏi láng giềng’ trước khi ký với TQ

TQ vẫn tiếp tục ‘tằm ăn dâu’ ở Biển Đông

Tuy nhiên, Wendell Minnick, cây viết chuyên về Á châu của Shephardmedia, tạp chí chuyên về phân tích chiến lược quân sự quốc phòng có cái nhìn khác.

“Những người mà tôi đã trao đổi ở Ngũ Giác đài đều rất thích Việt Nam. Việt Nam có một vị trí rất chiến lược và tôi tin Mỹ luôn muốn phát triển quan hệ đối tác, đặc biệt về mảng quân sự với Việt Nam,” ông nói với BBC hôm 4/8.

“Điều Việt Nam cần làm bây giờ là phải chứng tỏ mình là một lợi thế cần thiết đáng tin cậy của Hoa Kỳ tại khu vực.”

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch theo kế hoạch chính thức có chuyến thăm Hoa Kỳ trong thời gian 7-10/8/2017.

Thông tấn xã Việt Nam nói mục đích chuyến đi nhằm “góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa nhân dân và quân đội hai nước; tích cực chủ động triển khai các nội dung hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng”.

www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40837448

TQ thúc giục Bắc Hàn ‘ngưng thử tên lửa’

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề nghị Bắc Hàn thôi tiến hành các vụ thử hạt nhân và hỏa tiễn, vài tiếng sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua các biện pháp trừng phạt mới với Bắc Hàn vì chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.

Ông Vương Nghị đã thúc giục người động nhiệm phía Bắc Hàn, ngoại trưởng Ri Yong-ho, rằng Bình Nhưỡng cần tuân thủ các nghị quyết của LHQ trong một cuộc họp hôm Chủ nhật tại Philippines.

Ông Vương không cho biết ông Ri có đáp lời hay không.

Trước đó, một nghị quyết cấm hàng xuất khẩu của Bắc Hàn và hạn chế đầu tư vào nước này đã được thông qua với lá phiếu tuyệt tối.

Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ, Nikki Haley, nói rằng đây là “chuỗi trừng phạt nghiêm ngặt nhất với bất kỳ quốc gia nào”.

Bình Nhưỡng thử nghiệm hai tên lửa xuyên lục địa trong tháng Bảy và tuyên bố nay có khả năng tấn công Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, các chuyên gia nghi ngờ về khả năng những tên lửa này có thể bắn trúng đích.

Nam Hàn ‘sẵn sàng’ đàm phán với Bắc Hàn khi có cơ hội

Bắc Hàn: Mỹ nằm trong tầm bắn tên lửa

Mỹ nói ‘không là kẻ thù của Bắc Hàn’

Trump ‘thất vọng’ về TQ vụ Bắc Hàn

Các vụ thử tên lửa đã bị Hàn Quốc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ lên án và dẫn tới việc Liên Hợp Quốc soạn thảo các biện pháp trừng phạt mới.

Xuất khẩu than, quặng và nguyên liệu thô khác sang Trung Quốc là một trong số ít các nguồn mang lại thu nhập cho Bắc Hàn.

Ước tính cho thấy Bắc Hàn thu được khoảng 3 tỷ USD trị giá xuất khẩu mỗi năm – và các biện pháp trừng phạt có thể loại bỏ 1 tỷ USD từ hoạt động thương mại này.

Đầu năm nay, Trung Quốc ngưng nhập than để tăng áp lực đối với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt nhiều lần cho đến nay không có tác dụng ngăn được Bắc Hàn tiếp tục phát triển tên lửa.

Trung Quốc, đồng minh quốc tế duy nhất của Bắc Hàn và là thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lần này.

Trong quá khứ, Bắc Kinh thường bảo vệ Bình Nhưỡng khi có các nghị quyết gây tổn hại cho Bắc Hàn.

Đại sứ Mỹ Nikki Haley cho biết Hội đồng Bảo an đã tăng biện pháp trừng phạt đối với hoạt động tên lửa đạn đạo của Bắc Hàn “lên một ngưỡng hoàn toàn mới”.

“Hôm nay, Hội đồng Bảo an đã cùng nhau cảnh cáo nhà lãnh đạo Bắc Hàn,” bà Haley nói tại Hội đồng Bảo an sau cuộc bỏ phiếu.

“Hành vi vô trách nhiệm và bất cẩn của Bắc Hàn vừa được chứng minh đó là cái giá đắt cho chế độ này.”

Bà Haley cũng ca ngợi lập trường của Trung Quốc.

Đại sứ Trung Quốc, Lưu Kết Nhất, nói nghị quyết đã cho thấy rằng thế giới “có lập trường thống nhất liên quan đến tình hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”.

Ông Lưu hoan nghênh tuyên bố của Hoa Kỳ rằng Washington không tìm cách thay đổi chế độ tại Bình Nhưỡng hay ưu tiên cho nỗ lực thống nhất nam bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên – cùng với đại sứ Nga – Đại sứ Trung Quốc chỉ trích việc Hoa Kỳ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Nam Hàn và kêu gọi Hoa Kỳ ngưng triển khai hệ thống này.

Tại cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đang diễn ra tại Manila, Phillippines vào cuối tuần này, Nam Hàn cho biết nước này có thể đàm phán trực tiếp với Bắc Hàn.

Ngoại trưởng Nam Hàn Kang Kyung-wha nói bà sẵn sàng đàm phán với người đồng nhiệm từ Bình Nhưỡng, nếu cơ hội gặp gỡ “diễn ra tự nhiên”.

www.bbc.com/vietnamese/world-40841617

 

Công tố viên trưởng Venezuela bác việc bị sa thải

Công tố viên trưởng Venezuela nói rằng bà bị hội đồng lập hiến mới sa thải vì chính phủ muốn chặn các cuộc điều tra của bà về tham nhũng và lạm dụng nhân quyền.

Luisa Ortega, người chỉ trích Tổng thống Nicolás Maduro, nói rằng bà không chấp nhận việc mình bị sa thải.

Bà Ortega sẽ phải ra tòa vì “hành vi sai trái nghiêm trọng”, toà án tối cao cho hay.

Venezuela: đụng độ chết người

Khủng hoảng Venezuela: Đụng độ, triệu người đình công

Trong khi đó, Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đình chỉ Venezuela “vô thời hạn”.

Khối này nói rằng Venezuela sẽ không được tái gia nhập cho đến khi nào các tù nhân chính trị được phóng thích và hội đồng lập hiến mới bị giải tán.

Venezuela đã bị tạm đình chỉ hồi tháng 12/2016 vì không tuân thủ điều lệ của khối.

Hôm 5/8, hội đồng lập hiến mới, do phe ủng hộ chính phủ chi phối, quyết định sa thải bà Ortega, 59 tuổi.

Bà Ortega bị hàng chục nhân viên vệ binh quốc gia ngăn không cho vào văn phòng ở thủ đô Caracas.

Trong thông cáo (bằng tiếng Tây Ban Nha) do văn phòng công tố đưa ra, bà nói chính phủ của ông Maduro đang tiến hành “cuộc đảo chính chống lại hiến pháp”.

“Tôi không chấp nhận quyết định này,” bà nói. “Đây chỉ là một ví dụ cho thấy những gì sẽ xảy đến với những người dám chống đối chế độ độc tài toàn trị này”.

www.bbc.com/vietnamese/world-40841837

 

Biển Đông: ASEAN không ra được thông cáo chung cứng rắn với Bắc Kinh

Cam Bốt quyết liệt bảo vệ lập trường của Trung Quốc tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN. Cho đến trưa chủ nhật 06/08/2017, các nước Đông Nam Á họp tại Manila vẫn không tìm được một thái độ chung trước chính sách bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

 

Các nguồn tin ngoại giao xác nhận với AFP là 10 ngoại trưởng ASEAN không thể công bố một bản thông báo chung như dự kiến sau cuộc họp ngày thứ Bảy 05/08/2017. Cuộc đàm phán vào sáng Chủ Nhật cũng không đả thông được tình trạng bế tắc và chia rẽ nội bộ.

Trong khi Bắc Kinh tranh đoạt hơn 80% diện tích Biển Đông lấn sâu đến tận duyên hải của bốn nước Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, thì một lần nữa thành viên ASEAN Cam Bốt bênh vực Trung Quốc, cản trở các nước nạn nhân lên tiếng phản đối.

Theo các nguồn tin này, bản thân Việt Nam « không dám kích động », nước chủ nhà Philippines cố tìm « thỏa hiệp », còn Cam Bốt của thủ tướng Hun Sen thì tận lực « đạp thắng chân lẫn kéo thắng tay ».

Cũng theo AFP, quan chức cao cấp của các phái đoàn ASEAN tiếp tục thảo luận về hồ sơ Biển Đông vào trưa hôm nay (06/08) trong khi các ngoại trưởng tham gia một loạt cuộc tiếp xúc với các đồng cấp Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương.

Tiếp theo sẽ là Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN (ARF) với sự tham dự của nhiều nước trong đó đặc biệt có Mỹ, Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên. Nhiều vấn đề quốc tế và khu vực như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, tình hình Biển Đông và cuộc chiến chống khủng bố sẽ được đưa ra bàn luận.

Còn theo Reuters, trong cuộc họp báo, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố tình hình « biển Nam Hải có tiến triển » và 10 nước ASEAN cùng Trung Quốc sẽ bắt đầu tiến trình « thương lượng một bản quy tắc giao thông hàng hải ngay từ năm nay ».

vi.rfi.fr/…/20170806-bien-dong-asean-khong-ra-duoc-thong-cao-chung-cung-ran-vo…

 

Điều tra Nga can thiệp: Gọng kềm tư pháp tiến đến Nhà Trắng

Tại Hoa Kỳ, nỗ lực đưa ra ánh sáng nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ diễn tiến không ngừng. Theo New York Times, lần đầu tiên ban điều tra của thẩm phán đặc biệt Robert Mueller trực tiếp đòi Nhà Trắng cung cấp tài liệu liên quan đến cựu cố vấn an ninh Michael Flynn. Diễn tiến mới của cuộc điều tra là phanh phui mờ ám tài chính : Michael Flynn nhận tiền của một chính phủ nước ngoài mà “đường dây mối nhợ” có thể dính đến gia đình ông Donald Trump.

Từ New York, thông tín viên Grégoire Pourtier giải thích:

Trong nghi án Nga can dự vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016, một nghi án đang đầu độc nhiệm kỳ của Donald Trump, tướng Michael Flynn chỉ đóng vai trò thứ yếu. Nhưng sự kiện “vai phụ”lên trang nhất thời sự không bao giờ là một tín hiệu tốt.

Michael Flynn đã phải rời chức vụ cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống, 24 ngày sau khi được bổ nhiệm, khi các cuộc tiếp xúc mật với đại sứ Nga bị tiết lộ. Từ khi đó, người ta biết là tổng thống Donald Trump đã vướng lưới, khó mà tháo gỡ một cách an toàn về nghi án được Nga trợ lực trong cuộc bầu cử và về mối quan hệ giữa Nga và ban tham mưu của ông.

Lần này, New York Times đoán chắc là thẩm phán đặc biệt Robert Muller chú ý đến tin đồn một vụ trao tiền bí mật: người nhận là tướng Michael Flynn, kẻ đưa là chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Sự kiện này xác nhận các thông tin trước đó là thẩm phán Robert Muller đã mở rộng cuộc điều tra đến các hồ sơ kinh tài và rất có thể liên can đến ông Trump và gia đình.

Trong khi tổng thống Mỹ công khai cảnh báo là không được vi phạm lằn ranh đỏ, Robert Mueller ,cựu giám đốc FBI, một nhân vật nhiều kinh nghiệm và kín đáo, tỏ ra kiên cường lèo lái theo ý mình. Khi đòi hỏi Nhà Trắng phải chuyển giao hồ sơ liên quan đến Michael Flynn, thẩm phán điều tra muốn chứng tỏ quyết tâm độc lập với hành pháp. Liệu ông Robert Mueller có dám chơi tới cùng đến mức có thể bị cách chức hay không? Đã có tin đồn như thế từ mấy tuần nay.

Tuy nhiên, để có thể cách chức thẩm phán đặc biệt, tổng thống Donald Trump phải cách chức bộ trưởng tư pháp trước. Nhưng làm như thế, chủ nhân Nhà Trắng chỉ tạo thêm nghi ngờ ông muốn cản trở pháp luật và làm công luận tin chắc là tổng thống đã phạm tội nên mới độc đoán như vậy.

vi.rfi.fr/quoc…/20170806-dieu-tra-nga-can-thiep-gong-kem-tu-phap-tien-den-nha-tra…

 

Brexit: Anh Quốc sẵn sàng chi 40 tỉ euro để rời Liên Hiệp Châu Âu

Anh Quốc sẵn sàng trả số tiền 40 tỉ euro cho Liên Hiệp Châu Âu nếu Liên Hiệp đồng ý nới lỏng quan hệ thương mại trong tương lai. AFP ngày 06/08/2017 trích lời một viên chức nhà nước Anh xin được giấu tên cho biết như trên.

Là trung tâm tài chính cũng như một đối tác quan trọng, Anh Quốc sẽ gây thiệt hại tài chính lớn khi rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Do đó, vào tháng 6/2017, Liên Hiệp Châu Âu đã yêu cầu Luân Đôn phải đền bù một khoản tiền lên tới 100 tỉ euro. Mức bồi thường này có thể xem như “phí ly dị”. Anh Quốc coi đòi hỏi này là một sự “lố bịch”.

Theo các nguồn tin nội bộ, chính phủ Anh hiện đang cân nhắc con số 40 tỉ euro nhưng khoản tiền này sẽ không được trả một lần duy nhất mà sẽ được trả dần từ năm 2019 đến năm 2022, mỗi năm 10 tỉ euro.

Liên Hiệp Châu Âu đã kêu gọi thúc đẩy tiến độ Brexit: Bruxelles muốn giải quyết vấn đề quyền lợi của công dân Châu Âu tại Anh, rồi sau đó chuyển sang đàm phán về chính sách thương mại trong tương lai. Vào tháng 07/2017, trưởng đoàn đàm phán của châu Âu, ông Michel Barnier, bày tỏ lo ngại về việc đàm phán thương mại có thể sẽ bị đẩy lùi đến tháng 12/2017 do sự trì trệ của Anh Quốc.

Luân Đôn coi khoản tiền này như “phí thành viên”, cho phép Anh Quốc tiếp tục hưởng lợi ích thương mại tự do với Liên Hiệp Châu Âu.

vi.rfi.fr/quoc…/20170806-brexit-anh-quoc-san-sang-chi-40-ti-euro-de-roi-lien-hiep-c…

Nhật: Tín nhiệm đối với Thủ tướng tăng sau khi cải tổ nội các

Tỷ lệ tín nhiệm đối với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được cải thiện sau khi ông này cho cải tổ nội các. Một cuộc khảo sát của truyền thông Nhật Bản vào ngày 4 tháng 8 cho thấy kết quả như vừa nêu.

Thủ tướng Shizo Abe vào ngày 3 tháng 8 đã có quyết định cải tổ nhân sự nội các với những gương mặt mới trước lời chỉ trích của dân chúng Nhật, như nhắm vào các sai lầm của cựu Bộ trưởng Quốc Phòng Tomomi Inada.

Thủ tướng Shinzo Abe cúi đầu nhận lỗi về những vụ bê bối gần đây ngay khi bắt đầu cuộc họp báo, được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc, và khẳng định rằng ưu tiên hàng đầu của ông là khôi phục nền kinh tế Nhật.  Ông Abe bày tỏ quyết tâm điều hành chính phủ một cách hiệu quả để lấy lại lòng tin của người dân.

Kết quả cuộc thăm dò do tờ Mainichi thực hiện, cho thấy 35% số người được hỏi ủng hộ Chính phủ của ông Abe, tăng 9 điểm so với cách đây một tháng; trong khi đó khảo sát của hãng tin Kyodo cũng cho thấy ủng hộ thủ tướng Abe tăng 8,6 điểm lên 44,4% so với cuộc thăm dò trước đó.

www.rfa.org/…/jp-pm-abe-support-rebounds-after-cabinet-reshuffle-0804201712292…

 

Trung Quốc giành lợi thế ngoại giao về Biển Đông

AFP – Hôm Chủ Nhật, Trung Quốc đã giành lợi thế trong chiến dịch nhằm làm giảm bớt sự kháng cự từ các quốc gia Đông Nam Á khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Các quốc gia Đông Nam Á đã đồng ý đưa ra một tuyên bố dùng từ ngữ lỏng lẻo về cuộc tranh chấp và đồng ý với các điều khoản của Bắc Kinh trong cuộc đàm phán.

Sau hai ngày tranh luận căng thẳng tại thủ đô của Phi Luật Tân, các bộ trưởng ngoại giao của Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đưa ra một thông cáo chung được soạn từ ngữ một cách kỹ lưỡng để tránh làm phật lòng Trung Quốc.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi các bộ trưởng gặp gỡ Bộ Trưởng Ngoại Giao của Trung Quốc – ông Vương Nghị. Tuyên bố này đồng ý về một khuôn khổ để tiến hành các cuộc đàm phán trong hàng thập niên bao gồm các điều khoản quan trọng được Trung Quốc ủng hộ.

“Đây là một kết quả quan trọng từ những nỗ lực chung.” Ông Vương Nghị phát biểu với báo chí khi ông tổ chức lễ ký thỏa thuận.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết các phần biển chiến lược quan trọng, đem lại lợi tức hàng trăm nghìn tỉ Mỹ Kim vận chuyển hàng hải mỗi năm và được cho là bên dưới còn có một lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ.

Những tuyên bố chủ quyền này gây tranh chấp với các thành viên ASEAN khác như Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei và Đài Loan.

Trung Quốc đã bành trướng đáng kể sự hiện diện của mình trong khu vực những năm gần đây bằng cách xây dựng các hòn đảo nhân tạo lớn mà có khả năng làm căn cứ quân sự, làm tăng mối quan ngại là sớm muộn gì họ chính là quốc gia kiểm soát vùng biển.

Hai nhà ngoại giao đã nói rằng một chiến thắng của Bắc Kinh vào hôm Chủ Nhật là các thành viên ASEAN đã không nói trong tuyên bố chung của họ rằng bộ nguyên tắc ứng xử với Trung Quốc là “ràng buộc về pháp lý”.

Việt Nam – quốc gia phản đối Trung Quốc mạnh mẽ nhất trong vấn đề này – đã nhấn mạnh trong hai ngày đàm phán rằng ASEAN yêu cầu bộ quy tắc ứng xử này phải được ràng buộc bằng pháp lý, nếu không thì bộ quy tắc này không có giá trị.

Các bộ trưởng ASEAN đã thất bại trong việc đưa ra một tuyên bố chung như dự kiến sau cuộc họp hôm Thứ Bảy bởi những khác biệt về vấn đề biển. Việt Nam thúc đẩy để dùng những từ ngữ mạnh mẽ hơn trong tuyên bố, trong khi Campuchia lại ủng hộ phía Trung Quốc.

Một nhà ngoại giao đã nói với AFP vào hôm Chủ Nhật khi cuộc đàm phán kéo dài hơn dự kiến rằng “Việt Nam đã rất kiên quyết, và Trung Quốc đang sử dụng Campuchia cho lợi ích của họ.”

Căng thẳng trên biển Đông đã ảnh hưởng đến ASEAN từ lâu, hoạt động trên cơ sở đồng thuận nhưng phải cân bằng lợi ích cho những quốc gia đang tranh chấp và các nước ủng hộ Trung Quốc.

Các nhà phê bình đã cáo buộc Trung Quốc chia rẽ ASEAN với những chiến thuật hung hãn và các chính sách ngoại giao về kinh tế đầu tư để lôi kéo sự ủng hộ từ các quốc gia như Campuchia và Lào.

Dưới thời cựu tổng thống Benigno Aquino, Phi Luật Tân đã từng là một trong những quốc gia lên tiếng chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ nhất, họ đã đệ đơn kiện lên Tòa án Liên Hiệp Quốc.

Tòa án đã phán quyết rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.

Mặc dù Trung Quốc đã ký kết Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển nhưng quốc gia này vẫn bỏ qua các điều luật.

Hiện nay, dưới thời của đương kim tổng thống Rodrigo Duterte, Phi Luật Tân đã rút lại bản án để cải thiện mối quan hệ với Bắc Kinh. Điều này đã dẫn đến hàng tỉ Mỹ Kim đầu tư và viện trợ từ Trung Quốc.

“Những áp lực từ phía Trung Quốc đối với các chính phủ ASEAN đã có kết quả.” Chuyên gia về biển Đông và là thành viên của Chương trình Châu Á tại Chatham House ở London – ông Bill Hayton đã trả lời với AFP như thế.

Theo ông Bill Hayton và các nhà phân tích khác thì thỏa thuận về một khuôn khổ vào hôm Chủ Nhật cũng tương tự với một ký kết cách đây 15 năm khi các bên bắt đầu đàm phán.
Tài liệu năm 2002 đã dùng những từ ngữ mạnh mẽ hơn để chống lại Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích thì Trung Quốc đã sử dụng 15 năm qua để củng cố các tuyên bố của mình trong khi tiếp tục làm cho ASEAN đưa ra những phản đối yếu dần.

Phụ tá cộng sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Singapore Rajaratnam – ông Ei Sun Oh đã nói với AFP: “Có vẻ như Trung Quốc chưa bao giờ thất bại trong việc làm giảm tiếng nói của diễn đàn ASEAN.”

Nhà học giả và phân tích Phi Luật Tân – ông Richard Heydarian đã bày tỏ ý nghĩ mạnh mẽ khi nói về những thay đổi hôm Chủ Nhật: “Nhìn chung thì đây là một chiến thắng ngoại giao cho Trung Quốc.”

Nam Phố

www.baocalitoday.com/…dong…dong…/trung-quoc-gianh-loi-ngoai-giao-ve-bien-do…