Tin Việt Nam – 21/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 21/07/2017

‘Nhận chìm ở biển’ Bình Thuận: ba nhà khoa học ‘bị đạo danh’

Một nhà khoa học có tên trong báo cáo đánh giá tác động môi trường vụ cấp Giấy phép nhận chìm ở biển cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 ở Bình Thuận nói với BBC rằng “đến khi báo đăng thì tôi mới biết có tên mình tham gia.”

Có ý kiến kêu gọi Bộ Tài nguyên Môi trường tuyên hủy giấy phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 sau khi ba trong bảy nhà khoa học phủ nhận việc tên họ có trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của vụ này.

Việc Bộ Tài nguyên – Môi trường tuyên cấp phép gây tranh cãi trong thời gian qua.

Trong danh sách thành viên dự án nhận chìm bùn ở Vĩnh Tân, có tên tiến sĩ Nguyễn Tác An, thạc sĩ Bảo Trâm và thạc sĩ Lê Thị Vân Linh dù họ “thật sự không hề tham gia, chưa được ai hỏi ý kiến và nhờ đọc báo mới biết,” theo truyền thông Việt Nam.

Đề xuất đổ thêm bùn xuống biển Bình Thuận

Tranh cãi việc đổ 1 triệu m3 bùn cát gần Hòn Cau

Đề xuất đổ chất thải xuống biển Bình Thuận

Hôm 21/7, trả lời BBC từ Nha Trang, ông Nguyễn Tác An, cựu Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, nói: “Trước đây, tôi chỉ nghe vụ đạo văn, đạo công trình khoa học và bây giờ đến phiên mình bị đạo danh trong một vụ việc như thế này.”

“Thông thường thì một nhà khoa học tham gia báo cáo đánh giá tác động môi trường thì phải có sự đồng thuận của người đó bằng văn bản.”

“Nhưng tôi thì đến khi báo đăng mới biết có tên mình tham gia.”

“Tôi có nhận một cuộc điện thoại xin lỗi và cũng có nghe lý do là lỗi nhầm lẫn của thư ký nhưng không rõ thực hư.”

‘Không thể vội vã’

“Quan điểm của tôi là với những dự án, vụ việc có liên quan đến cộng đồng và môi trường thì cần phải được tiến hành hết sức cẩn trọng, không thể làm vội vã được.”

“Điện thì rất cần, nhưng không làm chỗ này thì có thể làm chỗ khác, trong khi môi trường tại biển Bình Thuận liên quan đến cơ hội mưu sinh của người dân, ngư dân.”

“Tôi đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường có giải trình, cũng như phản hồi về những khúc mắc trong vụ này và tạm ngưng việc cho phép nhận chìm bùn, cát thải.”

Cũng trong hôm 21/7, Hội Nghề cá Việt Nam gửi kiến nghị Chính phủ tạm dừng thực hiện.

“Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị thành lập tổ chức độc lập kiểm tra, xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường do việc đổ chất thải nạo vét; xem xét quy trình thẩm định dẫn tới việc cấp phép, nhất là tính khách quan, trung thực, tính đại diện của bộ này,” báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh tường thuật.

Thông cáo báo chí ngày 28/6 của Bộ Tài Nguyên – Môi Trường giải thích vật, chất được phép nhận chìm có khối lượng là 918.533 m3, bao gồm 20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa “thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1”.

Theo thông cáo, khu vực nhận chìm thuộc vùng biển xã Vĩnh Tân, huyên Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, có diện tích 30 ha, cách Khu bảo tồn Hòn Cau là 08 km, nằm trong diện tích 300 ha đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận thống nhất đề nghị cho nhận chìm.

Bộ Tài Nguyên – Môi Trường nói thời gian được phép nhận chìm chỉ thực hiện từ tháng 6 đến hết tháng 10 năm 2017, là thời gian gió mùa Tây Nam hoạt động, nên “hướng phát tán vật, chất nhận chìm không hướng về Khu bảo tồn biển Hòn Cau và các khu vực nuôi trồng hải sản ven bờ”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40667793

 

Tai biến chạy thận: Giám đốc bệnh viện ‘mất chức’

Ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bị đề nghị cách chức sau vụ 8 bệnh nhân tử vong sau chạy thận tại bệnh viện.

Hội đồng kỷ luật của Sở Y tế Hòa Bình hôm 21/7 thống nhất hình thức kỷ luật cách chức đối với ông Trương Quý Dương.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình được dẫn lời nói ông Trương Quý Dương “không hoàn thành nhiệm vụ quản lý điều hành để xảy ra sự việc nghiêm trọng”.

Hôm 29/5, 8 người tử vong khi bệnh nhân đang chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.

Sau đó giới chức phát hiện hệ thống lọc nước RO có chất acid fluorid cao gấp 260 lần.

Hôm 22/6 công an bắt tạm giam 3 người, trong đó có 2 nhân viên y tế của bệnh viện.

Sau đó một người, bác sĩ Hoàng Công Lương, được cho tại ngoại.

Tai biến chạy thận: Người nhà nạn nhân nói gì?

Bộ Y tế Việt Nam đánh giá đây là ca tai biến y khoa nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua. Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án để điều tra nguyên nhân sự việc này.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40682268

 

5 triệu dân Việt bị tác động bởi ô nhiễm tiếng ồn

Viện Sức Khỏe Nghề nghiệp Và Môi Trường ở Hà Nội hôm 20 tháng  Bảy đưa ra khuyến cáo cho biết ô nhiễm tiếng ồn khiến ít nhất 15 triệu  ngườiViệt Nam bị ảnh hưởng.

Số liệu do viện trưởng Viện Sức Khỏe Nghề nghiệp Và Môi Trường Doãn Ngọc Hải báo cáo trong một buổi họp ở Hà Nội, nói về tác hại của những tiếng ồn vượt mức cho phép tại các khu đô thị và khu công nghiệp.

Theo phó giáo sư Doãn Ngọc Hải thì sau ô nhiễm không khí thì ô nhiễm tiếng ồn là nguyên nhân gây tổn hại sức khỏe hàng thứ nhì, dẫn đến những ảnh hưởng lâu dài về thính giác, làm tăng huyết áp và gây bệnh mất ngủ.

Kết quả nghiên cứu của Viện Sức Khỏe Nghề Nghiệp Và Môi Trường thuộc Bộ Y Tế cho thấy tiếng ồn ở Hà Nội ban ngày là 77,8 decibel, vượt tiêu chuẩn cho phép và đây là tình trạng đáng báo động.

Một báo cáo mới được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố hôm 20 tháng 7 cho biết các đô thị Việt Nam trong 20 năm cũng đang gặp nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường bao gồm ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước.

Theo báo cáo này chỉ có 42 trên tổng số 787 thành phố, thị trấn của cả nước có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra còn có các vấn đề ô nhiễm không khí, ô nhiễm sông rạch trong các thành phố, mực nước ngầm bị sụt, nước mặn xâm nhập vào các thành phố ven biển, nạn ngập lụt gia tăng.

Ông Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tài còn đề cập đến các hành vi cố tình xả chất thải của các doanh nghiệp ra môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe, hoạt động du lịch của dân chúng.

Báo cáo mới cũng cho biết trong vòng 5 năm qua ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn của Việt Nam đã vượt ngưỡng cho phép. Từ năm 2012 đến 2016, mức độ bụi siêu mịn (PM 2.5) trong không khí ở các thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh đã vượt gấp từ 2 đến 3 lần mức cho phép. Theo Tổ chức Y Tế Thế giới, mức PM2.5 không được vượt quá 10 microgram một mét khối khí trung bình năm và bụi lớn hơn là PM10 thì không được vượt quá 20 microgram một mét khối trung bình năm. Báo cáo của chính phủ cho thấy những chỉ số này đã vượt quá 20% ở cả hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh. Theo báo cáo của chính phủ, ô nhiễm bụi chủ yếu đến từ các phương tiện giao thông, sản xuất công nghiệp. Khi bụi PM 2.5 vào phổi, nó có thể gây một loạt các bệnh về hô hấp, trong đó có ung thư phổi.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/noise-pollution-affects-15-million-vietnamese-people-07212017100549.html

 

Dân quyết đóng cửa nhà máy dệt may gây ô nhiễm

Hằng trăm người dân tỉnh Hải Dương kéo ra canh chừng và đòi đóng cửa nhà máy dệt may Pacific Crystal gây ô nhiễm môi trường trong khu vực. Hoạt động chống đối của dân làng khỏi sự từ thang Tư đến nay.

Bản tin Reuters ngày 21 tháng 7cho hay dân làng ở Hải Dương, nơi có xưởng may Pacific Crystal, từng báo cáo  từ năm ngoái họ phải chịu đựng mùi hôi khét rất khó chịu mà nhất là về ban đêm.  Vẫn theo Reuters thì qua tìm hiểu người dân phát hiện mùi hôi thối bốc lên từ giòng nước thải mà Pacific Crystal xả ra ngoài.

Theo bản tin trên website của chính quyền địa phương Hải Dương hồi tháng  Hai năm nay thì Pacific Crystal đã nộp phát  672 triệu đồng, tương đương 30.000 đô la, từ tháng Mười Hai năm ngoái vì gây ô nhiễm nguồn nước với những hóa chất độc hại khiến nước có mùi rất gắt. Công ty này còn phải cam kết khắc phục hậu quả ô nhiễm môi sinh đã gây ra.

Tuy nhiên tình hình cho thấy người dân vẫn không hài lòng và muốn công ty dệt may này ngưng hoạt động. Từ thang Tư đến giờ  dân địa phương liên tục kéo đến trước nhà máy, chận đường công nhân đi làm ca sáng hay ca đêm tại đây với quyết tâm làm nhà máy này phải ngưng hoạt động.

Lên tiếng với Reuters, giám đốc Eugene Cheng của công ty trách nhiệm hữu hạn Pacific Crystal nói công ty đã nộp phạt và đã nhận lãnh trách nhiệm khắc phục hậu quả nhưng vẫn không hiểu tại sao dân làng muốn công ty phải đóng cửa khi mà ba con họ hàng của họ  vẫn đang làm việc cho công ty.

Pacific Crystal là công ty vốn nước ngoài có tổng đầu tư 180 triệu đô la, liên doanh giữa công ty trách nhiệm hữu hạn Pacific Holdings với tập đoàn may mặc Crystal của Hong Kong,  khởi sự hoạt động từ 2015 ở Hải Dương, chuyên sản xuất và cung cấp hàng cho một số công ty hàng hiệu trên thế giới trong đó có tập đoàn bán lẻ UNIQLO của Nhật chẳng hạn.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/villagers-determine-to-stop-textile-company-which-caused-air-pollution-07212017094118.html

 

Hội Nghề cá kêu gọi ngưng dìm chất thải xuống biển

Chính phủ nên dừng quyết định cho phép đổ bùn nạo vét xuống vùng biển Bình Thuận. Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch hội nghề cá Việt Nam nói với báo Dân Trí trong nước như vừa nêu về kế hoạch của Bộ Tài nguyên- Môi trường định nhận chìm hơn 1 triệu mét khối bùn nạo vét tại khu vực gần vùng bảo tồn biển Hòn Cau, Bình Thuận.

Ông Thắng nói rằng khu vực được chọn để đổ bùn là khu vực “nước chồi” có nghĩa là có nhiều hải sản hơn những khu vực khác. Ngoài ra vùng biển Bình Thuận còn là nơi cung cấp tôm giống tự nhiên, và thuận lợi để nuôi tôm nước lợ.

Ông Nguyễn Việt Thắng nêu ra câu hỏi rằng những người quyết định cho đổ bùn nạo vét có biết rằng trong đó có những chất thải độc từ đất liền đổ ra hay không? Và hàm lượng những chất độc đó là bao nhiêu?

Ông Thắng cũng nêu lên một mối lo ngại là trong đống bùn nạo vét sẽ đổ xuống biển gần Hòn Cau, cát và sỏi sẽ lắng xuống trước, nhưng bùn sẽ lơ lững trong thời gian lâu, và sóng gió thủy triều sẽ phát tán bùn đó ra xa làm chết hải sản.

Ông kết luận rằng nếu nói rằng bùn sẽ bị nhận xuống đáy biển chỉ là một cách nói để lách luật

Cũng liên quan đến kế hoạch đổ chất nạo vét xuống biển Bình Thuận, lại có thêm hai người lên tiếng nói bị mạo danh, khi thấy tên của họ được đưa vào danh sách những nhà nghiên cứu cho dự án đổ bùn xuống biển.

Hai người đó là Thạc sĩ môi trường Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, làm việc tại Trung tâm quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam. Người thứ hai là Thạc sĩ công trình biển Lê Thị Vân Linh, làm việc tại Viện Kỹ thuật biển.

Hai Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, và Lê Thị Vân Linh, nói rằng đang tìm hiểu vụ việc.

Hôm 20 tháng 7, Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Hải học viện Nha Trang cũng đã lên tiếng rằng ông không có liên quan gì đến dự án đổ bùn, nhưng lại thấy tên mình xuất hiện trong danh sách những nhà khoa học tham gia dự án đó.

Tiến sĩ An nói rằng vào ngày hôm qua, 20 tháng 7, 2017, đã có người gọi đến xưng là thư ký của dự án đã cho tên ông vào danh sách một cách nhầm lẫn.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-association-of-fishery-calls-for-end-of-waste-dumping-into-binh-thuan-sea-07212017092553.html

 

Kêu gọi trả tự do cho nhà hoạt động Trần Thị Nga

Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho nhà hoạt động vì quyền lao động và đất đai Trần Thị Nga.

Ủy ban Nhân quyền Việt Namtrụ sở tại ParisPháp vừa ra thông cáo báo chí với lời kêu gọi vừa nêu vào ngày 21 tháng Bảy.

Nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga, ở Phủ Lý, Hà Nam bị bắt giữ hôm 21/01/2017, ngay trước Tết Nguyên Đán Đinh Dậu và cho đến nay bà Nga vẫn không được gặp người thân trong gia đình.

Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Nam sẽ đưa bà Trần Thị Nga ra xét xử trong hai ngày 25 và 26 tháng Bảy tới đây, sau 6 tháng giam giữ bà với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Trong thông cáo báo chí, Tổ chức Quan sát về Bảo vệ Nhân quyền và Ủy ban Nhân quyền Việt Nam nêu rõ nhà cầm quyền Việt Nam phải hủy bỏ các cáo buộc đối với bà Trần Thị Nga, một nhà hoạt động vì quyền lao động và đất đai và ngay lập tức trả tự do cho bà Nga.

Đại diện của Tổ chức Quan sát về Bảo vệ Nhân quyền nhấn mạnh rằng việc sách nhiễu, bắt bớ và bỏ tù bà Trần Thị Nga là cách thức hành xử quen thuộc mà nhà cầm quyền Việt Nam thường sử dụng đối với người dân của họ và sẽ còn tiếp diễn, trừ khi Hà Nội có những cải cách đáng kể về thể chế và luật pháp, bao gồm cả việc sửa đổi các điều luật hà khắc của nước này.

Tổ chức Quan sát về Bảo vệ Nhân quyền mạnh mẽ lên án việc bắt giữ bà Trần thị Nga vì đây là một minh chứng rõ ràng rằng Hà Nội nỗ lực không ngừng nhằm đe doạ và bóp nghẹt tiếng nói của các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền qua những việc làm hợp pháp của họ.

Đài Á Châu Tự Do vào tối ngày 21 tháng Bảy lên lạc với Luật sư Hà Huy Sơn, người đại diện cho bà Trần Thị Nga và được ông cho biết:

Tôi mới gặp bà Nga hôm 20 tháng Bảy. Sức khỏe thì trước chị Nga bị rách niêm mạc họng, bây giỡ đỡ rồi. Chị Nga hiện còn bị ù tai và đau họng, nghẹn cổ họng. Đối với phiên tòa sắp tới thì tinh thần của chị Nga cũng thoải mái và sẵn sàng chuẩn bị cho phiên tòa đó. Người ta dự kiến là hai ngày, nhưng theo tôi phiên tòa chỉ diễn ra trong ngày 25 thôi.”

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-immediately-release-labour-and-land-rights-defender-tran-thi-nga-07212017091806.html

 

Dân Đồng Tâm phản đối dự thảo kết luận thanh tra

Người dân xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 20 tháng 7 ra văn bản phản đối dự thảo kết luận thanh tra liên quan đến việc thu hồi đất đai tại Đồng Sênh, xã Đồng Tâm và đề nghị cơ quan chức năng thanh tra lại. Văn bản được gửi tới Thanh tra chính phủ, UBND TP. Hà Nội và Thanh tra TP. Hà Nội.

Theo nội dung văn bản, người dân nói rằng dự thảo kết luận thanh tra không khách quan, không đúng với thực tế và các văn bản liên quan. Ngoài ra, văn bản cũng đề cập đến việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình thanh tra. Theo đó, quá trình thanh tra đã vi phạm Khoản 4, Điều 13, Luật thanh tra 2010 quy định về việc nghiêm cấm tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra khi chưa có kết luận chính thức. Theo người dân, việc Thanh tra Hà Nội và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung trực tiếp công bố nội dung bản dự thảo kết luận thanh tra khi chưa có kết luận thanh tra chính thức là vi phạm điều luật này.

Người dân Đồng Tâm cũng phản ánh rằng từ ngày dự thảo được công bố đến nay Thanh tra Hà Nội không hề cung cấp văn bản dự thảo này cho người dân.

Văn bản cũng nêu rõ ý nguyện của người dân là Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan nhanh chóng kiểm tra và xử lý các sai phạm và thực hiện thanh tra lại theo quy định của pháp luật. Một người dân Đồng Tâm xác nhận với đài Á Châu Tự Do:

“ Người dân Đồng Tâm chúng tôi đã quyết định đưa ra một văn bản để phản đối lại dự thảo kết luận thanh tra và muốn thanh tra lại từ đầu và đưa ra kết luận lại vì dự thảo này không đúng sự thật và không khách quan.”

Vào ngày mùng 7 tháng 7 vừa qua tại UBND huyện Mỹ Đức đã diễn ra buổi công bố dự thảo kết luận thanh tra liên quan đến đất đai khu vực Đồng Sênh, xã Đồng Tâm. Bản dự thảo được công bố nói rõ không có diện tích 59 ha đất nông nghiệp Đồng Sênh như công dân nêu, và diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 64,11 ha, là đất quốc phòng.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dong-tam-residents-reject-draft-of-land-dispute-investigation-07212017091002.html

 

Đời sống khó khăn của lao động miền Trung

Kể từ lúc các tỉnh Bắc miền Trung xuất hiện các nhà đầu tư Trung Quốc với hàng loạt dự án hứa hẹn về đời sống ấm no, phát triển, văn minh, tiến bộ cho người dân nơi đây đến nay, có thể nói rằng đời sống của người lao động Bắc miền Trung ngày càng trở nên bi thảm, khó nói. Tình trạng người lao động Bắc miền Trung bị ép chế, bị thất nghiệp và bị thiệt mạng không những không thuyên giảm mà có dấu hiệu tăng cao trong thời gian gần đây.

Giới công chức nói gì?

Một cán bộ lãnh đạo công chức ngành Lao động và Thương Binh, xã hội tại Quảng Bình, bộc bạch cảm nhận của ông và yêu cầu không nêu danh tính:

“ Bảo vệ người lao động ở Việt Nam là một vấn đề nhức nhối mà không nói thì không được mà nói thì đụng chạm, mà mình cũng làm cơ quan nên càng khó. Nhưng rõ ràng cái gì thì con người phải được đặt lên trên hết, không riêng gì vụ hai anh thủy thủ vừa rồi bị Abu Sayyaf giết hại bên kia mà ngay cả lao động trong nước cũng bị giới chủ ép chế đủ điều. Đó là thiếu một chính sách chung dành cho người lao động , nếu như không kịp đưa ra chính sách mới thì sẽ có nhiều vấn đề sau này khó mà lường được.”

Theo vị này, người lao động Việt Nam, dù có soi chiếu trên bất kì góc độ nào cũng thấy họ thiệt thòi và đau khổ. Đặc biệt, kể từ khi vụ các công nhân bị sập giàn giáo ở Formosa, rồi hai công nhân của mỏ đá Hùng Đại Dương ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái bị đá đè chết mà báo chí hoàn toàn không có thông tin bởi đây là một công ty của Ấn Độ làm chủ đầu tư, họ không cho báo chí vào và họ đã thu xếp ổn thỏa. Rồi gần đây là vụ hai thủy thủ người Việt Nam là Hoàng Trung Thông và Hoàng Văn Hải bị Abu Sayyaf sát hại ở Phillipines và vụ các lao động Việt Nam vượt biển từ Trung Quốc sang Đài Loan để làm thuê, bị chìm tàu, mất tích trên eo biển Đài Loan… Những chuyện này khiến ông đau lòng và cảm thấy bản thân mình có lỗi mặc dù ông chưa từng tiếp xúc hay có trách nhiệm liên đới nào với họ.

Bảo vệ người lao động ở Việt Nam là một vấn đề nhức nhối mà không nói thì không được mà nói thì đụng chạm, mà mình cũng làm cơ quan nên càng khó – Một cán bộ ngành Lao động và Thương Binh, xã hội tại Quảng Bình 

Ông nói rằng ông thấy mình có lỗi bởi ông là một đảng viên Cộng sản với đầy đủ lý tưởng về một xã hội tốt đẹp mà trên lý thuyết, đảng của ông vẫn luôn giữ quan điểm “chủ trương lớn của đảng là nhân bản, những sự cố nhỏ là ngoài ý muốn”. Nhưng rồi ông cũng tự nhìn ra có một điều gì đó bất ổn trong lý thuyết này, trong cái mà người ta vẫn gọi là “chủ trương lớn” này. Bởi chủ trương nào không cần biết, nhưng sinh mạng của con người luôn phải đặt lên trên hết, có con người mới có những thứ do con người nghĩ ra như chính trị, văn hóa, văn minh, triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học…

Với ông, chuyện bưng bít thông tin về số phận các lao động bị bắt cóc, bị giết là một việc làm phi đạo đức, thiếu tình người, dù đứng trên góc độ nào để đánh giá cũng thấy như vậy. Ông khẳng định là nếu mọi chuyện được công khai là chỉ nửa tháng ông sẽ cứu được các con tin hoặc giúp cho gia đình nạn nhân cứu các con tin dễ dàng vì ông căn cứ vào tình cảm xã hội, vào lòng tốt của người Việt hiện nay.

Ông nói rằng người Việt hiện nay có thể xấu về tính cạnh tranh, xấu về tính đấu tố, xấu về tính bạo lực cũng như nhiều thói xấu khác do thời kì cạnh tranh bao cấp đầy đói khổ cũng như thời kì cạnh tranh kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đầy khốc liệt phe nhóm gieo rắc. Nhưng người Việt vẫn giữ trong tâm hồn mình một nét đẹp không phải dân tộc nào cũng có được, đó là tính chia sẻ, điển hình là trận hồng thủy do thủy điện xả đập cuối năm 2016 đã được cộng đồng người Việt hải ngoại và người Việt trong nước chung tay cứu giúp rất mạnh. Nhờ biết chạm đến tinh thần “lá lành đùm lá rách, bầu ơi thương lấy bí cùng” mà Phan Anh đã vận động được vài chục tỉ đồng, nhiều nhà cứu trợ khác cũng vận động được số tiền không nhỏ.

Trở lại câu chuyện các con tin Việt Nam bị Abu Sayyaf bắt cóc. Vị cán bộ này nói rằng nếu như mọi chuyện được công khai và nhà nước quyết tâm cứu các con tin hoặc công khai thông tin, kêu gọi tìm hướng giải quyết thì riêng ông, ông sẽ đăng đàn, sẽ kêu gọi người dân toàn quốc góp tay trong lúc dầu sôi lửa bỏng, lúc mà mạng người ngàn cân treo sợi tóc như thế này, chỉ trong vòng 15 ngày sẽ đủ tiền để chuộc con tin.

Bởi dân số Việt Nam ngót nghét 100 triệu dân, ông sẽ nói rõ hoàn cảnh và thuyết phục mọi người về ý nghĩa của việc cứu người, sau đó kêu gọi nhân dân hãy vì mạng người là trên hết, mỗi người dân đóng góp 5 ngàn đồng. Gần 100 triệu dân, sẽ có người đóng, người không đóng và có người đóng 5 ngàn, có người đóng 500 ngàn, thậm chí hơn. Như vậy, trong vài ngày là đã có đủ số tiền để chuộc mạng người. Và qua lời kêu gọi đóng góp, người dân lại biết thêm một câu chuyện về mối nguy khi đi biển, mối nguy của người lao động để mà rút kinh nghiệm. Một công đôi chuyện. Nhưng rất tiếc, đó chỉ là sự tưởng tượng của ông và nó không bao giờ thành hiện thực được mặc dù nó nhân đạo!

Bao giờ người lao động thôi khổ đau?

Một người tên Nguyên, từng làm công nhân trong quá trình xây dựng Formosa Hà Tĩnh, chia sẻ: “Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, ai cũng vất vả, giá thị trường giờ bấp bênh quá. Như đủ ăn hạt gạo nhờ mình tự trồng là quý lắm rồi. Không có tiền nhưng các khoản đóng như làm đường rồi các khoản nhà nước yêu cầu đóng thì nhiều lắm. Thời sự thì vẫn đưa tin là hải sản tầng đáy chưa khai thác được. Người quen của tôi dựa vào biển để sống giờ không biết làm gì. Các vùng thì ô nhiễm, như vùng Hương Khê này thì rác thải nó đổ đầy đường.”

Ông Nguyên nói rằng cái điều mà người ta gọi là phát triển ở Hà Tĩnh, theo ông thấy chẳng có gì ngoài giá đất tăng vùn vụt. Mà giá đất tăng thì người ta bán đất để rồi kinh doanh hay mua sắm, thậm chí ăn chơi, điều đó có cảm giác như tâm thức của người ta bị đảo lộn bởi phần văn hóa, phần tính người chưa kịp trở tay với một cục tiền lớn rơi vào nhà. Cuối cùng thì anh em cạch mặt nhau vì đất đai, cha mẹ, con cái không nhìn nhau cũng vì chia chác đất đai và thậm chí anh em sát hại nhau cũng vì đất đai.

Ngoài yếu tố gia đình bị phá vỡ, mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân cũng bị phá vỡ hoàn toàn bởi cán bộ thì trí trá với dân, nhà đầu tư thì mượn hơi công an để đàn áp dân, cuối cùng, kẻ được lợi là các nhà đầu tư người nước ngoài, trong đó kẻ được nhiều nhất vẫn là nhà đầu tư Trung Quốc.

Hiện tại, các gia đình ngư dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn kể từ sau khi biển miền Trung bị nhiễm độc, các lao động ở đây phải trốn sang Lào, Trung Quốc để làm thuê cứu gia đình và mối nguy hiểm từ việc này không phải là nhỏ.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/situation-of-vn-labor-in-chinese-invested-project-07212017103128.html

 

Mẹ của Đinh Nguyên Kha

vận động tại Úc trước đối thoại nhân quyền

Mẹ của một tù nhân lương tâm Việt Nam đang ở Úc để vận động các giới chức chính phủ và dân biểu nước này tăng áp lực để Việt Nam trả tự do cho các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam.

Hôm 18/7, bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha, đã đến gặp dân biểu Milton Dick, thành viên đảng Lao động Úc tại thành phố Brisbane. Vào cuối tuần này, bà sẽ gặp dân biểu Chris Hayes tại thành phố Sydney. Ông Hayes là thành viên đảng Lao động, đại diện cho tiểu bang New South Wales.

Trao đổi với VOA-Việt ngữ từ Úc, bà Kim Liên cho biết:

“Tôi gặp hai dân biểu Úc: Chris Hayes và Milton Dick. Hai ông này rất ủng hộ vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.”

Trước đó bà Liên đã gặp bà Elaine Pearson, Giám đốc của Tổ chức Human Rights Watch tại Úc và tiến sĩ Lachlan Strahan, Trợ lý thứ nhất, Bộ phận Chính sách đa phương thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc ở thủ đô Canberra.

Bà Kim Liên cho biết bà là người duy nhất từ Việt Nam sang Úc để trao đổi với Bộ Ngoại Úc về vấn đề nhân quyền kỳ này, bởi vì nhiều người khác cũng được mời nhưng bị chính quyền Việt chặn nên không thể xuất cảnh:

“Gặp Bộ Ngoại giao Úc nói chuyện về nhân quyền và tù nhân lương tâm. Họ chuẩn bị cho tháng 8 tới đây, chính phủ Úc sẽ đối thoại với chính phủ Việt Nam. Rất nhiều người được mời, nhưng họ bị chặn, chỉ có mình tôi là đi thoát.”

Theo bà Liên, Bộ Ngoại Úc muốn tìm hiểu các trường hợp vi phạm nhân quyền trong nước trước khi tiến hành cuộc Đối thoại Nhân quyền Úc- Việt Nam lần thứ 14, dự kiến sẽ được tổ chức tại thủ đô Canberra vào tháng Tám năm nay.

Bà Kim Liên chia sẻ những nội dung bà trao đổi trong chuyến đi này:

“Nội dung tôi thảo luận là những vấn đề trong nước: Việt Nam càng ngày càng bắt bớ nhiều người, tù nhân lương tâm được ra tù rồi nhưng có thể bị bắt trở lại, các vấn đề nhân quyền, dân oan mất đất bị đàn áp dữ dội, tù nhân đã ra tù nhưng bị quản chế, sách nhiễu, triệt đường sinh sống.”

Bà Anna Nguyễn đại diện cho VOICE, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ có chi nhánh tại Úc, hỗ trợ cho chuyến đi của bà Kim Liên cho VOA biết về vai trò của VOICE trong nỗ lực vận động cho nhân quyền tại Việt Nam:

“Mục đích của chúng tôi là giúp cho chính phủ và các dân biểu Úc hiểu rõ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, về các tù nhân lương tâm, cụ thể là trường hợp Đinh Nguyên Kha. VOICE cùng các tổ chức xã hội dân sự khác được Bộ Ngoại giao Úc mời để trao đổi thông tin, để họ đưa ra một thông điệp quốc tế mạnh mẽ về vấn đề vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt Nam.”

Theo thông tin của Bộ Ngoại giao Úc, Đối thoại Nhân quyền Úc – Việt Nam là một phần quan trọng trong mối quan hệ song phương giữa Úc và Việt Nam, cho phép thảo luận về các vấn đề nhân quyền quan trọng được quan tâm trong một bầu không khí xây dựng, thẳng thắn và cởi mở.

Theo bà Anna Nguyễn, nhân dịp này VOICE đã đưa ra một số đề xuất với Tiến sĩ Strahan và các nhân viên của ông tại Bộ Ngoại giao để giúp mở rộng hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và gửi một thông điệp quốc tế mạnh mẽ đến chính phủ Việt Nam.

Dịp này bà Kim Liên nêu ý tưởng về việc xây dựng một mạng lưới cho phụ huynh của các tù nhân lương tâm tại Việt Nam.

Bà Liên cho biết bà cũng có dịp gặp gỡ cộng đồng người gốc Việt sinh sống tại tiểu các thành phố lớn của Úc như Sydney, Melbourne và Brisbane.

Con trai của bà là Đinh Nguyên Kha, người đang phải chịu án tổng cộng 6 năm tại nhà tù Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về tội danh phát tờ rơi “có nội dung chỉ trích chính phủ Việt Nam”.

Đinh Nguyên Kha bị bắt giữ hồi tháng 10 năm 2012 vì phát truyền đơn chỉ trích phản ứng của nhà Việt Nam trước những hành động bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong phiên tòa sơ thẩm ở tỉnh Long An, Kha bị tuyên án 8 năm tù giam kèm theo ba năm quản chế. Sau đó trong phiên phúc thẩm, Kha bị tuyên án 4 năm tù và ba năm quản chế. Ngoài ra, Kha còn chịu thêm án 2 năm tù về “tội cố ý gây thương tích.”

Một người con khác của bà Kim Liên là Đinh Nhật Uy, anh trai của Kha, cũng từng bị chính quyền tỉnh Long An bắt giam 1 năm 3 tháng tù cho hưởng án treo về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự.

Tháng 1 năm 2014, bà Kim Liên cùng các gia đình tù lương tâm khác đã gặp các giới chức và dân biểu tại Hoa Kỳ.

Vào đầu năm nay, tổ chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi tăng áp lực đòi chính quyền Việt Nam nhanh chóng chữa bệnh cho Đinh Nguyên Kha, và ngưng ngược đãi thanh niên đang chịu án tù về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho rằng việc khước từ điều trị có thể được xem là một hình thức tra tấn đối xử tàn ác, vô nhân đạo.

https://www.voatiengviet.com/a/me-cua-dinh-nguyen-kha-van-dong-tai-uc-truoc-doi-thoai-nhan-quyen/3953651.html

 

Việt Nam ‘trong tầm ngắm’ của du khách Trung Quốc

Từ nay đến 2020, người Trung Quốc dự kiến sẽ thực hiện 200 triệu chuyến du lịch, tăng 48% so với con số 135 triệu tour của năm ngoái. Các điểm đến hàng đầu của họ là Hong Kong, Thái Lan, Hàn Quốc, và Nhật Bản, theo báo cáo vừa công bố ngày 20/7 của tập đoàn môi giới và đầu tư độc lập hàng đầu và lâu đời nhất tại Châu Á.

Đây là báo cáo thứ năm của CLSA về xu hướng du lịch của người Trung Quốc kể từ năm 2005 tới nay.

“Các yếu tố khiến người Trung Quốc du lịch nhiều hơn bao gồm có thêm được ngày nghỉ lễ, nới lỏng các giới hạn du hành, và mong muốn được trải nghiệm các hoạt động và các nền văn hóa khác nhau,”CLSA nói.

Việt Nam sẽ trở thành đích đến phổ biến với du khách Trung Quốc hơn cả Pháp, sau hàng loạt các cuộc tấn công khủng bố tại Châu Âu gần đây.

Cuộc thăm dò hỏi ý kiến của 400 du khách quốc tế xuất xứ từ Trung Quốc tại 25 thành phố.

An toàn là yếu tố được du khách Trung Quốc cân nhắc đầu tiên, sau đó là giá cả và các cơ hội tham quan thắng cảnh.

Điều này khiến Việt Nam vượt lên soán ngôi của Pháp trong năm ngoái, chiếm vị trí thứ 10 trong top mười điểm du lịch được nhiều du khách Trung Quốc ghé thăm nhất.

Trong nửa đầu năm nay, 4,66 triệu du khách Trung Quốc đã vượt biên giới đường bộ sang Việt Nam du lịch, tăng gần 42% so với năm ngoái.

Bất chấp những lợi ích kinh tế về du lịch, đa số người dân Việt Nam không chuộng khách du lịch Trung Quốc vì cách hành xử thiếu văn minh, kém lịch sự của du khách Trung Quốc và một phần vì tình cảm bài Trung có liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và sự chi phối của Trung Quốc đối với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

Nguồn: SCMP/ The Nation

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-trong-tam-ngam-cua-du-khach-trung-quoc-/3952779.html