Tin khắp nơi – 26/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 26/07/2017

Nga lên tiếng về cuộc tập trận

với Trung Quốc tại Biển Baltic

Nga vào chiều tối ngày 25 tháng 7 lên tiếng thanh minh cho cuộc tập trận với Hải quân Trung Quốc tại Biển Baltic, cho rằng hoạt động này không hề gây đe dọa cho bất cứ đối tượng nào.

Cuộc diễn tập giữa lực lượng hải quân hai nước Nga và Trung Quốc tại khu vực Biển Baltic bắt đầu từ ngày 25 tháng 7 khiến cho mối quan hệ căng thẳng giữa Matx cơ va và các nước Phương Tây gia tăng vì bị cho là cuộc phô diễn sức mạnh quân sự tại vùng mà máy bay Nga và NATO thường lên nghênh chặn nhau.

Trước quan ngại như thế, phó đô đốc Alexander Fedotenkov của Nga ra thông cáo nêu rõ hoạt động của hải quân nước này sẽ được giám sát chặt chẽ bởi các nước trong khu vực; và việc diễn tập không thể là mối đe dọa cho bất cứ nước nào khác.

Tuy nhiên Bộ Quốc Phòng Nga cho biết rõ là tàu của hải quân Nga và Trung Quốc xuất phát từ một căn cứ gần biên giới Ba Lan sẽ diễn tập bắn vào các mục tiêu trên biển và trên không.

Một số hoạt động diễn tập khác sẽ gồm có hoạt động mô phỏng kiểm tra tàu bị tình nghị, khống chế tàu bị hải tặc cướp, cũng như tiến hành hoạt động cứu hộ trên biển.

Tân hoa xã loan tin cuộc diễn tập có tên ‘Hợp tác biển 2017’ tiếp theo những hoạt động tương tự vào năm ngoái. Vào giữa tháng 9 tới đây sẽ có thêm những cuộc diễn tập như thế được tổ chức tại vùng Biển Nhật Bản và Biển Okhotsk.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/russia-says-its-baltic-sea-war-games-with-cn-navy-not-a-threat-07262017123137.html

 

Số người bị cảnh sát bắn chết ở Anh tăng nhanh

Theo số liệu điều tra mới nhất, số người chết vì cảnh sát bắn trên đường rượt đuổi hoặc khi đang tạm giam trên toàn xứ Anh (England) và Wales, đã tăng rất nhanh trong vòng một năm qua.

Theo Ủy ban Thanh tra Cảnh sát Độc lập (IPCC), từ tháng Tư 2016 đến tháng Ba năm 2017, đã có sáu vụ cảnh sát nổ súng làm chết người tại Anh, tăng thêm ba vụ so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng số người chết trên đường rượt đuổi cũng tăng từ 11 lên 32, nhiều nhất trong vòng tám năm qua.

Đặc biệt có sáu vụ cảnh sát nổ súng gây chết người kể từ khi tiêu diệt Khalid Masood là thủ phạm vụ tấn công người đi bộ trên cầu Westminster tại London.

Đây cũng là con số lớn nhất trong vòng 12 năm trở lại.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy đã có 28 nghi phạm chết trên đường cảnh sát rượt đuổi.

Nghi phạm vụ Berlin ‘bị bắn chết’

Nhìn vào vụ ông Nguyễn Hữu Tấn ‘chết trong đồn công an’

‘Tự tử khi đang viết tự khai’ trong nhà tạm giữ ở Phan Rang

Lạm dụng vũ lực?

Người phát ngôn Bộ Nội vụ Anh, ông Danny Shaw cho biết, việc gia tăng số người chết trong những vụ đuổi bắt của cảnh sát là “đáng lo ngại”.

“Các sự vụ như vậy chỉ đổ thêm dầu vào lửa cho những tranh cãi gần đây về chiến thuật của cảnh sát khi đuổi bắt phương tiện của nghi phạm trên đường”, ông Shaw nói thêm.

Một số nhân viên cảnh sát cho rằng các quy định hiện hành về việc được phép đuổi bắt nghi phạm trên đường bộ của cảnh sát là còn hạn chế và cần được mở rộng hơn.

Trong khi đó, số khác lại nói những quy định trên là lỏng lẻo.

Đó là nguyên nhân cảnh sát bị cuốn vào tình huống trong một số trường hợp và có thể gây ra những thảm kịch đáng tiếc.

“Đó chính là cốt lõi của những tranh cãi này”, vẫn theo lời ông Shaw.

‘Không có dấu hiệu cảnh sát vi phạm’

Trả lời phỏng vấn của BBC, bà Anne Owers, Chủ tịch IPCC nói, sáu vụ cảnh sát bắn người sau vụ tấn công Westminster xảy ra ở cả sáu lực lượng cảnh sát trên toàn Anh.

Đó là các đơn vị Cảnh sát Cleveland, Greater Manchester, Đô thành London, Sussex, Thames Valley and Cảnh sát Giao thông Anh Quốc.

Cũng theo báo cáo gần đây của IPCC, bốn trong số sáu vụ không có bằng chứng cho thấy cảnh sát vi phạm.

Tuy nhiên, cơ quan này vẫn đang tiếp tục điều tra hai vụ còn lại.

Trong đó cái chết của Khalid Masood là trường hợp duy nhất liên quan đến khủng bố.

Ngoài ra, quá trình điều tra ba vụ việc cảnh sát bắn người khác trong giai đoạn 2016-2017 cũng đã hoàn thành.

“Riêng trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, chúng tôi chưa thấy có sai phạm nào từ phía cảnh sát cứu hỏa,” bà Anne Owers nói.

Về việc gia tăng số lượng nghi phạm chết trên đường rượt đuổi, Hội đồng cảnh sát trưởng Anh (NPCC) và IPCC đang xem xét khả năng thay đổi quy định, hay việc đào tạo cảnh sát về chiến thuật đuổi bắt, vẫn theo bà Anne.

Ngoài ra, báo cáo IPCC cũng cho thấy có 14 vụ người chết khi đang bị tạm giam trong đồn cảnh sát trong thời gian qua. Đây là con số kỷ lục thứ hai từng được cơ quan này ghi nhận.

Tám trong số 14 người chết khi bị tạm giam có vấn đề về tâm lý, theo báo cáo của IPCC.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40720213

 

Lo ngại luật Đại lục áp dụng từ ga Hong Kong

Juliana LiuPhóng viên thường trú ở Hồng Kông, BBC News

Chính quyền thành phố Hong Kong vừa công bố một kế hoạch gây tranh cãi theo đó lần đầu tiên luật Trung Quốc sẽ có hiệu lực tại hòn đảo này.

Đây là một phần trong động thái tinh giản hóa hoạt động của chuyến tàu cao tốc nối liền Quảng Châu – Thâm Quyến – Hong Kong.

Dự án được dự kiến triển khai vào năm sau với tổng vốn đầu tư là 11 tỷ USD.

Vấn đề là nếu dự án này đi vào hiệu lực, hành khách đi tàu sẽ chỉ cần làm thủ tục nhập cảnh và xuất cảnh cho cả Hong Kong và Trung Quốc tại một nhà ga ở phía Tây bán đảo Cửu Long của Hong Kong.

Điều này có nghĩa là pháp luật Trung Quốc sẽ có hiệu lực tại một phần khu vực nhà ga, mặc dù nơi này thuộc lãnh thổ Hong Kong.

Phía chính quyền nói điều này sẽ có lợi vì thủ tục tiện lợi hơn cho hành khách đi tàu.

Trong khi đó phía đối lập nói dự án vi phạm hệ thống pháp luật Hong Kong.

Anh trao lại Hong Kong cho Trung Quốc thế nào?

Hong Kong thả người biểu tình phản đối

Khác biệt giữa Hong Kong và Trung Quốc

Hải quan ‘một cửa’

Thông thường, hành khách từ Hong Kong sang đại lục và ngược lại sẽ phải làm thủ tục xuất cảnh và nhập cảnh tại hai nơi, trên lãnh thổ Hong Kong và ở trạm hải quan ở Thâm Quyến thuộc đại lục.

Tuy nhiên, với dự án này, nhà chức trách Hong Kong nói sẽ có cơ chế hải quan ‘một cửa’.

Cụ thể hơn, sẽ có một khu vực thuộc nhà ga Tây Cửu Long thuộc Hong Kong có đề biển ‘Khu vực nhà ga Đại lục’.

Ở nơi đó sẽ làm các thủ tục xuất nhập cảnh đến Trung Quốc.

Những ví dụ tương tự trên thế giới là thỏa thuận giữa Mỹ và Canada, hay tuyến tàu Eurostar giữa Anh và Pháp.

Như vậy, cả luật hình sự hay dân sự của Trung Quốc có thể được áp dụng ở khu vực này, mặc dù thuộc lãnh thổ Hong Kong.

Tranh cãi bùng nổ

Hong Kong, kể cả sau khi được trao trả về Trung Quốc, vẫn có hệ thống pháp luật riêng biệt khác với đại lục nhờ quy chế ‘Một quốc gia, hai chế độ’.

Luật pháp Trung Quốc không hề có hiệu lực ở đây.

Tuy nhiên, giới phê bình nói dự án này có thể dẫn đến khả năng công dân Hong Kong bị bắt trên lãnh thổ Hong Kong vì những hành động mặc dù hợp pháp ở đây nhưng lại không được phía đại lục cho phép.

Một trong những quyền công dân đó là quyền tự do biểu tình.

Những thành viên Viện lập pháp thuộc phái ủn hộ dân chủ tại Hong Kong tuyên bố họ sẽ nỗ lực phủ quyết dự án trên.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40729612

 

Đại diện Bắc Hàn thăm Philippines trước diễn đàn an ninh

Phái đoàn ngoại giao Bắc Hàn do Phó Ngoại Trưởng Choe Hui Choi hướng dẫn đang có mặt tại Manila, với mục đích vận động chính phủ Phi và ASEAN nên có thái độ thân thiện với Bình Nhưỡng.

Các viên chức ngoại giao Phi cho hay đoàn ngoại giao Bắc Hàn e ngại tại cuộc gặp thường niên cũng như tại Diễn đàn An ninh Cấp Vùng diễn ra vào ngày mùng 7 tháng Tám tới đây ở Manila, ASEAN và các nước tham dự sẽ đưa ra các bản tuyên bố với lời lẽ cứng rắn về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn.

Vẫn theo các viên chức ngoại giao Phi, cuộc vận động được Bình Nhưỡng thực hiện từ đấu năm nay, bao gồm cả việc cử người sang gặp đại sứ Phi tại Bắc Kinh và mời ngoại trưởng Phi sang thăm Bình Nhưỡng.

Trong cuộc họp báo sáng ngày 26 tháng 7 ở Manila, Ngoại Trưởng Phi, ông Alan Peter Cayetano xác nhận chuyện được mời sang thăm Bắc Hàn, nhưng cho hay chính phủ Phi phải tham khảo ý kiến với các nước ASEAN, cũng như với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Nam Hàn.

Ngoại Trưởng Phi nhắc lại ASEAN và cộng đồng quốc tế đang nỗ lực giải quyết căng thẳng ở bán đào Triều Tiên, nhưng không nói nguyên nhân căng thẳng này xảy ra vì chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Mới hôm 25 tháng 7, các viên chức an ninh tình báo Hoa Kỳ tiết lộ với báo chí rằng có thể trong vài ngày tới, Bình Nhưỡng lại phóng thử nghiệm tên lửa, tiếp theo vụ phóng mới xảy ra hôm mùng 4 tháng Bảy vừa rồi.

Cũng tại cuộc họp báo, Ngoại Trưởng Phi cho biết Bộ Trưởng Ngoại Giao Bắc Hàn Ri Su Yong sẽ tham dự Diễn Đàn Cấp Vùng ASEAN.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/nk-delegation-visits-manila-ahead-of-regional-security-meeting-07262017121455.html

 

Trung Quốc chuyển đổi

tất cả tập đoàn nhà nước thành công ty cổ phần

Trung Quốc sẽ chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước (SOE) lớn thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần vào cuối năm 2017, vì chính quyền Bắc Kinh đang tìm cách giúp doanh nghiệp lớn thuộc nhà nước hoạt động linh hoạt, hiệu quả và hiện đại hơn.

Hôm thứ Tư (26/7), hãng tin AFP cho biết chính phủ Trung Quốc nói trong một thông cáo rằng việc tái cấu trúc sẽ giúp các công ty thiết lập một cơ chế hoạt động linh hoạt và theo định hướng thị trường.

Tuy nhiên, bản thông cáo của chính phủ không nêu ra chi tiết liệu nguồn vốn tư nhân sẽ được phép đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước lớn hay doanh nghiệp nhà nước được phép niêm yết cổ phần hay không.

Hiện tại, khoảng 90% các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đã chuyển đổi sang công ty cổ phần.

Các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc bấy lâu nay bị cho là cản trở khiến nền kinh tế của quốc gia trì trệ với những món nợ khổng lồ và công suất thừa quá nhu cầu trong nước.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-to-change-state-owned-firms-into-corporations-07262017120413.html

 

TQ áp lực Botswana

về chuyến thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma

Trung Quốc vào ngày 26 tháng 7 lên tiếng cảnh báo Botswana về chuyến thăm nước này của vị lãnh đạo tinh thần lưu vong Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, vào tháng tới.

Hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên Lục Khảng của Trung Quốc trong cuộc họp báo thường nhật nêu quan điểm mà Bắc Kinh nói là rõ ràng liên quan đến những chuyến viếng thăm cảu Đức Đạt Lai Lạt. Theo đó các vấn đề về Tây Tạng liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc; cho nên Bắc Kinh yêu cầu các nước khác tôn trọng quyền lợi cơ bản của Hoa Lục và có những quyết định chính trị đúng đắn trong vấn đề này.

Theo Reuters, ngôn từ ông Lục Khảng sử dụng khi đề cập vấn đề này  mạnh mẽ hơn trước đây.

Đức Đạt Lai Lạt Ma, người bắt đầu cuộc sống lưu vong ở Ấn Độ từ năm 1959 sau một cuộc nổi dậy bất thành, luôn bị Trung Quốc chỉ trích nói là kích động người dân Tây Tạng chống lại Bắc Kinh đòi quyền độc lập.

Đức Đạt Lai Lạt Ma, khôi nguyên Nobel hoà bình năm 1989, phủ nhận cáo buộc đó nói rằng Ngài chỉ muốn Bắc Kinh dành cho dân Tây Tạng thêm quyền trong đó có quyền tự do tôn giáo và tự trị thực sự.

Theo kế hoạch trong chuyến thăm Botswana lần này Đức Đạt Lai Lạt Ma tham giá nói chuyện về quyền con người tại một hội nghị ở thủ đô Gaborone từ ngày 17 đến 19 tháng 8 và cũng sẽ gặp tổng thống Botswana.

Trung Quốc hiện là một nhà đầu tư lớn trong nền kinh tế Botswana.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-steps-up-warning-to-botswana-over-dalai-lama-visit-07262017114908.html

 

Chiến Tranh và Mậu Dịch

Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA

Dư luận quốc tế theo dõi quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vì e sợ mâu thuẫn ngoại thương có thể dẫn tới trận chiến mậu dịch giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới với hậu quả sẽ lan rộng tới các thị trường khác. Hôm Thứ Tư 19 vừa qua tại thủ đô Hoa Kỳ, hội nghị kinh tế cấp cao giữa hai nước lâm vào bế tắc nên người ta càng lo ngại kịch bản đó. Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ nhìn sâu xa hơn để tìm hiểu vì sao…

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.Trong tiết mục Diễn đàn Kinh tế tuần này, t hưa quý thính giả, vào đầu Tháng Tư  tại thượng đỉnh ở Mar-a-Lago giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, đôi bên đưa ra kỳ hạn 100 ngày để giải tỏa mâu thuẫn về mậu dịch giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới ở hai bờ Thái Bình Dương. Kỳ hạn ấy đã hết vào giữa tháng này mà không đạt kết quả đáng kể ngoài việc Trung Quốc cho nhập khẩu thịt bò của Mỹ và bán gà của Tầu vào Hoa Kỳ. Sau đó, người ta theo dõi kỳ họp kinh tế đầu tiên trong khuôn khổ gọi là Đối tác Chiến lược giữa hai nước. Tuần qua, từ Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Uông Dương đã qua họp với hai Tổng trưởng Ngân khố và Thương mại của Hoa Kỳ mà không có tới một thông cáo chung. Giới quan sát cho rằng mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế giữa hai quốc gia đang thành trầm trọng hơn và thậm chí có thể dẫn tới xung đột mậu dịch với hậu quả bất lợi cho các thị trường khác trên thế giới. Thưa ông, ông nhận định ra sao về chuyện này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Là Ủy viên Bộ Chính Trị, ông Uông Dương nổi tiếng là có tinh thần cởi mở từ khi còn làm Bí thư Trùng Khánh rồi Bí thư Quảng Đông, vậy mà ông thất bại trong kỳ họp vừa qua, tới độ tránh tiếp xúc với truyền thông báo chí và đôi bên cũng chẳng có một tuyên bố chung như cô vừa trình bày. Ngược lại, Tổng trưởng Ngân Khố là Steve Mnuchin và Tổng trưởng Thương Mại là Wilbur Ross đều có những phát biểu khá gay gắt trước khi hủy bỏ cuộc họp báo. Quả nhiên là quan hệ kinh tế giữa hai nước đã tới hồi căng thẳng.

Nguyên Lam: Ông giải thích thế nào về tình trạng ấy khi nhiều người cho là Nội các và Ban tham mưu của Tổng thống Hoa Kỳ có nhiều doanh gia như chính ông Donald Trump nên sẽ dễ thỏa hiệp với Trung Quốc trong tinh thần của các con buôn?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi trộm nghĩ là truyền thông báo chí nhận định sai. Về mối quan hệ với Trung Cộng, lý luận sai là Donald Trump chỉ là con buôn nên sẽ vì quyền lợi kinh tế mà thỏa hiệp với Bắc Kinh. Sự thật là Chính quyền Trump không nhượng bộ Bắc Kinh về kinh tế nên phiên họp tuần qua mới tan vỡ, sau khi phía Hoa Kỳ đưa ra nhiều đòi hỏi cụ thể, như về ngành thép mà chúng ta nên thấy rằng chỉ là tiểu tiết của một màn nói thách. Thứ hai, ít ai chú ý là từ Tháng Tư cho đến gần đây ông Trump nhiều lần giàng vấn đề an ninh vào quan hệ mậu dịch với các nước. Nghịch lý ở đây là Hoa Kỳ có động thái toàn diện y hệt lãnh đạo Bắc Kinh, tức là coi kinh tế chỉ là một phần của quan hệ chiến lược bao gồm cả an ninh.

– Thứ ba, người ta cũng nhận định sai khi tưởng Chính quyền Trump đang lui về chủ trương tự cô lập để bảo vệ quyền lợi của Mỹ mà không còn lý gì đến các mâu thuẫn quốc tế. Thật ra, Hoa Kỳ đang can thiệp vào nhiều nơi, từ Trung Đông, Trung Á, đến Đông Âu. Riêng tại Châu Á, thì Hoa Kỳ đòi bảo vệ quyền tự do hàng hải trên vùng biển Đông Nam Á và kín đáo yểm trợ Philippines, Malaysia và Indonesia trong việc giải trừ khủng bố nên làm Bắc Kinh khó chịu. Sau cùng, người ta sở dĩ lầm vì cứ tưởng kế hoạch võ khí hạch tâm của Bắc Hàn khiến Chính quyền Trump cần tới sự can thiệp hay can gián của Trung Quốc mà bỏ qua mâu thuẫn kinh tế và an ninh với Bắc Kinh tại khu vực Đông Nam Á. Có lẽ chúng ta nên nhìn lại toàn bộ vấn đề.

Nguyên Lam: Thưa ông, chúng ta nên nhìn lại như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Trước hết là về tình hình căng thẳng do sự khiêu khích của Bắc Hàn và thái độ Bắc Kinh. Người ta không thấy Bắc Kinh can gián Bắc Hàn mà còn cùng Liên bang Nga kín đáo giải vây kinh tế cho chế độ hung đồ tại Bình Nhưỡng. Lãnh đạo Trung Quốc có thể nghĩ khác. Họ e ngại sự sụp đổ của chế độ Bắc Hàn nên đang lặng lẽ tăng cường hiện diện về quân sự tại vùng biên giới giữa hai nước, nhưng lại cũng muốn giăng bẫy Hoa Kỳ. Nếu Mỹ không phản ứng mạnh với Bắc Hàn vì sợ nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á thì sẽ mang tiếng khiếp nhược trước sự cứng rắn của Bắc Kinh. Nếu Hoa Kỳ có thái độ dữ dội với Bình Nhưỡng thì lại gây rủi ro chiến tranh và lãnh tội hung hăng trong khi Bắc Kinh tỏ ra là đang cố mưu tìm giải pháp ngoại giao trong khu vực. Khi lâm vào cảnh ngộ khó xử như vậy thì Chính quyền Hoa Kỳ không thể nhượng bộ Bắc Kinh về kinh tế mà còn dùng đòn bẩy mậu dịch để gây sức ép. Thành thử kinh tế cũng là một phần của bài toán an ninh thôi. Nhìn như vậy thì các nước Đông Nam Á cũng rơi vào thế kẹt nếu cứ muốn làm ăn với Bắc Kinh mà lại cần đến sự yểm trợ quân sự và sức bảo vệ của Hoa Kỳ.

Nguyên Lam: Trở lại hồ sơ kinh tế đơn thuần thì thưa ông, mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gồm có những gì?

Khi lâm vào cảnh ngộ khó xử như vậy thì Chính quyền Hoa Kỳ không thể nhượng bộ Bắc Kinh về kinh tế mà còn dùng đòn bẩy mậu dịch để gây sức ép. – Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Trước hết, quan hệ kinh tế giữa các nước với nhau mới chỉ thật sự theo quy luật tự do với tổi thiểu hạn chế từ mấy chục năm thôi, chứ nó không hoàn toàn lý tưởng như người ta thường nghĩ. Thứ hai, trong mấy chục năm đó, cụ thể là từ sau Thế Chiến II và trong 40 năm chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ đã dùng quyền lợi kinh tế để có thêm đồng minh, nên yểm trợ các nước với cái giá phải trả là bị nhập siêu ngày một nặng hơn. Trong khi đó thì nước nào cũng có biện pháp bảo hộ mậu dịch chứ không hoàn toàn giải phóng ngoại thương như họ vẫn nói, kể cả trường hợp Nhật Bản hay Đức và lộ liễu nhất chính là trường hợp của Trung Quốc với các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn được đảng chặt chẽ bảo vệ. Không phải là ngẫu nhiên mà Hoa Kỳ chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường như Bắc Kinh yêu cầu. Thế rồi sau khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991 thì nhu cầu tìm kiếm đồng minh hết là ưu tiên của Hoa Kỳ nên nhiều nước kiếm lời nhờ làm ăn với Mỹ đã gặp khó khăn, điển hình là Nhật.

– Trong khi đó, tự do mậu dịch hay toàn cầu hóa như giải pháp lý tưởng thật ra cũng có mặt trái bên trong từng nước, là nếu nhiều thành phần có lợi thì nhiều thành phần khác lại vất vả vì bị cạnh tranh kịch liệt hơn, hoặc bị đào thải, công nhân mất việc, lợi tức sa sút. Tình trạng ấy xảy ra cho nước Mỹ từ lâu và kết tụ thành một vấn đề lớn khiến ông Donald Trump đắc cử Tổng thống vào năm ngoái. Ông thắng cử nhờ huy động thành phần bị thiệt hại vì tự do mậu dịch và đưa ra lập luận có vẻ bảo hộ mậu dịch nhưng sự thật lại chẳng đơn giản như vậy.

Nguyên Lam: Thưa ông, nếu sự thật lại không đơn giản như vậy thì đấy là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Trên bề mặt, Chính quyền Donald Trump đòi thương thuyết lại những điều khoán bất lợi trong các hiệp ước thương mại đã ký kết, như Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ là NAFTA, hay Hiệp ước Song phương với Hàn Quốc. Trong thực tế thì vì quan hệ gắn bó đã phát triển từ lâu, một số tiểu bang hay thành phần có lợi nhờ các hiệp ước có khi lại bị thiệt khi Hoa Kỳ đòi xét lại, như tiểu bang Texas trong hồ sơ NAFTA với xứ Mexico, hay các tiểu bang Kentucky, Wisconsin và Florida trong luồng giao dịch với Âu Châu.

– Vì các tiểu bang trên đều ủng hộ ông Trump nên khối dân biểu nghị sĩ bên đảng Cộng Hòa cũng có thể gây trở ngại cho việc Hành pháp tái thương thuyết các hiệp ước. Một trường hợp cụ thể khác là Hoa Kỳ đả kích chiến lược sản xuất thừa rồi xuất khẩu thép của Trung Quốc làm ngành thép Mỹ bị thiệt hại mà vì thép là một sản phẩm chiến lược cho an ninh nên lý do an ninh thật ra có động lực chính trị là bảo vệ công nhân hay doanh nghiệp thép của Mỹ.

– Tuy nhiên, ngoài bản thân ông Trump thì Nội các và Ban tham mưu về kinh tế và thương mại của Chính quyền Trump lại dày kinh nghiệm trên doanh trường và biết rõ hai mặt lợi hại của tự do thương mại nên sẽ chẳng đơn giản đòi hỏi giải pháp bảo hộ mậu như nhiều người lo ngại. Ngoài ra, chúng ta đừng quên rằng luật lệ Hoa Kỳ còn cho Hành pháp nhiều quyền hạn về thương mại nếu an ninh quốc gia bị đe dọa, kể cả quyền áp đặt hạn ngạch xuất nhập khẩu hoặc dựng hàng rào quan thuế, nên Chính quyền Trump còn có thể kéo dài việc đàm phán với nhiều đòn phép mà chưa chắc Quốc hội đã có thể ngăn được.

Nguyên Lam: Ông vừa phân tích một khía cạnh rắc rối trong hệ thống luật lệ Hoa Kỳ, như các dân biểu nghị sĩ Cộng Hòa thấy tiểu bang của mình bị thiệt hại vì Hành pháp Cộng Hòa đòi xét lại các hiệp ước thương mại, nhưng chưa chắc là họ đã có thể ngăn được. Một cách cụ thể thì thưa ông chuyện ấy là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi lại phải nhắc lại rằng chính Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cũng cho các nước thành viên được viện dẫn lý do an ninh quốc gia để đòi hỏi ngoại lệ trong hiệp ước tự do thương mại. Hoa Kỳ lại còn có đạo luật thương mại từ năm 1962 cho Hành pháp sử dụng quyền trả đũa. Vì vậy, Chính quyền Trump sẽ tận dụng những quyền hạn ấy không chỉ với Trung Quốc mà với mọi đối tác kinh tế khác. Nếu Quốc hội Mỹ muốn ngăn cản động thái ấy thì phải ban hành luật mới với đa số đủ cao để vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống. Với tâm lý quần chúng hiện nay tại Hoa Kỳ, chưa chắc là Quốc hội Mỹ đã thành công trong nỗ lực cản trở vì ta đừng quên rằng ngay từ năm ngoái đa số Dân Chủ lẫn nhiều giới chức dân cử bên Cộng Hòa đều chống Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương gọi là TPP, trước khi ông Trump đắc cử Tổng thống rồi rút khỏi Hiệp ước này. Vì vậy, đòn phép chống thép Tầu của Chính quyền Trump để bảo vệ an ninh quốc gia không chỉ thu hẹp vào Trung Quốc mà thôi.

Nguyên Lam: Như vậy, có lẽ thính giả của chúng ta hiểu ra vì sao Hoa Kỳ nhất quyết không nhượng bộ Trung Quốc khiến hội nghị vừa qua giữa hai nước đã gặp bế tắc. Thưa ông, kết luận sau cùng ở đây là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi cho là Hoa Kỳ không lui về chủ trương tự cô lập mà còn ưu tiên quan tâm đến an ninh và lồng chuyện an ninh vào kinh tế. Vì Trung Quốc đang gây ra nhiều vấn đề về an ninh cho Hoa Kỳ, từ Đông Bắc Á xuống tới Đông Nam Á, nên sẽ được tận tình chiếu cố và mâu thuẫn mậu dịch sẽ chỉ tăng chứ không giảm. Mà vì kinh tế cũng là an ninh, các nước khác nên tự chuẩn bị cho nhiều đòn phép sắp tới về mậu dịch của Hoa Kỳ.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/trade-and-war-07262017095614.html

 

Moscow dọa hạ quan hệ, trả đũa dự luật chế tài của Mỹ

Phó Ngoại trưởng Nga Serge Ryabkov nói Moscow có thể sẽ trả đũa Mỹ để đáp lại loạt các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga, vì cho rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái.

Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật hôm thứ Ba 25/7. Dự luật đồng thời mở rộng quyền kiểm soát của Quốc hội đối với việc Tổng thống Donald Trump có thể giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt Nga.

Theo truyền thông của chính phủ Nga, ông Ryabkov cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ phá hỏng cơ hội cải thiện quan hệ giữa Moscow và Washington. Ông cũng tuyên bố rằng trước đây Nga đã cảnh báo chính quyền của ông Trump rằng Nga sẽ đáp trả mạnh nếu các nhà lập pháp Mỹ thông qua dự luật này.

Quyền giám sát mới được đưa vào dự luật sau hơn một tháng đàm phán lưỡng đảng và vài lần trì hoãn. Một phiên bản trước của dự luật được Thượng viện thông qua với tỉ lệ áp đảo 97/2 vào tháng 6.

Dự luật vừa được Hạ viện thông qua với 419 phiếu thuận 3 phiếu chống, bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với Iran và Bắc Triều Tiên, ngoài các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga vì nhiều lý do.

Dân biểu Cộng hòa Ed Royce, đại diện bang California, nói: “Các chế độ này từ những nơi khác nhau trên thế giới đang đe dọa những lợi ít sống còn của Hoa Kỳ và họ đang gây bất ổn cho các nước láng giềng.”

Quốc hội Phê duyệt

Dân biểu Royce cho biết dự luật này đảm bảo các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao cứng rắn được duy trì bằng cách trao quyền cho Quốc hội xem xét và bác bỏ việc giảm nhẹ trừng phạt.

Dân biểu đảng Dân chủ Eliot Engel, thành viên Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện nói với đài VOA ngay trước khi bỏ phiếu khi đề cập đến Tổng thống Nga Vladimir Putin như sau: “Nếu Tổng thống Trump muốn chơi gôn hoặc làm điều gì đó với người bạn thân Putin của ông, thì ông không thể rủ Quốc hội chơi cùng vì chúng tôi sẽ trừng phạt ông Putin.”

Dự luật lưỡng đảng giới hạn quyền của Tổng thống Trump về các biện pháp chế tài được đưa ra giữa lúc có cuộc điều tra của Quốc hội về các cáo buộc liên quan giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga.

Ông William Pomeranz, Phó Giám đốc Trung tâm Wilson thuộc Viện Kennan nói với đài VOA: “Đây là một sự kìm hãm đáng kể đối với Tổng thống Trump vì không một tổng thống nào muốn đánh mất quyền giảm các biện pháp trừng phạt. Trên thực tế, rất hiếm khi Quốc hội đưa quyền này vào. Nhưng rõ ràng, với một loạt các vấn đề về chính trị như hiện nay, Quốc hội đã ra tay trong trường hợp này.”

Phản ứng của Tòa Bạch Ốc

Chính quyền Trump nay đồng ý với các lệnh trừng phạt, nhưng trước đó đã phản đối những thay đổi này.

Mấy tuần lễ trước khi dự luật này được thông qua, Tòa Bạch Ốc đã chống lại các nỗ lực hạn chế quyền của cơ quan hành pháp có thể đơn phương giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, với lập luận rằng điều đó hạn chế các điều kiện mà Mỹ có thể dùng khuyến khích cách hành xử của Nga và để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với ông Putin.

Nếu được thông qua, dự luật sẽ tạo cho Quốc hội một quy trình nhanh chóng để bác lại bất kỳ động thái nào mà tổng thống đưa ra nhằm chấm dứt các biện pháp trừng phạt.

Phó Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders nói với các phóng viên hôm thứ Hai:”Tổng thống rất ủng hộ các lệnh trừng phạt đối với các quốc gia này và muốn đảm bảo duy trì các lệnh này, nhưng đồng thời cũng muốn đảm bảo rằng chúng ta có được những thỏa thuận tốt đẹp. Hai điều đó đều rất quan trọng đối với tổng thống.”

Nếu ông Trump không thông qua dự luật này, ông có thể đối diện với những phủ quyết của Quốc hội, và Quốc hội có thể không thông qua các lệnh trừng phạt đối với Iran và Bắc Triều Tiên mà chính quyền của ông ủng hộ.

Những thay đổi trong dự luật phải hợp nhất ở cả Hạ viện và Thượng viện trước khi được chuyển đến tổng thống ký ban hành.

Dân biểu Engel nói với VOA rằng ông hy vọng Thượng viện có thể giải quyết những thay đổi này trước khi các nhà lập pháp Hạ viện bắt đầu kỳ nghỉ tháng 8 vào cuối tuần này.

https://www.voatiengviet.com/a/moscow-doa-ha-han-he-tra-dua-du-luat-che-tai-cua-my/3959717.html

 

Mỹ sắp chế tài thêm Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên

Mỹ sẽ sớm có các biện pháp chế tài mới nhằm ngăn cản các chương trình võ khí của Bắc Triều Tiên kể cả các biện pháp nhắm vào những định chế tài chính và các tổ chức của Trung Quốc.

Reuters dẫn lời bà Susan Thornton, quyền Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á, ngày 25/7 cho biết các biện pháp trừng phạt mới có thể được áp dụng trong vòng 30 ngày nữa.

Bà Thornton nhấn mạnh: “Chúng tôi đang làm việc để đưa ra một danh sách mới gồm các tổ chức mà chúng tôi thấy có vi phạm. Mọi việc sẽ sớm được thực thi.”

https://www.voatiengviet.com/a/my-sap-che-tai-them-trung-quoc-ve-van-de-bac-trieu-tien-/3958922.html

Bài diễn văn của Tổng thống Trump gây ‘bão’ chỉ trích

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/7 đối mặt với làn sóng chỉ trích mới sau khi đọc bài diễn văn theo kiểu vận động tranh cử trước các em Hướng đạo sinh, một bài diễn văn mà phụ huynh và các cựu Hướng đạo sinh cho là tràn ngập những lời lẽ công kích đảng phái và nhạo báng ‘truyền thông giả.’

Những lời phê phán Tổng thống được chia sẻ dồn dập trên trang Facebook của Hướng đạo Mỹ xoay quanh bài diễn văn ông Trump đọc tại West Virginia đầu tuần này vì họ cho rằng những lời lẽ đó không phù hợp với các giá trị của Hướng đạo sinh. Khoảng 40 ngàn người trong đó có hàng chục em trai tuổi từ 12 đến 18 tham dự sự kiện này.

“Tôi là một người Mỹ bị xúc phạm và bức xúc trước những lời lẽ theo kiểu vận động tranh cử không thích hợp của ông Trump ngày hôm qua,” một trưởng của Hướng đạo sinh tên là Jim Schakenbach viết. “Không hề có một câu chữ nào khuyến khích hay động viên, không hề kêu gọi phát huy vai trò lãnh đạo hay phục vụ cộng đồng,” ông Schakenbach diễn giải.

Tòa Bạch Ốc chưa phản hồi tức thì yêu cầu bình luận về những chỉ trích đối với ông Trump.

Các vị Tổng thống trước đây từng đọc diễn văn trước sự kiện 4 năm một lần này của Hướng đạo sinh Mỹ thường đưa ra những lời rao giảng liên quan đến Điều lệ Hướng đạo bao gồm 12 nguyên tắc đạo đức của hướng đạo sinh như dũng cảm, thành thật, trung thành…

Nhiều phụ huynh kêu gọi tổ chức Hướng đạo Mỹ lên án bài diễn văn của Tổng thống và có lời cáo lỗi cùng phụ huynh vì đã để cho con em của họ ‘phơi nhiễm’ trước những luận điệu đó.

Ông Trump, chưa từng là một hướng đạo sinh, cũng chỉ trích cựu Tổng thống Obama rằng đã không tham gia sự kiện này trong thời đương nhiệm dù ông Obama có đọc bài diễn văn qua video trước sự kiện tương tự hồi năm 2010.

https://www.voatiengviet.com/a/bai-dien-van-cua-tong-thong-trump-gay-bao-chi-trich-/3958921.html

 

Bộ Tư pháp: Không truy quét di dân, không được tài trợ

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions ngày 25/7 ra chỉ thị giới hạn không cho các nguồn tài trợ của Bộ tới tay các thành phố ‘ẩn náu an toàn’ không hợp tác với các cơ quan di trú liên bang.

Loan báo được đưa ra giữa bối cảnh Bộ trưởng Sessions đang đang chịu áp lực từ quốc hội Mỹ về các cuộc tiếp xúc của ông với cựu đại sứ Nga ở Washington, và cùng lúc chịu áp lực từ Toà Bạch Ốc về quyết định của ông rút ra khỏi cuộc điều tra của Bộ Tư pháp xem xét có sự thông đồng hay không giữa ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump với Nga.

Thực hiện lời hứa khi tranh cử, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/1 ký sắc lệnh hành pháp nhằm dẹp bỏ ‘các thành phố cư trú an toàn’ cho di dân bất hợp pháp bằng cách đình chỉ các ngân khoản trợ cấp của liên bang dành cho những địa phương chứa chấp di dân không giấy tờ.

Đó là những thành phố giới hạn hỗ trợ nhà chức trách liên bang trong công tác điều tra, truy quét, trục xuất di dân lậu.

Có hàng chục thành phố và hàng trăm quận hạt trên toàn nước Mỹ đã biến thành những nơi cư trú an toàn cho di dân không giấy tờ vì nhiều lý do trong đó có vấn đề không đủ kinh phí và nhân lực để truy quét.

https://www.voatiengviet.com/a/bo-tu-phap-khong-truy-quet-di-dan-khong-duoc-tai-tro-/3958918.html

 

Bỏ hay thế Obamacare? Thượng viện Mỹ bàn cãi tìm đáp án

Các Thượng nghị sĩ Cộng hòa ngày 25/7 nhất trí tổ chức phiên tranh luận về dự luật hủy bỏ Obamacare, nhưng nỗ lực 7 năm nay của đảng Cộng hòa muốn ‘quật ngã’ luật chăm sóc sức khỏe mang đậm dấu ấn Obama vẫn còn nhiều trở ngại.

Thượng viện biểu quyết 50-50 về việc có nên xúc tiến phiên tranh luận hay không, khiến Phó Tổng thống Mike Pence phải ra phiếu quyết định để đưa dự luật ra sàn Thượng viện để tranh luận.

Kết quả này là cú thở phào nhẹ nhõm đối với Tổng thống Donald Trump. Trong mấy ngày qua, ông Trump liên tục thúc đẩy các đảng viên Cộng hòa thực hiện lời hứa hủy bỏ Obamacare.

Tuy nhiên, tỷ lệ sít sao ở Thượng viện hôm nay khiến người ta ngờ vực khả năng Thượng viện có thể có được số phiếu cần thiết chung cuộc để thông qua việc hủy bỏ Obamacare.

Thượng nghị sĩ John McCain dù đang chống chọi với căn bệnh ung thư não cũng cố gắng trở lại Quốc hội để bỏ phiếu mở phiên tranh luận về dự luật hủy bỏ Obamacare.

Giờ đây, Thượng viện sẽ tổ chức phiên tranh luận dự kiến ‘nóng bỏng’ có thể dẫn tới nhiều sửa đổi cho dự luật đang bị bế tắc.

Các Thượng nghị sĩ cho biết nhiều phương án đang được bàn thảo trong đó có phương án hủy bỏ thẳng thừng Obamacare không cần thay thế, hoặc hủy và thay thế trong lúc rà soát lại Medicaid, chương trình bảo hiểm y tế liên bang dành cho người nghèo và khuyết tật.

Lãnh đạo của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, hy vọng sẽ hoàn tất mọi việc liên quan đến dự luật hủy bỏ và thay thế Obamacare trước cuối tuần này.

https://www.voatiengviet.com/a/bo-hay-the-obamacare-thuong-vien-my-ban-cai-tim-dap-an-/3958917.html

 

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Nga

Hạ viện Mỹ ngày 25/7 bỏ phiếu áp đảo tán đồng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, Iran và Bắc Triều Tiên, bất chấp sự phản đối của Tổng thống Donald Trump đối với dự luật này.

Hạ viện ủng hộ dự luật với tỷ lệ 388-2, sự ủng hộ đến từ các các đảng viên Dân chủ lẫn Cộng hòa. Dự luật buộc Tổng thống Donald Trump phải được sự đồng ý của Quốc hội trước khi xóa bất kỳ chế tài nào cho Moscow.

Dự luật này sẽ phải được Thượng viện Thông qua trước khi tới bàn làm việc của Tổng thống để được ký duyệt thành luật hay bị phủ quyết.

Thượng viện chưa cho biết thời điểm nào sẽ xét tới dự luật vừa được Hạ viện thông qua hôm nay.

Tổng thống cũng chưa quyết định có nên ký chấp thuận dự luật hay không, theo Tòa Bạch Ốc.

https://www.voatiengviet.com/a/ha-vien-my-thong-qua-du-luat-trung-phat-nga-/3958914.html

 

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions dưới hai gọng kềm

Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Jeff Sessions đang chịu áp lực từ quốc hội Mỹ về các cuộc tiếp xúc của ông với đại sứ Nga ở Washington, và cũng bị áp lực từ Toà Bạch Ốc về quyết định của ông, rút ra khỏi cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về khả năng có sự thông đồng giữa ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump với Nga.

Trong hai ngày liên tiếp từ ngày 24/7, ông Trump chỉ trích ông Sessions trên trang Twitter, và còn đề nghị người lẽ ra nên bị săm soi phải là bà Hillary Clinton, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm ngoái.

Tổng thống Trump viết trên trang Twitter của ông:

“Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã có lập trường rất YẾU về những tội của Hillary Clinton (liên quan tới những email và máy chủ của Đảng Dân chủ) và về những kẻ rò rỉ tin tình báo!”

Ngày hôm trước, 24/7, Tổng thống Trump mô tả ông Sessions là “Bộ trưởng Tư pháp bị vây bủa của chúng ta”, và đặt câu hỏi tại sao ông Sessions “không điều tra những tội ác của ‘’Hillary Gian trá’ & và các quan hệ với Nga’?”

Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ tại Ủy ban Tư Pháp Thượng viện, kêu gọi ông Sessions hãy ra trước ủy ban trong thời gian sớm nhất để trả lời những câu hỏi về những cuộc đối thoại giữa ông với cựu đại sứ Nga tại Washington Sergey Kislyak, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Lúc đó, ông Sessions làm cố vấn cho chiến dịch tranh cử của ông Trump, và là nghị sĩ đại diện bang Alabama tại Thượng viện.

Báo Washington Post hôm thứ Sáu vừa qua tường thuật rằng ông Kislyak hồi năm ngoái đã nói với cấp trên của ông ở Moscow rằng ông đã thảo luận các vấn đề liên quan tới chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ với ông Sessions, tương phản với những gì mà ông Sessions đã nói về các cuộc gặp gỡ với phía Nga.

Tờ báo cho biết thông tin vừa kể đã được thu thập do chặn được những liên lạc giữa ông Kyslyak với Moscow.

Trong thư gửi cho Chủ tịch ủy ban Chuck Grassley để hối thúc ông mời Bộ trưởng Tư pháp Sessions ra điều trần, Thượng nghị sĩ Feinstein viết:

“Đây là một vấn đề nghiêm trọng, Ủy ban Tư pháp phải được tận tai nghe lời điều trần của ông Bộ trưởng Tư pháp.”

Ông Al Franken, một thành viên khác của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Tư Pháp, và là người chỉ trích ông Trump, nói mẫu đối thoại nghi đã diễn ra giữa ông Sessions với ông Kislyak là “một diễn biến đáng nghi ngại về mối quan hệ giữa ban vận động của ông Trump và Nga.”

“Bây giờ đã rõ ràng hơn bao giờ hết là ông Jeff Sessions cần phải ra khai chứng trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện, để chúng ta có thể tìm một số câu trả lời.”

Nhưng ông Franken sau đó nói với CNN rằng Chủ tịch ủy ban Grassley “không muốn ông Sessions trở lại để điều trần.”

Một người phát ngôn của ông Grassley tối 24/7 nói với VOA rằng chủ tịch ủy ban muốn ông Sessions ra trước ủy ban trễ hơn trong năm nay, sau khi toán giới chức cấp cao của Bộ trưởng Tư pháp đã yên vị, “để có thể có một bức tranh toàn cảnh về cách hoạt động của bộ với đầy đủ nhân viên.”

Người phát ngôn, ông Taylor Foy, nói nhóm thiểu số tại Thượng viện bên Đảng Dân chủ cứ “một mực kéo dài tiến trình chuẩn thuận các nhân vật được đề cử vào Bộ Tư pháp Mỹ”, và điều đó đã gây thêm khó khăn cho ủy ban trong việc thi hành chức năng giám sát của mình.

Ủy ban Tư pháp Thượng viện giám sát hoạt động của Bộ Tư pháp Mỹ, và là một trong nhiều ủy ban quốc hội đang điều tra việc Nga xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.

Hồi tháng Ba, ông Sessions tự nguyện rút ra khỏi cuộc điều tra liên quan tới Nga, sau khi xuất hiện thông tin theo đó ông đã không tiết lộ đầy đủ chi tiết về những cuộc tiếp xúc giữa ông với đại sứ Kislyak của Nga trong tháng trước, khi ra điều trần trước ủy ban Thượng viện để được chuẩn thuận cho chức vụ Bộ trưởng Tư pháp.

Ông Sessions bác bỏ chỉ trích cho rằng ông đã nói dối với ủy ban thượng viện, và tuyên bố tự nguyện rút lui không tham gia bất cứ cuộc điều tra nào liên quan tới Nga, vì ông đã từng là cố vấn của ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử.

Quyết định rút lui đó đã làm ông Trump giận dữ. Ông đổ lỗi cho ông Sessions là vì quyết định của ông này đã đưa tới việc bổ nhiệm biện lý đặc biệt Robert Mueller, giờ là người dẫn đầu cuộc điều tra để xem liệu ban vận động tranh cử của ông Trump có thông đồng với Nga hay không.

Bất chấp những lời chỉ trích liên tục của ông Trump, ông Sessions nói ông vẫn muốn giữ chức vụ Bộ trưởng Tư pháp.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times hồi tuần trước, ông Trump nói ông đã không chọn ông Sessions cho chức vụ đó, nếu biết ông Sessions rút lui khỏi cuộc điều tra liên quan tới Nga.

https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-tu-phap-jeff-sessions-duoi-hai-gong-kem/3958504.html

 

Venezuela đình công hai ngày,

tăng áp cho TT Nicolas Maduro

Phe đối lập Venezuela bắt đầu một cuộc đình công kéo dài hai ngày nhằm tăng áp lực đòi Tổng thống Nicolas Maduro hủy bỏ một cuộc trưng cầu dân ý để thành lập quốc hội mới.

Cuộc đình công sẽ kết thúc bằng một cuộc tuần hành vào thứ Sáu tại thủ đô Caracas. Đây là những nỗ lực cuối cùng đòi ông Maduro phải hủy bỏ cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra vào Chủ nhật 30/7. Tổng thống Maduro nói rằng cần phải có một quốc hội mới để khôi phục lại trật tự ở Venezuela, vốn đã bị nhấn chìm trong các cuộc đụng độ bạo lực gần như mỗi ngày giữa người biểu tình và lực lượng an ninh kể từ tháng Tư. Hơn 100 người đã thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu.

Các nhà lãnh đạo phe đối lập nói ông Maduro đang sử dụng cuộc trưng cầu dân ý như là một phương tiện để áp đặt chế độ độc tài.

Người dân Venezuela đã tham gia một cuộc đình công 24 giờ hôm thứ Tư tuần trước, khi đó người biểu tình dùng cây cối, dây điện, rác và đồ đạc để chắn các tuyến đường.

Ông Maduro vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch của ông bất chấp sự phản đối dữ dội của công chúng. Ông quyết sẽ bắt giữa bất kỳ thẩm phán Tòa án Tối cao mới nào do Quốc hội phe đối lập thống lĩnh bổ nhiệm. Từ hôm thứ Bảy 22/7 cho đến nay ba thẩm phán bị bắt giữ bởi lực lượng tình báo.

https://www.voatiengviet.com/a/venezuela-dinh-cong-hai-ngay-tang-ap-luc-cho-tt-maduro/3959775.html

 

Hồng y Australia ra hầu tòa về lạm dụng tình dục

Hồng y Úc George Pell, một trong những chức sắc thuộc hàng giáo phẩm cao cấp nhất của Vatican và là cố vấn thân cận của Ðức giáo hoàng Phanxicô, lần đầu tiên xuất hiện trong một phiên tòa ở Úc về cáo buộc lạm dụng tình dục.

Vị chức sắc 76 tuổi này không nói gì trong phiên xử tại tòa án ở thành phố Melbourne hôm thứ Tư 26/7. Phiên xử tập trung vào các thủ tục pháp lý thường lệ. Ông bị truy tố có “những vi phạm tấn công tình dục” liên quan đến nhiều người cách đây vài năm.

Ông Robert Richter, Luật sư của ông Pell, nói với tòa rằng thân chủ của ông sẽ tuyên bố vô tội, mặc dù ông không bị buộc phải làm như vậy trong suốt quá trình tố tụng hôm thứ Tư.

Hồng y Pell, giám đốc tài chính của Vatican kể từ năm 2014, trở thành quan chức cao cấp nhất của Giáo hội Công giáo La Mã đối mặt với những cáo buộc lạm dụng tình dục liên quan đến các tu sĩ mấy chục năm qua. Giáo hoàng Phanxicô đã cho Hồng y Pell nghỉ phép để ông trở về Úc chống lại các cáo buộc này, nhưng chưa bãi nhiệm chức vụ của ông Pell.

Ông Pell từ lâu đã gặp rắc rối liên quan việc các linh mục bị buộc tội lạm dụng tình dục trẻ em trong những năm ông làm tổng giám mục của thành phố Melbourne và Sydney. Ông đã bị thẩm vấn hai lần bởi một ủy ban đặc biệt được thành lập để điều tra các cáo buộc lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ, nhiều vụ đã xảy ra hàng thập kỷ trước đây.

Dự kiến ông Pell sẽ tiếp tục ra hầu tòa vào ngày 6/10.

https://www.voatiengviet.com/a/hong-y-australia-ra-hau-toa-ve-lam-dung-tinh-duc/3959734.html

 

Mỹ: John McCain vẫn đến Thượng Viện bỏ phiếu

dù bị trọng bệnh

Anh VũTú Anh

Chỉ vài ngày sau thông báo bị mắc bệnh ung thư, hôm 25/07/2017, thượng nghị sĩ có uy tín của đảng Cộng Hòa John McCain, 80 tuổi, với ý thức nghĩa vụ chính trị của mình, vẫn đến Thượng Viện để bỏ phiếu về việc mở thảo luận về dự luật cải cách y tế. Sự xuất hiện của ông McCain đã gây xúc động cả nghị trường. Các nghị sĩ của cả hai đảng Cộng Hòa cũng như Dân Chủ đều coi ông là một nhà chính trị mẫu mực, chiến đấu đến cùng vì lợi ích của người dân, của nước Mỹ.

Thông tín viên Jean Louis Pourtet tại Washington:

Khi John McCain bước vào nghị trường, trên mặt vẫn còn hằn vết sẹo sâu trên mắt trái, ông đã được các nghị sĩ của cả hai đảng đứng dậy hoan hô hồi lâu. Lãnh đạo phe Dân Chủ thiểu số, Chuck Schumer đã đến ôm hôn ông nồng nhiệt.

Thượng nghị sĩ của bang Arizona bị ung thư não, là người vẫn quen với những cử chỉ hào hùng. Ông là cựu phi công chiến đấu, từng bị bắn rơi ở Việt Nam. Bị ngồi tù 5 năm tại đó, ông đã từ chối được trả tự do nếu các đồng đội của ông không được thả cùng.

Cho dù vừa mới trải qua phẫu thuật, từ Arizona ông vẫn bay về Washington vì ý thức nghĩa vụ với cuộc bỏ phiếu. Ông đã ủng hộ mở thảo luận về việc hủy bỏ chính sách y tế Obamacare, đó là vì ông muốn hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa hợp tác với nhau vì lợi ích của đất nước, như ông đã nhấn mạnh trong bài diễn văn dài 15 phút.

Ông nói: “ Chúng ta có gì để mất khi cố gắng cùng nhau làm việc để tìm ra giải pháp?”

Ông than phiền về sự chia rẽ giữa các nghị sĩ của hai đảng và ông cho họ lời khuyên rằng “ Các vị hãy thôi nghe những lời lẽ khoa trương trên phát thanh, truyền hình hay internet, hãy vứt bỏ nó đi!”

Bất chấp bị ung thư rất nặng, người chiến binh già này vẫn chưa sẵn sàng gác lại vũ khí.

Thượng viện Mỹ biểu quyết về Obamacare

Hôm 25/7/2017, tại Washington, Thượng Viện Mỹ quyết định sự sống còn của bộ luật y tế Obamacare. Đây có lẽ là cơ hội cuối cùng để đảng Cộng Hòa có thể cải tổ chính sách y tế.

Một ngày trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump,đã thúc giục đảng Cộng Hòa phải cải tổ y tế bằng mọi giá, tuyên bố rằng :”Obamacare là cái chết… Nó chết rồi. Và bây giờ là lúc để chúng ta xây dựng một chính sách y tế tuyệt vời cho người Mỹ”.

Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, Donald Trump đã liên tục kêu gọi xóa bỏ Obamacare. Nhưng do nội bộ chia rẽ, đảng Cộng Hòa không thể biểu quyết. Lần này, Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích chính đảng của mình, thúc giục nghị sĩ Cộng Hòa nhất trí thông qua dự luật mới nhằm bãi bỏ Obamacare.

Theo AFP, Quốc Hội Mỹ hôm nay bỏ phiếu quyết định bãi bỏ Obamacare, nhưng sẽ không đưa ra biện pháp thay thế. Không ít cử tri đảng Cộng Hòa đã bày tỏ quan ngại về hướng đi này của chính quyền Donald Trump.

Hiện tại, nội dung chính xác của bộ luật mới vẫn còn rất mơ hồ. Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Ron Johnson cho biết: “Tôi không hề biết chúng tôi sẽ bỏ phiếu cho cái gì”.

Vào chủ nhật, ngày 23/7/2017, thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa John Barraso nói trên chương trình chuyền hình Face The Nation của kênh CBS tại Mỹ: “Cho tới khi bộ luật mới này chính thức được mang tới Thượng Viện, tôi nghĩ không phải ai cũng nói họ sẽ làm gì”.

Đây không phải nỗ lực bãi bỏ và thay thế Obamacare đầu tiên của chính quyền Donald Trump. Những dự thảo luật thay thế trước của Nhà Trắng đều bị thất bại thê thảm.

Trong những nỗ lực thay thế trước đây, Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội Hoa Kỳ (Congressional Budget Office) đều ước tính số lượng người bị mất bảo hiểm lên tới trên 20 triệu. Nếu lần này chỉ bãi bỏ Obamacare, mà không có chính sách thay thế thích hợp, đến năm 2026, sẽ có 32 triệu công dân Mỹ không có bảo hiểm y tế.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170726-my-john-mccain-van-den-thuong-vien-bo-phieu-du-bi-trong-benh

 

Uỷ Ban Châu Âu

sẳn sàng khởi động thủ tục trừng phạt Ba Lan

Tuyên bố tại Bruxelles ngày 26/07/2017, phó chủ tịch Uỷ Ban Châu Âu Frans Timmermans cho biết là Uỷ Ban sẵn sàng “khởi động ngay thủ tục theo điều 7” đối với Ba Lan, nếu Vacxava cách chức các thẩm phán Tòa Án Tối Cao của nước này.

Thủ tục theo điều 7 của hiệp ước Liên Hiệp Châu Âu, vẫn được mô tả như “vũ khí hạt nhân”, là biện pháp trừng phạt nặng nhất, chưa bao giờ được sử dụng đối với một nước thành viên, có thể dẫn đến việc đình chỉ quyền bỏ phiếu của Ba Lan trong Hội Đồng Liên Hiệp, cơ chế quy tụ 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu.

Uỷ Ban Châu Âu cũng thông báo sẽ khởi động một thủ tục xử phạt, một thủ tục thông thường hơn, có thể dẫn đến các trừng phạt tài chính đối với Vacxava, ngay khi Ba Lan chính thức công bố luật mới về việc cải tổ các tòa hình sự. Theo Bruxelles, việc cải tổ các tòa án này bao gồm những biện pháp mang tính phân biệt nam nữ.

Hôm qua, tổng thống Ba Lan, Andrej Duda đã gây bất ngờ khi ông phủ quyết hai đạo luật cải tổ tư pháp khác liên quan đến Tòa Án Tối Cao và Hội Đồng Thẩm Phán Quốc Gia, những đạo luật bị xem là đe doạ đến sự độc lập của ngành tư pháp.

Phe đối lập Ba Lan đã hoan nghênh hành động này của tổng thống. Trong khi đó, các lãnh đạo của đảng Pháp Luật và Công Lý tuyên bố dứt khoát không lùi bước, bất chấp áp lực không chỉ của Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ, mà của cả công luận Ba Lan.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170726-uy-ban-chau-au-san-sang-khoi-dong-thu-tuc-trung-phat-ba-lan

 

Quân đội Trung Quốc chuẩn bị

đối phó khủng hoảng với Bắc Triều Tiên

Thanh Phương

Quân đội Trung Quốc hiện đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra khủng hoảng với Bắc Triều Tiên, bằng cách củng cố phòng thủ dọc theo đường biên giới dài 1400 km với nước láng giềng khép kín này. Bắc Kinh phải trong tư thế sẵn sàng như vậy trong bối cảnh tổng thống Donald Trump liên tục cảnh cáo là Hoa Kỳ không loại trừ hành động quân sự để ngăn chận chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Trung Quốc đã bắt đầu củng cố phòng thủ dọc theo biên giới Bắc Triều Tiên ngay từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ nhất vào năm 2006, với việc dựng các hàng rào kẽm gai ở nhiều đoạn trên biên giới và tăng cường tuần tra. Vào tháng tư vừa qua, Trung Quốc cũng đã triển khai thêm 150.000 quân dọc theo biên giới Bắc Triều Tiên.

Theo nhật báo Mỹ The Wall Street Journal ngày 25/07/2017, trong chiều hướng đối phó khủng hoảng với Bắc Triều Tiên, quân đội Trung Quốc đã lập một lữ đoàn biên phòng mới, xây các boongke bảo vệ trong trường hợp xảy ra các vụ tấn công bằng vũ khí hạt nhân và hóa học, lắp đặt hệ thống camera giám sát đường biên giới trên núi, sử dụng cả các máy bay không người lái.

Vào tháng trước quân đội Trung Quốc cũng đã mở một cuộc tập trận bắn đạn thật với súng máy từ trực thăng. Trong tháng 7 này, họ còn mở một cuộc thao dượt khác với một đơn vị bộ binh thiết giáp được trang bị những vũ khí mới. Những cuộc tập trận này không chỉ nhằm củng cố khả năng phòng thủ biên giới, mà còn dựa trên giả định một cuộc chiến chống một đối thủ có trang bị vũ khí hạt nhân.

Trả lời báo chí gần đây, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định là không hề có hành động quân sự gì đặc biệt ở biên giới Triều Tiên. Ông nhắc lại là Trung Quốc vẫn chủ trương không nên dùng biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Mặc dù bộ Quốc Phòng Trung Quốc không trực tiếp thừa nhận những thay đổi nói trên có liên quan đến Bắc Triều Tiên, trả lời nhật báo Mỹ The Wall Street Journal, họ cho biết là lực lượng Trung Quốc bình thường vẫn luôn trong tư thế sẳn sàng chiến đấu và huấn luyện ở biên giới.

Nhưng theo lời một cựu tùy viên quân sự của Mỹ ở Bắc Kinh, tuy đang nỗ lực củng cố phòng thủ ở biên giới, quân đội Trung Quốc vẫn chưa thật sự được chuẩn bị cho một chiến dịch bên trong lãnh thổ Bắc Triều Tiên.

Theo The Wall Street Journal, ngoài việc đối phó với khả năng Hoa Kỳ có hành động quân sự chống Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh còn lo ngại làn sóng người tị nạn sẽ ồ ạt đổ sang nếu nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Đây là một mối quan ngại rất lớn đối với họ, vì nằm không xa biên giới Bắc Triều Tiên là những khu vực tập trung đông dân số và miền đông bắc Trung Quốc, giáp với Bắc Triều Tiên, có tầm quan trọng về mặt kinh tế.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170726-quan-doi-trung-quoc-chuan-bi-doi-pho-khung-hoang-voi-bac-trieu-tien

 

Mỹ: Có tiến bộ trong đàm phán

với Trung Quốc về trừng phạt Bình Nhưỡng

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley ngày 25/07/2017 cho biết: Đàm phán với Trung Quốc về trừng phạt Bắc Triều Tiên đã đạt được triến triển mới. Theo bà Haley, những biện pháp trừng phạt này sẽ rất nghiêm khắc. Trong khi đó, một nguồn tin từ bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết Bình Nhưỡng có thể sẽ tiếp tục phóng thử tên lửa trong vài ngày tới.

Theo nữ đại sứ Mỹ : “Tôi nghĩ việc đàm phán đã đạt được tiến triển mới. Tiến độ công việc không được nhanh như tôi mong muốn, nhưng đây là lệnh trừng phạt rất nghiêm khắc và tôi nghĩ mọi người đang đàm phán một cách rất cẩn trọng”.

Từ ba tuần nay, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tiếp tục đàm phán về việc ban hành những biện pháp răn đe mới khắc nghiệt hơn lên chính quyền Kim Jong Un.

Trung Quốc hiện đang thương thảo riêng với Nga về vấn đề này. Nhưng phía chính quyền Putin cho rằng tên lửa hồi đầu tháng 7 không phải tên lửa liên lục địa. Mátxcơva cũng nói rằng hành động trừng phạt chính quyền Kim Jong Un sẽ không đi đến đâu, và đàm phán giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng mới là biện pháp thiết thực hơn.

Trong khi đó, một viên chức bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ xin giấu tên, cho biết có khả năng Bình Nhưỡng sẽ thử nghiệm một tên lửa mới trong vài ngày tới. Viên chức tiết lộ với hãng tin Pháp AFP rằng “có khả năng” chính quyền Kim Jong Un sẽ phóng thử một chiếc tên lửa tầm trung vào ngày 27/7/2017, nhân kỉ niệm 64 năm kí kết ngừng bắn giữa Bắc và Nam Triều Tiên, ngày mà Bình Nhưỡng gọi là “Ngày Chiến Thắng”.

Theo viên chức này, Bình Nhưỡng đã huy động một số xe vận chuyển thiết bị phóng tên lửa tới khu vực thành phố Kusong, tỉnh Pyongan ở miền Bắc. Đây là nơi Bình Nhưỡng đã phóng thử tên lửa trong thời gian gần đây, chẳng hạn như lần phóng một chiếc tên lừa tầm trung có khả năng bay 700 km vào hồi tháng 5 năm nay.

Vị viên chức nói thêm Bắc Triều Tiên có thể sẽ bắn một trong hai loại tên lửa : một chiếc tên lửa tầm trung hoặc một chiếc tên lửa liên lục địa (được biết đến dưới tên gọi KN-20 hoặc Hwasong-14).

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170726-my-co-buoc-tien-trong-dam-phan-voi-trung-quoc-ve-trung-phat-binh-nhuong

 

“Chợ trời”, nét truyền thống trong xã hội hiện đại Pháp

Thu Hằng

Từ năm giờ sáng, những chiếc xe tải nhỏ đầu tiên lần lượt đỗ trên khu vực Place du Marché (Quảng trường Chợ) ở Versailles. Các tiểu thương kinh doanh rau củ quả bắt đầu dựng kệ và giá đỡ dưới những khung bạt đã được nhân viên của thành phố dựng từ chiều tối hôm trước.Sau khi dỡ những thùng gỗ chất đầy những cam và táo hay những loại rau xanh mướt mắt, theo bàn tay thoăn thoắt của họ, từng ngọn tháp cam, rồi táo, rồi lê… nhanh chóng thành hình. Tiểu thương hay chủ vườn luôn đến sớm hơn những người khác vì sản phẩm của họ cần được trưng bầy bắt mắt, với khối lượng lớn nên mất nhiều thời gian hơn.

Dù bị « lép vế » trước các tập đoàn phân phối lớn và hệ thống siêu thị tiện ích, chợ dân sinh (hay gọi nôm na là « chợ cóc ») vẫn thu hút được một bộ phận người dân. Có lẽ vì thế, khoảng 4.520 chợ vẫn hoạt động thường xuyên tại Pháp, theo thống kê của Liên đoàn Quốc gia Chợ Pháp (Fédération nationale des Marchés de France). Chợ dân sinh, từ rau củ quả đến quần áo hay tạp hóa, đã trở thành một truyền thống được chia sẻ tại Pháp.

Đi chợ trời để sống lại không khí chợ cóc quê nhà là khám phá thú vị của Thái Mai Anh và Lại Ngọc Bích, hai bà mẹ trẻ sống ở ngoại ô phía nam Paris.

« Cách đây mấy năm, lúc đầu biết, em cũng thấy giống như chợ ở Việt Nam, tự nhiên thấy thân quen, rồi tự nhủ ở Pháp cũng có những chợ cóc, chợ ngoài trời như này, thì thấy cũng hay. Chắc vì thế nên em thích đi mấy chợ ngoài trời hơn », Mai Anh giải thích với RFI tiếng Việt.

Chị Ngọc Bích cũng có cùng suy nghĩ : « Theo mình, không gian ở chợ trời luôn làm mình có liên tưởng đến một góc chợ quê ở Việt Nam. Mặc dù có nhiều khác biệt, nhưng mà sự gần gũi, sự giao lưu giữa người bán và người mua có nét thân thiện.

Đặc biệt đối với mình, ấn tượng ở chợ trời là rất nhiều cụ già cao tuổi hay nắm tay nhau, xách làn, xách giỏ hoặc kéo caddie (xe kéo) đi chợ, tạo nên một không gian rất ấm cúng, thân thiện, gần gũi ».

Ngoài kỉ niệm về chợ ở quê hương, chợ làm cầu nối giúp gắn kết sự tiếp xúc giữa người với người, ngày càng trở nên hiếm hoi trong xã hội hiện đại, cũng là yếu tố thuyết phục các bà mẹ trẻ Việt. Ở chợ, họ được hỏi giá, thêm vài câu bông đùa giữa người bán và người mua, trái với bầu không khí khá lạnh lẽo giữa những gian hàng dài trong siêu thị, như giải thích của Ngọc Bích :

« Ở chợ trời có sự giao lưu trực tiếp giữa người bán và người mua. Những trường hợp mà mình mua nhiều đến khi quen mặt, trở thành người quen, người thân, thành ra nhiều khi không mua gì nhưng đi qua vẫn chào hỏi nhau giống như những người bạn. Mình thấy đó là cách thể hiện thân mật và giao lưu khi đi chợ trời, khác với trong siêu thị ».

« Đi chợ tiện hơn đi vào siêu thị, Mai Anh nhận xét. Phải đi vào sâu, mất thời gian hơn. Còn chợ thì ở ngoài trời, tiện và đông vui hơn. Những người đi mua bán cũng vui vẻ, chào mời hơn, rồi người ta cũng giới thiệu sản phẩm đến từ đâu, tươi ngon như thế nào. Người ta còn bầy cách cho mình lựa chọn các loại sản phẩm, hoa quả ».

Một lý do khác khiến chợ trời thu hút được nhiều khách hàng là chất lượng sản phẩm, dù đôi khi đắt hơn so với các siêu thị, như giải thích của chị Ngọc Bích :

« Mình thích đi chợ trời vì đồ ăn bao giờ cũng tươi ngon, nhất là đồ rau củ quả do những người nông dân ở những trang trại quanh Ile-de-France (vùng bao gồm cả thủ đô Paris) mang vào bán. Giá cả ở chợ trời còn tùy theo mùa. Có những lúc cảm giác cao hơn trong siêu thị, nhưng về chất lượng hàng hóa, mình nghĩ là tươi ngon hơn ».

Riêng với Phương Thanh Mai, một bà mẹ trẻ Việt khác sống ở quận 17 Paris, đi chợ trời để còn được thoải mái lựa chọn sản phẩm tươi sống :

« Cảm giác được nhặt từng quả cũng thích hơn là nhặt đồ trong siêu thị. Nhiều lúc đi siêu thị, mình nhặt quả táo, quả chuối mà họ để cả tuần rồi, mà giá vẫn để như lúc đầu khi còn tươi, nên mình vẫn thích đi chợ trời, chợ cóc hơn.

Còn về hải sản, trong siêu thị nhiều khi là đồ đóng hộp, cảm giác vẫn không được tươi bằng chợ cóc, mà nhà mình có trẻ con nên nhiều khi mình muốn mua đồ tươi về nấu, nên mua ở chợ trời vẫn hơn, mà nhiều sự lựa chọn hơn và tươi lắm. Cảm giác mua đồ tươi vẫn sướng hơn ! »

Giới thiệu với RFI tiếng Việt về khu chợ trời ở thành phố du lịch Deauville, một khách hàng người Pháp cho rằng ở chợ trời, người ta còn có thể tìm thấy đặc sản địa phương, thậm chí là « ngon nhất » :

« Đó là sản phẩm tốt nhất, đúng loại kem tươi (để nấu ăn) của trang trại. Chúng tôi biết chắc sản phẩm không có phụ gia hay hóa chất, mà hoàn toàn tự nhiên.

Giá rẻ hơn siêu thị thì không chắc, nhưng hợp lý ngay cả với thịt gia cầm, như thịt vịt và gà, hay thịt thỏ, khoai tây. Vào dịp Noel, họ có cả gà tây hoặc ngỗng nữa. Có thể giá đắt hơn so với siêu thị nhưng không thể nào so sánh được về chất lượng.

Đối với chủ trang trại, tôi nghĩ là họ có lợi hơn khi bán trực tiếp ở chợ, vì các siêu thị lớn thường lấy thêm hoa hồng. Trong khi ở chợ, chúng tôi chỉ phải trả trực tiếp giá trị sản phẩm của trang trại. Thường nhà nông kiếm lời nhờ bán hàng với số lượng lớn, như vậy, họ chắc chắn bán được hết số gia cầm của mình.

Họ cũng phải tôn trọng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ cũng bị kiểm tra, chứ người nông dân không được làm sai quy định ».

Chợ trời, điểm gặp gỡ giữa trung tâm thành phố

Theo Hội Thị trưởng Pháp (Association des Maires de France, AMF), quy định phân bổ chỗ ngoài chợ do thị chính quyết định. Địa điểm họp chợ thường là một quảng trường hay không gian lớn chung của địa phương.

Chị Trần Hồng Điệp, chủ quầy « Nem Điệp » ở chợ Versailles, cho biết thành phố lựa chọn mặt hàng tùy theo nhu cầu của thị trường và chọn người bán tùy theo sự «chăm chỉ » của người bán hàng hoặc theo thứ tự danh sách đăng ký, được thay đổi vào đầu năm.

« Không giống như ở Việt Nam, ở Pháp, nếu muốn làm bất kỳ một hình thức kinh doanh nào, đầu tiên bạn phải thành lập công ty. Còn muốn xin một chỗ ở chợ trời, bạn cũng phải có công ty và phải làm hồ sơ gửi lên tòa thị chính để họ xét hồ sơ, tùy thuộc vào từng đợt xét tuyển, 3 tháng một lần chẳng hạn.

Và họ còn xét thêm liệu công ty đó có phù hợp để bán ở chợ trong khu vực thành phố của họ hay không. Ở đây họ tính đến mức độ cạnh tranh. Ví dụ, tại khu vực chợ của họ đã có một đến hai cửa hàng bán đồ ăn châu Á rồi, nếu bạn nộp hồ sơ để mở đồ ăn châu Á nữa thì họ sẽ không cho nữa, bởi họ muốn giảm thiểu cạnh tranh cho các cửa hàng đồ ăn châu Á khác.

Khi đã được bên tòa thị chính chấp nhận rồi, bạn phải tổ chức công việc, cửa hàng phù hợp với yêu cầu của họ. Ví dụ có những nơi, họ chấp nhận bạn bán trên xe ô tô, nhưng có những nơi, họ cấm. Bạn phải dỡ đồ xuống và lắp đặt gian hàng tại điểm ngoài trời mà thị chính đã lắp trước. Thực ra, đó chỉ đơn giản là những tấm bạt chống nắng, chống mưa.

Khi đến, bạn sẽ được người quản lý chợ chỉ cho biết chỗ ở đâu. Bạn cũng có thể đề nghị thay đổi vị trí nếu như công việc kinh doanh không phát đạt ở vị trí đấy. Trong trường hợp này, bạn có thể lại nộp hồ sơ lên tòa thị chính để yêu cầu đổi chỗ vì lý do kinh doanh không tốt ».

Tiểu thương sẽ trả cho thành phố một khoản phí theo ngày hoặc thuê bao theo tháng hoặc theo quý. Người thuê chỗ không được nhượng lại hay cho thuê lại một phần chỗ ở chợ.

« Mỗi thành phố quy định một mức giá riêng, có nơi đắt, có nơi rẻ, chị Trần Hồng Điệp giải thích tiếp. Ví dụ thành phố Versailles đưa mức quy định chung là một tháng phải nộp bao nhiêu tiền cho ba buổi chợ. Đi hay không đi, cũng phải nộp chừng đấy tiền.

Những thành phố khác mà mình đi thì lại có cách khác. Khi nào đi mới phải nộp tiền cho ngày đi chợ. Số tiền này được tính theo mét vuông. Nếu đến chợ đó thường xuyên thì họ tính rẻ hơn, nếu đi chợ ít thì bị tính nhiều hơn, bình thường giao động từ 3 đến 5 euro/mét vuông ».

Theo chị Trần Hồng Điệp, để thu hút và có được khách hàng thân quen, chất lượng và sự niềm nở tận tình của người bán hàng là những yếu tố hàng đầu :

« Việc đầu tiên, đó là chất lượng sản phẩm. Họ phải nhìn thấy là sản phẩm tươi ngon. Về cảm quan, họ phải thấy đó là đồ bạn làm, bởi vì bây giờ đồ công nghiệp quá nhiều và có quá nhiều tạp chất nên họ thích tìm về những đồ ăn được chế biến như ở trong gia đình.

Cái thứ hai, quan trọng không kém, chính là thái độ, chính là con người của người bán hàng. Họ phải cảm thấy được bạn là người thân thiện, thật thà. Bạn là người chu đáo và có thể hiểu được họ.

Người Pháp đi chợ, không chỉ đơn giản là họ đi mua mớ rau con cá đâu, mà họ đi chợ là để tận hưởng kỳ nghỉ cuối tuần. Và họ thích đi chợ để được nói chuyện, chia sẻ, kiểu như họ đi dạo ý. Nên khi tiếp họ, thường mình có nên có những câu chuyện tạo sự thân thiện.

Và nếu như bạn nắm được sở thích của họ, nhớ được họ, thì điều đó như sự quyết định để họ quay trở lại. Ví dụ, khi họ quay trở lại, bạn biết ngay họ muốn lấy cái gì. Điều đấy khiến họ thấy hạnh phúc vì họ cảm thấy « Trời ơi ! Giữa bao nhiêu người mà tự nhiên người bán hàng vẫn có thể nhớ đến mình ! » Và người ta cảm thấy trở nên quan trọng ».

Chợ hoa, chợ rau củ quả hay chợ tạp hóa thường được họp ở trung tâm thành phố, thậm chí trước tòa thị chính, lần lượt hai phiên mỗi tuần. Cũng không ngẫu nhiên mà tên gọi Quảng trường Chợ (Place du Marché) được nhiều thành phố của Pháp đặt cho điểm hẹn cộng đồng quan trọng này.

http://vi.rfi.fr/phap/20170726-cho-troi-net-truyen-thong-trong-xa-hoi-hien-dai-phap