Tin khắp nơi – 18/07/2017
Thảo luận Mỹ-Nga: “Hãy còn nhiều việc phải làm”
Các nhà ngoại giao Nga và Mỹ đã thảo luận gay gắt về một loạt vấn đề hôm thứ Hai 17/7, nhưng “hãy còn nhiều việc cần phải làm”, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Phó Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Thomas Shannon và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov gặp nhau hôm thứ Hai để thảo luận về những đề tài gây quan tâm cho cả hai bên.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ miêu tả cuộc gặp gỡ là “đầy khó khăn, thẳng thắn và có chủ đích, phản ánh cam kết của hai bên muốn tìm ra một giải pháp.
Vấn đề hai cơ sở của Nga bị Hoa Kỳ đóng cửa đã được mang ra thảo luận.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Tổng thống lúc bấy giờ là Barack Obama đã hạ lệnh đóng cửa các cơ sở này sau khi các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng Nga đã tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Nga hôm thứ Hai 17/7 đòi Mỹ trả lại hai cơ sở bị chính quyền Mỹ đóng cửa hồi năm ngoái.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov miêu tả vụ đóng cửa hai cơ sở, một ở bang New York và một ở bang Maryland, là hành động “ăn cướp giữa ban ngày.”
Trong cuộc gặp hôm thứ Hai, hai bên đồng ý họp lại để giải quyết các vấn đề song phương, nhưng chưa ấn định ngày giờ nhất định.
https://www.voatiengviet.com/a/thao-luan-my-nga-hay-con-nhieu-viec-phai-lam/3948999.html
TQ bắt đầu sản xuất hàng loạt máy bay không người lái
Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất thương mại loại máy bay không người lái được cho là uy lực nhất của họ, chiếc CH-5 Rainbow.
Chiếc máy bay có giá bằng phân nửa chiếc Reaper hoặc Predator của Hoa Kỳ. Giá của Reaper là 16,9 triệu đôla.
Theo một nhà phân tích Trung Quốc, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụTrung Quốc sẽ bắt đầu sản xuất từ 10 đến 20 chiếc mỗi năm.
Ông Vương Tống (Wang Song), giáo sư khoa học và kỹ thuật hàng không tại Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh, nói: “Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu ban đầu”.
Ông nói thêm rằng Trung Quốc sẵn sàng xuất khẩu loại máy bay mới nhất cho những khách hàng quan tâm muốn tìm kiếm một chiếc máy bay không người lái với năng lực tương tự như Reaper.
Theo trưởng nhóm thiết kế, Thi Văn (Shi Wen), chiếc CH-5 có thể mang tối đa 16 tên lửa không đối đất và bay trong gần 48 giờ.
Nếu có nâng cấp, máy bay không người lái này có thể bay tới 120 giờ với tầm bay gần 1.000 kilomet.
Ông Thi Văn nói khả năng hoạt động của CH-5 vượt trội so với Predator.
Các nước như Iraq có thể đã triển khai máy bay không người lái của Trung Quốc trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Năm 2015, Bộ Quốc phòng Iraq đã công bố một video, cho thấy một cuộc tấn công tên lửa nhắm vào một mục tiêu IS, sử dụng một chiếc máy bay CH-4B, có kích thước bằng 1/3 chiếc CH-5.
(theo UPI, The Diplomat)
Tự do báo chí ở Ba Lan tụt hạng
Mạc Việt HồngGửi từ Warsaw
Một chuyện khá hy hữu vừa xảy ra tại Ba Lan, khi một phóng viên dường như đã bị cho nghỉ việc ở đài phát thanh quốc gia ‘Polskie Radio’ sau cuộc phỏng vấn với thủ tướng đương nhiệm, bà Beata Szydlo.
Tin tức từ các trang báo mạng cho biết, phóng viên Wojciech Dabrowski – người phụ trách chương trình ‘Thông điệp trong ngày’ – đã có câu hỏi khó, mang tính ‘đá xoáy’ nữ thủ tướng.
Thực ra vấn đề mà Wojciech Dabrowski đặt ra cũng là điều mà công chúng Ba Lan đã bàn tán những ngày qua. Đó là việc bà thủ tướng Ba Lan đã không có buổi gặp chính thức với tổng thống Mỹ Donald Trump nhân chuyến thăm vừa rồi của ông tới Warsaw; hay việc bà không được phát biểu trong đại hội đảng. Dư luận cho rằng, có điều gì đó bất thường, bởi chưa có tổng thống Mỹ nào tới Ba Lan mà lại không tiếp kiến thủ tướng. Và nhà báo đã đặt dấu hỏi về sự ‘lép vế’ của người đứng đầu chính phủ.
Tiếp tục biểu tình đòi tự do báo chí ở Ba Lan
RSF: ‘VN là nhà tù lớn cho các blogger’
Cuộc phỏng vấn diễn ra sáng ngày 7/7/2017 và buổi chiều cùng ngày lãnh đạo nhà đài đã có cuộc nói chuyện với Wojciech Dabrowski. Họ đã đề nghị nhà báo nghỉ phép một tháng và nếu có thể thì khỏi cần quay lại làm việc.
Vụ việc một lần nữa làm dấy lên những tranh luận gay gắt về tự do báo chí ở Ba Lan.
Hàng loạt các nhà báo tên tuổi, bằng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, đã lên tiếng phản đối quyết định của Đài phát thanh Quốc gia. Nhân đó, một số vụ xử tệ của chính quyền với báo giới cũng được nhắc lại, nhất là việc hạn chế quyền tác nghiệp của nhà báo tại Quốc hội.
Bên cạnh ý kiến của giới cầm bút, nhiều người sử dụng mạng xã hội Facebook, Twitter đã lên tiếng phản đối Đài Phát thanh Ba Lan cũng như chỉ trích những hành xử của chính quyền gần đây với báo giới.
Sau đúng một tuần ầm ĩ, chủ tịch hội đồng quản trị đài phát thanh Ba Lan – ông Jacek Sobala – đã có cuộc gặp với Tổng biên tập đài và đưa ra thông báo chính thức về việc quay trở lại làm việc của nhà báo Wojciech Dabrowski từ 17/7.
Trên Twitter Wojciech Dabrowski bày tỏ sự biết ơn vì những lời sẻ chia, động viên của đồng nghiệp và cộng đồng đã giúp ông vượt qua những ngày khó khăn vừa qua và hẹn gặp lại thính giả sau một tuần ‘nghỉ phép’ ngoài ý muốn.
Nhưng kết thúc có hậu của vụ ‘nhà báo hỏi xoáy’ có thể sẽ không giúp được Ba Lan cải thiện hình ảnh của tự do báo chí vốn bị hoen ố trong gần hai năm trở lại đây.
Cải cách để thâu tóm
Chỉ số tự do báo chí của Ba Lan liên tục tuột dốc, theo công bố của Tổ chức Phóng viên không biên giới RSF. Nếu Việt Nam giữ ‘ổn định lâu dài’ ở mức 175/180, thì thứ hạng của Ba Lan tụt từ 18 (2015) xuống 47 (2016) và tiếp tục xuống thêm 7 bậc nữa theo khảo sát 6 tháng đầu năm 2017 và hiện đứng vị trí 54.
Việc xuống hạng bất ngờ của đệ tứ quyền xảy ra gần như đồng thời với việc lên ngôi của đảng PiS (Pháp luật và Công Lý).
Cầm quyền từ tháng 11/2015, PiS đưa ra nhiều quyết sách mà họ gọi cải cách trong lĩnh vực truyền thông.
Việc đầu tiên là giành quyền kiểm soát đối với các cơ quan phát thanh và truyền hình công cộng; bao gồm các kênh truyền hình TVP, Poskie Radio, và hãng thông tấn PAP. Để đạt được việc này, chính quyền đã cho thay thế hàng loạt giám đốc, những người điều hành và kế đến là những phóng viên, phát thanh viên hay biên tập viên ở những vị trí chủ chốt.
Nhiều phóng viên sáng giá đã tự bỏ việc khỏi các cơ quan truyền thông nhà nước và đầu quân cho các đài truyền hình tư nhân.
Đây là chiến dịch nhằm đối phó với việc mà chính quyền cho là ‘đưa tin không trung thực’ của các cơ quan truyền thông lâu nay. Bằng việc nắm trong tay media công cộng, nhà nước sẽ dễ bề phản bác các ‘thông tin sai trái’, tuyên truyền cho những chính sách của đảng cầm quyền.
Việc ‘cải cách’ này đã giúp các kênh của nhà nước được cấp thêm kinh phí, trong lúc nhiều tờ báo tư nhân như Wyborcza, Polityka, Newsweek cho rằng, họ bị bóp nghẹt hầu bao do việc các cơ quan nhà nước đồng loạt hủy mua báo dài hạn.
Quyết định của chính phủ đã khiến làng báo Ba Lan chia đôi, không hẳn là ‘lề trái’ hay ‘lề phải’ như báo chí Việt Nam, nhưng đã hình thành một ranh giới nhất định giữa truyền thông nhà nước và truyền thông không do nhà nước nắm giữ.
Ranh giới này cho thấy sự khác biệt trong cách đưa tin, làm tin, hay góc độ nhìn nhận sự việc.
Trong khi những nhà báo nhiều ‘gai góc’ bỏ qua lĩnh vực tư nhân thì những nhà báo ‘ngoan ngoãn’ hơn lại được tuyển dụng cho truyền thông nhà nước.
Trong khi những nhà báo nhiều ‘gai góc’ bỏ qua lĩnh vực tư nhân thì những nhà báo ‘ngoan ngoãn’ hơn lại được tuyển dụng cho truyền thông nhà nước. Sự chuyển động này đã gây ra những xáo trộn nhất định trong làng báo.
Tiếp đó là kế hoạch nội địa hóa ngành truyền thông bằng cách giành lại cổ phần, thị phần từ các công ty truyền thông nước ngoài hoặc có vốn nước ngoài; khống chế mức góp vốn của các cổ đông ngoại quốc.
Cũng như nhiều ngành kinh tế mũi nhọn khác, trong thời kỳ tranh tối tranh sáng của chuyển đổi kinh tế từ bao cấp sang thị trường, khi đồng vốn bản địa còn eo hẹp, tư bản nước ngoài đã nhanh chân đầu tư và chiếm một số lượng cổ phần đáng kể trong lĩnh vực truyền thông của Ba Lan.
Giữ cổ phần lớn trong ngành truyền thông Ba Lan hiện nay là các công ty của Mỹ và Đức.
Kế hoạch nội địa hóa vấp phải sự chí trích của EU vì những vi phạm cam kết trong việc lĩnh đầu tư nước ngoài.
Không nhà cầm quyền nào thích tự do?
Cuộc tranh luận về tự do báo chí ở Ba Lan đã đi đến một nhận định, là không có bất kỳ nhà cầm quyền nào trên thế giới thích mấy món ăn mang tên ‘tự do’.
Những quyền cơ bản như tự do hội họp, tự do báo chí, tự do ngôn luận… phục vụ cho lợi ích của nhân dân nhưng đều là trở ngại, hoặc ít nhiều đi ngược lại lợi ích của các phe đảng cầm quyền.
Không kể tới các chính quyền độc tài công khai tuyên chiến với tự do; ở các thể chế dân chủ, những quyền đã được hiến định và thực thi nhiều năm này cũng có thể lúc thịnh lúc suy.
Ba Lan không phải là quốc gia duy nhất ở châu Âu mà các quyền tự do đang bị hạn chế ở mức độ nhất định.
Ba Lan không phải là quốc gia duy nhất ở châu Âu mà các quyền tự do đang bị hạn chế ở mức độ nhất định.
Có một điều may mắn, trong gần 30 năm thoát xác khỏi chủ nghĩa Cộng Sản, Ba Lan đã kịp hội nhập sâu rộng với thế giới văn minh, nền dân chủ đã thực sự trưởng thành, truyền thông được tư nhân hóa mạnh mẽ và độc lập với chính quyền. Nên dù muốn thâu tóm đệ tứ quyền cho mục đích chính trị thì chính quyền nhiều lắm cũng chỉ chạm tay được vào 25% thị trường truyền thông.
Xã hội Ba Lan đã phản ứng mạnh mẽ lại các quyết định của chính quyền bằng nhiều cuộc biểu tình với số lượng đông đảo, lên tới hàng chục ngàn, trăm ngàn người. Và quan trọng hơn cả, bằng lá phiếu của mình họ sẽ quyết định chính đảng nào sẽ lãnh đạo đất nước trong kỳ bầu cử kế tiếp.
Nhưng những chuyện xảy ra ở Ba Lan cũng cho thấy giành được tự do chỉ là khởi đầu, để xã hội luôn sống trong bầu không khí dân chủ và cởi mở cần nỗ lực không ngừng nghỉ của những thế hệ tiếp theo.
http://www.bbc.com/vietnamese/forum-40647053
Nhiều triệu phú Trung Quốc muốn ra nước ngoài định cư
Khảo sát cho thấy khoảng phân nửa số triệu phú tham gia trả lời đều cân nhắc ra nước ngoài để sống.
Thực trạng ô nhiễm, giáo dục, và việc đồng nhân dân tệ Trung Quốc mất giá ảnh hưởng tới tiền tiết kiệm được cho là các lý do.
Nghiên cứu của Báo cáo Huran và Tập đoàn Tư vấn Visa đã khảo sát 304 cá nhân Trung Quốc với tài sản ròng trong khoảng 1.5 triệu và 30 triệu USD. Khoảng phân nửa số này sống và làm việc tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu hoặc Thâm Quyến.
“Giáo dục và ô nhiễm đang là các nguyên nhân khiến người giàu tại Trung Quốc di cư,” giám đốc nghiên cứu Báo cáo Huran là Rupert Hoogewerf cho biết.
“Nếu Trung Quốc có thể giải quyết những vấn đề này thì các lý do cơ bản để đi định cư sẽ không còn nữa.”
Báo cáo cho thấy Anh bị tụt hạng trong danh sách các điểm ưa thích của triệu phú Trung Quốc muốn ra nước ngoài sống, theo một báo cáo.
Trong khi Hoa Kỳ vẫn là nơi yêu thích để định cư, Canada hiện đứng thứ hai, đẩy Anh xuống vị trí thứ ba.
Báo cáo không nói chi tiết vì sao Anh tụt hạng sau Canada.
Los Angeles là điểm đến ưa thích cho giới có tiền của tại Trung Quốc và sau đó là Seattle, San Francisco và New York. London đứng thứ 14.
Đồng nhân dân tệ, vốn mất giả kỷ lục vào tháng 11 năm ngoái, rõ ràng ảnh hưởng tới quyết định của giới giàu có tại Trung Quốc.
Trong số những người tham gia khảo sát, 84% nói lo ngại nhân dân tệ mất giá là nguyên nhân chính khiến họ cân nhắc ra nước ngoài định cư.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-40641192
Ả Rập Saudi điều tra video phụ nữ mặc váy ngắn
Nhà chức trách ở Ả Rập Saudi đang điều tra một phụ nữ trẻ đăng một đoạn video của mình mặc váy ngắn và áo lửng ở nơi công cộng.
Người phụ nữ, là một người mẫu được gọi là “Khulood”, chia sẻ clip đi bộ quanh một pháo đài lịch sử ở Ushayqir.
Clip này gây tranh luận gay gắt trên mạng xã hội, với một số người kêu gọi bắt phụ nữ này vì vi phạm về trang phục nghiêm ngặt của nước Hồi giáo bảo thủ này.
Những người Ả Rập Saudi khác lại bảo vệ cô và ca ngợi cô có “lòng dũng cảm”.
Phụ nữ ở Ả Rập Saudi không được mặc áo quần bó và phải mặc áo choàng “abayas” phủ dài tới chân ở nơi công cộng, cũng như mang khăn trùm đầu, và họ cũng bị cấm lái xe.
Trump thúc giục chống cực đoan hóa
Trump ký ‘thỏa thuận tỷ đô’ với Saudi Arabia
Trong video được chia sẻ trên Snapchat cuối tuần qua, Khulood xuất hiện đi bộ dọc theo con đường trong một pháo đài ở Làng Di sản Ushayqir, khoảng 155km về phía bắc của thủ đô Riyadh, thuộc tỉnh Najd.
Najd là một trong những nơi bảo thủ nhất ở Ả Rập Saudi. Đó là cái nôi của Wahhabism, là hình thức tôn giáo khắc khổ của Hồi giáo dòng Sunni được các gia đình hoàng gia Ả Rập và cơ sở tôn giáo tu tập, vốn ra đời vào cuối thế kỷ thứ 18.
Đoạn video đã nhanh chóng được người dùng mạng tại Ả Rập Saudi chia sẻ trên Twitter, nơi có ý kiến khác nhau giữa những người cho rằng Khulood nên bị trừng phạt và những người khác cho rằng cô nên được phép mặc những gì cô muốn.
Nhà báo Khaled Zidan viết: “Sự trở lại của Haia [cảnh sát tôn giáo] là điều cần phải làm.”
Một người khác lập luận: “Chúng ta nên tôn trọng luật pháp của đất nước mình. Tại Ả Rập Saudi, mặc abayas và quần áo khiêm túc là một phần của pháp luật của vương quốc này… “
Wael al-Gassim, nhà văn và nhà triết học, nói rằng ông “bị sốc khi nhìn thấy những ai nhắn tin giận dữ”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40639731
Nga ép Mỹ về vụ thu giữ cơ sở ngoại giao
Nga đang gây sức ép đòi Hoa Kỳ cho tiếp cận hai cơ sở ngoại giao bị thu giữ tại Mỹ vào năm ngoái.
Người phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng việc đưa ra điều kiện trước để trả lại tài sản là không thể chấp nhận được. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mô tả động thái này là “cướp giữa ban ngày”.
Hồi tháng 12 Hoa Kỳ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa các cơ sở ngoại giao này vì nghi ngờ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
Các quan chức Nga và Mỹ đang thảo luận việc này trong cuộc đàm phán cấp cao.
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Thomas Shannon tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ở Washington.
Cuộc họp được lên lịch vào tháng Sáu tại St Petersburg, nhưng đã bị hủy sau khi chính phủ Hoa Kỳ đưa thêm tên 38 cá nhân và tổ chức vào danh sách trừng phạt về các hoạt động của Nga ở Ukraine.
Cựu phản gián Liên Xô ‘gặp con cả Trump’
Ông Peskov cho rằng chẳng có gì để thảo luận.
“Chúng tôi coi việc đưa điều kiện để trả lại tài sản ngoại giao là hoàn toàn không thể chấp nhận được, chúng tôi xem rằng các cơ sở này phải được trả mà không cần bất có kỳ điều kiện gì và bàn thảo nào,” ông nói.
Ông Lavrov nói rằng đây không phải là cách hành xử của người đàng hoàng.
Nga sẽ trả đũa nếu không đạt được thỏa hiệp tại cuộc họp giữa ông Ryabkov và ông Shannon, tờ báo Nga Izvestia đưa tin.
Tuần trước Nga cho biết họ đang cân nhắc “các biện pháp cụ thể” để trả đũa, bao gồm cả việc trục xuất 30 nhà ngoại giao Mỹ và thu giữ tài sản nhà nước của Mỹ.
Cựu Tổng thống Barack Obama đã hành động chống lại Nga sau khi các nguồn tình báo Mỹ cáo buộc mật vụ nhà nước của Nga xâm nhập vào máy tính của Đảng Dân chủ để phá hoại chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton.
Các biện pháp trừng phạt của ông Obama được thực hiện trong bối cảnh đã có biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt với Moscow vì vai trò của Nga trong cuộc xung đột Ukraine.
Nga cho biết Tổng thống Trump đã không đưa ra kế hoạch gì để giải quyết cuộc khủng hoảng khi chủ đề này được nêu ra tại cuộc họp G20 ở Hamburg vào ngày 7 tháng Bảy.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40639729
Nhật cam kết 1 tỷ đô la
vào mục tiêu giảm nghèo của Liên Hiệp Quốc
Nhật Bản cam kết ủng hộ 1 tỉ đô la Mỹ trong năm 2018 nhằm hỗ trợ các mục tiêu của Liên Hiệp Quốc đến năm 2030 tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em, thanh thiếu niên cũng như bình đẳng giới và giảm nguy cơ thiên tai.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida đưa ra cam kết trên tại một cuộc họp cấp cao ngày 18 tháng 7 với mục tiêu thẩm định tiến triển trong việc hoàn thành 17 mục tiêu đã được các nhà lãnh đạo thế giới thông qua nhằm chống đói nghèo, xây dựng chính phủ tốt và bảo vệ môi trường.
Ngoại trưởng Fumio Kishida cho biết tầm nhìn của Nhật Bản về mục tiêu của Liên Hiệp Quốc là “tạo ra một xã hội đa dạng và toàn diện, trong đó không ai bị bỏ rơi”.
Ngoài ra, các quan chức Nhật Bản cho hay khoản hỗ trợ tài chính 1 tỷ USD này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các chương trình song phương và đa phương.
Tổng thư ký Antonio Guterres vào hôm thứ Hai đã đưa ra một báo cáo về tiến độ thực hiện các mục tiêu. Ông nhận định rằng tiến triển về các mục tiêu đề ra ở nhiều khu vực còn chậm so với yêu cầu phải đạt được vào năm 2030.
Trung Quốc yêu cầu Ấn Độ rút quân khỏi biên giới
Trung Quốc kêu gọi Ấn Độ ngay lập tức rút quân ra khỏi khu vực tranh chấp ở dãy Himalaya sau khi có tin gần đây quân đội Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật cũng trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng, hôm 18 tháng 7 phát biểu rằng việc yêu cầu quân đội Ấn Độ phải rời khỏi khu vực để tránh gia tăng căng thẳng.
Hãng thông tấn AP dẫn tin của Đài truyền hình CCTV của Trung Quốc cho biết vào cuối tuần trước rằng một lữ đoàn Giải phóng quân Nhân dân Trung Hoa được trang bị giàn phóng tên lửa, súng máy hạng nặng và súng cối tiến hành cuộc tập trận giả định tấn công vào một vị trí quân địch ở Tây Tạng. Tuy nhiên nguồn tin không nói chính xác các cuộc tập trận diễn ra vào lúc nào và ở đâu.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và New Delhi diễn ra suốt mấy tuần qua khi mà quan chức của hai bên đều lên tiếng về khả năng một cuộc đụng độ có thể sẽ còn dữ dội hơn cuộc chiến năm 1962 giữa hai lân bang làm hàng ngàn người thiệt mạng.
Cựu thủ tướng Mahathir
thách thủ tướng Najib đối chất vụ tham nhũng
Cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad thách Thủ tướng đương nhiệm Najib Razak cùng đối chất công khai tập trung vào vụ tai tiếng tham nhũng tài chính hiện nay đối với người đứng đầu chính phủ Kuala Lumpur.
Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad lên tiếng rằng Thủ tướng Najib Razak cần tham dự đối chất công khai vì theo ông đương kim Thủ tướng Najib Razak không có gì để giấu diếm và đây là cơ hội để chứng minh sự thật trước những cáo buộc quản lý yếu kém quỹ đầu tư của nhà nước, có tên 1Malaysia Development Berhad (1MDB) và nhận hơn 700 triệu USD từ các nhà tài trợ nước ngoài ẩn danh.
Đồng thời, Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad còn đề nghị Thủ tướng Najib Razak trình bày hàng loạt vấn đề mà công chúng Malaysia cho là hậu quả của sự quản lý yếu kém của chính phủ.
Thủ tướng đương nhiệm Najib Zarak luôn phủ nhận những cáo buộc đối với ông và Văn phòng Thủ tướng chưa có phản hồi nào trước kêu gọi vừa nêu của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad.
Ông Mahathir Mohamad, 92, tuổi thành lập đảng riêng và liên kết với ông Anwar Ibrahim trong một liên minh đối lập nhằm hạ bệ đương kim thủ tướng Najib Razak trong cuộc tổng tuyển cử tại Malaysia dự kiến được tổ chức vào giữa năm tới. Tuy nhiên có chỉ dấu, thủ tướng Najib Razak sẽ có thể kêu gọi tổ chức bầu cử sớm hơn.
Mỹ: Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân
Chính phủ Hoa Kỳ tái xác nhận hôm 17/7 rằng Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận quốc tế năm 2015 về chương trình hạt nhân Iran, một thỏa thuận mà Tổng thống Donald Trump từng chỉ trích là “thỏa thuận tồi tệ nhất từng được đàm phán”.
Theo luật Hoa Kỳ, cứ 90 ngày, Bộ Ngoại giao phải thông báo cho Quốc hội về sự tuân thủ của Iran.
Một quan chức chính quyền cao cấp nói mặc dù Iran đang đáp ứng các điều kiện của thoả thuận khi đối chiếu trên giấy tờ, nhưng rõ ràng họ không theo tinh thần của thỏa thuận. Quan chức này nói thêm rằng chính quyền ông Trump đang hợp tác với các đồng minh để cưỡng hành thỏa thuận một cách nghiêm ngặt hơn từ nay về sau.
Một quan chức chính quyền cao cấp khác cho biết chính quyền ông Trump đang làm việc để xử lý “rất nhiều” khiếm khuyết trong thỏa thuận. Quan chức này cũng chỉ trích việc thực thi thỏa thuận của chính quyền thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Các quan chức Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh rằng chính quyền của Tổng thống Trump vẫn đang tái xét lập trường đối với thỏa thuận hạt nhân với Iran.
https://www.voatiengviet.com/a/my-iran-van-tuan-thu-thoa-thuan-hat-nhan/3948756.html
Iran kết án một nghiên cứu sinh người Mỹ gốc Hoa
Nghiên cứu sinh người Mỹ gốc Hoa bị kết án 10 năm tù tại Iran với cáo buộc “xâm nhập” lãnh thổ và đưa tài liệu mật ra nước ngoài là người vô tội, giáo sư cố vấn của anh tại đại học Princeton khẳng định ngày 17/7.
Trường Princeton nói họ hết sức bức xúc trước những cáo buộc đối với sinh viên Xiyue Wang trong khi anh đang nghiên cứu tại Iran. Trường cho biết đang làm việc với gia đình anh Wang, chính phủ Mỹ, các luật sư và những người khác để anh được trả tự do.
“Gia đình và nhà trường rất thất vọng về việc anh bị giam và hy vọng anh sẽ được trả tự do sau khi Tòa kháng cáo tại Tehran thụ lý vụ này,” trường đại học Princeton nói.
Ngành tư pháp Iran loan báo truy tố anh Wang trong một cuộc họp báo hôm 16/7. Trước đây không ai biết anh nằm trong số những công dân Mỹ bị giam tại Iran.
Một bài viết được đưa lên mạng Mizan cho biết anh Wang 37 tuổi sinh ra tại Bắc Kinh. Anh vào Iran trong tư cách một nhà nghiên cứu và thông thạo tiếng Iran.
Anh bị bắt hôm 8/8/2016 và bị cáo buộc đã sao chép khoảng 4.500 trang tài liệu kỹ thuật số và chuyển thông tin mật về Iran cho Bộ Ngoại giao Mỹ.
Giáo sư Stephen Kotkin, trường đại học Princeton, cố vấn luận án Tiến sĩ cho anh Wang nói anh ‘là một nghiên cứu sinh có khả năng đặc biệt về ngôn ngữ, anh vô tội đối với mọi cáo buộc.’
Giáo sư Kotkin nói những tài liệu anh Wang thu thập là những tài liệu cổ 100 năm và anh ‘thường chia sẻ với tôi là anh rất thích thú về sự tinh tế và sâu sắc của văn minh Ba Tư.”
Trong tuyên bố, trường đại học Princeton nói anh Wang bị bắt khi đang nghiên cứu về triều đại Qajar từ năm 1794 đến 1925 để làm luận án về lịch sử Âu-Á cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
https://www.voatiengviet.com/a/iran-ket-an-mot-nghien-cuu-sinh-nguoi-my-goc-hoa/3948016.html
New York sẽ kiện việc hủy bỏ Obamacare
Tổng chưởng lý bang New York, Eric Schneiderman, tuyên bố sẽ kiện chính phủ liên bang nếu các nhà lập pháp Cộng hòa thông qua luật xem xét lại toàn bộ hệ thống bảo hiểm sức khỏe của Mỹ.
Văn phòng ông Schneiderman ngày 17/7 cho biết phát hiện được “nhiều khuyết điểm về mặt hiến pháp” trong dự luật bảo hiểm sức khỏe của đảng Cộng hòa.
Thượng viện Mỹ đang cứu xét dự luật bãi bỏ một phần Obamacare, dấu ấn lập pháp của cựu Tổng thống Dân chủ Barack Obama.
Tuy nhiên, trên dưới 10 Thượng nghị sĩ Cộng hòa tỏ ra lo ngại về dự luật, Thượng nghị sĩ Cộng hòa ôn hòa Susan Collins, người phản đối dự luật, cho biết ngày 16/7.
Các Tổng chưởng lý của tiểu bang theo đảng Dân chủ trở thành nguồn chống đối chính đối với các chính sách của Tổng thống Cộng hòa Donald Trump và họ đã thành công trong việc buộc ông Trump rút lại bớt phạm vi của sắc lệnh cấm nhập cảnh công dân 6 nước đa số theo Hồi Giáo.
Những người chỉ trích dự luật nói dự luật sẽ làm gia tăng đáng kể những chi phí trong ngân sách tiểu bang đối với chương trình Medicaid cho người nghèo và người khuyết tật.
https://www.voatiengviet.com/a/new-york-se-kien-viec-huy-bo-obamacare/3948003.html
Mỹ: Tranh cãi về số phận cơ quan phụ trách người tị nạn
Bốn mươi nhà ngoại giao và giới chức an ninh quốc gia đã hồi hưu kêu gọi Ngoại trưởng Rex Tillerson chớ bãi bỏ văn phòng Bộ Ngoại giao phụ trách về người tị nạn.
Trong văn thư Reuters ghi nhận được vào ngày 17/7, đề nghị của chính quyền ông Trump muốn chuyển trách nhiệm của Văn phòng Dân số, Người tị nạn và Di trú (PRM) sang những cơ quan khác sẽ cắt đứt lực đẩy ngoại giao của Mỹ trong việc đối phó với những cuộc khủng hoảng tại nước ngoài.
Trong số những giới chức ký tên trong thư có cựu Thứ trưởng Ngoại giao Williams Burns, cựu Thứ trưởng Ngoại giao về các Vấn đề Chính trị Nicolas Burns và Wendy Sherman và cựu đặc sứ hòa bình Trung Đông Dennis Ross.
“Dù ở đâu, Iraq, Afghanistan, Kenya, Thổ Nhĩ Kỳ hay Nam Sudan, những nỗ lực của Bộ Ngoại giao giải quyết những cuộc khủng hoảng nhân đạo phải bao gồm sự giao tiếp ngoại giao có phối hợp và trợ giúp khẩn cấp,” bức thư cũng có chữ ký của 18 giám đốc các cơ quan trợ giúp phi chính phủ, nêu rõ.
“Chúng tôi nghĩ rằng việc bãi bỏ những nhiệm vụ trợ giúp của PRM sẽ ảnh hưởng sâu đậm và tiêu cực lên khả năng của Ngoại trưởng tác động đến các vấn đề chính sách mà Hoa Kỳ quan tâm,” thư viết.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Heather Nauert nói ông Tillerson xem công việc của Văn phòng các Vấn đề Lãnh sự và PRM “là cốt yếu đối với nhiệm vụ của Bộ nhằm đảm bảo an ninh biên giới và người dân Mỹ.”
Một bản ghi nhớ của Văn phòng Quản trị và Ngân sách đề nghị giao trách nhiệm của PRM về Chương trình Nhận người tị nạn (tức giúp định cư những người tị nạn tại Mỹ) sang cho Bộ An ninh Nội địa.
Bản ghi nhớ, lần đầu tiên được đài CNN tường trình vào ngày 30 tháng 6 mà một cựu viên chức cho biết đã được hội đồng chính sách quốc nội của Tòa Bạch Ốc soạn thảo đề nghị chuyển những trách nhiệm khác cho những nơi khác và bãi bỏ văn phòng PRM.
Bản ghi nhớ và bức thư của các cựu viên chức dường như là một phần của bức tranh về chính sách người tị nạn và di dân.
Việc này bao gồm những sắc lệnh do Tổng thống Donald Trump ký và đang bị thưa kiện vì đề xuất tạm thời cấm nhập cảnh hầu hết người tị nạn và hầu hết công dân tại các nước đa số theo Hồi Giáo, một cuộc tranh luận nội bộ về chi phí định cư người tị nạn và truy lùng di dân bất hợp pháp.
Vấn đề này có thể được đưa ra trong buổi điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào chiều ngày 17/7, qua đó Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan dự kiến sẽ trình bày về những kế hoạch tái tổ chức Bộ Ngoại giao.
https://www.voatiengviet.com/a/my-tranh-cai-ve-so-phan-co-quan-phu-trach-nguoi-ti-nan/3947981.html
Mỹ kêu gọi hợp tác điều tra vụ rơi máy bay MH17
Hoa Kỳ thúc giục các nước hợp tác trong cuộc điều tra về tai nạn máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines năm 2014 tại khu vực Đông Ukraine bị chiến tranh tàn phá, khiến 298 người thiệt mạng.
Một cuộc điều tra hình sự quốc tế kết luận rằng máy bay trúng một phi đạn bắn đi từ lãnh thổ do các phần tử nổi dậy thân Nga kiểm soát và rằng phi đạn xuất phát từ một bệ phóng di động được đưa sang từ Nga.
Moscow phủ nhận liên can đến vụ này.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố Washington thúc giục “các nước hợp tác toàn diện nhằm đảm bảo những ai chịu trách nhiệm vụ này phải bị mang ra trước công lý.”
Vẫn theo bà Nauert, Mỹ cũng hoan nghênh quyết định mới đây cho phép các tòa án Hà Lan quyền tài phán để truy tố những người chịu trách nhiệm về thảm họa này.
“Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của hệ thống pháp lý hình sự Hà Lan nhằm tiến hành một cuộc truy tố sâu rộng, khách quan và công bằng,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
https://www.voatiengviet.com/a/my-keu-goi-hop-tac-dieu-tra-vu-roi-mh17/3947966.html
Mỹ nới lỏng lệnh cấm nhập cảnh
Ông bà của công dân Mỹ xuất xứ từ 6 nước có đa số dân theo Hồi giáo giờ đây đủ tiêu chuẩn được nhận visa nhập cảnh Hoa Kỳ, theo bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao mà Reuters ghi nhận.
Văn kiện từ Ngoại trưởng Rex Tillerson được gửi tới tất cả các trụ sở ngoại giao của Mỹ ở nước ngoài hôm thứ sáu.
Trước đó, tối thứ năm, thẩm phán Derrick Watson ở Hawaii ra phán quyết giới hạn phạm vi lệnh cấm du hành của Tổng thống Donald Trump, nói rằng chính phủ Mỹ không thể cấm, không cấp visa cho ông bà và thân nhân của công dân Mỹ cho dù họ có xuất thân từ 6 nước trong danh sách bao gồm Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.
Thẩm phán Watson từ chối giữ lại phán quyết chờ kháng cáo, nghĩa là phán quyết của ông có hiệu lực tức thì. Chính quyền Trump đã yêu cầu Tòa Tối cao và Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 ngăn cản phán quyết vừa kể.
Văn kiện của Ngoại trưởng gửi ra các phái bộ ngoại giao mà Reuters ghi nhận đề ngày 14/7 cập nhật định nghĩa những ai được xem là ‘bà con gần’ không bị ảnh hưởng bởi lệnh sắc lệnh của Tổng thống Trump ban hành ngày 6/3.
Theo đó, nội dung này được mở rộng rằng “ông bà, cháu chắt, anh/em rể, chị/em dâu, cậu dì, cháu trai, cháu gái và anh em họ của công dân Mỹ đủ điều kiện được cấp visa dù có xuất xứ từ 6 nước trong danh sách.
Các lãnh sự quán và đại sứ quán Mỹ không cần mở lại hồ sơ xin visa nào bị từ chối theo định nghĩa hẹp về bà con gần trong sắc lệnh ban đầu.
https://www.voatiengviet.com/a/my-noi-long-lenh-cam-nhap-canh-/3947965.html
Trung Quốc nổi đóa vì dự luật quốc phòng của Mỹ
Trung Quốc ngày 17/7 loan báo đã chính thức phản đối mạnh mẽ Hoa Kỳ sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật quốc phòng thường niên cho phép mở rộng trao đổi với lãnh thổ tự trị Đài Loan.
Bắc Kinh xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và chưa bao giờ từ bỏ ý định dùng võ lực để có được quyền kiểm soát Đài Loan.
Mỹ không có quan hệ chính thức với Đài Loan nhưng luật Mỹ quy định Washington có thể giúp Đài Loan tự vệ và Hoa Kỳ cũng là nguồn cung cấp võ khí chính yếu cho Đài Loan.
Dự luật của Hạ viện Mỹ được thông qua hôm thứ sáu cũng đề nghị mở rộng huấn luyện và tập trận với Đài Loan.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng, tuyên bố những ‘nội dung tiêu cực’ liên hệ tới Đài Loan đi ngược lại nguyên tắc một nước Trung Quốc một cách nghiêm trọng và can thiệp vào chuyện nội bộ của Bắc Kinh.
Trung Quốc cực lực phản đối bất kỳ hình thức liên lạc chính thống nào giữa quân đội Mỹ với quân đội Đài Loan, ông Lục nhấn mạnh.
“Chúng tôi thúc giục Mỹ nhận thức toàn diện những tác hại nghiêm trọng của các vế câu liên quan trong dự luật vừa thông qua và không để cho dự luật này thành luật, chớ quay ngược bánh xe lịch sử hầu tranh gây phương hại bức tranh hợp tác Mỹ-Trung rộng lớn hơn.”
Trung Quốc thường xem Đài Loan là vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất giữa Bắc Kinh với Washington.
Tháng rồi, Trung Quốc kêu gọi Mỹ hủy ngay lập tức “quyết định sai lầm” khi bán cho Đài Loan võ khí trị giá 1,42 tỷ đô la. Bắc Kinh nói hành động này đi ngược lại ‘sự đồng thuận’ mà Chủ tịch Tập Cận Bình đạt được với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các cuộc hội đàm hồi tháng tư ở Florida.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-noi-doa-vi-du-luat-quoc-phong-cua-my-/3947963.html
Vệ binh Cách mạng Iran cảnh cáo Mỹ
Một chỉ huy cao cấp thuộc Vệ binh Cách mạng Iran ngày 17/7 cảnh cáo nếu Mỹ chỉ định lực lượng này là một tổ chức khủng bố và áp đặt chế tài mới thì lực lượng Mỹ trong khu vực sẽ lãnh hậu quả tai hại.
Các giới chức Mỹ trong năm nay cho hay chính quyền Tổng thống Donald Trump đang duyệt xét một đề nghị có thể xếp Vệ binh Cách mạng Iran là một tổ chức khủng bố.
Vào giữa tháng 6 năm nay, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu chấp thuận những chế tài mới đối với Iran vì chương trình phi đạn đạn đạo và những hành động khác không liên hệ đến thỏa thuận quốc tế về hạt nhân đạt được với Hoa Kỳ và các cường quốc khác vào năm 2015.
Để trở thành luật, dự luật này phải được Hạ viện thông qua và được Tổng thống Trump ký ban hành.
“Liệt kê Vệ binh Cách mạng Iran vào danh sách những tổ chức khủng bố và áp đặt những chế tài tương tự là rủi ro lớn cho Hoa Kỳ, cho các căn cứ và lực lượng Mỹ đồn trú trong vùng, Thiếu tướng Mohammad Baqeri, Tham mưu trưởng quân đội Iran tuyên bố, theo tường thuật của Sepah News, một trang web chính thức của Vệ binh Cách mạng.
Ông không cho biết chi tiết về rủi ro có thể trông thấy là gì.
Vệ binh Cách mạng là một lực lượng an ninh quyền lực nhất tại Iran, giám sát một mạng lưới kinh tế khổng lồ trị giá nhiều tỉ đô la và có ảnh hưởng rộng lớn đến hệ thống chính trị Iran.
Tướng Baqeri ngày 17/7 nói chương trình phi đạn của Iran có tính cách phòng vệ và sẽ không bao giờ dùng để thương thuyết, theo Sepah News.
Ba ngày sau khi thượng viện Mỹ bỏ phiếu về chế tài mới, Iran bắn một phi đạn vào miền đông Syria, nhắm vào các căn cứ của Nhà nước Hồi Giáo, tức tổ chức nhận trách nhiệm trong những cuộc tấn công tại Iran làm 18 người thiệt mạng.
Vệ binh Cách mạng đang chiến đấu tại Syria chống lại các tổ chức chống lại Tổng thống Bashar al-Assad.
Tướng Baqeri cũng chỉ trích nhận định mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis là Iran cần phải thay đổi chế độ trước khi Hoa Kỳ có thể bình thường hóa các quan hệ với Iran.
https://www.voatiengviet.com/a/ve-binh-cach-mang-iran-canh-cao-my/3947969.html
Tổng thống Philippines
muốn gia hạn thiết quân luật ở Mindanao
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đề nghị Quốc hội gia hạn thiết quân luật đến tháng 12 trên đảo Mindanao, nơi quân đội phát động một chiến dịch đẫm máu chốngphiến quân Hồi giáo kéo dài hai tháng nay.
Đến nay, hơn 500 người đã thiệt mạng. Cuộc xung đột nổ ra sau khi lực lượng an ninh thất bại trong việc bắt giữ Isnilon Hapilon, một thủ lĩnh hàng đầu của phiến quân Hồi giáo có liên kết với Nhà nước Hồi giáo. Phiến quân đã đốt cháy rụi một số tòa nhà, kể cả một nhà thờ, và bắt nhiều người làm con tin, khiến ông Duterte hôm 23/5 áp đặt thiết quân luật kéo dài 60 ngày trên hòn đảo có 21 triệu dân.
Sắc lệnh của tổng thống sẽ hết hiệu lực vào thứ Bảy 22/7, chiểu theo hiến pháp của Philippines. Phát ngôn viên của Tổng thống, Ernesto Abella, giải thích với các phóng viên ở Manila hôm 18/7, rằng lý do gia hạn thiết quân luật là vì ông Duterte đã xác định là đến thời điểm đó cuộc nổi dậy của phiến quân Hồi giáo vẫn chưa bị đánh bại.
Hơn 400 phiến quân đã bị tiêu diệt trong cuộc chiến.
Hai thập niên sau khủng hoảng tài chính Á châu :
Hậu quả vẫn còn tính thời sự
Khủng hoảng tài chính 1997/1998 là một bước ngoặt trong lịch sử kinh tế châu Á. Những liều thuốc chữa cháy để dập tắt “hỏa hoạn” bùng lên tại Thái Lan, Indonesia, rồi lan rộng sang cả Hàn Quốc hai thập niên trước gieo mầm cho tai họa tài chính 2007/2008. Chính sách kích cầu của Trung Quốc từ một chục năm qua có là nguyên nhân dẫn tới một đợt sóng thần tài chính mới ?
Trong bài phân tích mang tựa đề “Cách nay 20 năm, khủng hoảng Á châu : hậu quả vẫn còn tính thời sự”, đăng trên báo mạng Asialyst.com đầu tháng 7/2017, chuyên gia kinh tế Jean-Raphaël Chaponnière tìm cách trả lời câu hỏi trên.
Khủng hoảng 1997 và nguyên nhân
Cách nay 20 năm, khủng hoảng tài chính Á châu bùng phát từ thủ đô Bangkok. Một năm trước đó Ngân Hàng Thế Giới công bố báo cáo về “Phép lạ kinh tế Thái Lan”, sau khi đã có hẳn một công trình về “Phép lạ kinh tế Á châu”.
Ở vào thời điểm 1996, những nhà quan sát tinh tế nhất cũng chỉ dự báo kinh tế Thái Lan sẽ gặp nạn nhưng không một ai nghĩ rằng, đám cháy sẽ lan rộng tới nhiều nước láng giềng : chẳng những ở khu vực Đông Nam Á mà thần hỏa còn với qua tận đến Hàn Quốc.
Tai họa đó từ đâu đến ?
Tăng trưởng tại châu lục này đã tăng tốc kể từ năm 1985, khi Tokyo tăng giá đồng yen, tạo đà cho xuất khẩu của tất cả các nước kém phát triển hơn Nhật Bản. Sự kiện này mở ra một chu kỳ tăng trưởng “10 năm vinh quang”. Năm 1990/1991 khi Hoa Kỳ bị vỡ quả bóng tín dụng (Saving and Loans), thì bất ngờ châu Á lại không hề hấn gì. Chính sự vững chắc đó của các “con rồng, con cọp” Á châu lại càng khiến mọi người tin tưởng vào khu vực và tư bản của thế giới lại càng dễ dàng đổ về châu lục này.
Từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đến bộ Tài Chính Hoa Kỳ hay Wall Street đều đã mở rộng các luồng giao dịch với châu Á. Những tiếng nói chỉ trích ngành tài chính ngân hàng của châu Á còn chưa được quản lý chặt chẽ ít được công luận chú ý.
Một đặc điểm khác, như chuyên gia kinh tế Jean-Raphaël Chaponnière ghi nhận là đơn vị tiền tệ của các nền kinh tế nói trên được buộc chặt vào đô là Mỹ. Từ năm 1992, Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ hạ lãi suất chỉ đạo để kích thích đầu tư và tiêu thụ trên nước Mỹ. Các nhà đầu tư châu Á “tát nước theo mưa” trước hiện tượng tiền rẻ.
Thêm vào đó, nhiều quỹ đầu tư của Nhật cũng lợi dụng lãi suất thấp của Mỹ để vay tiền, đầu tư vào châu Á kiếm lời.
Hậu quả trực tiếp là từ Thái Lan đến Indonesia, từ Malaysia đến Hàn Quốc … đều đứng trước hiện tượng dư thừa sản xuất. Các hoạt động đầu cơ bắt đầu nhen nhúm trong lúc mà hàng của Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trên thị trường …
Vết dầu loang
Mùa xuân 1997, Thái Lan vỡ bong bóng địa ốc. Ngân Hàng Trung Ương tung tiền cứu nguy đồng baht. Nhưng tới đầu tháng 7/1997, mọi chuyện bị “tức nước vỡ bờ”. Đơn vị tiền tệ của Thái Lan tuột dốc không phanh, tạo nên một sự ngờ vực rồi hoảng loạn, không chỉ với đồng baht Thái, mà cả với đồng tiền của Indonesia.
Tháng Giêng 1998, tổng thống Soeharto do dự áp dụng chính sách được IMF kê đơn, lập tức tư bản ồ ạt “tháo chạy” khỏi Jakarta. Indonesia rơi vào một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu. Tổng thống Soeharto sau hơn 30 năm liên tục cầm quyền phải ra đi.
Ở mãi tận Bắc Á, Hàn Quốc không được bình an. Tháng 12/1997 Seoul bị chấn động vì bão tố từ Đông Nam Á ập tới. Hàn Quốc bị đe dọa mất khả năng thanh toán, thiếu tiền mặt, do nhiều tập đoàn chaebol bị phá sản – điển hình là Daewoo. Phải đợi đến ngày cuối cùng trong năm, IMF mới tung ra kế hoạch cứu nguy xứ Hàn.
Ba nền kinh tế hùng mạnh nhất trong khu vực là Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia đều “lâm nạn” : GDP của Indonesia giảm 17 % trong vòng 9 tháng. Kéo theo là một cuộc khủng hoảng về mặt xã hội. Theo tác giả, Jean-Raphaël Chaponnière, mãi tới năm 2006 người dân Indonesia mới tìm lại được sức mua như trước khủng hoảng 1997/1998.
Không chỉ thế, các nước bạn hàng chính của Bangkok, Jakarta hay Seoul cũng bị vạ lây. Đứng đầu là Malaysia và ở một cấp nhẹ hơn là Philippines, Đài Loan và Trung Quốc. Tài chính của Trung Quốc vào 2 thập niên trước còn khá khép kín nhờ vậy mà Bắc Kinh đứng ngoài tâm bão.
1997-2007 : Lỗi tại châu Á
Con chim phải đạn, sợ cành cây cong. Sau cơn ác mộng 1997, châu Á tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và tiết kiệm nhiều hơn nữa, nhưng để ủy thác vào nơi an toàn nhất trên thế giới là Hoa Kỳ.
Nước Mỹ từ đầu những năm 2000 đứng trước hiện tượng “dư thừa tư bản”. Chính luồng vốn chảy từ châu Á sang này, đã nuôi dưỡng chu kỳ tăng trưởng bền bỉ hiếm thấy trên đất Mỹ. Từ đó nảy sinh ra quả bóng địa ốc. Cho đến tháng 7/2007 khi khủng hoảng tín dụng gia cư bùng phát, giải Nobel Kinh Tế 2001, giáo sư Joseph Stiglitz không vòng vo quy trách nhiệm cho các nước châu Á đổ tiền vào Hoa Kỳ gây nên trận đại hồng thủy 2007/2008.
Thế nhưng châu Á tương ổn định sau vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản (tháng 9/2008). Có bị ảnh hưởng đi chăng, là do trao đổi mậu dịch và tăng trưởng toàn cầu sa sút.
Trung Quốc sắp thổi nên cơn bão mới ?
Lịch sử được lập lại. Nhưng lần này Trung Quốc bước lên tuyến đầu. Tháng 10/2008 Bắc Kinh thông báo một kế hoạch kích cầu còn quy mô hơn của Mỹ. Trong 8 năm qua, đầu tư của Trung Quốc luôn cao hơn của cả Hoa Kỳ hay toàn khối 28 nước trong Liên Hiệp Châu Âu. Tín dụng dưới thời các ông Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình tăng nhanh đến nỗi làm mọi người liên tưởng đến những gì đã diễn ra ở Hàn Quốc và Thái Lan trước năm 1997.
Bài học từ khủng hoảng tài chính châu Á cách nay đúng 20 năm cho thấy, những giai đoạn mà tín dụng tăng nhanh thường dẫn tới khủng hoảng. Từ năm 2016, IMF đã gióng tiếng chuông báo động trước mức nợ của doanh nghiệp Trung Quốc. Bản thân Bắc Kinh cũng ý thức được mối đe dọa này. Vài tháng trước Đại Hội Đảng lần thứ 19, Bắc Kinh đã thông báo một số biện pháp để kềm hãm nợ “phình” lên thêm.
Nền kinh tế thứ nhì thế giới liệu có thoát khỏi mối đe dọa này ?
Hoàn cảnh của Trung Quốc ngày nay khác nhiều so với các nước Đông Nam Á và Hàn Quốc 20 năm trước. Trung Quốc trong thế xuất siêu, và nhất là đã tích lũy được một khoản dự trữ khá lớn. Nợ của nước này được tính bằng nhân dân tệ chứ không phải bằng đô la. Các công ty và ngân hàng đều được đặt dưới sự quản lý của Nhà nước. Trong bối cảnh đó, chuyên gia kinh tế Jean-Raphaël Chaponnière cho rằng nếu có lâm nạn, thì Trung Quốc sẽ tránh được một vụ “máy bay rơi” như ở Hoa Kỳ mà có khuynh hướng từng bước lún vào khủng hoảng theo kiểu của Nhật Bản từ sau vụ vỡ chứng khoán năm 1989. Đó cũng là một rủi ro đáng sợ không kém.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170718-20-nam-khung-hoang-tai-chinh-a-chau-hau-qua-van-con-tinh-thoi-su
Venezuela : Trump dọa trừng phạt Maduro
nếu cho bầu Quốc Hội Lập Hiến
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/07/2017 dọa đưa ra các biện pháp trừng phạt Venezuela nếu tổng thống Nicolas Maduro cho tổ chức bầu Quốc Hội Lập Hiến dự kiến vào cuối tháng 7/2017.
Trong một bản thông cáo được Reuters trích dẫn, tổng thống Mỹ tuyên bố : « Hôm qua, một lần nữa, người dân Venezuela thể hiện rõ họ bảo vệ nền dân chủ, tự do và Nhà nước pháp quyền. Hành động mạnh mẽ và dũng cảm đó tiếp tục bị tảng lờ bởi một nhà lãnh đạo tồi đang mơ trở thành độc tài ».
Ông Donald Trump khẳng định « nếu chế độ Maduro áp đặt Quốc Hội Lập Hiến vào ngày 30/07, Hoa Kỳ sẽ có các biện pháp hành động kinh tế cứng rắn và nhanh chóng ».
Trong một cuộc họp báo tại Bruxelles ngày 17/07/2017, bà Federica Mogherini, người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, cũng kêu gọi chính quyền Caracas đình chỉ bầu Quốc Hội Lập Hiến mà theo đánh giá của bà, có thể khiến căng thẳng và bạo lực leo thang tại quốc gia Nam Mỹ này. Khi được hỏi về khả năng Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt chính quyền Venezuela, bà Mogherini cho biết « mọi lựa chọn đều được đặt trên bàn ».
Trong khi đó, phe đối lập với chính quyền Maduro kêu gọi một cuộc tổng đình công kéo dài 24 giờ vào ngày 20/07/2017 nhằm ngăn chặn ý định sửa đổi Hiến Pháp của tổng thống Maduro.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170718-venezuela-trump-doa-trung-phat-maduro-neu-lap-quoc-hoi-lap-hien
Trung Quốc :
Các nhà tranh đấu vận động cho vợ Lưu Hiểu Ba được tự do
Nhà chức trách Trung Quốc tới nay vẫn từ chối tiết lộ nơi bà Lưu Hà. Vợ nhà tranh đấu đoạt giải Nobel Hòa Bình 2010 Lưu Hiểu Ba, bị quản thúc tại gia. Xuất hiện trong lễ tang của chồng cách đây vài ngày, bà Lưu Hà trông có vẻ hoàn toàn suy sụp và kiệt sức. Tình trạng sức khỏe của bà Lưu Hà gây lo ngại.
Nhà tranh đấu Hồ Giai (Hu Jia), giải thưởng Sakharov của Quốc Hội Châu Âu năm 2008, đồng thời là bạn của hai vợ chồng ông Lưu Hiểu Ba đã quyết định tung ra chiến dịch « Trả tự do cho bà Lưu Hà ». Giải thích với RFI, nhà tranh đấu Hồ Giai giải thích phải hành động khẩn cấp và ông nghĩ rằng các chính trị gia và công luận trên toàn thế giới phải chìa tay giải thoát bà Lưu Hà khỏi nỗi tuyệt vọng.
Theo lời ông Hồ Giai, từ khi ông Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel Hòa Bình 2010, bà Lưu Hà hoàn toàn bị cách ly. Mỗi tháng bà chỉ được gặp chồng một lần, nhưng bà Lưu Hà không được phép kể cho ông Lưu Hiểu Ba nghe chuyện bà bị quản thúc tại gia và chuyện em trai bà bị xét xử. Chịu quá nhiều sức ép về tâm lý, bà phải dùng thuốc ngủ. Đối với nhà tranh đấu Hồ Giai, bà Lưu Hà « nhà tù tinh thần giam giữ bà Lưu Hà còn tàn bạo hơn nhà tù mà ông Lưu Hiểu Ba đã trải qua ».
Sau khi cha mẹ bà lần lượt qua đời vào năm 2006 và 2007, bà Lưu Hà quyết định kể cho chồng nghe mọi chuyện.
Nhà tranh đấu Hồ Giai kết luận rằng ở Trung Quốc, bà Lưu Hà « sẽ bị kiểm soát chặt chẽ (…) nhà chức trách Trung Quốc không muốn người được nghe những lời tâm sự, chia sẻ cuối cùng của ông Lưu Hiểu Ba rời khỏi đất nước ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170718-trung-quoc-cac-nha-tranh-dau-no-luc-giai-thoat-cho-vo-luu-hieu-ba
Thành phố Rượu vang, tủ kính trưng bày lý tưởng của Bordeaux
Được khánh thánh cách đây một năm tại thành phố Bordeaux, quần thể ‘‘Cité du Vin’’ (Thành phố Rượu vang) là một công trình kiến trúc táo bạo, phí tổn xây cất lên tới 81 triệu euro. Theo ban giám đốc, để thu hồi vốn đầu tư trong vòng mười năm, ‘‘Cité du Vin’’ tính trung bình phải thu hút hàng năm 400.000 lượt khách thăm viếng. Tính trong năm vừa qua, ‘‘Thành phố Rượu vang’’ đã thành công bước đầu với 425.000 lượt khách tham quan.
Theo ban điều hành, cứ trên 10 khách mua vé vào cửa, có khoảng 4 người (38%) là dân Pháp (đa phần là dân địa phương sống ở trung tâm thành phố Bordeaux hay các vùng ngoại thành). 6 người còn lại (62%) là du khách đến từ nhiều quốc gia trong đó có Anh, (14%) Mỹ (11%), Thụy Sĩ (9%), Tây Ban Nha (8%) rồi kế đến nữa có du khách Bỉ, Ý, Đức, Canada, Trung Quốc, Brazil ……
Nhờ vào số lượng khách mua vé vào cửa, ‘‘Cité du Vin’’ bảo đảm một nguồn thu nhập đều đặn khoảng 10 triệu euro một năm, phần còn lại được bổ sung bằng các dịch vụ mua sắm, ăn uống, hàng lưu niệm ….. Một trong những điểm mạnh của ‘‘Thành phố Rượu vang’’ chính là ban điều hành quần thể văn hóa giải trí này nắm bắt được tâm lý khách hàng, bất cứ ai đến thăm Bordeaux thì thế nào rồi cũng phải mua một vài chai rượu vang làm quà biếu cho người thân hay bạn bè. Nằm ở tầng một có các lớp hướng dẫn cách nếm rượu, hay là các quầy ẩm thực gọi là ‘‘accords mets & vins’’ để tìm hiểu và thưởng thức theo kiểu ‘’ăn món nào uống rượu nấy’’.
Quầy thưởng thức rượu vang nằm ở trên tầng cao nhất (tầng 7) cũng nhắm vào mục đích này, khách hàng nếm rượu cho dù không phải là dân sành điệu cũng sẽ phải xiêu lòng khi bước vào không gian với lối kiến trúc tân kỳ. Khách muốn mua rượu có thể ghé thăm cửa hàng nằm ở tầng trệt với lối dàn dựng ánh sáng lung linh lộng lẫy. Còn được gọi là Phòng trữ rượu (Vinothèque), không gian trưng bày này có tới gần mười ngàn hiệu rượu vang khác nhau (9752 loại) đến từ hơn 80 quốc gia trên thế giới.
Gọi là ‘‘Thành phố Rượu vang’’, nhưng thật ra ‘‘Cité du Vin’’ trong lối xây cất giống như một Cung triển lãm hiện đại có cả auditorium có thể được sử dụng như một nhà hát, phòng chiếu phim, phòng tổ chức hội thảo. Quần thể văn háo giải trí này có tổng cộng là 20 khu vực triển lãm trên tổng cộng 13.000 thước vuông xoay quanh chủ đề rượu vang. Nhưng Cité du Vin không phải là một viện bảo tàng theo đúng nghĩa của nó (không trưng bày đồ cổ hay bảo vật có liên quan tới ngành nghề chế biến rượu vang như Viện bảo tàng Rượu vang ở vùng Moulis-en-Médoc) mà lại tổ chức các sinh hoạt thương mại hay sự kiện văn hóa theo chủ đề, kết hợp với hình ảnh, âm thanh, phim video …..
Cuộc triển lãm hiện thời được dành cho nước Gruzia, kể lại lịch sử và quá trình hình thành nghề làm rượu vang tại quốc gia này, dĩ nhiên là các hiệu rượu vang nổi tiếng nhất của Gruzia (saperavi, tsinandali hay là khvanchkara) đều có thể được tìm thấy trong Phòng trữ rượu nằm ở tầng trệt. Trong thời gian sắp tới, các nước Nam Mỹ như Chi lê và Argentina sẽ là những khách mời danh dự xuyên qua các cuộc triển lãm hay sinh hoạt văn hoá.
Một khi được hoàn tất, ‘‘Thành phố Rượu vang’’ tuy được giao đúng thời hạn xây cất nhưng chi phí lại vượt qua ngân sách dự trù ban đầu tới gần 20 %. Trên 81 triệu euro, thành phố Bordeaux gánh hơn một phần ba phí tổn, phần còn lại được chia đều cho các đối tác cấp vùng, cũng như của các công ty sản xuất rượu vang, các nhà tài trợ.
Khác hẳn với một viện bảo tàng quốc gia hay một cơ quan văn hóa nhà nước, ‘‘Thành phố Rượu vang’’ ngay từ ban đầu khai thác mô hình kinh doanh giữa công viên giải trí và hội chợ triển lãm : có cả nội dung văn hóa lẫn hoạt động thương mại. Điều này hầu tránh cho “Thành phố Rượu vang” bị thất thu lỗ lã ít ra là trong thời gian đầu.
Tuy nhiên, đối với du khách Pháp hay nước ngoài, giá vé vào cửa vẫn còn hơi đắt (24€ một vé) chưa kể các phụ phí nào nếu phải mua sắm thêm, ăn uống tại chỗ khi du khách dành nửa buổi hay trọn ngày để tham quan. Còn đối với các nhà tài trợ, kể từ khi tuyến đường xe lửa cao tốc (TGV Atlantique) rút ngắn thời gian di chuyển Paris-Bordeaux từ hơn 3 tiếng xuống còn 2 tiếng đồng hồ, Cité du Vin lại càng là tủ kính trưng bày lý tưởng, cho thấy kinh thành Bordeaux xứng đáng với danh hiệu ‘‘Vương quốc của Rượu vang’’.
http://vi.rfi.fr/phap/20170718-thanh-pho-ruou-vang-tu-kinh-trung-bay-ly-tuong-cua-bordeaux
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại Tây Tạng
Báo chí Ấn Độ ngày 17/07/2017 dẫn nguồn tin từ Hoa lục cho biết quân đội Trung Quốc đã tiến hành tập trận bắn đạn thật tại Tây Tạng, trong bối cảnh biên giới Ấn-Trung đang căng thẳng.
Theo đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV, địa điểm diễn ra cuộc tập trận là khu tự trị Tây Tạng, nhưng không cho biết thời gian cụ thể. Còn theo Hoàn Cầu Thời Báo, đơn vị tham gia là bộ chỉ huy quân sự khu vực Tây Tạng, một trong hai đơn vị cao nguyên của quân đội Trung Quốc, hiện đang giám sát đường biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, tại nhiều đoạn giáp với vùng núi Tây Tạng.
CCTV cho biết, đơn vị đóng quân dọc theo hạ lưu và trung lưu sông Brahmaputra, và chịu trách nhiệm tác chiến. Các video trên mạng cho thấy binh lính sử dụng lựu đạn chống tăng, hỏa tiễn phá công sự. Các đơn vị radar nhận diện máy bay địch và pháo binh dùng tên lửa phá hủy mục tiêu. Cuộc tập trận kéo dài 11 tiếng đồng hồ, bao gồm cả việc triển khai nhanh bộ binh và phối hợp tấn công.
Ngoài ra, cơ quan phụ trách mạng lưới thông tin di động Tây Tạng cũng tổ chức diễn tập việc thiết lập mạng di động tạm thời tại Lhasa để bảo đảm liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.
Các thông tin trước đó nói rằng quân đội Trung Quốc đã thao tác nhiều hệ thống vũ khí hiện đại, kể cả một loại chiến xa hạng nhẹ sản xuất trong nước.
Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang dàn quân tại khu vực Dokalam, vùng đất tranh chấp giữa Bắc Kinh và Bhutan – một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới không có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và ký hiệp ước hữu nghị với Ấn Độ. Khu vực này giáp với bang Sikkim của Ấn và Tây Tạng của Trung Quốc, gọi theo Ấn Độ là Doka La, còn theo Trung Quốc là Động Lãng. Quân Ấn Độ đã ngăn chận việc quân Trung Quốc xây dựng một con đường tại Dokalam, Bắc Kinh đòi New Delhi phải rút quân ngay lập tức.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170718-trung-quoc-tap-tran-ban-dan-that-tai-tay-tang
Nhật Bản : « Không phải lúc đàm phán với Bắc Triều Tiên »
Ngay sau khi Hàn Quốc đề nghị đàm phán với Bắc Triều Tiên về quân sự và nhân đạo, ngày 17/07/2017, Nhật Bản khẳng định phải tăng cường sức ép và trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, chứ không phải là lúc ưu tiên đàm phán.
Tháp tùng ngoại trưởng Nhật Bản tham gia một cuộc họp tại Liên Hiệp Quốc ở New York, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, Norio Maruyama, nhấn mạnh : « Không phải lúc dành cho đàm phán. Giờ là lúc tăng cường sức ép để có một cuộc đối thoại nghiêm túc » với Bình Nhưỡng.
Hãng tin AFP nhắc lại bộ Quốc Phòng Hàn Quốc đề nghị mở đàm phán với Bình Nhưỡng vào thứ Sáu 21/07/2017 tại ngôi làng biên giới Bàn Môn Điếm, trong bối cảnh Hoa Kỳ đang đàm phán với Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc về một nghị quyết trừng phạt mới nhắm vào Bắc Triều Tiên sau vụ Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa liên lục địa ngày 04/07/2017. Nếu Bình Nhưỡng chấp nhận đề nghị của Seoul, đây sẽ là cuộc họp chính thức đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên kể từ tháng 12/2015.
Đề xuất đàm phán của Seoul với Bình Nhưỡng được Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ. Trả lời báo giới, bà Federica Mogherini, lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu nhận định : « Không cần giải pháp quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Cần tiến hành phi hạt nhân hóa bằng con đường hòa bình ». Ngoài việc nhấn mạnh đến vai trò của Hàn Quốc trong hồ sơ này, bà Mogherini cũng khẳng định « Bruxelles sẵn sàng ủng hộ mọi nỗ lực (của Hàn Quốc) bằng mọi phương tiện có thể ».
Liên Hiệp Châu Âu đã đưa thêm vào danh sách trừng phạt một số cá nhân và doanh nghiệp của Bắc Triều Tiên nhằm đáp trả việc Bình Nhưỡng tiếp tục chương trình vũ khí đạn đạo.
Sau vụ Bắc Triều Tiên thử tên lửa liên lục địa ngày 04/07/2017, Liên Hiệp Châu Âu dự định xem xét thông qua thêm một số biện pháp trừng phạt chế độ Kim Jong Un sau khi tham khảo chặt chẽ các đồng minh.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170718-nhat-ban-%C2%AB-khong-phai-luc-dam-phan-voi-bac-trieu-tien-%C2%BB
Trung Quốc phản đối dự luật
cho phép chiến hạm Mỹ thăm Đài Loan
Trung Quốc hôm 17/07/2017 đã lên tiếng phản đối sau khi Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua một dự luật cho phép các chiến hạm Mỹ lại được ghé thăm Đài Loan.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang),được AFP trích dẫn, tuyên bố : « Trung Quốc kiên quyết phản đối mọi hình thức trao đổi chính thức hay tiếp xúc quân sự giữa Hoa Kỳ và Đài Loan ». Ông Lục Khảng cho rằng dự luật này « rất có hại », kêu gọi phía Mỹ « không nên quay ngược chiều lịch sử, làm tổn hại cho lợi ích chung trong quan hệ hai nước ».
Hạ Viện Mỹ hôm thứ Sáu 14/7 đã thông qua dự luật quốc phòng (National Defense Authorization Act) cho năm tài chính 2018, cho phép chính phủ định ra ngân sách quốc phòng hàng năm. Luật này còn phải được Thượng Viện thông qua và tổng thống phê chuẩn, trong đó có một điều khoản sửa đổi, kêu gọi Lầu Năm Góc xem xét khả năng tái lập những chuyến viếng thăm Đài Loan của các chiến hạm Mỹ và ngược lại.
Các chiến hạm Mỹ không còn ghé thăm Đài Loan kể từ khi Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh năm 1979.
Quan hệ Mỹ-Trung trong những tuần lễ gần đây đang căng thẳng do Hoa Kỳ bán vũ khí trị giá 1,3 tỉ đô la cho Đài Loan, bất đồng trong hồ sơ Bắc Triều Tiên và yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
Bắc Kinh vốn luôn coi Đài Loan là một tỉnh nổi dậy, đã giận dữ sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, sợ rằng ông Trump sẽ từ bỏ chủ trương « Một nước Trung Hoa ». Nhưng sau đó tổng thống Mỹ khẳng định với ông Tập Cận Bình là vẫn tôn trọng nguyên tắc lâu nay.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170718-trung-quoc-phan-doi-du-luat-cho-phep-chien-ham-my-tham-dai-loan