Tin đọc nhanh – 16/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

(AFP) – Trung Quốc gây áp lực, phản đối Botswana tiếp Đạt Lai Lạt Ma. Trong một thông cáo do đại sứ quán Trung Quốc tại Gaborone, thủ đô Botswana, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cảnh Sảng, ngày 15/07/2017 khẳng định rõ lập trường của Bắc Kinh, phản đối mọi chuyến viếng thăm cũng như các cuộc gặp giữa Đạt Lai Lạt Ma với các quan chức Botswana. Cảnh báo này được đưa ra sau khi có thông báo đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm Botswana vào tháng 8 này.

(AFP) – Singapore: Biểu tình yêu cầu điều tra độc lập mâu thuẫn gia đình thủ tướng. Một cuộc biểu tình công khai đầu tiên, quy tụ hàng trăm người tham gia đã được phép tổ chức ngày hôm qua 15/07/2017, liên quan đến tranh cãi giữa thủ tướng Lý Hiển Long và hai người em của ông hôm 14/06 vừa qua. Những người này cáo buộc thủ tướng Singapore có tư tưởng gia đình trị và lạm dụng quyền hạn, xung quanh ước nguyện phá hủy ngôi nhà gia đình số 38 phố Oxley của người cha là cố thủ tướng Lý Quang Diệu.

(AFP) – Indonesia chặn truy cập một phần trang web của Telegram. Thông báo của Bộ thông tin Indonésia hôm thứ Sáu 14/07/2017 còn dọa cấm hoàn toàn dịch vụ nhắn tin Telegram vì cho rằng Telegram để nhiều tin nhắn có nội dung khuyến khích Hồi Giáo cực đoan và khủng bố, hoặc những hướng dẫn chế tạo bom.

(JAPAN TIMES NEWS) – Thị trưởng Hokkaido bị cấm đến những đảo có tranh chấp với Nga. Theo thông tin của bộ Ngoại Giao của Nhật Bản, Thị trưởng Nemuro Shunsuke Hasegawa không thể tham gia một chuyến khảo sát tiềm năng kinh tế kéo dài năm ngày (kết thúc vào ngày 01/07) trên những hòn đảo hiện do Matxcơva kiểm soát, nhưng Tokyo có tuyên bố chủ quyền. Nguyên nhân được cho là Nga trả đũa Nhật Bản tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây do sự can dự của Matxcơva vào cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014.

(AFP) – Nhật Bản: Di sản thế giới Okinoshima cấm khách thăm quan kể từ năm 2018. Thông báo này được giáo sĩ phụ trách đền thờ Thần Đạo Shinto đưa ra sau khi đảo Okinoshima, một trong những nơi linh thiêng nhất Nhật Bản được UNESCO xếp hạng di sản thế giới. Từ trước đến nay, mỗi năm đảo chỉ đón khách 1 ngày duy nhất và chỉ nam giới mới được đặt chân lên đảo sau khi làm lễ tẩy trần. Với quy định mới, chỉ có các giáo sĩ Thần Đạo Shinto và các nhà nghiên cứu bảo tồn mới được đặt trên lên đảo.

(RFI) – Tổ chức NGO báo động tình trạng đón tiếp người tị nạn “tồi tệ” trên các đảo Hy Lạp.Theo tổ chức Refugees International, hơn 14.000 người tị nạn, tập trung trên các đảo Hy Lạp hiện đang sống trong những điều kiện “thảm thương”: thiếu vệ sinh và các chăm sóc y tế. Những người này hiện không rõ có nằm trong danh sách bị trả về Thổ Nhĩ Kỳ hay không. Trong tình cảnh bi quan, ý định tự tử không phải là hiếm.

(REUTERS) –  Ngoại trưởng Pháp kêu gọi Qatar « xuống thang » trong vùng Vịnh. Theo phát biểu của ông Le Drian tại Doha ngày 15/07/2017, cuộc khủng hoảng này « không có lợi cho bên nào ». Qatar và Ả Rập Xê Út nên nhanh chóng gỡ bỏ các biện pháp ảnh hưởng đến dân chúng hai nước, đặc biệt là các gia đình mang hai quốc tịch và giới sinh viên. Sau Qatar, ngoại trưởng Le Drian tới Ả Rập Xê Út và trao đổi với đồng nhiệm Adel al Djoubeir.

(REUTERS) – 6 nước vùng Vịnh đề nghị FIFA loại Qatar khỏi World Cup 2022. Theo trang mạng The Local của Thụy Sĩ, 6 nước gồm Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrein, Yemen và Mauritanie đã viện dẫn điều 85 của luật bóng đá quốc tế để đưa ra yêu cầu trên với FIFA. Phát ngôn viên FIFA tại Zurich cho biết chưa nhận được thư đề nghị của sáu nước và không đưa bất cứ bình luận nào.

(AFP) – Trưng cầu ly khai của người Kurd ở Iraq chỉ là một chiến thuật chính trị. Theo lãnh đạo chính quyền người Kurdistan ở Iraq ngày 15/07/2017, ý định tổ chức cuộc trưng cầu đòi ly khai vào ngày 25 tháng 9 tới là nhằm để gây áp lực lên chính quyền Bagdad, tạo lợi thế đàm phán giải quyết các bất đồng về sắc tộc, các khu vực tự trị cũng như lợi ích kinh tế dầu mỏ.

Đại diện Tư Pháp Iran ngày 16/07/2017 không cho biết danh tính bị can, nhưng khẳng định người này hoạt động theo sự chỉ đạo trực tiếp từ Hoa Kỳ. Với tội danh này, bị cáo có nguy cơ lãnh án đến 10 năm tù giam, và có thể kháng án. Nhiều người nghi hoặc đây là ông Nizar Zakka, người Liban có quyền cư trú tại Mỹ. Ông Nizar đã bị bắt tại Iran vào tháng 9/2015 với tội danh gián điệp và âm mưu lật đổ chính quyền.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170716-tin-doc-nhanh-ok