Tin khắp nơi – 21/07/2017
Phát ngôn viên Toà Bạch Ốc Sean Spicer từ chức
Phát ngôn viên Toà Bạch Ốc Sean Spicer tuyên bố từ chức sáng ngày thứ Sáu (21/07), sau khi nói với Tổng thống Trump rằng ông cực lực phản đối việc bổ nhiệm chuyên gia tài chính New York Anthomy Scaramucci cho vị trí Giám đốc truyền thông.
Trước đó, Tổng thống Trump đã chuẩn thuận ông Scaramucci cho vị trí này vào lúc 10 giờ sáng cùng ngày. Theo một người liên quan trực tiếp đến vụ việc, ông Trump muốn ông Spicer tiếp tục ở lại Toà Bạch Ốc, tuy nhiên người cựu phát ngôn viên này đã từ chối, và cho rằng việc bổ nhiệm ông Scaramucci là một sai lầm lớn.
Ông Scaramucci vốn là một ủng hộ viên nhiệt thành của ông Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
https://www.voatiengviet.com/a/phat-ngon-vien-toa-bach-oc-sean-spicer-tu-chuc/3953789.html
Khủng hoảng Venezuela: Đụng độ, triệu người đình công
Hàng triệu người dân Venezuela đã tham gia tổng đình công được kêu gọi bởi phe đối lập, gây sức ép đòi Tổng thống Nicolás Maduro tuyên bố hủy bỏ cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến.
Cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình khiến ít nhất ba người thiệt mạng và hơn 300 người khác bị bắt giữ.
Ông Maduro nói cuộc biểu tình chỉ là một phần nhỏ và các lãnh đạo biểu tình sẽ bị bắt giữ.
Biểu tình Venezuela: một người bị thiêu
Đối lập Venezuela tổng đình công
Từ tháng 4/2017, khi các cuộc đảo chính trở nên căng thẳng, gần 100 người đã thiệt mạng trên toàn đất nước.
Người biểu tình đã chặn các con đường tại thủ đô Caracas và các thành phố khác bằng rác và cả đồ nội thất. Phe đối lập cho biết 85% người dân cả nước đã tham gia cuộc biểu tình.
Nhưng tại một số khu vực ở thủ đô được chính phủ kiểm soát, cuộc sống vẫn diễn ra như mọi khi với các cửa hàng vẫn tiếp tục kinh doanh và phố xá nhộn nhịp. Các cơ quan, cán bộ nhà nước cũng làm việc bình thường.
Tại nhiều thành phố, cảnh sát đã sử dụng súng bắn hơi cay tại các cuộc đụng độ với người biểu tình. Một trường hợp thiệt mạng đã được ghi nhận tại vùng ngoại ô Caracas và hai trường hợp khác tại thành phố Valencia ở phía bắc Venezuela.
Hơn 360 người bị bắt trên toàn đất nước, một nhóm nhân quyền địa phương cho biết.
Colombia, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ và EU đã kêu gọi chính phủ Venezuela hủy bỏ cuộc trưng cầu ý dân về việc thành lập quốc hội mới vào ngày 30/7.
Nhưng ông Maduro từ chối nghe theo lời kêu gọi này.
Trong một phát biểu trên truyền hình, ông tuyên bố mình đã đạt thắng lợi lớn, rằng các nhóm công nghiệp trọng điểm đều không tham gia biểu tình.
“Lao động đã chiến thắng với tình yêu, cuộc sống, và hi vọng; lao động đã giành chiến thắng. Họ (phe đối lập của Venezuela) là những người chưa bao giờ lao động, hãy để họ cứ tiếp tục như vậy, còn chúng ta sẽ tiếp tục tiến về phía trước, hỡi các đồng chí.”
“Tôi đã ra lệnh bắt giữ tất cả những thành phần khủng bố cực đoan.”
Quốc hội sẽ có quyền xây dựng lại Hiến pháp và thông qua cơ quan lập pháp hiện đang được kiểm soát bởi phe đối lập.
Phe đối lập nói ông Maduro muốn sử dụng Quốc hội để củng cố vị trí quyền lực của mình, trong khi vị Tổng thống này cũng nói rằng Hiến pháp mới sẽ thúc đẩy đối thoại giữa các nền chính trị phân cực.
Phe đối lập đã gia tăng lịch biểu tình trong những ngày cận kề cuộc bầu cử, bao gồm cuộc đình công kéo dài 24 giờ hôm thứ Năm và cuộc tuần hành của người dân vào thứ Bảy.
Cùng lúc đó, Isaias Medina, nhà ngoại giao kì cựu đại diện cho Venezuela tại Liên Hiệp Quốc, đã từ chức, nói rằng ông không thể làm người đại diện cho một chính phủ có những hành động vi phạm nhân quyền.
Đại sứ Venezuela tại Liên Hiệp Quốc, Rafael Ramirez, nói ông Medina đã có biểu hiện “không trung thực” và đã bị sa thải.
Trước đó, nguời đứng đầu Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), Luis Almagro, đã cảnh báo về sự thiệt hại có thể xảy ra bởi tình hình hiện nay, cáo buộc rằng chính phủ của ông Maduro “tay đã nhuốm máu”.
“Phía sau mỗi kẻ tình nghi, mỗi tù nhân chính trị, mỗi người bị tra tấn và mỗi người chết đều có một kẻ đứng sau cần phải chịu trách nhiệm,” ông Almagro viết trong một báo cáo.
“Nỗi sợ hãi ở trong tâm trí của mỗi người, nhưng chúng ta đều sợ nói ra, chúng ta sợ chuyện này sẽ dẫn đến sự đổ máu.”
Ông Almagro từ lâu đã là một rtong những nhà phê bình chính trị thẳng thắn và quyết liệt nhất đối với chính phủ Venezuela.
Vì sao Venezuela rơi vào khủng hoảng?
Gần 100 người đã thiệt mạng từ những cuộc đụng độ do căng thẳng chính trị leo thang.
Cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trở nên trầm trọng do sự giảm giá dầu, vốn chiếm tới 95% doanh thu xuất khẩu của Venezuela và từng được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho một số chương trình xã hội của chính phủ. Buộc phải cắt giảm chi tiêu công, tổng thống Nicolás Maduro đánh mất sự ủng hộ của nhiều chính trị gia cốt cán.
Các nhu cầu thiết yếu, bao gồm thuốc thang và thực phẩm, đều giảm cung.
Phe đối lập cáo buộc ông Maduro quản lý nền kinh tế kém và làm suy giảm thể chế dân chủ.
Tháng 3/2017, Tòa án Tối cao quyết định sẽ giành quyền kiểm soát Quốc hội. Quyết định này bị thu hồi, nhưng phe đối lập cáo buộc ông Maduro xây dựng một cuộc đảo chính. Việc này đã làm bùng nổ số cuộc biểu tình diễn ra hàng ngày đề nghị ông từ chức.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40669856
Ba Lan: Biểu tình ‘Biển Nến’ vì tam quyền phân lập
Các đảng đối lập và hàng ngàn người dân Ba Lan phản đối Đảng cánh hữu PiS cầm quyền thông qua luật cho phép họ buộc các thẩm phán Toà Tối cao về nghỉ nếu bị coi là trái ý chính quyền.
Phe đối lập nói có 50 ngàn người tham gia đêm thắp nến vì dân chủ, còn cảnh sát nói có 14 ngàn người, theo trang Polsat News.
Tối 20/07 vừa qua cũng có biểu tình tại một số thành phố khác của Ba Lan như Krakow, Tarnow, Nowy Sacz.Phe đối lập Ba Lan trong buổi bỏ phiếu ngày 20/07 đã chỉ có 192 phiếu chống nên không bác bỏ được luật mới về Toà Tối cao của Cộng hòa Ba Lan.
Khủng hoảng Ba Lan: Quốc hội bị cắt điện
Walesa ‘làm đặc tình cho cộng sản Ba Lan’
Tự do báo chí ở Ba Lan tụt hạng
Phe đối lập Ba Lan trong buổi bỏ phiếu ngày 20/07 đã chỉ có 192 phiếu chống nên không bác bỏ được luật mới về Toà Tối cao của Cộng hòa Ba Lan.
Hiện nhiều giới ở Ba Lan kêu gọi tổng thống Andrzej Duda không ký luật này vì họ cho là nó phá bỏ toàn bộ tính độc lập của Toà Tối cao.
‘Thanh lọc truyền thông’
Sau khi đảng Pháp luật và Công lý lên cầm quyền từ cuối 2015 họ đã đưa ra một nghị trình thiên hữu, dân tộc chủ nghĩa để thanh lọc truyền thông, Toà Hiến pháp và các bộ ngành Ba Lan.
Những người bị quy kết là thiếu tinh thần ái quốc có thể bị đuổi việc.
Luật mới bị phe đối lập cho là có mục đích phá vỡ nguyên tắc tam quyền phân lập mà Ba Lan giành được sau thời cộng sản và nhằm đưa tòa án về tay chính phủ và đảng cầm quyền.
Chỉ số tự do báo chí của Ba Lan liên tục tuột dốc, theo công bố của Tổ chức Phóng viên không biên giới RSF. Nếu Việt Nam giữ ‘ổn định lâu dài’ ở mức 175/180, thì thứ hạng của Ba Lan tụt từ 18 (2015) xuống 47 (2016) và tiếp tục xuống thêm 7 bậc nữa theo khảo sát 6 tháng đầu năm 2017 và hiện đứng vị trí 54.
Việc xuống hạng bất ngờ của đệ tứ quyền xảy ra gần như đồng thời với việc lên ngôi của đảng PiS (Pháp luật và Công Lý).
Cầm quyền từ tháng 11/2015, PiS đưa ra nhiều quyết sách mà họ gọi cải cách trong lĩnh vực truyền thông.
Ba Lan không phải là quốc gia duy nhất ở châu Âu mà các quyền tự do đang bị hạn chế ở mức độ nhất định.
Xã hội Ba Lan đã phản ứng mạnh mẽ lại các quyết định của chính quyền bằng nhiều cuộc biểu tình với số lượng đông đảo, lên tới hàng chục ngàn, trăm ngàn người. Và quan trọng hơn cả, bằng lá phiếu của mình họ sẽ quyết định chính đảng nào sẽ lãnh đạo đất nước trong kỳ bầu cử kế tiếp.
Nhưng những chuyện xảy ra ở Ba Lan cũng cho thấy giành được tự do chỉ là khởi đầu, để xã hội luôn sống trong bầu không khí dân chủ và cởi mở cần nỗ lực không ngừng nghỉ của những thế hệ tiếp theo.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40667794
Du lịch Bắc Hàn: Hoa Kỳ ‘sẽ cấm công dân tới Bắc Hàn’
Hoa Kỳ sẽ cấm công dân họ du lịch Bắc Hàn, theo hai công ty dụ lịch làm việc tại đây cho biết.
Hãng Koryo Tours và Young Pioneer Tours nói lệnh cấm sẽ được công bố vào ngày 27/7/2017 và sẽ có hiệu lực 30 ngày sau đó.
Hoa Kỳ cho tới nay chưa bình luận về tin này.
Hãng Young Pioneer Tours là công ty đã đưa sinh viên Mỹ Otto Warmbier tới North Korea. Sinh viên này sau đó bị bắt và bị bỏ tù 15 năm trước khi được trả về Mỹ trong tình trạng hôn mê và qua đời vài ngày sau đó.
Công ty có trụ sở ở Trung Quốc sau đó tuyên bố họ sẽ không đưa khách du lịch từ Mỹ tới Bắc Hàn nữa.
Trump nói Kim Jong-un ‘cứng cỏi khôn ngoan’
Bắc Hàn cáo buộc CIA âm mưu giết Kim Jong-un
Công ty đưa ra một tuyên bố hôm thứ Sáu nói: “Chúng tôi mới được tin là chính phủ Mỹ sẽ không cho phép công dân Mỹ tới nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên (Bắc Hàn).”
“Người ta chờ đợi là lệnh cấm này sẽ có hiệu lực trong vòng 30 ngày kể từ ngày 27 tháng Bảy. Sau 30 ngày này công dân Mỹ nào tới Bắc Hàn hộ chiếu của họ sẽ chính phủ Mỹ vô hiệu hóa.”
Rowan Beard của công ty Young Pioneer Tours nói với BBC rằng công ty này được đại sứ quán Thụy Điển, vốn là nơi trông coi các sự vụ của Hoa Kỳ tại Bắc Hàn, báo cho biết.
Đại sứ quán đang tìm cách kiểm tra con số du khác người Mỹ còn lại tại Bắc Hàn.
Có tin là ba công dân Mỹ hiện đang bị Bắc Hàn giam giữ:
Kim Dong-chul, một người gốc Hàn, sinh tại Nam Hàn nhưng có quốc tịch Mỹ, 62 tuổi, bị kết án 10 năm lao động khổ sai hồi tháng Tư 2016 vì tội làm gián điệp
Korean-American Giáo sư Kim Sang-duk (tức Tony Kim) người Mỹ gốc Hàn, bị giam giữ tháng Tư năm 2017. Lý do bắt giữ chưa được rõ
Kim Hak-song, giống Kim Sang-duk, làm việc tại Đại học Khoa học kỹ thuật Bình Nhưỡng (PUST) bị bắt giam tháng Năm 2017 vì nghi có “hành động thù nghịc” chống lại nhà nước
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40681225
Trung Quốc: Tổng đài toàn nữ phục vụ đường dây đỏ
Nhật báo Quân Giải phóng (PLA Daily) của Trung Quốc vừa tiết lộ hoạt động của Tổng đài ‘Điện thoại Đỏ’ phục vụ 3.000 quan chức cao cấp nhất trong bộ máy quân sự và Đảng Cộng sản.
Có từ thời Mao Trạch Đông, mạng điện thoại này được mã hoá để chỉ có hai người ở hai đầu dây nghe được nhằm bảo mật tối đa.
Các máy điện thoại đỏ này không có số và bàn phím mà chỉ nối thẳng từ người gọi đến người nhận.
Vì sao Quân đội TQ thôi làm kinh tế?
Lão tướng Phạm Trường Long là ai?
Người gọi chỉ việc nhấc ống nghe và nói tên người mình muốn đối thoại và tổng đài sẽ nối trực tiếp hai máy.
Nhưng cũng vì tính bảo mật cao, toàn bộ 3.000 số điện thoại của các lãnh đạo Trung Quốc, từ cấp cao nhất là Chủ tịch Đảng kiêm Chủ tịch Quân ủy TW, Tập Cận Bình đến các cấp lãnh đạo tỉnh, được ghi nhớ bởi các nữ nhân viên tổng đài bằng cách thuộc lòng.
Họ cũng phải nhận ra giọng của các lãnh đạo cao nhất nước và hiểu được khẩu ngữ mọi vùng miền của Trung Quốc để kết nối máy thật nhanh.
Theo báo South China Morning Post từ Hong Kong hom 21/07/2017 trích lại trang PLA Daily thì đây là một tiết lộ hiếm có về cách vận hành của hệ thống thông tin liên lạc nội bộ Trung Quốc đã có 57 năm nay.
Đơn vị phụ trach tổng đài đỏ này đóng ở Tây Bắc Kinh, hoạt đọng 24/7 và do toàn các nữ quân nhân Trung Quốc phục vụ .
Họ được huấn luyện để tốc ký 150 Hán tự một phút và làm việc theo ca kíp với một số luôn túc trực tại khách sạn quân đội trong khu vực bí mật ở Bắc Kinh.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40667792
Bà Akie Abe tránh nói tiếng Anh với ông Trump?
Các báo Mỹ và Nhật tìm hiểu vì sao Phu nhân Thủ tướng Nhật không nói câu tiếng Anh nào với ông Trump trong bữa tối gần hai giờ tại G20.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ bà Akie Abe, Phu nhân Thủ tướng Nhật Shinzo Abe là “phụ nữ tuyệt vời nhưng không nói được tiếng Anh”.
Trong bữa tiệc tối của các lãnh đạo G20 tại Đức hồi đầu tháng này, ông Trump ngồi cạnh bà Abe và mô tả có “một rào cản ngôn ngữ” giữa hai người.
Thủ tướng Nhật thăm Trân Châu Cảng
G20: Modi gặp ông Phúc tránh ông Tập
“Bà Abe là phụ nữ tuyệt vời nhưng không nói được tiếng Anh, không nói được câu “hello.”
Nhưng bà Motoko Rich, trưởng văn phòng Tokyo của New York Times mô tả đó là “sự giả vờ” từ phía phu nhân thủ tướng Nhật Bản.
Một clip trên YouTube cho thấy bà Abe từng có bài phát biểu 15 phút bằng tiếng Anh tại một hội nghị năm 2014.
Người ta đang tìm hiểu lý do thật sự của việc bà Abe không nói gì với ông Trump trong suốt bữa tiệc.
Washington Post đưa ra giả định là có thể do khả năng Anh ngữ còn hạn chế nên bà Abe không nói gì để “tránh bị hiểu nhầm”.
Báo này cho rằng thật là nhầm to nếu cho rằng Abe “không thể nói được một từ tiếng Anh”.
Theo tiểu sử Phu nhân Thủ tướng Nhật đăng trên Japan Times, bà Akie Abe từng theo học một trường quốc tế ở Tokyo dạy học sinh nói tiếng Anh từ mẫu giáo, và sau đó làm cho Dentsu, công ty PR lớn nhất Nhật Bản.
Cũng liên quan đến ông Trump và phu nhân lãnh đạo nước ngoài, trong một khoảnh khắc hiếm hoi hôm 6/7 tại Warsaw, Ba Lan, ông Trump chìa tay ra định bắt tay bà Agata Duda, phu nhân tổng thống Andrzej Duda.
Nhưng bà Duda đã tiến thẳng đến bắt tay bà Melania Trump trước khi quay sang tổng thống Hoa Kỳ khiến nét mặt ông Trump bày tỏ sự hụt hẫng thấy rõ.
Ông Trump từng bị chỉ trích ví thái độ kỳ thị với phụ nữ từ nhiều năm trước.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40667790
Đặc sứ LHQ kêu gọi TQ ngưng trục xuất người đào tỵ Bắc Hàn
Đặc phái viên về nhân quyền của Liên Hợp Quốc, ông Tomas Ojea Quintana, hôm 21 tháng 7 lên tiếng thúc giục Trung Quốc không nên gửi trả lại Bắc Hàn những người đào tỵ vì lo ngại những người này sẽ phải chịu các hình phạt khắc nghiệt từ chính phủ Bắc Hàn.
Ông Quintana nói ông thấy báo động về tình trạng gia tăng những vụ bắt giữ và gửi trả lại những người Bắc Hàn đào tỵ qua biên giới với Trung Quốc. Ông cho biết Liên Hợp Quốc trong những tháng qua đã bày tỏ quan ngại với giới chức Trung Quốc về tình trạng này, kêu gọi chính phủ Trung Quốc tôn trọng nghĩa vụ của họ theo Công ước về Người tị nạn năm 1951 cũng như với Liên Hợp Quốc.
Theo người đại diện Liên Hợp Quốc, những phụ nữ Bắc Hàn bị trả về thường phải chịu bạo lực dưới nhiều hình thức. Những người này bị đối xử thô bạo, bị lột quần áo để kiểm tra, bị bạo lực tình dục ở ngay tại những trung tâm giam giữ gần biên giới với Trung Quốc.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) hồi tháng 6 cho biết đã có ít nhất 51 người Bắc Hàn bị Trung Quốc bắt giữ kể từ tháng 7 năm ngoái tới nay, bao gồm một trẻ sơ sinh, 4 trẻ nhỏ và 3 phụ nữ lớn tuổi có sức khỏe kém. Tổ chức này cũng cho biết có ít nhất 13 người trong số này đã bị bắt trở lại Bắc Hàn. Số còn lại hiện vẫn ở Trung Quốc.
Biện lý đặc biệt Robert Mueller
trong tầm ngắm của Tổng thống Trump?
Chính quyền của Tổng thống Trump đang có dấu hiệu muốn leo thang cuộc tấn công nhắm vào cuộc điều tra hình sự về việc Nga xen vào cuộc bầu cử Mỹ.
Các phụ tá của Tổng thống Trump được cho là đang điều tra toán công tố viên của biện lý đặc biệt Robert Mueller, để tìm những phương cách nhằm hạ uy tín của cuộc điều tra đang được tiến hành liên quan tới nước Nga.
Toán công tố viên hùng hậu của ông Mueller và những cộng sự của họ đang xem xét xem liệu có bất cứ cố vấn nào của ông Trump tiếp tay với âm mưu của Nga nhằm gây gián đoạn cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái hay không.
Hôm thứ Năm 20/7, người phát ngôn Toà Bạch Ốc dường như không che dấu việc biện lý đặc biệt Mueller đang ‘trong tầm ngắm’ của ông Trump.
Bà Sarah Saunders phát biểu:
“Tôi không thể tiên đoán mọi việc có thể diễn ra trong tương lai, và những gì mà ông Mueller có thể làm mà sẽ buộc chính phủ phải hành động, nếu không thì là điều đáng chê trách. Cho nên tôi sẽ không bàn về những giả thuyết, tôi chỉ có thể nói về tình hình tại thời điểm này, ngày hôm nay.”
Báo chí dẫn các nguồn tin tường thuật rằng Tổng thống Trump hết sức bực dọc về ý niẹm rằng cuộc điều tra của ông Mueller có thể lan rộng tới các hoạt động tài chính của ông và gia đình ông.
Tờ The Washington Post tường thuật rằng ông Trump đã vấn ý các cố vấn về quyền của Tổng thống ân xá cho các phụ tá, cho người thân trong gia đình, và ngay cả cá nhân ông liên quan tới cuộc điều tra.
Trong một diễn tiến có liên quan, con trai cả của ông Trump, Donald Trump Jr., cựu quản lý chiến dịch vận động tranh cử của ông, là Paul Manafort, và Jared Kushner, cố vấn cấp cao của Tổng thống và cũng là con rể của ông Trump, sẽ ra khai chứng vào tuần tới về cuộc gặp gỡ hồi năm ngoái với một luật sư người Nga, người đã cho biết là có trong tay những thông tin có thể phương hại tới uy tín của bà Hillary Clinton, và như thế sẽ giúp chiến dịch vận động của ông Trump.
Luật sư Nga cho biết bà sẵn sàng nói tất cả cho các nhà lập pháp Mỹ nghe về cuộc gặp gỡ này.
Ông John McCain tuyên bố sẽ sớm trở lại Thượng viện
Thượng nghị sĩ John McCain ngày 20/7 tuyên bố sẽ nhanh chóng trở lại Thượng viện làm việc sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư não.
Ông McCain, nay 80 tuổi, là một Thượng nghị sĩ kỳ cựu từng tranh cử chức Tổng thống Hoa Kỳ nhưng thất cử. Ông được biết đến như một tiếng nói mạnh mẽ, quyết liệt, và độc lập về các vấn đề an ninh và quốc phòng, kể cả vấn đề Biển Đông.
Ông phát hiện ung thư não sau khi trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ cục máu đông phía sau mắt trái hồi tuần trước.
Trên Twitter, ông bày tỏ lòng cảm kích đối với sự ủng hộ, chia sẻ, động viên của mọi người và cam kết sẽ sớm trở lại Quốc hội.
Ông John McCain sống sót sau 5 năm bị giam cầm tại Việt Nam trong thời cuộc chiến Việt Nam. Ông bị bắt làm tù binh chiến tranh tại miền bắc Việt Nam, sau Hiệp định Paris 1973 ông được thả tự do.
Sau này, ông là một trong những nghị sĩ đi đầu thúc đẩy bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ.
Ông nội và thân phụ của ông đều từng là đô đốc Hải quân Hoa Kỳ.
Ông đang hồi phục sau cuộc phẫu thuật mắt tại tư gia ở Arizona. Chưa rõ khi nào ông trở lại Washington DC.
https://www.voatiengviet.com/a/ong-john-mccain-tuyen-bo-som-quay-lai-thuong-vien-/3952767.html
Cử tri bỏ phiếu cho Trump ‘hối hận’?
Cứ 8 người bỏ phiếu bầu ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ thì có 1 người cho biết có lẽ sẽ đổi ý nếu được làm lại từ đầu sau khi chứng kiến 6 tháng đầu đầy ‘xáo trộn’ trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump, theo cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos.
Dù đa số cử tri đã bỏ phiếu cho ông Trump hôm 8/11/2016 cho biết họ kiên định ủng hộ ông, nhưng hậu thuẫn giảm sút đối với ông Trump nơi những cử tri cao tuổi, đa phần là da trắng, đang đề ra những rủi ro khả dĩ cho Tổng thống, người rất cần sự ủng hộ đông đảo để thúc đẩy các nghị trình được thông qua tại Quốc hội vốn đang bị chia rẽ sâu sắc và để được tái đắc cử nhiệm kỳ thứ nhì sau 4 năm.
Cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được thực hiện lần đầu tiên hồi tháng 5 và được tiến hành lần nữa trong tháng này.
Trong cuộc khảo sát tháng này, 12% cho biết nếu trở lại từ đầu, họ sẽ không bỏ phiếu cho Trump. 7% không có quyết định chính xác. 5% cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho các ứng viên khác hoặc không đi bầu.
88% khẳng định cũng sẽ dồn phiếu cho Trump.
Những lý do khiến cử tri ‘nghĩ lại’ bao gồm sự thất vọng về những cam kết chưa thực hiện của ông Trump đối với di dân bất hợp pháp và thất bại của ông Trump chưa hàn gắn được bầu không khí đảng phái ở chính trường Mỹ.
Cuộc khảo sát ngày 11 và 12/7 được thực hiện qua mạng trên toàn nước Mỹ với 1296 người, trong đó có 541 cử tri ủng hộ ông Trump.
Nguồn: Reuters/Ipsos poll
https://www.voatiengviet.com/a/cu-tri-bo-phieu-cho-trump-hoi-han-/3952761.html
ExxonMobil bị phạt vì vi phạm lệnh trừng phạt Nga
Bộ Tài chính Mỹ đã phạt Tập đoàn ExxonMobil 2 triệu đôla vì vi phạm lệnh trừng phạt Nga liên quan đến Ukraine, thời Ngoại trưởng Rex Tillerson còn là tổng giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí toàn cầu này.
Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của bộ đã áp dụng phạt dân sự sau khi kết luận rằng ExxonMobil không tự nguyện tiết lộ các vi phạm, mà cộng chung lại, “cấu thành một vụ vi phạm hết sức tồi tệ”.
Bộ Tài chính cho biết các lãnh đạo điều hành của các công ty con thuộc ExxonMobil đã ký kết nhiều văn bản pháp lý với ông Igor Sechin, Chủ tịch Rosneft, tập đoàn dầu khí khổng lồ của Nga. Ông Sechin nằm trong danh sách cấm của Bộ Tài chính Mỹ.
Bộ Tài Chính nói ExxonMobil đã thể hiện thái độ “coi thường bất chấp hậu quả” đối với với các lệnh trừng phạt khi làm ăn với ông Sechin, một nhân vật mà họ biết là nằm trong danh sách đen của Mỹ.
Bộ Tài chính cho rằng ExxonMobil đã gây “thiệt hại đáng kể” cho chương trình cấm vận đối với Nga.
Các vụ vi phạm xảy ra “trong thời gian từ ngày 14/5/2014 tới khoảng ngày 23/5/2014”, khi ông Rex Tillerson còn là Tổng Giám đốc Điều hành của ExxonMobil.
https://www.voatiengviet.com/a/exxonmobil-bi-phat-vi-vi-pham-lenh-trung-phat-nga/3952288.html
Đụng độ Israel-Palestine lại nổ ra ở Núi Đền
Một người Palestine đã bị bắn chết hôm thứ Sáu tại một khu xóm ở Đông Jerusalem, nơi các cuộc giao tranh bùng nổ trong khu vực, theo một bộ trong chính quyền Palestine cho biết.
Nguồn tin này nói vụ nổ súng diễn ra tại khu xóm Ras al-Amud, mặc dù tin không cho biết ai là người đã bắn phát đạn gây chết người.
Vụ việc xảy ra giữa lúc đang có các cuộc đụng độ giữa các lực lượng an ninh Israel và Palestine sau khi các biện pháp an ninh mới của Israel được mang ra thi hành.
Cảnh sát Israel đã cấm cửa đàn ông Hồi giáo dưới 50 tuổi, không cho vào một địa điểm linh thiêng ở Jerusalem để cầu nguyện trong ngày thứ Sáu.
Các giới chức dự kiến sẽ nổ ra biểu tình tại địa điểm ở khu phố cổ, nơi mà cảnh sát Israel mới đây đã thiết đặt các thiết bị an ninh, sau khi 2 nhân viên cảnh sát Israel bị phần tử vũ trang người Ả rập giết tại đó.
Người phát ngôn của cảnh sát Israel Mickey Rosenfeld cho hay các lực lượng tăng viện đã được triển khai tại và xung quanh Khu Phố cổ.
Một thông báo của cảnh sát nói: “Lối vào Khu Phố Cổ và Đền Núi sẽ bị giới hạn, chỉ dành cho đàn ông hơn 50 tuổi. Phụ nữ ở tất cả mọi lứa tuổi đều được phép vào.”
Địa điểm này được người Hồi giáo biết dưới tên “Thánh địa Linh thiêng”, trong khi người Do thái gọi là “Núi Đền”. Đây là địa điểm thiêng liêng nhất của Hồi giáo, và là địa điểm thiêng liêng thứ 3 của Hồi giáo.
https://www.voatiengviet.com/a/dung-do-israel-palestine-ai-no-ra-o-nui-den/3953713.html
Hồ Xuân Hoa –
ngôi sao đang lên trên chính trường Trung Quốc
Con đường thăng tiến của ông Hồ Xuân Hoa, ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, ngày càng rộng mở sau khi một đối thủ tiềm năng của ông rớt đài, hãng tin Reuters nhận định.
Có biệt danh là “Tiểu Hồ” để phân biệt với cựu Chủ tịch Hồ Cầm Đào – người nâng đỡ ông, Hồ Xuân Hoa lâu nay vẫn được xem là một ngôi sao trên chính trường Trung Quốc. Giờ đây, cú ngã ngựa đột ngột của ông Tôn Chính Tài, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của ông Hồ, càng củng cố cơ hội thăng tiến của ông tại Đại hội Đảng lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu năm nay.
Các nguồn tin thân cận với lãnh đạo Đảng lâu nay vẫn ca ngợi ông Hồ, 54 tuổi, là “một trong những nhân vật hứa hẹn nhất” của thế hệ lãnh đạo thứ sáu – tức thế hệ sẽ lên thay dàn lãnh đạo của ông Tập Cận Bình khi ông Tập về hưu.
Cho đến giữa tháng Bảy năm nay, ông Tôn Chính Tài, bí thư Thành ủy Trùng Khánh, vẫn được xem là có nhiều triển vọng trong thế hệ lãnh đạo thứ sáu. Thế nhưng, ông Tôn, vốn nhỏ hơn ông Hồ một tuổi, đã đột ngột bị cách chức và, theo nguồn thạo tin trong Đảng, đang bị điều tra.
Ít được biết đến trên trường quốc tế, Hồ Xuân Hoa đã trải qua phần lớn sự nghiệp chính trị của mình tại khu tự trị Tây Tạng đầy bất ổn rồi sau đó trở thành chủ tịch tỉnh Hà Bắc trước khi được điều sang làm người đứng đầu Đảng ủy Nội Mông. Tại Đại hội Đảng lần thứ 18 hồi cuối năm 2012, ông được đề bạt sang lãnh đạo tỉnh Quảng Đông – một trong những tỉnh giàu có nhất và quan trọng nhất của Trung Quốc.
Trong thời gian làm lãnh đạo ở Quảng Đông, ông Hồ đã phải xử lý những đợt bùng phát biểu tình tại làng Ô Khảm vốn có biệt danh là “làng dân chủ”. Ông đã ra lệnh đàn áp để chứng tỏ bản lĩnh của mình trước các lãnh đạo trung ương.
Làm bí thư một tỉnh quan trọng như Quảng Đông được xem là một bệ phóng chính trị để vươn tới những vị trí lãnh đạo quốc gia. Người tiền nhiệm của ông Hồ, ông Uông Dương, đã được cất nhắc lên làm phó thủ tướng sau Đại hội 18.
Một số người đã từng gặp ông Hồ cho biết ông có tác phong lãnh đạo tương đối thoải mái và dễ gần. Họ nói ông đã rất cố gắng trong công tác xóa đói giảm nghèo tại những khu vực kém phát triển của tỉnh Quảng Đông cũng như thúc đẩy sự sáng tạo với việc giúp phát triển khu vực công nghệ cao của Thâm Quyến. Bản thân ông Hồ đã nói nhiệm vụ trọng tâm của ông là nâng cấp và tái cơ cấu nền kinh tế của Quảng Đông và làm giảm bất ổn xã hội cũng như những vụ tranh chấp đất đai với chính quyền.
Trong nhiệm kỳ của ông Hồ, Quảng Đông vẫn giữ vững vị trí là tỉnh đứng đầu cả nước về kinh tế với GDP năm 2016 đạt 1.160 tỷ đô la – chiếm 10% tổng thu nhập quốc nội và 28% giao thương của cả nước.
Ông Hồ không cho thấy nhiều về quan điểm chính sách của ông ngoại trừ việc ông quan tâm đến những vùng cách trở về địa lý và nghèo đói – một phần nguyên nhân là do có tuổi thơ nghèo khó tại một làng miền núi ở tỉnh Hồ Bắc.
Một nguồn tin ở Quảng Châu đã từng gặp Hồ Xuân Hoa nói với Reuters:
“Uông Dương dám nghĩ, dám làm, dám cải cách, còn Hồ Xuân Hoa không dám nói nhiều. Ông là người kín tiếng. Nhưng trong nền chính trị Trung Quốc chỉ cần anh không gặp rắc rối gì là đủ.”
Ông Hồ được cho là người của “Đoàn phái”, tức Đoàn thanh niên cộng sản vốn là cơ sở quyền lực của Cựu chủ tịch Hồ Cầm Đào. Đây được xem là một bất lợi của ông đối với ông Tập vốn thuộc phái “Thái tử Đảng”.
Tuy nhiên, gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy con đường thăng tiến mở rộng của ông Hồ. Hồi tháng Tư, Chủ tịch Tập Cận Bình nói ông “hoàn toàn tán thành” công tác lãnh đạo của chính quyền Quảng Đông kể từ Đại hội Đảng lần thứ 18, theo truyền thông Trung Quốc. Đây được xem như ông Tập gián tiếp ủng hộ Hồ Xuân Hoa.
Hồi tháng Năm, ông Hồ đã nhiều lần cam kết trung thành với ông Tập. Hồ khẳng định rằng ông Tập là lãnh đạo “hạt nhân” của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Ông cũng đi công cán đến Israel, Ireland và Anh Quốc hồi tháng Sáu. Những chuyến công du này được xem là để tăng cường hình ảnh quốc tế của ông Hồ để chuẩn bị cho những chức vụ cao hơn.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Hồ Xuân Hoa đã tình nguyện đến công tác ở Tây Tạng sau khi tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh. Ông phục vụ ở đó gần hai thập niên và đã học giao tiếp bằng tiếng Tạng. Ông đã leo lên chức phó bí thư Tây Tạng. Cũng chính ở khu tự trị này Hồ Xuân Hoa đã gặp và gây ấn tượng với ông Hồ Cẩm Đào, bí thư Tây Tạng trong giai đoạn 1988-1992. Ông Hồ Cầm Đào đã trở thành người nâng đỡ cho “Tiểu Hồ”.
Khi về Nội Mông, Hồ Xuân Hoa đã giành được sự khen ngợi của lãnh đạo Đảng, các nguồn tin thân cận với lãnh đạo Đảng nói với Reuters, vì đã đàn áp các cuộc biểu tình của người bản địa Nội Mông phản đối các công ty khai khoáng tàn phá các đồng cỏ chăn thả gia súc.
“Trong số những nhân vật tiềm năng cho thế hệ lãnh đạo thứ sáu, Hồ Xuân Hoa là người có uy tín lớn nhất,” một nguồn thạo tin trong Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, “Trừ phi ông ấy phạm sai lầm nghiêm trọng thì không có lý do gì mà ông Tập không đề bạt ông ấy.”
Nhà ngoại giao cấp cao Venezuela ở LHQ
từ chức để phản đối TT Maduro
Một nhà ngoại giao cấp cao của Venezuela tại Liên hiệp quốc từ chức để phản đối điều ông nói là chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro đàn áp thường dân, “nhà nước khủng bố” và vi phạm hiến pháp.
Trả lời hãng thông tấn AP tối 20/7, ông Isaias Medina gọi Venezuela là một “nhà nước sụp đổ,” và nói rằng đó là “một chính phủ vô dụng và người độc tài Maduro không được phép cầm quyền.”
Ông Medina, một luật sư quốc tế chuyên về các vấn đề môi trường, trước đó là tham tán công sứ của phái bộ ngoại giao Venezuela ở Liên hiệp quốc, kêu gọi ông Maduro “rời khỏi chức vụ để một chính quyền khác lên cầm quyền.”
Trong khi đó, Đại sứ Venezuela ở Liên hiệp quốc nói ông Medina bị cách chức vì hành động không trung thực.
Tại các thành phố trên cả nước Venezuela hôm thứ Năm 20/7, cây cối, dây thép, rác, bàn ghế đồ dùng biến thành chướng ngại vật trên đường phố khi người dân nước này hưởng ứng lời kêu gọi đình công chống chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro.
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát tại nhiều nơi. Các nhóm người trẻ đeo mặt nạ nổi lửa đốt một số rào cản và ném gạch đá vào cảnh sát cơ động. Cảnh sát đã bắn trả bằng hơi cay.
Một thanh niên 24 tuổi thiệt mạng và 3 người bị thương sau khi bạo động nổ ra trong một cuộc biểu tình ở ngoại ô Caracas.
Người biểu tình còn nổi lửa đốt một chốt canh của cảnh sát. Nhiều người bị cảnh sát bắt giữ.
Trụ sở chính của đài truyền hình nhà nước VTV bị ném đá.
Cuộc đình công 24 giờ này có nghĩa là cả nước không chấp thuận kế hoạch của Tổng thống Maduro lập hội đồng hiến pháp để sử đổi hệ thống chính trị của Venezuela nhằm cho phép đảng đương quyền nắm quyền kiểm soát nhiều định chế hiện đang nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Phe đối lập tẩy chay cuộc bầu chọn đại biểu quốc hội ngày 30 tháng 7.
Ông Maduro nói trên đài truyền hình quốc gia rằng ông sẽ tiến hành kế hoạch sửa đối hiến pháp và cho biết hàng trăm công ty lớn nhất nước vẫn hoạt động hết công suất bất chấp cuộc đình công. Tuyên bố của ông Maduro chưa được xác nhận.
Tình trạng bạo động và biểu tình chống chính phủ 4 tháng qua đã khiến ít nhất 100 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương, hàng trăm người bị giam tù và nền kinh tế suy thoái sang năm thứ tư lại càng bị nhiều thiệt hại.
Sau khi cuộc đình công chấm dứt vào sáng sớm thứ Sáu, quốc hội do phe đối lập nắm giữ dự tính sẽ bổ nhiệm tám thẩm phán mới cho Tòa án Tối cao, thay thế tám thẩm phán bị Mỹ chế tài vì vai trò của họ trong kế hoạch tước bỏ quyền lực của quốc hội. Có phần chắc chính phủ của ông Maduro sẽ không công nhận các thẩm phán mới.
Phe đối lập còn kêu gọi dân chúng Venezuela xuống đường vào thứ Bảy để bày tỏ ủng hộ đối với các thẩm phán mới.
Bắc Hàn khinh thường đề nghị đối thoại của Nam Hàn
Bắc Triều Tiên cho tới giờ chưa trả lời đề nghị đối thoại quân sự hồi đầu tuần này của Nam Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nam Hàn Moon Sang-kyun hôm thứ Sáu 21/7 nói: “Bộ Quốc phòng một lần nữa kêu gọi Bắc Triều Tiên nhanh chóng trả lời đề nghị của chúng tôi.”
Lại bác bỏ
Tân tổng thống lên nắm quyền hồi tháng 5 vừa rồi của Hàn Quốc, ông Moon Jae-in đi theo chính sánh hai mặt để giải quyết cuộc khủng hoảng đối đầu hạt nhân của Bắc Triều Tiên bằng việc ủng hộ các biện pháp chế tài của Mỹ đối với chế độ Kim Jong Un, nhưng cũng đồng thời tăng nỗ lực nối lại đối thoại liên Triều và trợ giúp miền Bắc khi có cơ hội.
Bộ Quốc phòng Nam Hàn đề nghị đối thoại với Bình Nhưỡng hôm thứ Sáu 21/7 để mở lại kênh liên lạc quân sự giữa hai nước, và để giảm thiểu hiểu lầm và ước tính sai lệch vào lúc tình hình căng thẳng leo thang khi Bắc Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm hạt nhân và phi đạn đạn đạo.
Đây là đề nghị chính thức đầu tiên của Seoul kể từ khi các quan hệ xuyên biên giới bị cắt đứt hồi đầu năm ngoái dưới chính quyền của cựu Tổng thống Park Geun Hye, người đã áp dụng các lệnh chế tài đơn phương đối với miền Bắc khi Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân và phóng phi đạn.
Nhưng cho tới giờ Bắc Triều Tiên không đếm xỉa tới hoặc bác bỏ không những đề nghị đối thoại quân sự mà cả đề nghị tổ chức đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, và đề nghị viện trợ nhân đạo của miền Nam.
Trước đó có những đồn đoán và lo ngại rằng Seoul có thể đề nghị một số nhượng bộ đơn phương để nối lại tiếp xúc, chẳng hạn như ngưng phát loa phóng thanh tuyên truyền dọc theo biên giới thường mạnh mẽ đả kích lãnh tụ Kim Jong Un của miền Bắc.
Nhà phân tích chính trị Bong Young-shik của khoa nghiên cứu Bắc Hàn thuộc Đại học Yonsei ở Seoul nhận định rằng: “Nam Triều Tiên có thể thôi đưa ra nhiều nhượng bộ quá mức cho Bắc Triều Tiên mà không nhận lại được gì.”
Nhưng báo Rodong Sinmun của nhà nước Bắc Hàn hôm thứ Năm gọi nỗ lực nối lại tiếp xúc của Nam Hàn là “vô nghĩa” và hàm ý rằng các mối quan hệ liên Triều sẽ không thể cải thiện chừng nào Seoul còn ủng hộ các lệnh chế tài đối với Bình Nhưỡng.
Trung Quốc đã lên tiếng đề nghị Hoa Kỳ ngưng các cuộc diễn tập quân sự chung với Nam Triều Tiên để đổi lại việc Bắc Triều Tiên ngưng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Không bên nào đồng ý với đề nghị của Bắc Kinh, nhưng Tổng thống Moon nói ông ủng hộ việc tái tục hoạt động ở khu công nghiệp liên doanh Kaesong và khu du lịch Núi Kim Cương – những dự án mang về cho miền Bắc hàng triệu đôla – để đổi lại việc Bình Nhưỡng ngưng hoạt động hạt nhân.
Các đồng minh cảnh giác
Nỗ lực nối lại tiếp xúc của Tổng thống Moon cho đến giờ không những bị Bình Nhưỡng bác bỏ mà còn khiến cho Mỹ lo ngại trong lúc nước đồng minh chính của Nam Hàn này đang gia tăng các biện pháp trừng phạt để đòi Bình Nhưỡng bỏ chương trình hạt nhân.
Washington đã đặt ra những điều kiện để làm việc với Bắc Triều Tiên, trong đó có việc Bình Nhưỡng phải thể hiện những bước chắc chắn ngưng hoạt động hạt nhân và đồng ý đám phán giải trừ hạt nhân. Hồi đầu tuần này, người phát ngôn Tòa Bạch Ốc Sean Spicer dường như bác bỏ ý kiến nối lài đàm phán với Bắc Triều Tiên với phát biểu rằng điều đó “còn quá xa với điều kiện hiện nay của chúng tôi.”
Những người ủng hộ trừng phạt Bắc Hàn lo ngại rằng nỗ lực của Tổng thống Moon nối lại tiếp xúc với Bình Nhưỡng sẽ làm yếu đi áp lực của quốc tế.
Nhà phân tích tình hình an ninh khu vực Grant Newsham của Diễn đàn Nhật Bản về Nghiên cứu Chiến lược ở Tokyo nhận định: “Cách làm này đứng về mặt lý thuyết là mở cho Bắc Triều Tiên không gian rộng hơn để thở và có tiềm năng gây chia rẽ liên minh.”
Tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Hoa Kỳ kêu gọi áp dụng những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Bắc Triều Tiên sau vụ Bình Nhưỡng hôm 4 tháng 7 thử một phi đạn có thể là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Tuy nhiên tin nói Nga chống lại đề nghị của Mỹ và cho rằng tên lửa đó không phải là tên lửa xuyên lục địa mà chỉ là một tên lửa tầm trung, do đó không cần đặt ra thêm biện pháp trừng phạt.
Quốc hội Mỹ cũng đang xem xét một dự luật cho phép các biện pháp chế tài giáng tiếp đối với các công ty quốc tế và các cá nhân làm ăn với Bắc Triều Tiên, nhất là ở Trung Quốc, nơi có đến 90% giao dịch thương mại của Bắc Triều Tiên được thực hiện.
Thay đổi chế độ
Cũng trong ngày thứ Năm, tân giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA), ông Mike Pompeo đưa ra chỉ dấu rằng mục tiêu tối hậu của Mỹ là phế truất lãnh tụ Kim Jong Un của chế độ Bắc Triều Tiên.
Ông Pompeo phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở Aspen, bang Colorado: “Phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, dẹp sạch vũ khí hạt nhân ở đó điều trọng đại. Nhưng yếu tố nguy hiểm nhất của vấn đề là nhân vật đang kiểm soát những vũ khí đó vào lúc này. Do đó theo quan điểm của chính quyền, điều quan trọng nhất là phải tách rời hai yếu tố đó ra, đúng không?”
Ông giám đốc CIA nói rằng cộng đồng tình báo đang chuẩn bị nhiều phương án để chấm dứt mối đe dọa của Bắc Triều Tiên. Phát biểu của ông dường như mâu thuẫn với tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson hồi tháng 5 rằng Mỹ không tìm cách thay đổi chế độ ở Bắc Triều Tiên.
https://www.voatiengviet.com/a/bac-han-khinh-thuong-de-nghi-doi-thoa-cua-nam-han/3953534.html
Liên hiệp quốc muốn can thiệp cho vợ ông Lưu Hiểu Ba
Trưởng phụ trách nhân quyền của Liên hiệp quốc, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, ngày 20/7 loan báo muốn gặp gỡ các giới chức Trung Quốc để thúc giục Bắc Kinh cho phép vợ của Khôi nguyên Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba được quyền tự do đi lại và du hành.
Ông Lưu, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của Trung Quốc, vừa qua đời tuần trước vì căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối trong lúc đang thọ án 11 năm tù về tội danh ‘kích động lật đổ chính quyền’ sau khi soạn thảo thỉnh nguyện thư mang tên Hiến chương 08 kêu gọi cải cách chính trị sâu rộng tại quốc gia cộng sản này.
Vợ ông Lưu, bà Lưu Hà, bị quản thúc tại gia kể từ khi ông Lưu được vinh danh Giải Nobel Hòa bình 2010.
“Tôi dự định họp với các giới chức Trung Quốc,” ông Zeid cho báo giới biết tại New York. “Chúng tôi giờ đang tập trung vào vợ của ông ấy và tìm cách đảm bảo rằng bà ta được tự do đi lại và được rời khỏi Trung Quốc, nếu muốn.”
Trung Quốc nói trường hợp của bà Lưu Hà là chuyện nội bộ của Bắc Kinh chớ nên can thiệp.
https://www.voatiengviet.com/a/lien-hiep-quoc-muon-can-thiep-cho-vo-ong-luu-hieu-ba-/3952775.html
Hàn Quốc lại kêu gọi Bắc Triều Tiên đàm phán
Hôm nay 21/07/2017 là ngày mà Hàn Quốc đã đề nghị Bắc Triều Tiên đến làng biên giới Bàn Môn Điếm để thảo luận các biện pháp nhằm giảm bớt tình trạng căng thẳng và thù địch dọc biên giới hai nước. Đề nghị này được đưa ra ngày 17/07 vừa qua. Tuy nhiên Bình Nhưỡng không trả lời và Seoul hôm nay lại kêu gọi Bắc Triều Tiên chấp nhận đề nghị.
Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Hàn Quốc Moon Sang Kyun thông báo cuộc đàm phán không thể diễn ra vì không có câu trả lời từ phía Bắc Triều Tiên.
Một lần nữa, Hàn Quốc đề nghị Bắc Triều Tiên chấp nhận đề nghị đối thoại từ phía Seoul. Trong một thông cáo, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết : “Việc mở lại kênh đối thoại về quân sự là một ưu tiên hàng đầu để chấm dứt căng thẳng quân sự liên Triều và đảm bảo sự ổn định và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.”
Phát ngôn viên Moon Sang Kyun cũng nhấn mạnh: “Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc khẩn thiết kêu gọi lại Bình Nhưỡng trả lời đề nghị của chúng tôi trong thời gian sớm nhất có thể”. Theo hãng tin nhà nước Yonhap của Hàn Quốc, đề nghị đàm phán lần này của Seoul có giá trị tới ngày 27/07.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170721-han-quoc-lai-keu-goi-bac-trieu-tien-hoi-dap-de-nghi-dam-phan
Kinh tế Bắc Triều Tiên
tăng trưởng mạnh nhất từ 17 năm qua
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc hôm nay 21/07/2017 khẳng định, nền kinh tế Bắc Triều Tiên trong năm 2016 đã tăng trưởng mạnh mẽ nhất kể từ 17 năm qua, chủ yếu do xuất khẩu gia tăng.
Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK), tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Bắc Triều Tiên đã tăng 3,9% trong năm ngoái, cao nhất kể từ năm 1999 đến nay.
Bình Nhưỡng không bao giờ công bố các số liệu thống kê chính thức về kinh tế, và ước lượng của BOK dựa trên các dữ liệu tổng hợp của các tổ chức công và tư Hàn Quốc. Theo đó, khoáng sản vốn chiếm 12,6% GDP của Bắc Triều Tiên, đã tăng 8,4% trong năm 2016 ; công nghiệp nặng và hóa chất tăng 6,7%. Tổng lượng hàng xuất khẩu tăng 4,6%, chủ yếu nhờ vào khoáng sản.
Bị Liên Hiệp Quốc ra nhiều nghị quyết trừng phạt vì chương trình nguyên tử và đạn đạo, Bình Nhưỡng lệ thuộc nhiều vào Bắc Kinh, chủ yếu xuất khẩu khoáng sản sang Trung Quốc. và nhập khẩu nhiên liệu từ nước láng giềng khổng lồ. Hồi tháng Hai, Trung Quốc đã ngưng nhập khẩu than đá của Bắc Triều Tiên, nhưng tiếp tục mua các loại nguyên liệu như quặng sắt.
GDP của Bắc Triều Tiên gia tăng còn nhờ vào khu vực tư nhân ngày càng được thả lỏng, và sự xuất hiện của các doanh nghiệp nhỏ chuyên buôn bán thực phẩm, hàng tiêu dùng từ Trung Quốc. Sự « tự do hóa » tương đối này nhằm ngăn ngừa thảm họa nạn đói từng xảy ra vào cuối thập niên 90.
Fin publicité dans 96 s
Tuy nhiên hôm nay tổ chức Lương Nông Thế Giới (FAO) cảnh báo Bắc Triều Tiên có nguy cơ bị thiếu lương thực trầm trọng, do hạn hán lớn nhất từ 15 năm qua. Lượng mưa từ tháng Tư đến tháng Sáu tại các vùng nông nghiệp chính thấp hơn hẳn so với mức trung bình, làm thiệt hại nhiều vụ mùa.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170721-kinh-te-bac-trieu-tien-tang-truong-manh-nhat-tu-17-nam-qua
Bắc Triều Tiên:
Tư lệnh Hải quân Mỹ nhờ đồng nhiệm Trung Quốc hỗ trợ
Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ, John Richardson trong cuộc trao đổi qua video với đồng nhiệm Trung Quốc Thẩm Kim Long (Shen Jinlong) đã đề nghị giúp gây ảnh hưởng lên Bắc Triều Tiên để ngăn chận chương trình nguyên tử và đạn đạo của Bình Nhưỡng. Một viên chức Mỹ hôm qua 20/07/2017 cho Reuters biết như trên.
Theo vị quan chức giấu tên, trong cuộc đối thoại khoảng một tiếng đồng hồ, đô đốc Richardson đã bày tỏ quan ngại về chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh cần sử dụng đến ảnh hưởng độc nhất của mình lên Bình Nhưỡng. Hai bên đã bàn bạc về sự cần thiết phải « làm việc cùng nhau để đối phó với sự khiêu khích không thể chấp nhận được của Bắc Triều Tiên ».
Tháng trước, tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng nỗ lực của Trung Quốc nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng đã không mang lại kết quả. Bắc Triều Tiên mới đây loan báo đã tiến hành phóng thử nghiệm một hỏa tiễn liên lục địa đầu tiên, và đã nắm vững công nghệ thu nhỏ đầu đạn nguyên tử để gắn vào hỏa tiễn.
Bên cạnh đó, ngoại trưởng Anh Boris Johnson hôm nay 21/07/2017 tuyên bố Luân Đôn sẽ sát cánh với Tokyo nhằm chấm dứt các hoạt động thử nguyên tử và tên lửa của Bình Nhưỡng. Hãng tin AP cho biết ông Johnson gọi việc phóng hỏa tiễn Hwasong-14 hồi đầu tháng Bảy là một « sự khiêu khích bất cẩn », cho rằng « Tất cả chúng ta, trong đó có Trung Quốc, đều phải gia tăng áp lực ngoại giao cũng như trừng phạt, để Bình Nhưỡng phải ngồi vào bàn thương lượng ».
Căng thẳng biên giới:
Ấn Độ tố cáo Trung Quốc phá vỡ nguyên trạng
New Delhi vào hôm qua, 20/07/2017 đã tố cáo Bắc Kinh đơn phương áp đặt luật chơi tại vùng ba biên giới giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan, bất chấp một thỏa thuận năm 2012. Đây là nơi quân đội Ấn-Trung đang gườm nhau từ hơn một tháng nay. Tuy nhiên, Ấn Độ cho biết sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc, nếu cả hai bên rút lực lượng của mình ra khỏi khu vực.
Vùng đang có căng thẳng là cao nguyên Doklam, thuộc lãnh thổ Bhutan nhưng Trung Quốc cho là của họ. Vào tháng trước, khi Trung Quốc đưa quân vào xây dựng một con đường đi vào khu vực, Bhutan đã cầu cứu đồng minh Ấn Độ, và New Delhi đã điều quân từ bang Sikkim lân cận ở miền đông bắc Ấn qua giúp Bhutan.
Trung Quốc đã phản ứng bằng cách phong tỏa một đường đèo gần đấy vốn được khách hành hương Ấn dùng để đến núi Kailash, một thánh địa Ấn Độ Giáo và Phật Giáo tại Tây Tạng, và đòi Ấn Độ phải rút quân đi.
Phát biểu tại Quốc Hội Ấn Độ, ngoại trưởng Ấn Sushma Swaraj đã bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh khi nhắc lại rằng một thỏa thuận năm 2012 với Trung Quốc đã buộc cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ là phải giải quyết vấn đề biên giới với Bhutan.
Theo bà Swaraj, lực lượng Trung Quốc trong thời gian gần đây đã tiến vào khu vực tranh chấp với máy ủi đất và máy xúc với mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng có thể làm thay đổi nguyên trạng. Đối với ngoại trưởng Ấn, « Nếu Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng của vùng ba biên giới, điều đó sẽ trở thành một vấn đề cho an ninh của Ấn Độ ».
Xác nhận rằng Trung Quốc đã yêu cầu Ấn Độ rút quân khỏi khu vực, bà Swaraj cho rằng « Nếu Trung Quốc muốn thảo luận vấn đề này, thì cả hai bên phải cùng rút quân đi và đối thoại ».
Ngoại trưởng Ấn Độ cũng tiết lộ rằng Trung Quốc đang trở nên « hung hăng » với Bhutan sau khi nước phản đối hành động của Bắc Kinh.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm qua đã nhắc lại lập trường của Bắc Kinh theo đó việc Ấn Độ rút lực lượng biên phòng của mình về lãnh thổ Ấn Độ là « điều kiện tiên quyết và nền tảng cho mọi cuộc đàm phán thực chất giữa Trung Quốc và Ấn Độ ». Ông Lục Khảng tiếp tục tố cáo lính biên phòng Ấn Độ là đã « xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ Trung Quốc ».
Theo hãng tin Mỹ AP, cuộc khủng hoảng Ấn-Trung dự kiến sẽ được thảo luận khi Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Ấn Độ Ajit Doval ghé Bắc Kinh vào ngày 27-28 tháng 7 để tham dự một diễn đàn an ninh của nhóm BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170721-cang-thang-bien-gioi-an-do-to-cao-trung-quoc-pha-vo-nguyen-trang