CSVN lại muốn ‘huy động đô la của dân’
Nhà cầm quyền CSVN lại muốn tìm cách moi lượng đô la người dân cất giữ để nhà nước sử dụng, lâu nay vẫn được hiểu là một “nguồn lực rất lớn.”
Theo báo điện tử VietNamNet hôm 18 Tháng Bảy, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa thúc hối Ngân Hàng Nhà Nước thực hiện một số nhiệm vụ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế theo chỉ tiêu đã đề ra 6.7% trong năm nay. Theo đó, Ngân Hàng Nhà Nước phải đưa ra giải pháp tăng trưởng tín dụng và hạ lãi suất cho vay, giải quyết nợ xấu, đối phó với tệ trạng “sở hữu chéo” của các tay tư bản đỏ tại hệ thống ngân hàng thương mại.
Đặc biệt, ông thúc giục cơ quan này “sớm có chủ trương huy động nguồn lực trong dân” vì “nguồn lực trong dân rất lớn, làm thế nào huy động được nguồn lực đô la Mỹ đang nằm trong dân.” Hơi khác những lần trước kêu gọi “huy động” cả vàng và đô la, lần này chỉ thấy nói đến đô la.
Đây là lần thứ hai trong Tháng Bảy người ta thấy nhà cầm quyền CSVN nói đến chuyện “huy động nguồn lực trong dân” mà một số chuyên gia kinh tế tài chính ở trong nước từng cho là rất khó khả thi. Nhiều phần là ông Phúc hối thúc Ngân Hàng Nhà Nước theo khuyến cáo của một số cố vấn tham dự cuộc họp hồi đầu tháng.
Từ năm ngoái đến nay, chính quyền Việt Nam đã nhiều lần bắn tiếng muốn moi số lượng vàng và đô la rất lớn mà người dân giữ như tài sản phòng thân vì đồng bạc của chế độ ngày mất giá trong khi đô la và vàng lên giá.
Hôm 1 Tháng Bảy, trong phiên họp của Hội Đồng Tư Vấn Chính Sách Tài Chính, Tiền Tệ Quốc Gia, người ta thấy có “kiến nghị” rằng “chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động vàng và đô la trong dân vào sản xuất, kinh doanh; xem xét giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay để giảm chi phí giá vốn cho doanh nghiệp.”
Phiên họp vừa kể do Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ chủ tọa, nhân vật từng có lời tuyên bố hồi Tháng Mười năm ngoái là “vàng trong dân còn nhiều lắm.”
Theo bản tin tường thuật của tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam, “các thành viên hội đồng đánh giá các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định trong sáu tháng đầu năm. Lạm phát được kiểm soát, tiệm cận về mục tiêu của cả năm 2017 – 4.15% so với chỉ tiêu 4% vào hết năm, đúng theo kế hoạch điều hành của Ban Chỉ Đạo Điều Hành Giá.”
Đồng thời “thu ngân sách đạt khá, nhập khẩu tăng cao, chủ yếu là hàng hóa, máy móc phục vụ cho sản xuất. Đặc biệt, tăng trưởng hai quý đầu năm tăng khá với mức 5.73% trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 5.65%. GDP của quý 2 cũng tăng mạnh so với quý 1 (6.13% so với 5.15%).”
Bản tin mô tả vẻ tốt đẹp bề ngoài của nền kinh tế Việt Nam theo kiểu tuyên truyền quen thuộc của chế độ. Nhưng cách phiên họp vừa kể chỉ hai ngày, báo tài chính Nhật Bản Nikkei nói thẳng ra một sự thật, rằng kinh tế Việt Nam có thành tích tăng trưởng được là nhờ công ty điện tử Samsung (Nam Hàn) xuất cảng đi khắp thế giới các sản phẩm của họ lắp ráp tại Việt Nam.
Thành tích tăng trưởng kinh tế và xuất cảng của Việt Nam tụt dốc khi hãng Samsung gặp đại nạn với chiếc điện thoại Galaxy Note 7 bị thu hồi vì dễ bị cháy. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở quý thứ hai khá hơn với 6.2% nhờ Samsung đưa ra sản phẩm mới. Trị giá hàng hóa xuất cảng của Samsung chiếm đến 20% trị giá hàng hóa xuất cảng của toàn thể Việt Nam.
Khi Samsung làm ăn suôn sẻ, Việt Nam có dịp khoe khoang thành tích tăng trưởng kinh tế tốt đẹp. Nhưng nếu Samsung hắt hơi sổ mũi, lập tức kinh tế Việt Nam trở thành con bệnh. Người ta nhiều lần nói đến phát triển kinh tế Việt Nam bằng nội lực của chính mình, nhưng đến nay, hơn 60% trị giá hàng hóa xuất cảng của Việt Nam là từ khu vực ngoại quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Báo Nikkei nêu ra một thí dụ cho thấy nhà cầm quyền CSVN thiếu trước hụt sau cụ thể như thế nào qua việc trả nợ trễ hạn khiến cho dự án đường sắt đô thị ở Sài Gòn bị đình trệ.
Theo Nikkei, hồi đầu Tháng Năm vừa qua, đại sứ Nhật tại Việt Nam Kumio Umeda đã thúc Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc phải nhanh chóng trả khoản thiếu vốn đã bị trì hoãn từ lâu mà Việt Nam phải góp để tiến hành dự án đường sắt đô thị Sài Gòn-Suối Tiên. Đây là lời thúc giục khá bất thường, theo báo Nikkei.
Dự án do nhà thầu Nhật Sumimoto, Shimizu và một số nhà thầu khác thực hiện, dài 19.7 km là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại miền Nam Việt Nam. Khời công từ năm 2012 sau nhiều năm trì hoãn nhưng có hoàn tất vào năm 2020 như kế hoạch hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Nikkei cho hay, nhà cầm quyền CSVN mới chỉ góp có khoảng 30% trên tổng số 2,000 tỷ đồng (khoảng $87.9 triệu) mà họ phải góp trong năm 2016, dựa trên báo cáo của chính quyền thành phố Sài Gòn.
Không đào ở đâu ra tiền để góp, muốn vay thêm để bù chi nhưng chính quyền Việt Nam lại vướng vào chính cái quy định của mình. Theo những gì thấy nêu ra, nợ công của nhà cầm quyền CSVN đang ở khoảng 64.7% trên GDP (tổng sản lượng quốc gia) vào cuối năm 2016. Hà Nội tự xác định không vay mượn quá đà như những năm trước khiến công nợ “phi mã,” hiện cố giữ nợ công ở cái “trần” là 65% GDP.
Trước đây, ngày 22 Tháng Mười, 2016, Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ nói với báo chí bên lề một phiên họp của Quốc Hội là “dứt khoát không nới trần nợ công.” Trong tình thế kẹt, chính quyền Việt Nam muốn “lách” lời nguyền này bằng biện pháp vay vàng và tiền đô la của dân mà một số chuyên viên kinh tế cho rằng khó khả thi.
Ngân sách nhà nước thâm thủng triền miên nhưng chính quyền cố tìm cách để đạt thành tích tăng trưởng kinh tế 6.7% trong năm nay. Tuy nhiên, cuối tuần qua Ngân Hàng Thế Giới (WB) công bố bản cập nhật về tình hình kinh tế tài chính của Việt Nam vẫn dự báo kinh tế nước này chỉ tăng trưởng khoảng 6.3% trong năm 2017 như họ từng dự báo cách đây ba tháng. – Theo nguoiviet