Tin Việt Nam – 01/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 01/08/2017

Ông Đinh Thế Huynh ‘điều trị bệnh’

Đảng Cộng sản Việt Nam xác nhận ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh đang “điều trị bệnh” và loan báo ông Trần Quốc Vượng tạm thời tham gia Thường trực Ban Bí thư.

Ông Đinh Thế Huynh giữ chức Thường trực Ban Bí thư, là nhân vật số 5 trong hàng ngũ Đảng.

Ông Trần Quốc Vượng hiện là ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Loan báo ngày 1/8 cho biết ông Trần Quốc Vượng bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ ngày 1/8/2017.

Như vậy, ông Vượng tạm thời đảm đương cả hai chức vụ quan trọng của Đảng.

Cải cách thể chế ở VN: Dấu ấn 2016

Tại sao quan chức trốn ‘đi nước ngoài’?

Hôm 26/7, trên Facebook, cây bút Huy Đức là người đầu tiên đưa tin về sức khỏe ông Đinh Thế Huynh.

Cây bút nổi tiếng cho biết từ tháng 5/2017, ông Huynh “chưa một lần xuất hiện trước công chúng cũng như trước các hoạt động của Đảng”.

Tin do cây bút Huy Đức đưa ra đã chứng tỏ chính xác, vì thông cáo của Đảng cho biết phiên họp ngày 28/7 của Bộ Chính trị đã quyết định giao nhiệm vụ mới cho ông Trần Quốc Vượng.

Ông Trần Quốc Vượng 64 tuổi, đã là ủy viên trung ương ba khóa liên tục, và được bầu vào Bộ Chính trị từ khóa 12.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40776965

 

Vụ bắt ông Trầm Bê: Sẽ còn ai nữa?

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) vừa ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank,

Cũng bị khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng là ông Phan Huy Khang, nguyên là thành viên hội đồng tín dụng, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank.

Trước đó, hồi giữa tháng 7, liên quan đến vụ án Phạm Công Danh cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho rằng ông Trầm Bê và 14 cá nhân tại Sacombank “sai phạm nghiêm trọng”. Tuy nhiên theo Ngân hàng Nhà nước thì hành vi này không gây thiệt hại cho Sacombank nên đề nghị không xử lý ông Bê và các cá nhân về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Bình luận với BBC về ông Trầm Bê bị bắt tạm giam, kinh tế gia Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô, Đại học kinh tế Quốc dân, phỏng đoán vụ án này “có liên quan đến nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao” và “khi quyền lực của giới chóp bu có sự thay đổi thì họ đưa những nhân vật có sai phạm nghiêm trọng ra xử lý”.

“Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm rất lớn trong những vụ sáp nhập ngân hàng, làm ảnh hưởng đến toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng như các cổ đông của những ngân hàng liên quan,” PGS TS Phạm Thế Anh nói.

Đảng CS: 12 đại án của năm 2017

Tin Trịnh Xuân Thanh đầu thú ‘lạ tai như phép màu’

Ông Trầm Bê liên quan gì đến vụ án Phạm Công Danh?

Thông cáo của Bộ Công an nói ngày 31/7, bộ này đã khởi tố bị can đối với 25 đối tượng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong đó, 16 bị can cũng bị bắt tạm giam, gồm cả ông Trầm Bê và Phan Huy Khang.

Ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ án Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH (Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Theo báo Thanh Niên, ông Trầm Bê đã gửi tiền sang Sacombank bảo lãnh và trả nợ thay cho sáu công ty do ông Phạm Công Danh thành lập trên hồ sơ vay vốn tại Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng.

Tháng 4/2013, ông Danh và Phan Thành Mai, ông Mai Hữu Khương, ông Nguyễn Quốc Viễn đến chi nhánh Sacombank ở Q.3 liên hệ vay tiền. Ông Danh gặp ông Trầm Bê đề nghị ông Bê cho ông Danh vay tiền. Ông Bê đồng ý cho ông Danh vay 1.800 tỉ đồng, tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.

Sau đó, ông Bê dẫn ông Danh gặp Phan Huy Khang triển khai làm thủ tục cho ông Danh vay tiền.

Cũng theo báo Thanh Niên, để vay được khoản tiền này, ông Danh chỉ đạo Khương và cấp dưới lập báo cáo tài chính năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 khống để nộp cho Sacombank.

Ngày 26.4.2013, 1.800 tỉ đồng được chuyển vào tài khoản của ông Danh. Có được tiền, ngày 27.4.2013 ông Danh chuyển 1.700 tỉ đồng trả khoản nợ trước đó cho BIDV. Số tiền còn lại, ông Danh giữ trong tài khoản cá nhân của mình.

Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước

Nhận xét về vai trò và uy tín của Ngân hàng Nhà nước trong những vụ sáp nhập ngân hàng thương mại ở Việt Nam, kinh tế gia Phạm Thế Anh nói với BBC:

“Uy tín của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam trong việc xử lý tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong nhiều năm qua rõ ràng là không cao, thể hiện qua các vụ sáp nhập, thâu tóm các ngân hàng với nhau. Sau những vụ sáp nhập đó có những thiệt hại rất lớn đối với hệ thống ngân hàng, đối với nền kinh tế.”

Ông Phạm Thế Anh cho biết theo quan điểm cá nhân của ông, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước là rất lớn trong những vụ sáp nhập ngân hàng chẳng hạn như của Southern Bank và Sacombank.

“Họ đã làm ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng cũng như các cổ đông có liên quan đến những ngân hàng này.”

“Theo tôi, nếu xử lý riết ráo, ngoài những cá nhân mắc sai phạm này, còn phải xử lý những lãnh đạo của các cơ quan quản lý nhà nước không làm tròn trách nhiệm của mình trong những vụ bê bối trong các ngân hàng trong thời gian vừa qua”, TS Phạm Thế Anh bình luận.

Khi được hỏi liệu sắp tới có biến đổi gì trong thể chế quản lý ngân hàng ở Việt Nam sau những vụ án lớn như thế này, TS Phạm Thế Anh nói rất khó mà đoán được vì “nó có liên quan đến các vấn đề chính trị phức tạp chứ không thuần túy là các vấn đề kinh tế”.

Con đường thâm nhập vào giới ngân hàng của ông Trầm Bê

Năm 1991, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dưng Bình Chánh

Năm 2002, Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh

Năm 2004, ông Trầm Bê giữ chức phó chủ tịch Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southernbank).

Năm 2012, ông Trầm Bê cùng con trai là ông Trầm Khải Hòa rút khỏi ban lãnh đạo của Southernbank để tham gia vào HĐQT của Sacombank.

Ngày 1-10-2015, Southernbank và Sacombank hoàn thành các thủ tục sáp nhập. Ông Trầm Bê cũng xin thôi chức PCT Thường trực HĐQT Sacombank.

Ngày 24-2-2017, Ngân hàng Nhà nước chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và con trai ông, ông Trầm Khải Hòa, tại Sacombank

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40787396

 

Vụ Trịnh Xuân Thanh đầu thú ‘nghe lạ tai như phép màu’

Một cựu quan chức Quốc hội Việt Nam nói với BBC rằng thông tin Trịnh Xuân Thanh đầu thú “lạ tai, nghe giống như phép màu”.

Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói với BBC hôm 1/08:

“Tôi bất ngờ khi nghe tin ông Trịnh Xuân Thanh đầu thú.”

Một hôm trước, các báo Việt Nam đồng loạt đăng tin từ Bộ Công an rằng ông Trịnh Xuân Thanh, đối tượng bị Việt Nam truy nã, đã “đầu thú”.

“Ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh, sinh ngày 13/2/1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại: Nhà 24 – C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội; hiện là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đầu thú,” báo Công an TP Hồ Chí Minh viết.

Ông Trịnh Xuân Thanh ‘ra đầu thú’

Nữ Thứ trưởng Bộ Công thương VN ‘sẽ mất chức’?

Khởi tố 5 bị can tội tham ô ở PVC

“Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng qui định pháp luật.”

Nay ông Trần Quốc Thuận bình luận: “Vụ này lạ tai, nghe giống như phép màu, gợi nhớ vụ bắt Dương Chí Dũng cuối cùng cũng không biết thực hư thế nào.”

“Có rất nhiều câu hỏi trong vụ ông Thanh: ông ấy từ đâu về, thời gian qua ở đâu, nếu ở nước ngoài thì đi đường nào về mà tự dưng xuất hiện ở Hà Nội rồi ra trình diện ở văn phòng Bộ Công an?”

“Và tại sao các bản tin về vụ này không có lấy một tấm hình mới nhất của ông ấy?”

Còn nhiều ý kiến và suy luận

“Nếu trong những ngày tới, chính quyền không làm rõ những câu hỏi quanh vụ ông Thanh thì dư luận sẽ càng thêm hoang mang về những điều khuất tất, vì một người đang trong diện bị truy nã đặc biệt đâu có dễ về đầu thú.”

“Chuyện đó thật không bình thường.”

Luật sư Thuận cũng nói thêm: “Tôi cũng có nghe giả thuyết về việc ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Đức rồi dẫn giải về Việt Nam.”

“Nếu điều đó là thực thì người ta càng lo lắng về quan hệ đối ngoại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, trong bối cảnh Việt Nam rất cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về giao thương và về Biển Đông.”

“Ngoài ra cũng có khả năng tự thân ông Thanh muốn đầu thú dưới áp lực nào đó và được tạo điều kiện cho an ninh áp tải về, nhưng khả năng bị bắt cóc thì cao hơn.”

“Theo tôi, trong vụ Trịnh Xuân Thanh, người ta quan tâm là ông ấy sẽ khai ra những ai những ai ở cấp cao và có trách nhiệm cao hơn ông ấy.”

“Người ta cũng muốn vụ này được làm mạnh, tới nơi tới chốn vì không phải chỉ mình ông Thanh có thể gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.”

“Đến giờ chưa nghe thấy thiệt hại tiền bạc được thu hồi trong vụ việc này như thế nào.”

“Tôi cũng hy vọng ông Thanh được xét xử minh bạch và phiên tòa được mở công khai vì đang trong thời kỳ hô hào chống tham nhũng và cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền.”Luật sư Trần Quốc Thuận

“Tôi mong các luật sư được tạo điều kiện tiếp cận với ông Thanh ngay từ đầu quá trình điều tra, thẩm vấn vì tội của ông ấy không phải là tội an ninh.”

Cũng trong 24 giờ qua, có nhiều bình luận và cả suy đoán về tin rằng ông Trịnh Xuân Thanh “đầu thú” tại Hà Nội.

Trang Thờibáo.de bằng tiếng Việt tại Đức đăng bài nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh “bị bắt cóc” tại Berlin và đưa về Việt Nam.

Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ bút tờ báo cũng nêu tin tương tự khi tham gia thảo luận trên mạng xã hội (31/07) do BBC Tiếng Việt tổ chức nhưng trang tin BBC không đăng nội dung này vì chưa có xác nhận gì từ chính giới của Đức.

Được biết báo chí Đức đã quan tâm đến vụ việc với câu hỏi làm sao một người đã đăng ký tỵ nạn tại Đức như ông Trịnh Xuân Thanh lại “đột nhiên biến mất” khỏi nước này và sau đó có tin Công an Việt Nam nói ông “xuất hiện” tại Hà Nội.

Còn nhà báo Phạm Chí Dũng từ TPHCM thì nói trong thảo luận bàn tròn trên mạng xã hội với BBC Tiếng Việt (31/07):

“Nếu Trịnh Xuân Thanh “đầu thú” thì có lẽ ông Thanh đã đáp ứng các điều kiện khai báo của một cơ quan nào đó đưa ra. Điều này sẽ dẫn đến những tình tiết giảm nhẹ cho ông Trịnh Xuân Thanh.”

Các trang mạng xã hội cá nhân tiếng Việt ở nhiều nơi cũng đặt câu hỏi chuyện này xảy ra như thế nào vì Đức và Việt Nam chưa có hiệp ước về dẫn độ và chính thức mà nói, ông Trịnh Xuân Thanh không bị cảnh sát Đức truy nã.

Sang 01/08, nhà báo Huy Đức viết trên tài khoản Facebook (Trương Huy San) của ông như sau:

“Thay vì đưa báo chí ra sân bay, Bộ Công an đã phải đưa Cảnh sát Cơ động, hai ông lãnh đạo Bộ quan sát thấy đúng là Trịnh Xuân Thanh mới yên tâm trở về – điều đó cho thấy việc bắt và áp tải Thanh về không hoàn toàn đơn giản.”

Trang Facebook của ông Huy Đức cũng là nguồn đầu tiên nêu tin hôm 30/07 rằng ông Trịnh Xuân Thanh “đã về Việt Nam”, trong câu chuyện hiện vẫn còn nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.

Cùng ngày, Bộ trưởng Công an Tô Lâm được báo Việt Nam trích lời nói “chưa có thông tin gì về việc Trịnh Xuân Thanh về nước như mạng xã hội loan truyền”.

Khi đó, ông Tô Lâm trả lời câu hỏi “về những thông tin cho là cơ quan điều tra đã di lý Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam rồi” theo trang Pháp luật TPHCM.

Cho đến gần đây, báo chí Việt Nam nói lệnh của TBT Nguyễn Phú Trọng là “truy bắt, dẫn độ” ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam.

Hồi tháng 11/2016, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã nói với báo chí Việt Nam rằng ông Trịnh Xuân Thanh “nên ra đầu thú để hưởng khoan hồng”.

Những gì tiếp theo?

Còn luật sư Trần Quốc Thuận nay nêu ý kiến:

“Tôi cũng hy vọng ông Thanh được xét xử minh bạch và phiên tòa được mở công khai vì đang trong thời kỳ hô hào chống tham nhũng và cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền.”

“Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố là không có vùng cấm, ai vi phạm đến đâu thì xử tới đấy.”

“Vụ này sẽ chứng tỏ điều đó là sự thật hay chỉ là trên giấy.”

Ông Thanh từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Sau khi rời ngành dầu khí, ông được điều sang Bộ Công thương, đảm đương nhiều chức vụ trong thời gian ngắn.

Sau đó, ông lại được thuyên chuyển làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Ông Vũ Huy Hoàng ‘không còn hưởng chế độ bộ trưởng’?

Tổng biên tập báo Infonet ‘bị tạm đình chỉ’

Tháng 11/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản quyết định kỷ luật một số lãnh đạo trong vụ Trịnh Xuân Thanh.

Trong số này, có ông Trần Lưu Hải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương.

Vụ án Trịnh Xuân Thanh vẫn đang được mở rộng điều tra.

Năm 2016, sau khi truy nã Trịnh Xuân Thanh, công an Việt Nam khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn người: Vũ Đức Thuận (nguyên ủy viên HĐQT kiêm tổng giám đốc); Nguyễn Mạnh Tiến (phó tổng giám đốc), Trương Quốc Dũng (nguyên phó tổng giám đốc) và Phạm Tiến Đạt (nguyên kế toán trưởng PVC) về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tháng 2/2017, năm người khác bị khởi tố, trong đó có ba người làm tại PVC.

Cũng liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh, có hai Thứ trưởng Bộ Nội vụ là Nguyễn Duy Thăng và Trần Thị Hà đã bị kỷ luật.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40767308

 

Hoa Kỳ tăng thuế chống phá giá lên tôm nhập từ Việt Nam

Thông tin từ Bộ Thương Mại Mỹ đưa ra từ cuối tuần qua cho biết tôm nhập khẩu từ Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế 1,42% thay vì 1,16% như trước đây.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thương mại Thủy sản Thuận Phước, có tôm xuất khẩu sang Mỹ nói rằng việc tăng thuế này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam nói sở dĩ Bộ thương mại Mỹ tăng thuế vì họ bị các nhà đánh bắt và nuôi tôm ở Mỹ khiếu nại lên Tòa Thương mại Mỹ rằng tòa này đã dùng mức lương ở Bangladesh quá thấp để so sánh tương đồng với Việt Nam là không phù hợp. Quyết định mới của tòa án dựa trên mức lương ở Ấn Độ, cao hơn, làm qui chiếu so sánh với Việt Nam.

Vì Việt Nam hiện chưa được Mỹ công nhận là nước có cơ chế thị trường, cho nên để tính toán xem các công ty Việt Nam có phá giá hay không thì Mỹ sẽ dùng một quốc gia thứ ba có mức sống tương đồng để làm cơ sở tính toán.

Việt Nam cũng có quyền kiện lên tòa án Mỹ về quyết định vừa nêu của Bộ Thương mại Mỹ.

Bên cạnh đó, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo là năm nay Việt Nam có thể xuất khẩu thủy sản ra nước ngoài trị giá 8 tỉ đô la Mỹ.

Nhưng VASEP nêu rõ mức xuất khẩu 8 tỉ đô la Mỹ là không mới, mà Việt Nam đã đạt được mức này lần đầu tiên vào năm 2014, nhưng sau đó bị sụt giảm.

VASEP nói rằng dù thị trường Mỹ đang gặp khó khăn ở mặt hàng cá tra, do những trở ngại bảo hộ mậu dịch của Mỹ, nhưng đã bù lại được bằng thị trường Trung Quốc. Ngoài ra sự tăng trưởng mạnh của các thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản cũng góp phần làm cho Việt Nam tăng trưởng mạnh ngành xuất khẩu thủy sản.

Một yếu tố quan trọng được VASEP đưa ra nữa là các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được thêm vào nhiều giá trị gia tăng, tức là chế biến và đóng gói hoàn hảo hơn, điều này làm cho sản phẩm của Việt Nam được lên giá.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-increase-anti-dumping-tax-agst-vn-shrimp-08012017103259.html

 

Vì sao các nhà hoạt động nhân quyền

bị khởi tố tội “lật đổ chính quyền”?

Hòa Ái, phóng viên RFA

Trong vòng một tuần lễ, 5 nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có 4 cựu tù nhân lương tâm bị bắt giữ với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Giới đấu tranh nhân quyền và các tổ chức bảo vệ nhân quyền Việt Nam trong và ngoài nước nói gì về động thái bắt bớ mới nhất của nhà cầm quyền Hà Nội?

Bắt bớ với sự tính toán?

Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do vào sáng ngày 31 tháng 7, từ Hoa Kỳ, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch của PBSOS-Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói rằng nhà cầm quyền Việt Nam có sự tính toán khi trong tuần lễ vừa qua liên tiếp bắt giữ 5 nhà hoạt động nhân quyền, bao gồm ông Lê Đình Lượng cùng 4 thành viên của tổ chức xã hội dân sự độc lập “Hội Anh Em Dân Chủ” là Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Kỹ sư Phạm Văn Trội, Nhà báo tự do Trương Minh Đức và Luật sư Nguyễn Bắc Truyển.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đưa ra nhận định như vừa nêu vì theo ông động thái bắt bớ này của Chính quyền Hà Nội nhằm để đánh đổi với sự cân bằng trong việc trả tự do cho Mục sư Nguyễn Công Chính, người bị tuyên án 11 năm tù vào năm 2010 với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”.

Người sáng lập và điều hành tổ chức PBSOS cho biết hồ sơ Mục sư Nguyễn Công Chính là một trong những hồ sơ đầu tiên được đệ trình hồi tháng 3 trong việc áp dụng Luật Magnisky Toàn cầu đối với giới chức Chính quyền Việt Nam liên can đến tra tấn và Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế chọn hồ sơ Mục sư Nguyễn Công Chính, là hồ sơ đàn áp tiêu biểu trong năm 2017, để thúc đẩy đưa Việt Nam trở lại vào danh sách các “Quốc gia cần đặc biệt quan tâm”, gọi tắt là CPC; đồng thời Quốc Hội Hoa Kỳ cũng lên tiếng mạnh mẽ và can thiệp trực tiếp cho trường hợp của Mục sư Nguyễn Công Chính và vợ, bà Trần Thị Hồng bị tra tấn.

Theo suy luận của tôi thì ở thời điểm này họ tính rằng cần phải có những hành động như thế để ngăn chặn nhiều chuyện, trong đó có những việc như biểu tình chống Trung Quốc ở Biển Đông…Điều đó là có thể và rất nhiều khả năng theo hướng đó

-Bác sĩ Nguyễn Đan Quế

Dưới các áp lực nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam quyết định trả tự do cho Mục sư Nguyễn Công Chính với điều kiện sống lưu vong cùng gia đình tại Mỹ thay vì một tháng trước đây, nhưng phải kéo dài vì:

“Thay vì trả tự do cho Mục sư Nguyễn Công Chính sớm hơn, cách đây một tháng nhưng họ kéo dài và có thể xem như họ đưa ra hồ sơ này để cân bằng trở lại việc họ bắt bớ những người họ buộc tội về chính trị. Chúng tôi ước đoán rằng khi quốc tế lên án thì Việt Nam nói rằng họ có sự thay đổi và nhượng bộ về nhân quyền, nghĩa là không những trả tự do cho Mục sư Chính mà còn để cho cả gia đình còn được đi định cư tại Hoa Kỳ. Đây là động thái có tính toán từ phía Việt Nam.”

Cùng quan điểm rằng nhà cầm quyền Việt Nam có sự tính toán trong việc liên tiếp bắt giữ 5 nhà hoạt động nhân quyền với cáo buộc theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, cựu tù nhân lương tâm, nhà hoạt động đấu tranh dân chủ-Bác sĩ Nguyễn Đan Quế từ trong nước nêu lên sự chú ý động thái bắt bớ mới nhất và đông nhất kể từ đầu năm 2017 trong bối cảnh chính trị hiện nay của Việt Nam mà theo ông là rất bấp bênh, nhất là căng thẳng với Trung Quốc tại Biển Đông qua vụ Bắc Kinh cảnh báo không cho Hà Nội tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí ở lô 136-3 Bãi Tư Chính. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế nói:

“Bản chất của những người Cộng sản là rất đa nghi. Theo suy luận của tôi thì ở thời điểm này họ tính rằng cần phải có những hành động như thế để ngăn chặn nhiều chuyện, trong đó có những việc như biểu tình chống Trung Quốc ở Biển Đông…Điều đó là có thể và rất nhiều khả năng theo hướng đó.”

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế còn nhấn mạnh nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng lạm dụng trong việc sử dụng các điều luật như Điều 88, Điều 258 và Điều 79, là các điều luật bị quốc tế cho là mơ hồ để đàn áp những tiếng nói đối lập và các hoạt động ôn hòa của những người vận động chính quyền xây dựng xã hội dân chủ, tiến bộ, công bằng và văn minh.

Triệt tiêu phòng trào dân chủ nhân quyền?

Cũng từ trong nước, cựu tù nhân lương tâm, Luật sư Lê Quốc Quân chia sẻ ông Lê Đình Lượng là một người luôn hăng say tham gia các hoạt động chống lại tiêu cực ở địa phương, như đấu tranh về việc thu thuế nông nghiệp không đúng luật định, phản đối chính quyền phạt vạ người dân trong trường hợp sinh đẻ hơn 2 con hay chính quyền lạm thu trong các vấn đề xã hội hóa về giáo dục và y tế. Luật sư Lê Quốc Quân cho biết các hoạt động như thế thường mang lại kết quả khả quan cho dân chúng trong vùng trong các năm qua.

Điều 79 là điều có cấu thành tội phạm nặng hơn so với Điều 88 và có mức án cao đến mức tử hình. Cho nên Nhà nước áp dụng Điều 79 đối với nhiều người thì rõ ràng có tính răn đe cao hơn.  Thứ hai nữa là họ muốn đưa ra thông điệp cứng rắn rằng tính chất tổ chức sẽ bị triệt hạ và họ sẽ kiên quyết đánh phá vào các tổ chức

-Luật sư Lê Quốc Quân

Tuy nhiên, Luật sư Lê Quốc Quân khẳng định ông Lê Đình Lượng bị bắt với cáo buộc theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam vì cùng với các nạn nhân của thảm họa môi trường khu vực biển Bắc miền Trung, do nhà máy thép Formosa xả thải có độc tố ra biển, tuần hành kêu gọi đóng cửa Formosa cũng như khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Luật sư Lê Quốc Quân nhắc lại Luật sư Nguyễn Văn Đài cùng cộng sự, cô Lê Thu Hà bị bắt giữ hồi trung tuần tháng 12 năm 2015 vì tội “tuyên truyền chống nhà nước”, theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Thế nhưng, truyền thông nhà nước vào ngày 30 tháng 7 loan tin Cơ quan Điều tra Bộ Công An ra quyết định khởi tố 6 bị can trong vụ án Nguyễn Văn Đài cùng những người khác hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.

Luật sư Lê Quốc Quân lý giải hành động Chính quyền Hà Nội tùy tiện diễn giải các điều luật để truy tố người dân, qua động thái bắt bớ trong tuần trước, để đạt được mục đích của họ:

“Điều 79 là điều có cấu thành tội phạm nặng hơn so với Điều 88 và có mức án cao đến mức tử hình. Cho nên Nhà nước áp dụng Điều 79 đối với nhiều người thì rõ ràng có tính răn đe cao hơn.  Thứ hai nữa là họ muốn đưa ra thông điệp cứng rắn rằng tính chất tổ chức sẽ bị triệt hạ và họ sẽ kiên quyết đánh phá vào các tổ chức.”

Tưởng cần nhắc lại, hồi trung tuần tháng 7, tờ Quân đội nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Việt Nam, đăng tải một bài xã luận xác nhận sự phát triển của các tổ chức xã hội dân sự và tập trung vào các biện pháp để ngăn chặn hoạt động lợi dụng xã hội dân sự chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Các tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước phản biện rằng Đảng Cộng Sản và Nhà nước Việt Nam gia tăng các biện pháp trấn áp những họat động tự do dân chủ của các tổ chức xã hội dân sự độc lập qua bài bài xã luận này và có thể xem động thái bắt bớ 5 nhà hoạt động dân chủ nhân quyền mới nhất là một bằng chứng.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-ha-noi-administration-recently-arrested-series-of-activists-under-article-79-ha-07312017155417.html