Cờ vàng, cờ đỏ và ứng xử của chúng ta
Tuesday, July 18, 2017 8:22 AM
Lê Anh Hùng
Theo blog VOA
Ở Việt Nam thì ngay cả Tết cổ truyền cũng bị “chính trị hoá”, và Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ. |
Cuộc tranh cãi diễn ra khá gay gắt và gây chia rẽ khá nghiêm trọng giữa những người đấu tranh trong và ngoài nước, một tập hợp vốn dĩ còn ít ỏi và thiếu gắn kết. Hậu quả đáng tiếc này lẽ ra đã không xảy ra nếu mỗi bên đều hiểu và tôn trọng quan điểm, tình cảm của phía bên kia trước một chủ đề đầy nhạy cảm như lá cờ.
Với những người Việt hải ngoại vốn rời khỏi Miền Nam Việt Nam sau biến cố 30/4/1975, cờ vàng không chỉ là biểu tượng của quê hương đất nước, một quốc gia từng được tất cả các nước thuộc thế giới tự do công nhận, mà còn biểu trưng cho tự do, dân chủ và nhân quyền.
Trong khi đó, với phần lớn người Việt sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc Việt Nam trước năm 1975 và trên toàn Việt Nam sau 1975, cờ đỏ sao vàng không chỉ là biểu tượng của chính thể CHXHCN Việt Nam mà còn là biểu tượng của Tổ quốc, của dân tộc.
Khi những khuyết tật mang tính bản chất của hệ thống dần dần tự bộc lộ, những tội ác của chính quyền cộng sản dần dần bị phơi bày, ngày càng nhiều người Việt nhận ra rằng chế độ XHCN ở Việt Nam là một chính thể độc tài, phi nhân, bị một nhóm thiểu số áp đặt cho đa số, hoàn toàn không thể hiện ý chí và nguyện vọng của toàn thể nhân dân. Những người đã thức tỉnh đó vì thế cũng ý thức được rằng lá cờ đỏ sao vàng không thể là biểu tượng của Tổ quốc, của dân tộc Việt Nam, cho dù nó được cộng đồng quốc tế công nhận.
Với đa số người Việt buộc phải từ bỏ nơi chôn rau cắt rốn để thoát khỏi ách cai trị cộng sản, lá cờ màu đỏ là hiện thân của tội ác và khơi gợi lại trong họ những nỗi đau khôn cùng. Trong suy nghĩ của họ, chính vì lá cờ đó mà họ buộc phải rời bỏ quê hương trên những con thuyền mong manh giữa đại dương sóng dữ, buộc phải chứng kiến hình ảnh người thân của mình chìm giữa biển khơi và làm mồi cho cá, hay cảnh tượng vợ con, thân quyến bị hải tặc cưỡng hiếp… Không ít người trong số họ hễ có cơ hội là sẵn sàng dẫm đạp lên lá cờ đỏ, một phản ứng hoàn toàn dễ hiểu nếu chúng ta biết được những gì họ đã từng trải qua. Và như một lẽ tự nhiên, họ cảm thấy dị ứng với bất kỳ ai yêu mến hoặc trân trọng lá cờ đó.
Như đã nói ở trên, với phần lớn người Việt sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc trước 1975 và trên toàn Việt Nam sau 1975, lá cờ đỏ sao vàng vẫn được coi là biểu tượng của quốc gia. Vì thế, việc họ nâng niu lá cờ đó là điều bình thường, như chúng ta vẫn thấy trên các sân bóng đá có người Việt tham dự.
Điều đáng nói là kể cả những người đã thức tỉnh và ngày càng đông lên kia, họ không những không thể hành xử với cờ đỏ như những người Việt hải ngoại vốn là nạn nhân của cộng sản, mà một bộ phận trong số đó còn có những tình cảm khó diễn tả với lá cờ này. Đó là những người đã từng chiếu đấu dưới lá cờ ấy, hoặc có người thân yêu đã đổ máu, thậm chí bỏ mạng vì nó. Họ không còn đặt niềm tin vào lá cờ đó nữa, dĩ nhiên, nhưng với họ bất kỳ sự đối xử thô bạo nào dành cho lá cờ đó cũng là bất nhẫn. Và điều này cũng không có gì là khó hiểu cả.
Những người Việt trong nước đã thức tỉnh và đang đấu tranh cho một Việt Nam tự do – dân chủ có thể dành cho cờ vàng một thiện cảm đặc biệt, với ý nghĩa nó là biểu tượng của một chính thể dân chủ từng tồn tại trên một nửa đất nước, hay biểu trưng của tự do, dân chủ và nhân quyền. Tuy nhiên, nếu nói rằng tất thảy họ đều yêu mến hay thậm chí tôn thờ lá cờ đó thì e là hơi khiên cưỡng, bởi một lẽ đơn giản là họ chưa từng một ngày được sống dưới màu cờ vàng.
Với không ít người Việt trong nước đã thức tỉnh, dù không chấp nhận cờ đỏ sao vàng, dù thậm chí còn coi nó là hiện thân của một tà thuyết, một tội ác khủng khiếp mà một nhóm thiểu số đã gây ra cho cả dân tộc, nhưng họ vẫn không thể nào dẫm đạp lên lá cờ ấy. Đơn giản, họ coi đó là hành động bất nhẫn đối với hàng triệu người Việt đã từng không chỉ tôn thờ mà còn chiến đấu và hy sinh vì lá cờ ấy, những người đã ngã xuống vì nó trước khi kịp nhận ra mình đã bị lừa mị bởi những kẻ bất lương.
Cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt là người Việt quốc gia vốn luôn tôn thờ cờ vàng ở Mỹ, Canada và Australia, đã làm được nhiều việc có ý nghĩa cho công cuộc giải thể cộng sản và dân chủ hóa đất nước. Họ đã tạo được áp lực đáng kể lên các nhà lập pháp sở tại để các quốc gia này đưa ra những chính sách buộc Hà Nội phải tôn trọng những quyền con người cơ bản đã được quy định trong Hiến pháp hay các công ước quốc tế mà CSVN đã ký kết. Ngoài ra, họ còn khích lệ và yểm trợ cả tinh thần lẫn vật chất cho những người đấu tranh trong nước vốn luôn phải đối mặt với đủ trò độc ác, hèn hạ của nhà cầm quyền.
Chế độ nào cũng có ngày thay đổi; một chính thể dân chủ hậu cộng sản rồi sẽ ra đời, với một lá quốc kỳ mới được toàn thể nhân dân lựa chọn. Để viễn cảnh đó sớm diễn ra, việc tập hợp và đoàn kết những người từng sống dưới những màu cờ khác nhau là một tiền đề hết sức quan trọng. Và để tiền đề đó trở thành hiện thực, việc thấu hiểu và chia sẻ tình cảm của mỗi người đối với cờ vàng hay cờ đỏ là một đòi hỏi tiên quyết.