“Dân đừng lo” và Đảng cũng chả thèm lo

Cac Bai Khac

No sub-categories

“Dân đừng lo” và Đảng cũng chả thèm lo

TTXVA Theo FB Nguyễn Hưng Quốc – Published on May 9, 2014 · No Comments

Lâu nay, trước sự quan tâm và lo lắng của dân chúng Việt Nam đối với nguy cơ xâm lược của Trung Quốc, nhà cầm quyền thường trấn an: “Bà con đừng lo; hãy để cho đảng và nhà nước lo!” Thanh niên sinh viên xuống đường chống Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa và Trường Sa cũng như có thái độ gây hấn thô bạo đối với các ngư dân Việt Nam ư? “Các bạn đừng lo! Đó là chuyện đối ngoại, hãy để đảng và nhà nước lo!” Giới trí thức lên tiếng phản đối các dự án cho Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên hay thuê rừng dài hạn ở nhiều vị trí có ý nghĩa chiến lược ư? “Anh em đừng lo! Đó là chuyện quốc sự, hãy để cho nhà nước lo!”

Tuy nhiên, liệu chúng ta có thể và có nên bàng quan, thụ động, phó thác toàn bộ số phận của đất nước, trong đó có bản thân chúng ta, vào tay của một người hay một nhóm người như thế?

Không. Làm thế, chúng ta vừa dại dột lại vừa vô trách nhiệm đối với đất nước.

Thật ra, trước đây, đảng Cộng sản cũng từng nhấn mạnh đến vai trò của quần chúng. Về phương diện lý thuyết, họ không ngớt đề cao quần chúng; xem chính quần chúng, chứ không phải cá nhân, bất cứ cá nhân nào, dù là những thiên tài, đã làm nên lịch sử. Về phương diện thực hành, họ cũng không tiếc công sức vận động quần chúng. Thời chiến tranh, nhiều cán bộ nhiệt tình thực hiện chính sách “ba cùng” với dân chúng: cùng ăn, cùng ở và cùng làm. Nhiều người sống hẳn với các dân tộc thiểu số. Cũng đóng khố. Cũng cà răng. Cũng ăn uống kham khổ. Cũng chịu đựng bao nhiêu thiếu thốn.

Vai trò của quần chúng thể hiện chủ yếu ở hai khía cạnh: thứ nhất, đóng góp ý kiến để giới lãnh đạo có được một sự lựa chọn sáng suốt và đúng đắn nhất; thứ hai, hậu thuẫn cho các quyết định của chính phủ để dưới mắt quốc tế, các quyết định ấy tăng thêm sức mạnh: đó là quyết định của toàn dân.

Mà không phải chỉ ở Việt Nam. Ở đâu cũng thế. Ở đâu giới lãnh đạo cũng cần sự đóng góp và hậu thuẫn của quần chúng. Bởi vậy, ở đâu cái gọi là lãnh đạo cũng cần đến hai yếu tố căn bản: khả năng hoạch định chính sách và khả năng thuyết phục, hay nói theo ngôn ngữ thương mại hoá ngày nay, là khả năng rao bán các chính sách ấy. Không có khả năng hoạch định chính sách, người ta chỉ là những nhà quản lý chứ không phải là người lãnh đạo. Không có khả năng rao bán chính sách, người ta, với tư cách lãnh đạo, chỉ có thể hoặc là độc tài hoặc là bất tài. Không có ngoại lệ.

Đảng Cộng sản, lúc chưa nắm quyền hoặc thời còn chiến tranh, từng chứng tỏ khả năng rao bán chính sách khá cao, từ chính sách xoá bỏ cách biệt giữa giàu và nghèo trong xã hội, chính sách đoàn kết dân tộc và thống nhất đất nước, v.v…Nhưng thời đó đã qua rồi. Từ tư cách những nhà cách mạng đến tư cách nhà cầm  quyền, họ đánh mất khả năng rao bán chính sách và khả năng thuyết phục. Từ đó, hoặc họ chỉ biết ra lệnh hoặc họ quyết định mọi chuyện một cách lén lút. Họ không cần đến quần chúng nữa. “Để cho Đảng và nhà nước lo” là biểu hiện rõ nhất của sự bất cần ấy.

Sự bất cần ấy không những là biểu hiện của độc tài, độc đoán mà còn là nguyên nhân của những quyết định sai lầm từng dẫn đến bao nhiêu tai hoạ cho đất nước. Cải cách ruộng đất vào những năm 1950, cải tạo công thương nghiệp, chính sách giá-lương-tiền nửa sau thập niên 1970 và đầu 1980 là những ví dụ tiêu biểu nhất. Đầu năm 2010, cựu Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Dy Niên lên tiếng bày tỏ sự hối tiếc trước những sai lầm trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại thời sau 1975 khiến Việt Nam bị hụt mất bao nhiêu cơ hội may mắn và phải gánh chịu bao nhiêu bất hạnh không đáng có.

Hiểu được điều đó, ông Nguyễn Dy Niên mới nhấn mạnh: “Cho nên phải dân chủ hơn nữa. Vì không có dân chủ thì không thể có trí tuệ. Phải cho người ta nói, nói hết, nhất là tầng lớp trí thức. Để cho trí thức có thể phản biện. Lắng nghe họ, và sau đó có sự điều chỉnh, chứ cứ ào ào nghe xong rồi lại thống nhất như nghị quyết thì thôi, đưa ra làm gì.”

Trên thế giới hiện nay, không có đảng hay nhà nước nào có thể gánh vác mọi thứ được. Câu nói “Đồng bào đừng lo, hãy để đảng và nhà nước lo!”, bởi vậy, nếu không phải xuất phát từ sự ngu xuẩn thì cũng chỉ là một sự lừa dối. Đó là một sự khinh thường quần chúng.

***

BIENDONG-BANDO

Nhưng liệu nhà cầm quyền Việt Nam có thực sự lo đối phó với Trung Quốc hay không?

Nhìn đâu, chúng ta cũng chỉ thấy một câu trả lời: KHÔNG

Về phương diện tuyên truyền, Trung Quốc lúc nào cũng được xem là một láng giềng tốt, một đối tác tốt, một đồng chí tốt.

Về phương diện hành động, mọi động thái người ta có thể nhìn thấy được đều là những sự nhân nhượng quá mức cần thiết đối với Trung Quốc.

Trên facebook, nhà báo Mặc Lâm của đài RFA ghi nhận, trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương lần thư 19 khóa XI của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội ngày 8 tháng 5 vừa qua, không có một chữ “Trung Quốc”nào cả. Cuối cùng anh châm biếm: Nguyễn Phú Trọng “cầm nhầm bài phát biểu của người khác”.

Mà cũng phải chứ. Không ai có thể tưởng tượng được trước một sự kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận mệnh đất nước và đang làm sôi máu dân chúng như vậy, các nhà lãnh đạo vẫn thản nhiên ngồi bàn với nhau về việc tổng kết các vấn đề văn hóa, xã hội, chính trị trong nội bộ đảng.

Một số người, đặc biệt các dư luận viên, sẽ biện hộ: Giới lãnh đạo đã/đang bí mật bàn với nhau về phương án chống Trung Quốc rồi. Chỉ có điều là họ không thể tuyên bố ầm ĩ ra được thôi.

Trong lòng, tôi thành thực mong như thế. Nhưng lý trí của tôi bảo: đó chỉ là một lời nói dối.

Người ta có thể giấu được một chiến thuật (cách bày binh bố trận trong một chiến dịch cụ thể và ngắn hạn), nhưng không ai có thể giấu được một chiến lược vốn là một kế hoạch tổng quát và dài hạn nhằm đạt đến một mục tiêu lớn nào đó của quốc gia. Việc đối phó với Trung Quốc đòi hỏi một chiến lược chứ không phải chỉ là một hay vài chiến thuật nho nhỏ. Trong trường hợp như thế, chiến lược sẽ thể hiện rõ ràng trong ngân sách quốc phòng với các loại hình vũ khí tìm mua, các binh chủng được ưu tiên phát triển và huấn luyện, các định hướng trong việc tuyên truyền để mọi người thống nhất với nhau trong hành động; và đặc biệt, điều cực kỳ quan trọng đối với một nước nhỏ khi đương đầu với một lớn như giữa Việt Nam và Trung Quốc, cái thế liên minh với các quốc gia khác mà người ta muốn xây dựng.

Trừ việc mua thêm ít tàu ngầm và vũ khí – thật ra rất ít so với Trung Quốc, người ta không thấy có dấu hiệu gì rõ ràng là Việt Nam đang xây dựng một chiến lược sâu rộng đàng hoàng để đương đầu với Trung Quốc cả.

Không chừng, tự thâm tâm, họ thấy những chuyện đó cũng chả có gì đáng phải lo.

FB NGUYỄN HƯNG QUỐC