‘Đổi mới lần II’: Nhu cầu có thực về ‘đối lập có kiểm soát’!

Cac Bai Khac

No sub-categories

‘Đổi mới lần II’: Nhu cầu có thực về ‘đối lập có kiểm soát’!

19/07/2017

Anh Văn

Ngay cả về mặt “nội bộ Đảng”, nếu lợi ích không được điều hòa, tức khi yếu tố cấp tiến bị kìm hãm, thì nó sẽ là nguồn cơn của bộc phát chính trị hoặc xung đột đe dọa tính thống nhất trong Đảng.

clip_image002

Diplomat ngày 14/07 có đề cập về việc đổi mới lần II của Việt Nam, theo hai tác giả (hiện một là giảng viên tại ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia Tp. HCM và một giảng viên Khoa Quy hoạch Vùng và Thành phố – Đại học Cornell, Hoa Kỳ), Việt Nam ngày hôm nay chia sẻ sự “tương đồng” với Đài Loan hay Hàn Quốc thời tiền dân chủ. Khi mà nền tăng trưởng dựa vào nguồn lao động giá rẻ đã dần cạn, dẫn đến nhu cầu thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Và con đường vạch ra chính là “dân chủ hóa thể chế chính trị” vào năm 1980 bằng cách chấp nhận hệ thống chính trị đa đảng và nhà nước pháp quyền. Và Việt Nam hiện nay, chỉ còn tàn tích của CNCS liên quan đến DNNN – vốn nổi tiếng trong việc kinh doanh thiếu hiệu quả, nợ nần,…

Đổi mới lần II về mặt chính trị sẽ giúp ĐCSVN khẳng định tính hợp pháp (như cách thức mà Đổi mới I từng mang lại), kết hợp giữa chủ nghĩa thực dụng và trọng dụng nhân tài như cách mà Đảng PAP (Singapore) đang tiến hành. Và bước đi cần thiết của Đổi mới II chính là cuộc chiến chống tham nhũng bằng sự cải cách sâu quy trình pháp luật để loại bỏ các quan chức tham nhũng, tạo sự ổn định chính trị (thay vì gây bất ổn bằng sự đàn áp). Bên cạnh đó là tự do lập hội, trong đó bao hàm cả các hội chức chính trị; loại bỏ các hạn chế ngầm về mặt tự do ngôn luận trên báo chí có thể giúp tiếp tục xác nhận vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua một cuộc thảo luận tự do, khuyến khích đổi mới,…

Bài viết mang quan điểm nếu trên cho thấy, nhu cầu đổi mới tại Việt Nam là khẩn thiết và có thực. Nhất là trong bối cảnh, tính chính danh của ĐCSVN đang bị thách thức bởi các vấn đề môi trường, tham nhũng và cả lạm quyền. Trong mặt trận thông tin, dường như vai trò mạng xã hội cũng thách thức với chính những yếu điểm mà ĐCSVN phô bày, và vừa qua, cách thức mà Bộ TN&MT Việt Nam (vốn liên đới trực tiếp đến thảm họa môi trường Formosa) không cho báo chí dự hội nghị sơ kết 6 tháng, trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ cho phép báo chí tham dự 5 phút đầu của cuộc họp; và thay vì được theo dõi các phiên họp được truyền hình trực tiếp đến Trung tâm Báo chí như trước đây, các phóng viên sẽ chỉ nhận được bản thông cáo báo chí sau các phiên họp với lý do… sợ tiết lộ bí mật nhà nước. Quy trình này khiến cho quyền giám sát và quyền được thông tin của người dân bị tước đoạt. Vấn đề đất đai cũng bùng nổ thành những cuộc xung đột lớn gần đây, mà mới đây nhất là người dân xã Đồng Tâm lập “chiến lũy” để bảo vệ quan điểm đất đai của mình; trong khi sự vụ Đồng Tâm chưa giảm nhiệt thì sự vụ Đan viện Thiên An nổi lên, bản thân Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt khi đến thăm cũng bày tỏ rằng, sự vụ xảy ra khi mà quyền tư hữu [đất đai] không được tôn trọng, mà chính yếu tố này làm bùng phát mối bất hòa giữa người dân và chính quyền.

Đứng trước những khó khăn như thế này, đòi hỏi đổi mới chính trị không còn nằm ở vấn đề người dân, mà ngay trong những đội ngũ đảng viên và quan chức có hơi hướng mở. Điều này không nhằm để cải thiện và giảm sự xung khắc trong xã hội, mà còn là một vấn đề mang tính giải quyết yếu tố hài hòa về cả mặt thể chế. Chính yếu tố này đã dẫn đến một hiện tượng về mặt Nghị quyết của ĐCSVN sau năm 1975 mang tên Nghị quyết T.Ư 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nhu cầu diễn biến để đòi hỏi những cải cách chính trị không chỉ ươm mầm trong yếu tố nghị trường trong thời gian gần đây mà đốc thúc các hoạt động sau lung không gian xã hội dân sự. Trong đó, các quan chức Đảng có xu hướng cởi mở đã được mời và bàn về cải cách thể chế – mở rộng không gian công dân, như cách ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từng nhiều lần được mời lên tiếng. Xu hướng này trở nên táo bạo hơn dưới quan điểm của ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên TW Đảng, Phó Ban thường trực của Ban Tuyên giáo Trung ương khi đề cập đến yếu tố “tự diễn biến” mà ông cho rằng, nó có hai mặt tốt – xấu. Ông Hoàng thẳng thắn nhận định tính “toàn trị”, coi đây là “thứ chống lại tự do – giá trị thiêng liêng đối với cuộc sống của con người”, và bằng một phép biện chứng tích cực, ông đã khẳng định, nó “trái ngược với CNXH”.

Điều đó càng cho thấy, tính “tự diễn biến” trong nội bộ Đảng hay cách thức mà các quan chức đòi hỏi nhu cầu tự do – dân chủ là có thực. Điều này cho thấy một vấn đề lớn hơn là sự giải quyết nhu cầu hài hòa giữa lợi ích mang tính chính trị ngay trong nội bộ Đảng.

Trong một bài bàn luận được đăng tải trên Tạp chí Cộng sản ngày 28/6/2017, có đề cập đến sự thống nhất tính giai cấp và tính dân tộc trong văn hóa chính trị mà tác giả cho đó là “vấn đề lợi ích”, theo đấy, lợi ích bao hàm giai cấp và dân tộc thống nhất thì chính trị sẽ ổn định.

Hàm nghĩa, tính bất ổn chính trị hay nội bộ trong Đảng thời gian qua là thiếu sự thống nhất về mặt lợi ích đó. Nó bao gồm cả những sai lệch về cam kết chính trị trong thực tiễn của cơ quan công vụ nhà nước; văn hóa chính trị giả hiệu trong xã hội khiến “chủ trương” đề ra một nơi – thực tế hóa một nẻo và để xóa bỏ hiện trạng này, cần thực hiện mạnh mẽ “thực hành dân chủ, xây dựng môi trường dân chủ thực sự”.

Ngay cả về mặt “nội bộ Đảng”, nếu lợi ích không được điều hòa, tức khi yếu tố cấp tiến bị kìm hãm, thì nó sẽ là nguồn cơn của bộc phát chính trị hoặc xung đột đe dọa tính thống nhất trong Đảng.

Cần nhấn mạnh, không phải ngẫu nhiên mà một bài viết của người con cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (TS Lê Kiên Thành) xuất hiện trên báo CAND vào tháng 2/2017, trong đó, tiêu đề ghi nhận “Sau 30 năm, nghĩ về cuộc đổi mới lần thứ hai”. Quan điểm bài viết thể hiện rõ tính xung đột trong nội bộ Đảng và nhu cầu đổi mới bức thiết về mặt chính trị – kinh tế, khi mà yếu tố đổi mới lần II buộc phải chống lại 1/3 “những người vừa có tiền vừa có quyền, những người đang được hưởng lợi từ cơ chế quản lý hiện giờ”. Dù bài viết chưa thực sự rõ ràng, và có phần “e dè” như cách mà độc giả Nguyễn Văn Hồng nhận định, nhưng rõ ràng nhu cầu đồi mới lần II, phức tạp – nhưng là có thực và cực kỳ bức thiết.

Và cách thức để “thực hành tốt nhất” (nhằm tạo sự hài hòa, và dung hợp chính trị trong Đảng) chính là tạo ra yếu tố đối lập có kiểm soát, và mở rộng phạm vi tự do báo chí để giám sát như cách mà bài viết trên The Diplomat đề xuất.

A.V.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2017/07/vntb-oi-moi-lan-ii-nhu-cau-co-thuc-ve.html