Thông cáo phát hành ngay – Việt Nam: Những mối đe dọa mới đối với cộng đồng mạng đang gia tăng

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thông cáo phát hành ngay – Việt Nam: Những mối đe dọa mới đối với cộng đồng mạng đang gia tăng

24/07/2017

Cần hủy bỏ vụ án chống lại người bảo vệ nhân quyền Trần Thị Nga
 (Bangkok, 24 tháng Bảy, 2017) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Việt Nam cần lập tức phóng thích nhà hoạt động vì nhân quyền Trần Thị Nga và hủy bỏ mọi cáo buộc về bà. Trần Thị Nga, còn được gọi là Thúy Nga, sẽ bị đưa ra xét xử tại Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Nam vào ngày 25 tháng Bảy. Nhà cầm quyền bắt giữ bà vào ngày 21 tháng Giêng năm 2017 vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 của bộ luật hình sự.
“Chính phủ Việt Nam thường áp dụng biện pháp cực đoan hòng dập tắt tiếng nói phê bình, nhằm vào các nhà hoạt động như Trần Thị Nga với cáo buộc ngụy tạo có mức án tù nhiều năm, sách nhiễu và ngược đãi gia đình họ,” ông Phil Robertson, phó giám đốc ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Các nhà tài trợ nước ngoài cần sử dụng ảnh hưởng của mình để gây sức ép đòi thả Trần Thị Nga ngay lập tức, và tuyên bố rõ ràng rằng các mối quan hệ gần gũi hơn sẽ phụ thuộc vào việc Việt Nam chấp nhận tiếng nói chỉ trích, thay vì tống các nhà phê bình vào tù.”
Một tháng trước phiên tòa xử Trần Thị Nga, 40 tuổi, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, còn được biết đến với bút danh Mẹ Nấm, bị kết án 10 năm tù theo điều 88 tại phiên xử diễn ra trong 1 ngày. Bản án tù nhiều năm của Mẹ Nấm làm dấy lên quan ngại sâu sắc rằng các nhà hoạt động khác đang phải đối mặt với cáo buộc xâm phạm an ninh quốc gia như Trần Thị Nga cũng sẽ bị trừng phạt nặng nề chỉ vì thực thi các quyền của mình.

Báo chí nhà nước đưa tin rằng Trần Thị Nga bị bắt vì đã “truy cập mạng internet đưa một số video, clip, bài viết” có nội dung chỉ trích chính quyền. Bà đối mặt với mức án 12 năm tù theo khoản 1 điều 88, một trong những điều khoản an ninh quốc gia hà khắc, thường bị sử dụng để tùy tiện trừng phạt các nhà phê bình và dập tắt tiếng nói bất đồng. Điều 88 coi phát biểu chính trị ôn hòa là “tuyên truyền chống nhà nước,” đáng bị trừng phạt nặng nề. Theo bộ Luật Tố tụng Hình sự của Việt Nam, các cá nhân bị giam giữ theo điều 88 và các tội xâm phạm an ninh quốc gia khác có thể bị biệt giam trong thời gian điều tra.

Vụ bắt giữ Trần Thị Nga là một phần của cuộc đàn áp các nhà hoạt động và blogger đang tiếp tục diễn ra. Họ bị cáo buộc với các điều khoản xâm phạm an ninh quốc gia được diễn giải mơ hồ. Hơn 100 nhà hoạt động hiện đang thụ án tù vì đã thực thi các quyền cơ bản của họ như tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và tôn giáo. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Việt Nam cần phóng thích họ vô điều kiện và sửa đổi tất cả các điều luật có nội dung hình sự hóa hành vi bày tỏ chính kiến ôn hòa.
Trần Thị Nga hoạt động vì quyền của người lao động từ nhiều năm nay. Bà đấu tranh chống lại nạn lạm dụng như buôn người, công an bạo hành và cưỡng chế đất đai. Bà cũng tham gia các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường, đến các phiên tòa xử các nhà hoạt động nhân quyền và blogger, và tới thăm gia đình các tù nhân chính trị để bày tỏ tình đoàn kết. Bà từng là thành viên trong ban điều hành hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, được thành lập vào tháng Mười một năm 2013.
Nhân viên công quyền đã đe dọa, sách nhiễu, và hành hung Trần Thị Nga trong nhiều năm qua vì các hoạt động chính trị bền bỉ của bà. Tháng Năm năm 2014, một nhóm năm người đàn ông mặc thường phục tấn công Trần Thị Nga trên đường phố Hà Nội bằng gậy sắt, khiến bà bị gãy chân gãy tay. Vụ hành hung bị quay phim, nhưng công an không điều tra vụ việc bất chấp có bằng chứng video. Vào tháng Ba năm 2015, nhân viên an ninh ở Hà Nội câu lưu và áp giải bà về quê ở Hà Nam. Trên đường đi, một người bẻ cổ và bịt miệng khiến bà không kêu cứu được. Hai người khác giữ chân tay bà trong khi người còn lại tát và đấm bà.

Những vụ tấn công Trần Thị Nga là một phần của kiểu thức hành hung rộng lớn hơn nhằm vào các nhà vận động nhân quyền trên toàn Việt Nam. Trong một phúc trình công bố hồi tháng Sáu năm 2017, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đưa ra 36 vụ các blogger và nhà hoạt động bị côn đồ hăm dọa, đe nẹt và đánh đập, có khi ngay trước mặt công an, và thường thì công an không làm gì để can thiệp, điều tra hay bắt giữ kẻ thủ ác. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng nhận thấy rằng một số nạn nhân như Trần Thị Nga sau đó còn bị bắt theo điều 88, làm dấy lên câu hỏi về quan hệ giữa nhà cầm quyền với những kẻ thủ ác. Chính quyền Việt Nam cần ra lệnh chấm dứt tất cả các vụ tấn công này và buộc những kẻ liên quan phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.

Theo luật sư Hà Huy Sơn, trong thời gian bị tạm giam ở tỉnh Hà Nam, sức khỏe của Trần Thị Nga bị suy sụp. Đề nghị được đưa đi điều trị tại bệnh viện của bà bị từ chối hồi tháng Sáu năm 2017.
Trần Thị Nga là một phần của cộng đồng blogger và nhà hoạt động vì nhân quyền đang gia tăng ở Việt Nam. Họ sử dụng Facebook và YouTube để lên tiếng phê bình, chia sẻ các thông tin cập nhật về biểu tình, về những người bị bắt giam, và để hỗ trợ cho nhau trong cuộc đấu tranh vì quyền tự do chính trị. Mặc dù là chất xúc tác cho các hoạt động ôn hòa, mạng internet cũng trở thành vũ đài mới nhất cho chính quyền đàn áp tiếng nói phê phán, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. Cùng với việc bắt giữ các nhà hoạt động vì các hoạt động trên mạng của họ theo các tội danh an ninh quốc gia, chính quyền đã chặn truy cập vào Facebook khi có các cuộc biểu tình lớn, và gây áp lực với nhiều công ty đa quốc gia phải gỡ bỏ quảng cáo trên một số trang mạng xã hội.

“Việt Nam cần điều tra chính những kẻ côn đồ đã đe dọa và tấn công Trần Thị Nga, thay vì nhằm vào người thẳng thắn lên tiếng chống lại các vi phạm nhân quyền đang diễn ra trên đất nước của bà,” Robertson nói. “Các nỗ lực của chính quyền nhằm đàn áp việc bày tỏ chính kiến ôn hòa trên mạng và trên đường phố sẽ chỉ khiến các nhà phê bình càng kiên quyết hơn trong cuộc đấu tranh đòi quyền tự do ngôn luận cơ bản của họ.”

* Bài của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam (HRW Asia) gửi tới TTHN

(Tin tức Hàng ngày)