Tin khắp nơi – 17/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 17/07/2017
Hoa Kỳ nói khu nhà ngoại giao Nga ở Maryland được phục vụ cho hoạt động gián điệp

Nga ép Mỹ về vụ thu giữ cơ sở ngoại giao

Nga đang gây sức ép đòi Hoa Kỳ cho tiếp cận hai cơ sở ngoại giao bị thu giữ tại Mỹ vào năm ngoái.

Người phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng việc đưa ra điều kiện trước để trả lại tài sản là không thể chấp nhận được. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mô tả động thái này là “cướp giữa ban ngày”.

Hồi tháng 12 Hoa Kỳ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa các cơ sở ngoại giao này vì nghi ngờ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.

Các quan chức Nga và Mỹ đang thảo luận việc này trong cuộc đàm phán cấp cao.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Thomas Shannon tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ở Washington.

Cuộc họp được lên lịch vào tháng Sáu tại St Petersburg, nhưng đã bị hủy sau khi chính phủ Hoa Kỳ đưa thêm tên 38 cá nhân và tổ chức vào danh sách trừng phạt về các hoạt động của Nga ở Ukraine.

Cựu phản gián Liên Xô ‘gặp con cả Trump’ 

Giấc mơ Mỹ của điệp viên KGB

Ông Peskov cho rằng chẳng có gì để thảo luận.

“Chúng tôi coi việc đưa điều kiện để trả lại tài sản ngoại giao là hoàn toàn không thể chấp nhận được, chúng tôi xem rằng các cơ sở này phải được trả mà không cần bất có kỳ điều kiện gì và bàn thảo nào,” ông nói.

Ông Lavrov nói rằng đây không phải là cách hành xử của người đàng hoàng.

Nga sẽ trả đũa nếu không đạt được thỏa hiệp tại cuộc họp giữa ông Ryabkov và ông Shannon, tờ báo Nga Izvestia đưa tin.

Khu nhà Killenworth, Long Island, New York của ngoại giao Nga có cây trồng bao quanhBản quyền hình ảnhAFP
Image captionKhu nhà Killenworth, Long Island, New York của ngoại giao Nga có cây trồng bao quanh

Tuần trước Nga cho biết họ đang cân nhắc “các biện pháp cụ thể” để trả đũa, bao gồm cả việc trục xuất 30 nhà ngoại giao Mỹ và thu giữ tài sản nhà nước của Mỹ.

Cựu Tổng thống Barack Obama đã hành động chống lại Nga sau khi các nguồn tình báo Mỹ cáo buộc mật vụ nhà nước của Nga xâm nhập vào máy tính của Đảng Dân chủ để phá hoại chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton.

Các biện pháp trừng phạt của ông Obama được thực hiện trong bối cảnh đã có biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt với Moscow vì vai trò của Nga trong cuộc xung đột Ukraine.

Nga cho biết Tổng thống Trump đã không đưa ra kế hoạch gì để giải quyết cuộc khủng hoảng khi chủ đề này được nêu ra tại cuộc họp G20 ở Hamburg vào ngày 7 tháng Bảy.

www.bbc.com/vietnamese/world-40639729

 

Venezuela: Một phụ nữ bị bắn chết trong cuộc trưng cầu dân ý

Một nữ y tá 61 tuổi bị bắn chết trong khi chờ bỏ phiếu tại cuộc trưng cầu dân ý không chính thức do phe đối lập tổ chức tại thủ đô Caracas, Venezuela.

Những người đàn ông chạy moto nã súng vào dòng người đang xếp hàng, giết chết bà và làm bị thương ba người khác.

Phe đối lập quy trách nhiệm cho một băng nhóm “bán quân sự”.

Venezuela: Trực thăng tấn công Tòa Tối cao

Biểu tình Venezuela: ba người bị giết

Video từ hiện trường cho thấy nhiều người tháo chạy khỏi hiện trường. Nhiều người chạy trốn đến một nhà thờ.

Venezuela đang trong tình trạng khủng hoảng, hơn 100 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ chính trị kể từ tháng 4/2017.

Carlos Ocariz, Phát ngôn viên của phe đối lập nói: “Chúng tôi rất đau lòng vì vụ nổ súng”.

Các công tố viên cho biết họ sẽ điều tra vụ việc, và danh tính của người phụ nữ được xác định là Xiomara Soledad Scott.

Bà chết vài phút sau khi được đưa vào bệnh viện.

Trong một diễn biến khác, nhà báo Luis Olavarrieta bị một nhóm người bắt cóc, cướp và hành hung. Ông trốn thoát được và hình ảnh cho thấy ông đang được chăm sóc y tế.

www.bbc.com/vietnamese/world-40579343 

 

Ấn, Nhật, Mỹ, Việt : Bốn nước ngáng chân Trung Quốc tại Biển Đông

Theo tác giả Ralph Jennings trên Forbes, một năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế La Haye, Trung Quốc lại càng thống trị Biển Đông hơn, bất chấp đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan. Đó là vì Trung Quốc bác bỏ phán quyết, nhưng đã tăng cường hợp tác kinh tế với một số nước để chắc chắn rằng không ai có thể gây phiền nhiễu.

Trung Quốc có quân đội đứng thứ ba thế giới và tổng sản phẩm nội địa thứ nhì thế giới, khiến khó thể đối phó với việc Bắc Kinh kiểm soát Biển Đông, đặc biệt đối với các quốc gia Đông Nam Á nhỏ yếu hơn. Nhưng không phải tất cả đều bó tay, mà theo nhà báo Ralph Jennings, có bốn quốc gia sau đây có thể tạt một gáo nước lạnh vào tham vọng kiểm soát vùng biển 3,5 triệu kilomet vuông giàu tài nguyên và mang tính chiến lược này.

1 – Ấn Độ

Ấn Độ không yêu sách chủ quyền Biển Đông, nhưng hy vọng ngăn chận được sự bành trướng của Trung Quốc. Quốc gia đồng minh của phương Tây với trang bị vũ khí hùng hậu, có hai khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc đã đưa ra chính sách Hướng Đông năm 2014 để cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á vốn đang tăng trưởng nhanh chóng. Giả sử rằng Ấn Độ có thể hành động về kinh tế, nhưng có thể còn hơn thế nữa.

Hồi tháng Năm, Ấn Độ đã triển khai một hệ thống cảnh báo sóng thần tại Biển Đông, mặc dù Trung Quốc đã cho vận hành một hệ thống như thế. Năm 2014, chi nhánh hải ngoại của tập đoàn nhà nước ONGC đạt được thỏa thuận với Việt Nam về việc khai thác một vùng biển chồng lấn với “đường lưỡi bò” do Bắc Kinh tự vẽ. Trung Quốc không phản đối hệ thống cảnh báo sóng thần của Ấn Độ, nhưng kém vui hơn về thỏa thuận dầu khí.

2 – Nhật Bản

Là đối trọng của Trung Quốc tại châu Á, Nhật Bản năm 2014 đã tặng cho Việt Nam sáu chiếc tàu và năm ngoái đã đồng ý cho Philippines thuê năm phi cơ quân sự. Đây chỉ là hai trong số những ví dụ về việc Tokyo hỗ trợ các nước có tranh chấp Biển Đông với Bắc Kinh.

Một số người coi Nhật Bản là một quốc gia được phương Tây ủy nhiệm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Từ ngày 1/5, chiếc tàu chở trực thăng Izumo của Nhật bắt đầu hộ tống một tàu tiếp liệu của Mỹ, và có thể hoạt động tại Biển Đông trong tháng Tám với những chuyến cập cảng và tập trận với Ấn Độ, Hoa Kỳ tại vịnh Bengal.

Trung Quốc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Tokyo quản lý, và rất lo lắng trước việc Nhật Bản tăng cường quân sự trong tương lai. Thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc hồi tháng Ba thông qua Tân Hoa Xã đã tuyên bố Nhật Bản không nên gây rắc rối trong khu vực.

3 – Hoa Kỳ

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho đến tháng Tư vẫn có một cách nhìn khác về sự bành trướng trên biển của Trung Quốc, với hy vọng Tập Cận Bình giúp được một tay trong việc ngăn chận Bắc Triều Tiên triển khai hỏa tiễn đạn đạo. Nhưng sự hợp tác này có vẻ không mang lại được kết quả, nên từ cuối tháng Năm Hải quân Mỹ đã lại tiến hành hai chuyến tuần tra vì tự do hàng hải trên Biển Đông, để chứng tỏ vùng biển này không phải là ao nhà của Trung Quốc. Bắc Kinh phản đối cả hai hoạt động hải hành này.

Hoa Kỳ không hề đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông, nhưng Bắc Kinh lo sợ vì nước Mỹ với thực lực quân sự hùng mạnh có thể dễ dàng thành lập các liên minh quân sự với các nước Đông Nam Á. Ví dụ chính là cuộc tuần tra hải quân chung với Philippines kể từ năm 2014.

4 – Việt Nam

Đây là quốc gia tranh chấp chủ quyền Biển Đông duy nhất có khả năng đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc, từ việc bồi đắp đảo nhân tạo cho đến quân sự hóa các đảo. Cũng như các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam giao thương nhiều với Trung Quốc với tổng giá trị trao đổi lên đến 95,8 tỉ đô la trong năm 2015.

Nhưng về cơ bản, Việt Nam không ưa Trung Quốc và không run sợ trước những cơn giận của người láng giềng khổng lồ, dù có quân đội nhỏ hơn. Có thể kể nhiều thế kỷ tranh chấp biên giới, trận chiến Hoàng Sa đẫm máu năm 1974 (nay quần đảo này do Trung Quốc kiểm soát), và sự đối đầu trên biển cách đây ba năm do Trung Quốc cho kéo một giàn khoan đến vùng biển Hoàng Sa. Việt Nam có thể trông cậy vào sự hỗ trợ của Ấn Độ và Nhật Bản nếu cần. Do vậy Việt Nam vẫn tiến hành xác quyết chủ quyền các đảo nhỏ của mình và khoan dầu tại các khu vực có thể bị dính vào “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc vẽ ra để yêu sách chủ quyền tại Biển Đông. Bắc Kinh rất bực tức – một tướng Trung Quốc đã bỏ ngang chuyến thăm Hà Nội vào tháng trước – nhưng Việt Nam có đủ quyết tâm và sự hỗ trợ để đương cự.

vi.rfi.fr/…/20170717-an-nhat-my-viet-bon-nuoc-ngang-chan-trung-quoc-tai-bien-do…

Việt Nam lôi kéo Ấn Độ vào Biển Đông

Theo Asia Times, Hà Nội mới đây đã mời gọi New Delhi đóng một vai trò quan trọng hơn tại vùng biển tranh chấp, nhấn mạnh mối quan tâm của cả đôi bên trước tham vọng của Trung Quốc.

Trong một động thái ý nghĩa về địa chính trị, Việt Nam đã chính thức đề nghị Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn tại Biển Đông. Một lời mời mà New Delhi dường như cũng sẵn sàng, với cái nhìn đầy lo ngại về phía Trung Quốc.

Đề nghị của Hà Nội được đưa ra vào tuần trước trong dịp Đối thoại New Delhi lần thứ 9, một cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa Ấn Độ và các nước ASEAN, nhằm tạo thế đối trọng trước sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh trên Biển Đông, mà không phá vỡ nền hòa bình mong manh hiện tại.

Việc Ấn Độ tham gia vào khu vực là phù hợp với chính sách đối ngoại « Hành động Phương Đông » của New Delhi, một nước cờ nhằm đóng vai trò rộng lớn hơn trong những vấn đề khu vực như cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo. Trong cuộc họp trên, Ấn Độ cho biết một sự cam kết mạnh mẽ hơn với ASEAN là phần quan trọng của chính sách này.

Một số nhà phân tích mô tả đây là một kiểu « xoay trục » của Ấn Độ, dành trọng tâm cho châu Á, như cựu tổng thống Mỹ Barack Obama trước đây muốn hướng về các nước ASEAN với việc bố trí 60% lực lượng hải và không quân Hoa Kỳ tại châu Á-Thái Bình Dương. Chính sách này được cho là nhằm đẩy mạnh cạnh tranh ảnh hưởng của Mỹ trước Trung Quốc, đặc biệt là tại Biển Đông.

Trong khi sự cam kết của chính quyền Donald Trump trong chính sách xoay trục vẫn đang bị nghi ngờ, do sự giảm sút những cuộc tuần tra vì tự do hàng hải từ khi ông Trump đắc cử tổng thống năm ngoái, tình hình địa chính trị khu vực luôn mang vẻ đa phương hơn là một cuộc song đấu để tranh giành quyền lực và ảnh hưởng.

Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tuyên bố trong cuộc họp : « ASEAN ủng hộ việc Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn về chính trị và an ninh. Chúng tôi hy vọng Ấn Độ sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ các nỗ lực của chúng tôi vì an ninh chiến lược và tự do hàng hải tại Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các thỏa thuận hợp pháp ».

Asia Times nhận xét, có ba động cơ chính đằng sau lời mời của Việt Nam đưa ra với Ấn Độ : tăng cường hợp tác song phương, thúc đẩy nhiều nước lớn tham gia vào thỏa thuận về trật tự dựa trên cơ sở luật pháp tại Biển Đông, và sự can thiệp mạnh mẽ hơn của Ấn Độ vào ASEAN – một nhóm nước khu vực mà Việt Nam được cho là có tiếng nói và mong muốn tăng thêm sức nặng để đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc trong nhóm này.

Đổi lại, Ấn Độ có được sự hỗ trợ ngoại giao cần thiết cho chính sách « Hành động phương Đông », phiên bản mới mở rộng hơn của chính sách « Hướng Đông » trước đây. Đồng thời, New Delhi cũng trở thành đối trọng trước tham vọng Trung Quốc trên Biển Đông, vào lúc Bắc Kinh đang hung hăng dòm ngó Ấn Độ Dương, thông qua các hải cảng mới trong vùng.

Việt Nam cũng ủng hộ ý định của Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chiếc ghế mà từ lâu New Delhi thèm muốn. Ấn Độ gần đây đã tăng cường hải quân ở vùng biển lân cận qua việc gởi chiến hạm đi qua eo biển Malacca, một nút giao thông hàng hải chiến lược mà đa số nhiên liệu và hàng hóa của Trung Quốc phải đi ngang qua.

Ân Độ có các lý do ngoại giao, chiến lược và kinh tế để hành động tích cực hơn trên Biển Đông. Mới đây Hà Nội đã gia hạn thêm hai năm cho tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh có thể tiếp tục hoạt động thăm dò ở lô 128 ngoài khơi bờ biển Việt Nam, có phần chồng lấn với đường lưỡi bò do Bắc Kinh tự vẽ (hợp đồng này lẽ ra kết thúc vào giữa tháng Sáu).

ONGC Videsh thăm dò các lô dầu trong khu vực từ năm 2006, và đã ký một thỏa thuận cùng khai thác với tập đoàn nhà nước PetroVietnam năm 2011, tuy nhiên đã bị ngưng lại vào năm 2012, mà theo công ty này là do các vấn đề vể « vận hành ». Người ta cho rằng một phần là do áp lực từ Trung Quốc.

Ân Độ đã công khai bày tỏ quan ngại về sự hiếu chiến trên Biển Đông, và năng lực hải quân đang gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc. Tư lệnh hải quân Ấn Độ D.K.Joshi hồi năm 2012 tuyên bố : « Việc hiện đại hóa hải quân Trung Quốc thực sự ấn tượng, hiện nay đây là mối quan ngại chủ yếu ». Ông đề nghị New Delhi phải bảo vệ chặt chẽ các tàu của ONGC khỏi sự can thiệp của Trung Quốc.

Từ đó đến nay, Ấn Độ quan sát kỹ càng những vụ Trung Quốc tấn công tàu đánh cá Việt Nam, quấy nhiễu các tàu thăm dò dầu khí tại Biển Đông. Cả New Delhi và Hà Nội đều ủng hộ mạnh mẽ sự cần thiết của các quy định và luật lệ về tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã nêu ra.

Ngoại trưởng Phạm Bình Minh cũng nói rằng ASEAN có thể học hỏi cách ứng xử của Ấn Độ về tranh chấp chủ quyền trên biển. Ông muốn nhắc đến vụ tranh chấp với Bangladesh trước Tòa Trọng tài Thường trực La Haye (PCA) trước đây, mà tòa án đã dành phần thắng cho Dhaka, và New Delhi chấp nhận.

Bắc Kinh thì ngang nhiên bác bỏ phán quyết Biển Đông của PCA hôm 13/07/2016, sau khi tòa công nhận các đòi hỏi của Philippines, tuyên đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc bao trùm lên hầu như toàn bộ Biển Đông là bất hợp pháp. Việt Nam cũng đã nghiên cứu nhưng cho đến nay vẫn do dự chưa muốn khởi kiện tương tự theo UNCLOS để chống lại các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, và giữ thái độ im lặng một cách kỳ lạ sau chiến thắng của Manila tháng Bảy năm ngoái.

Để chắc chắn, Việt Nam đề nghị nhiều quốc gia khác nhau đóng vai trò lớn hơn, hay ít nhất là ủng hộ về ngoại giao về Biển Đông. Cho đến nay chủ trương này đã thành công với các mức độ khác nhau. Một đề nghị tương tự với Hàn Quốc hồi đầu năm đã không mang lại kết quả như ý, về mặt hỗ trợ chiến lược.

Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ đều ủng hộ tự do hàng hải và việc tuần tra, được nhấn mạnh thêm bằng một cuộc tập trận hải quân Mỹ-Việt tuần trước tại cảng nước sâu Cam Ranh. Washington vẫn muốn thường xuyên ghé hải cảng chiến lược này – nơi một cảng quốc tế vừa mở cửa cho tàu Nga –  nhưng Hà Nội nói rõ là không dành độc quyền cho một nước nào.

Trong khi việc Hoa Kỳ rút lui khỏi khu vực không được Hà Nội hoan nghênh vì vẫn mong có được sự hiện diện hùng hậu của Mỹ bên cạnh, Việt Nam sẵn sàng cải thiện sự hợp tác với Ấn Độ, ưu tiên cho quan hệ với các nước lớn. Do Ấn Độ là một quốc gia không liên kết, Việt Nam tránh được việc phải nối kết với một nước nào khác.

Việt Nam và Ấn Độ đã lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm ngoái. Đây là cấp độ cao nhất, mà Hà Nội cũng đã lập với Trung Quốc và Nga. Quan hệ đối tác chiến lược đã trở thành phổ biến hơn tại châu Á trong những năm gần đây, và không phải lúc nào cũng có ý nghĩa, nhưng trong trường hợp Việt-Ấn lại có giá trị đích thực.

Cả hai nước đều là khách hàng truyền thống mua vũ khí của Nga, và Việt Nam vẫn thường xuyên mua lại các loại thiết bị quân sự đã qua sử dụng của Ấn Độ. Hiện nay đôi bên duy trì hoạt động tương tác mạnh mẽ qua việc mua các tàu ngầm Kilo của Nga, và nhiều lính tàu ngầm của Việt Nam được huấn luyện tại Ấn. New Delhi cung cấp nhiều thiết bị quân sự cho Hà Nội hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác, kể cả vệ tinh để giám sát vùng biển Việt Nam.

Ấn Độ đã bán các hỏa tiễn đất đối không Akash cho Việt Nam, là một phần của chương trình 500 triệu đô la dành cho kỹ nghệ quốc phòng năm ngoái. New Delhi cũng hứa hẹn giao các hỏa tiễn siêu thanh BrahMos có năng lực sát thương mãnh liệt hơn, có thể phóng đi từ tàu ngầm – một năng lực răn đe đáng ngại tại Biển Đông.Việc bán loại hỏa tiễn này khiến Bắc Kinh bực tức, nhưng một nền hòa bình tạm thời đang ngự trị trong khu vực.

Asia Times kết luận, việc Ấn Độ tham gia vào Biển Đông sẽ không giúp giải quyết được những tranh chấp đã có từ lâu, nhưng sự hiện diện của một cường quốc khác sẽ làm giảm bớt nguy cơ nước lớn hà hiếp nước nhỏ tại vùng biển chiến lược này.

vi.rfi.fr/viet-nam/20170717-viet-nam-loi-keo-an-do-vao-bien-dong

 

Trung Quốc nổi giận khi Mỹ hợp tác quân sự với Đài Loan

Trung Quốc phản đối việc Hạ Viện Liên Bang Hoa Kỳ đòi hỏi hành pháp Mỹ phải tăng cường hợp tác quân sự với Đài Loan.

Đề nghị này được Hạ Viện Mỹ thông qua hôm thứ Sáu tuần trước, trong đó viết rằng ngoài việc bán võ khí cho chính phủ Đài Bắc, Bộ Quốc Phòng Mỹ còn phải mở rộng chương trình huấn luyện và thao diễn quân sự với Đài Loan.

Hôm nay trong cuộc họp báo thường lệ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng Hoa Kỳ phải tôn trọng quy luật chỉ có một nước Trung Hoa mà Bắc Kinh là đại diện chính thức, cũng như đừng tìm cách can dự vào chuyện nội bộ của Hoa Lục.

Trong quá khứ, Bắc Kinh thường xuyên gọi chuyện Đài Loan là một vấn đề rất tế nhị, đòi hỏi Hoa Kỳ phải thận trọng, đừng để ảnh hưởng đến quan hệ song phương Mỹ-Trung.

Hồi tháng trước, Bắc Kinh cũng lên tiếng phản đối việc Hoa Kỳ đồng ý bán gần 1 tỷ rưỡi võ khí cho Đài Loan, nói rằng quyết định của Mỹ đi ngược lại những thỏa thuận mà Tổng Thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý với Chủ Tịch Tập Cận Bình khi hai ông gặp nhau ở thượng đỉnh diễn ra tại bang Florida của Mỹ hồi tháng Tư đầu năm nay.

www.rfa.org/…/cn-upset-ab-negative-tw-content-in-us-defence-bill-07172017131102.. 

 

Malaysia giải cứu nhiều phụ nữ Việt Nam bị ép hoạt động mại dâm

Cảnh sát bang Johor (Malaysia) đêm 15/7đã đột kích và giải cứu nhiều phụ nữ nước ngoài, trong đó có 28 phụ nữ Việt Nam là những nạn nhân bị bóc lột và khai thác tình dục tại một số cơ sở mátxa và giải trí ở thành phố Johor Bahru. Đây là một phần của chiến dịch Ops Noda, có nghĩa là quét sạch.

Theo người đứng đầu lực lượng cảnh sát điều tra hình sự bang Johor, Azman Ayub, cuộc đột kích lần đầu, cảnh sát giải cứu được 8 phụ nữ Việt Nam và 2 người Trung Quốc. Trong các cuộc đột kích tiếp theo, họ bắt giữ thêm 30 phụ nữ khác, trong đó có bảy người Thái Lan, 20 người Việt Nam và ba người Indonesia.

Ngoài ra, cảnh sát đã bắt giữ chín đối tượng điều hành các cơ sở kinh doanh mátxa và sử dụng lao động nước ngoài mà không có giấy phép hợp lệ và 17 khách hàng nam giới. Theo ông Azman, chính quyền Malaysia sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch này.

Malaysia bắt giữ một người Việt mang theo ngà voi trị giá lớn

Một người Việt Nam mang theo số ngà voi trị giá 70.000 USD (hơn 1,5 tỉ đồng) đã bị bắt tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia. AFP dẫn lời ông Hamzah Sundang, hải quan trưởng sân bay quốc tế Kuala Lumpur, cho biết người Việt Nam này đáp xuống Malaysia trên chuyến bay xuất phát từ Addis Ababa, Ethiopia. Theo lịch trình, tiếp theo người này sẽ bay về Việt Nam.

Người Việt này đã bị hải quan Malaysia bắt giữ vì có hành động khả nghi. Khi kiểm tra hành lý, hải quan Malaysia phát hiện 10 gói chứa ngà voi đã cắt nhỏ với tổng trọng lượng 36kg.

Người này đã bị bắt trong ngày 14-7 nhưng đến hôm nay 17-7 phía Malaysia mới công bố. Nhà chức trách Malaysia chỉ cho biết người này mang quốc tịch Việt Nam mà không cho biết thêm chi tiết.

Theo luật của Malaysia, nếu bị bắt khi vận chuyển động vật hoặc sản phẩm từ động vật hoang dã, sẽ bị phạt tù tối đa 3 năm và đóng tiền phạt.

www.rfa.org/vietnamese/…/malaysia-releases-many-vietnamese-women-forced-to-be-..

 

Iran kết án một nghiên cứu sinh người Mỹ gốc Hoa

Nghiên cứu sinh người Mỹ gốc Hoa bị kết án 10 năm tù tại Iran với cáo buộc “xâm nhập” lãnh thổ và đưa tài liệu mật ra nước ngoài là người vô tội, giáo sư cố vấn của anh tại đại học Princeton khẳng định ngày 17/7.

Trường Princeton nói họ hết sức bức xúc trước những cáo buộc đối với sinh viên Xiyue Wang trong khi anh đang nghiên cứu tại Iran. Trường cho biết đang làm việc với gia đình anh Wang, chính phủ Mỹ, các luật sư và những người khác để anh được trả tự do.

“Gia đình và nhà trường rất thất vọng về việc anh bị giam và hy vọng anh sẽ được trả tự do sau khi Tòa kháng cáo tại Tehran thụ lý vụ này,” trường đại học Princeton nói.

Ngành tư pháp Iran loan báo truy tố anh Wang trong một cuộc họp báo hôm 16/7. Trước đây không ai biết anh nằm trong số những công dân Mỹ bị giam tại Iran.

Một bài viết được đưa lên mạng Mizan cho biết anh Wang 37 tuổi sinh ra tại Bắc Kinh. Anh vào Iran trong tư cách một nhà nghiên cứu và thông thạo tiếng Iran.

Anh bị bắt hôm 8/8/2016 và bị cáo buộc đã sao chép khoảng 4.500 trang tài liệu kỹ thuật số và chuyển thông tin mật về Iran cho Bộ Ngoại giao Mỹ.

Giáo sư Stephen Kotkin, trường đại học Princeton, cố vấn luận án Tiến sĩ cho anh Wang nói anh ‘là một nghiên cứu sinh có khả năng đặc biệt về ngôn ngữ, anh vô tội đối với mọi cáo buộc.’

Giáo sư Kotkin nói những tài liệu anh Wang thu thập là những tài liệu cổ 100 năm và anh ‘thường chia sẻ với tôi là anh rất thích thú về sự tinh tế và sâu sắc của văn minh Ba Tư.”

Trong tuyên bố, trường đại học Princeton nói anh Wang bị bắt khi đang nghiên cứu về triều đại Qajar từ năm 1794 đến 1925 để làm luận án về lịch sử Âu-Á cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

https://www.voatiengviet.com/a/iran-ket-an-mot-nghien…sinh…hoa/3948016.html

 

Trung Quốc nổi đóa vì dự luật quốc phòng của Mỹ

Trung Quốc ngày 17/7 loan báo đã chính thức phản đối mạnh mẽ Hoa Kỳ sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật quốc phòng thường niên cho phép mở rộng trao đổi với lãnh thổ tự trị Đài Loan.

Bắc Kinh xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và chưa bao giờ từ bỏ ý định dùng võ lực để có được quyền kiểm soát Đài Loan.

Mỹ không có quan hệ chính thức với Đài Loan nhưng luật Mỹ quy định Washington có thể giúp Đài Loan tự vệ và Hoa Kỳ cũng là nguồn cung cấp võ khí chính yếu cho Đài Loan.

Dự luật của Hạ viện Mỹ được thông qua hôm thứ sáu cũng đề nghị mở rộng huấn luyện và tập trận với Đài Loan.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng, tuyên bố những ‘nội dung tiêu cực’ liên hệ tới Đài Loan đi ngược lại nguyên tắc một nước Trung Quốc một cách nghiêm trọng và can thiệp vào chuyện nội bộ của Bắc Kinh.

Trung Quốc cực lực phản đối bất kỳ hình thức liên lạc chính thống nào giữa quân đội Mỹ với quân đội Đài Loan, ông Lục nhấn mạnh.

“Chúng tôi thúc giục Mỹ nhận thức toàn diện những tác hại nghiêm trọng của các vế câu liên quan trong dự luật vừa thông qua và không để cho dự luật này thành luật, chớ quay ngược bánh xe lịch sử hầu tranh gây phương hại bức tranh hợp tác Mỹ-Trung rộng lớn hơn.”

Trung Quốc thường xem Đài Loan là vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất giữa Bắc Kinh với Washington.

Tháng rồi, Trung Quốc kêu gọi Mỹ hủy ngay lập tức “quyết định sai lầm” khi bán cho Đài Loan võ khí trị giá 1,42 tỷ đô la. Bắc Kinh nói hành động này đi ngược lại ‘sự đồng thuận’ mà Chủ tịch Tập Cận Bình đạt được với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các cuộc hội đàm hồi tháng tư ở Florida.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-noi-doa…quoc-phong…-/3947963.htm 

 

Venezuela trưng cầu dân ý, 98% chống TT Maduro

Hơn bảy triệu người Venezuela tham gia cuộc trưng cầu dân ý không chính thức do phe đối lập tổ chức hôm Chủ Nhật 16/7- có đến 98% bỏ phiếu để vô hiệu hóa chế độ cai trị của Tổng thống Nicolas Maduro, theo các học giả giám sát cuộc trưng cầu dân ý cho biết.

Cử tri trả lời ba câu hỏi và với tỷ lệ phiếu áp đảo, bác bỏ đề xuất thành lập cơ quan lập pháp cấp cao mới, kêu gọi quân đội bảo vệ hiến pháp hiện hữu, đồng thời ủng hộ việc tổ chức bầu cử trước khi ông Maduro kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2019.

Cử tri Dioinisio Espinoza ở thủ đô Caracas nói:

“Tôi đến đây vì lương tâm, trách nhiệm công dân thôi thúc. Và đây là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy người dân không hài lòng. Ở cấp độ quốc tế, ở bất kỳ quốc gia nào có quyền bầu cử, dù ai đang cầm quyền, thì quyền lực vẫn trong tay của người dân. Đây là sự thay đổi mà mọi người trông đợi, tất cả chúng tôi đến đây để thực hiện điều đó.”

Nhiều tay súng di chuyển trên xe gắn máy đã nổ súng vào một nhóm cử tri tại thủ đô Caracas khi họ bỏ phiếu hôm Chủ nhật, giết chết một phụ nữ khoảng 60 tuổi và làm bị thương 3 người khác.

Phe đối lập đổ lỗi cuộc tấn công bên ngoài nhà thờ ở một trong các quận nghèo của thủ đô Caracas, là do các thành phần “bán quân sự” ủng hộ chính quyền thực hiện. Một tuyên bố của phe đối lập nói họ cảm thấy “đau đớn” về vụ nổ súng này.

Việc năng lượng giảm giá trên toàn cầu cùng với nạn tham nhũng trong bộ máy chính quyền đã phá hủy nền kinh tế giàu tài nguyên dầu hỏa của Venezuela, khiến hàng triệu người phải chật vật xoay sở để thỏa đáng các nhu cầu căn bản. Khoảng 100 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra hầu như hàng ngày trong vài tháng qua.

Ông Maduro bác bỏ cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ nhật, ông nói cuộc biểu quyết này vi hiến và ông tiếp tục vận động ủng hộ cuộc bỏ phiếu ngày 30/7 sắp tới để thành lập một quốc hội có thẩm quyền viết lại hiến pháp và giải thể các cơ quan nhà nước.

Ông Maduro nói thay đổi hiến pháp là cách duy nhất để đưa Venezuela thoát cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội trầm trọng. Ông Maduro kêu gọi phe đối lập bắt đầu thực hiện một vòng hòa đàm mới.

Tuy nhiên, phe đối lập nói rằng quốc hội mới này sẽ được dàn xếp một cách gian lận để có lợi cho ông Maduro. Phe đối lập nói việc soạn lại hiến pháp không có ý nghĩa gì, đây chỉ là một âm mưu của ông Maduro để biến Venezuela thành một chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa và triệt tiêu những tiếng nói bất đồng.

https://www.voatiengviet.com/a/venezuela-trung…y-98…tt-maduro/3947562.html