Tin Biển Đông – 26/07/2017
Biển Đông: Làm rõ tin ‘VN phải dừng khoan’
Việc hãng Repsol ngưng hoạt động tại một dự án ở Biển Đông, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng Trung Quốc cho là vùng tranh chấp, đang thu hút sự chú ý quốc tế.
BBC Tiếng Việt phỏng vấn phóng viên Bill Hayton, tác giả bài viết VN ngừng khoan dầu khí ở Biển Đông về một số vấn đề liên quan tới sự kiện này:
BBC Tiếng Việt: Theo nghiên cứu của ông thì vị trí chính xác của dự án Repsol nằm ở đâu, cách bao xa tính từ đảo chính là đảo Trường Sa?
Bill Hayton: Repsol hiện đang có một số dự án dầu khí khác nhau tại Việt Nam. Dự án vừa phải ngưng là nằm trong Lô 136-03, ở rìa đông nam của vùng Việt Nam tuyên bố là Đặc quyền Kinh tế. Các bạn xem bản đồ dưới đây để biết vị trí chính xác.
Một nguồn tin nói với tôi rằng tại khu vực lô 136-03, người ta đã tìm được khí tự nhiên và một ít dầu, nhưng công tác khoan vẫn chưa đạt tổng độ sâu (Total Depth). Nguồn tin này cho biết chính phủ Việt Nam đã gây áp lực, muốn Talisman-Vietnam phải tìm lý do kỹ thuật nào đó để có cớ ngưng sớm việc khoan tìm dầu.
Tuy nhiên, phía Talisman nói với giới chức Việt Nam rằng giếng khoan hoàn toàn tốt, không có lý do kỹ thuật nào cản trở công việc hết. Cuối cùng, chính phủ đã ra lệnh cho nhà thầu này phải chấm dứt hoạt động chừng một tuần trước khi mũi khoan theo kế hoạch sẽ đạt tổng độ sâu.
BBC Tiếng Việt: Nếu như nó nằm quanh khu vực Bãi Tư chính, thì liệu điều đó có đồng nghĩa với việc chúng ta đang chứng kiến tình trạng căng thẳng hồi 2014, khi mà có một số nguồn tin nói rằng các tàu thuyền Trung Quốc cũng đã tiếp cận các cụm khu vực nhà giàn do Việt Nam xây dựng ở cùng khu vực không?
Bill Hayton: Tôi không rõ chuyện này.
VN ngừng khoan dầu khí ở Biển Đông
Biển Đông một năm sau PCA: Ai đeo lục lạc cho mèo?
Bàn tròn BBC: Biển Đông 1 năm sau phán quyết PCA
TQ vẫn tiếp tục ‘tằm ăn dâu’ ở Biển Đông
BBC Tiếng Việt:Trong bài viết, khi dùng cụm từ “các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa” trong câu “giới lãnh đạo Repsol được chính phủ tại Hà Nội thông báo vào tuần trước rằng Trung Quốc đã đe dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu không dừng việc khoan thăm dò”, ông muốn nói cụ thể tới các căn cứ nào?
Bill Hayton: Nguồn tin của tôi không nêu chi tiết.
Trung Quốc chưa bao giờ nêu rõ cơ sở để họ đưa ra các đòi hỏi đóBill Hayton
BBC Tiếng Việt: Vị trí của lô khai thác khí đốt này nằm hoàn toàn trong vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam? Và theo Công ước Liên Hiệp quốc thì Việt Nam có quyền khai thác tài nguyên tại đó?
Bill Hayton: Nếu diễn giải theo Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp quốc UNCLOS thì đúng vậy. Những logic mà phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực đưa ra hồi năm ngoái cũng xác nhận điều này, tuy nói một cách chặt chẽ thì phán quyết này chỉ có giá trị ràng buộc đối với Trung Quốc và Philippines. Trung Quốc chưa bao giờ nêu rõ cơ sở để họ đưa ra các đòi hỏi đó. Một số người nói rằng Bắc Kinh đòi hỏi dựa trên các quyền lịch sử ở khu vực, một số người khác nói họ tuyên bố vùng Đặc quyền Kinh tế dựa vào quần đảo Trường Sa như một cụm khu vực. Cả hai lập luận này đều không phù hợp với UNCLOS và cả hai đều bị Tòa Trọng tài bác bỏ.
BBC Tiếng Việt: Một số chuyên gia đã nêu câu hỏi về khả năng Việt Nam phải bồi thường cho đối tác dầu khí Tây Ban Nha. Theo những gì ông biết thì liệu đây có phải là điều sẽ xảy ra đối với trường hợp Repsol không?
Bill Hayton: Khó để nói nếu ta không nắm được nội dung hợp đồng ký kết giữa hai bên. Tuy nhiên, Repsol đã chi một khoản tiền lớn cho Talisman và đã chi thêm nhiều triệu đô la vào việc thăm dò ở Lô 136-03. Có con số ước tính đưa ra rằng Repsol và các hãng hoạt động trước đó đã đầu tư khoảng 300 triệu đô la vào khu vực này.
BBC Tiếng Việt: Có ý kiến cho rằng lịch họp của Đại hội Đảng Trung Quốc có thể là một yếu tố khiến Hải quân Trung Quốc hạn chế các hoạt động tại Biển Đông nhằm tránh đối đầu với các nước như Việt Nam. Ông có nghĩ là cái nhìn này vẫn đúng ở thời điểm hiện tại?
Bill Hayton: Nếu là tuần trước thì tôi cũng nghĩ vậy. Vào thời điểm này thì tôi không còn chắc nữa.
Bill Hayton ngoài công việc tại BBC News còn là nhà nghiên cứu tại Viện Chatham House, một thinktank hàng đầu về chính trị quốc tế tại London. Ông đã xuất bản hai cuốn sách ‘The South China Sea: the struggle for power in Asia’ (2014) và ‘Vietnam: rising dragon’ (2010).
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40731140
Biển Đông:
Trung Quốc ép Việt Nam để giành nguồn dầu khí
Bắc Kinh không còn che giấu ý đồ khống chế Biển Đông giành quyền khai thác nguồn dầu khí trong vùng, và sẵn sàng đe dọa dùng võ lực để cấm các nước khác thăm dò trong vùng biển mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ. Theo những nguồn tin chưa được chính thức xác nhận, thì vào thượng tuần tháng 07/2017, Bắc Kinh đã dọa Hà Nội là sẽ tấn công các cơ sở Việt Nam ở vùng quần đảo Trường Sa nếu Hà Nội không đình chỉ việc thăm dò vừa tiến hành tại một lô khai thác nằm trong vùng biển sát Việt Nam nhưng bị Trung Quốc nhận là của họ. Cũng theo các nguồn tin trên thì Hà Nội đã phải lùi bước trước sức ép của Bắc Kinh.
Trong bài phân tích đăng ngày 25/07/2017, tập san Nhật Bản The Diplomat cho rằng sự kiện đó chứng tỏ là Bắc Kinh vẫn dùng đến những biện pháp cưỡng chế, ép buộc để đạt mục tiêu, cho dù vẫn phô trương bề mặt hòa hoãn.
Prashanth Parameswaran, tác giả bài viết, đã từng nêu bật cảnh giác đối với điều mà ông gọi là “Ảo tưởng về một Biển Đông bình lặng” và lấy ví dụ về việc Trung Quốc mới đây, vào tháng 6, đã bất ngờ hủy bỏ một chương trình giao lưu quốc phòng thường kỳ với Việt Nam vì không tán đồng một số hoạt động dầu khí của Việt Nam tại Biển Đông. Đối với nhà báo của tờ The Diplomat, Trung Quốc đã làm như vậy nhằm gây áp lực, buộc Việt Nam phải đình chỉ việc thăm dò dầu khí tại vùng Biển Đông mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ.
Không lạ vì Trung Quốc đã quen thói bắt nạt
Về sự cố mới nhất được đài BBC tiết lộ hôm 24/07 theo đó Việt Nam đã bị buộc phải đình chỉ việc thăm dò lô dầu khí 136-03 sau khi bị Trung Quốc dọa là sẽ đánh vào các căn cứ của Việt Nam tại vùng quần đảo Trường Sa nếu không chịu dừng, The Diplomat cho rằng, nếu tin trên được kiểm chứng, thì điều đó không có gì đáng ngạc nhiên.
Lý do theo tờ báo Nhật Bản, đó là vì “trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã có một loạt hành vi dùng sức mạnh thúc ép các láng giềng để áp đặt ý muốn của Bắc Kinh trong các vấn đề tranh chấp biển đảo. Nhật Bản đã bị Trung Quốc dồn ép từ năm 2012 trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo đang quản lý; Philippines thì bị Trung Quốc lấy mất vùng bãi cạn Scarborough cũng bắt đầu từ năm 2012. Riêng đối với Việt Nam, thì nổi bật là vụ Bắc Kinh đưa giàn khoan HD-981 đến cắm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2014”.
Theo nhận xét của The Diplomat, cách hành xử hung hăng đó của Trung Quốc không hề có dấu hiệu thay đổi, kể cả khi Bắc Kinh ra sức tuyên truyền cho ý tưởng về một Biển Đông yên ắng trở lại kể từ năm nay nhờ việc Bắc Kinh và ASEAN đã thỏa thuận về bộ khung của một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Trong thực tế, theo The Diplomat, các nước Đông Nam Á đã nhận thức được rõ ba yếu tố mới có liên quan đến Biển Đông: Các giải thích trong phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông phủ nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc; quan điểm mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông của Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte; và thái độ còn mập mờ của Hoa Kỳ thời tổng thống Donald Trump.
Căn cứ vào ba yếu tố đó các quốc gia Đông Nam Á đã có một loạt bước đơn phương để bảo vệ và thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền của mình. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh cũng gia tăng các hành động nhằm chống lại những động thái này.
Việt Nam thành nước đi đầu chống Trung Quốc tại Biển Đông
The Diplomat công nhận rằng trong số các động thái gần đây của các quốc gia Đông Nam Á liên quan đến Biển Đông, từ việc Indonesia đổi tên một phần của Biển Đông, cho đến thông báo của một quan chức năng lượng Philippines theo đó nước này sẽ khoan dò trở lại tại vùng Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) từ nay đến cuối năm, không một động thái nào táo bạo như các quyết định của Việt Nam, đã trở thành nước Đông Nam Á duy nhất đứng mũi chịu sào chống lại các đòi hỏi của Trung Quốc. Và phản ứng của Bắc Kinh đối với Việt Nam cũng dữ dội hơn là đối với các nước Đông Nam Á khác.
Điều đáng ngại, theo bài viết trên tờ The Diplomat, là trong những năm qua, thái độ cứng rắn của Trung Quốc lúc năng, lúc nhẹ tùy theo diễn biến của tình hình. Thái độ cứng rắn của Bắc Kinh đối với Hà Nội hiện nay được thể hiện trong giai đoạn được chính Trung Quốc gọi là hòa dịu trở lại. Điều gì sẽ xẩy ra trong trường hợp tình hình nóng lên?
Riêng về sự cố liên quan đến việc Việt Nam phải tạm dừng đề án thăm dò, khai thác lô 136-06 sau khi bị Trung Quốc dọa dùng võ lực, báo chí quốc tế đã có nhiều bài phân tích cho dù tin này vẫn chưa được xác minh một cách chính thức.
Việt Nam phải cẩn thận để chính sách năng lượng không bị tác hại
Nhật báo Úc The Australian, ngày hôm qua, 25/07 đã cho rằng sự cố đó nêu bật tính chất mong manh của tình hình yên lặng tương đối trên Biển Đông trong một năm gần đây.
Tờ báo đã ghi nhận là ngoại việc giao cho hãng Talisman Vietnam thuộc tập đoàn Tây Ban Nha Repsol thăm dò lộ 136-06, Việt Nam cũng để cho tập đoàn Mỹ Exxon Mobil quyền khai thác một khu vực nằm ở bìa vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như triển hạn quyền thăm dò một lô ở Biển Đông cho tập đoàn Ấn Độ ONGC Videsh.
Việc Việt Nam phải chiều theo sức ép của Trung Quốc, nếu được xác minh, sẽ có hệ quả tai hại đối với Hà Nội. Tờ báo Úc trích dẫn phân tích của giáo sư Úc Carl Thayer, một chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông, cho rằng nếu các công ty nước ngoài bị buộc phải rút đi, điều đó sẽ phá hoại chương trình năng lượng của Việt Nam, khiến cho Việt Nam khó mời được công ty ngoại quốc nào khác vào đấu thầu các dự án năng lượng tương lai của mình.
Đối với giáo sư Thayer, việc Trung Quốc đe dọa đánh Trường Sa là một bước leo thang nghiêm trọng, và như vậy, Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng đội tàu đánh cá của họ, đội dân quân biển và lực lượng Hải Cảnh trước khi viện đến Hải Quân.
Theo giáo sư Thayer, việc Trung Quốc đe dọa Việt Nam cũng là một « kịch bản ác mộng » đối với giới lãnh đạo Việt Nam, vì lẽ bất cứ cuộc tấn công nào vào một thực thể do Việt Nam kiểm soát ở Biển Đông, đều sẽ kích động tinh thần bài Trung Quốc của người dân Việt Nam.
Có điều, giáo sư Thayer cho rằng, nếu Trung Quốc đánh Việt Nam, điều đó sẽ gióng lên hồi chuông báo động khắp khu vực, và sẽ lại chia rẽ khối nước Đông Nam Á về phương cách ứng phó. Ngoài ra, hành động đó đồng nghĩa với việc công khai thách thức Mỹ, Nhật và các cường quốc hàng hải khác.
Trong trường hợp đó, giáo sư Thayer đặt ra câu hỏi: “Liệu các nước đó có thực sự muốn chiến tranh với Trung Quốc hay không, chỉ để bảo vệ nền công nghiệp dầu mỏ của Việt Nam, hoặc một vài mỏm đá nhỏ ở Biển Đông ? ».
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170726-bien-dong-trung-quoc-ep-viet-nam-de-gianh-nguon-dau-khi
Manila ‘hỏi láng giềng’ trước khi khai thác dầu với TQ
Philippines hôm thứ Tư trấn an các quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á liên quan tới đề xuất của nước này trong việc hợp tác khai thác dầu khí cùng Bắc Kinh tại vùng biển có tranh chấp, hãng tin AFP nói.
Manila hứa sẽ tham vấn với các nước liên quan về các kế hoạch đó.
Việc Tổng thống Rodrigo Duterte làm giảm nhẹ chính sách của người tiền nhiệm trước các đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến các nước khác trong vùng cảm thấy lo lắng.
Hôm thứ Hai, ông Duterte nói chính phủ ông đang đàm phán với Trung Quốc về việc khai thác chung các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở vùng biển này sau nhiều năm căng thẳng giữa hai nước.
VN ngừng khoan dầu khí ở Biển Đông
Biển Đông một năm sau PCA: Ai đeo lục lạc cho mèo?
Bàn tròn BBC: Biển Đông 1 năm sau phán quyết PCA
TQ vẫn tiếp tục ‘tằm ăn dâu’ ở Biển Đông
Truyền thông Philippines dẫn lời Ngoại trưởng nước này Alan Peter Cayetano, nói việc phát triển chung giữa hai nước đã được lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Corazon Aquino nêu ra từ 1986.
Bộ Năng lượng hôm 12/7 nói rằng việc khoan dầu khí tại Recto Bank, nơi có tên quốc tế là Reed Bank và Việt Nam gọi là Bãi Cỏ rong, có thể sẽ được nối lại vào cuối năm nay.
Tin tức nói chính phủ Philippines sẽ mở thầu cho các nhà đầu tư tham gia đấu thầu các lô thăm dò, khai thác trong tháng Mười Hai.
Các hoạt động tại đây đã bị ngưng từ 2014, khi Manila chờ kết quả phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague về vụ kiện Biển Đông.
Ở các vùng nước có sự chồng lấn về quyền và lợi ích, nếu một bên đơn phương phát triển, rồi một bên khác có hành động tương tự, thì điều đó sẽ làm phức tạp hóa tình hình trên biển, có thể dẫn đến căng thẳng và cuối cùng thì không ai có thể khai thác được các nguồn tài nguyênVương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc
‘Không hành động đơn phương’
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano hôm thứ Tư nói rằng Manila sẽ tham vấn với chín nước thành viên ASEAN về đề xuất khai thác chung với Trung Quốc.
“Sẽ không phải là hành động đơn phương của Philippines, bởi ngài tổng thống đã hứa là sẽ vì hòa bình và ổn định, mà hành động đơn phương của bất kỳ bên nào cũng đều sẽ dẫn tới sự mất ổn định,” ông nói với các phóng viên.
“Sẽ cũng có cả các cuộc tham vấn với toàn khối ASEAN bởi chúng tôi muốn có sự ổn định ở đó.”
Ông Duterte đã làm giảm nhẹ việc tranh chấp trên biển giữa nước ông với Trung Quốc nhằm đổi lấy việc có được hàng tỷ đô la thương mại và đầu tư từ Bắc Kinh.
Ông cũng từ chối việc áp dụng nội dung phán quyết mà PCA đưa ra năm ngoái theo đó bác bỏ các tuyên bố của Bắc Kinh đối với hầu hết các diện tích trên Biển Đông.
Phiên họp thượng đỉnh của ASEAN hồi tháng Tư, do ông Duterte chủ trì, đã không đưa ra được tuyên bố lên án việc Trung Quốc thúc đẩy việc nắm quyền kiểm soát hầu hết vùng biển này.
Thủ tướng Úc: ‘Cá lớn đừng nuốt cá bé’
Việt Nam khoan tìm dầu ở Biển Đông
Tướng Phạm Trường Long: ‘Đảo ở Nam Hải là của TQ’
Bill Hayton: ‘Cá Voi Xanh chặn Đường Lưỡi Bò’
Tuần tới, ông Cayetano sẽ gặp các ngoại trưởng khối ASEAN tại Manila, và dự kiến chủ đề Biển Đông sẽ nằm trong nghị trình bàn thảo, AFP nói.
Hiện ông Cayetano từ chối cho biết liệu hoạt động khai thác dầu khí chung giữa Trung Quốc và Philippines có nằm trong các khu vực biển mà Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền hay không.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Ba, khi tới thăm Manila, nói rằng Bắc Kinh để ngỏ khả năng phát triển chung với Manila, và cảnh báo việc bất kỳ nước nào tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông “đơn phương phát triển” hoạt động thăm dò, khai thác, sẽ gây tổn hại tới tình hình chung.
“Ở các vùng nước có sự chồng lấn về quyền và lợi ích, nếu một bên đơn phương phát triển, rồi một bên khác có hành động tương tự, thì điều đó sẽ làm phức tạp hóa tình hình trên biển, có thể dẫn đến căng thẳng và cuối cùng thì không ai có thể khai thác được các nguồn tài nguyên,” ông Vương nói.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40731135
Chuyên gia: Hợp tác tìm kiếm dầu khí
giữa Philippines và Trung Quốc sẽ khiến Việt Nam đơn độc
Hôm 24 tháng 7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố chính phủ Philippines đang thảo luận với Trung Quốc về việc hợp tác khoan tìm dầu khí ở biển Đông là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Tuyên bố này ngay lập tức đặt ra một loạt các câu hỏi về tính khả thi của dự án, và nếu trở thành sự thực thì liên doanh này sẽ ảnh hưởng thế nào tới những nước khác trong tranh chấp biển Đông, nhất là Việt Nam, nước cũng đang có các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ngoài biển Đông.
Tính hợp hiến
Hồi đầu năm nay, ông Duterte cũng đã lên tiếng nói về khả năng hợp tác phát triển với Trung Quốc ngoài biển Đông khi ông nói rằng quân đội Philippines không có khả năng đối đầu với Trung Quốc ngoài biển Đông. Tuy nhiên theo Giáo sư Renato Cruz de Castro thuộc trường đại học De la Salle, Philippines, tuyên bố mới của Tổng thống Philippines là không chắc chắn
Ông ấy không nói một cách chắc chắn điều này sẽ xảy ra. Việc hợp tác với Trung Quốc như vậy đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận đòi hỏi chủ quyền không tranh cãi của Trung Quốc ở biển Đông. Thêm vào đó là hoạt động này không được phép căn cứ theo hiến pháp của chúng tôi.
Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền khoảng 90% diện tích biển Đông chủ yếu qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra. Trung Quốc coi khu vực này là phần chủ quyền không tranh cãi của mình bất chấp phản đối từ những nước trong tranh chấp. Các nước tham gia tranh chấp trong khu vực bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Đài Loan cũng đòi chủ quyền với khu vực nước trong đường đứt khúc 9 đoạn. Phán quyết của tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) hôm 12 tháng 7 năm ngoái xác định đường đứt khúc này là không hợp pháp. Tuy nhiên Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận phán quyết của tòa.
Mặt khác, cản trở lớn nhất trong hợp tác chung giữa Philippines và Trung Quốc chính là tính hợp hiến của hoạt động này vì hiến pháp Philippines không cho phép các hoạt động khai thác chung với nước khác tại vùng nước mà nước này đòi chủ quyền. Giáo sư Renato de Castro giải thích:
Tổng thống Philippines sẽ phải vượt qua chướng ngại về hiến pháp. Sẽ có người nói rằng điều ông ấy làm là vi hiến bởi vì điều này đã xảy ra trước kia trong dự án nghiên cứu địa chấn giữa hai nước. Cho nên câu hỏi về tính hợp hiến của dự án này sẽ được đưa ra trước tòa tối cao Philippines.
Hồi năm 2004, một thỏa thuận về hợp tác nghiên cứu chung trên biển tại khu vực biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đã được ký kết dưới thời của Tổng thống Gloria Arroyo. Vào năm 2005, Việt Nam cũng tham gia vào dự án này. 3 nước ký thỏa thuận khảo sát địa chấn tại một số khu vực nhất định ở biển Đông (gọi tắt là JMSU). Tuy nhiên hợp tác đã bị chấm dứt sau 3 năm vì nhiều tiếng nói ở Philippines lúc đó đã chỉ trích chính phủ của bà Arroyo vi phạm hiến pháp khi cho phép Trung Quốc vào nghiên cứu tại khu vực thuộc chủ quyền của Philippines.
Cây gậy và củ cà rốt của Trung Quốc
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Duterte, hôm 25 tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị đang ở thăm Philippines cũng lên tiếng ủng hộ ý tưởng này. Ông Vương Nghị còn cảnh báo rằng bất cứ hành động đơn phương nào cũng sẽ chỉ gây ra các vấn đề và làm phương hại đến mối quan hệ hai nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 25 tháng 7 cũng nói với báo chí tại Bắc Kinh rằng Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi tại quần đảo Trường Sa và thúc giục bên thứ ba ngừng các hoạt động vi phạm đơn phương tại khu vực này. Phát biểu này được đưa ra cho câu hỏi của phóng viên liên quan đến thông tin hồi đầu tuần này cho biết Trung Quốc đã gây sức ép khiến Việt Nam phải ngưng hoạt động tìm kiếm dầu khí ngoài khơi Việt Nam nơi đường đứt khúc 9 đoạn đi qua.
Tổng thống Duterte hồi tháng 5 vừa qua cũng cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố chiến tranh sẽ xảy ra nếu Philippines xúc tiến việc khai thác dầu đơn phương ở biển Đông.
Giáo sư Castro cho rằng Tổng thống Duterte hiểu được tình hình hiện tại và cũng biết được những cản trở mà ông ta sẽ gặp phải khi đưa ra đề nghị hợp tác với Trung Quốc nhưng ông Duterte vẫn tuyên bố như vậy vì những hứa hẹn về đầu tư từ Trung Quốc.
Đó là vì tiền của Trung Quốc. 24 tỷ đô la tiên đầu tư vào các dự án hạ tầng cơ sở đã khiến chính phủ hiện thời của Philippines tìm kiếm cách làm hài long Trung Quốc. Trung Quốc đang đưa ra cái củ cà rốt trị giá 24 tỷ đô la cho Philippines.
Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái của Tổng thống Philippines Duterte, hai nước đã ký một bản ghi nhớ về cam kết đầu tư của Trung Quốc vào Philippines lên đến 24 tỷ đô la. Đây là một khoản đầu tư lớn mà Philippines cần, theo lời của giáo sư Castro, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có một đồng đô la nào theo bản ghi nhớ này được thực hiện.
Thách thức đối với ASEAN và Việt Nam
Tuyên bố về hợp tác dò tìm dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc mặt khác cũng gây quan ngại đối với ASEAN, nhóm 10 nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Vì vậy, hôm 26 tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano cho biết nước này sẽ hỏi ý kiến ASEAN về việc hợp tác tìm kiếm dầu ở biển Đông. Ông Cayetano nói sẽ không có hành động đơn phương và bất cứ hành động đơn phương của bất cứ ai cũng sẽ dẫn đến gây mất ổn định. Tuy nhiên ông Cayetano từ chối không chỉ ra cụ thể vùng thăm dò chung với Trung Quốc sẽ nằm ở đâu trên biển Đông.
Hồi tháng 5 vừa qua ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý bộ khung bản thảo về một Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông (gọi tắt là COC). Cả Trung Quốc và Philippines đều đã lên tiếng bày tỏ mong muốn COC sẽ được hoàn tất trong năm nay khi Philippines là nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Castro có nhiều khả năng ASEAN sẽ không trả lời dứt khoát có hay không đối với thông báo của Philippines về vấn đề hợp tác chung với Trung Quốc vì không muốn gây bất đồng trong khối hay làm Trung Quốc tức giận.
Trong các tuyên bố chung của ASEAN, khối này thường không bao giờ chỉ đích danh Trung Quốc hay lên án nước này về các hoạt động quân sự hóa khu vực biển Đông. Nhiều khả năng điều này cũng sẽ xảy ra trong tuyên bố chung sau thượng đỉnh ASEAN diễn ra vào tuần tới ở Philippines.
Trước thượng đỉnh, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cũng đến thăm Thái Lan và Philippines, hai nước thành viên ASEAN. Trong các chuyến thăm này, ông Vương Nghị luôn đánh giá cao quan hệ giữa Trung Quốc và các nước liên quan, đồng thời kêu gọi ASEAN đoàn kết chống lại các lực lượng bên ngoài, ý nói đến Hoa Kỳ.
Giáo sư Castro nhận định hợp tác chung giữa Philippines và Trung quốc nếu có thành hình thì có nhiều khả năng chỉ là một dạng hợp tác tương tự như thỏa thuận JMSU như hồi năm 2004 mà thôi. Tuy nhiên, nếu hợp tác này thành hình thì điều này cũng là một thách thức lớn với cả ASEAN và Việt Nam. Giáo sư Castro nói “Việt Nam sẽ bị đơn độc và ASEAN sẽ tiếp tục bị chia rẽ”.
Bắc Kinh: Biển Đông “đang tiến tới ổn định”
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói hôm 25/7 rằng tình hình tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông đang “tiến tới ổn định,” theo tờ Kyodo News.
Phát biểu sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines, ông Vương nói với báo chí rằng sự hợp tác và các nhân tố tích cực cũng đang “gia tăng” tại Biển Đông, “nhờ vào những nỗ lực từ Trung Quốc, Phillipines và các nước ASEAN.”
Tuy nhiên, chỉ một ngày trước đó có tin cho hay Việt Nam đã ngưng khoan thăm dò khí đốt tại khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, sau khi bị Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực tại Trường Sa.
Repsol, công ty của Tây Ban Nha đứng sau dự án khoan thăm dò, được lệnh phải rời khỏi khu vực, theo một nguồn tin trong ngành dầu khí châu Á nói với BBC.
Theo nguồn tin ngành dầu khí này, giới lãnh đạo Repsol được chính phủ tại Hà Nội thông báo vào tuần trước rằng Trung Quốc đã đe dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu không dừng việc khoan thăm dò.
VN ngừng khoan dầu khí ở Biển Đông
Bàn tròn BBC: Biển Đông 1 năm sau phán quyết PCA
Tàu cá Việt Nam ‘bị Hải quân Indonesia bắn’
TQ vẫn tiếp tục ‘tằm ăn dâu’ ở Biển Đông
Tại buổi họp báo hôm 25/7, ông Vương cũng tuyên bố rằng việc thực thi Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông “đang có những cải thiện đáng kể,” trong khi đó Bộ quy tắc ứng xử “đang được hình thành”.
“Điều này cho chứng tỏ cho thế giới thấy Trung Quốc và các nước ASEAN hoàn toàn có khả năng và trí tuệ để giải quyết các mâu thuẫn giữa các bên và giữ gìn sự ổn định ở Biển Đông,” ông Vương nói.
“Nếu có những lực lượng ngoài khu vực ở trong khu vực, nếu họ không muốn ổn định ở Biển Đông, và họ muốn gây rắc rối ở Biển Đông, chúng ta cần đứng cùng nhau và nói ‘Không’ với họ,” ông nói thêm.
Về thái độ thân thiện của Duterte với Trung Quốc mặc dù là đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ, ông Vương nói đó là “một quyết định đúng đắn” và nói Trung Quốc sẽ đền đáp chân thành.
Người đồng cấp Philippines, Bộ trưởng Alan Peter Cayetano nói “Tình hữu nghị giữa Phillipines và Trung Quốc, nhờ sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Rodrigo Duterte, là một mối quan hệ đáng nuôi dưỡng.”
“Trung Quốc vốn đã là một người hàng xóm tốt và là một người anh tốt đối vời người dân Phillipines,” ông Vương nói.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc hi vọng Manila và Bắc Kinh có thể ra quyết định phát triển chung về biển Đông.
Ông Vương dự kiến sẽ trở lại Manila vào đầu tháng Tám cho các cuộc gặp với các bộ trưởng bộ ngoại giao các nước ASEAN và các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc. Philippines là chủ tịch của ASEAN năm nay.
Trung Quốc, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng, đã yêu cầu “ngưng khoan dầu tại một phần còn đang tranh chấp” ở Biển Đông, theo Reuters từ Bắc Kinh hôm 25/07/2017.
Bài của hãng Reuters cũng nói “việc khoan này bắt đầu giữa tháng 6 tại Lô 136/3 của Việt Nam, và được giao cho công ty dầu khí nhà nước Việt Nam cùng đối tác Tây Ban Nha Repsol và Mubadala Development Co của Liên hiệp các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Block này nằm phía trong Đường chữ U mà Trung Quốc nêu ra để đòi chủ quyền ở vùng Biển Đông.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40724791
Trung Quốc
đẩy nhanh thử tàu ngầm không người lái ở Biển Đông
Tân Hoa Xã đưa tin vào hôm 22/7 rằng một tàu nghiên cứu của chính phủ đã hạ thủy hàng chục tàu ngầm dò tìm tại một vị trí chưa được xác định ở Biển Đông hồi đầu tháng này. Tân Hoa Xã nói rằng đây là hoạt động phối hợp tàu ngầm không người lái lớn nhất. Việc này diễn ra ngày sau khi Hoa Kỳ tuyên bố tiếp tục tuần tra trong vùng biển đang có tranh chấp.
Theo đài truyền hình CCTVPlus, tàu nghiên cứu “Khoa học” chở các chiếc tàu ngầm đã rời Thanh Đảo vào ngày 10/7 và trở về thành phố Hạ Môn ở tỉnh Phúc Kiến miền đông Trung Quốc hôm thứ Sáu 21/7.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng nói đây là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm tăng tốc và cải tiến việc thu thập dữ liệu đại dương ở Biển Đông cho các hoạt động của đội tàu ngầm Trung Quốc, diễn ra vào lúc có tin nói Tổng thống Donald Trump chấp thuận kế hoạch cho phép Hải quân Mỹ nhiều quyền tự do hơn trong hoạt động tuần tra trên Biển Đông – một động thái mà các nhà phân tích nói rằng sẽ làm tăng bất trắc trong quan hệ Trung-Mỹ và các vấn đề an ninh khu vực.
Trang web của hãng tin Breitbart News trích lời một viên chức Mỹ cho biết hôm thứ Sáu rằng kế hoạch này do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis phát thảo vào tháng 4 năm nay, khi ông đưa ra kế hoạch 5 năm cho tàu hải quân Mỹ tuần tra vùng biển tranh chấp ở Biển Đông,
Một động thái như vậy có thể được xem như một thách thức đối với tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc trong vùng biển đang tranh chấp.
Ông Yu Jiancheng, nhà khoa học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết 12 chiếc tàu ngầm Hải quân Haiyi (còn gọi là Sea Wing) sẽ hoạt động trong một tháng để thu thập thông tin chi tiết trên đại dương về nhiều chủ đề, bao gồm nhiệt độ, độ mặn, độ sạch của nước, mức oxy, tốc độ và hướng dòng chảy của đại dương.
“Dữ liệu được truyền ngay lập tức về một phòng thí nghiệm trên đất liền “, nghĩa là thông tin được gửi đi ngay khi nó được thu thập dưới nước, ông Yu đã được Tân Hoa Xã dẫn lời.
Ông Yin Jingwei, Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Âm thanh Hải dương thuộc Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân, nói rằng nếu kế hoạch được vận hành như kỳ vọng “việc này chắc chắn là một bước đột phá.”
Trường Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân, trước đây gọi là Học viện kỹ thuật quân sự của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã chế tạo chiếc tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc. Ông Yin là nhà khoa học hàng đầu trong nhiều dự án nghiên cứu quân sự về thông tin liên lạc dưới nước.
Tân Hoa Xã không cho biết cách thức liên lạc giữa các tàu ngầm, hoặc khoảng cách giữa các tàu ngầm khi vận hành.
Nguồn: SMCP, CCTVPlus, Xinhua