Tin khắp nơi – 05/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 05/08/2017

Nam Hàn sẵn sàng đàm phán với Bắc Hàn

về khủng hoảng hạt nhân

Tại cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đang diễn ra tại Manila, Phillippines vào cuối tuần này, Nam Hàn cho biết nước này có thể đàm phán trực tiếp với Bắc Hàn.

Ngoại trưởng Nam Hàn Kang Kyung-wha nói bà sẵn sàng đàm phán với người đồng nhiệm từ Bình Nhưỡng, nếu cơ hội gặp gỡ “diễn ra tự nhiên”.

Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc sẽ bỏ phiếu về các biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Hàn cuối ngày thứ Bảy 5/8.

Hãng tin Yonhap của Nam Hàn đưa tin có “trông đợi dè dặt” rằng bà Kang Kuyng-wha có thể gặp Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn Ri Yong-ho bên lề diễn đàn ASEAN cuối tuần này.

Quan ngại về đe dọa tới an ninh vùng được cho là sẽ làm lu mờ tranh chấp tại Biển Đông

“Nếu cơ hội [gặp gỡ] diễn ra một cách tự nhiên, chúng tôi phải nói chuyện,” bà Kang nói với Yonhap.

“Tôi muốn chuyển tải mong muốn Bắc Hàn ngừng các hoạt động khiêu khích và có phản ứng tích cực với lời đề nghị (đàm phán) đặc biệt gần đây của chúng tôi nhằm thiết lập một chính phủ hòa bình.”

Mỹ nói ‘không là kẻ thù của Bắc Hàn’

Bắc Hàn thử “tên lửa đạn đạo loại mới”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cũng sẽ tham dự kỳ họp cuối tuần này. Chương trình hạt nhân của Bắc Hàn được cho là chủ đề chính.

Khi cuộc họp bắt đầu, các nước thành viên ASEAN đưa ra một tuyên bố chung theo đó các nước “hết sức quan ngại” về các hành động “đe dọa hòa bình nghiêm trọng” của Bắc Hàn.

Trong một diễn biến khác, trước thềm Diễn đàn khu vực ASEAN, Việt Nam có động thái táo bạo chống lại Trung Quốc bằng cách đề xuất thay đổi trong bản tuyên bố chung, theo hãng tin AFP.

Việt Nam vào tối 4/8 đã cố gắng vận động để bổ sung ngôn ngữ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong một tuyên bố chung của ASEAN.

Theo một bản dự thảo của AFP có được, Việt Nam vận động ASEAN thể hiện sự quan ngại sâu sắc về “việc xây dựng” trên biển, ám chỉ các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp trong những năm gần đây.

Ông Tập ‘chỉ đạo bồi đắp đảo ở Biển Đông’

Bill Hayton: VN đang ‘thân cô, thế cô’

Việt Nam cũng muốn ASEAN nhấn mạnh trong tuyên bố rằng Bộ Quy tắc Ứng xử với Trung Quốc sẽ là “ràng buộc pháp lý”.

Nhưng các nhà phân tích an ninh chỉ ra rằng khuôn khổ Bộ quy tắc Ứng xử chỉ đi vào thực hành 15 năm sau cuộc hội đàm và Trung Quốc sẽ sử dụng thời gian đó để củng cố tuyên bố chủ quyền với các hòn đảo nhân tạo.

Malaysia cũng vận động dùng ngôn ngữ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, trong đó có nói tới “tài sản quân sự” trong vùng biển có tranh chấp, theo bản dự thảo và các cuộc thảo luận với các nhà ngoại giao tham gia vào các cuộc hội đàm.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40836860

 

Thống đốc West Virginia bỏ Dân chủ theo Cộng hòa

Thống đốc bang West Virginia Jim Justice hôm thứ Năm tuyên bố rằng ông sẽ chuyển qua gia nhập Đảng Cộng hòa trong lúc Tổng thống Donald Trump ghé thăm tiểu bang vốn đang càng ngày càng trở nên bảo thủ hơn.

Ông Justice nói trước khoảng 9.000 ủng hộ viên của Tổng thống Trump tại một cuộc tập hợp ở thành phố Huntington rằng ông sẽ thay đổi đăng ký đảng phái vào ngày 4/8. Gần đây ông đã đến thăm Tòa Bạch Ốc hai lần với những đề xuất về ngành sản xuất và than đá, ông nói.

“Ông ấy là người tốt. Ông ấy có bản lĩnh. Ông ấy có những ý tưởng thực sự,” ông Justice nói về ông Trump. “Ông ấy quan tâm đến nước Mỹ. Ông ấy quan tâm đến chúng ta ở West Virginia.”

Ông Trump cho biết vài tuần trước họ đã trò chuyện về việc hợp tác cùng nhau để mở các mỏ than và tạo ra công ăn việc làm trong ngành sản xuất đồ đạc trong nhà và các hình thức sản xuất khác. “Nhưng Thống đốc Justice đã làm một điều gì đó khác rất quan trọng tối hôm nay. Ông ấy đã cho cả nước thấy rằng chủ trương của chúng ta vượt lên trên đảng phái,” ông Trump nói.

Ông Justice đắc cử Thống đốc vào tháng 11 chỉ với 49 phần trăm số phiếu, kém 20 điểm phần trăm so với mức mà ông Trump nhận được tại bang này trong cuộc bầu cử Tổng thống.

Quyết định của ông Justice là một cú giáng đối với Đảng Dân chủ, hiện chỉ có 15 Thống đốc đang nắm quyền trong số 50 bang của Mỹ.

Ông Justice hôm thứ Năm giải thích rằng sở dĩ ông rời bỏ Đảng Dân chủ là vì lập trường của họ dẫn tới những hậu quả gây tổn hại cho người dân. Ông nói cả cha mẹ ông đều là những người trung thành với Đảng Cộng hòa. “Ngày hôm nay tôi nói với các bạn, người dân West Virginia, rằng tôi không thể giúp gì được cho các bạn trong tư cách là một Thống đốc theo Đảng Dân chủ,” ông nói.

Chủ tịch Đảng Dân chủ West Virginia, Belinda Biafore, nói rằng ông Justice đã lợi dụng người dân bằng cách lấy tiền và phiếu bầu của họ. “Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có thể đoán được ông ta quan tâm tới ai ngày hôm nay và đó không phải là người dân West Virginia,” bà nói.

https://www.voatiengviet.com/a/thong-doc-west-virgiia-tu-bo-dang-dan-chu-theo-cong-hoa/3973148.html

 

Cảnh báo ‘đáng lo’ về tương lai thời tiết châu Âu

Khí hậu khắc nghiệt có thể làm 152.000 người tử vong ở Châu Âu hàng năm vào cuối năm 2100 nếu không có hành động giảm nhẹ hậu quả của biến đổi khí hậu, các nhà khoa học cho biết.

Con số này cao hơn con số hiện nay tới 50 lần, tạp chí Sức khỏe Hành tinh Lancet viết.

Những đợt nắng nóng có thể dẫn tới 99% số người tử vong, với vùng miền Nam Âu bị ảnh hưởng mạnh nhất, tạp chí này viết thêm.

Các chuyên gia nói kết quả nghiên cứu là đáng lo ngại, nhưng một số người cảnh báo con số dự đoán có thể bị phóng đại.

G20: không xóa được khoảng cách về biến đổi khí hậu

Nghiên cứu của Trung Tâm Nghiên cứu Ủy ban Châu Âu cho biết, nếu các nước không hành động để giảm khí thải nhà kính và cải thiện chính sách nhằm giảm tác động của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt thì:

Số người tử vong do thời tiết khắc nghiệt có thể tăng từ 3000/năm như từ năm 1981 đến 2010 lên tới 152.000/năm trong khoảng năm 2071 đến 2100.

Hai phần ba số người ở châu Âu sẽ bị ảnh hưởng của thiên tai đến năm 2100, so với tỷ lệ 1/20 ở đầu thế kỷ này.

Sẽ có thêm nhiều người chết vì bờ biển ngập, từ 6 người/năm vào đầu thế kỷ lên 233 người/năm vào cuối thế kỷ.

Nghiên cứu này phân tích ảnh hưởng của bảy loại thiên tai có liên quan đến thời tiết nguy hiểm nhất – các đợt nắng nóng, đợt lạnh, cháy rừng, hạn hán, ngập sông và biển, và bão gió – tại 28 nước EU cũng như Thụy Sỹ, Na Uy và Iceland.

Hôm thứ Sáu 4/8, Mỹ gửi thông báo bằng văn bản đầu tiên tới Liên Hợp Quốc về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris 2015.

Hồi tháng 6, Tổng thống Mỹ Donald Trump bị quốc tế chỉ trích khi ông thông báo quyết định này. Ông Trump nói Mỹ tham gia thỏa thuận Paris có thể làm mất hàng triệu việc làm ở Mỹ.

Theo thỏa thuận Paris, gần 200 quốc gia cam kết giữ mức nóng lên của trái đất “dưới hẳn” 2 độ C và “nỗ lực giới hạn” mức tăng nhiệt độ xuống chỉ 1.5 độ C.

‘Con người có thể thích nghi’

Các chuyên gia từ Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, cảnh báo kết quả của nghiên cứu “có thể phóng đại.”

“Chúng ta biết loài người luôn thích nghi và trở nên ít bị ảnh hưởng của điều kiện khí hậu khắc nghiệt hơn trước vì những tiến bộ công nghệ y tế, máy điều hòa không khí, và cách nhiệt trong nhà ở,” các chuyên gia này viết trong một bài bình luận được đăng trên cùng một tạp chí.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40836859

 

Tình báo Hàn Quốc thừa nhận thao túng bầu cử

Cơ quan tình báo của Hàn Quốc thừa nhận đã cố gắng thao túng kết quả bầu cử tổng thống năm 2012.

Một cuộc điều tra nội bộ đã phát hiện 30 đội làm việc trong hơn hai năm để đảm bảo một ứng viên bảo thủ sẽ dành chiến thắng.

Ứng cử viên bảo thủ bà Park Geun-hye đã đánh bại ông Moon Jae-in năm 2012, nhưng giờ bà Park đang phải đối mặt với vụ án hình sự vì tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

Và giờ ông Moon đã thay thế bà.

Cựu TT Nam Hàn chính thức bị buộc tội

Luật sư nhân quyền ‘làm tổng thống Nam Hàn’

Cựu giám đốc cơ quan tình báo Won Sei-hoon hiện đang bị xét xử lần thứ hai vì cáo buộc thao túng cuộc bầu cử. Ông đã bị tuyên án 3 năm tù giam năm 2015 nhưng kháng cáo thành công.

Các điều tra viên nội bộ tại trụ sở của Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) cho biết cơ quan này đã thuê các chuyên gia internet để thay đổi, thao túng quan điểm của công chúng qua các bài đăng trên mạng xã hội.

Hoạt động này nhằm đảm bảo tổng thống sắp mãn nhiệm lúc đó là ông Lee Myung-bak sẽ được một người bảo thủ khác kế nhiệm.

Bà Park đã giành chiến thắng với một cách biệt nhỏ trong năm 2012.

“Các nhóm hoạt động này đã bị buộc tội tuyên truyền ý kiến ủng hộ chính phủ và đàn áp những quan điểm chống lại chính phủ, tuyên truyền [các quan điểm chống chính phủ] là âm mưu của các lực lượng ủng hộ Bắc Triều Tiên để ‘gây rối tình hình nhà nước’,” đội điều tra cho biết.

Đội điều tra cũng phát hiện NIS đã cố gắng thao túng đến cuộc bầu cử quốc hội trong năm 2011 và 2012, cũng như giám sát các chính trị gia đối lập.

Tổng thống mới đã hứa sẽ cải cách NIS, và người đứng đầu cơ quan điệp viên mới đã cam kết chấm dứt bất kỳ sự can thiệp nào vào chính trị trong nước.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của đảng của bà Park nói rằng bản thân cuộc điều tra cho thấy NIS vẫn tiếp tục can thiệp.

Người phát ngôn, Kang Hyo-sang, cho biết: “NIS nói sẽ tách rời chính trị nhưng lại can thiệp vào chính trị một lần nữa bằng cách bắt đầu cuộc điều tra này.”

Bà Park bị buộc tội vào tháng Tư vì hối lộ, cưỡng ép, lạm dụng quyền lực và tiết lộ bí mật nhà nước.

Bà bị buộc tội cho phép người bạn thân Choi Soon-sil tống tiền các công ty để đổi lấy sự ủng hộ chính trị. Bà phủ nhận các cáo buộc.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40835902

 

TQ diễn tập đánh sập trang web ‘có hại’

Trung Quốc vừa tiến hành một cuộc diễn tập thực hành đóng cửa các trang web mà chính quyền cho là có hại.

Truyền thông nhà nước cho biết cuộc tập hôm 3/8 cũng buộc các trung tâm dữ liệu internet phải cung cấp thông tin của các chủ trang web.

Trung Quốc vốn đang thực hiện chế độ kiểm duyệt internet nghiêm ngặt.

Trung Quốc bị cáo buộc ‘giam giữ’ bà quả phụ Lưu Hiểu Ba

TQ kiểm duyệt bài viết ‘tiêu cực’ về Bắc Kinh

Cuộc diễu binh vĩ đại của TQ ở Nội Mông

Các nhà phân tích cho biết có vẻ Bắc Kinh đang muốn thắt chặt kiểm soát trước cuộc họp chính trị quan trọng vào cuối năm nay.

Bắc Kinh cũng gần đây đã bắt đầu tấn công VPN (mạng riêng ảo) cho phép người sử dụng Internet có thể phá vỡ kiểm duyệt và giám sát.

Phóng viên BBC John Sudworth ở Bắc Kinh, nói trong cuộc diễn tập hai tiếng rưỡi các trung tâm đã đóng sập một số trang web.

Ít nhất bốn đơn vị đã xác nhận tham gia cuộc tập trận, bao gồm cả nhà điều hành dịch vụ lưu trữ trực tuyến của Microsoft tại Trung Quốc, theo Reuters.

Một văn bản lưu truyền trên mạng được cho là của một đơn vị an ninh mạng ghi nhận cuộc diễn tập được tổ chức “để tăng cường an ninh trực tuyến cho Đại hội Đảng lần thứ 19 và giải quyết vấn đề các trang web nhỏ phổ biến thông tin có hại một cách bất hợp pháp”.

Đại hội Đảng Cộng sản, cuộc họp chính trị quan trọng được tổ chức 5 năm một lần, sẽ được tổ chức vào mùa thu năm nay.

Trung Quốc có số lượng người dùng trực tuyến ngày càng tăng nhanh và nhiều người đã tìm ra lỗ hổng trong “bức vạn lý tường lửa” của nước này.

Apple gần đây đã gỡ bỏ một số ứng dụng VPN trên Apple Store ở Trung Quốc, nói công ty này buộc phải làm vậy vì các ứng dụng không tuân thủ các quy định mới của nước sở tại.

VPN cho phép người dùng kết nối internet qua máy tính khác – thường là ở một quốc gia khác – ẩn địa chỉ IP (internet protocol) và cho phép họ truy cập các trang web bị kiểm duyệt hoặc bị chặn bởi các nhà cung cấp dịch vụ của họ.

Bắc Kinh chặn một số trang web và ứng dụng truyền thông xã hội, bao gồm Facebook, Instagram và Twitter.

Các công cụ tìm kiếm như Google cũng bị chặn và truy cập vào nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài, bao gồm cả BBC, bị hạn chế.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40835898

 

Tình báo Mỹ vẫn quan ngại ‘hơn bao giờ hết’ về Nga

Các quan chức tình báo hàng đầu của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục quan ngại về nước Nga, dù cả Tổng thống Mỹ Donald Trump lẫn các giới chức Nga đều than phiền về các quan hệ đang xấu đi giữa hai nước.

“Các giá trị và các lợi ích của chúng ta không phải tự nhiên mà đi đôi với nhau”, Giám Đốc Tình báo Quốc phòng Vincent Stewart nói với một số nhà báo trong tuần này.

“Nga muốn trở thành tâm điểm của ảnh hưởng trên sân khấu châu Âu. Sẽ có một cuộc tranh đua vĩnh viễn giữa chúng ta với nhà nước Nga để chiếm vai trò thống trị khu vực hay thế giới.”

Phát biểu trước cuộc cãi vã công khai mới nhất giữa Tổng thống Trump với Quốc hội Mỹ về hướng tiếp cận của Washington đối với nước Nga, ông Stewart còn cảnh báo về khả năng của Moscow có thể can thiệp và định hình sân chơi.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Tướng Vincent Stewart, Giám đốc cơ quan Tình báo quốc phòng (DIA) từ tháng 7 năm 2015, cảnh báo về các ý đồ của Nga.

Trong phúc trình “Sức mạnh quân sự Nga” của DIA, phát hành vào cuối tháng 6, ông Stewart cảnh báo Nga “đang thao túng môi trường thông tin toàn cầu” và đặc biệt thành công ở Crimea và Syria trong việc “định hình môi trường thông tin cho phù hợp với các lợi ích của Moscow.”

Bất chấp những lời cảnh cáo của Tướng Stewart và các quan chức tình báo cấp cao khác, Tổng thống Trump vẫn hối thúc việc cải thiện các quan hệ với Nga.

Tuần trước, ông Trump ký một đạo luật cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt mới, cứng rắn hơn đối với Nga, nhưng cùng lúc ông lên Twitter, cảnh báo về hậu quả của hành động đó.

“Mối quan hệ của chúng ta với Nga đang ở mức thấp nhất và nguy hiểm nhất từ trước tới nay”, và ông nói thêm: “Bạn có thể cảm ơn Quốc hội (về sự thể đó).”

Ông Trump cũng bác bỏ những lo ngại về nhiều cuộc điều tra tiến hành song song về khả năng có sự thông đồng giữa ban vận động tranh cử tổng thống của ông Trump và người Nga. Ông nói tại một cuộc mít tinh ở West Virginia hôm thứ Năm:

“Câu chuyện về Nga là chuyện hoàn toàn bịa đặt.”

Các quan chức Nga lập tức góp giọng đồng ý với quan điểm của Tổng thống Trump.

Phát ngôn viên điện Kremlin Dimitry Peskov nói với các nhà báo hôm thứ Sáu 4/8 khi được hỏi về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga đang sa sút xuống mức “thấp nguy hiểm”:

“Thật đáng tiếc, Washington ngày càng rơi sâu hơn vào thế nhai đi nhai lại những luận điệu nhàm chán của thời kỳ Chiến tranh Lạnh sơ khai”, đại sứ quán Nga ở Nam Phi viết trên Twitter.

Ngoài Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng, các quan chức tình báo hàng đầu khác của Hoa Kỳ cũng cảnh báo về các hoạt động nhằm tăng cường ảnh hưởng của Nga.

Giám Đốc An ninh Quốc gia Dan Coats:

“Họ đang tìm cách làm suy yếu nền dân chủ Tây phương.”

Phát biểu trước Diễn đàn An ninh Aspen vào cuối tháng trước, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Dan Coats thừa nhận các nỗ lực của Nga để tăng cường ảnh hưởng “tinh tế hơn trước đây nhiều”.

Giám đốc CIA Mike Pompeo, người được Tổng thống Trump đề cử như Giám Đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats, nói tại cùng diễn đàn rằng không có nghi ngờ gì trong tâm trí của ông, là người Nga sẽ tiếp tục tìm cách xen vào các cuộc bầu cử ở Mỹ.

Tuy nhiên ông Pompeo từ chối gạt hẳn giải pháp hợp tác với Nga trong những lĩnh vực mà Moscow và Washington có thể tìm thấy đáp số chung, như nỗ lực chống khủng bố.

https://www.voatiengviet.com/a/tinh-bao-my-van-quan-ngai-hon-bao-gio-het-ve-nga/3973143.html

 

Không cấp visa, Bộ Ngoại giao Mỹ bị kiện

Hàng chục người Yemen và Iran được phép di cư tới Mỹ ngày 4/8 kiện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vì không tiến hành thụ lý đơn xin visa của họ sau khi lệnh cấm du hành của Tổng thống Donald Trump được tái tục.

Lệnh cấm của ông Trump từng bị các tòa dưới ngăn cản trước khi được Tòa Tối cao cho tái tục một phần hồi tháng sáu. Lệnh cấm tạm thời không cho công dân từ các nước có đa số dân theo Hồi giáo, trong đó có Yemen và Iran, nhập cảnh Mỹ nếu không có liên hệ mật thiết gia đình hay làm ăn tại Hoa Kỳ.

Phán quyết của Tòa Tối cao giúp giảm số người bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm. Tuy nhiên, số phận hàng ngàn người từ 6 nước trong danh sách trúng xổ số visa của chính phủ Mỹ năm ngoái không rõ sẽ ra sao

Một email từ chính phủ Mỹ gửi những người may mắn trúng xổ số đang chờ được cấp visa khuyến cáo rằng có thể họ sẽ không được cấp visa do lệnh cấm du hành 90 ngày của Tổng thống Trump.

Trong đơn kiện gửi lên Tòa án ở thủ đô Washington D.C., hơn 90 người trúng số visa gốc Yemen và Iran tố cáo vì lệnh cấm du hành mà chính phủ Mỹ từ chối cấp visa mà họ may mắn trúng được theo chương trình ‘Visa đa dạng’.

Luật sư đại diện nhóm này khẳng định điều này không công bằng, phi pháp, vô lý và rằng ông sẽ đi tới cùng để tranh đấu cho quyền của thân chủ.

Bộ Ngoại giao Mỹ chưa bình luận về việc này.

Nhóm đương đơn yêu cầu chính phủ Mỹ xử lý đơn xin visa cho họ trước ngày 30/9 tới đây, ngày hợp lệ hạn chót để họ được nhận visa.

Chương trình xổ số visa mỗi năm thu hút khoảng 14 triệu người tham gia là cơ hội sang Mỹ định cư cho người từ các nước có tỷ lệ di dân sang Mỹ thấp.

https://www.voatiengviet.com/a/khong-cap-visa-bo-ngoai-giao-my-bi-kien-/3973128.html

 

Mỹ thông báo với LHQ

rút khỏi Hiệp ước Biến đổi Khí hậu Paris

Mỹ chính thức thông báo với Liên hiệp quốc rút ra khỏi Hiệp ước Biến đổi Khí hậu Paris, trong một văn kiện ban hành hôm 4/8, nhưng để ngỏ khả năng quay trở lại nếu các điều kiện được cải thiện có lợi cho Hoa Kỳ.

Trong thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao nói Mỹ sẽ tiếp tục tham gia các cuộc họp của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu trong quá trình rút lui vốn dự kiến mất ít nhất 3 năm.

“Mỹ ủng hộ phương pháp cân bằng đối với chính sách khí hậu, giảm bớt khí thải và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an ninh năng lượng,” thông cáo nói.

Tổng thống Donald Trump hồi tháng 6 loan báo quyết định rút ra khỏi Hiệp ước Paris với lý do hiệp ước này tiêu tốn hàng ngàn tỷ đô la của người Mỹ, làm mất công ăn việc làm của dân Mỹ và gây hại cho các ngành công nghiệp sản xuất dầu khí, than đá, nhiên liệu.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ nói ông mở ngỏ khả năng tái thương thuyết lại hiệp ước. Các lãnh đạo thế giới và lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng khó có khả năng thương lượng lại Hiệp ước mất nhiều thời gian đàm phán để được sự nhất trí của gần 200 quốc gia này.

Trong khi giới lãnh đạo Cộng hòa ở Quốc hội ủng hộ hành động của ông Trump, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chỉ trích rằng quyết định này là đòn giáng vào các nỗ lực quốc tế chống lại biến đổi khí hậu và đánh mất cơ hội tăng trưởng trong kỹ nghệ năng lượng sạch.

Thời hạn sớm nhất để Mỹ rút hoàn toàn ra khỏi Hiệp ước là 4/11/2020.

https://www.voatiengviet.com/a/my-thong-bao-voi-lien-hiep-quoc-rut-khoi-hiep-uoc-bien-doi-khi-hau-paris-/3973127.html

 

Cựu đại sứ Nga tại Mỹ:

Các cuộc nói chuyện với Michael Flynn ‘hết sức minh bạch’

Cựu đại sứ Nga tại Washington, Sergei Kislyak, hôm thứ Bảy nói rằng những cuộc nói chuyện của ông với cựu cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Michael Flynn là minh bạch và tập trung vào các vấn đề hợp tác Mỹ-Nga.

Ông Kislyak kết thúc nhiệm kỳ tại Washington vào tháng 7 nhưng vẫn là một nhân vật chủ chốt trong các cuộc điều tra đang diễn tiến ở Mỹ về cáo buộc Moscow can dự vào cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Ông Flynn bị buộc phải từ chức vào tháng 2 sau khi tin tức cho hay ông đã không tiết lộ nội dung các cuộc nói chuyện giữa ông với ông Kislyak và nói dối Phó Tổng thống Mike Pence về các cuộc gặp gỡ của họ.

“Chúng tôi chỉ nói về những điều đơn giản nhất…nhưng sự giao tiếp là hoàn toàn chính xác, bình tĩnh, hết sức minh bạch. Trong bất cứ tình huống nào, không hề có bí mật gì ở phía chúng ta,” ông Kislyak nói trong một cuộc hội luận trên truyền hình Nga.

“Có một số vấn đề quan trọng cho sự hợp tác giữa Nga và Mỹ – hầu hết là khủng bố, và đó là một trong những điều mà chúng tôi đã thảo luận.”

https://www.voatiengviet.com/a/cuu-dai-su-nga-tai-my-cac-cuoc-noi-chuyen-voi-michael-flynn-het-suc-minh-bach/3973670.html

 

ASEAN:Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

đe dọa hòa bình thế giới

Các bộ trưởng ngoại giao của các nước Đông Nam Á hôm thứ Bảy bày tỏ mối lo ngại nghiêm trọng về căng thẳng đang gia tăng trên bán đảo Triều Tiên bắt nguồn từ các cuộc thử nghiệm phi đạn tầm xa của nước này “đe dọa nghiêm trọng” tới hòa bình và an ninh toàn cầu.

Với giọng điệu mạnh mẽ hơn trước đây khi đề cập tới vấn đề này, Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kêu gọi Bắc Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về chương trình hạt nhân của mình, và đóng góp tích cực vào hòa bình khu vực.

Tuyên bố này được đưa ra riêng rẽ, chứ không nằm trong tuyên bố chung thường lệ của ASEAN vào cuối hội nghị các bộ trưởng ngoại giao.

Sau cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao là Diễn đàn Khu vực ASEAN hàng năm (ARF) diễn ra vào thứ Hai, quy tụ 27 bộ trưởng ngoại giao của các nước bao gồm Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên để thảo luận các vấn đề an ninh ở Châu Á.

“Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi (Bắc Triều Tiên) trong tư cách một nước tham gia Diễn đàn Khu vực ASEAN, đóng góp tích cực để hiện thực hóa viễn kiến của ARF duy trì khu vực Châu Á – Thái Bình Dương như là một khu vực của hòa bình, ổn định, hữu nghị và thịnh vượng,” các bộ trưởng ASEAN nói trong cuộc họp ở Manila.

Bắc Triều Tiên quyết tâm phát triển một loại phi đạn mang đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công Mỹ, và các quan chức ở Washington cho biết cuộc thử nghiệm mới nhất của Bắc Triều Tiên một tuần trước cho thấy phi đạn có thể vươn tới được phần lớn lãnh thổ của Mỹ.

Trung Quốc đã kêu gọi sự bình tĩnh và kiềm chế từ tất cả các nước có dính líu trong vụ đối đầu.

Lập trường của ASEAN đối với Bắc Triều Tiên không cứng rắn như lập trường mà Mỹ đã hối thúc. Mỹ muốn các nước Đông Nam Á hạ cấp quan hệ của họ với quốc gia bị cô lập này.

Các nước ASEAN lập luận rằng điều này khó thực hiện vì các nước thành viên không có bang giao có thực chất với Bắc Triều Tiên.

https://www.voatiengviet.com/a/asean-cang-thang-tren-ban-dao-trieu-tien-de-doa-hoa-binh-the-gioi/3973573.html

 

Philippines mưu tìm đồng thuận ASEAN

về Bắc Triều Tiên

Philippines sẽ tìm kiếm sự đồng thuận ở Đông Nam Á về cách thức giao tiếp với Bắc Triều Tiên, sau khi Mỹ gia tăng áp lực cô lập Bình Nhưỡng liên quan tới các cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo, Ngoại trưởng Philippines cho biết.

Mỹ dự kiến sẽ hối thúc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước Châu Á khác có hành động nghiêm khắc hơn đối với Bắc Triều Tiên, chẳng hạn như “quyết liệt” giảm các giao dịch với quốc gia vốn đã bị cô lập này.

Là Chủ tịch của ASEAN, Philippines trong vài ngày tới sẽ tổ chức các cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao đến từ 27 quốc gia bao gồm Úc, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ, mà trong đó những vụ thử nghiệm phi đạn của Bình Nhưỡng dự kiến sẽ chiếm vị trí trung tâm.

“Đây là một tổ chức dựa trên sự đồng thuận, vì thế điều tôi có thể làm là tham vấn các thành viên khác trong cuộc họp mặt sau bữa tối đêm nay,” Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano nói với các phóng viên.

“Tôi dự đoán sẽ có hai phía quan điểm. Vì vậy, đó là một quyết định rất khó khăn.”

Bắc Triều Tiên quyết tâm phát triển một loại phi đạn đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công Mỹ, và các quan chức ở Washington nói rằng vụ thử nghiệm gần đây nhất hôm thứ Bảy tuần trước cho thấy nó có thể vươn tới gần như cả nước. Trung Quốc đã kêu gọi bình tĩnh và kiềm chế từ tất cả các bên liên quan trong vụ đối đầu.

Không rõ ASEAN có thể đưa ra một lập trường cứng rắn hơn về Bắc Triều Tiên như lập trường mà Mỹ ủng hộ hay không, hay là vẫn giữ lập trường kêu gọi bình tĩnh và tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Một số chuyên gia tin rằng ASEAN có thể tìm cách đóng vai trò trung gian điều giải, vì họ là khối các nước Châu Á không dính líu trong vụ đối đầu.

Ông Cayetano cho biết Philippines đang băn khoăn làm thế nào mà họ có thể đáp ứng yêu cầu của Mỹ bằng việc hạ cấp quan hệ với Bắc Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên có đại sứ quán và một số doanh nghiệp ở vài nước Đông Nam Á, một số trong số đó có giao thương với Bình Nhưỡng. Bắc Triều Tiên không có sự hiện diện ngoại giao ở Philippines.

https://www.voatiengviet.com/a/philippines-muu-tim-dong-thuan-asean-ve-bac-trieu-tien/3973134.html

 

Đức : Hàng triệu trứng gà Hà Lan

phải rút khỏi siêu thị do nguy cơ nhiễm độc

Trong những ngày gần đây, các siêu thị Đức đã phải ngừng bán hàng triệu trứng gà, do do nguy cơ nhiễm độc tại một số cơ sở chăn nuôi ở Hà Lan. Hôm nay, 05/08/2017, chính quyền Đức kêu gọi Hà Lan và Bỉ làm sáng tỏ vụ việc « một cách nhanh chóng ». Theo bộ Nông Nghiệp Đức, Bruxelles đã báo động về vấn đề này từ ngày 20/07, thế nhưng Berlin chỉ được chính quyền Hà Lan thông tin trong tuần lễ tiếp theo.

Thông tín viên Pascal Thibaut tường trình từ Berlin,

« Fipronil là loại thuốc diệt bọ được dùng để xử lý bệnh rận đỏ là nguồn gốc của vụ bê bối an toàn thực phẩm lớn này. Hóa chất nói trên vốn bị cấm sử dụng đối với các vật nuôi nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Tuy nhiên, một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực này, đã sử dụng hóa chất nói trên tại một số cơ sở chăn nuôi gia cầm ở Hà Lan.

Đức là khách hàng số một của các nhà sản xuất trứng Hà Lan. Ba triệu quả trứng, thậm chí 10 triệu, có thể đã bị ảnh hưởng, theo một người phụ trách. Trứng từ Hà Lan được bán tại 12 vùng của nước Đức. Các siêu thi hiện đã rút sản phẩm này ra khỏi các giá bán hàng. Người tiêu thụ cũng có thể tìm được trên internet danh sách các mã số của những trại chăn nuôi có liên quan, được in trên trứng. Họ được khuyên không nên ăn.

Công ty bán hàng giá rẻ Aldi quyết định đi xa hơn, với quyết định rút toàn bộ trứng ra khỏi các cửa hàng tại Đức. Lý do là để đề phòng. Trong khi đó, các đối thủ của Aldi cho là hành động này không cần thiết, vì không phải tất cả trứng gà đều đến từ Hà Lan.

Theo các chuyên gia, hóa chất Fipronil là tương đối độc với người. Một người trưởng thành, nặng 65 kilo, có thể gặp nguy hiểm, nếu ăn 7 trái trứng của chứa chất này trong vòng 24 giờ. Đối với trẻ em, liều lượng thấp hơn ».

« Bê bối chất Fiprobi » bắt đầu từ Bỉ. Hồi tháng 7, chuỗi siêu thị Colruyt thừa nhận đã ngừng bán trứng, từ hai nhà cung cấp, do một số trại chăn nuôi bị chính quyền Bỉ nghi ngờ.

Ủy Ban Châu Âu tuyên bố theo sát tình hình. Theo người phát ngôn Anna-Kaisa Itkonen, trả lời các nhà báo hôm thứ Năm 03/08, tình hình nằm trong vòng kiểm soát.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170805-duc-hang-trieu-trung-ga-ha-lan-phai-rut-khoi-sieu-thi-do-nguy-co-nhiem-doc

 

Venezuela : Quốc Hội Lập Hiến ra mắt

Sau một ngày trì hoãn so với dự kiến, ngày 04/08/2017, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã chủ trì phiên khai mạc Quốc Hội Lập Hiến tại trụ sở Quốc Hội. Lễ ra mắt với 545 nghị sĩ, bất chấp sự phản đối của phe đối lập. Theo Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia, có hơn 8 triệu người đã tham gia bỏ phiếu Quốc Hội Lập Hiến, chỉ chiếm khoảng 41% tổng số cử tri của Venezuela. Dù tổng thống Nicolas Maduro khẳng định rằng « Quốc Hội Lập Hiến sẽ bảo đảm hòa bình » nhưng phe đối lập khẳng định đó là « một cuộc đảo chính » bằng nghị trường.

Thông tín viên RFI Julien Gonzalez tại Caracas gửi về bài tường trình :

Hình ảnh ấn tượng của ngày thứ Sáu là các nghị sĩ mới của Quốc Hội Lập Hiến bước vào nghị trường, hơn một năm rưỡi sau chiến thắng của phe đối lập trong bầu cử Quốc Hội Venezuela năm 2016.

Trong khuôn viên tòa nhà Quốc Hội, 545 nghị sĩ vừa được bầu hôm Chủ nhật vừa qua đã cùng chụp ảnh kỷ niệm dưới chân dung của cựu tổng thống Hugo Chavez và nhà cách mạng Simon Bolivar trước khi vào phòng bầu dục, phòng họp lớn nhất của nghị viện.

Buổi họp bắt đầu khoảng 13 giờ, giờ địa phương. Chủ tịch Quốc Hội Lập Hiến đã được chỉ định, đó là bà Delcy Rodriguez, một người trung thành với tổng thống Nicolas Maduro, từng là bộ trưởng Ngoại Giao vào thời điểm mà Caracas rút ra khỏi Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ.

Play Video

Các thủ tục hôm thứ Sáu kéo dài chưa tới hai tiếng đồng hồ. Bà chủ tịch Quốc Hội Lập Hiến cho biết các nghị sĩ sẽ bắt đầu làm việc trong phiên họp đầu tiên từ thứ Bảy.

Các nghị sĩ Quốc Hội Lập Hiến được đề nghị họp tại phòng bầu dục. Cần lưu ý rằng đây không phải là hội trường bán nguyệt, nơi các nghị sĩ đối lập chiếm đa số vẫn thường tổ chức phiên họp.

Phe đối lập quả quyết họ « sẽ tiếp tục công việc của mình tại Quốc Hội ». Ngoài ra, đối lập đã kêu gọi người dân Venezuela biểu tình, theo họ là để bảo vệ nghị viện. Về phần mình, chủ tịch Quốc Hội tiếp tục lên án Quốc Hội Lập Hiến là hiện thân cho sự « gian lận lớn nhất trong lịch sử Venezuela ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170805-venezuela-quoc-hoi-lap-hien-ra-mat

 

Chính quyền Trump ngăn chặn rò rỉ thông tin,

nhưng vấp phải quyền tự do báo chí

Anh Vũ

Các thông tin về nội bộ Nhà Trắng lục đục liên tiếp bị phát tán, gây không ít rắc rối khó chịu cho tổng thống Donald Trump. Hôm qua, 04/08/2017, bộ trưởng Tư Pháp Mỹ đã phải ra tay. Ông Jeff Sessions thông báo sẽ tăng gấp ba lần các cuộc điều tra về các vụ phát tán thông tin mật của chính quyền ra bên ngoài và trước mắt đã có 4 người bị truy tố, liên quan đến các vụ rò rỉ tin cho báo chí.

Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet cho biết thêm chi tiết:

Bộ Tư Pháp đã tăng gấp ba số các cuộc điều tra nhằm vào những quan chức chính quyền không giữ miệng. Giờ đây bộ này còn muốn trừng phạt cả những người nhận những thông tin bị rò rỉ ra bên ngoài, đó là các nhà báo. Nhưng làm thế nào ? Bằng cách ra các quy định buộc các nhà báo phải tiết lộ danh tính nguồn tin mà họ có. Thế nhưng đây là điều mà một ký giả đàng hoàng vẫn luôn từ chối. Bởi vì điều đó đi ngược lại đạo đức nghề nghiệp của họ.

Bởi vậy, những phát biểu của ông Jeff Sessions đã gây lo ngại thực sự trong giới truyền thông và chắc báo chí Mỹ sẽ phải có phản ứng. Tuy nhiên, bộ trưởng Tư Pháp nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập cân bằng giữa tự do báo chí và vấn đề an ninh quốc gia, có thể bị nguy hiểm nếu một số thông tin mật bị phát tán. Các nhà báo là người giữ quyền quyết định đâu là tin đe doạ an ninh quốc gia và đâu là tin mà công chúng có quyền được biết.

Việc phổ biến nội dung cuộc điện đàm của ông Trump với tổng thống Mêhicô và thủ tướng Úc không gây nguy hại gì đến an ninh quốc gia. Đó đơn thuần chỉ là thông tin không làm hài lòng ông Donald Trump“.

Trong một diễn biến khác liên quan đến chính quyền Trump, hôm qua, nhật báo New York Times cho biết các nhà điều tra nghi vấn Nga can dự vào bầu cử tổng Mỹ, làm việc dưới sự chỉ đạo của thẩm phán đặc biệt Rober Mueller, đã đề nghị Nhà Trắng cung cấp các tài liệu liên quan cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.

Nhật báo Mỹ bình luận, dù không phải là một lệnh chính thức, nhưng đây là lần đầu tiên nhóm điều tra của thẩm phán Mueller yêu cầu Nhà Trắng cung cấp tài liệu để phục vụ điều tra một vụ việc liên quan đến chính quyền Trump.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170805-chinh-quyen-trump-tim-cach-ngan-chan-ro-ri-thong-tin-nhung-vap-phai-quyen-tu-do-bao

 

Châu Âu trừng phạt Nga vì cấp turbin trái phép cho Crimée

Anh Vũ

Hôm qua 04/08/2017, Liên Hiệp Châu Âu quyết định trừng phạt thêm một số quan chức và doanh nghiệp Nga, vì đã cung cấp cho Crimée các turbin khí phát điện mua qua công ty Siemens. Matxcơva coi quyết định của Liên Hiệp Châu Âu là hành động « thù địch và không có cơ sở ».

Theo AFP, các trừng phạt vừa được Liên Hiệp Châu Âu thông qua nhằm vào 3 công ty Nga và 3 quan chức, trong đó có một thứ trưởng Năng Lượng. Những đối tượng bị xếp trong danh sách đen trên bị cấm đi lại trong Liên Hiệp Châu Âu và bị phong tỏa tài sản trong khu vực châu Âu.

Trong quyết định trừng phạt, Liên Hiệp Châu Âu nhận định tất cả những đối tượng trên « đã góp phần tạo nguồn cung ứng điện độc lập cho Crimé và Sébastopol nhằm tạo điều kiện để vùng đất này ly khai với Ukraina » và hành động đó đã làm « tổn hại đến toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraina ».

Sau khi Matxcơva sáp nhập Crimée vào Nga năm 2014, Liên Hiệp Châu Âu đã ra một loạt các biện pháp cấm các doanh nghiệp châu Âu thông thương với hay đầu tư vào Crimée. Tháng 7 vừa qua, tập đoàn Đức Siemens thông báo các turbin khí phát điện của họ bán cho một công ty Nga đã được chuyển đến Crimée, ngoài ý muốn của tập đoàn.

Từ khi sáp nhập vào Nga, Crimée đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, vì các đường dây tải điện từ Ukraina sang bị phá. Crimée rất cần các thiết bị turbin khí để có thể tự sản xuất điện.

Các biện pháp trừng phạt mới bổ sung các trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực chủ chốt của kinh tế Nga như tài chính, năng lượng, quốc phòng vì lý do Matxcơva ủng hộ phe nổi dậy đang chiếm đóng miền đông Ukraina từ năm 2014.

Ngay lập tức, hôm qua, ngoại trưởng Nga đã ra thông cáo lên án các trừng phạt mới của Liên Hiệp Châu Âu là « thù địch và không có cơ sở ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170805-chau-au-trung-phat-nga-vi-cap-turbin-trai-phep-cho-crimee

 

Trung Quốc và Mỹ

đồng thuận trừng phạt mạnh Bắc Triều Tiên

Thùy Dương

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm nay, 05/08/2017, bỏ phiếu để thông qua dự thảo nghị quyết mới liên quan tới việc trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa Bắc Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành hai vụ thử nghiệm tên lửa liên lục địa vào ngày 03 và 28/07. Sau nhiều tuần thảo luận, cuối cùng Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được đồng thuận. Các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào xuất khẩu của Bắc Triều Tiên được cho là sẽ khiến Bình Nhưỡng phải ngưng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Trước đây, Washington vẫn hy vọng các biện pháp trừng phạt phải mạnh hơn rất nhiều.

Từ New York, thông tín viên RFI Marie Bourreau giải thích :

« Chính quyền Donald Trump đã tính tới việc cấm vận dầu lửa để kìm hãm chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhưng lệnh cấm vận dầu lửa sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc đối với người dân Triều Tiên.

Cuối cùng, Washington đã thuyết phục được Bắc Kinh nhắm vào lĩnh vực xuất khẩu của Bình Nhưỡng, nhất là xuất khẩu than đá và khoáng chất. Các hoạt động này mang lại cho chế độ Kim Jong Un số ngoại tệ lên tới 1 tỉ đô la/năm, tương đương với 1/3 thu nhập từ xuất khẩu của Bắc Triều Tiên. Khoản ngoại tệ trên được coi là phương tiện để Bình Nhưỡng duy trì chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Trước đây, Bình Nhưỡng đã từng bị quốc tế trừng phạt bằng cách hạn chế nước này xuất khẩu than, nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục nhập khẩu than của Bình Nhưỡng để giúp đồng minh trong khu vực.

Với dự thảo nghị quyết mới của Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh hiểu rằng sẽ bị cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao và quốc tế sẽ không dung thứ cho ”trò chơi hai mặt” của Trung Quốc. »

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170805-trung-phat-manh-bac-trieu-tien-trung-quoc-va-my-dat-dong-thuan