Đại sứ Hoa Kỳ kế tiếp tại Việt Nam là ai? — Trump chỉ định Kritenbrink đến VN vì tính toán về Bắc Hàn, TC?
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đề cử một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ông Daniel Kritenbrink, làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam kế tiếp, sau ông Ted Osius, Toà Bạch Ốc thông báo hôm 26/7. Đại sứ Ted Osius nói gì về nhân vật sẽ lên thay thế ông? Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một nhà hoạt động dân chủ ở trong nước thường xuyên tiếp xúc với các đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho rằng với kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng về các vấn đề Á châu, thông thạo tiếng Trung và tiếng Nhật, nhà ngoại giao chuyên nghiệp Kritenbrink là ứng viên thích hợp cho chức vụ mới trong ‘kỷ nguyên Thái Bình Dương’ sắp tới.
Ông Kritenbrink là ai?
Thông cáo báo chí của chính phủ Hoa Kỳ cho biết ông Daniel Kritenbrink, hiện là Cố vấn cấp cao về chính sách Triều Tiên tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở thủ đô Washington, ông đã từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng, kể cả Phó Đại sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh.
Xuất thân từ bang Virginia, năm nay 49 tuổi, ông bắt đầu sự nghiệp ngoại giao vào năm 1994, và được cho là người có nhiều kinh nghiệm về các vấn đề Á Châu và đã từng làm việc ở TC, Nhật Bản và Kuwait. Ông nói được tiếng Trung và tiếng Nhật.
Ông có bằng Thạc sĩ của Đại học Virginia và tốt nghiệp cử nhân của Đại học Nebraska – Kearney.
Đại sứ Ted Osius nói ông và ông Daniel Kritenbrink đã biết nhau từ lâu. Ngay sau khi Tổng thống Trump loan báo ý định đề cử ông Kritenbrink, ông Osius viết trên trang Facebook cá nhân:
“Tôi nghĩ không thể có một nhà ngoại giao nào tốt hơn ông Kritenbrink để tiếp nối các động lực tích cực cho mối quan hệ hiện nay giữa Mỹ và Việt Nam”.
Trong cương vị cố vấn cao cấp đặc trách các vấn đề Á Châu tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng Thống Obama, ông Kritenbrink có mặt trên chuyên cơ của Tổng thống -Air Force One, trên chuyến bay ra Hà nội khi Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam vào năm 2016.
Phóng viên Joseph Morton của World Herald Bureau tường thuật rằng trên chuyến bay trở về nước sau chuyến công du Châu Á của ông Obama, có tin Bắc Hàn vừa thử nghiệm thêm một quả bom hạt nhân.
Ông Daniel Kritenbrink đã tận lực làm việc trong suốt chặng cuối cùng của chuyến bay, tức thời dàn xếp các cuộc điện đàm trên đường dây nóng để Tổng Thống Obama có thể trấn an các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc rằng Hoa Kỳ sát cánh với họ trước hành động khiêu khích của Bắc Hàn.
Lớn lên tại một nông trại ở ngoại ô Ashland, từ thời tuổi teen chưa biết cuộc đời sự nghiệp sẽ đi về đâu Daniel Kritenbrink đã tâm sự với bạn rằng bất kể làm gì, anh có tham vọng “tạo ra sự khác biệt”.
Cha mẹ ông, Joyce và Donald Kritenbrink đều xuất thân từ khu vực Omaha. Ông có hai người chị/em gái tên Kay Wigle and Nancy Campbell, cả hai đều cư ngụ bên ngoài Ashland.
Ông Daniel Kritenbrink cho rằng ông đã hấp thụ những giá trị Mỹ tốt đẹp nhờ lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở vùng trung tây nước Mỹ.
Sau bậc trung học, Daniel Kritenbrink ghi danh theo học Khoa học Chính trị tại Đại học Nebraska ở Kearney, và rất đam mê hai môn lịch sử và chính trị. Giáo sư Thomas Magstadt cho biết thời đó Kritenbrink có tham vọng trở thành một chuyên gia về Liên bang Xô viết.
Nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông rẻ sang một hướng khác khi ông được chọn tham gia một chương trình trao đổi văn hóa với Nhật Bản.
Sau khi nhận bằng thạc sĩ từ Đại học Virginia, ông bỏ dở ý định tiếp tục theo đuổi học vấn để lấy bằng tiến sĩ sau khi đỗ một kỳ thi vào ngành ngoại giao.
Ông gặp vợ ông, Nami, tại đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tokyo vào năm 1995. Năm sau đó, hai người thành hôn và giờ có hai con.
Ông Kritenbrink phục vụ ở TC trong hơn một thập kỷ, trong đó có hai năm trong cương vị Phó Đại sứ Mỹ.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam, người mà cá nhân và gia đình tiếp xúc khá nhiều với các đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho rằng trong tư cách một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á, có khả năng nói tiếng Trung và tiếng Nhật, và có nhiều kinh nghiệm làm việc, kể cả trong Hội đồng An ninh Quốc gia, ông Daniel Kritenbrink là một người thích hợp cho nhiệm vụ mới, nhất là trong ‘kỷ nguyên Thái Bình Dương’ sắp tới.
“Trong những ngày tới, 3 cường quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, và thêm cả Nga nữa, là 4 siêu cường của vành đai Thái Bình Dương. Mà theo tôi thế kỷ này, Thái Bình Dương sẽ quan trọng hơn mặt Đại Tây Dương, thành ra một người hiểu biết khá cặn kẽ về Á châu, nói thạo tiếng Nhật và tiếng Trung, và có nhiều năm ở Trung Quốc, thì có lẽ là một người thực thi chính sách ngoại giao và an ninh, thì đây tôi nghĩ là một người thích hợp để thi hành đường lối chính sách của ông Donald Trump.”
Tại thời điểm này, ông Kritenbrink chỉ mới được Tổng thống Trump đề cử. Sau khi có thông cáo chính thức của Tổng thống, ông sẽ phải được Thượng viện phê chuẩn trước khi sang Việt Nam trình quốc thư cho Chủ tịch nước và chính thức trở thành Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. – Theo VOA
***
Tòa Bạch Ốc loan báo hôm 26/7 rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử ông Daniel Kritenbrink làm đại sứ Mỹ sắp tới tại Việt Nam, kế nhiệm đại sứ hiện nay là ông Ted Osius.
Thông báo ngắn của Tòa Bạch Ốc cho hay ông Kritenbrink hiện là Cố vấn Cao cấp về Chính sách Bắc Hàn tại Bộ Ngoại giao. Trước đó, ông từng là Phó Đại sứ Mỹ tại TC, cũng như từng nắm vị trí là một giám đốc cấp cao thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia.
Đã có thời gian làm việc chặt chẽ với ông Kritenbrink, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear nói với VOA rằng ông Kritenbrink là ứng viên “hoàn hảo” cho chức đại sứ Mỹ ở Việt Nam, nếu xét đến kinh nghiệm, kiến thức và mối quan hệ trong khu vực của ông:
“Có tiềm năng to lớn trong quan hệ song phương Mỹ-Việt, về quan hệ nhân dân, về kinh tế và cả quốc phòng. Tôi trông đợi ông Kritenbrink sẽ theo đuổi mọi cơ hội để xây dựng thiện chí của Mỹ và theo đuổi các lợi ích của Mỹ có liên quan đến Việt Nam. Đây là một mối quan hệ rất quan trọng đối với Mỹ ở Đông Nam Á. Và tôi nghĩ không có ai phù hợp hơn ông Kritenbrink trong việc xây dựng mối quan hệ này”.
Ông Shear, cũng từng là Đại sứ Mỹ ở Hà Nội từ 2011-2014, nói thêm ông biết về ông Kritenbrink trong một thời gian dài và khẳng định đó là một nhà ngoại giao “rất có năng lực” và “rất tận tụy”.
Từ khi vận động tranh cử đến nay, Tổng thống Trump đã nhiều lần phát ngôn cứng rắn về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Với dự định bổ nhiệm ông Kritenbrink đứng đầu phái bộ Mỹ ở Việt Nam, phải chăng ông Trump tính toán lôi kéo Việt Nam vào chính sách của Mỹ siết chặt các biện pháp chống Bắc Hàn? Về điều này, ông David Shear nói:
“Liên quan đến Bắc Triều Tiên, tôi chắc chắn rằng Mỹ đã thảo luận với đối tác Việt Nam về tầm quan trọng của việc thực thi các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an đối với Bắc Triều Tiên. Tôi trông đợi ông Kritenbrink sẽ tiếp tục theo đuổi lợi ích sống còn đó của Mỹ”.
Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu, giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Đại học Maine nhận định với VOA rằng Tòa Bạch Ốc có thể muốn ông Kritenbrink khai thác mối quan hệ giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng:
“Cũng có thể ở trong đó [Tòa Bạch Ốc] người ta biết Việt Nam có quan hệ lâu dài với Triều Tiên thì họ mong một là Việt Nam giúp liên lạc với Triều Tiên, hai là Việt Nam có thể cho thông tin về Triều Tiên”.
Trong khi vấn đề Triều Tiên là một ưu tiên cao của Mỹ, Hà Nội chú ý nhiều hơn đến việc cân bằng mối quan hệ của họ với Bắc Kinh và Washington.
Với bối cảnh như vậy, là người am hiểu về TC và có kinh nghiệm lâu năm về châu Á, ông Kritenbrink được xem là sẽ đóng vai trò trọng yếu trong việc xử lý quan hệ của Mỹ không chỉ với Việt Nam mà cả với khu vực.
Cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear nói:
“Thật tốt khi có người nắm vị trí đại sứ Mỹ ở Hà Nội hiểu được cách người Trung Quốc suy nghĩ và cách thức Trung Quốc vận hành. Về khu vực nói chung và về Biển Đông, ông Kritenbrink nắm rất rõ các lợi ích của Mỹ và những thách thức ở đó. Tôi tin chắc ông ấy sẽ làm việc với các đối tác Việt Nam, không chỉ để theo đuổi các lợi ích Mỹ mà cả những lợi ích chung của chúng ta ở khu vực và ở Biển Đông, và để bảo đảm rằng những gì chúng tôi làm đều góp phần vào nền hòa bình và ổn định không ngừng ở khu vực”.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long nhận xét:
“Hiểu biết chung của ông ấy về Trung Quốc sẽ giúp cho ông ấy rất là nhạy cảm khi ông ấy ở Việt Nam, là vì những gì nói ra với Trung Quốc là ông ấy hiểu ngay. Và việc hiểu này cũng có thể giúp cho cả Việt Nam lẫn Mỹ”.
Tuy nhiên, dẫn ra những diễn biến rối ren về nhân sự ở Tòa Bạch Ốc thời gian qua, giáo sư Long thận trọng nói thêm rằng không thể đoan chắc là chính quyền ông Trump thực sự có những tính toán lâu dài về đối ngoại.
Sau khi có loan báo về ông Kritenbrink được đề cử làm đại sứ ở Hà Nội, vị đại sứ đương nhiệm Ted Osius viết trên trang Facebook chính thức của ông rằng “không thể có một nhà ngoại giao nào tốt hơn ông Kritenbrink để tiếp nối các động lực tích cực cho mối quan hệ hiện nay giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”.
Ông Osius viết thêm rằng nếu người kế nhiệm ông được phê chuẩn, “chúng tôi mong được chào đón ông ấy đến Việt Nam!”
Kinh nghiệm ngoại giao của ông Kritenbrink trải dài từ 1994 đến nay. Hiện ông là nhà ngoại giao chuyên nghiệp cấp cao của Mỹ, mang hàm Tham tán Công sứ, và nói được tiếng Trung cũng như tiếng Nhật.
Ông có bằng thạc sĩ của trường Đại học Virginia và bằng cử nhân của ĐH Nebraska-Kearney. – Theo VOA