Chính sách ngoại giao mới của Mỹ sẽ từ bỏ “thúc đẩy dân chủ”?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chính sách ngoại giao mới của Mỹ sẽ từ bỏ “thúc đẩy dân chủ”?

RFI – Minh Anh

Đăng ngày 03-08-2017 

 
mediaNgoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh chụp tại Washington, ngày 27/06/2017.REUTERS/Yuri Gripas
Phải chăng chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ sắp có những thay đổi mới bất lợi cho nền dân chủ thế giới? Nguyên tắc “công bằng và dân chủ” rất có nguy cơ không còn là ưu tiên trong chính sách ngoại giao mới mà ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang soạn thảo.
Cho đến tận lúc này, ủng hộ “Hòa bình, Thịnh vượng, Công bằng và Dân chủ” vẫn là những nền tảng cơ bản trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Tuy nhiên theo tiết lộ của tờ Washington Post, thì chính quyền Donald Trump đang nghĩ đến việc thay đổi những nguyên tắc đó.
Hai từ “Công bằng”  “Dân chủ” rất có thể không còn được xuất hiện trong bản tuyên bố sứ mệnh trong chính sách đối ngoại mà bộ Ngoại Giao Mỹ đang soạn thảo theo yêu cầu của ngoại trưởng Rex Tillerson. Sự thay đổi này không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn cho thấy rõ những ưu tiên mới của một bộ Ngoại Giao lớn nhất hành tinh.
Theo đó, bảo đảm “an ninh, thịnh vượng và các lợi ích của Mỹ cũng như công dân Mỹ trên toàn cầu” sẽ là những mục tiêu chính. Hoa Kỳ có lẽ sẽ không đấu tranh cho một thế giới “công bằng và dân chủ” nữa. Nếu đúng như những gì Washington Post loan báo, đấy có lẽ cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì điều này khẳng định lập trường của Donald Trump trong suốt chiến dịch vận động tranh cử.
Donald Trump đã từng tuyên bố: “Chúng tôi không tìm cách áp đặt cách sống của chúng tôi lên bất kỳ ai, và tốt hơn hết nên để nó tự tỏa sáng như một tấm gương để cho mọi người noi theo”.
Quả thật, có nhiều dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ có kế hoạch giảm bớt ưu tiên dân chủ và nhân quyền, qua một số phát biểu và cử chỉ của ngoại trưởng Mỹ. Trong bài phát biểu đầu tiên trước toàn bộ nhân viên bộ Ngoại Giao, Rex Tillerson từng nói rằng việc quảng bá các giá trị của Mỹ “tạo ra các rào cản” cho việc bảo đảm các lợi ích an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Hay như vào tháng Ba năm nay, ngoại trưởng Mỹ đã từ chối đến nghe báo cáo nhân quyền hàng năm của bộ Ngoại Giao.
Một ví dụ khác khẳng định xu hướng này: Hoa Kỳ sớm loại bỏ trang mạng www.humanrights.gov và chuyển toàn bộ nội dung của trang này vào một địa chỉ web thay thế: www.state.gov/j/drl.
Sự thay đổi này đang làm dấy lên nhiều mối lo ngại. Một số nhà ngoại giao Mỹ cho rằng những thay đổi đó có lẽ là một sai lầm nghiêm trọng, với nhiều hệ quả tai hại. Một tuyên bố mới đi theo chiều hướng này có nguy cơ củng cố các chế độ độc tài và làm suy yếu các phong trào đấu tranh ủng hộ dân chủ.
Đối với ông Tom Malinowski, từng là cố vấn về dân chủ, nhân quyền và lao động trong chính quyền Obama được Washington Post trích dẫn, dự thảo tuyên bố sứ mệnh mới này sẽ đặt chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ gần với đường hướng của một vài lãnh đạo các nước đối đầu của Mỹ.
Chuyên gia này lưu ý là: “Đó là một tầm nhìn giống với quan điểm của Putin, cho rằng các cường quốc nên đặc biệt chú tâm vào việc bảo vệ và làm giàu cho chính nước mình, thay vì quảng bá cho dân chủ”. Để rồi ông cảnh báo là với việc loại bỏ các tham chiếu giá trị phổ quát cũng như những điều tốt đẹp, Hoa Kỳ cũng đang xóa bỏ mọi lý do để cho người dân trên thế giới ủng hộ chính sách đối ngoại của mình.