Lãnh đạo chóp bu Việt Nam đột nhiên mê lửa và thích đốt

Cac Bai Khac

No sub-categories

Lãnh đạo chóp bu Việt Nam đột nhiên mê lửa và thích đốt

04/08/2017

 

Có gì khó hiểu đâu. Một người vốn không có lửa trong lòng và cũng không có khả năng nhóm lửa trong lòng người khác, bình thường chỉ dông dài về mớ lý thuyết sáo rỗng, thì làm sao nghĩ rằng mình có thể bắt được dẫu chỉ một con chuột vào tay. Cho nên đành phải “nhân ái” với chuột, phải viện cớ “đánh chuột chớ để vỡ bình” là đúng rồi. 

Nhưng giờ đây, khi đột nhiên bộ hạ lao tâm khổ tứ lần mò sang tận xứ người dùng xảo kế tóm được một con chuột – cũng chưa phải vào loại chuột xù – mang về dâng tận giường ngự, thì tất nhiên là mừng rơn chứ còn gì nữa. Mừng không giấu được đến phải thốt lên những lời rất bốc, tưởng như phen này tất cả mọi đối thủ chuột nhớn chuột con đều đã nằm gọn tất tật trong cái rọ của đám quân gia dưới trướng mình. Nghĩ chừng ấy thôi đã thấy hăng máu, bèn nói đến lửa, nói đến khói, nói đến củi tươi đem vào cái lò luyện… Mác-Lê mà mình tôn thờ, dẫu tươi đến đâu cũng bùng cháy. Ghê chửa. 

Có biết đâu bắt được một Trịnh Xuân Thanh theo kiểu chui luồn sang nước người rình mò bắt cóc, như cáo nhòm nhõ chuồng gà, thế là vi phạm trắng trợn pháp luật quốc tế, khuấy đảo sự yên bình của một quốc gia văn minh, vốn quanh năm giữ nghiêm kỷ cương nước họ, lại vốn có quan hệ hữu hảo từ lâu với nước mình. Một đất nước mà từ dân chúng đến lãnh đạo hễ nghe nói đến sự gian xảo và hành vi bạo lực là lòng căm ghét lập tức sôi lên, như muốn đào đất đổ đi, người nào cũng tránh cho xa không ai thèm chơi với hủi. Thế có phải tự nhiên vô cớ “lạy ông tôi ở bụi này”, đem cái bản mặt chường ra cho cả thế giới đều thấy nước CHXHCN nhà mình đúng là một “quốc gia côn đồ”, thuở nào đến nay vẫn quen áp chế người dân, bạo hành với giới bất đồng chính kiến và dân oan trong nước khiến tiếng kêu thảm nhiều phen vang đến tai quốc tế, nay lại ngang nhiên mang ngón nghề sang thi thố ở xứ sở người ta, từ chỗ bắt cóc người giữa ban ngày không biết sẽ còn chơi đến những trò ghê gớm gì nữa. 

Thế thì loài người văn minh làm gì mà chẳng e ngại, xa lánh khi nghe nói đến hai tiếng Việt Nam. Nỗi nhục quốc thể ấy bắt cả dân tộc phải khoác trên mình, làm thế nào rửa nổi? Trong khi đó, những quan hệ kinh tế thiết lập được với khối cộng đồng liên Âu đem lại không ít lợi ích thiết thực cứu nguy cho tình thế lụn bại của nền kinh tế nhà nước thì lại có nguy cơ mất trắng, bởi CHLB Đức vốn đóng vai trò hàng đầu chỉ đạo khối kinh tế chung châu Âu và là nước đối tác trọng yếu của Hiệp định thương mại EU – Việt Nam, mỗi năm đem về cho đất nước con số xuất siêu 25 tỷ đô la. Hãy thử xem giữa được và mất đằng nào hơn đằng nào?

Rõ là trong một thể chế phi dân chủ, kẻ bộ hạ muốn làm mát mặt bề trên thì phải đạp lên nhiều thứ, đánh đổi nhiều giá trị, kể cả nhân phẩm của hơn 90 triệu con người. Bắt một tội phạm như TXT ai mà không mong, nhưng có phải là để chống tham nhũng cho dân nhờ hay không hay vì những lý do khác? 

Đành cứ kiên nhẫn chờ cho cụ Tổng thỏa mãn cơn vui và bắt đầu đến trước cái lò thiêng của mình mà bụm miệng… nổi lửa. Thử xem có nên cơm cháo gì không.

Bauxite Việt Nam

clip_image002Hình chụp ông Trọng tiếp xúc cử tri hồi Tháng Năm, dịp ông tuyên bố chống tham nhũng cũng phải “nhân văn, nhân ái.” Nhân vật đề cao “đạo lý dân tộc” này sẽ sắm vai người chọn củi (Hình: Tuổi trẻ)

HÀ NỘI (NV) – Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa khuyến cáo thuộc cấp: “Chưa có lửa trong lòng thì phải nhóm”. Trước đó ba ngày, Tổng bí thư Ðảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tuyên bố: “Lò nóng rồi, củi tươi cũng phải cháy”.

Gần như tất cả các tờ báo tại Việt Nam đều lấy ví von của ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Nguyễn Phú Trọng, làm tựa khi tường thuật về cuộc họp định kỳ của Chính phủ Việt Nam hôm 3 Tháng Tám và cuộc họp lần thứ 12 của Ban chỉ đạo Chống tham nhũng ngày 31 Tháng Bảy.

Ðó cũng là lý do khiến người ta cảm thấy tình hình Việt Nam đang nóng hừng hực vì “lò”, vì “lửa” rồi “nhóm”, “cháy” tràn ngập trên mặt báo, các trang web, sóng truyền hình,…

Theo tường thuật của hệ thống truyền thông Việt Nam thì khi thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam với các thành viên trong nội các và viên chức lãnh đạo các địa phương, ông Phúc nhận định, nhiều chỉ số kinh tế-xã hội cho thấy Việt Nam “đang có những bước phát triển tích cực”.

Chẳng hạn: “Tiếp tục kiểm soát được lạm phát. Lãi suất cho vay giảm 0.5%. Chỉ số chứng khoán đạt mức cao nhất trong chín năm vừa qua. Kim ngạch xuất cảng tăng 19% (không thấy nêu mốc được chọn để xác định là tăng so với thời điểm nào). Thu ngân sách của 53/63 tỉnh, thành phố vượt mức cùng kỳ năm ngoái (không thấy đối chiếu với tỉ lệ tương ứng/chỉ tiêu thu ngân sách của năm nay mà nhiều chuyên gia từng nhận định là “khó đạt”). Vốn đầu tư tăng, đặc biệt là đầu tư trực tiếp của ngoại quốc (không có số liệu và tỉ lệ). Trong bảy tháng đầu năm nay, Việt Nam có thêm 73,000 doanh nghiệp gia nhập thương trường và 17,000 doanh nghiệp tái hoạt động trở lại (tuy nhiên theo chính ông Phúc thì có 43,000 doanh nghiệp đóng cửa, không thấy Thủ tướng Việt Nam so sánh tổng vốn đầu tư, tổng số nhân lực, tỉ lệ GDP mà 43,000 đóng cửa đóng góp cho kinh tế-xã hội, cao hơn hay thấp hơn con số 90,000 doanh nghiệp vừa đăng ký thành lập và tái hoạt động”.

Có lẽ nên nhắc lại là nhiều chuyên gia kinh tế từng khẳng định, năm nay, kinh tế Việt Nam cũng khó mà đạt chỉ tiêu tăng trưởng là 6.7% GDP so với năm ngoái. Hạ tuần tháng trước, HSBC – một tổ chức tài chính, ngân hàng đa quốc gia, loan báo rằng dựa vào thực trạng kinh tế-xã hội của Việt Nam, họ quyết định điều chỉnh dự đoán mức độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay từ 6.4 % GDP so với năm ngoái, xuống 6% GDP so với năm ngoái.

Nếu dự đoán này đúng (thường rất ít sai) thì đây là năm thứ năm, mức độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không đạt “chỉ tiêu”. Bởi các “chỉ tiêu” chỉ so với GDP của năm trước (xét về tổng quát đã thấp hơn năm trước nữa), nên dù giới lãnh đạo Việt Nam thường xuyên nhận định, kinh tế-xã hội Việt Nam “đang có những bước phát triển tích cực” song tự thân các dữ liệu chỉ ra đó là tiến trình suy thoái chưa thấy điểm dừng và năm nay cũng khó khác.

Dẫu khẳng định kinh tế-xã hội “đang có những bước phát triển tích cực” nhưng theo tường thuật của truyền thông Việt Nam, người đứng đầu nội các Việt Nam không giấu được sự sốt ruột vì hệ thống công quyền “chuyển biến chậm, nhũng nhiễu phiền hà còn nhiều, thủ tục hành chính còn rườm rà”, rồi “tình trạng tiêu cực, kỷ cương phép nước, kỷ luật hành chính chưa được thực hiện nghiêm ở một số cán bộ công chức”. Ông Phúc thừa nhận, thể chế, thủ tục hành chính, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn là các “nút thắt”, chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí thủ tục hành chính vẫn còn cao, vẫn là “gánh nặng” đối với dân chúng và doanh giới và đòi các thành viên nội các, giới lãnh đạo chính quyền các địa phương phải “hiến kế,” để năm nay, mức độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đạt “chỉ tiêu”. Ai chưa có “lửa trong lòng thì phải nhóm lên”.

Vài ngày trước đó, ông Trọng cũng nói đến lửa.

Ở vị trí Trưởng ban Chỉ đạo Chống tham nhũng, tại cuộc họp sơ kết hoạt động sáu tháng đầu năm của ban này, ông Trọng nhận định chống tham nhũng đã trở thành “phong trào”, “xu thế” của cả xã hội. Ông Trọng nhận định, nếu “lò đã nóng thì củi tươi cũng phải cháy”, muốn đứng ngoài cũng không được.

Giới lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần thừa nhận tình trạng tham nhũng tại Việt Nam là một thứ “quốc nạn”. Theo kết quả cuộc khảo sát chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2016 do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố hồi tháng Năm thì Việt Nam chỉ đạt 33/100 điểm, đứng hạng 137/176 và vì vậy vẫn thuộc nhóm các quốc gia mà tham nhũng là vấn nạn nghiêm trọng.

Khi tham nhũng đã được xác định là tràn lan, ở tất cả các ngành, các cấp, liệu Tổng bí thư đảng CSVN – người vừa tuyên bố đốt từ “củi khô”, “củi vừa”, đến “củi tươi” – sẽ thẳng tay vứt tất cả “củi” vào “lò”? Chắc chắn là không.

Hồi tháng Sáu năm 2014, ông Trọng từng giải thích với dân chúng, chống tham nhũng giống như diệt chuột, đánh chuột không thể để vỡ bình. Tháng Mười năm 2016, trước sự sốt ruột của dân chúng về tệ nạn tham nhũng, ông Trọng giải thích, chống tham nhũng khó hơn chống ngoại xâm vì là “ta tự đánh vào ta”. Tháng Năm năm nay, dù thừa nhận phải chống tham nhũng mạnh mẽ và quyết liệt hơn nhưng ông Trọng lưu ý dân chúng phải nhớ đến “nhân văn, nhân ái”, những đặc điểm của “đạo lý dân tộc”, vì thế chống tham nhũng sẽ chỉ là “đánh kẻ chạy đi, chứ không đánh người chạy lại”.

Nếu nhận thức của người dẫn đầu công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam vẫn theo mạch rất nhất quán như vừa kể thì chống tham nhũng ở Việt Nam sẽ chỉ là chọn “củi”, chỉ những viên chức không may bị xác định là “củi” mới bị thảy vào “lò”.

G.Ð.

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/tin-chinh/gioi-lanh-dao-chop-bu-viet-nam-dot-nhien-lua-va-thich-dot/