Tin Biển Đông – 18/07/2017
Một năm sau phán quyết của tòa,
Biển Đông không hề tĩnh lặng
Theo nhà nghiên cứu Benoit Hardy-Chartrand trên Japan Times, có nhiều đổi thay và nhiều điều vẫn tồn tại, một năm sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về Biển Đông. Tháng 7/2016, Tòa Trọng Tài đã dội một gáo nước lạnh vào tham vọng của Bắc Kinh, khi tuyên bố Trung Quốc không có « quyền lịch sử » tại Biển Đông, và đường lưỡi bò tự vẽ là vô căn cứ, khẳng định Bắc Kinh đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Được cho là bước ngoặt quan trọng trong tranh chấp Biển Đông, phán quyết trọng tài vẫn đang là trung tâm tranh luận tại châu Á-Thái Bình Dương cũng như tại phương Tây. Một số người cho là phán quyết đã làm giảm căng thẳng, nhưng họ không thể đưa ra những bằng chứng để khẳng định tuyệt đối.
Cho dù người ta tin rằng phán quyết trọng tài đã mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila, nhưng theo tác giả Hardy-Chartrand, không thể lầm lẫn việc giảm bớt căng thẳng tại Biển Đông với một tình trạng ổn định thường xuyên. Đây chỉ là một sự yên tĩnh ngoài mặt, mà bên dưới là những cơn sóng ngầm.
Vào lúc tòa đưa ra phán quyết, nhiều người đã cho rằng chính quyền Trung Quốc sẽ buộc phải sửa đổi. Suốt một năm sau, Bắc Kinh đã có thái độ tương đối mềm mỏng hơn với các quốc gia đòi hỏi chủ quyền Biển Đông, ít có những hành động khiêu khích quân sự, và không còn chính thức nêu ra « đường 9 đoạn » vốn là cơ sở cho yêu sách chủ quyền vùng biển chiến lược này. Các ngư dân Philippines được phép quay lại ngư trường truyền thống ở bãi cạn Scarborough, mà lâu nay vẫn là trở ngại trong quan hệ với Manila.
Với sự thay đổi trong thái độ và chính sách của Trung Quốc từ sau phán quyết, có thể vội vàng kết luận là quyết định của Tòa Trọng Tài đã mang lại tác động mong muốn. Thật ra cũng không hẳn là sai, vì căng thẳng giảm hẳn tại Biển Đông. Trong 12 tháng qua, hầu như không có vụ đụng độ nào với các nước láng giềng, và giọng điệu của Bắc Kinh cũng bớt phần hung hăng.
Philippines, quốc gia khởi kiện tỏ ra thân thiện hơn với Trung Quốc và không nhắc đến phán quyết trọng tài. Bắc Kinh cùng với các nước ASEAN gần đây cũng thỏa thuận về một bộ khung cho Quy tắc ứng xử tại Biển Đông.
Sự yên tĩnh này thật ra rất đáng ngờ, vì vẫn còn nhiều dòng chảy ngầm chưa hề thay đổi. Trước hết về bãi cạn Scarborough, không có gì chứng tỏ Trung Quốc đã thay đổi quan điểm về yêu sách chủ quyền tại đây cũng như trên toàn bộ Biển Đông. Một năm qua, Bắc Kinh vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền trên các thực thế ở Biển Đông, quân sự hóa nhiều đảo nhân tạo cho dù ngoài miệng thì chối bỏ.
Tại Trường Sa, Trung Quốc bồi đắp ba đảo chính, nhờ đó kiểm soát các vùng biển xung quanh dễ hơn, và giám sát hoạt động của các nước láng giềng. Bắc Kinh cũng tăng cường sự hiện diện của các chiến hạm, tàu tuần duyên, tài trợ cho ngư dân ra biển mà không cần thực sự đánh bắt cá. Các tàu nước ngoài được yêu cầu tránh xa các đảo nhân đạo được Trung Quốc bồi đắp, trong khi theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), các thực thể này không thể tạo ra quyền sở hữu vùng biển xung quanh.
Tình hình tương đối yên tĩnh tại Biển Đông thật ra là kết quả của các xu hướng độc lập với phán quyết của Tòa Trọng Tài. Điều quan trọng nhất là tổng thống mới của Philippines, ông Rodrigo Duterte đã đi ngược lại chính sách của người tiền nhiệm Aquino. Ông Duterte thân thiện với Bắc Kinh để đổi lấy những món đầu tư, và đồng ý đối thoại để giải quyết bất đồng thay vì vận dụng chiến thắng ở La Haye. Đây cũng chính là chủ trương đàm phán song phương của Trung Quốc xưa nay, nhằm bắt nạt những con cá bé.
Sóng yên biển lặng, nhưng tình hình này không thể kéo dài. Chính quyền Trump gần đây đã bắt đầu tiến hành các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải để thách thức tham vọng vô bờ bến của Trung Quốc. Nhật Bản cũng tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông, với việc điều chiến hạm lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản là Izumo, thăm nhiều đối tác ASEAN trong chuyến hải hành ba tháng.
Trung Quốc không bao giờ từ bỏ chủ trương bành trướng, nhất là khi đang nắm trong tay những con bài chủ, sau khi quân sự hóa các đảo trên Biển Đông. Phán quyết của Tòa Trọng Tài có nguy cơ rơi vào quên lãng. Và sự yên lặng hiện nay trên vùng biển chiến lược này chỉ là lừa dối.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170718-mot-nam-sau-phan-quyet-bien-dong-mot-su-im-lang-doi-lua
Mỹ kêu gọi kiềm chế ở Biển Đông và Hoa Đông
Lầu Năm Góc kêu gọi các nước ở biển Hoa Đông và Biển Đông cùng kiềm chế và tránh những hành vi khiêu khích. Lời kêu gọi được phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ đưa ra trong một buổi họp báo và được trang Economic Times đưa tin ngày 18/07/2017.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về chiếc máy bay ném bom Tây An H-6 (Xian H-6) của Trung Quốc nhiều lần bay qua eo biển Ba Sĩ (Bashi) nằm giữa Philippines và Đài Loan và eo biển Miyako của Nhật Bản vào tuần trước, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis phát biểu : « Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các bên trong khu vực, tại Biển Đông và biển Hoa Đông, hãy kiềm chế, tránh những hành động khiêu khích và tôn trọng chủ quyền của mỗi nước trong hoạt động của mình ».
Trước đó, ông Trầm Kim Khoa (Shen Jinke), phát ngôn viên lực lượng Không Quân Trung Quốc, khẳng định cuộc tập trận trên khi trích lại thông báo trên website của kênh truyền hình nhà nước CGTN : « Lực lượng Không Quân Trung Quốc trong tuần qua đã tiến hành nhiều cuộc tập trận ngoài khơi, với chiến đấu cơ H-6K và với nhiều loại máy bay khác qua eo biển Ba Sĩ và eo biển Miyako, để thử nghiệm thực lực chiến đấu ngoài khơi ». Theo truyền thông Tokyo, Nhật Bản đã điều chiến đấu cơ đến khu vực, đề phòng chiến đấu cơ Trung Quốc thâm nhập không phận Nhật Bản.
Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc cảnh báo « các bên liên quan không cần phải cường điệu và làm ồn ào về chuyện này mà nên quen dần với các cuộc tập trận như vậy ».
Thế nhưng, theo Economic Times, chính Trung Quốc lại phản đối máy bay ném bom của Mỹ bay trên Biển Đông trước cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170718-hoa-ky-keu-goi-kiem-che-o-bien-hoa-dong-va-bien-dong