Tin khắp nơi – 22/07/2017
Trump chỉ trích ‘rò rỉ’ chống Bộ trưởng Tư pháp
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tấn công các ‘cáo buộc’ nhắm vào Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, người được ông bổ nhiệm.
Ông Trump coi các tin tức bàn về khả năng ông Sessions đã thảo luận với với một phái viên của Nga về các vấn đề liên quan chiến dịch bầu cử của ông là ‘rò rỉ bất hợp pháp’.
Cựu phát ngôn nhân Nhà Trắng: ‘tôi không hối hận’
Người thân của Donald Trump ra điều trần
James Comey điều trần về Donald Trump
Vụ Comey – Trump: Quốc hội Mỹ yêu cầu FBI nộp hồ sơ
Một rò rỉ tình báo mới từ Amazon Washington Post, lần này chống lại A.G. Jeff Sessions.Tổng thống Trump trên Twitter
Washington Post đã đưa ra một tường trình về những cuộc họp mà Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions nhóm họp với đại sứ Nga tại Hoa Kỳ, ông Sergey Kislyak.
Ông Sessions luôn phủ nhận các ‘cáo buộc’ này.
Chính quyền Mỹ đang điều tra sự ‘thông đồng’ giữa Nga và ê-kíp vận đồng bầu cử của Trump.
Các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng Nga đã can dự vào cuộc bầu cử để giúp ông Trump giành chiến thắng.
Nga bác bỏ điều này, và ông Trump nói rằng không có sự thông đồng nào.
Tường trình của Washington Post đã dẫn lời giới chức Mỹ, đương kim hoặc cựu quan chức, đưa ra các thông tin tình báo về khả năng ông Kislyak đã gây các tác động.
Một trong số những người được dẫn lời nói ông Kislyak đã nói chuyện với ông Sessions về các vấn đề then chốt của chiến dịch tranh cử, bao gồm các lập trường của ông Trump về nhiều chính sách quan trọng đối với Nga.
Trong cuộc điều trần xác nhận hồi đầu năm nay, ông Sessions nói ông không liên hệ với người Nga trong chiến dịch tranh cử.
‘Tâm điểm tin nhắn’
Khi xuất hiện thông tin là có, ông Sessions nói rằng chiến dịch tranh cử đã không được thảo luận tại các cuộc họp.
Một quan chức xác nhận với Reuters chi tiết về các vụ can thiệp, nhưng chưa có bằng chứng xác nhận độc lập.
Các viên chức đã nói chuyện với Washington Post cho hay ông Kislyak có thể đã bị ‘phóng đại’ và trích dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Tư pháp, người đã lặp lại rằng ông Sessions đã không thảo luận về sự việc can thiệp bầu cử.
Nhưng câu chuyện của tờ báo Mỹ là tâm điểm của một trong những tin nhắn trên Twitter mà Tổng thống Mỹ đã đưa ra vào sáng thứ Bảy, 22/7/2017.
Những rò rỉ bất hợp pháp này, như với Comey, phải chấm dứtTổng thống Trump trên Twitter
“Một rò rỉ tình báo mới từ Amazon Washington Post, lần này chống lại A.G. Jeff Sessions. Những rò rỉ bất hợp pháp này, như với Comey, phải chấm dứt!” Ông Trump nói.
The Washington Post thuộc sở hữu của Amazon, người sáng lập Jeff Bezos từng là một đối tác của ông Trump.
Chi tiết “Comey” đề cập đến ông James Comey, cựu giám đốc của FBI, là người đã bị ông Trump sa thải.
Đầu tuần này, ông Trump nói với tờ New York Times rằng ông lấy làm tiếc khi đã tuyển dụng ông Sessions.
Tin cho hay, mới đây, con trai cả, con rể và người đứng đầu chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ông Trump đã bị triệu tập ra trước Quốc hội Mỹ để tham gia điều trần về vai trò, vị trí của họ trong các ‘liên hệ’ có thể có với Nga trước, trong và sau khi ông Trump thắng cử.
Trong một diễn biến khác, nội các của ông Trump vừa trải qua rúng động mới, sau khi ông Sean Spicer, Thư ký Báo chí của Nhà Trắng trong thời gian 6 tháng qua, vừa đột ngột tuyên bố từ chức khỏi chiếc ghế này, do một bất đồng với việc Tổng thống Trump bổ nhiệm một nhà tài chính ở Wall Street, ông Anthony Scaramucci, vào chức vụ Giám đốc bộ phận truyền thông của Tòa Bạch Ốc.
Cựu phát ngôn nhân Spicer nói đó là ‘một sai lầm lớn’.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40693425
Cựu phát ngôn nhân Nhà Trắng: ‘tôi không hối hận’
Cựu Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer, người vừa từ chức nói với truyền thông Mỹ ông ‘không hối hận’ vì quyết định ra đi được loan báo vào hôm 21/7/2017.
Ông Spicer được cho là đã từ chức vì không hài lòng khi ông Donald Trump bổ nhiệm một tân giám đốc cho bộ phận truyền thông của Tổng thống.
Hoa Kỳ ‘sẽ cấm công dân tới Bắc Hàn’
Người thân của Donald Trump ra điều trần
Tôi chỉ nghĩ rằng đó là điều có lợi nhất của bộ phận truyền thông của chúng tôi, của cơ quan báo chí của chúng tôi, để không có quá nhiều đầu bếp trong nhà bếp.Sean Spicer
Bà Akie Abe tránh nói tiếng Anh với ông Trump?
Nhưng ông nói với Fox News rằng ông “không hối hận” về sáu tháng trên cương vị làm người phát ngôn tại Nhà Trắng.
Nhà tài chính của Phố Wall, Anthony Scaramucci, đã được Tổng thống Trump bổ nhiệm làm Giám đốc cơ quan Truyền thông của Nhà Trắng, một vai trò mà ông Spicer từng nắm giữ một phần.
Chấn động mới về thay đổi nhân sự diễn ra giữa lúc có các cuộc điều tra về các cáo buộc cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái và liệu ê-kíp chiến dịch vận động của ông Trump có hợp tác với Moscow hay không.
“Tổng thống rõ ràng đã muốn bổ sung nhân sự vào bộ phận truyền thông, hơn bất cứ điều gì khác,” ông Spicer nói với người phỏng vấn, Sean Hannity.
“Tôi chỉ nghĩ rằng đó là điều có lợi nhất của bộ phận truyền thông của chúng tôi, của cơ quan báo chí của chúng tôi, để không có quá nhiều đầu bếp trong nhà bếp.
“Nếu không có tôi trên đường, họ sẽ có một khởi đầu mới,” cựu phát ngôn nhân Nhà Trắng nói và nhấn mạnh việc ông ra đi để tránh làm cản trở, hay ảnh hưởng tới nhân sự mới được bổ sung.
‘Một sai lầm lớn’
Ông Spencer bảo vệ chương trình nghị sự của Tổng thống Trump, nói rằng đó là một vinh dự và một đặc ân để phục vụ tổng thống, và cũng chỉ trích điều mà ông gọi là “truyền thông thiên lệch”.
Ông nói: “Tôi đã ngày càng thất vọng về cách thức truyền thông ở đây làm công việc – hoặc không làm công việc của họ.”
Tôi yêu tổng thống và thật vinh dự khi được ở đây… Ông (Trump) thực sự là một con người tuyệt vờiAnthony Scaramucci
Cựu phát ngôn nhân 45 tuổi này cũng nói rằng ông đã nói với ông Trump rằng ông sẽ “ở lại trong vài tuần để đạt được sự chuyển đổi suôn sẻ” và mong muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình ông.
Tổng thống Trump viết trên Twitter: “Sean Spicer là một người tuyệt vời, là người đã chịu sự lạm dụng rất lớn từ giới truyền thông thất thiệt, nhưng tương lai của ông là tươi sáng!”
Theo New York Times, ông Spicer đã “kịch liệt” bất đồng với việc bổ nhiệm ông Scaramucci, mà ông tin rằng là một “sai lầm lớn”.
Các cuộc họp báo thường xuyên gây tranh cãi của ông Spicer trong sáu tháng vừa qua thu được sự quan tâm lớn, nhưng trong những tuần gần đây, ông đã rút khỏi việc xuất hiện trước ống kính.
Về phần mình, tân giám đốc bộ phận truyền thông Nhà Trắng Scaramucci đã tham dự buổi họp báo vào chiều thứ Sáu để thông báo rằng Sarah Huckabee Sanders, phó phát ngôn của Spicer trong thời gian qua, thay thế ông này.
Ông Scaramucci nói thêm: “Tôi yêu tổng thống và thật vinh dự khi được ở đây”, tân Giám đốc truyền thông nói thêm: “Ông thực sự là một con người tuyệt vời.”
Ông Scaramucci, người không có kinh nghiệm từ trước về các vai trò truyền thông, vinh danh ông Spicer là “một người yêu nước Mỹ đích thực” và “vô cùng duyên dáng”.
“Tôi hy vọng ông ấy sẽ kiếm được một khoản tiền to lớn”, ông Scaramucci nói thêm.
Ông Scaramucci cũng xin lỗi và nói rằng ông đã “thiếu kinh nghiệm” khi giải thích những lời chỉ trích trước đây của ông về tổng thống.
Trong một cuộc phỏng vấn tháng Tám năm 2005 với Fox Business, ông bác bỏ ông Trump như là một “gã tồi” và “một công tử được thừa kế tiền của” và ” to mồm”.
Ông Scaramucci hiện là phó chủ tịch cao cấp của Ngân hàng Xuất-nhập khẩu, một cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ, đảm bảo các khoản vay cho các nhà mua hàng của ngoại quốc đối với hàng xuất khẩu của Mỹ.
Là một cựu thành viên của nhóm chuyển giao quyền lực của Trump, ông đã nhầm lẫn khi nói với BBC vào tháng Một rằng Elton John sẽ biểu diễn tại lễ nhậm chức của tân tổng thống. Ca sĩ này đã nhanh chóng phủ nhận điều đó.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40691584
Nhiều cảnh sát Afghanistan chết vì bị ‘không kích nhầm’
Một cuộc không kích ‘đánh nhầm’ của quân Mỹ đã làm thiệt mạng 16 cảnh sát Afghanistan ở tỉnh Helmand, giới chức địa phương nói.
Vụ tấn công xảy ra khi lực lượng an ninh Afghanistan đang tấn công nhằm đẩy các chiến binh Taliban ra khỏi một ngôi làng, phát ngôn viên của cảnh sát nói với hãng tin AFP.
Tấn công căn cứ quân sự Afghanistan làm 100 lính chết
Lính Afghanistan xả súng vào quân đội nước ngoài
Chúng tôi muốn bày tỏ sự chia buồn sâu sắc nhất với các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự kiện không may nàyTuyên bố của Nato
Kabul: nổ bom ở đám tang, 4 người chết
Đánh bom tại Kabul: Ít nhất 80 người thiệt mạng
Nato đã thừa nhận vụ việc, nhưng không nêu chi tiết số người Afghanistan thiệt mạng và hứa sẽ điều tra.
Các cuộc không kích của Hoa Kỳ là một phần của sứ mệnh của Nato nhằm hỗ trợ các lực lượng Afghanistan chống lại Taliban.
Vụ việc mới nhất xảy ra vào chiều thứ Sáu, 21/7/2017 ở huyện Gereshk.
“Trong cuộc đình công, 16 cảnh sát Afghanistan đã thiệt mạng trong đó có hai chỉ huy, hai cảnh sát khác bị thương”, phát ngôn viên cảnh sát Helmand Salam Afghanistan nói với AFP.
‘Chia buồn sâu sắc’
Một tuyên bố của Nato nói:
“Trong một cuộc hành quân của các lực lượng an ninh Afghanistan do quân Mỹ hậu thuẫn, hỏa lực trên không đã dẫn đến cái chết của các lực lượng Afghanistan thân thiện đang tập hợp tại một khu phức hợp.
“Chúng tôi muốn bày tỏ sự chia buồn sâu sắc nhất với các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự kiện không may này.”
Trong một diễn biến riêng rẽ, tin cho hay đã xảy ra nhiều thương vong sau khi Taliban phục kích một cuộc tuần tra của cảnh sát ở tỉnh Badakhshan, ở mạn đông bắc nước này.
Một số tin tức nói ít nhất 10 nhân viên cảnh sát đã thiệt mạng trong khi giới chức địa phương đưa con số này lên tới 35.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40691588
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc
thăm Philippines trước thượng đỉnh ASEAN
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, vào ngày 25 tháng 7 tới đây sẽ sang thăm Philippines, chỉ 10 ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại nước này.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết như vừa nêu vào ngày 21 tháng 7; theo đó Manila và Bắc Kinh sẽ ký kết một Biên bản Ghi nhớ nhân chuyến thăm của ông Vương Nghị sắp tới. Tuy nhiên cơ quan ngoại giao này của chính phủ Manila không cho biết cụ thể hai phía ghi nhớ về điều gì.
Sau đó từ ngày 5 tháng 8, Philippines, nước chủ nhà của ASEAN năm nay, sẽ chủ trì những hội nghị cấp cao trong đó có Thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN.
Ngoài những bộ trưởng ngoại giao của 10 nước ASEAN, đại diện các quốc gia đối tác của khối này cũng đến tham dự. Đó là các nước Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Hoa Kỳ.
Trung Quốc muốn duy trì động lực từ kỳ họp ASEAN vào tháng tư vừa qua khi mà tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, trong thông cáo của nước hiện là chủ tịch ASEAN năm nay, khen ngợi mối quan hệ được cải thiện giữa khối này với Trung Quốc. Lúc đó ông Duterte bỏ qua chỉ trích hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo mang tính chiến lược và công tác quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông.
Kể từ khi lên nhậm chức vào giữa năm ngoái, tổng thống Rodrigo Duterte đẩy mạnh quan hệ với phía Trung Quốc. Hai phía tiến hành nhiều cuộc gặp cấp cao mà dưới thời của vị tiền nhiệm Benigno Aquino hiếm thấy diễn ra.
Vụ kiện đường đứt khúc chín đoạn mà Trung Quốc vạch ra nhằm tuyên bố chủ quyền gần như trọn Biển Đông được Philippines khởi sự dưới thời cựu tổng thống Benigno Aquino.
Vào tháng 10 năm ngoái, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế PCA ở La Haye ra phán quyết có lợi cho Manila. Tuy nhiên, đương kim tổng thống Rodrigo Duterte tỏ ra mong muốc gác phán quyết đó qua một bên nhằm tìm kiếm hỗ trợ kinh tế từ phía Trung Quốc.
Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với 4 quốc gia thuộc khối ASEAN gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Tòa Thái Lan
sẽ tuyên án cựu thủ tướng Yingluch vào tháng tới
Tòa tối cao Thái Lan sẽ ra phán quyết đối với vụ án cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra vào ngày 25 tháng 8. Mức án được tuyên có thể lên đến 10 năm tù giam.
Hãng tin AFP vào ngày 21 tháng 7 loan tin rằng Tòa Tối cao cho biết vào ngày 1 tháng 8 sắp tới bản thân bà Yingluck có thể tự bào chữa để rồi mức án giành cho bà được tuyên vào ngày 25 tháng 8.
Bà Yingluck bị cáo buộc là thiếu trách nhiệm không ngăn chặn tình trạng tham nhũng trong việc thực hiện chính sách trợ giá gạo, làm thất thoát hàng tỉ đô la ngân sách. Những người ủng hộ bà Yingluck cho biết vụ án này do chính quyền quân sự đã lật đổ bà năm 2014 dựng nên với quyết tâm xoá sổ hoàn toàn gia tộc giàu có của bà khỏi chính trường Thái Lan.
Không chỉ bà Yingluck mà anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đều là những mục tiêu mà chính quyền quân sự muốn triệt hạ. Ông Thaksin, bị truất quyền thủ tướng trong một cuộc đảo chánh năm 2006 và trốn khỏi Thái Lan vì những cáo buộc tham nhũng.
Vào ngày 21 tháng 7, bà Yingluck xuất hiện trước tòa với chừng 500 người ủng hộ bà mang theo hoa hồng và bong bóng. Bà này đã khóc trước tình cảm mà những người đến ủng hộ dành cho bà.
WaPo: Tình báo cho thấy Sessions
có bàn về chính sách với Đại sứ Nga
Báo The Washington Post loan tin đại sứ Nga tại Mỹ đã báo cáo với cấp trên của ông ở Moscow rằng ông đã thảo luận những vấn đề liên quan đến chiến dịch tranh cử với Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions trong đợt vận động tranh cử tổng thống vào năm ngoái, trái với những gì mà ông Sessions từng tuyên bố công khai.
Tờ Post dẫn nguồn tin là “các quan chức Mỹ hiện nhiệm và tiền nhiệm” trong bài báo của mình cho biết rằng các nhân viên tình báo Mỹ đã chặn giữ được những liên lạc của Đại sứ Sergey Kislyak gửi về cho cấp trên của ông ta nói về các cuộc gặp gỡ với ông Sessions.
Tổng thống Donald Trump đả kích việc rò rỉ thông tin mật này trên Twitter rạng sáng thứ Bảy, nói rằng những vụ rò rỉ “phải dừng lại.”
Ông Sessions khai trong phiên điều trần chuẩn thuận chức bộ trưởng Tư pháp hồi tháng 2 trước Thượng viện rằng ông không nhớ có bất kỳ liên lạc nào với các quan chức Nga trong khi giữ vai trò cố vấn chính sách đối ngoại cho ông Trump vào năm ngoái.
Vào tháng 3, tin tức tiết lộ ông Sessions đã gặp ông Kislyak ít nhất hai lần: một lần vào tháng 4 năm 2016 trước khi Donald Trump, khi đó là ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa, có bài diễn văn về chính sách đối ngoại, và một lần khác vào tháng 7 năm 2016 bên lề Đại hội Đảng Cộng hòa Toàn quốc.
Vào thời điểm đó, ông Sessions sửa lại phát biểu của mình trước đó, nói rằng họ có gặp gỡ nhưng không bàn về chuyện tranh cử của ông Trump trong những lần tiếp xúc, và ông đã tự rút lui khỏi cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử.
Tờ Post dẫn lời một quan chức Mỹ nói rằng ông Sessions đã đưa ra những phát biểu “gây ngộ nhận” và “mâu thuẫn với những bằng chứng khác.” Một cựu quan chức cho tờ Post biết ông Sessions và ông Kislyak đã có những cuộc thảo luận “có thực chất,” bao gồm lập trường của ông Trump về những vấn đề ảnh hưởng đến Nga và mối quan hệ giữa Mỹ và Nga sẽ ra sao dưới chính quyền Trump.
Tờ Post đưa tin “các quan chức Mỹ hiện nhiệm và tiền nhiệm” nói rằng các câu trả lời của ông Sessions khác với những gì mà ông Kislyak trình bày với cấp trên của mình. Các quan chức này nhấn mạnh rằng đại sứ Nga có thể đã cố tình nói sai để tung hỏa mù nếu ông ta nghi ngờ mình đang bị tình báo Mỹ theo dõi.
Khi được liên lạc để đưa ra bình luận, phát ngôn viên Bộ Tư pháp Sarah Isgur Flores nói trong một thông cáo: “Rõ ràng tôi không thể bình luận về độ tin cậy của những gì mà những nguồn tin ẩn danh mô tả trong một tài liệu chặn giữ tình báo hoàn toàn không được xác chứng mà The Washington Post chưa nhìn thấy và chưa được cung cấp cho tôi.”
Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats được đặt hỏi về bài báo này vào cuối ngày thứ Sáu trong khi đang dự Hội nghị An ninh Aspen ở bang Colorado. Ông nói, “Tôi đã nhìn thấy hàng tít … Tôi giờ chẳng còn tin những hàng tít hay tin mới nhận nữa.”
Đại sứ Kislyak là một nhân tố khiến cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn bị sa thải. Ông Flynn rời chức vào tháng 2 sau khi lộ tin ông ta đã có những cuộc trò chuyện với ông Kislyak về chính sách của Mỹ đối với Nga. Trước đó ông ta đã công khai nói rằng không có cuộc trò chuyện nào như vậy diễn ra.
Nhưng thông tin về các cuộc trò chuyện của ông Flynn với ông Kislyak là dựa trên những đoạn ghi âm các cuộc trò chuyện qua điện thoại do các nhân viên tình báo Mỹ thu được, cho họ bằng chứng hai người nói về chuyện gì. Trong trường hợp ông Sessions, thông tin chỉ dựa trên những gì mà ông Kislyak kể lại.
Đầu tuần này, Tổng thống Trump đã có một cuộc phỏng vấn với báo The New York Times, trong đó ông tỏ ra bực bội về ông Sessions vì ông này rút lui khỏi cuộc điều tra về Nga. Ông Trump cũng nói rằng ông Sessions đưa ra “những câu trả lời tồi” về những tiếp xúc của ông ta với các quan chức Nga trong phiên điều trần chuẩn thuận. Những phát biểu này của ông Trump khơi lên suy đoán rằng ông Sessions có thể bị yêu cầu từ chức.
Hôm thứ Bảy, ông Trump nêu ra thêm những câu hỏi về công việc của ông Sessions trong tư cách bộ trưởng tư pháp, hỏi rằng tại sao ông ta không điều tra những giao tiếp giữa những người đồng sự của ứng cử viên tổng thống thất cử Đảng Dân chủ, Hillary Clinton, với chính phủ Nga và việc cựu giám đốc FBI James Comey rò rỉ những ghi chú của ông về những lần tiếp xúc với ông Trump.
Mueller yêu cầu bảo lưu tài liệu về cuộc gặp của Trump Jr.
Công tố viên đặc biệt điều tra sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump với Nga yêu cầu các quan chức Tòa Bạch Ốc bảo lưu bất cứ tài liệu nào về cuộc gặp gỡ vào năm ngoái giữa con trai cả của Tổng thống với một luật sư người Nga, một nguồn tin biết về yêu cầu này nói với hãng tin Reuters.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã gửi yêu cầu bảo lưu tài liệu tới Tòa Bạch Ốc rằng cuộc gặp gỡ vào tháng 6 năm 2016 giữa Donald Trump Jr. tại tòa nhà Trump Tower ở thành phố New York có liên quan đến cuộc điều tra của ông Mueller, nguồn tin này cho biết hôm thứ Sáu.
Văn phòng luật sư của Tòa Bạch Ốc đã chuyển yêu cầu này, một phần thông thường trong giai đoạn đầu của bất cứ cuộc điều tra nào, cho những nhân viên khác của Tòa Bạch Ốc hôm thứ Tư, nguồn tin cho hay.
Tin tức hồi đầu tháng này về cuộc gặp giữa con trai ông Trump với một luật sư người Nga, người được nói là có thông tin gây tổn hại về đối thủ Hillary Clinton bên Đảng Dân chủ, đã khơi lên nghi vấn về những giao tiếp giữa ban vận động của ông Trump với Moscow. Tổng thống Đảng Cộng hòa đã bênh vực cuộc gặp gỡ của con trai là một hoạt động chính trị bình thường.
Ông Mueller, được Bộ Tư pháp bổ nhiệm vào tháng 5, đang điều tra sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ 2016, theo cáo buộc, và khả năng ban vận động Trump có thông đồng, một vấn đề đã làm lao đao chính quyền mới đi vào hoạt động được sáu tháng này.
Ông Trump từ lâu đã tỏ ra bực bội về cuộc điều tra mà ông gọi cuộc săn lùng phù thủy, và đã phủ nhận bất cứ sự thông đồng nào. Moscow cũng phủ nhận họ can dự vào chiến dịch bầu cử để tìm cách nghiêng cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2016 về phía có lợi cho ông Trump.
Những tài liệu cần bảo lưu bao gồm email, tin nhắn, thư thoại, ghi chú hoặc hồ sơ. Ông Mueller đang tìm kiếm bất kỳ chỉ dấu nào cho thấy Tổng thống có biết về cuộc gặp của con trai với luật sư Nga và có thể đã gợi ý chủ đề thảo luận, nguồn tin cho hay.
Mỹ nhắn Iran: Thả công dân Mỹ hay lãnh hậu quả
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh cáo Iran phải phóng thích cho tất cả công dân Mỹ đang bị giam cầm phi lý được hồi hương, bằng không sẽ lãnh thêm ‘hậu quả nghiêm trọng,’ theo thông cáo từ Tòa Bạch Ốc ngày 21/7.
Ông Trump cụ thể thúc giục Iran trao trả Robert Levinson, một cựu nhân viên chấp pháp bị mất tích hơn 10 năm trước tại Iran, đồng thời yêu cầu Tehran trả tự do cho doanh nhân Siamak Namazi cùng thân phụ là Baquer.
Thứ ba tuần này, Washington ban hành các biện pháp chế tài mới với Iran vì chương trình phi đạn đạn đạo của nước.
Những trừng phạt đó cho thấy chính quyền Trump đang tìm cách gia tăng áp lực lên Iran trong khi vẫn duy trì thỏa thuận giữa Tehran với 6 cường quốc thế giới để ngăn chương trình hạt nhân đổi lấy việc dỡ bỏ chế tài tài chính và dầu khí quốc tế.
Thông cáo hôm nay của Tòa Bạch Ốc nói chính quyền Mỹ đang tăng đôi nỗ lực để đưa tất cả công dân Mỹ đang bị giam cầm ở hải ngoại về nước.
Tòa án Iran tuyên phạt Siamak Namazi 46 tuổi và thân phụ Baquer Namazi 80 tuổi mỗi người 10 năm tù về tội danh làm gián điệp và cộng tác với Mỹ.
Iran bắt Siamak hồi tháng 10 năm 2015 khi anh này về thăm gia đình. Cha anh bị bắt vào tháng hai năm ngoái.
Ông Robert Levinson mất tích tại Iran vào năm 2007 và chính phủ Mỹ đã rao giải thưởng 5 triệu đô la cho ai cung cấp thông tin dẫn tới việc đưa Levinson về nước an toàn.
Hôm chủ nhật, Iran loan báo một tòa án của họ đã tuyên phạt sinh viên Xiyue Wang người Mỹ gốc Hoa thuộc đại học Princeton 10 năm tù về tội gián điệp.
Tòa Bạch Ốc khuyến cáo “Iran phải chịu trách nhiệm cho sự an sinh của mỗi một công dân Mỹ mà họ bắt giữ.”
https://www.voatiengviet.com/a/my-nhan-iran-tha-cong-dan-my-hay-lanh-hau-qua-/3954299.html
Túi của phi hành gia Armstrong thu về triệu đô
Túi của nhà du hành vũ trụ Mỹ Neil Armstrong chứa những mẫu đất đá đầu tiên từ mặt trăng đem về trái đất vừa được bán với giá 1,8 triệu đô la tại một phiên đấu giá ở New York ngày 21/7, kỷ niệm 48 năm ngày con người lần đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ huyền bí của chị Hằng.
Chiếc túi này nhiều năm nay không ai để ý đến, được cất giữ trong một chiếc hộp tại Trung tâm Không gian Johnson ở thành phố Houston, bang Texas, và vừa được một ai đó không muốn nêu tên trả giá qua điện thoại, công ty đấu giá Sotheby’s cho biết.
Thoạt đầu, các nhà đấu giá hy vọng sẽ thu được từ 2 đến 4 triệu Mỹ kim từ chiếc túi này.
Đây là đồ vật có giá trị đấu giá cao nhất trong số các ‘kỷ vật’ từ mặt trăng trở về, trong đó có bộ trang phục của phi hành gia Mỹ, Gus Grissom, bán được 43,750 đô la.
Phi hành gia Armstrong cùng các bạn đồng nghiệp trên phi thuyền Apollo 11 trở lại mặt đất hồi tháng 7 năm 1969. Trong nhiều chục năm qua, không ai đoán được ‘số phận’ và giá trị của chiếc túi có kích cỡ 30x22cm mang tên ‘Mẫu vật từ Mặt trăng’ này. Sau khi biến mất khỏi Trung tâm Johnson, chiếc túi được tìm thấy trong nhà xe của ông Max Ary, quản lý một viện bảo tàng ở Kansas. Ông Ary bị kết án ăn cắp chiếc túi này vào năm 2014, theo hồ sơ tòa án.
Chiếc túi sau đó được thu lại và đưa ra đấu giá 3 lần, nhưng không ai chịu mua. Đến năm 2015, một luật sư tên là Nancy Lee Carlson ở Chicago trả 995 đô la và trở thành chủ nhân của ‘chiếc túi vàng.’
Nữ luật sư này gửi chiếc túi đến NASA nhờ kiểm định xem có phải là túi thiệt hay túi giả. Khi kết quả phân tích cho thấy đúng là chiếc túi của Armstrong với những dấu vết đất đá còn nguyên bên trong, cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ đã quyết định thu hồi, không trả lại cho luật sư Carlson.
Tuy nhiên, bà Carlson đã thắng kiện NASA và lấy lại được chiếc túi.
Sự chú ý của công luận từ vụ kiện của nữ luật sư Carlson đã khiến nhiều người ao ước được sở hữu chiếc túi này và đó cũng là lý do mà bà Carlson quyết định mang ra bán đấu giá.
Những người chỉ trích nói rằng đây là một hiện vật của lịch sử không gian, nên được đưa vào viện bảo tàng để cả thế giới được chiêm ngưỡng thay vì bị mang ra đấu giá thu lợi cá nhân.
https://www.voatiengviet.com/a/tui-cua-phi-hanh-gia-armstrong-thu-ve-trieu-do-/3954296.html
Tổng thống Indonesia lệnh bắn hạ kẻ buôn ma túy
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã hạ lệnh cho các nhân viên thực thi công lực bắn hạ những kẻ buôn lậu ma túy giữa lúc nước này đang phải đối mặt với vấn nạn ma túy.
“Hãy cứng rắn, nhất là đối với những kẻ buôn lậu ma túy nước ngoài xâm nhập vào nước ta và kháng cự lệnh bắt giữ. Hãy bắn chúng vì chúng ta hiện trong tình thế nguy cấp về ma túy”, ông Widodo nói cuối ngày 21/7.
Theo Reuters, phát biểu của nguyên thủ Indonesia đã khiến nhiều người so sánh với chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát động một năm trước.
Cuộc chiến không khoan nhượng của ông Duterte đã vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên Hiệp Quốc.
Indonesia hiện cũng thực thi các luật lệ cứng rắn liên quan tới ma túy. Ông Widodo từng bị chỉ trích vì lệnh hành hình những kẻ buôn lậu ma túy đã bị tòa kết tội chết. Các nhà hoạt động và nhiều chính phủ đã kêu gọi Indonesia bãi bỏ án tử hình.
Lệnh bắn hạ của ông Widodo được đưa ra một tuần sau khi cảnh sát Indonesia bắn chết một người đàn ông Đài Loan tại một thị trấn gần thủ đô Jakarta vì chống lệnh bắt sau khi bị phát hiện buôn lậu ma túy.
Trung Quốc ‘dò la’ cuộc tập trận ba bên ở Úc
Một tàu do thám của Trung Quốc đã bị phát hiện ở ngoài khơi duyên hải Australia gần nơi tiến hành cuộc tập trận chung giữa Mỹ, New Zealand và Australia.
Reuters dẫn lời Bộ Quốc phòng Úc cho biết hôm 22/7 rằng một tàu thu thập dữ liệu tình báo của hải quân Trung Quốc hoạt động ở ngoài khơi bờ biển đông bắc trong khi cuộc thao dượt có tên gọi Talisman Sabre đang diễn ra.
Thông cáo của Bộ này nói rằng sự hiện diện của tàu do thám trên “không làm giảm các mục tiêu của cuộc tập trận”.
Nhưng các quan chức quốc phòng Úc nói với hãng phát thanh và truyền hình ABC rằng động thái trên mang tính “khiêu khích” và phát đi một thông điệp “thiếu thân thiện”.
Hơn 30 nghìn binh sĩ của Mỹ, New Zealand và Australia đang tham dự cuộc tập trận chung dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng Bảy.
Reuters nhận định rằng việc Trung Quốc gia tăng sự hiện diện quân sự, nhất là trên Biển Đông, đang gây căng thẳng với các nước láng giềng.
Mỹ và Australia thời gian qua đã chỉ trích việc Bắc Kinh bồi đắp các đảo nhân tạo và quân sự hóa vùng biển tranh chấp với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-do-la-cuoc-tap-tran-ba-ben-o-australia/3954916.html
Thượng viện Ba Lan
thông qua luật cải tổ Tòa án Tối cao gây tranh cãi
Thượng viện của Ba Lan đã thông qua một đạo luật mới gây tranh cãi ngang như một cuộc cải tổ lớn đối với Tòa án Tối cao.
Các nhà lập pháp – biểu quyết 55-23, với hai người không biểu quyết – thông qua dự luật này vào thứ Bảy, bất chấp chỉ trích của Liên minh Châu Âu và các cuộc biểu tình của hàng ngàn người ở Warsaw và các thành phố khác trên khắp đất nước.
Tổng thống Andrzej Duda, một đồng minh của đảng đương quyền bảo thủ Pháp luật và Công lý, có 21 ngày để ký hoặc phủ quyết dự luật. Ông phải ký thì dự luật mới trở thành luật mang tính ràng buộc.
Các nhà lãnh đạo EU và những người chỉ trích ở Ba Lan nói rằng luật này sẽ làm suy yếu những kiểm soát và cân bằng của nền dân chủ, giết chế sự độc lập tư pháp và đe dọa nền pháp trị ở nước thành viên Đông Âu lớn nhất của EU.
Các nhà phân tích chính trị nói rằng luật này là một bước mới của chính phủ Ba Lan tiến tới nền cai trị độc tài.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một thông cáo: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên bảo đảm rằng bất kỳ cải cách tư pháp nào không vi phạm hiến pháp của Ba Lan hay các nghĩa vụ pháp lý quốc tế và tôn trọng các nguyên tắc độc lập tư pháp và phân lập quyền lực.”
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, cựu thủ tướng Ba Lan, nói với đài TVN24 của Ba Lan rằng ông “hơi thất vọng” ông Duda đã không nhận lời mời nói về luật gây tranh cãi này.
Luật sư Nga trong vụ Trump Jr.
từng đại diện cơ quan tình báo Nga
Luật sư người Nga từng gặp con trai Tổng thống Donald Trump sau khi ông Trump được Đảng Cộng hòa đề cử làm ứng viên Tổng thống 2016 từng bảo vệ pháp lý cho Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) trong nhiều năm, theo những văn kiện tòa án Nga mà hãng tin Reuters ghi nhận.
Tài liệu cho thấy luật sư Natalia Veselnitskaya đã đại diện thành công những lợi ích của FSB trong một tranh chấp pháp lý về quyền sở hữu một tòa nhà đắt tiền ở tây bắc Moscow trong khoảng thời gian từ năm 2005 tới năm 2013.
FSB, tiền thân là cơ quan tình báo KGB thời Xô Viết, từng do Vladimir Putin lãnh đạo trước khi ông trở thành Tổng thống Nga.
Không có gợi ý nào cho thấy bà Veselnitskaya là nhân viên của chính phủ hay cơ quan tình báo Nga, và bà đã phủ nhận sự dính líu tới Điện Kremlin.
Tuy nhiên, việc bà từng đại diện cho FSB trong một vụ án có thể khơi lên nghi vấn nơi một số chính trị gia ở Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Obama năm ngoái chế tài FSB về điều mà họ nói là vai trò của cơ quan này trong vụ tấn công tin tặc nhắm vào cuộc bầu cử, điều mà Nga một mực bác bỏ. Charles Grassley, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa và là chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, đã nêu lên những lo ngại về việc bà Veselnitskaya được phép nhập cảnh Mỹ.
Reuters cho biết bà Veselnitskaya không trả lời câu hỏi qua email về những việc bà làm cho FSB. FSB không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Vụ kiện của FSB, Reuters không truy được nguyên đơn là ai và kiện lúc nào. Vụ này khởi sự ít nhất là từ năm 2003. Nhưng những tài liệu kháng cáo cho thấy Rosimushchestvo, cơ quan quản lý tài sản chính phủ liên bang của Nga, có dính líu. Cơ quan này không hồi đáp ngay tức thì yêu cầu bình luận.
Bà Veselnitskaya và công ty Kamerton Consulting của bà đại diện “đơn vị quân đội 55002” trong vụ tranh chấp tòa nhà, các tài liệu cho thấy.
Một danh sách công khai các thực thể hợp pháp của Nga cho thấy FSB, cơ quan tình báo nội địa của Nga, thành lập đơn vị quân đội này mà địa chỉ hợp pháp nằm sau trụ sở chính của FSB.
Reuters nói họ không thể xác minh liệu bà Veselnitskaya có làm bất kỳ công việc nào khác cho FSB hay không. Cũng không thể xác minh được ai hiện đang cư trú trong tòa nhà này.
Con trai cả của Tổng thống Donald Trump vào tháng 6 năm 2016 hăm hở đồng ý gặp bà Veselnitskaya. Ông Donald Trump Jr. được cho biết rằng bà này là một luật sư của chính phủ Nga và có thể có thông tin gây tổn hại về ứng cử viên Tổng thống bên Đảng Dân chủ, tức bà Hillary Clinton, theo những email mà Trump Jr. công bố.
Bà Veselnitskaya nói bà là luật sư tư nhân và chưa bao giờ nhận được thông tin gây tổn hại về bà Clinton. Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Điện Kremlin, nói bà này “không liên quan gì đến chúng tôi.”
Bà Veselnitskaya cũng tuyên bố sẵn sàng khai chứng trước Quốc hội Mỹ để xóa tan điều mà bà gọi là “sự cuồng loạn tập thể” về cuộc gặp với con trai Tổng thống Trump.
Mỹ thúc giục Miến cắt đứt quan hệ quân sự với Triều Tiên
Quân đội Miến Điện vẫn duy trì các mối quan hệ với Bắc Triều Tiên dù chính phủ Miến khẳng định không hề có sự hợp tác quân sự với Bình Nhưỡng và Mỹ đang thúc giục Miến phải ngưng hoàn toàn tất cả những liên hệ còn lại với Bình Nhưỡng, theo nguồn tin từ các giới chức đương nhiệm lẫn hồi hưu của Mỹ.
Washington đã nêu rõ quan điểm của mình với lãnh đạo Aung San Suu Kyi và Tướng cao cấp của quân đội Miến Min Aung Hlaing trong chuyến công du của đặc sứ Mỹ về vấn đề Triều Tiên trong tuần này.
Chuyến đi của đại sứ Joseph Yun tới Miến cho thấy Mỹ vẫn tiếp tục quan ngại về các mối liên lạc giữa Miến Điện với Triều Tiên từ các thập niên Miến Điện còn do quân đội cai trị, theo một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 21/7.
“Đây là cơ hội để nhắn gửi rằng bất kỳ giao tiếp nào với Bình Nhưỡng, đặc biệt là giao lưu quân sự, đều đi ngược lại với nỗ lực chấm dứt mối đe dọa mà Bắc Triều Tiên đề ra cho khu vực và thế giới,” giới chức không nêu tên cho Reuters biết.
Tòa đại sứ Miến Điện tại Mỹ chưa bình luận về việc này.
Miến Điện khẳng định các thỏa thuận mua bán quân sự và các mối quan hệ quân sự trong quá khứ với Bình Nhưỡng đã chấm dứt trước quá trình chuyển tiếp dân chủ của Miến vào năm 2011.
Người ta tin rằng trước đây Miến Điện từng nhập khẩu võ khí do Bắc Triều Tiên sản xuất và nhân sự của Bình Nhưỡng cũng làm việc tại Miến.
Bộ Ngoại giao Mỹ không loại khả năng áp đặt thêm các biện pháp chế tài với Miến có liên hệ tới Bắc Triều Tiên.
Giới chức Mỹ nói Mỹ và Miến chưa thể tiến tới bình thường hóa quan hệ hoàn toàn trừ phi Washington yên tâm là Miến đã cắt đứt mọi mối quan hệ với Bình Nhưỡng.
Xì căng đan
cản nỗ lực của Thủ Tướng Abe xét lại Hiến pháp chủ hòa Nhật
Mức ủng hộ dành cho Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang giảm sút, và sự thất bại của đảng của ông trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố Tokyo mới đây, đã tác động tới mục tiêu bấy lâu của ông, là tái xét hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản, cho dù ông vẫn nắm trọn quyền hành trong tay, tại thời điểm này.
Nhà phân tích an ninh khu vực Grant Newsham thuộc Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược ở Tokyo nói:
“Tôi không biết liệu nỗ lực này đã chết chưa nhưng ít ra rất khó để xảy ra so với cách đây vài tuần lễ.”
Xì căng đan
Cho tới hồi gần đây, ông Shinzo Abe, người lên nắm quyền từ năm 2012, vẫn được ủng hộ rộng rãi, phần lớn nhờ những biện pháp cải cách kinh tế có lợi cho kinh doanh của ông để vực dậy một nền kinh tế trì chậm từ lâu.
Đảng Dân chủ Tự do (LPV) theo trường phái bảo thủ của ông và liên minh cầm quyền cũng nắm thế đa số tại lưỡng viện quốc hội Nhật Bản, người Nhật gọi là Diet.
Nhưng mức ủng hộ rộng rãi dành cho nhà lãnh đạo Nhật Bản mới đây đã sụt giảm xuống còn 36% trong một cuộc thăm dò toàn quốc vì những cáo buộc rằng ông đã giúp một người bạn được quyền sử dụng đất miễn phí cùng với giấy phép để thành lập một trường thú y, và tin tức theo đó vợ ông đã bí mật đóng góp tài chính cho một trường mầm non có tinh thần dân tộc cực đoan bị tố cáo là cổ vũ cho nạn kỳ thị chống người Trung Quốc và Triều Tiên.
Thủ Tướng Abe bác bỏ những lời tố cáo đó, nhưng nhận thức về nạn bè đảng và tham nhũng đã làm tổn thương nghiêm trọng uy tín của ông trước con mắt công chúng.
Koichi Nakano, Giáo sư môn Khoa học Chính trị của Đại học Sophia ở Tokyo nói:
“Lý do số 1 tại sao ông Abe không được ủng hộ nữa là bởi vì người ta thấy ông không đáng tin cậy.”
Trưng cầu dân ý về hiến pháp
Công chúng Nhật Bản vẫn chia rẽ về đề nghị của ông Abe muốn sửa đổi Điều 9 trong hiến pháp hậu Thế chiến thứ Hai, cấm Nhật Bản tham gia chiến tranh để giải quyết các cuộc tranh chấp quốc tế có liên quan tới nhà nước.
Phe bảo thủ muốn nới lỏng những hạn chế đối với quân đội để chống trả những mối đe dọa tiềm tàng từ các nước như Trung Quốc và Bắc Hàn, là những nước đang tăng cường các khả năng quân sự và hạt nhân của họ.
Hoa Kỳ ủng hộ Nhật đóng một vai trò nổi bật hơn để duy trì an ninh khu vực.
Những người ủng hộ hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản thì lập luận rằng hủy bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ lực quân sự sẽ khiến Nhật Bản vướng mắc vào các cuộc xung đột quốc tế, mà phần lớn là để hậu thuẫn đồng minh Hoa Kỳ.
Trung Quốc và các nước khác ở Châu Á từng chịu đựng nhiều gian khổ khi bị Nhật Bản chiếm đóng trong Thế Chiến thứ Hai, cũng phản đối bất kỳ sự thay đổi nào đối với hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản.
Đề xuất của ông Abe là một thỏa hiệp để duy trì Điều 9 Hiến pháp, từ bỏ quyền phát động chiến tranh, nhưng sẽ ghi thêm một điều khoản nhằm hợp pháp hóa Lực lượng Tự vệ Nhật Bản.
Một số nhà phân tích quân sự nói rằng những thay đổi hiến pháp do ông Abe đề xuất chỉ là những thay đổi nhỏ, họ cũng kêu gọi tăng chi tiêu quân sự một cách đáng kể để Nhật Bản có thể đối phó với các mối đe dọa đang ngày càng tăng trong khu vực.
Vào tháng 5, ông Abe nói ông muốn thông qua một tu chính án để sửa đổi Điều 9 trong hiến pháp trước năm 2020.
Liên minh cầm quyền của ông có thể đoạt 2/3 số phiếu ủng hộ cần thiết để thông qua đề nghị sửa đổi hiến pháp. Nhưng muốn đổi hiến pháp cần phải có một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc, với đa số phiếu ủng hộ biện pháp này, điều mà giờ khó có thể trở thành hiện thực, xét tỷ lệ ủng hộ Thủ Tướng Abe đang sút giảm theo các cuộc thăm dò công chúng.
Ông Newsham nói:
“Theo tôi, cơ may thành công của ông Abe tại thời điểm hiện không mấy tốt. Và ông sẽ phung phí một số vốn chính trị, nếu ông muốn xem đó như mục tiêu hàng đầu của ông. Tôi nghĩ đó sẽ là một sai lầm.”
Đối thủ chính trị
Sau chiến thắng của đảng Tomin First No Kai (còn gọi là Tokyoites First) của Thống đốc Tokyo Yuriko Koike, đánh bại đảng LDP của ông Abe trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố hồi tháng 7, bà Koike được nhiều người xem như một đối thủ đang nổi lên trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2018.
Đảng của Thống đốc Koike giành được 79 trong tất cả 127 ghế tại hội đồng địa phương, giảm số ghế của đảng LDP từ 57 xuống còn 23 ghế.
Thống đốc Koike là một cựu Bộ trưởng Quốc phòng của đảng LDP, bà ủng hộ các chính sách bảo thủ về an ninh quốc gia và kinh tế.
Đảng Dân chủ đối lập theo đường lối tự do đã nắm giữ quyền lực từ năm 2009 đến năm 2012, nhưng đã không đạt được bất kỳ thành tựu chính trị quan trọng nào – bất chấp những vụ tai tiếng mà ông Abe bị cáo buộc, và lập trường gây tranh cãi của ông Abe ủng hộ một lực lượng quân sự chủ động và ủng hộ năng lượng hạt nhân sau cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima hồi năm 2011.
Ông Rudd Dujarric, giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á Đương đại tại Đại học Temple, Tokyo nói: “Phe đối lập gần như đã chết, vì vậy đối với các mục đích thực tế, chẳng có gì khác.
Mãi cho đến gần đây, ông Abe được dự đoán sẽ thắng cử để có thêm một nhiệm kỳ ba năm thứ ba, để lãnh đạo đảng LDP và tiếp tục giữ chức thủ tướng, nhưng khả năng đó không còn chắc chắn.
Các nhà phân tích cho rằng trong tình hình chính đảng của ông vẫn chiếm đa số lớn tại Quốc hội cho tới cuộc bầu cử năm 2018, vị trí của Thủ Tướng Abe không gặp nguy cơ trong tức thòi, mặc dù chính phủ của ông có thể gặp khó khăn trong việc đẩy mạnh chương trình nghị sự bảo thủ của ông.
Anh Quốc: Phụ nữ đầu tiên đứng đầu Tòa Án Tối Cao
Phủ thủ tướng Anh ngày 21/07/2017 loan báo : Nữ nam tước Brenda Hale – Lady Hale – đã được đề cử làm chánh án Tòa Án Tối Cao, định chế tư pháp cao nhất vương quốc. Thẩm phán 72 tuổi này sẽ nhậm chức vào tháng 10 tới đây.
Thông tín viên RFI tại Luân Đôn, Murielle Delcroix phác họa chân dung người phụ nữ đầu tiên được cử vào chức vụ trọng yếu này :
« Là thẩm phán có tiếng tăm, đối với bà Brenda Hale, đây không phải sự kiện lẫy lừng đầu tiên : Bà đã từng là nữ thẩm phán đầu tiên vào Thượng Viện Anh năm 2004, rồi trở thành phụ nữ đầu tiên được cử vào Tòa Án Tối Cao năm 2009.
Người phụ nữ được phong làm nữ nam tước Hale de Richmond là một người đi tiên phong, rất được kính nể vì những quyết định đúng đắn cũng như những cải cách tư pháp của bà trong lãnh vực bảo vệ trẻ em hay chống bạo hành gia đình.
Nhưng Lady Hale cũng nổi tiếng với cách nói năng thẳng thắn : Bà đã chỉ trích hệ thống đề cử trong ngành tư pháp thường ưu tiên chọn nam giới, người da trắng, xuất thân từ giới khá giả trong ngành.
Những số liệu gần đây nhất cho thấy là bà có lý : Chỉ có 28% thẩm phán là phụ nữ, và chỉ có 7% là người thuộc các nhóm thiểu số. Cho nên Lady Hale tỏ quyết tâm tăng cường đấu tranh để khuyến khích sự đa dạng…
Trong khi chờ đợi, sau thông báo việc đề cử, tân chánh án Tòa Án Tối Cao tuyên bố « rất vinh hạnh » và sẵn sàng « đảm nhận thách thức » trong bối cảnh định chế tư pháp tối cao này sẽ có một vai trò then chốt trong việc thực thi một số khía cạnh của Brexit, nhất là luật bãi bỏ, tức là luật thay đổi luật lệ Châu Âu thành luật quốc gia.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170722-anh-quoc-mot-phu-nu-duoc-de-cu-dung-dau-toa-an-toi-cao
Mỹ : Cảnh sát trưởng Minneapolis
từ chức sau vụ một phụ nữ Úc bị bắn chết
Cảnh sát trưởng Minneapolis hôm qua, 21/07/2017, đã từ chức, sáu ngày sau vụ một phụ nữ Úc bị một nhân viên công lực bắn chết tại thành phố này.
Bà Justine Damond, 40 tuổi, giáo viên môn yoga và thiền, tối 15/7 sau khi gọi số điện thoại khẩn cấp 911 để báo tin một vụ tấn công tại một con ngõ gần nhà, đã bị một trong hai cảnh sát viên đến can thiệp bắn chết.
Theo chính quyền, khi bà Damond đến gần xe cảnh sát thì có một tiếng động lớn, khiến một cảnh sát viên đang ngồi trên xe nổ súng vào nạn nhân. Mohamed Noor đến nay luôn từ chối trả lời thẩm vấn. Sự kiện các camera cảnh sát đeo trên người không được kích hoạt lúc xảy ra thảm kịch là một trong những nguyên nhân gây giận dữ nơi người dân.
Từ sau sự cố này, cảnh sát trưởng Minneapolis là bà Janee Harteau bị đả kích dữ dội. Hôm thứ Năm 20/7 trước ống kính truyền hình, bà Harteau biện minh rằng vào thời điểm đó bà đang đi nghỉ tại một vùng núi hẻo lánh. Nhưng thị trưởng Minneapolis, bà Betsy Hodges tuyên bố đã mất lòng tin vào cảnh sát trưởng, và yêu cầu bà Harteau từ chức. Người thay thế là phó cảnh sát trưởng Medaria Arradondo.
Tuy nhiên dư luận vẫn chưa hết phẫn nộ, nhiều người đòi hỏi cả thị trưởng cũng phải từ chức. Một cuộc biểu tình đã diễn ra hôm qua tại trung tâm thành phố và hôm thứ Năm, một cuộc tuần hành phản đối đã được tổ chức tại khu phố nơi nạn nhân cư ngụ.
Bạo động tại Cisjordanie và Jerusalem
Hôm qua 21/07/2017, ba người Palestine đã thiệt mạng và 390 người bị thương, trong vụ đụng độ với lực lượng Israel ở Cisjordanie và Đông Jerusalem, sau vụ một người Palestine đâm chết ba thường dân Do Thái tại một khu định cư. Chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas loan báo ngưng mọi liên lạc chính thức với Israel cho đến khi nào các biện pháp an ninh của Nhà nước Do Thái tại một khu thánh địa Hồi giáo ở Đông Jerusalem chưa được dỡ bỏ.
Từ Ramallah, thủ phủ Cisjordanie, thông tín viên RFI Marine Vlahovic gởi về bài tường trình :
« Những nhóm nhỏ thanh niên Palestine tiến về phía trạm kiểm soát Israel ở Beit El, nằm ở phía bắc Ramallah, nhưng họ nhanh chóng bị quân đội giải tán. Cách Jerusalem và khu thánh địa Hồi giáo khoảng vài cây số, nơi tập trung mọi căng thẳng, một người biểu tình cho biết phong trào phản kháng đã lan đến vùng đất Cisjordanie chiếm đóng.
Người này nói : « Chúng tôi cùng nổi dậy để nói lên rằng Jerusalem là thành phố của chúng tôi, và chứng tỏ nạn đàn áp mà chúng tôi phải chịu đựng dù ở bất cứ thành phố Palestine nào, ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Israel đã gâyra một cuộc khủng hoảng tín ngưỡng, nhưng hơn nữa còn là việc đàn áp có hệ thống. Họ làm mọi cách để Jerusalem không còn là một thành phố Palestine. Nhưng hy vọng cuối cùng của chúng tôi là được gắn bó với mảnh đất này ».
Những vụ đụng độ đã xảy ra ở Qalandyia, Bêlem và Hébron. Ba người Palestine bị bắn chết, trên 390 người bị thương ở Jerusalem và tại Cisjordanie, đó là hậu quả của một ngày chạm trán đẫm máu. Phía Israel có ba thường dân bị một người Palestine đâm chết khi tối qua đột nhập vào nhà riêng của ba nạn nhân này ở khu định cư Halamish, tại trung tâm Cisjordanie ».
Phong trào giải phóng Palestine (Fatah) hôm nay kêu gọi tổng đình công tại Jerusalem và Cisjordanie để phản đối các biện an ninh mới được Israel áp đặt. Cụ thể là việc bố trí các thiết bị dò kim loại tại khu thánh địa lớn thứ ba Hồi giáo, và cấm nam giới dưới 50 tuổi đi vào khu phố cổ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170722-bao-dong-tai-cisjordanie-va-jerusalem
Philippines :
Mindanao tiếp tục thiết quân luật đến cuối năm
Quốc Hội Philippines hôm nay 22/07/2017 đã thông qua việc gia hạn lệnh thiết quân luật ở đảo Mindanao cho đến cuối năm nay, trong khuôn khổ cuộc chiến chống quân nổi dậy Hồi Giáo.
Có đến hai phần ba tổng số dân biểu đã bỏ phiếu ủng hộ gia hạn lệnh thiết quân luật, sau phiên họp kéo dài bảy tiếng đồng hồ.
Trước khi bỏ phiếu, các đại diện chính phủ đã nhấn mạnh sự cần thiết phải kéo dài tình trạng này, nhằm giữ ổn định cho khu vực mà ảnh hưởng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daech, IS) đang tăng lên.
Mindanao, hòn đảo ở miền nam Philippines có đến 22 triệu dân, đã được đặt dưới lệnh thiết quân luật từ hôm 23/5, sau khi một số khu vực của thành phố Marawi đã bị quân nổi dậy thuộc nhóm Abou Sayyaf và Maute chiếm giữ.
Nhóm Abou Sayyaf bị Liên Hiệp Quốc coi là thân cận với tổ chức khủng bố Al Qaida. Còn nhóm Maute tự cho là thuộc tổ chức Nhà nước Hồi Giáo, gồm các thành viên cũ của Mặt trận Moro Giải phóng Quốc gia – một phong trào được Tổ chức Hợp tác Hồi Giáo (OIC) chấp nhận cho làm quan sát viên.
Quân đội Philippines đã oanh kích và ném bom ồ ạt Marawi, nhưng quân nổi dậy Hồi giáo hiện vẫn chống cự mãnh liệt.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170722-philippines-mindanao-tiep-tuc-thiet-quan-luat-den-cuoi-nam
Duterte không thèm đi Mỹ, đất nước «vi phạm nhân quyền»
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 21/07/2017 đáp trả lời mời đến thăm Nhà Trắng của đồng nhiệm Mỹ Donald Trump, khẳng định sẽ không bao giờ đặt chân đến Hoa Kỳ, đất nước mà ông Duterte cho là « tồi tệ ».
Trước các nhà báo, tổng thống Philippines tuyên bố : « Tôi sẽ không bao giờ đến Mỹ, cả trong nhiệm kỳ lẫn sau nhiệm kỳ. Tôi đã nhìn thấy nước Mỹ và thật là tồi tệ, có rất nhiều vụ vi phạm nhân quyền ».
Bản thân ông Duterte từng bị các nước chỉ trích rất nhiều vì chiến dịch chống ma túy đẫm máu của ông tại Philippines, đã làm cho khoảng 6.000 người chết. Còn về quan hệ song phương giữa Manila và Washington thì đã xuống cấp từ khi ông Duterte lên nắm quyền cách đây một năm. Tự cho là một người theo khuynh hướng « xã hội chủ nghĩa », tân tổng thống Philippines đã xoay qua thân thiện với Bắc Kinh và Matxcơva.
Tuy vậy hồi tháng Tư, tổng thống Mỹ Donald Trump đã mời đồng nhiệm Philippines sang thăm Washington. Vào lúc đó, ông Duterte chưa xác nhận là sẽ đi thăm Hoa Kỳ, với lý do lịch làm việc đã kín.
Theo AFP, việc Rodrigo Duterte chê bai nước Mỹ còn là nhằm trả đũa phiên điều trần tại Ủy ban Nhân quyền Hạ Viện Hoa Kỳ, tổ chức trước đó một hôm, về chủ đề cuộc chiến chống ma túy của ông. Đại diện phe Dân Chủ, dân biểu James McGovern khẳng định chẳng bao giờ nên mời tổng thống Phillipines đến Washington, và nếu ông Duterte đến Mỹ, thì ông McGovern sẽ dẫn đầu trong các cuộc biểu tình phản đối.
Hôm sau, Rodrigo Duterte đáp trả : « Ai khiến cái người đó tin rằng tôi sẽ sang Mỹ ? ».
Là cựu thuộc địa Mỹ (1898-1946), Philippines có quan hệ văn hóa và kinh tế rất gắn bó với Hoa Kỳ. Hai nước cũng liên kết bằng một hiệp ước quân sự hỗ tương, và từ nhiều năm qua lực lượng Mỹ vẫn hỗ trợ Manila về mặt an ninh.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170722-philippines-mindanao-tiep-tuc-thiet-quan-luat-den-cuoi-nam
Biến đổi khí hậu :
1000 nhà khoa học muốn sang Pháp làm việc
Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp – CNRS, ngày 21/07/2017 cho biết, một nghìn nhà khoa học đã đáp lại lời mời của tổng thống Emmanuel Macron sang Pháp làm việc, nghiên cứu về khí hậu, trong đó có hơn 150 người đáp ứng các tiêu chí và có thể nộp hồ sơ ứng viên.
Nguyên thủ Pháp đã đưa ra lời mời này ngày 01/06/2017, sau khi tổng thống Donald Trump quyết định rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris 2015. Thời hạn để các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới bày tỏ nguyện vọng là 31/08/2017.
Theo CNRS, « tính đến nay, có 154 nhà khoa học đáp ứng các tiêu chí đặc thù cần thiết và đã được mời nộp hồ sơ ứng viên. Sẽ còn có thêm các ứng viên khác ».
Từ khi khai trương, website www.makeourplanetgreatagain.fr đã có hàng ngàn lượt truy cập tham khảo, trong đó có một ngàn người thuộc giới khoa học. Đối với CNRS, cơ quan được giao trách nhiệm xem xét các ứng viên, thì hơn 150 người đáp ứng các tiêu chí đặc thù và có thể nộp hồ sơ ứng viên.
Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp giải thích : sau khi đã lập danh sách các ứng viên, việc tuyển chọn sẽ được tiến hành theo hai giai đoạn. Trước tiên là lựa chọn trên cơ sở các thành tựu khoa học cá nhân, lý lịch khoa học ; bước tuyển chọn tiếp theo là dựa trên dự án khoa học sẽ được tiến hành trong một cơ sở nghiên cứu của Pháp.
Chưa có thông tin về quốc tịch của 154 ứng viên được mời nộp hồ sơ. Nhưng trong số 1000 nhà khoa học bày tỏ mong muốn trên website www.makeourplanetgreatagain.fr thì có tới một nửa là người Mỹ. Tổng cộng, có tới 97 quốc tịch đáp lại lời mời của Paris.
CNRS tỏ ra « rất hài lòng » là trong một thời gian ngắn, đã có nhiều nhà khoa học đáp ứng lời mời này.
Giữa tháng Sáu vừa qua, Pháp đã thông báo tháo khoán 30 triệu euro cho chương trình «Make our planet great again – Làm cho hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại ». Các trung tâm nghiên cứu khoa học quan tâm đến chủ đề khí hậu cũng sẽ tài trợ một khoản tiền tương tự cho chương trình này. Các ứng viên là những nhà khoa học đã có bằng tiến sĩ từ hơn 4 năm, làm việc ở nước ngoài, trong các lĩnh vực khoa học khí hậu, quan sát và tìm hiểu về địa vật lý môi trường trái đất, khoa học và công nghệ về quá độ năng lượng.
http://vi.rfi.fr/phap/20170722-bien-doi-khi-hau-1000-nha-khoa-hoc-muon-sang-phap-lam-viec