Báo Ấn Độ kêu gọi thế giới cảnh giác với chiến lược bành trướng của TC
TC đang sử dụng một tranh chấp ở khu vực biên giới ở khu vực Himalaya để tiếp tục thử nghiệm chiến lược “cắt lát xúc xích” để bành trướng lãnh thổ và các nhà lãnh đạo thế giới nên đoàn kết chống lại mưu đồ của Bắc Kinh, một tờ báo của Ấn Độ kêu gọi.
Ấn Độ đang vướng vào tranh cãi ngoại giao với TC xung quanh một phần lãnh thổ ở khu vực biên giới giữa ba nước Ấn-Trung và Bhutan. Tranh cãi đang có nguy cơ leo thang thành xung đột quân sự khi Bắc Kinh đe dọa sẽ “dùng mọi biện pháp” để “bảo vệ chủ quyền” nếu Ấn Độ không rút quân khỏi vùng tranh chấp.
TC cáo buộc Ấn Độ đưa quân bất hợp pháp vào khu vực Donglang của họ mà phía Ấn Độ gọi là Doklam. Đây là khu vực đang có tranh chấp chủ quyền giữa TC và Bhutan. New Delhi nói họ hành động theo đề nghị của Bhutan sau khi TC bắt đầu cho xây dựng một con đường ở khu vực này – một hành động mà Ấn Độ cho rằng uy hiếp nghiêm trọng an ninh của họ.
Tờ India Today hôm thứ Sáu ngày 4/8 đã kêu gọi các lãnh đạo thế giới không nên ngồi yên trước tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh trong khi New Delhi đang phải chống lại.
Chiến lược “cắt lát xúc xích” (salami slicing) của TC, hay có thể gọi là “tằm ăn dâu” là chiến lược xâm chiếm dần dần, từng bước một để làm giảm khả năng đối phương có phản ứng quyết đoán cũng như tránh phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Tờ báo Ấn Độ nói không riêng ở Doklam/Donglang, TC cũng đang thực hiện chiến lược này trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
“Chính sách bành trướng của Trung Quốc đều tuân theo một mô típ: trước hết họ tuyên bố có chủ quyền với một vùng đất nào đó ở nơi tiếp giáp của các nước láng giềng. Họ tuyên bố một cách mạnh mẽ. Họ lặp đi lặp lại tuyên bố này bằng mọi cách vào bất cứ lúc nào có thể cho đến một lúc nào đó những luận điệu tinh vi này làm vùng đất của nước láng giềng trở thành khu vực có tranh chấp,” India Today miêu tả.
Tờ báo này nêu ra dẫn chứng từ những trường hợp của Tây Tạng, Tân Cương là những vùng lãnh thổ đã được sáp nhập vào TC và Aksai Chin và Arunachal Pradesh mà họ tranh chấp với Ấn Độ.
Khi Đảng Cộng sản Trung Hoa giành chính quyền ở Hoa lục từ tay của Quốc dân Đảng, Tây Tạng là một quốc gia độc lập do các vị lạt ma cai quản và không có quân đội. Bắc Kinh đã dùng vũ lực để kiểm soát Tây Tạng với lập luận rằng nơi này là thuộc về lãnh thổ của Trung Hoa từ xưa.
“Nếu nói theo logic đó thì Ấn Độ cũng có thể đòi chủ quyền với Afghanistan, Bangladesh, Pakistan và thậm chí cả Nepal,” tờ báo của Ấn Độ phản bác.
Tây Tạng và Tân Cương đã mở rộng lãnh thổ TC lên gấp đôi chỉ vài năm sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập. Còn ở Aksai Chin, Bắc Kinh trước hết đưa các nhóm du mục người Hán đến đây với lệnh là đuổi những người chăn thả gia súc Ấn Độ ra khỏi khỏi khu vực. Cho đến năm 1962 thì Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền với Aksai Chin và Arunachal Pradesh. Cuộc chiến biên giới năm 1962 đã khiến Ấn Độ để mất Aksai Chin vào tay TC, tờ báo này nhắc lại.
Thành công với chiến lược “cắt lát xúc xích” ở khu vực Himalaya, Bắc Kinh đã tiếp tục áp dụng chiến lược này trên Biển Đông, bắt đầu từ việc chiếm Hoàng Sa năm 1974, bãi đá Gạc Ma năm 1988 từ Việt Nam và bãi Vành Khăn năm 1995, bãi cạn Scarborough năm 2012 từ phía Philippines.
Trong lúc này, Bắc Kinh đã dùng những ngôn từ mạnh mẽ để gây sức ép buộc New Delhi phải rút quân.
Trong một tuyên bố hôm 3/8, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng TC Nhậm Quốc Cường nói rằng “thiện chí của Trung Quốc phải có nguyên tắc và sự kiềm chế của Trung Quốc cũng có giới hạn.”
“Không nước nào có thể đánh giá thấp quyết tâm và ý chí của quân độ Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và sự phát triển của đất nước,” Nhậm nói.
Trước đó, Bộ Ngoại giao TC trong một tuyên bố hôm 2/8 nói rằng Bắc Kinh sẽ “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết”, tức bao hàm cả biện pháp quân sự.
Tuyên bố này cũng cho biết đến cuối tháng 7 thì Ấn Độ vẫn còn 40 binh sỹ đóng tại khu vực tranh chấp – giảm xuống so với 270 binh sỹ trước đây. TC cho rằng “số binh sỹ này tiến sâu hơn 100 mét về phía lãnh thổ Trung Quốc”.
Ấn Độ lo ngại rằng nếu TC kiểm soát khu vực tranh chấp với Bhutan này, họ sẽ khống chế một dải đất hẹp vốn là yết hầu nối cả phần còn lại của Ấn Độ với vùng đông bắc của nước này. – Theo VOA
***
Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp trừng phạt Bắc Kinh theo một chiến thuật mà TC gọi là « nhất tiễn hạ song điêu ». Với mục đích vừa cân bằng quan hệ thương mại hiện bất lợi cho Mỹ, vừa đoàn kết nội bộ trong bối cảnh bị công kích tứ phía, chủ nhân Nhà Trắng sẽ dùng vũ khí thương mại để trả đũa TC.
Cách nay hai tuần, cuộc thảo luận kinh tế thường niên Mỹ-Trung không mang lại một tiến triển nào. Tiếp theo đó, vụ phóng tên lửa liên lục địa của Bắc Triều Tiên mà Bình Nhưỡng khoe là có thể bay đến nước Mỹ, làm tổng thống Donald Trump trút cơn giận lên đầu giới lãnh đạo Bắc Kinh: Không để cho TC tiếp tục lợi dụng buôn bán với Mỹ để thu lời hàng trăm tỷ…
Theo AFP, chủ nhân Nhà Trắng sắp thực hiện lời đe dọa này, trừng phạt các doanh nghiệp TC đánh cắp sở hữu trí tuệ và phát minh của Hoa Kỳ. Bảo vệ tác quyền trí tuệ, từ nhãn hiệu, bằng sáng chế cho đến thiết kế thời trang, là nhu cầu sinh tử của các doanh nghiệp Mỹ tại TC.
Gian thương có hệ thống
Doanh nhân Mỹ, cũng như đồng nghiệp châu Âu đầu tư tại Hoa Lục, từ lâu nay đã lên án luật pháp TC bắt buộc họ « chia sẻ » bí mật công nghiệp với đối tác TC. Nếu có tranh chấp trước pháp luật thì doanh nhân Tây phương bao giờ cũng thua kiện, phải bồi thường rất nặng nề, có khi phải bỏ của chạy lấy người.
Cơ quan đại diện thương mại của Mỹ USTR, hồi tháng 4 năm nay, đã tố cáo tệ nạn « vi phạm quyền sở hữu trí tuệ » lan rất rộng tại Hoa Lục : Ngoài thủ đoạn đánh cắp bí mật thương mại, xâm nhập máy vi tính lấy dữ liệu, xuất khẩu hàng nhái, hàng giả, TC còn buộc doanh nghiệp Mỹ phải nghiên cứu phát minh ngay tại Hoa Lục hay chuyển giao hiểu biết cho đối tác TC, đó là điều kiện bắt buộc nếu muốn được phép làm ăn tại đất nước của Mao.
Cũng vì sợ áp lực của chính quyền TC mà những đại công ty dịch vụ truyền thông, tin học như Apple và Google phải bỏ qua một bên đạo lý về quyền tự do thông tin, bảo vệ thân chủ.
Lúc chưa đắc cử, Donald Trump dọa tăng thuế nhập khẩu lên 45%, đánh lên hàng TC để cân bằng cán cân thương mại bị nhập siêu đến 309 tỷ đô la trong năm 2016.
Từ khi vào Nhà Trắng, Donald Trump lại dịu giọng với Bắc Kinh, với dụng ý nhờ chính quyền Tập Cận Bình hợp tác trong hồ sơ Bắc Triều Tiên cho đến khi không thấy kết quả cụ thể, Washington đã thi hành biện pháp trừng phạt nhôm và thép của TC.
Một công mà đôi ba việc
Theo Gary Clyde Hufbauer, chuyên gia Viện Kinh Tế Quốc Tế ở Washington, nếu Donald Trump thấy hợp tác với TC mang lại kết quả thì ông ấy không bao giờ gia tăng trừng phạt. Đúng là một công mà đôi ba việc.
Tổng thống Mỹ có trong tay vũ khí mang tên « Ban 301 » với đầy đủ quyền hạn trả đũa thương mại để bảo vệ kinh tế quốc gia. Vũ khí « 301 » đã từng được sử dụng nhiều lần thời Ronald Reagan, trừng phạt Nhật trong thập niên 1980.
Giờ đây, chủ nhân Nhà Trắng có thể hạn chế đầu tư TC tại Mỹ hoặc tăng hàng rào thuế quan đối với các công ty quốc doanh, với sự ủng hộ của công luận bài TC.
Cho dù sẽ bị Bắc Kinh trả đũa, nhưng biện pháp trừng phạt của Donald Trump, tạo ra phản ứng thuận lợi tại Mỹ. Từ đảng đối lập Dân Chủ đến giới phân tích kinh tế, tất cả đều ủng hộ tổng thống Donald Trump, một chuyện thật hiếm hoi.
Claude Barfield của Viện Doanh Nghiệp Mỹ bình luận: Tôi không tin Donald Trump đưa ra những quyết sách kinh tế vì tinh thần ái quốc nhưng trong trường hợp này chính phủ Mỹ có lý một phần.
Thủ lĩnh của đảng Dân Chủ tại Thượng Viện, Chuck Schumer, hôm thứ Tư, thúc giục lãnh đạo hành pháp phải gấp rút hành động.
Theo AFP, lớp phấn son trang điểm cho hình ảnh quan hệ « nồng ấm » Mỹ-Trung mà hai ông Trump và Tập diễn tuồng hồi mùa xuân năm nay tại Florida, đã rơi xuống tả tơi. – Theo RFI