Tin Việt Nam – 26/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 26/07/2017

Các tổ chức nhân quyền quốc tế

phản đối bản án dành cho Trần Thị Nga

Hai tổ chức gồm Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) và Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), lên tiếng phản đối ngay sau khi có tin về bản án 9 năm tù và 5 năm quản chế mà tòa án tỉnh Hà Nam tuyên đối với nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga.

Ân Xá Quốc Tế cho đó là một bản án vô nhân đạo và kêu gọi Việt Nam phải ngay lập tức hủy bỏ án đó vì tù nhân lương tâm Trần Thị Nga không làm gì khác ngoài việc ôn hòa bảo vệ quyền con người.

Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á- Thái Bình Dương của Ân Xá Quốc Tế, ông Josef Benedict, nói rằng bản án tuyên cho bà Trần Thị Nga vào ngày 25 tháng 7 là lần tuyên án thứ hai trong vòng không đầy một tháng đối với một nhà hoạt động nữ chuyên bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.

Ông Josef Benedict cho rằng cơ quan chức năng Việt Nam đang tăng cường nổ lực bỏ tù những nhà hoạt động ôn hòa trong nước. Chính quyền Hà Nội đang tiêu diệt những cá nhân can trường cũng như gia đình họ chỉ để nhằm đe dọa những người khác lên tiếng.

Đại diện của CPJ tại khu vực Đông Nam Á, ông Shawn Crispin, cũng kêu gọi Việt Nam phải chấm dứt biện pháp đàn áp đối với những blogger can đảm như bà Trần Thị Nga.

CPJ nhắc lại việc nhà hoạt động Trần Thị Nga bị giam giữ hơn 6 tháng trời trước khi bị đưa ra xét xử. Còn trước khi bị bắt bà này từng lên tiếng về tình trạng bị sách nhiễu trong nhiều năm. Vào năm 2014 bà bị tấn công bằng tuýt sắt khiến bị thương ở tay trái và chân phải.

Theo Ân Xá Quốc Tế thì hiện có hơn 90 tù nhân lương tâm tại Việt Nam và con số này đang tăng lên.

Tổ chức này kêu gọi Việt Nam phải chấm dứt ngay những hạn chế hà khắc đối với những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền.

Còn theo CPJ thì Việt Nam hiện bỏ tù ít nhất 8 nhà báo kể từ năm 2016 đến nay khi mà tổ chức này tiến hành thống kê hằng năm về tình trạng nhà báo bị tù tội khắp thế giới.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/international-human-rights-oppose-tranthnga-sentence-07252017144744.html

 

Hoa Kỳ lên tiếng về án tù của bà Trần Thị Nga

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius, vào ngày 26 tháng 7 ra tuyên bố về bản án mà tòa tại Hà Nam tuyên đối với nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga.

Tuyên bố của vị đại sứ Mỹ tại Hà Nội được đưa ra một ngày sau khi tòa sơ thẩm ở tỉnh Hà Nam tuyên mức án bị cho là nặng đối với nhà hoạt động Trần Thị Nga theo cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’

Trong tuyên bố, đại sứ Ted Osius bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc một tòa án Việt Nam kết án bà Trần Thị Nga với mức án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế về những hoat động mà ông này cho là ôn hòa; trong khi đó cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ là mơ hồ.

Vị đại diện ngoại giao của Hoa Kỳ tại Việt Nam nhắc lại trong tuyên bố về việc tòa án tỉnh Hà Nam kết án bà Trần Thị Nga rằng ‘ tất cả mọi người đều có quyền tự do cơ bản về biểu đạt, lập hội và tụ họp ôn hòa.’

Đại sứ Ted Osius thừa nhận Hoa Kỳ có chứng kiến một số bước tích cực về nhân quyền tại Việt Nam trong vài năm qua; tuy vậy xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ, kết án, và rồi kể từ đầu năm 2016 đến nay những bản án hà khắc tuyên cho các nhà hoạt động ôn hòa là rất đáng lo ngại.

Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động Trần Thị Nga và tất cả những tù nhân lương tâm khác; đồng thời cho phép mọi cá nhân tại Việt Nam được tự do thực thi quyền bày tỏ quan điểm và hội họp một cách ôn hòa mà không lo sợ bị trả thù.

Trong tuyên bố, đại sứ Ted Osius còn cho biết phía Hoa Kỳ thúc giục chính phủ Việt Nam đảm bảo các hành vi và luật lệ của họ, trong đó có Bộ Luật Hình sự, phải nhất quán với các điều khoản về nhân quyền trong Hiến pháp Việt Nam cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.

Ngay sau khi bản án mà tòa sơ thẩm tại Hà Nam tuyên cho nhà hoạt động Trần Thị Nga được công khai, một số tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế gồm Ân Xá Quốc Tế, Ủy ban Bảo vệ Ký giả lên tiếng phản đối bản án cho đó là một bản án vô nhân đạo, bất công.

Trước khi phiên xử bà Trần Thị Nga diễn ra, các tổ chức theo dõi nhân quyền như Human Rights Watch, Phóng viên Không Biên giới, Ủy ban Nhân quyền Việt Nam… đều lên tiếng kêu gọi chính quyền Hà Nội hủy bỏ mọi cáo buộc bị cho là vô lý đối với nhà hoạt động Trần Thị Nga.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-ambassador-to-vn-on-the-conviction-of-tthi-nga-07262017122321.html

 

Luật sư VN ‘vô vọng trong các vụ an ninh’?

Một luật sư tại Sài Gòn bình luận với BBC rằng quy trình tố tụng của các vụ án an ninh quốc gia có lẽ được “đặc quyền” nằm ngoài quy trình tố tụng của các loại án khác.

Ông cũng cho ý kiến về một dự thảo mà theo ông, giới luật sư nói là khóa miệng luật sư ở Việt Nam.

Theo Dự thảo sửa đổi Nghị định 123, các luật sư “không được có hành vi ứng xử và phát ngôn trên phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín nghề luật sư, phương hại đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức khác”.

Luật sư là nghề ‘nguy hiểm ở Việt Nam’?

Những nữ tù nhân lương tâm Việt Nam

Ý kiến nói luật sư phải tố giác thân chủ là luật dị biệt

TQ và cuộc chiến của các luật sư nhân quyền

Trả lời BBC hôm 26/7, luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm ở TP Hồ Chí Minh, nói: “Đây là dự thảo quy định một cách mơ hồ, hạn chế quyền tự do ngôn luận của luật sư.”

“Luật sư đồng thời cũng là công dân được Hiến pháp bảo hộ quyền tự do ngôn luận, là một quyền cơ bản trong những quyền cơ bản của con người.”

“Tôi cho rằng, nếu có vị luật sư nào đó gây ảnh hưởng, uy tín nghề luật sư thì đã có các cơ quan khen thưởng kỷ luật của tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư mà vị luật sư đó đang tham gia sinh hoạt, xử lý.”

“Hơn nữa, nếu có vị luật sư nào đó gây phương hại đến hoạt động của cơ quan tổ chức khác thì cũng là chuyện bình thường.”

“Vì các cơ quan, tổ chức không phải là vùng cấm bất khả xâm phạm cho dù họ sai, và khi các cơ quan, tổ chức đó có những hoạt động xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, thậm chí cản trở hoạt động hành nghề hợp pháp của luật sư.”

“Vậy thì tại sao dự thảo này lại đi cấm luật sư phát ngôn về các sai trái đó trên các phương tiện đại chúng, trang mạng xã hội?”

BBC: Phải chăng là do gần đây có một số luật sư tạo được ảnh hưởng và có tiếng nói có trọng lượng trên mạng xã hội nên chính quyền muốn tìm cách hạn chế ảnh hưởng của giới luật sư?

Luật sư Phạm Công Út: Giới luật sư trở thành bị can, bị cáo trong nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia do có những quan điểm trái chiều với nhà nước là không ít.

Những quan điểm ấy được phổ biến trên các phương tiện đại chúng, mạng xã hội và được nhân rộng, chia sẻ, phổ cập ra quần chúng thành những luồng phản biện xã hội mạnh mẽ, không ít tính thuyết phục.

Và giới luật sư vừa am hiểu pháp luật, lại có thể biết cách trình bày các lập luận, khi họ đứng ở vai trò phản biện hoặc phê phán, họ thường vận dụng phương thức nói có sách, mách có chứng. Từ đó, có thể ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức nào đó trước khi có kết luận đúng, sai của cơ quan có thẩm quyền về cơ quan, tổ chức ấy…

BBC: Ông nghĩ gì về ý kiến nói người ‘khôn’ bây giờ không đi cãi mấy vụ án như nhà hoạt động Thúy Nga, Mẹ Nấm, mà cãi mấy vụ như cựu hoa hậu Phương Nga thì vừa có tiếng, có tiền, vừa an toàn, lại tránh bị rầy rà với chính quyền?

Tôi có xem phim về một luật sư ở Hàn Quốc, ông ấy vốn rất thành công trong dịch vụ môi giới nhà đất, trở thành một người giàu có, nhưng sau đó tham gia bào chữa cho một bị cáo về nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia của Đại Hàn Dân quốc.

Ông ấy đã chứng minh được các bị cáo bị bức cung, nhục hình, buộc phải nhận tội, các luật sư chỉ định thì thông đồng với quan tòa để xin được giảm nhẹ cho các bị cáo để có sự an toàn cho các luật sư ấy.

Vị luật sư chính diện trong bộ phim đã đơn độc chọn con đường bảo vệ quyết liệt các bị cáo ấy và chứng minh các bị cáo này vô tội.

Cuối cùng, vị luật sư ấy cũng trở thành nạn nhân, thành một bị cáo và cũng bị bức cung, nhục hình như các thân chủ của ông, chỉ vì tham gia bào chữa các loại án an ninh quốc gia.

Nếu một xã hội Hàn Quốc công bằng, dân chủ, văn minh như thế mà còn trừng phạt những luật sư đúng đến sự an nguy của chế độ thì Việt Nam có thể tốt hơn hay không?

Luật sư phải tố giác là ‘tín hiệu đáng sợ’

Vợ luật sư Nguyễn Văn Đài ‘không được xuất cảnh’

Luật sư nhân quyền ‘làm tổng thống Nam Hàn’

Bà Thúy Nga bị kết án 9 tù, 5 năm quản chế

Các quy trình tố tụng của án an ninh quốc gia có lẽ được “đặc quyền” nằm ngoài quy trình tố tụng của các loại án khác. Nên việc bảo vệ của các luật sư đối với thân chủ trong các vụ án an ninh hầu như là vô vọng.

Vì thế đa phần các luật sư ít tham gia những vụ án được quy kết là xâm phạm an ninh quốc gia là vậy.

BBC: Trong những vụ đã nhận làm cho đến nay, luật sư tự hào với vụ nào, có tiếc nuối hoặc thấy bất lực với vụ nào?

Tôi chưa thống kê được các vụ án mà cái kết đã làm mình tự hào, tiếc nuối hoặc bất lực. Việc đó chỉ có thể nghĩ đến khi không còn hành nghề luật sư được nữa. Hy vọng lúc ấy sẽ có thời gian để chiêm nghiệm lại.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40725413

 

Đội bóng phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc, NoU,

bị cản trở

Đội bóng đá NoU- phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông) là một ví dụ điển hình cho việc các nhà bất đồng chính kiến sử dụng một hình thức khác để tập hợp và thể hiện mình. Sở dĩ họ làm như vậy vì các phương tiện khác như blog chính trị hay Facebook thường xuyên bị công an theo dõi.
Đó là lời bình luận về đội bóng đá NoU tại Hà Nội, của bà Janice Beanland, người vận động cho tổ chức Ân xá quốc tế tại Việt Nam, Lào, và Cam Pu Chia.

Ông Nguyễn Chí Tuyến, một sáng lập viên của đội bóng nói với hãng tin AFP rằng đội bóng là nơi họ có thể trao đổi với nhau bất cứ chuyện gì một cách tự do.

Đội bóng đá này được thành lập vào năm 2011, sau những cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra ở Hà Nội, Sài Gòn. NoU có nghĩa là không công nhận đường đứt khúc 9 đoạn hình chữ U do Trung Quốc tự vạch ra trên biển Đông để tuyên bố chủ quyền lên đến 90% vùng biển này.Ngày chủ nhật 9

tháng bảy vừa qua khi đội bóng này đến 1 sân bóng ở Hà Nội thì bị những người được cho là cảnh sát mặc thường phục bố ráp, đuổi ra khỏi sân.

Và đây không phải là lần đầu tiên đội bóng bị bố ráp như thế.

Nhận xét về lời bình luận của bà Janice Beanland, ông Nguyễn Lân Thắng, một thành viên của đội bóng NoU nói với đài RFA:

Thực ra họ nói như thế là hoàn toàn chính xác, nhưng quan điểm của tôi thì không ủng hộ những chuyện đối đầu với chính quyền. Dù cách này hay cách kia, những việc chúng tôi làm không phải là những hoạt động lật đổ chế độ. Cái quan trọng là chúng tôi mong muốn những hoạt động ôn hòa, trong việc đấu tranh hay lên tiếng, để cho việc mình muốn thay đổi đất nước diễn ra trong một sự êm thắm.”
Tuy nhiên dường như chính quyền tìm cách để ngăn chận hoạt động của đội bóng này, mặc dù các hoạt động của họ như đá bóng, tiệc tùng không mang tính chính trị. Theo ông Thắng thì cơ quan an ninh thường gây áp lực với những người chủ của các sân bóng đá, để không cho đội bóng tập dượt, mặc dù họ đã trả tiền.

Ông Nguyễn Chí Tuyến, nói rằng ông và các đồng đội giống như đang chơi trò mèo vờn chuột với công an. Các thành viên của đội bóng chỉ thông báo địa điểm sân tập vào giờ chót để tránh bị bố ráp giải tán.
Các thành viên của đội bóng cũng thường xuyên bị nhân viên an ninh quấy nhiễu. Ông Nguyễn Văn Phương, một thành viên khác nói rằng mỗi lần như vậy ông cảm thấy rất tức giận.
Giới quan sát cho rằng việc quấy nhiễu, đàn áp đội bóng NoU này đã tăng lên từ đầu năm 2017 đến nay, sau khi Việt Nam có một ban lãnh đạo mới.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/nou-crack-down-07262017090638.html

 

Cựu chiến binh chống TQ, ông Lê Đình Lượng bị bắt

Hôm 24/7, một ngày trước khi phiên tòa xử nhà hoạt đồng Trần Thị Nga diễn ra, một nhà hoạt động khác cũng bị bắt giữ.

Ông Lê Đình Lượng, sinh năm 1965, cư trú tại xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, đã bị bắt hôm 24/7 theo Điều 79, tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Theo báo Tuổi Trẻ, ông Lượng “thường xuyên có các hoạt động nhằm mục đích lật đổ chính quyền nhân dân và gây phức tạp về tình hình an ninh, trật tự tại địa phương”.

Ông Lượng bị bắt cùng ông Thái Văn Hòa khi trên đường về sau khi thăm gia đình gia đình tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai vào chiều 24/7, ông Hòa nói với BBC.

“Chúng tôi đang đi xe thì thấy hai chiếc ô tô bảy chỗ và 10 chiếc xe máy với công an mặc thường phục. Họ chặn xe, đánh đập rồi cho tôi và anh Lượng lên hai xe khác nhau. Về đến trụ sở công an ở Vinh thì họ thả tôi về nhưng tôi không thấy anh Lượng. Không biết họ đưa anh đi đâu,” ông Hòa nói.

Những nữ tù nhân lương tâm Việt Nam

Bà Thúy Nga bị kết án 9 tù, 5 năm quản chế

Tương lai bất định của dân chủ

Formosa: Người dân ‘chưa nhận đủ bồi thường’

Ông Lượng không phải là một cái tên được biết đến rộng rãi trong cộng đồng bất đồng chính kiến như bà Trần Thị Nga, nhưng có lẽ vì ông chỉ hoạt động tại địa phương.

‘Cựu chiến binh thành nhà hoạt động địa phương’

Ông Lê Đình Lượng là chú họ của luật sư Lê Quốc Quân, một trong những luật sư nhân quyền và nhà đấu tranh dân chủ nổi tiếng trong nước.

Trả lời BBC hôm 26/7, luật sự Quân nói ông Lượng “đúng nghĩa là một nhà hoạt động địa phương”.

Công an Nghệ An khẳng định việc thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với ông Lê Đình Lượng đảm bảo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.Báo Tuổi Trẻ

“Chú tôi là một cựu chiến binh ở biên giới phía bắc những năm 89 và 90. Ông từng phải đóng chốt ở đỉnh núi ngay biên giới với Trung Quốc, nấp trong hầm ẩm thấp.

“Ông có tinh thần rất yêu nước. Ông chỉ hoạt động ở mức địa phương thôi nhưng ông rất đau đáu với chuyện quốc tế dân sinh, chuyện Trung Quốc xâm lược biển đảo.

“Vào thứ Bảy, hay Chủ Nhật hay ngày lễ, ông cầm các biểu ngữ, băng rôn ông tự làm, đi dọc đường cùng một số anh em phản đối Formosa, bảo vệ biển đảo…”

“Ông rất tích cực trong việc đòi quyền lợi chính đáng cho người dân.”

Luật sư Quốc Quân kể ông Lượng đã có nhiều hoạt động đấu tranh như quyền sinh con thứ ba của người dân, việc bắt đóng phí giáo dục, tiêu biểu là việc thu phí sản lượng nông nghiệp.

“Trong việc thuế phí nông nghiệp, chính quyền tại địa phương quê tôi đã áp đặt một số sản lượng lên người dân dù luật pháp quy định được miễn. Chú tôi cùng một số anh em đấu tranh, cơ bản là được sự ủng hộ của người dân để lên xã phường đòi tiền. Chính ông chủ tịch xã phải thừa nhận và đền bù,” luật sư Quân kể.

“Chú tôi có những hoạt động rất hữu ích và rất hay cho người nông dân. Người dân họ mách nhau, họ không đóng phí, những nơi khác họ cũng bắt đầu lật luật ra xem. Những cựu chiến binh bạn ông ấy cũng hỏi han cách thức để đấu tranh.”

VN: Dân sẽ được bầu lãnh đạo Đảng?

Biểu tình tại Nghệ An sau vụ bắt Hoàng Bình

“Tôi thấy việc ông ấy làm là việc rất tiến bộ, có gì mà phản động?” Luật sư nói, “Giờ thấy ông bị bắt, tôi cảm thấy rất thương cảm và bất công.”

‘Chồng tôi là một người tuyệt vời’

Bà Nguyễn Thị Quý, vợ của ông Lê Đình Lượng nói với BBC rằng bà không nhận được thông tin gì về việc chồng bị bất, cũng không hề nhận được lệnh bắt người.

“Tôi không biết chồng ở đâu, xem ra thì thấy chồng trên VTV, các mặt báo,” bà Quý nói. “Tôi rất buồn và lo lắng, chồng tôi có rất nhiều bệnh, thái hóa cột sống, thái hóa xương chậu, bị gút..”

“Họ bắt chồng tôi như là lũ côn đồ bắt cóc con nít lấy nội tạng,” bà nói.

Về cáo buộc ông Lượng “thường xuyên có các hoạt động nhằm mục đích lật đổ chính quyền nhân dân,” bà Quý nói.

“Đối với tôi, chồng tôi là người tuyệt vời nhất. Chồng tôi đấu tranh cho bản thân, cho gia đình, cho dân làng, cho xã hội và cho sự thật. Tôi có thấy cái gì sai đâu,” bà Quý nói.

“Chồng tôi đấu tranh chồng tôi chỉ mất thời gian, mất công thôi. Nhà tôi chỉ mất công yêu nước, yêu đồng bào, yêu đồng chí. Thế thì có gì sai?”

Việc bắt ông Lượng có trái luật?

Theo luật sư Lê Quốc Quân, ông nói, dưới tư cách là luật sư, việc bắt giữ ông Lượng đã phạm vào Nguyên tắc suy đoán vô tội, theo Luật Tố tụng hình sự.

“Một người không bị coi là có tội cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật, việc công an nói ông phản động hoạt động lật đổ chính quyền vừa vô lý vừa trái luật.”

Theo báo Tuổi Trẻ, công an Nghệ An khẳng định việc thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với ông Lê Đình Lượng đảm bảo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Hiện Công an Nghệ An đang hoàn tất thủ tục, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam ông Lê Đình Lượng để phục vụ công tác điều tra, truy tố và xét xử theo quy định của pháp luật.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40724794

 

Tập trung xử lý các vụ án tham nhũng

Phải nâng cao chất lượng công tác điều tra, kịp thời truy tố và xét xử những vụ án nghiêm trọng mà dư luận xã hội quan tâm, trong đó có 12 vụ đại án tham nhũng.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Việt Nam, ông Trương Hòa Bình vào ngày 26 tháng bảy, đưa ra yêu cầu như vừa nêu đối với Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ, còn gọi là Ban chỉ đạo 138, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác phòng, chống tội phạm và phòng chống mua bán người 6 tháng đầu năm 2017.

Trong Báo cáo của Bộ Công An được trình bày tại Hội nghị trực tuyến diễn ra trong ngày 26 tháng bảy, Thứ trưởng Bộ Công An, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 25.800 vụ phạm pháp hình sự. Con số này giảm gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thượng tướng Lê Quý Vương còn cho biết liên quan nhóm tội phạm về kinh tế, tham nhũng thì tập trung xảy ra trong lãnh vực tài chính ngân hàng với các hành vi tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái các quy định của nhà nước, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Báo cáo của Bộ Công An cũng đề cập đến tình trạng mà cơ quan chức năng Việt Nam cho là tụ tập đông người liên quan đến tôn giáo, đền bù đất đai gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự; cũng như chống người thi hành công vụ mang tính chất tập thể.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công An trong 6 tháng cuối năm 2017 cần bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, trong đó trọng tâm là Hội nghị APEC 2017.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/focusing-to-resolve-the-twelve-important-cases-of-corruption-07262017123129.html

 

Vùng biển Tuy Phong thời nhiệt điện

Chân Như, phóng viên RFA

Cư dân vùng biển huyện Tuy Phong lâu nay gắn bó với nghề biển tuy nhiên  kể từ khi Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đi vào hoạt động, họ cho biết phải gặp nhiều xáo trộn.

Tác động nhiều ngành nghề

Vùng biển Tuy Phong là nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận với trữ lượng hải sản dồi dào, ngư dân trước đây chưa bao giờ thiếu cá, nhưng từ 2 năm nay, sau khi nhà máy điện Vĩnh Tân đi vào hoạt động, những ngư dân địa phương mà chúng tôi nói chuyện cho biết thực tế số cá đánh bắt được:

“Cá bạc má, cá mình đi lưới vây, năm nay không có gì hết, đi mấy bữa vô năm ba kí cá, bán đủ ăn qua ngày, có bữa dô không đủ cá nấu phải lên chợ mua cá ăn, thảm, thảm không ra gì hết.

Chả biết làm sao, năm bữa tới hôm giờ cá không có luôn.

Mấy năm trước làm cũng được, có bữa năm ba trăm có bữa khá thì kiếm được triệu.”

Mọi năm làm ăn được cũng khá, từ hồi nhà máy nhiệt điện làm ở đó thì mất cá mất tôm luôn à.
-Một người dân

Không chỉ đối với ngư dân đánh bắt cá biển, mà  một số ngành khác như nuôi tôm giống hay tôm lồng cũng chịu tác động:

“Mấy cái nhà nuôi tôm phải chạy tàu ra ngoài khơi hút nước đem vô chứ nước sát biển không nuôi được nữa, ô nhiễm tôm chết.”

Đối với các hộ dân nuôi tôm lồng bè xung quanh, hiện tượng tôm chết bất thường gây thất thu làm họ hoang mang, một số người phải bỏ đi nơi khác, một số cố bám trụ trong cảnh ngèo đói:

“Hai năm nay là đói hơn mấy năm trước, không có gì hết, không biết làm sao mà tôm không có sinh sản được nữa.

Mọi năm làm ăn được cũng khá, từ hồi nhà máy nhiệt điện làm ở đó thì mất cá mất tôm luôn à, mấy năm là nhờ tôm đó chớ, mấy chỗ này thả là tôm nó bu vô nè mà năm nay nó bỏ bờ hết, không có.”

Các cánh đồng muối bạt ngàn xung quanh nhà máy đứng trước nguy cơ phải sử dụng nguồn nước biển không đảm bảo để sản xuất. Ngành làm nước mắm Cà Ná, cũng giống như ngành làm muối, đã có truyền thống từ lâu đời, sử dụng cá và muối đánh bắt từ vùng biển địa phương, đang đối mặt sự e ngại từ người tiêu dùng. Trước đây trên tuyến quốc lộ 1A đi ngang làng mắm Cà Ná, các du khách thường hay dừng chân để mua đặc sản mắm Cà Ná nổi tiếng, nhưng nay dường như chẳng ai màng dừng lại, xung quanh, các cửa hàng đóng cửa im lìm, một số cửa hàng lớn có mắm xuất khẩu hay thị trường tiêu thụ manh hơn vẫn mở cửa nhưng không có ai vào mua bán tại chỗ.

Những chủ thuyền phải vay ngân hàng để đóng tàu nhưng nay phải nằm bờ hết sức lo lắng vì không biết xoay đâu ra để trả cả gốc lẫn lãi:

“Vay ngân hàng mà ghe đậu bờ thì tiền lãi đẻ ra nhiều có mà chết thôi.”

Nhiều chủ tàu phải chọn cách đi đánh bắt xa bờ để duy trì kế sinh nhai cho bản thân cũng như người làm công:

“Nhà chị tàu đánh cá phải đi xa chứ làm đây không được. hai mươi mấy người đi một ghe, hễ một người đi là nuôi cả gia đình đó, mà một chiếc ghe là biết bao nhiêu gia đình.  hễ không có là người ta chết đói hết.”

Quá nhiều bất cập

Tuy vậy, nghề đi biển đầy rủi ro khiến nhiều người trong ngành này nay không còn mặn mà nữa; nhất là khi họ có thể kiếm được công việc trên bờ:

“Đi tìm bạn không có bạn để làm nữa, ghe đó người ta nằm bờ không có bạn đi biển là do ở dưới nhà máy nhiệt điện người ta đi làm cái đó bỏ.

Từ ngày nhà máy nhiệt điện làm lên là không có bạn đi biển, hồi đó ghe mình là bạn nó tới hỏi đông lắm, nhưng giờ công nhân lao động người ta bỏ ghe đi biển.

-Một người dân

Từ ngày nhà máy nhiệt điện làm lên là không có bạn đi biển, hồi đó ghe mình là bạn nó tới hỏi đông lắm, nhưng giờ công nhân lao động người ta bỏ ghe đi biển.”

Thực tế cho thấy, ngoài những mặt lợi từ nhà máy điện Vĩnh Tân được phía chính quyền đề cập như tăng cường điện năng, giải quyết công ăn việc làm cho một số người dân địa phương… thì còn quá nhiều bất cập mà chính người dân địa phương nêu ra:

“Điện thì chị không biết, giá cả vẫn vậy chứ cũng đâu có rẻ hơn cho dân nhà, dân Cà Ná không có nhà máy nhiệt điện thì vẫn dùng điện bình thường.

Kéo dài 2 năm nay rồi, ghe người ta làm ăn không có cái đổ nợ người ta bỏ làng đi.

Dân thì không có biết chờ cấp trên đi họp giải quyết chứ dân người ta nói không được.”

Trong khi những thực tế xảy ra sau khi nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đi vào hoạt động gây nên chưa giải quyết xong; thì dân chúng địa phương tại Tuy Phong lại nghe tin Bộ Tài nguyên – Môi trường đồng ý cho phía điện lực đổ gần 1 triệu mét khối bùn, cát nạo vét xuống biển Bình Thuận gần khu bảo tồn Hòn Cau.

Giới chuyên gia và người dân được hỏi ý kiến đều cho rằng đổ bùn cát xuống biển chắc chắn tác động đến môi trường và từ đó gây ảnh hưởng bất lợi cho kế mưu sinh của dân địa phương.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/vbientuyphong-072017-07212017075649.html

 

Một trung tâm dọa kiện Bộ TN-MT về giấy phép đổ bùn

Một trung tâm nghiên cứu ở Hà Nội mới đây đòi Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) hủy giấy phép cho đổ bùn, cát ở biển Bình Thuận, nếu không họ sẽ kiện bộ.

Trong một thông cáo báo chí, Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững nêu kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hủy quyết định cho một công ty điện lực đổ phế thải nạo vét xuống biển.

Trung tâm nói nếu bộ không hủy, họ sẽ khởi kiện hành chính về quyết định cấp phép của bộ. Giám đốc trung tâm, ông Đặng Đình Bách, đã xác nhận với VOA về thông tin này hôm 26/7.

Trung tâm của ông Bách bắt đầu hoạt động từ năm 2007, nhằm bảo vệ những lợi ích hợp pháp cho những người bị xâm phạm trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa diễn ra ở Việt Nam.

Luật sư Trần Vũ Hải nói với VOA về căn cứ pháp lý để khởi kiện:

“Với tư cách công dân, và nếu họ cho rằng việc nhấn chìm ảnh hưởng đến môi trường, hoặc là với tư cách ngư dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc môi trường bị xấu đi như vậy thì, họ có quyền khởi kiện đối với cái giấy phép nhấn chìm này, yêu cầu đình chỉ hiệu lực của giấy phép này, hoặc hủy bỏ”.

Hồi cuối tháng 6, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc đã ký giấy phép chấp thuận cho Công ty Trách nhiệm Hữu hạn điện lực Vĩnh Tân 1 “nhận chìm” gần 1 triệu mét khối bùn, cát ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Các bên liên quan nói đây là bùn, cát lấy lên từ quá trình nạo vét luồng lạch, bến tàu phục vụ việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Nơi đổ phế thải được xác định cách đất liền hơn 12 kilomet và chỉ cách vành đai bảo vệ của khu bảo tồn biển Hòn Cau chưa đầy 2 kilomet. Tổng diện tích nơi đổ là 30 hectare mặt nước biển, nơi này có độ sâu không quá 30 m.

Giấy phép kể trên đã vấp phải nhiều phản đối từ các chuyên gia môi trường và công chúng, vì họ lo ngại việc đổ bùn, cát nạo vét sẽ làm hại cả môi trường lẫn nguồn lợi hải sản.

Vài ngày trước kiến nghị của Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững, hôm 21/7, Hội nghề cá Việt Nam cho biết cũng đã kiến nghị chính phủ và một số bộ “khẩn cấp” tạm dừng thực hiện giấy phép về đổ phế thải nạo vét.

Luật sư Trần Vũ Hải nói nếu đi đến khởi kiện, Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững có thể phải thực hiện một số bước chuẩn bị “tốn kém”:

“Thứ nhất là họ chứng minh Bộ TN-MT thực sự chưa khảo sát, dự án tác động môi trường chưa có. Tức là họ đề nghị Bộ TN-MT mở hồ sơ về khu vực đấy, khu sinh thái đấy, nếu có. Hai là họ tự đi khảo sát. Theo tôi, tự đi khảo sát có thể là vấn đề tốn tiền. Và nếu ngư dân nói rằng đấy là khu vực đánh cá của họ, thì họ sẽ nói họ bị ảnh hưởng và đưa chứng minh bằng những nghiên cứu thế giới là khi đổ như thế thì bị ảnh hưởng như thế nào”.

Trong một cuộc họp báo hôm 25/7 được báo chí trong nước tường thuật lại, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, nói kể từ khi các nhà khoa học phản đối dự án đổ phế thải nạo vét kể trên, chính quyền Bình Thuận đã gửi nhiều kiến nghị lên các bộ, ngành trung ương xem xét giải quyết “theo hướng mới”.

Ông Hòa nói một trong những phương án Bình Thuận đề xuất là dùng những chất được nạo vét để san lấp mặt bằng, hay đắp đê kè ở vùng biển bị xói lở, hoặc xuất khẩu ra nước ngoài.

https://www.voatiengviet.com/a/mot-trung-doa-kien-bo-tnmt-ve-giay-phep-do-bun/3959825.html