CSVN: Giải thích việc nhận chìm bùn thải và phản biện

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vào ngày 4 tháng 7, Thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường (Bộ TNMT), Nguyễn Linh Ngọc khẳng định vật liệu mà Bộ TNMT cho phép nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm không phải là xỉ than, chất thải của quá trình chạy nhiệt điện mà là vật liệu nạo vét tại khu vực cảng, gồm cát, bùn của ô quay tàu trước cảng.

Những vật chất được cấp phép nhấn chìm xuống biển có thật sự không phải là chất thải nguy hại?

Ngấm trong bùn đất

Năm ngày sau khi Thứ trưởng Bộ TNMT cấp phép số 1517/GP-BTNMT cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, Tổng công ty phát điện 3 (EVNGENCO 3) hay còn gọi là nhà máy nhiện điện Vĩnh Tân 2 cho biết đang xúc tiến xin giấy phép đổ xuống biển Bình Thuận 2,4 triệu m3 bùn cát thải sau khi nạo vét.

Thông tin này gây lo ngại rất lớn cho các chuyên gia môi trường và những người quan tâm đến môi trường biển. Qua những diễn đàn và các trang mạng xã hội, họ đồng loạt lên tiếng kêu gọi dừng ngay dự án nhấn chìm bùn thải vì cho rằng lượng bùn thải khổng lồ đó sẽ bức tử hệ sinh thái biển của Bình Thuận.

Để phản hồi bức xúc của công luận, Thứ trưởng Bộ TN-MT phát biểu tại buổi giao ban báo chí ngày 4 tháng 7 rằng vật liệu nhận chìm không bao gồm xỉ than, chất thải của quá trình chạy nhiệt điện và cơ sở pháp lý của việc nhận chìm chất thải đã được quy định trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982- UNCLOS 1982.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tại tỉnh Bình Thuận đi vào hoạt động chính thức năm 2015, mỗi ngày sản xuất hơn 23 triệu kWh. Còn dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được khởi công vào sáng ngày 18/7/2015, có công suất 1.200MW, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2018.

Với thời gian và khối lượng điện sản xuất như thế, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, chuyên gia môi trường từ Hà Nội, khẳng định không thể cho rằng chất bùn thải được cấp phép “nhấn chìm” xuống biển Bình Thuận là không chứa chất thải từ quá trình vận hành sản xuất điện của nhà máy.

“Khi mà những cơn mưa, lũ xảy ra, nước chảy từ đất liền ra biển. Khi chảy như thế thì nó cuốn theo tất cả rác, ngay cả thuốc trừ sâu, thì ngay cả nước bao gồm rác chảy ra, nó đã mang theo rất nhiều chất độc hại.

Vậy thì ở những nhà máy này, trong quá trình người ta đang xây dựng, đã xây dựng xong, có thể chưa vận hành thì cũng đã có rất nhiều loại rác.

Cái thứ hai, nếu người ta chạy thì phải có than, phải có nơi để than, rồi chất thải, và chúng ta thừa biết rằng rác thải của nhà máy nhiệt điện nó có những gì. Thế và, nước mưa nó chảy thì nó không chừa chỗ nào.”

Dựa trên cơ sở hoá học, ông cho biết khi trời mưa, chất độc trong than chảy ngấm vào đất, rồi khi đốt thì những khí trong đó như SO2. NO2, các kim loại nặng như Niken, Crôm sẽ bay tản ra vùng chung quanh, hoặc  tích tụ thành  mây để mưa xuống. Nói chung tất cả những chất độc hại từ bụi xỉ than sẽ ngấm vào đất và bùn cát.

Theo các nhà khoa học phản biện trên báo chí trong nước, việc nhận chìm khối lượng chất nạo vét gần 1 triệu m3 vừa được Bộ Tài Nguyên- Môi trường cấp phép và 2,4 triệu m3 đang được đề nghị là nguy cơ đe doạ trực tiếp hệ sinh thái biển.

Chất nạo vét hay bùn thải?

Tuy nhiên, Nguyễn Xuân Tùng – vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, đại diện Tổng cục Biển và hải đảo – Bộ Tài nguyên và môi trường, có mặt tại buổi toạ đàm “Hòn Cau, Biển và Lời nguyền…” tổ chức ở Nha Trang ngày 15 tháng 7 cho biết “vật chất” nạo vét cảng biển của Điện lực Vĩnh Tân 1 được Bộ cấp phép cho “nhận chìm” xuống vùng biển Tuy Phong khác với bùn thải.

Giải thích sự khác nhau dựa trên hướng dẫn của Tổ chức Hàng hải Thế giới, ông cho biết.

“Chất nạo vét cơ bản là chất lắng đọng từ tự nhiên bao gồm các thành phần chủ yếu như cát, sỏi, đá và các chất hữu cơ tự nhiên. Thế còn bùn thải là chất lắng đọng từ quá trình xử lý đất thải. Trong nghị định thư Luân Đôn 1996 có 1 danh mục qui định có 8 nhóm chất để xem xét nhận chìm xuống biển. Trong đó họ cũng phân biệt chất nạo vét và bùn thải.”

Vị này nói thêm rằng thành phần của chất nạo vét đã được phân tích trong dự án nhận chìm bùn cát thải hoàn toàn không có chất ô nhiễm và rất bình thường trên thế giới. Những thành phần chất khác đều dưới ngưỡng cho phép.

4 nhà máy nhiệt điện

Phạm Văn Chi, Nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, cho biết tình trạng thực tế hiện nay ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận có 4 nhà máy điện với tổng công suất là 4,400 MW.

“Thế thì tôi chỉ nói rằng 1 nhà máy ở Khánh Hoà, 2,400MW là chúng tôi đã toát mồ hôi. Mà tôi đang kiến nghị với địa phương, chính phủ, chỉ nên đầu tư tốt nhất là 600 MW, là 1 trong 4 tổ máy. Nhưng mà người ta đã xây dựng hai giai đoạn, giai đoạn đầu là 1,200 MW và giai đoạn 2 là 2,400 MW và hình như đã được phép.

Ba cái ô nhiễm quan trọng nhất đối với các nhà máy điện chạy bằng than là họ lợi dụng vùng biển của chúng ta để vận chuyển 1 lượng than rất lớn bằng cách nạo vét (nếu như vùng cần nạo vét) để đưa được tàu lớn chở than.

Than của Việt Nam mình gần như là người ta không sử dụng mà người ta phải sử dụng than của Malaysia, của Úc, có hàm lượng Carbon cao hơn. Và tôi cho rằng nếu chúng ta lấy loại than tốt nhất là khoảng 85% Carbon, 15 % và xỉ và các loại không cháy được, thì như vậy nếu nhà máy Vĩnh Tân 2 khoảng 1,200 MW thì nó phải mất 600 tấn than/1 giờ và 14,400 tấn than/ngày.”

Đồng thời, ông đưa ra bài toán của lượng xỉ tối thiểu 1 năm thải ra và phủ khắp mặt bằng dài 1 cây số, rộng nửa cây số và có chiều cao khoảng 1m57. Khối lượng này khi gặp mưa sẽ ngấm vào đất và bùn cát. Do đó theo ông, vật liệu “nạo vét” của 4 nhà máy đó sẽ bao gồm tất cả những bụi xỉ vả độc hại đã ngấm sâu trong bùn đất.

Đổ rác hay nhận chìm?

Khoản 5, Điều 1 của UNCLOS 1982 giải thích thuật ngữ “nhận chìm” (immersion) là “mọi sự trút bỏ có ý thức xuống biển các chất thải hoặc các chất khác từ các tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hoặc công trình khác được bố trí ở biển.”

Công ước vừa nêu cũng ghi rõ thuật ngữ “nhận chìm” không nhằm vào: Việc vứt bỏ các chất thải hoặc các chất khác được sản sinh trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc khai thác bình thường của tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hoặc các công trình khác được bố trí trên biển, cũng như các thiết bị của chúng…

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, khi được trả lời chúng tôi về cơ sở pháp lý dựa theo UNCLOS 1982 và Luật Môi trường Việt Nam, ông chỉ nói ngắn gọn rằng: “Cái chuyện người ta làm như thế nào mới quan trọng.” – Theo RFA